Nâng cao hiệu quả quản lý công tác nghiên cứu khoa học tại Viện Y Dược học dân tộc giai đoạn 2024-2025

Bài báo Nâng cao hiệu quả quản lý công tác nghiên cứu khoa học tại Viện Y Dược học dân tộc giai đoạn 2024-2025 do Trần Nguyễn Tấn Phương1*- BS CKII Huỳnh Nguyễn Lộc2 - PGS.TS. BS. Nguyễn Duy Phong3 - ThS. Lê Thị Quỳnh Nga4 (1, 2Viện Y Dược học dân tộc TP. Hồ Chí Minh, *Tác giả chính - 3Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh - 4Viện Nghiên cứu Phát triển TP. Hồ Chí Minh) thực hiện.

TÓM TẮT :

Nghiên cứu có 2 mục tiêu, đó là mô tả thực trạng và phân tích một số yếu tố ảnh hưởng đến việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý nghiên cứu khoa học. Áp dụng thiết kế cắt ngang phân tích, kết hợp phương pháp định lượng và định tính. Kết quả phản ánh thực trạng công tác nghiên cứu khoa học được thể hiện qua 3 nội dung (số lượng đề tài, số lượng sáng chế và xuất bản phẩm khoa học, nhu cầu đào tạo liên tục) và 4 nhóm yếu tố chính ảnh hưởng đến công tác nghiên cứu khoa học (môi trường, yếu tố tiền đề, yếu tố tăng cường, tạo điều kiện thuận lợi).

Từ khóa: quản lý, nghiên cứu khoa học, Viện Y Dược học dân tộc, giai đoạn 2024 - 2025.

1. Đặt vấn đề

Trong xã hội hiện nay, Ngành Y có vai trò đặc biệt quan trọng, đó là chăm sóc sức khỏe (CSSK) cho con người. Do đó, việc nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu về khoa học - công nghệ trong lĩnh vực Y tế rất được quan tâm, đặc biệt là tại các bệnh viện nơi trực tiếp thực hiện nhiệm vụ khám chữa bệnh (KCB) [1], [2]. Nghiên cứu khoa học (NCKH) tại bệnh viện là một cuộc điều tra có hệ thống được thiết kế để phát triển kiến thức về các vấn đề quan trọng đối với y tế, bao gồm thực hành, giáo dục và quản trị, là phương tiện để đơn vị không ngừng học hỏi, cải tiến, phát triển để ngày càng hoàn thiện hơn, cung cấp các dịch vụ an toàn và hiệu quả; đồng thời, NCKH làm tăng uy tín học thuật và chuyên môn của bệnh viện [3], [4]. Viện Y Dược học dân tộc (VYDHDT - gọi tắt là Viện) luôn đề cao, quan tâm, tập trung thực hiện các hoạt động NCKH. Vì thế, Viện luôn khuyến khích và tạo điều kiện cho nhân viên y tế (NVYT) tham gia NCKH nhằm thúc đẩy, nâng cao số lượng, chất lượng các đề tài, đề án góp phần cập nhật những kiến thức, quy định mới của pháp luật về NCKH nhằm ứng dụng cho công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân [5]. Chính vì lý do trên, nghiên cứu được thực hiện nhằm mục tiêu: (1). Mô tả thực trạng công tác quản lý NCKH của NVYT tại Viện Y Dược học dân tộc năm 2023; và (2). Phân tích một số yếu tố ảnh hưởng đến công tác quản lý NCKH của NVYT tại Viện Y Dược học dân tộc 2023 và đề xuất giải pháp trong giai đoạn 2024-2025.

2. Cơ sở lý thuyết

Hiện nay, đề tài nghiên cứu về công tác NCKH còn ít ở lĩnh vực y tế, mà chủ yếu ở các trường đại học. Một số đề tài ở lĩnh vực y tế, tiêu biểu:

Nghiên cứu của tác giả Trương Đỗ Anh Huy năm 2020 về thực trạng nghiên cứu khoa học của NVYT tại Viện Y Dược học dân tộc có kết quả từ năm 2015 - 2019 đã thực hiện 58 đề tài, có 69 lượt NVYT tham gia các hoạt động NCKH, bác sĩ là đối tượng tham gia nhiều nhất và người tham gia thường là những người có trình độ học vấn cao, có thâm niên và công tác ở các khoa lâm sàng [6].

