TÓM TẮT:
Tại bài viết này tác giả mạnh dạn đưa ra một số giải pháp và kiến nghị nhằm hoàn thiện hơn về công tác quản lý nguồn lực xã hội tham gia vào các sự kiện tại TP. Hồ Chí Minh trong thời gian sắp tới một cách chặt chẽ, bài bản và theo đúng quy định phù hợp với chính sách, văn bản của Nhà nước trong công tác quản lý văn hóa nghệ thuật đúng với các quy định nhà nước ban hành.
Từ khóa: quản lý nhà nước, nguồn lực xã hội, quản lý nguồn lực xã hội.
1. Cơ sở khoa học để đưa ra các giải pháp quản lý nhà nước về nguồn lực xã hội tham gia các sự kiện
1.1. Cơ sở pháp lý để đưa ra các giải pháp quản lý nhà nước về nguồn lực xã hội tham gia các sự kiện
Hiện nay, các hoạt động tài trợ, xã hội hóa các nguồn lực đối với các chương trình tổ chức sự kiện nói riêng và các hoạt động khác nói chung được xây dựng tương đối đồng bộ, bao gồm: Luật Quảng cáo, Luật Thương mại, Luật Di sản văn hóa, các Luật chuyên ngành khác và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đến nguồn lực xã hội những văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành. Qua đó, hệ thống pháp luật về tài trợ, xã hội hóa nguồn lực ở nước ta đã hình thành và điều chỉnh toàn bộ các nguồn lực xã hội tham gia hoạt động tài trợ, xã hội hóa các hoạt động trong chương trình sự kiện do Sở Văn hóa và Thể thao TP. Hồ Chí Minh quản lý nhà nước về nguồn lực xã hội như nguồn tài lực, nguồn trí lực và nguồn vật lực của TP. Hồ Chí Minh.
1.2. Cơ sở thực tiễn để đưa ra các giải pháp quản lý nhà nước về nguồn lực xã hội tham gia các sự kiện
Sở Văn hóa và Thể thao TP. Hồ Chí Minh thường xuyên lập các kế hoạch chi tiết, cụ thể đối với các hoạt động sự kiện của Thành phố qua từng năm, từng ngành, từng lĩnh vực, nhằm phát huy tiềm năng trí tuệ và vật chất trong nhân dân, huy động toàn xã hội đẩy mạnh công tác quản lý, hoàn thiện chính sách, tăng cường nguồn lực đầu tư; đổi mới mục tiêu, phương thức, cơ cấu và nguồn vốn đầu tư.
Chính sách thu hút các nguồn lực xã hội bao gồm nguồn lực tài chính từ các thành phần kinh tế tham gia các hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, tạo điều kiện cho lĩnh vực hoạt động nghệ thuật phát triển, nâng cao mức hưởng thụ của nhân dân, trên cơ sở tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và công tác quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực nghệ thuật.
Nguồn tài chính cần phải kết hợp hơn nữa trong việc vận động và tìm tài trợ từ các nguồn lực xã hội về vật chất, nguồn lực vật chất từ các cá nhân, doanh nghiệp, và các tổ chức có hệ thống cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động tổ chức sự kiện như: địa điểm, cơ sở lưu trú, dịch vụ ăn uống, hệ thống âm thanh ánh sáng và trang thiết bị phục vụ cho các chương trình sự kiện lớn, nhỏ của Sở tổ chức và sự đầu tư về ánh sáng đèn điện đường phù hợp với thuần phong mỹ tục và đô thị.
Nguồn trí lực chính là nguồn nhân lực con người. Vì mỗi sự kiện yêu cầu một đội ngũ nhân lực rất lớn để tổ chức bao gồm người quản lý, vận hành, biểu diễn, diễn viên, đạo diễn, nhân viên hậu cần, hậu đài, ca sĩ, người mẫu,... Do đó, các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức ủng hộ, sẵn sàng tham gia các sự kiện của Sở tổ chức là một nguồn lực trí tuệ rất lớn và là sự sống còn của mỗi chương trình sự kiện. Cần phải có kế hoạch cụ thể để vận động các cơ quan, tổ chức, cá nhân sẽ ủng hộ và cùng sát cánh với Sở thực hiện tốt các chương trình sự kiện.
