TÓM TẮT:
Bài viết này tập trung phân tích các đặc điểm của công tác thi đua, khen thưởng trong ngành Công Thương. Dưới sự quản lý nhà nước của Bộ Công Thương, công tác thi đua, khen thưởng trong ngành được thực hiện bằng hệ thống thể chế, thiết chế theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng và phù hợp với phạm vi quản lý nhà nước đa ngành đa lĩnh vực của Bộ Công Thương. Từ đó đã tạo được sự thống nhất và sức mạnh để thi đua, khen thưởng trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển của ngành, động viên được đông đảo các tổ chức, cá nhân, các cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Công Thương hăng hái tham gia, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Từ khóa: thi đua, khen thưởng, phong trào thi đua, ngành Công Thương.
1. Vị trí, vai trò của công tác thi đua, khen thưởng
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng và toàn diện hiện nay, công tác thi đua, khen thưởng ngày càng có vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển ngành Công Thương. Việc nhận thức đúng vị trí, vai trò, đặc điểm cũng như những yêu cầu đặt ra đối với công tác thi đua, khen thưởng có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng của ngành.
Chỉ thị số 35/CT - TW ngày 03/6/1998 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác thi đua, khen thưởng trong giai đoạn mới đã chỉ rõ: “Làm rõ vị trí, vai trò quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn cách mạng mới”. Trong giai đoạn hiện nay, trước những thời cơ và thách thức vô cùng to lớn, công tác thi đua, khen thưởng càng có vị trí, vai trò hết sức quan trọng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Thi đua, khen thưởng là động lực phát triển và là biện pháp quan trọng để xây dựng con người mới”. Thi đua, khen thưởng là động lực thúc đẩy mạnh mẽ các phong trào cách mạng, phát huy sức mạnh tổng hợp, động viên, cổ vũ mọi tầng lớp nhân dân thi đua lao động sản xuất, học tập, chiến đấu góp phần to lớn vào công cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc.
Thi đua, khen thưởng là biện pháp cần thiết để xây dựng con người mới, phát triển toàn diện. Thi đua, khen thưởng có nhiệm vụ phát huy mọi nguồn lực, góp phần nâng cao năng lực và trình độ khoa học công nghệ, gắn với việc nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển đất nước.
Thi đua, khen thưởng là một công cụ để quản lý nhà nước. Việc tổ chức các phong trào thi đua, thu hút, động viên đông đảo cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tham gia, cùng với đó, việc phát hiện, nêu gương, khen thưởng các điển hình tiên tiến là một trong những nội dung quan trọng của hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực thi đua, khen thưởng.
Thi đua, khen thưởng là một lĩnh vực hoạt động rộng lớn, tác động đến số lượng lớn tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị xã hội tham gia các phong trào thi đua. Thi đua là đòn bẩy mạnh mẽ của tiến bộ kinh tế xã hội. Chức năng chủ yếu của thi đua là nâng cao hiệu suất trong sản xuất kinh doanh và các hoạt động khác của đời sống xã hội. Vì vậy, thi đua, khen thưởng có vai trò hết sức quan trọng trong ngành Công Thương. Nhận thức rõ vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng, vai trò quản lý nhà nước của Bộ Công Thương đối với hoạt động thi đua, khen thưởng thì mới có được sự thống nhất, tạo được sức mạnh để thi đua, khen thưởng trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển của ngành.
2. Đặc điểm của công tác thi đua, khen thưởng trong ngành Công Thương
Căn cứ Nghị định số 98/2017/NĐ - CP ngày 18/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công nghiệp và thương mại, bao gồm các ngành và lĩnh vực: Điện, than, dầu khí, năng lượng mới, năng lượng tái tạo, hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp, công nghiệp cơ khí, luyện kim, công nghiệp khai thác mỏ và chế biến khoáng sản, công nghiệp tiêu dùng, công nghiệp thực phẩm, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp môi trường, công nghiệp công nghệ cao; cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, khuyến công; thương mại trong nước; xuất nhập khẩu, thương mại biên giới; phát triển thị trường ngoài nước; quản lý thị trường; xúc tiến thương mại; thương mại điện tử; dịch vụ thương mại; hội nhập kinh tế quốc tế; cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, phòng vệ thương mại; các dịch vụ công trong các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.