Kết quả nghiên cứu của Đoàn Ánh Ngần và cộng sự về thực trạng và nhu cầu đào tạo NCKH của điều dưỡng tại Bệnh viện Thống Nhất năm 2018 cho thấy từ năm 2013 - 2017, tổng số đề tài có điều dưỡng tham gia là 122, trong đó Khối Nội chiếm 72,13% và thấp nhất là khối Phòng khám [7].

3. Phương pháp nghiên cứu

Thiết kế nghiên cứu: Nghiên cứu sử dụng phương pháp mô tả cắt ngang kết hợp phương pháp nghiên cứu định lượng và nghiên cứu định tính. Thông tin định lượng được dùng để mô tả mục tiêu 1. Thông tin định tính được thu thập nhằm phân tích mục tiêu 2.

Địa điểm và thời gian nghiên cứu:

Thời gian nghiên cứu: từ tháng 12/2023 đến tháng 07/2024.

Địa điểm nghiên cứu: tại Viện Y Dược học dân tộc.

Đối tượng nghiên cứu:

- Tài liệu báo cáo liên quan đến công tác NCKH tại VYDHDT từ năm 2020 - 2022 (bao gồm số lượng đề tài, số lượng người tham gia, số lượt tham gia nghiên cứu,…).

- Bác sĩ, dược sĩ, y sĩ/điều dưỡng, kỹ thuật viên, nhân viên khối chức năng công tác tối thiểu 1 năm tại VYDHDT.

Lãnh đạo Viện gồm có.

  • Phó Viện trưởng phụ trách
  • Trưởng phòng Đào tạo, nghiên cứu khoa học, chỉ đạo tuyến (ĐT-NCKH-CĐT).
  • Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (KHTH).
  • Trưởng phòng Tài chính kế toán (TCKT).

Về cỡ mẫu và chọn mẫu: Đối với nghiên cứu định lượng, chọn toàn bộ bác sĩ, dược sĩ, y sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên Y (xét nghiệm; chẩn đoán hình ảnh; vật lý trị liệu - phục hồi chức năng) và nhân viên khối chức năng đã làm việc từ đủ 01 năm trở lên, tổng cộng là 225 người theo số liệu báo cáo hàng năm của Viện.

Đối với nghiên cứu định tính:

Phỏng vấn sâu (4 cuộc): chọn mẫu có chủ đích.

- Lãnh đạo Viện: 01 Phó Viện trưởng.

- Trưởng phòng: ĐT-NCKH-CĐT; KHTH; TCKT.

Thảo luận nhóm (2 cuộc): mỗi cuộc TLN 05 người (nhóm có tham gia NCKH, nhóm không tham gia NCKH).

Chọn mẫu: Chọn mẫu thuận tiện, tác giả sẽ thực hiện phát bảng khảo sát cho những đối tượng dễ tiếp cận và những nơi có thể dễ dàng gặp được đối tượng cần khảo sát (đối tượng có khả năng hiểu và trả lời được các câu hỏi trong bảng khảo sát).

Kỹ thuật, công cụ và quy trình thu thập số liệu:

Công cụ:

+ Định lượng

Số liệu thứ cấp được tổng hợp từ các số liệu báo cáo về công tác NCKH tại Viện từ năm 2020-2022 nhằm mô tả thực trạng NCKH.

Thu thập số liệu sơ cấp sử dụng bộ câu hỏi phát vấn về thực trạng tham gia nghiên cứu khoa học được tham khảo từ nghiên cứu của tác giả Trương Đỗ Anh Huy [6] nhằm đánh giá thực trạng tham gia NCKH, các yếu tố ảnh hưởng và nhu cầu đào tạo của NVYT về NCKH tại Viện. Bộ câu hỏi gồm:

  • Phần 1. Quá trình tham gia NCKH từ năm 2020-2022.
  • Phần 2. Môi trường quy định, chính sách về NCKH.
  • Phần 3. Các yếu tố tiền đề.
  • Phần 4. Các yếu tố tăng cường.
  • Phần 5. Các yếu tố tạo điều kiện thuận lợi.
  • Phần 6. Nhu cầu đào tạo về NCKH.

