Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu cá tra có thể đạt 2,2 tỷ USD

VASEP dự báo, kim ngạch cá tra có thể đạt 2,2 tỷ USD trong năm 2019 nhờ nhu cầu gia tăng tại Trung Quốc, trong khi các rào cản tại thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam là Mỹ cũng được gỡ bỏ.

Việt Nam hiện là nước xuất khẩu cá tra lớn nhất thế giới, tập trung chủ yếu tại thị trường Mỹ (chiếm 91% thị phần) và Trung Quốc (chiếm 9% thị phần). 11 tháng năm 2018, xuất khẩu cá tra tăng 27,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017, lần đầu tiên vượt 2 tỷ USD.

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), sở dĩ có được mức tăng trưởng cao như vậy là nhờ giá cá tra tăng, nhiều doanh nghiệp đầu tư vào chế biến sản phẩm cá tra có giá trị gia tăng cao, đẩy giá xuất khẩu và giá trị xuất khẩu cá tra đi lên. Thực tế, năm 2018, sản lượng cá tra không đủ để đáp ứng nhu cầu thị trường dẫn đến giá nguyên liệu leo dốc, kéo theo giá xuất khẩu tăng. Do vậy, năm 2019, VASEP dự báo, kim ngạch xuất khẩu cá tra có thể đạt 2,2 tỷ USD.

cá tra đạt 2,2 tỷ usd
Kim ngạch cá tra có thể đạt 2,2 tỷ USD trong năm 2019 nhờ nhu cầu gia tăng tại Trung Quốc, trong khi các rào cản tại thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam là Mỹ được gỡ bỏ

 

Năm nay, theo nhận định của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), năm 2019, cá tra là một trong những ngành được hưởng lợi nhiều nhất nhờ nhu cầu gia tăng tại Trung Quốc và các rào cản thương mại tại Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam giảm xuống.

Thêm vào đó, với việc căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc còn kéo dài, Việt Nam hoàn toàn có thể tăng thị phần xuất khẩu cá tra vào Mỹ, thay thế cho cá rô phi Trung Quốc, hiện đang chiếm 40% tổng sản lượng cá nhập khẩu của Mỹ.

Chưa kể, các doanh nghiệp cá tra được dự báo sẽ hưởng lợi lớn nếu Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA) được ký kết vào đầu năm nay. Bởi khi đó, thuế nhập khẩu cá tra vào Liên minh châu Âu sẽ giảm từ mức 5,5% về 0% trong 3 năm với cá tra thô, từ mức 7% về 0% trong 7 năm với cá tra chế biến.

Tuy vậy, trong năm 2019, tình trạng cung vượt cầu cũng là những rủi ro mà các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản thường xuyên phải đối mặt. Ngoài ra, EVFTA có thể bị trì hoãn do bất ổn chính trị tại châu Âu nên chưa thể mang lại giá trị cho doanh nghiệp xuất khẩu cá tra trong năm nay.

Trước tình trạng giá cá tra cao, nhiều người e ngại về làn sóng đầu tư vào cá tra có thể dẫn tới thừa lượng cung, trước lo lắng này, VASEP cho biết, tình trạng dư thừa sẽ không kéo dài như những năm trước, bởi thị trường có nhu cầu ổn định và các ngân hàng đã thắt chặt quy định cho vay vốn nên khó tái diễn việc vay vốn để đầu tư, mở rộng nuôi trồng cá tra tràn lan.

Hồng Hà