Pháp luật thi đua, khen thưởng ở Việt Nam hiện nay

ThS. NGUYỄN THẾ ANH (Viện Quyền con người - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Nằm trong tổng thể hệ thống pháp luật Việt Nam, pháp luật về thi đua, khen thưởng với nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh đã dần được bổ sung và hoàn thiện như hiện nay. Các chính sách về công tác thi đua, khen thưởng của Đảng và Nhà nước đã được ghi nhận và thể hiện rõ nét trong các văn bản pháp luật về thi đua, khen thưởng. Qua đó, tạo lập được cơ sở pháp lý vững chắc cho việc thực hiện các quan hệ pháp luật phát sinh trong công tác thi đua, khen thưởng, mặt khác cho thấy được phong trào thi đua, công tác khen thưởng hiện nay ngày càng thực chất hơn và hướng tới người lao động nhiều hơn. Từ đó, tạo thành động lực to lớn, góp phần quan trọng vào các thành tựu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Pháp luật thi đua đóng vai trò rất quan trọng, do vậy bài viết sẽ tập trung phân tích về những nội dung sau: (i) Các quan hệ xã hội trong lĩnh vực thi đua, khen thưởng, (ii) Đặc điểm pháp luật thi đua khen thưởng; và (iii) Nội dung pháp luật thi đua khen thưởng.

Từ khóa: Thi đua, khen thưởng, pháp luật thi đua, khen thưởng.

1. Đặt vấn đề

Như chúng ta đã biết, pháp luật là hệ thống các quy tắc có tính bắt buộc chung, do Nhà nước ban hành (hoặc thừa nhận), thể hiện ý chí và bảo vệ lợi ích của giai cấp thống trị và được Nhà nước bảo đảm thực hiện bằng sức mạnh cưỡng chế; là công cụ có hiệu lực nhất để điều chỉnh các quan hệ xã hôi cơ bản phù hợp với ý chí và lợi ích của giai cấp thống trị trong xã hội có giai cấp. Trong công tác thi đua, khen thưởng, pháp luật thi đua, khen thưởng tạo cơ sở cho việc bảo đảm thực hiện các chủ trương, quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước. Vì vậy, yêu cầu đặt ra là các quy phạm pháp luật về thi đua, khen thưởng phải được ban hành phù hợp và khả thi để điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực này.

2. Các quan hệ xã hội trong lĩnh vực thi đua, khen thưởng

Nền móng của hệ thống pháp luật thi đua, khen thưởng đã được hình thành từ rất sớm. Đó chính là sự lan tỏa, ảnh hưởng và hiệu quả của các phong trào thi đua yêu nước và các chính sách khen thưởng của Đảng, Nhà nước ta từ thời kỳ kháng chiến. Từ đó, các nhóm quan hệ xã hội cơ bản trong thi đua, khen thưởng đã được hình thành, có thể gom vào thành 3 nhóm sau:

Thứ nhất, nhóm quan hệ giữa cấp phát động và cấp hưởng ứng.

Nhóm quan hệ này thể hiện ở các mối quan hệ cụ thể sau: Mối quan hệ giữa cấp phát động phong trào thi đua với người lao động; mối quan hệ giữa cơ quan cấp trên với cơ quan cấp dưới trong việc phát động và hưởng ứng phong trào thi đua; mối quan hệ giữa các bên (chính quyền, các tổ chức xã hội, tổ chức đoàn thể) trong tổ chức phong trào thi đua và công tác khen thưởng… Việc điều chỉnh mối quan hệ thuộc nhóm này nhằm xác nhận giá trị pháp lý của việc tổ chức thực hiện phong trào thi đua, công tác khen thưởng; quyền và nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan theo quy định pháp luật. Phong trào của đơn vị cấp dưới phải nhằm thực hiện phong trào của đơn vị cấp trên. Phong trào thi đua phải có sự phối kết hợp, đồng thuận giữa các cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức xã hội và bản thân người tham gia phong trào.