+ Định tính:

- Hướng dẫn phỏng vấn sâu (PVS) 4 đối tượng bao gồm: 01 lãnh đạo Viện, 03 trưởng phòng. Kết quả PVS được ghi âm.

- Hướng dẫn thảo luận nhóm (TLN) 2 nhóm gồm: nhóm tham gia NCKH, nhóm không tham gia NCKH. Kết quả TLN được ghi âm.

Xử lý và phân tích số liệu:

Trong nghiên cứu này, số liệu sau khi thu thập được mã hóa, sau đó được nhập liệu bằng phần mềm Epidata3.1, phân tích số liệu bằng phần mềm SPSS 20.0. Phân tích mô tả, tần số, phần trăm sẽ được phân tích ở các bảng dữ liệu về dân số học, thái độ và khó khăn khi tham gia vào NCKH của NVYT.

Thông tin định tính được ghi âm và gỡ băng dưới dạng văn bản Word. Trong quá trình gỡ băng, toàn bộ những câu nói của đối tượng được phỏng vấn đều được tôn trọng và giữ nguyên. Những phát biểu hay được trích dẫn đại diện cho từng ý theo chủ đề trong nghiên cứu. Các nội dung phù hợp được trích dẫn đáp ứng với mục tiêu nghiên cứu.

Đạo đức nghiên cứu:

Nghiên cứu được giao theo Quyết định số 4521/QĐ-ĐHTV của Đại học Trà Vinh; Thông tin thu thập trung thực, khách quan và thu thập chỉ phục vụ cho mục đích nghiên cứu, đảm bảo bí mật thông tin mà đối tượng tham gia nghiên cứu cung cấp.

Việc tham gia của đối tượng khảo sát hoàn toàn trên cơ sở tự nguyện sau khi đã được giải thích rõ về mục đích và ý nghĩa của nghiên cứu. Các đối tượng nghiên cứu được giải thích về mục đích của nghiên cứu. Đảm bảo giữ bí mật các thông tin mà các cá nhân đã cung cấp.

Nghiên cứu được sự chấp thuận của nhà trường, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, Viện Y Dược học dân tộc.

4. Kết quả nghiên cứu

4.1. Đặc điểm chung của các đối tượng nghiên cứu

Đối tượng tham gia nghiên cứu đều từ 40 tuổi trở xuống, chiếm phần lớn là nữ giới, số năm công tác đa số từ 6 năm đến 10 năm. Học vấn từ đại học và sau đại học là chủ yếu, có sự chênh lệch đáng kể giữa nhóm đã tham gia đào tạo và nhóm chưa tham gia đào tạo. (Bảng 1)

Bảng 1. Đặc điểm chung của các đối tượng nghiên cứu

Thông tin

Số lượng (N)

Tỉ lệ (%)

Nhóm tuổi

20 - 30

31 - 40

41 - 50

51 - 60

66

82

48

29

29,45

36,39

21,12

13,04

Giới tính:

Nam

Nữ

80

145

35,56

64,44

Số năm công tác:

1 - 5 năm

6 - 10 năm

11 - 20 năm

Trên 20 năm

54

83

57

31

23,95

36,73

25,24

14,08

Trình độ học vấn:

Trung cấp

Cao đẳng

Đại học

Thạc sĩ/Chuyên khoa I

Tiến sĩ/Chuyên khoa II

41

02

68

58

56

18,76

0,88

30,21

25,96

24,19

Chức danh nghề nghiệp:

Bác sĩ

Dược sĩ

Điều dưỡng/Y sĩ

Kỹ thuật viên

Khác

76

42

58

20

29

33,78

18,67

25,78

8,89

12,89

 

Chức vụ:

Ban Giám đốc

Trưởng Khoa/Phòng

Phó Khoa, Phòng/ĐD - KTV trưởng

Nhân viên

4

26

34

161

1,77

11,55

15,11

71,57

Bộ phận công tác:

Ban Giám đốc

Phòng chức năng

Khoa Lâm sàng

Khoa Cận lâm sàng

04

15

97

77

2,07

7,77

50,26

39,91

Số lần tham gia đào tạo về NCKH

Chưa tham gia

1 - 3 lần

Nhiều hơn 3 lần

142

70

13

63,24

30,87

5,89

TỔNG SỐ NGƯỜI THAM GIA NGHIÊN CỨU

225

100

4.2. Kết quả mục tiêu 1

Về số lượng đề tài từ năm 2020 - 2022: VYDHDT đã thực hiện 71 đề tài nghiên cứu, đề tài cấp cơ sở được duy trì đều đặn và con số tăng dần theo từng năm, tập trung nghiên cứu vào lĩnh vực Khoa học Y tế và Quản lý bệnh viện chiếm hơn 80% số lượng đề tài, đặc biệt có 1 đề tài cấp Nhà nước và 70 đề tài cấp cơ sở.

