Thực trạng và một số giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

ThS. Phạm Thu Hương (Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam)

Tóm tắt:

Hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam trong điều kiện hiện nay là hết sức cần thiết nhằm nâng cao dân chủ, góp phần xây dựng xã hội dân chủ, phát triển. Đảng và Nhà nước ta đang nỗ lực thực hiện đổi mới về tư duy, hành động, tổ chức trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Những hoạt động ấy đòi hỏi cần phải có sự giám sát, phản biện từ xã hội và nhân dân, mà đại diện là MTTQ Việt Nam. Bài viết tập trung nêu rõ thực trạng và đề xuất một số giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Từ khóa: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, công tác giám sát, phản biện xã hội, hiệu quả công việc.

 1. Đặt vấn đề

Vai trò giám sát, phản biện xã hội (GSPBXH) của MTTQ Việt Nam được nêu trong văn kiện của Đảng Cộng sản Việt Nam từ Đại hội X (năm 2006) đến nay. Văn kiện Đại hội XIII, Đảng tiếp tục khẳng định vai trò, yêu cầu nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam. Cụ thể hóa vai trò GSPBXH của MTTQ Việt Nam, ngày 12/12/2013, Bộ Chính trị đã ban hành “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội” (Quyết định số 217-QĐ/TW) và “Quy định về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền” (Quyết định số 218-QĐ/TW).

Đồng thời, được xác định trong các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, như: Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”, Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016, của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”;

Quyết định số 99-QĐ/TW, ngày 3/10/2017, của Ban Bí thư Trung ương Đảng về ban hành “Hướng dẫn khung để các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương tiếp tục phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” và Quy định số 124-QĐ/TW, ngày 2/2/2018, của Ban Bí thư Trung ương Đảng, về “Giám sát của MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên”.

Hiến pháp năm 2013, tại Khoản 1, Điều 9 quy định ''... Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội".

Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 2015 đã dành riêng 2 chương: Chương V gồm 7 điều (từ điều 25 đến điều 31) và Chương VI gồm 4 điều (từ điều 32 đến điều 36) quy định cụ thể nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam. Ngày 15/6/2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTƯMTTQVN quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam.

2. Thực trạng công tác phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam

Trong những năm qua, MTTQ Việt Nam đã chủ trì hoặc phối hợp với các các cơ quan, tổ chức của Đảng, Nhà nước triển khai nhiều chương trình, hoạt động giám sát; trong đó, tập trung vào giám sát việc các cơ quan nhà nước thực hiện chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước trên nhiều lĩnh vực và đã mang lại những kết quả đáng ghi nhận như: Thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng; Chính sách phát triển nông nghiệp, nông lâm và nông thôn, giảm nghèo bền vững; Thực hiện Luật Khoa học và công nghệ; Đổi mới giáo dục và đào tạo; Quản lý, sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp; Cải cách hành chính; Thuế và Hải quan…

MTTQ Việt Nam các cấp ở địa phương đã chủ trì và tham gia cùng các cơ quan, tổ chức giám sát nhiều nội dung quan trọng, liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. Theo báo cáo chưa đầy đủ trong 5 năm (2015-2020), Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp ở cơ sở đã chủ trì phối hợp giám sát được 531.411 cuộc; trong đó, cấp tỉnh: 7.821 cuộc; cấp huyện: 48.303 cuộc; cấp xã: 475.287 cuộc.

Công tác phản biện xã hội đã đạt kết quả bước đầu, MTTQ Việt Nam các cấp đã tích cực triển khai thực hiện phản biện xã hội, nhất là đối với các dự thảo văn bản của cơ quan nhà nước cùng cấp có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, quyền trách nhiệm của MTTQ Việt Nam. Qua đó, phát hiện những nội dung còn thiếu, chưa sát, chưa đúng, chưa phù hợp với thực tế cũng như với quy định của pháp luật và chủ trương của Đảng. Từ đó, có kiến nghị điều chỉnh, bổ sung những nội dung thiết thực, phù hợp, góp phần bảo đảm tính đúng đắn, phù hợp, đáp ứng với đòi hỏi thực tiễn và chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Trong 5 năm (2015-2020), Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức phản biện xã hội được 8 dự án Luật, chủ yếu bằng hình thức hội nghị phản biện xã hội. Theo báo cáo chưa đầy đủ trong 5 năm qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp ở cơ sở đã chủ trì tổ chức được 44.619 cuộc phản biện xã hội. Trong đó, MTTQ cấp tỉnh chủ trì phản biện xã hội được 2.166 cuộc; MTTQ cấp huyện chủ trì phản biện xã hội được .8.350 cuộc; MTTQ cấp xã chủ trì phản biện xã hội được 35.454 cuộc.