1.3. Cơ sở dự báo để đưa ra các giải pháp về quản lý nhà nước về nguồn lực xã hội tham gia các sự kiện
Trong những năm sắp tới từ nay đến năm 2030, mục tiêu phát triển các sự kiện chính trị, ngoại giao, văn hóa nghệ thuật, lễ hội, thể dục thể thao, và các sự kiện hoạt động khác cần có một nguồn lực xã hội lớn, góp sức vào thực hiện các sự kiện được tốt hơn, cần tăng cường sự hỗ trợ đầu tư từ Nhà nước; đẩy mạnh huy động mọi nguồn lực công tác xã hội hóa lễ hội, sự kiện hóa và thể thao đảm bảo chủ động đầu tư kinh phí và có hướng kết hợp xã hội hóa tốt.
Công tác quản lý nguồn lực xã hội từ các chương trình sự kiện do Sở Văn hóa và Thể thao đứng ra tổ chức cần phải được thực hiện tốt, phải quản lý cả về mặt nội dung sự kiện, về tài chính, cơ sở vật chất, con người, để từ đó các sự kiện đi vào nề nếp sẽ giữ được bản sắc văn hóa của dân tộc, tạo được không khí lễ hội thực sự văn minh, an toàn, tiết kiệm, hiệu quả và thiết thực trong cuộc sống hàng ngày của người dân. Mặt khác, cần đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các ngành chức năng trong công tác tổ chức sự kiện văn hóa nghệ thuật, sự kiện lễ hội, sự kiện văn hóa và thể thao tiêu biểu của TP. Hồ Chí Minh, giai đoạn 2020 - 2030 sao cho có sự đồng thuận của đông đảo công chúng và phù hợp với chủ trương của Đảng, chiến lược phát triển văn hóa của Thành phố.
2. Các nhóm giải pháp cụ thể đối với hoạt động quản lý nguồn lực xã hội tham gia các sự kiện do Sở Văn hóa và Thể thao TP. Hồ Chí Minh tổ chức
2.1. Giải pháp hoàn thiện văn bản pháp luật về quản lý nguồn lực xã hội tham gia các sự kiện
Để quản lý tốt nguồn lực xã hội tham gia các sự kiện do Sở Văn hóa và Thể thao TP. Hồ Chí Minh quản lý cần phải thực hiện tốt các văn bản pháp luật sau: Luật Di sản văn hóa; Luật Tín ngưỡng Tôn giáo; Quy chế hoạt động dịch vụ văn hóa công cộng có nội dung tổ chức lễ hội; Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo, các Chỉ thị của Ban Bí thư về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội cũng như của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý, tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm; Các Thông tư liên tịch giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc Hướng dẫn bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di tích; các Quyết định của Ủy ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh về ban hành “Kế hoạch thực hiện Chương trình nâng cao chất lượng, phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu, nhân tài lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao của TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 - 2020” và Quyết định của Ủy ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh về phê duyệt Đề án “Xây dựng TP. Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025”.
2.2. Giải pháp bộ máy quản lý nhà nước về quản lý nguồn lực xã hội tham gia các sự kiện
Sở Văn hóa và Thể thao thành phố nên có một bộ phận nhân sự chuyên môn sâu cả về văn hóa nghệ thuật và thể thao để chịu trách nhiệm chuyên trách quản lý tất cả các sự kiện liên quan đến văn hóa, thể thao, nghệ thuật và những sự kiện chính trị ngoại giao của Sở tổ chức hoặc của Ủy ban nhân dân thành phố giao cho Sở chịu trách nhiệm tổ chức và chủ trì:
- Xác định có cần phải thành lập một bộ phận chuyên chịu trách nhiệm tổ chức các sự kiện văn hóa và thể thao để tổ chức các sự kiện liên quan đến văn hóa và thể thao cho toàn thành phố. Vì khi có một bộ phận chuyên trách, các thành viên trong nhóm dễ dàng trong việc phân công trách nhiệm, quyền hạn và nghĩa vụ của các thành viên theo từng chuyên môn, nghiệp vụ của họ.