Thứ hai, nhóm quan hệ phát sinh trong quá trình tổ chức - quản lý công tác thi đua, khen thưởng.

Nhóm quan hệ này thể hiện ở các mối quan hệ cụ thể sau:

Một là, trong việc xây dựng cơ cấu tổ chức, bộ máy làm công tác thi đua, khen thưởng. Đó là việc xác định vai trò, vị trí của tổ chức, bộ máy làm công tác thi đua trong từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Ở một số đơn vị cấp Bộ, tổ chức, bộ máy làm công tác thi đua, khen thưởng được thành lập là Vụ, Ban thuộc Bộ (tương đương cấp Vụ), nhưng có những nơi là Phòng (trực thuộc Vụ, Ban, Văn Phòng và tương đương). Hoặc ở một số đơn vị quy mô nhỏ thì được kết hợp với những tổ chức, bộ máy làm nhiệm vụ khác (như thi đua - tổng hợp, thi đua - pháp chế,…). Nằm trong nhóm quan hệ này còn có mối quan hệ giữa Hội đồng Thi đua - Khen thưởng đơn vị với bộ máy lãnh đạo của cơ quan, đơn vị, địa phương. Việc quy định thành viên Hội đồng Thi đua - Khen thưởng ở từng nơi cũng khác nhau.

Hai là, các quy định về thẩm quyền và cơ chế hoạt động của chủ thể có thẩm quyền trong công tác thi đua, khen thưởng. Điều này được thể hiện trong các mối quan hệ giữa cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương với cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương về công tác thi đua, khen thưởng và giữa Hội đồng Thi đua - Khen thưởng cấp trên với Hội đồng Thi đua - Khen thưởng cấp dưới. Mối quan hệ giữa thẩm quyền xét tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng với thẩm quyền hành chính,...

Ba là, mối quan hệ giữa kết quả thi đua, khen thưởng với các công tác khác trong lĩnh vực quản lý cán bộ. Kết quả của công tác thi đua, khen thưởng hiện nay được sử dụng làm cơ sở cho một số các công tác khác, có thể kể đến như: Xếp loại đảng viên hoàn thành nhiệm vụ, xét nâng lương, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ,…

Thứ ba, nhóm quan hệ phát sinh trong quá trình thực hiện các trình tự, thủ tục công tác thi đua, khen thưởng.

Hoạt động thi đua, khen thưởng cũng như các hoạt động khác đều phải chịu sự điều chỉnh của pháp luật theo những nguyên tắc, trình tự, thủ tục cụ thể. Việc thực hiện các nguyên tắc, trình tự, thủ tục đó đã làm xuất hiện hàng loạt các mối quan hệ giữa các chủ thể có liên quan từ việc tổ chức thực hiện phát động phong trào thi đua, đăng ký tham gia thi đua, sơ kết, tổng kết, khen thưởng, biểu dương, tôn vinh, nhân rộng điển hình tiên tiến,…

Như vậy, để điều chỉnh các nhóm quan hệ xã hội cơ bản nêu trên, Nhà nước phải ban hành các quy định pháp luật về thi đua, khen thưởng.

3. Đặc điểm pháp luật thi đua, khen thưởng

Nằm trong tổng thể hệ thống pháp luật Việt Nam, pháp luật thi đua, khen thưởng có đầy đủ những đặc điểm cơ bản của pháp luật. Đó là được Nhà nước ban hành, có tính bắt buộc chung và được Nhà nước bảo đảm thực hiện,... Bên cạnh đó, pháp luật thi đua, khen thưởng cũng có một số đặc điểm riêng như sau:

3.1. Pháp luật thi đua, khen thưởng được hình thành sớm

Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, chính quyền cách mạng non trẻ phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách. Với niềm tin tưởng sâu sắc vào sức mạnh to lớn của nhân dân, Đảng, Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo nhân dân phát huy cao độ sức mạnh của mình đóng góp sức lực cho công cuộc xây dựng, bảo vệ và củng cố chính quyền cách mạng.