Với vị trí, chức năng của Bộ Công Thương cho thấy, là Bộ kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực với phạm vi quản lý nhà nước bao phủ toàn bộ nền kinh tế, bao gồm các mảng lớn như: công nghiệp, thương mại, năng lượng,... Từ đó, dẫn đến tính đặc thù của công tác thi đua, khen thưởng trong ngành Công Thương là rất rộng, bao phủ toàn bộ nền kinh tế, tất cả các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, dịch vụ, thương mại, xuất nhập khẩu. Bên cạnh đó, là các lĩnh vực mang tính đặc thù rất cao như: Đàm phán ký kết các hiệp định thương mại; Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng; Chống bán phá giá; Thương mại điện tử,...
Đối tượng thi đua, khen thưởng trong ngành Công Thương bao gồm toàn bộ các tổ chức và cá nhân thuộc sự quản lý nhà nước của Bộ Công Thương. Như vậy, về cơ bản, đối tượng thi đua, khen thưởng trong ngành Công Thương gồm 2 thành phần: đối tượng trực thuộc Bộ Công Thương và đối tượng thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương, trong đó, đối tượng thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương rất rộng, bao phủ tất cả các thành phần kinh tế.
Xét từ góc độ thi đua, khen thưởng là một lĩnh vực trong đời sống xã hội thì công tác thi đua, khen thưởng trong ngành Công Thương vừa mang những đặc điểm cơ bản chung, vừa mang những đặc thù riêng. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, thi đua, khen thưởng trong ngành Công Thương là một lĩnh vực hoạt động xã hội có tổ chức dưới sự quản lý nhà nước của Bộ Công Thương. Quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng của Bộ Công Thương là sự tác động, điều chỉnh thường xuyên của Bộ Công Thương đối với hoạt động thi đua, khen thưởng để các hoạt động đó diễn ra theo quy định của pháp luật, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành Công Thương.
Thứ hai, công tác thi đua, khen thưởng trong ngành Công Thương được thực hiện bằng hệ thống thể chế theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng. Hệ thống văn bản pháp luật là công cụ quan trọng nhất để Nhà nước quản lý xã hội nói chung và quản lý thi đua, khen thưởng nói riêng. Đối với công tác thi đua, khen thưởng của ngành Công Thương, các văn bản đó là sự thể hiện, cụ thể hóa quan điểm, đường lối của Đảng về công tác thi đua, khen thưởng nói chung và công tác thi đua, khen thưởng của ngành Công Thương nói riêng. Văn bản pháp luật tạo nên hành lang pháp lý cho các tổ chức, cơ quan, đơn vị và các cá nhân trong ngành Công Thương phát huy lòng sáng tạo, nhiệt tình, hăng hái tham gia thi đua và được nhận những kết quả, phần thưởng xứng đáng; hành lang đó tạo sự thống nhất về công tác thi đua, khen thưởng của ngành Công Thương, từ Trung ương đến địa phương.
Thứ ba, việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn thi đua, khen thưởng trong ngành Công Thương phải phù hợp với phạm vi quản lý nhà nước đa ngành, đa lĩnh vực của Bộ Công Thương. Bộ Công Thương là một Bộ quản lý nhà nước đa ngành, đa lĩnh vực, do đó, căn cứ vào chức năng quản lý nhà nước của Bộ, công tác thi đua, khen thưởng phải thực hiện được sự quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực, ngành nghề thuộc ngành Công Thương. Việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn thi đua, khen thưởng phù hợp với phạm vi quản lý nhà nước đa ngành, đa lĩnh vực của Bộ Công Thương nhằm tạo hành lang pháp lý cho công tác thi đua, khen thưởng được thực hiện theo đúng chức năng, nhiệm vụ và điều kiện thực tế của ngành, làm cho công tác thi đua, khen thưởng phát huy được tối đa sự ảnh hưởng, tác động tích cực tới hoạt động phát triển của ngành Công Thương, góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Thứ tư, công tác thi đua, khen thưởng trong ngành Công Thương được thực hiện thông qua tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng của Bộ Công Thương. Nguồn lực để thực hiện công tác thi đua, khen thưởng trong ngành Công Thương bao gồm: nguồn lực con người làm công tác thi đua, khen thưởng và nguồn lực tài chính cho hoạt động thi đua, khen thưởng.