Số lượng sáng chế và xuất bản phẩm khoa học từ năm 2020 đến năm 2022 có 19 xuất bản khoa học đăng trên tạp chí trong nước, 4 xuất bản khoa học đăng trên tạp chí nước ngoài.

Từ năm 2020 trở đi, nhu cầu tham gia đào tạo liên tục có lượt tăng đáng kể, đối tượng tham gia nhiều nhất là bác sĩ, kế đến là điều dưỡng/y sĩ. Hằng năm, Viện đều cử NVYT tham dự tập huấn về NCKH do Bộ Y tế hoặc các đơn vị có thẩm quyền tổ chức. Ngoài ra, Viện còn tổ chức các lớp đào tạo về NCKH và đây là cơ hội để các NVYT tại Viện dễ dàng tham gia đào tạo NCKH. Hầu hết các đối tượng đều đánh giá việc đào tạo rất cần thiết (142/225 lượt), điều này vô cùng đáng mừng và hợp lý vì tầm quan trọng của việc NCKH trong nâng cao chuyên môn trong Y khoa. Nhu cầu đào tạo về kỹ năng, phương thức tổ chức đào tạo và kinh phí về NCKH đều được tất cả đối tượng khảo sát rất quan tâm.

4.3. Kết quả mục tiêu 2

Các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý công tác nghiên cứu khoa học tại Viện theo mức độ và khía cạnh khác nhau, bao gồm: môi trường quy định, chính sách về NCKH; nhóm các yếu tố tiền đề; nhóm các yếu tố tăng cường và nhóm các yếu tố tạo điều kiện thuận lợi.

Kết quả các đối tượng khảo sát đều đánh giá ở mức độ phù hợp đến rất phù hợp với các quy định về NCKH, chính sách thi đua khen thưởng cho người tham gia và quy trình quản lý NCKH. Tuổi, thâm niên, chức vụ, chức danh nghề nghiệp và bộ phận công tác có ảnh hưởng đến công tác NCKH, các đối tượng bác sĩ có năng lực NCKH cao nhất. Hoạt động đào tạo/tập huấn NCKH, hệ thống sách/tư liệu/thư viện có ảnh hưởng đáng kể đến công tác NCKH đến đối tượng tham gia khảo sát. Tuy nhiên, các yếu tố về tạo điều kiện thuận lợi như môi trường làm việc, bố trí thời gian và công việc phù hợp, hỗ trợ từ cấp trên còn nhiều hạn chế và khó khăn với mức độ đánh giá chủ yếu từ rất ít, đến vừa phải. Bên cạnh đó, đối tượng khảo sát đánh giá nguồn tài chính được hỗ trợ trong NCKH là vừa phải đến rất nhiều.

Trong nghiên cứu này có 36,39% đối tượng thuộc nhóm tuổi 31-40, điều này hoàn toàn phù hợp vì nhóm tuổi này hiện đang tham gia các lớp học nâng cao trình độ chuyên môn như bác sỹ chuyên khoa I, bác sỹ chuyên khoa II, thạc sỹ, tiến sỹ nên nhu cầu nghiên cứu khoa học của nhóm này cao hơn các nhóm tuổi khác. Tương tự với nhóm tuổi về số năm công tác, 36,73% số NVYT trong nghiên cứu đã công tác từ 6-10 năm chiếm tỷ trọng cao nhất. Đồng thời, xét về giới, 64,44% số NVYT trong nghiên cứu là nữ; 23,95% là nam. Trình độ đại học chiếm đa số với 30,21%. Bác sĩ và Điều dưỡng/Y đến từ các khoa lâm sàng tham gia NCKH nhiều nhất với tỉ lệ lần lượt là 33,78% và 25,78%. Về số lần tham gia khóa đào tạo về NCKH, 63,24% số NVYT trong nghiên cứu chưa từng tham gia khóa đào tạo về NCKH nào; tiếp đến là 30,87% đã từng tham gia từ 1-3 lần; 5,89% đã từng tham gia nhiều hơn 3 lần.