Ngày 26/01/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Quốc lệnh 10 điểm thưởng, nêu rõ: "Trong một nước thưởng, phạt phải nghiêm minh thì nhân dân mới yên ổn, kháng chiến mới thắng lợi, kiến quốc mới thành công. Vậy, Chính phủ ra Quốc lệnh rõ ràng gồm có 10 điểm thưởng và 10 điểm phạt, cho quân dân biết rõ những tội nên tránh, những việc nên làm". Quốc lệnh ra đời là cơ sở pháp lý đầu tiên về công tác thi đua khen thưởng.

Ngày 15/5/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành Sắc lệnh số 49-SL đặt một giải thưởng tên là giải thưởng Hồ Chí Minh để thưởng cho Ty Quân giới nào xuất sắc nhất trong việc bảo tồn vật liệu, sản xuất vũ khí, trang bị quốc phòng, kỹ thuật và thực hiện tốt kỷ luật. Đồng thời, để thưởng cho quân đội hoặc dân quân tự vệ lập được nhiều thành tích chiến đấu, cũng trong ngày 15/5/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 50/SL đặt hai loại Huy chương là Huy chương Quân công và Huy chương Chiến sĩ. Chưa đầy một tháng sau, ngày 06/6/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký ban hành Sắc lệnh số 58/SL về việc đặt ba thứ Huân chương "Sao vàng", "Hồ Chí Minh", "Độc lập" để thưởng hoặc truy tặng cho đoàn thể hay những người nào có công với nước, với dân và để tặng các nhân vật ngoại quốc đã có công với nước Việt Nam.

Đây là những phần thưởng cao quý của Nhà nước để trao tặng những tập thể, cá nhân có thành tích công tác xuất sắc, là sự ghi nhận thành tích, sự trưởng thành của các cơ quan, đơn vị, cá nhân và là niềm tự hào của các đơn vị, cá nhân vinh dự được đón nhận trong suốt quá trình hoạt động, công tác của mình.

3.2. Đối tượng và phạm vi điều chỉnh của pháp luật thi đua, khen thưởng rộng

Theo Điều 2 Luật Thi đua, Khen thưởng 2003: "Luật này áp dụng đối với cá nhân, tập thể người Việt Nam, người Việt Nam ở nước ngoài và cá nhân, tập thể người nước ngoài". Quy định này qua các lần sửa đổi, bổ sung Luật được giữ nguyên.

Nghị định số 91/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng quy định về đối tượng áp dụng bao gồm: Công dân Việt Nam, các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị Lực lượng vũ trang nhân dân, gia đình, người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài, cơ quan, tổ chức nước ngoài và các tổ chức quốc tế ở Việt Nam.

Như vậy, có thể thấy, đối tượng của pháp luật thi đua, khen thưởng có cả tập thể, cá nhân và cả người Việt Nam, người nước ngoài, các tầng lớp nhân dân, các thành phần kinh tế trong xã hội đều không nằm ngoài phạm vi tác động. Quy định này thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (ngày 11/6/1948), phát động phong trào thi đua yêu nước trên toàn quốc và chỉ rõ: "Bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh; bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua nhau: Làm cho mau, làm cho tốt, làm cho nhiều… Thi đua ái quốc sẽ ăn sâu, lan rộng khắp mọi mặt và mọi tầng lớp nhân dân, và sẽ giúp ta dẹp tan mọi nỗi khó khăn và mọi âm mưu của địch để đi đến thắng lợi cuối cùng". Phong trào thi đua là phong trào của toàn dân, của toàn bộ hệ thống chính trị, chứ không phải là của riêng bất kỳ một tổ chức nào cả.