- Công tác và quy trình và tiêu chuẩn tuyển dụng các ứng cử viên phải rõ ràng, cụ thể, cả về mặt chuyên môn, ngoại hình và khả năng ngoại giao với đối tác. Trước khi tuyển dụng phải thông báo công khai trên các phương tiện truyền thông, tại cơ quan, và các phương tiện khác hoặc được thuyên chuyển công tác từ các vị trí, đơn vị cấp tương đương về bộ phận Sở Văn hóa và Thể thao đảm nhận những vị trí và vai trò cấp tương đương ở đơn vị cũ.
- Hoặc, Sở cần có chính sách luân chuyển cán bộ từ các phòng Văn hóa và Thông tin quận huyện, hoặc Trung tâm văn hóa và Thể thao thành phố, quận huyện đã có nhiều năm kinh nghiệm đảm nhận công việc tổ chức các chương trình sự kiện chính trị, văn hóa, thể thao và các hội thi hội diễn về Sở nhằm tăng thêm đội ngũ nhân lực đông về số lượng và giỏi về chất lượng.
2.3. Giải pháp về quản lý nội dung chương trình sự kiện đối với quản lý nguồn lực xã hội tham gia các sự kiện
Mỗi chương trình sự kiện đều được Sở Văn hóa và Thể thao TP. Hồ Chí Minh quản lý về mặt nội dung, hình thức, thủ tục hành chính có đúng với quy trình tổ chức, kiểm duyệt và phê chuẩn của các cơ quan, ban ngành liên quan đồng ý tổ chức và kêu gọi tài trợ của các chương trình sự kiện do Sở tổ chức cả về văn hóa, nghệ thuật và thể thao.
Đối với nội dung các sự kiện về chính trị, ngoại giao, ngày lễ lớn mang tầm quốc gia và quốc tế, văn hóa - nghệ thuật và lễ hội, văn hóa và lễ hội, thể dục thể thao... Ban lãnh đạo Sở thực hiện theo sự chỉ đạo của UBND Thành phố và Thành ủy, hoặc từ Ban Tuyên giáo Thành ủy yêu cầu nội dung kịch bản phải đúng với tôn chỉ, mục đích và mục tiêu của sự kiện. Mỗi sự kiện đều phải có nội dung phù hợp với mục tiêu, chủ đề, bố cục và các hình thức tổ chức, cũng như phải đảm bảo về nguồn lực xã hội để tổ chức sự kiện phù hợp với chủ đề làm ảnh hưởng đến công tác quản lý nguồn lực xã hội được vận động từ các tổ chức, cá nhân, và doanh nghiệp hỗ trợ cả về mặt tài chính, trí lực và vật lực để sự kiện đạt được hiệu quả nhất.
2.4. Giải pháp về quản lý nhà nước các đối tượng hưởng thụ nguồn lực xã hội tham gia các sự kiện
Công chúng là những người trực tiếp thưởng thức các nội dung sự kiện từ lễ hội, thể thao, văn hóa, văn nghệ, ngoại giao, chính trị, xã hội, và cả các sự kiện mang tính giải trí khác. Họ là những người tiêu dùng các sản phẩm văn hóa, thể thao tinh thần. Họ là những người được hưởng thụ thành quả của những người làm ra các sản phẩm văn hóa tinh thần, nhưng họ lại là những người khó tính khi xét nét từng chi tiết cụ thể dù nhỏ nhất của mỗi sự kiện. Họ không quan tâm nhiều đến lý do tại sao lại có nhiều nguồn lực xã hội hóa hỗ trợ và giúp đỡ như nguồn lực nhân lực, nguồn lực vật lực và nguồn lực tài lực mà họ chỉ quan tâm đến chương trình sự kiện đó có đạt được chất lượng mà họ mong muốn hay không.
Công chúng là một phần góp nên sự thành công của bất cứ một sự kiện nào, sự kiện lớn hoặc nhỏ đều được công chúng xem và nhận xét đánh giá những mặt tích cực và tiêu cực, những mặt được và chưa được, những điểm khiếm khuyết cũng như nội trội của sự kiện. Công chúng được xem là những người mua hàng khó tính, mặc dù nhiều chương trình sự kiện họ không bỏ tiền ra mua sản phẩm.