- Nguồn nhân lực: bao gồm Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Bộ Công Thương và Hội đồng Sáng kiến Bộ Công Thương, là các cơ quan do Bộ trưởng Bộ Công Thương thành lập; Hội đồng Thi đua - Khen thưởng cơ sở và Hội đồng Sáng kiến cơ sở, là các cơ quan do Thủ trưởng các đơn vị cơ sở thuộc Bộ Công Thương có tư cách pháp nhân ra quyết định thành lập. Nguồn nhân lực làm công tác thi đua, khen thưởng trong ngành Công Thương còn bao gồm đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác thi đua, khen thưởng chuyên trách và không chuyên trách tại Phòng Thi đua - Khen thưởng thuộc Văn phòng Bộ và các phòng/ban/văn phòng ở các đơn vị trong ngành Công Thương.
- Nguồn lực tài chính: Ngân sách Nhà nước đảm bảo kinh phí hoạt động cho các đơn vị chuyên trách thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng và đảm bảo kinh phí cho công tác khen thưởng với tất cả các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng theo luật định. Bên cạnh đó, các đơn vị trong ngành Công Thương được phép trích lập quỹ thi đua, khen thưởng của từng đơn vị được dùng cho các công tác thi đua, khen thưởng đặc thù, chuyên đề của từng đơn vị, trong từng năm theo quy định của pháp luật.
Thứ năm, các phong trào thi đua trong ngành Công Thương phải gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành, của cơ quan, đơn vị cơ sở trong ngành và có nội dung cụ thể, thiết thực.
Nội dung thi đua phải bám sát nhiệm vụ chính trị của ngành trong từng giai đoạn cụ thể, phù hợp với thực tế yêu cầu của thời kỳ đổi mới và của ngành. Việc xác định nội dung và chỉ tiêu thi đua phải đảm bảo khoa học, thực tiễn và có tính khả thi.
Nội dung tổ chức các phong trào thi đua và bình xét khen thưởng ở các đơn vị cơ sở trong ngành Công Thương gắn chặt với đặc thù nghề nghiệp của từng lĩnh vực, ngành nghề và tình hình thực tiễn của mỗi đơn vị trong từng giai đoạn lịch sử cụ thể. Bởi cùng trong ngành Công Thương song mỗi lĩnh vực, ngành nghề, đơn vị có sự khác nhau về chức năng nhiệm vụ, đặc điểm, tính chất, đối tượng, phạm vi,… Vì vậy, ngoài quy định chung của ngành Công Thương, mỗi ngành nghề, đơn vị có thể có những quy định, quy chế về tổ chức thi đua riêng, hướng dẫn khen thưởng riêng, nhưng vẫn phải tuân thủ các quy định chung của Luật Thi đua, khen thưởng và các quy định của ngành Công Thương. Các phong trào thi đua cụ thể và công tác biểu dương khen thưởng ở mỗi lĩnh vực, ngành nghề, đơn vị cũng khác nhau và vô cùng đa dạng về cách thức thể hiện, nhưng vẫn phải bám sát nội dung các phong trào thi đua do Đảng, Chính phủ phát động cũng như các phong trào thi đua do Bộ Công Thương tổ chức triển khai.
Thứ sáu, thi đua, khen thưởng là hoạt động rộng lớn, diễn ra ở hầu khắp tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, từ kinh tế, văn hóa, thể thao, giáo dục, y tế, đến quốc phòng, an ninh…; được triển khai ở tất cả các Bộ, ngành, các cấp, các địa phương; và rất phong phú, đa dạng về hình thức, biện pháp thi đua. Do đó, mục tiêu, hình thức, biện pháp thi đua, khen thưởng cần điều chỉnh để phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn lịch sử cụ thể của đất nước nói chung, phù hợp với ngành Công Thương nói riêng.