3.3. Hệ thống văn bản pháp luật thi đua, khen thưởng đa dạng

Pháp luật thi đua, khen thưởng bao gồm hệ thống nhiều loại văn bản khác nhau, do nhiều cơ quan ban hành gồm các loại văn bản, như: Luật, sắc lệnh, pháp lệnh, nghị quyết, nghị định, thông tư...

Ngay từ những năm đầu thành lập nước, hệ thống pháp luật thi đua, khen thưởng đã hình thành, khởi đầu là Quốc lệnh 10 điều thưởng, tiếp theo là hàng loạt các sắc lệnh được ban hành. Đến năm 2003, Quốc hội ban hành Luật Thi đua, khen thưởng, hệ thống pháp luật thi đua, khen thưởng theo hướng hiện đại cũng đã được hình thành cùng với một loạt các Nghị định và Thông tư hướng dẫn thi hành. Theo số liệu tại Báo cáo Tổng kết đánh giá 13 năm thi hành Luật Thi đua, Khen thưởng kèm theo Công văn số 1728/BTĐKT-VI ngày 30/7/2018 của Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương về việc góp ý kiến hồ sơ đề nghị xây dựng Luật thi đua, khen thưởng (sửa đổi): Hiện nay, hệ thống các văn bản của Đảng và các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước điều chỉnh công tác thi đua, khen thưởng ở nước ta hiện nay có 16 chỉ thị, thông báo, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; 16 Nghị định của Chính phủ, 04 Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, 08 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 13 Thông tư của Bộ Nội vụ và các Bộ liên quan.

Tính đến nay, có hơn 10 Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Thi đua, Khen thưởng. Trong đó, có những Nghị định quy định chung về thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng, được sửa đổi, bổ sung, thay thế cùng với Luật Thi đua, Khen thưởng. Ngoài ra, còn có các Nghị định quy định về một nội dung cụ thể trong Luật Thi đua, khen thưởng. Ví dụ, Nghị định số 122/2005/NĐ-CP ngày 04/10/2005 của Chính phủ quy định về tổ chức làm công tác thi đua, khen thưởng; Nghị định số 78/2014/NĐ-CP ngày 30/7/2014 của Chính phủ quy định về giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước và các giải thưởng khác về khoa học và công nghệ; Nghị định số 145/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tổ chức kỷ niệm, nghi thức trao tặng, đón nhận hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua, Nghị định số 39/2012/NĐ-CP ngày 27/4/2012 có nội dung chính quy định về các mẫu biểu áp dụng trong công tác thi đua, khen thưởng,…

Thông tư về công tác thi đua, khen thưởng có thể chia làm 02 loại. Cụ thể:

Thứ nhất, Thông tư do Bộ Nội vụ ban hành hướng dẫn thực hiện các quy định của Nghị định do Chính phủ ban hành. Ví dụ, Thông tư số 08/2017/TT-BNV ngày 27-10-2017 của Bộ Nội vụ quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 91/2017/NĐ-CP ngày 31-7-2017 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng.

Thứ hai là Thông tư do các Bộ ban hành hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng trong phạm vi quản lý của Bộ đó. Ví dụ như: Thông tư số 35/2015/TT-BGDĐT ngày 31/1/2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng ngành giáo dục; Thông tư số 38/2018/TT-BYT ngày 30/11/2018 của Bộ Y Tế hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng trong ngành Y tế,… Theo số liệu thống kê năm 2015, có 42 Bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương đã ban hành Thông tư, quy định, hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng.