2.5. Giải pháp về quyền lợi của các nhà tài trợ và chính sách hỗ trợ quản lý nhà nước về quản lý nguồn lực xã hội tham gia các sự kiện
Cần có chính sách phù hợp đối với các nhà tài trợ về cả vật chất, tài chính và nhân lực đối với các sự kiện của thành phố trong thời gian qua và sắp tới, như:
- Gắn bảng, biển hiệu quảng cáo nơi tổ chức sự kiện, tùy theo sự kiện chính trị, ngoại giao, văn hóa - nghệ thuật, thể thao, kinh tế hoặc các sự kiện khác.
- Treo lô gô công ty trên sân khấu sự kiện và các khoảng trống khác tùy theo mỗi sự kiện.
- Được đăng hình ảnh của đơn vị trên các phương tiện truyền thông đại chúng trong quá trình tổ chức sự kiện bằng nhiều hình thức quảng cáo và xứng tên trên bảng vàng.
- Tham dự các chương trình họp báo giới thiệu sự kiện có xứng tên của đơn vị tài trợ cả về nhân lực, tài lực và trí lực.
- Lên sân khấu được nhận giấy khen hoặc kỷ niệm chương do cơ quan quản lý nhà nước trao tặng cho đơn vị đã có thành tích, công sức đóng góp vào sự kiện.
- Đối với một số nhãn hàng có thể cho tham gia bán sản phẩm tại nơi tổ chức sự kiện nhằm quảng bá sản phẩm, thu hồi vốn từ sản phẩm được bán tại nơi diễn ra sự kiện.
2.6. Giải pháp về nguồn nhân lực từ nguồn lực xã hội tham gia các sự kiện
Yếu tố nguồn nhân lực từ nguồn lực xã hội để tham gia các sự kiện hiện nay được xem là yếu tố quan trọng, điều kiện tiên quyết cấu thành một tổ chức, một công ty, một doanh nghiệp, một chương trình sự kiện thành công. Nguồn nhân lực trong mỗi sự kiện đòi hỏi người tổ chức sự kiện phải có cơ sở kiến thức lý luận và phương pháp chuyên nghiệp. Do đó, yêu cầu cần phải đào tạo một đội ngũ chuyên gia tổ chức sự kiện vừa giỏi lý luận vừa có kỹ năng, trình độ chuyên môn cao và cần có sự quan tâm hơn nữa về việc đào tạo chính quy chuyên ngành này tại các trường cao đẳng, đại học trong cả nước. Tuy nhiên, hiện nay, việc đào tạo nguồn nhân lực tổ chức sự kiện còn rất hạn chế.
Quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý, chuyên môn, nghiệp, có kinh nghiệm thực tiễn, hiểu về quản lý tổ chức hoạt động lễ hội, dần tạo phong cách chuyên nghiệp trong lĩnh vực lễ hội, sự kiện.
2.7. Giải pháp về công tác quản lý nguồn tài chính từ nguồn lực xã hội tham gia các sự kiện
Đối với các sự kiện mang tính chất đặc biệt, ngoài nguồn tài chính được cấp từ nguồn ngân sách nhà nước, rất cần khoản tiền lớn để tổ chức các sự kiện đạt chất lượng từ các doanh nghiệp, cá nhân cả về vật chất lẫn tài chính. Do đó, cần phải xây dựng cơ chế chính sách phân bổ một phần nguồn vốn của Nhà nước, một phần nguồn vốn địa phương và huy động nguồn lực xã hội, đầu tư vào việc phát triển các loại hình lễ hội, sự kiện và loại hình văn hóa dân gian phục vụ phát triển văn hóa gắn với du lịch, dựa vào nguyên tắc đầu tư cho lễ hội, sự kiện phải phát huy và thu hút được người dân và du khách tham gia, từ đó phát triển kinh tế, lấy nguồn thu từ du lịch tái đầu tư cho các hoạt động lễ hội, sự kiện.