 Nhiều ý kiến phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và của các tổ chức thành viên đã được các cơ quan soạn thảo tiếp thu, đánh giá cao, đã và đang trở thành một kênh thông tin quan trọng, cần thiết giúp Đảng, Nhà nước khi xem xét, quyết định các vấn đề trong công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành đất nước. Hoạt động phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam các địa phương đã tạo điều kiện để các tầng lớp nhân dân phát huy quyền làm chủ trong việc tham gia vào quá trình xây dựng các chính sách, quy định và các đề án, dự án, chương trình của địa phương có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của nhân dân.

Tuy nhiên, công tác giám sát và phản biện xã hội còn một số hạn chế, như: nhiều nơi còn lúng túng trong lựa chọn nội dung giám sát và phản biện xã hội; chưa đưa ra được tiêu chí để lựa chọn nội dung phù hợp; kết quả giám sát và phản biện xã hội chưa đều, phản biện còn ít; một số nơi làm hình thức, thụ động... Những hạn chế này có những nguyên nhân do phạm vi giám sát và phản biện xã hội rộng, yêu cầu cao, trong khi nguồn lực con người và điều kiện vật chất của MTTQ Việt Nam có hạn; nhận thức của cán bộ Mặt trận và đối tượng được giám sát, của cấp ủy, chính quyền còn nhiều biểu hiện chưa đúng, chưa đầy đủ về nhiệm vụ này.

3. Một số đề xuất giải pháp

Trong thời gian tới, để MTTQ Việt Nam thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện cần nghiên cứu, giải quyết một số vấn đề sau:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của MTTQ Việt Nam cũng như chức năng giám sát, phản biện xã hội. Trong những năm gần đây, nhận thức của cấp ủy các cấp về vị trí, vai trò của MTTQ Việt Nam nói chung và về chức năng, nhiệm vụ GSPBXH của MTTQ nói riêng đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn cấp ủy chưa nhận thức đúng về MTTQ Việt Nam và vai trò GSPBXH của MTTQ Việt Nam.

Trong thực tế, vẫn còn địa phương coi MTTQ chỉ đóng vai trò tham gia, hưởng ứng các hoạt động của Đảng, Nhà nước, mà chưa thật sự là một chủ thể có tiếng nói đại diện cho nhân dân. Còn nhiều người, trong đó có cả những người làm việc trong các cơ quan công quyền vẫn chưa hiểu rõ về vị trí, vai trò, nhiệm vụ của MTTQ và cũng như chức năng GPBXH của MTTQ Việt Nam về quyền và trách nhiệm của mình khi thực hiện GSPBXH.

Do đó, cần tiếp tục nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp; tuyên truyền cho đảng viên, cán bộ, công chức và nhân dân hiểu, nhận thức rõ về vị trí, vai trò của MTTQ và vai trò giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam. Định kỳ nghe và góp ý kiến vào báo cáo kết quả giám sát, chỉ đạo UBND, các cơ quan thực hiện những kiến nghị của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội sau giám sát. Thật sự cầu thị, lắng nghe, có cơ chế tiếp thu ý kiến của MTTQ; quy định về việc tiếp xúc, đối thoại với nhân dân của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp; chủ động đề nghị MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội phản biện xã hội đối với các dự thảo nghị quyết quan trọng của cấp ủy.

Thứ hai, thời gian qua, các cơ quan có thẩm quyền đã tiến hành việc thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng cơ chế thực hiện chức năng giám sát, phản biện xã hội, nhưng nhìn chung vẫn chưa xây dựng được một cơ chế hữu hiệu để điều chỉnh hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực phản biện xã hội. Trong các văn bản pháp luật hiện hành vẫn thiếu những quy định cụ thể về trách nhiệm, chế tài từ phía Nhà nước, như: cung cấp thông tin, minh bạch hóa,… để các chủ thể của quyền lực xã hội có điều kiện giám sát, phản biện.

Những quy định vẫn chỉ nhấn mạnh phương thức, nội dung giám sát phản biện theo yêu cầu của đối tượng chịu sự giám sát phản biện, chưa tạo khuôn khổ pháp lý khuyến khích vai trò độc lập, chủ động, tích cực của các pháp nhân, tổ chức và cá nhân nên kết quả còn hạn chế.