Thứ bảy, thi đua là hoạt động có tổ chức với sự tham gia tự nguyện của đông đảo các tổ chức, cá nhân trong ngành Công Thương, phấn đấu đạt được những thành tích tốt nhất trong lao động sản xuất kinh doanh. Thông qua các phong trào thi đua nhằm phát huy nội lực của mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong toàn ngành, góp phần vào sự nghiệp phát triển ngành Công Thương và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Kết quả thi đua cần có sự đánh giá đúng, khách quan, có thưởng phạt kịp thời để động viên, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong toàn ngành cũng như mọi tầng lớp trong xã hội tham gia vào phong trào thi đua.
Thứ tám, công tác khen thưởng trong ngành Công Thương phải đảm bảo tính nêu gương, giáo dục, được cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành và dư luận xã hội đồng tình. Khen thưởng phải đi vào thực chất, khắc phục bệnh thành tích, tính hình thức, cào bằng; chú trọng hướng tới các tập thể, cá nhân ở cơ sở, hướng đến đối tượng là người lao động trực tiếp. Khen thưởng phải kịp thời, đúng thành tích, đúng đối tượng, nhằm ghi nhận, tôn vinh, biểu dương các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc và nhân rộng điển hình tiên tiến trong ngành Công Thương, tạo ra động lực tinh thần và vật chất, động viên cổ vũ kịp thời, khích lệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong toàn ngành hăng hái tham gia thi đua lao động sản xuất.
Đất nước ta đang trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Công tác thi đua, khen thưởng của ngành Công Thương phải dựa trên quan điểm của Đảng, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời phải phù hợp với yêu cầu của thời kỳ đổi mới, xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế và phải đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành Công Thương.
Trong bối cảnh hiện nay, thi đua, khen thưởng ngày càng có vai trò và tác dụng to lớn trong sự nghiệp phát triển ngành Công Thương nói riêng, sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước nói chung. Là một bộ phận quan trọng của bộ máy nhà nước, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công nghiệp và thương mại, Bộ Công Thương đã phát huy vai trò của thi đua, khen thưởng, góp phần vào những thành tựu chung của ngành trong công cuộc đổi mới và phát triển đất nước. Công tác thi đua, khen thưởng của ngành đã mang lại hiệu quả thiết thực. Thi đua, khen thưởng thực sự đã trở thành động lực phát triển và là biện pháp quan trọng để động viên, khích lệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong toàn ngành, tham gia vào các phong trào thi đua, phát huy năng lực sáng tạo trong lao động sản xuất, góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của ngành.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Đảng Cộng sản Việt Nam (1998), Chỉ thị số 35 - CT/TW ngày 03/6/1998 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác thi đua, khen thưởng trong giai đoạn mới.
- Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương (2011), Đảng, Bác Hồ với thi đua yêu nước và công tác thi đua, khen thưởng, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội.
- Bộ Công Thương (2020), Ngành Công Thương với phong trào thi đua yêu nước, Nxb Công Thương, Hà Nội.
- Trần Thị Hà (chủ nhiệm, 2013), Cơ sở lý luận và thực tiễn đổi mới thi đua, khen thưởng trong giai đoạn hiện nay, Đề tài khoa học độc lập cấp Nhà nước, Viện Khoa học Tổ chức Nhà nước.
- Đỗ Thúy Phượng (2010), Hoàn thiện pháp luật về thi đua, khen thưởng ở Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội.
SOME ISSUES RELATING TO THE EMULATION
AND COMMENDATION ACTIVITIES
OF THE INDUSTRY AND TRADE SECTOR
• Master. LE HOANG SON
Ministry Office, Ministry of Industry and Trade
ABSTRACT:
This paper analyzes the characteristics of emulation and commendation activities of the Industry and Trade sector. Under the Ministry of Industry and Trade’s direction and state management, the emulation and commendation activities in the Industry and Trade sector have been managed and guided by a system of regulations and institutions in accordance with the Law on Emulation and Commendation. These regulations and institutions are also based on the characteristics of the Industry and Trade sector. These regulations and institutions have facilitated emulation and commendation activities, encouraged a large number of organizations, individuals, cadres, civil servants and public employees to take part in commendation activities, contributing to the development of Industry and Trade sector in particular and the country’s socio-economic development in general.
Keywords: emulation, commendation, emulation movement, Industry and Trade sector.