2.8. Giải pháp về cơ sở vật chất - kỹ thuật phục vụ nguồn lực xã hội tham gia các sự kiện
Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố cần phối hợp với các đơn vị cơ quan quản lý nhà nước về hợp tác cơ sở vật chất sẵn có là các trung tâm văn hóa và thể thao các quận, huyện, các nhà hát, nhà thi đấu và sân vận động để tổ chức các sự kiện văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao phù hợp với đối tượng, hạng mục sự kiện tổ chức. Đây là nguồn lực vật chất, cơ sở vật chất tốt nhất và sẵn có phù hợp với các loại hình sự kiện từ thể thao đến văn hóa và các sự kiện xã hội khác. Mặt khác, Sở Văn hóa và Thể thao cần phải xây dựng một trung tâm tổ chức sự kiện đa năng cả về văn hóa - nghệ thuật - thể thao - kinh tế - triển lãm phục vụ cùng một thời điểm với nhiều loại hình sự kiện khác nhau, xứng với trung tâm kinh tế văn hóa, xã hội, ngoại giao, chính trị của cả nước trong thời gian tới.
2.9. Giải pháp về thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật đối với hoạt động quản lý nguồn lực xã hội tham gia các sự kiện
Tăng cường công tác phối hợp thanh tra giữa các cấp, ban ngành.
Công tác quản lý nhà nước về nguồn lực xã hội qua các chương trình tổ chức sự kiện tại TP. Hồ Chí Minh luôn là một trong những nhiệm vụ được Thành ủy, HĐND, UBND và Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố quan tâm. Cụ thể là:
Xây dựng và nghiêm túc triển khai quy chế phối hợp trong công tác quản lý các nguồn lực xã hội đối với các chương trình tổ chức sự kiện do Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố tổ chức với các Sở, ban ngành và các đơn vị. Phối hợp với các cơ quan chức năng trong công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện; tăng cường phối hợp giữa các Ban, ngành trong hoạt động cấp phép, thanh tra, kiểm tra; quy định rõ ràng trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong công tác hậu kiểm.
Phối hợp với các cơ quan ban ngành, tham mưu cho UBND Thành phố, Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố các chính sách, kế hoạch phát triển, huy động tài trợ nguồn lực xã hội hóa (Tài lực - Trí lực - Vật lực) từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố nói chung và địa bàn các quận nói riêng.
Công tác phối hợp trong quản lý nguồn lực xã hội phải được thực hiện đồng bộ giữa Sở Văn hóa và Thể thao với UBND Thành phố, UBND quận, huyện, giữa Phòng Quản lý đô thị trên địa bàn các quận được hoạt động và đi vào nề nếp.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm
Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm được coi là nhiệm vụ quan trọng trong quản lý nguồn lực xã hội (Tài lực - Trí lực - Vật lực) sau mỗi sự kiện tổ chức nhằm góp phần đưa hoạt động này phát triển và định hướng trong khuôn khổ của pháp luật. Công tác quản lý nguồn lực xã hội (Tài lực - Trí lực - Vật lực) của các chương trình tổ chức sự kiện do Sở Văn hóa và Thể thao thành phố vẫn chưa được các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và cá nhân thực sự quan tâm. Công tác này ở một số khâu, bộ phận thanh tra Sở còn buông lỏng, yếu về chuyên môn và kinh nghiệm; việc kiểm tra, xử lý sai phạm và cưỡng chế, không cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp tiếp tục tài trợ nhân lực - trí lực - tài lực đối với các sự kiện ảnh hưởng đến uy tín, đạo đức, trách nhiệm và ngoại giao, cần phải tháo gỡ gặp nhiều khó khăn do lực lượng thanh tra mỏng; đồng thời thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành chức năng và kinh phí đầu tư cho công tác này còn hạn chế.
Sở Văn hóa và Thể thao thành phố cũng như các cơ quan, ban ngành thành phố cần phải có chế tài pháp lý nghiêm ngặt nhằm răn đe đối với các cá nhân, doanh nghiệp không thực hiện đúng văn bản ký kết về tài trợ vật lực, trí lực và tài lực cho các cơ quan nhà nước, ảnh hưởng đến kinh tế, uy tín của cơ quan quản lý nhà nước (Sở Văn hóa và Thể thao) với các tổ chức, cá nhân mà Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố ký kết hợp đồng thuê mướn với mức giá cụ thể và thanh toán theo mức giá thỏa thuận. Đồng thời, Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố cần phải tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật có liên quan để cá nhân, tổ chức hiểu được lợi ích của hoạt động nguồn lực xã hội đối với việc đóng góp tổ chức các chương trình sự kiện theo khuôn khổ của pháp luật, tránh hiện tượng cam kết tài trợ tài chính nhưng lại không chuyển tiền cho cơ quan nhà nước theo thỏa thuận ban đầu.