Đơn cử như, Luật Phòng, chống tham nhũng mặc dù mới được sửa đổi năm 2019, nhưng một số vấn đề như: đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập; các loại tài sản, thu nhập phải kê khai; việc công khai bản kê khai tài sản, thu nhập; quyền tiếp cận của người dân và báo chí đối với bản kê khai tài sản, thu nhập; việc xác minh bản kê khai tài sản, thu nhập khi có khiếu nại, tố cáo,... vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu tham gia của người dân và của tổ chức MTTQVN vào công tác phòng, chống tham nhũng. Vì thế, việc hoàn thiện các quy định của Luật cần bảo đảm tính khả thi, sự thống nhất, đồng bộ giữa quy định trong các văn bản của Đảng và pháp luật của Nhà nước về hình thức, đối tượng, chủ thể, nội dung giám sát, phản biện xã hội.

Pháp luật tiếp tục cụ thể hóa những quy định về giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận trong Luật MTTQ Việt Nam và các văn bản quy phạm pháp luật khác, trong đó làm rõ về trách nhiệm của các chủ thể trong mối quan hệ giám sát, phản biện xã hội, cơ chế, hậu quả pháp lý, cũng như­ những điều kiện đảm bảo cho hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận. Bên cạnh đó, phải có quy định cụ thể, rõ ràng và minh bạch về trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền khi tiếp nhận ý kiến phản biện. Cần xác định rõ hơn, cụ thể hơn trách nhiệm của tổ chức và đảng viên, cán bộ, công chức đối với hoạt động giám sát, phản biện và cơ chế tiếp thu, thực hiện các kiến nghị, yêu cầu sau giám sát của MTTQ Việt Nam.

Thứ ba, hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam chỉ có thể phát huy hiệu quả tốt khi có sự phối hợp và thực hiện một cách đồng bộ với hoạt động của các cơ quan, tổ chức khác trong hệ thống chính trị. Trong công tác giám sát, cần tăng cường sự phối hợp, kết hợp giữa hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội với hoạt động kiểm tra, giám sát của Đảng và hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND các cấp.

Đối với Nhà nước và chính quyền các cấp, có chương trình phối hợp cụ thể hàng năm với MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp. Tạo điều kiện để MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện chức năng giám sát, phản biện xã hội của mình. Tiếp thu, trả lời kịp thời những kiến nghị của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Đảm bảo về kinh phí và hướng dẫn sử dụng kinh phí, bảo đảm các điều kiện vật chất cho hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Thứ tư, công tác giám sát và phản biện xã hội nhiều nơi còn khó khăn, hiệu quả thấp, còn lúng túng trong việc lựa chọn nội dung và cách thức tổ chức thực hiện; năng lực giám sát, phản biện của cán bộ Mặt trận, các đoàn thể, nhất là ở cơ sở còn hạn chế. Đáng chú ý, có địa phương tổ chức GSPBXH nhưng còn hình thức do né tránh những vấn đề nóng, phức tạp, ngại va chạm với các sở, ngành, dẫn đến hiệu quả GSPBXH chưa cao. Các hoạt động GSPBXH  đôi khi chỉ gói gọn trong nội bộ Ủy ban MTTQ mà chưa huy động và phát huy được sức mạnh tổng hợp của các tổ chức thành viên.

Ủy ban MTTQ Việt Nam với các tổ chức thành viên và giữa các tổ chức thành viên cần tăng cường hiệp thương, phối hợp hành động để thực hiện các nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam, trong đó có việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội. MTTQ Việt Nam cần tăng cường phối hợp  các tổ chức chính trị - xã hội với các cơ quan có chức năng giám sát, thanh tra, kiểm tra, xây dựng pháp luật để thực hiện quyền giám sát, phản biện xã hội của mình.

Trong phối hợp giám sát của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên, những vấn đề lớn liên quan đến quyền và nghĩa vụ đông đảo các tầng lớp nhân dân thì Ủy ban MTTQ Việt Nam giữ vai trò chủ trì, điều phối các tổ chức thành viên hữu quan cùng tham gia. Các vấn đề chuyên biệt liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của tổ chức chính trị - xã hội nào thì tổ chức đó tiến hành phản biện hoặc đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên khác cùng tham gia.