Bên cạnh đó, cũng phải kể đến các Quy chế giải thưởng được thể hiện dưới dạng thông tư của các Bộ, cũng có thể được coi là các yếu tố tạo nên sự đa dạng của hệ thống pháp luật thi đua, khen thưởng hiện nay. Hiện, trong cả nước có khoảng trên 20 quy chế giải thưởng, trong đó có một số giải thưởng nổi tiếng, như: Giải thưởng Tạ Quang Bửu của Bộ Khoa học và Công nghệ, Giải thưởng Phan Châu Trinh, Giải thưởng Đặng Văn Ngữ của Bộ Y tế, Giải thưởng Khoa học và công nghệ dành cho giảng viên trẻ trong cơ sở giáo dục đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Giải thưởng Báo chí về khoa học và công nghệ của Bộ Khoa học và công nghệ,…

Đối với các địa phương cũng có những văn bản quy định về chính sách khen thưởng khác nhau nhằm ghi nhận những đóng góp của tập thể, cá nhân trong phạm vi quản lý của mình. Theo số liệu thống kê từ năm 2015, đã có 55 tỉnh, thành phố ban hành quy định, hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng. Ngoài ra, một số địa phương còn có những quy chế, hướng dẫn khen thưởng riêng, ngoài quy chế khen thưởng chung nêu trên. Ví dụ như: Quy chế xét tặng danh hiệu Người tốt việc tốt của Thành phố Hà Nội; Huy hiệu Thành phố Hồ Chí Minh,…

3.4. Pháp luật thi đua, khen thưởng có chứa đựng nhiều quy phạm tùy nghi

Các quy phạm trong pháp luật thi đua, khen thưởng có nhiều quy phạm tùy nghi. “Quy phạm tùy nghi là quy phạm trong đó cho phép chủ thể thực hiện có thể lựa chọn các cách xử sự nhất định. Việc lựa chọn cách xử sự ở đây có thể hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí của chủ thể (quy phạm tùy nghi thỏa thuận), có thể lựa chọn trong một giới hạn nhất đinh mà pháp liệu dự liệu (quy phạm tùy nghi lựa chọn - pháp luật đưa ra nhiều cách xử sự mà chủ thể sẽ lựa chọn một trong các cách xử sự đó).

Hiệu quả thực hiện pháp luật thi đua, khen thưởng gắn chặt với thực tiễn ở đơn vị, địa phương. Mỗi đơn vị, địa phương khác nhau về đặc điểm, tính chất, đối tượng, phạm vi,… do đó mà phong trào thi đua và công tác khen thưởng cũng khác nhau và vô cùng đa dạng về cách thức thể hiện. Pháp luật thi đua, khen thưởng không bao trùm hết được các vấn đề này, mà giao quyền chủ động cho từng đơn vị, địa phương, dựa vào chức năng nhiệm vụ, đặc điểm, tình hình của mình mà phát động các phong trào khác nhau, thực hiện các chính sách khen thưởng khác nhau. Tất nhiên, vẫn dựa trên quy định chung của Luật Thi đua, khen thưởng.

4. Nội dung pháp luật thi đua, khen thưởng

Pháp luật thi đua, khen thưởng được cấu thành bởi những bộ phận chính sau:

Thứ nhất, các quy định về tổ chức phong trào thi đua.

Thuộc bộ phận này có các quy định về nguyên tắc thi đua; thẩm quyền phát động phong trào thi đua; nội dung, loại hình phong trào thi đua; đăng ký thi đua; tổ chức triển khai phong trào thi đua; phối hợp trong phong trào thi đua; công tác tuyên truyền, sơ kết, tổng kết phong trào thi đua,…

Thứ hai, các quy định về công tác khen thưởng.

Thuộc bộ phận này có các quy định về các hình thức khen thưởng; loại hình khen thưởng; nguyên tắc khen thưởng; thẩm quyền khen thưởng. Đối với từng hình thức, loại hình khen thưởng có các quy định về đối tượng, tiêu chuẩn, điều kiện khen thưởng. Số lượng các quy định thuộc nhóm này chiếm đa số trong pháp luật thi đua, khen thưởng hiện nay, và cũng được quy định bởi nhiều văn bản trong hệ thống pháp luật thi đua, khen thưởng.

Thứ ba, các quy định về tổ chức, bộ máy làm công tác thi đua, khen thưởng.