3. Một số kiến nghị đối với công tác quản lý nhà nước về quản lý nguồn lực xã hội tham gia các sự kiện do Sở Văn hóa và Thể thao TP. Hồ Chí Minh tổ chức
3.1. Đối với Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh
Ủy ban nhân dân thành phố cần biên soạn và bổ sung vào các văn bản pháp quy về công tác quản lý nguồn lực xã hội (Tài lực - Trí lực - Vật lực), cũng như các văn bản, chính sách chế tài, tài liệu về những quy định, điều khoản có liên quan đến công tác quản lý nguồn lực xã hội (Tài lực - Trí lực - Vật lực) cụ thể đối với việc hỗ trợ, tài trợ, ủng hộ và thực hiện đúng và đủ các quy định đã đưa ra. Nếu các doanh nghiệp đã ký văn bản cam kết thông qua các hợp đồng tài trợ, hỗ trợ bằng hiện vật, tài chính, nhân lực phải cụ thể chi tiết về thời gian thực hiện hoàn thành, nếu không thực hiện đúng sẽ phải xử lý theo đúng pháp luật.
Ủy ban nhân dân thành phố đưa ra các văn bản pháp quy cụ thể đối với các chương trình sự kiện có sự hỗ trợ của các cá nhân, tổ chức tài trợ về tài chính, nhân sự, cơ sở vật chất và trang thiết bị kỹ thuật đối với các sự kiện do Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức. Đồng thời, cần có văn bản yêu cầu các cơ quan ban, ngành hỗ trợ và cùng phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao thành phố thực hiện các sự kiện một cách hiệu quả và tốt nhất.
3.2. Đối với Sở Văn hóa và Thể thao TP. Hồ Chí Minh
Sở Văn hóa và Thể thao thành phố không ngừng tuyên truyền, giáo dục xúc tiến quảng bá các giá trị văn hóa và lễ hội, sự kiện nhằm xây dựng hình ảnh thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời phải đưa ra các hạng mục nội dung của các sự kiện thông qua huy động các nguồn lực xã hội về cơ sở vật chất, khoa học kỹ thuật nhằm ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại trong sáng tạo, sản xuất, phổ biến và nâng cao chất lượng dịch vụ văn hóa; nội dung, phương thức hoạt động của các ngành văn hóa (đặc biệt là lễ hội và sự kiện) gắn với ứng dụng khoa học và công nghệ hiện đại, chuỗi sản phẩm, dịch vụ của lĩnh vực văn hóa.
Mỗi sự kiện cần phải có nguồn tài chính từ ngân sách nhà nước, cũng như nguồn tài chính từ các đơn vị sự nghiệp, và các chương trình sự kiện phải có thu là một trong những chủ trương lớn trong lĩnh vực tài chính. Việc thực hiện cơ chế tự chủ giúp nâng cao chất lượng dịch vụ về chất lượng dịch vụ và mức thu phí.
Trong quá trình thực hiện sự kiện cần có những chính sách, văn bản kịp thời để thúc đẩy bổ sung, điều chỉnh chế độ đãi ngộ, công tác phí cho cán bộ văn hóa, cán bộ làm công tác quản lý nguồn lực xã hội, nhất là đội ngũ cán bộ chuyên môn hiện nay.
3.3. Đối với các nhà tài trợ các nguồn lực xã hội
Đẩy mạnh chủ trương phát triển xã hội hóa trong lĩnh vực thể thao giải trí; đầu tư ban đầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị dụng cụ cho một số mô hình thể thao giải trí đang phát triển tại Thành phố; khuyến khích các đơn vị xã hội hóa thể dục thể thao phối hợp trong việc phát triển thể thao thành tích cao của Thành phố.