Từ thực tiễn đó, đòi hỏi MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cần phải chú trọng lựa chọn nội dung giám sát, phản biện, tập trung vào các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến người dân; những vấn đề nhân dân có nhiều bức xúc, kiến nghị, phản ánh. MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cần phát huy các hình thức giám sát, phản biện xã hội. Trong công tác giám sát cần nghiên cứu, xem xét các văn bản liên quan đến hoạt động, nội dung giám sát; tổ chức đoàn giám sát. Trong công tác phản biện xã hội cần tổ chức hội nghị phản biện xã hội; gửi dự thảo văn bản phản biện đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để lấy ý kiến phản biện xã hội; hay tổ chức đối thoại trực tiếp giữa MTTQ Việt Nam với cơ quan, hoặc tổ chức có dự thảo văn bản được phản biện xã hội.

Thứ năm, cần phải xây dựng lực lượng cán bộ có năng lực chuyên môn, bản lĩnh chính trị; thu hút sự tham gia của lực lượng chuyên gia để thực hiện nhiệm vụ GSPGXH. Cấp ủy các cấp cần quan tâm kiện toàn tổ chức, bố trí cán bộ có năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị cho MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội để có đủ khả năng thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội. MTTQ Việt Nam cần có các biện pháp nâng cao trình độ đội ngũ lãnh đạo MTTQ Việt Nam các cấp, có chính sách quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng và thu hút cán bộ có năng lực, trình độ, phẩm chất, đạo đức, nắm và hiểu được nguyện vọng chính đáng, hợp lý của dân và có đủ năng lực phản biện

Tăng cường hoạt động giám sát của nhân dân phải được tiến hành đồng thời với việc tăng cường hoạt động giám sát của các cơ quan có chức năng kiểm tra, thanh tra, giám sát thuộc bộ máy đảng và nhà nước. Cụ thể, tăng cường sự phối hợp, kết hợp giữa hoạt động giám sát của nhân dân, thông qua hoạt động của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên cũng như của Ban thanh tra nhân dân, với hoạt động thanh tra của Thanh tra Chính phủ, hoạt động kiểm tra của Đảng và hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội.

Đặc biệt, cần chú trọng việc phối hợp giữa hoạt động giám sát của nhân dân với hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội. Bởi vì, hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội là hoạt động giám sát mang tính quyền lực nhà nước cao nhất, và do vậy, khi được kết hợp với hoạt động giám sát trực tiếp của nhân dân (giám sát mang tính xã hội), sẽ tạo ra một cơ chế pháp lý bảo đảm cho hoạt động giám sát của nhân dân được tiến hành có hiệu quả trên thực tế.

Thứ sáu, sớm ban hành Luật Hoạt động giám sát của nhân dân. Hiện nay, trong hệ thống pháp luật Việt Nam có rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật ở nhiều thứ bậc khác nhau có quy định về quyền giám sát của MTTQ Việt Nam và nhân dân, nhưng còn quá ít văn bản quy định các chế tài đủ mạnh để thực thi các quyền đó. Với các quy định hiện hành, không phải ở đâu, lúc nào, MTTQ cũng có thể đại diện cho nhân dân để giám sát, kiến nghị với chính quyền và các cơ quan chức năng, nhất là những nơi phức tạp, “điểm nóng”… Vì thế, rất cần nghiên cứu để sớm ban hành một đạo luật, đó là “Luật Hoạt động giám sát của nhân dân”, theo đó:

(1) Luật này sẽ cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về giám sát của nhân dân đối với hoạt động của các tổ chức Đảng và đảng viên; thể chế hóa đầy đủ “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQVN và các tổ chức chính trị - xã hội” do Bộ Chính trị ban hành; Pháp điển hóa tất cả các quy định trong các luật hiện hành về giám sát của nhân dân, của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên Mặt trận và luật hóa các văn bản dưới luật đã được thực hiện ổn định trong thực tiễn.

(2) Luật này sẽ quy định những nội dung chủ yếu: Quy định về Đảng "gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình"; Về trách nhiệm của đảng viên, nhất là người đứng đầu trong việc ra các quyết định có liên quan đến quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, đến việc ban hành và tổ chức thực hiện các chương trình kinh tế - xã hội…; Về trình tự, thủ tục, chế tài thực hiện quyền giám sát của nhân dân (trực tiếp hoặc thông qua tổ chức MTTQ Việt Nam) đối với các tổ chức Đảng và đảng viên.