Thuộc bộ phận này có các quy định về bộ máy làm công tác thi đua, khen thưởng ở các cơ quan, đơn vị; tổ chức Hội đồng Thi đua - Khen thưởng từ Trung ương xuống địa phương; tổ chức thực hiện chia khối, cụm thi đua. So với các loại quy định khác, quy định thuộc nhóm này tuy ít, nhưng trong thực tiễn triển khai thì lại gặp nhiều lúng túng.

Thứ tư, nhóm các quy định khác. Thuộc nhóm này có các quy định về quy trình, thủ tục, mẫu biểu, quy cách đối với từng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng; tiền thưởng; nghi thức trao thưởng; khiếu nại; tố cáo; thu hồi; kiểm tra; giám sát,…

            Luật Thi đua, Khen thưởng được ban hành năm 2003 và đã được sửa đổi, bổ sung vào các năm 2005, 2009, 2013. Và hiện nay cũng đang được nghiên cứu tiếp tục sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn phong trào thi đua, công tác khen thưởng trong cả nước. Với tinh thần của Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07/04/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, công tác thi đua, khen thưởng được đưa vào giảng dạy trong chương trình cao cấp, trung cấp lý luận chính trị ở Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và hệ thống trường chính trị ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, vai trò của công tác thi đua, khen thưởng ngày càng trở lên quan trọng. Trong đó, pháp luật thi đua, khen thưởng là khung pháp lý để từ đó triển khai thực hiện các quy định pháp luật thi đua, khen thưởng vào cuộc sống được hiệu quả. Việc nhận thức được các đặc điểm, nội dung của pháp luật thi đua, khen thưởng cùng với nền tảng lý luận về công tác thi đua, khen thưởng sẽ giúp cho chúng ta có sự nhận thức đúng đắn hơn về vị trí, vai trò, ý nghĩa của pháp luật thi đua, khen thưởng trong cuộc sống cũng như trong tổng thể hệ thống pháp luật của Việt Nam./.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Vũ Trọng Lâm (Chủ biên) (2018), Giáo trình lý luận chung về nhà nước và pháp luật (dành cho đào tạo đại học, sau đại học và trên đại học ngành Luật), Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội.
  2. Hồ Chí Minh (1946), Quốc lệnh 10 điều thưởng.
  3. Hồ Chí Minh (1948), Lời kêu gọi thi đua ái quốc.
  4. Hồ Chí Minh (1984),Thi đua yêu nước, Nxb Sự thật, in lần 2, Hà Nội.
  5. Lê Đình Nghi (chủ biên) (2016), Giáo trình Luật Dân sự Việt Nam - tập một, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.
  6. Quốc hội (2003), Luật Thi đua, khen thưởng, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội
  7. Lê Quang Thiệu (2008), Chủ tịch Hồ Chí Minh với phong trào thi đua yêu nước, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
  8. Nguyễn Thế Thắng (2012), Một số quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua, khen thưởng, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 29/01/2012.

 

THE CURRENT LAW ON EMULATION AND COMMENDATION

IN VIETNAM

Master. NGUYEN THE ANH

Institute of Human Rights, Ho Chi Minh National Academy of Politics

ABSTRACT:

As part of the overall Vietnamese legal system, the law on emulation and commendation based on Ho Chi Minh’s ideology has been gradually supplemented and completed. The policies on emulation and commendation of the Communist Party of Vietnam and the Government of Vietnam have been clearly formed in legal documents on the commendation and emulation movement and have create solid legal bases for legal relations arising during the commendation and emulation movement. In addition, it shows that the commendation and emulation movement is more practical for employees, thereby creating greate motivation and significantly contributing to the country’s socio-economic development. The law on emulation and commendation plays a very important role and this paper is to analyze following aspects (i) Social relations in the commendation and emulation, (ii) Legal characteristics of the law on emulation and commendation; and (iii) Legal contents of the law on emulation and commendation.

Keywords: Emulation, commendation, law on emulation and commendation.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ,

Số 22, tháng 9 năm 2020]