Các đơn vị tài trợ cần phải chủ động hơn nữa trong việc tuân thủ, thi hành và thực thi các quy định về nguồn lực xã hội hóa (vật lực - trí lực và tài lực) theo đúng quy định sau mỗi sự kiện phải thanh quyết toán các khoản tài trợ, hỗ trợ cho đơn vị quản lý nhà nước thanh quyết toán theo đúng chế độ và quy định của Nhà nước, tránh những sai lầm không đáng có.
Quản lý nguồn lực xã hội tham gia các sự kiện do Sở Văn hóa và Thể thao TP. Hồ Chí Minh tổ chức đóng vai trò quan trọng trong mỗi chương trình sự kiện. Để thực hiện tốt các sự kiện, đòi hỏi ngoài sự chủ trương, chính sách rất cần nguồn lực từ xã hội tham gia vào sự kiện bao gồm nguồn Vật lực - Tài lực - Trí lực để sự kiện hoạt động tốt nhất. Tuy nhiên, những mặt tiêu cực của nguồn lực xã hội (tài lực) từ phía các doanh nghiệp tài trợ đối với chương trình sự kiện thường không thực hiện đúng cam kết như ban đầu, tài chính thường trì trệ đôi khi không thực hiện thanh quyết toán theo như ban đầu, dẫn đến Sở Văn hóa và Thể thao thành phố khó hạch toán, dẫn đến nợ tài chính đối với các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia thực hiện các chương trình sự kiện do Sở mời và thuê mướn.
Công tác quản lý nhà nước về quản lý nguồn lực (Tài lực - Trí lực - Vật lực) hiện nay vẫn còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, chưa có văn bản pháp quy chế tài cụ thể, thường là những văn bản mang tính chất thỏa thuận, ít ràng buộc tính pháp lý do bên tài trợ tự nguyện tài trợ dẫn đến đơn vị hành chính sự nghiệp là đơn vị nhận tài trợ khó khăn trong việc chế tài, vì không phải là đơn vị kinh doanh nên đòi hỏi các nhà quản lý phải triển khai đồng bộ qua các công cụ và cách thức quản lý theo các nguyên tắc nhằm tạo sự thống nhất đồng bộ trong công tác quản lý nguồn lực xã hội. Yếu tố quan trọng và mang tính quyết định chính là vai trò tiên phong của cán bộ quản lý phòng Quản lý sự kiện và lễ hội thuộc Sở Văn hóa và Thể thao cùng với các phòng ban khác thuộc các Sở, Ban, Ngành thuộc thành phố quản lý nhằm cùng các cơ quan, đơn vị liên quan tháo gỡ mọi vướng mắc, tạo điều kiện quản lý tốt nguồn lực xã hội tham gia các chương trình sự kiện do Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố quản lý và tổ chức.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Cao Đức Hải (Chủ biên), (2010), Giáo trình quản lý Lễ hội và Sự kiện, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
- Nguyễn Thị Anh Quyên, Ngô Ánh, Hồng, Đỗ Thị Thanh Thủy (2009), Giáo trình gây quỹ và tìm nhà tài trợ cho tổ các tổ chức văn hóa nghệ thuật, NXB. Đại học Quốc gia Hà Nội, HN. tr.10 - 11).
- Russell Willis Taylor. (2003). Fundraising for museums and the Arts. United Kingdom: Museums & Galleries Commission.
- Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh (2020), Báo cáo tổng kết hoạt động và xu hướng hoạt động năm 2015, 2016, 2017, 2018, 2019, 2020.
- www. afpnet.org
- svhtt.hochiminhcity.gov.vn
- www. hochiminhcity.gov.vn
Some solutions to improve the social resources management in events holding by the Ho Chi Minh City Department of Culture and Sports
Ha Quoc Cuong
Ho Chi Minh City Department of Culture and Sports
ABSTRACT:
This paper proposes some solutions and recommendations to improve the management of Ho Chi Minh City in social resources which contribute to the city’s events with a strict and professional manner in accordance with the government’s policies and regulations.
Keywords: state management, social resources, social resources management.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 3, tháng 2 năm 2021]