(3) Quy định đầy đủ thẩm quyền, thủ tục, trình tự thực hiện quyền giám sát của nhân dân, của MTTQ Việt Nam và các TCTV của Mặt trận cũng như hậu quả pháp lý của việc giám sát.

(4) Quy định cụ thể việc MTTQ Việt Nam được thay mặt nhân dân, đại diện cho nhân dân trong hoạt động giám sát (vấn đề gì thì Ủy ban MTTQ Việt Nam thực hiện, vấn đề gì thì do tổ chức thành viên của Mặt trận thực hiện). Quy định cơ chế để người dân “ủy quyền” cho tổ chức Mặt trận giám sát, đồng thời chủ động tham gia với Mặt trận trong hoạt động giám sát.

(5)  Quy định cụ thể hơn về chế tài giám sát theo hướng, bên cạnh các chế tài hiện hành, cần có quy định để nhân dân thông qua tổ chức Mặt trận “lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội và HĐND bầu hoặc phê chuẩn; về vấn đề cử tri trực tiếp bãi nhiệm ĐBQH, đại biểu HĐND khi không còn tín nhiệm với cử tri và nhân dân”…

(6) Quy định cụ thể về sự tham gia của các cơ quan báo chí vào hoạt động giám sát của nhân dân và MTTQ Việt Nam.

Thứ bảy, cần tiếp tục nghiên cứu xây dựng Dự án Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở (thay thế cho Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn). Việc nghiên cứu xây dựng Luật Thực hiện dân chủ cơ sở trong điều kiện hiện nay là rất cần thiết, nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền dân chủ của nhân dân; đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật và giải quyết kịp thời những hạn chế, bất cập trong thực tiễn thi hành Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11.

Trên cơ sở đó tập trung 5 nhóm chính sách cụ thể: (1) Mở rộng phạm vi các thông tin chính quyền cấp xã phải công khai rộng rãi. (2) Đa dạng hóa các hình thức công khai thông tin của chính quyền cấp xã. (3) Trách nhiệm giải trình của chính quyền cấp xã trong quá trình ban hành các quyết định hành chính bất lợi cho công dân hoặc liên quan đến lợi ích của cộng đồng. (4) Tăng cường các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở. (5) Phân định rõ trách nhiệm của các chủ thể trong việc tổ chức thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở.

4. Kết luận

Quá trình đổi mới sau 35 năm đã tác động tích cực làm thay đổi to lớn, toàn diện về mọi mặt ở nước ta. Đời sống nhân dân được nâng cao, người dân đã được làm chủ, làm việc theo pháp luật, được bày tỏ chính kiến, được chất vấn, giám sát, phản biện xã hội trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật của các cơ quan Đảng và Nhà nước. Người dân mong muốn có quyền làm chủ được thực hiện một cách thực chất, hiệu quả hơn và cần có những hình thức, biện pháp cụ thể để kiểm soát việc thực thi quyền lực. Hoạt động giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam trong điều kiện hiện nay là hết sức cần thiết, nhằm nâng cao dân chủ, góp phần xây dựng xã hội dân chủ, phát triển.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2006), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  4. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
  5. Quốc hội (2013), Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2013, NXB Lao động - Xã hội, Hà Nội.
  6. Quốc hội (2015), Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015.
  7. Bộ Chính trị (2013), Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội.
  8. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (2020), Số 259/BC-MTTW-BTT, ngày 18/12/2020, Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Luật MTTQ Việt Nam, Hà Nội.

   

Current situation and solutions to enhance the quality and the effectiveness of social criticism and oversight of the Vietnam Fatherland Front

Master. Pham Thu Huong

Commissioner, Vietnam Fatherland Front Central Committee

Abstract:

In the current conditions, social criticism and oversight of the Vietnam Fatherland Front are necessary activities in order to promote democracy in Vietnam, contributing to  the development of a democratic and developed society. The Communist Party of Vietnam and the Government of Vietnam are making efforts to have innovative thinking, action and organization in all areas of social life. It is essential to have social criticism and oversight over these activities from Vietnamese people and society represented by the Vietnam Fatherland Front. This paper clarifies the current social criticism and oversight of the Vietnam Fatherland Front, thereby proposing some solutions to enhance the quality and the effectiveness of these works.

Keywords: Vietnam Fatherland Front, supervision, social criticism, work performance.