Về lĩnh vực nghiên cứu, những năm gần đây VYDHDT tập trung nhiều vào nghiên cứu lĩnh vực Khoa học Y, chưa nghiên cứu về lĩnh vực Y tế công cộng, đặc biệt số lượng đề tài về Quản lý bệnh viện lại tăng mạnh trong những năm gần đây. Trong khi đó, số lượng đề tài về lĩnh vực Dược và Cận lâm sàng rất ít. Cấp độ đề tài chủ yếu là cấp cơ sở với tỉ lệ 98,6%, đặc biệt có 01 đề tài cấp Nhà nước. Đa số lượng đề tài thực hiện là do Viện chủ trì và chi trả toàn bộ kinh phí. Từ năm 2020-2022, có 19 xuất bản khoa học đăng trên tạp chí trong nước, 4 xuất bản khoa học đăng trên tạp chí nước ngoài.

Về nhu cầu đào tạo liên tục: bác sĩ là đối tượng tham giá nhiều nhất, kế đến là điều dưỡng/y sĩ, dược sĩ, NVYT khác và cuối cùng là kỹ thuật viên. Đa số NVYT đánh giá việc đào tạo trong NCKH rất cần thiết. Nhu cầu đào tạo về các kỹ năng NCKH được đồng thuận cao với tỉ lệ trên 80%, trong đó thời lượng khóa học dưới 3 tháng chiếm 62,22%, học trong giờ hành chính 66,67% và học tại đơn vị là 100%. Các đối tượng khảo sát tự túc kinh phí đạt 64,45% và mức kinh phí được tài trợ mong muốn nhất là dưới 1 triệu đồng với 50,34%.

Đa số các đối tượng tham gia khảo sát đều cho rằng các quy định hiện nay về việc ràng buộc tham gia NCKH là phù hợp; chính sách thi đua, khen thưởng và quy trình quản lý trong tham gia NCKH phù hợp ở mức độ khá cao.

Các yếu tố ảnh hưởng:

Nhóm các yếu tố tiền đề: tuổi, giới tính, trình độ, thâm niên, chức vụ, chức danh nghề nghiệp, bộ phận công tác và năng lực (NCKH và tiếng Anh) có ảnh hưởng đáng kể đến khả năng NCKH.

Nhóm các yếu tố tăng cường: chương trình đào tạo/tập huấn có thời gian, kinh phí và kiến thức phù hợp; hệ thống sách/thư viện/tư liệu khá tốt do Viện đăng ký hợp đồng sử dụng dịch vụ tìm kiếm thông tin trọn gói do Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh cung cấp hàng năm.

Nhóm các yếu tố tại điều kiện thuận lợi: môi trường làm việc hiện còn nhiều khó khăn và rất ít có sự san sẻ gánh nặng công việc của đồng nghiệp; thời gian và lượng công việc  chưa được bố trí hợp lý do tốn nhiều thời gian cho các hoạt động khác và công việc hằng ngày; sự hỗ trợ, tư vấn từ bộ phận quản lý, giám sát và bộ phận tài chính được đánh giá cao; nguồn tài chính được đánh giá như sau tỷ lệ tạm ứng kinh phí để thực hiện đề tài là rất nhiều với 83,33%; tỷ lệ kinh phí hỗ trợ thực hiện đề tài là vừa phải với 61,67% và tỷ lệ kinh phí hỗ trợ đăng tải bài báo khoa học là nhiều với 66,67%.

Nghiên cứu của chúng tôi còn có một số hạn chế. Kết quả đôi khi mang tính chủ quan, độ chính xác chưa cao do việc trả lời câu hỏi, đối tượng tự trả lời là chính, có thể không nói hết tất cả những thông tin mong muốn do e ngại. Việc thu thập thông tin chủ yếu qua bộ câu hỏi được thiết kế sẵn nên có thể gặp sai số do phương pháp thu thập số liệu và phương pháp phỏng vấn và do thái độ hợp tác của đối tượng tham gia nghiên cứu.

5. Kết luận và khuyến nghị

Nghiên cứu “Nâng cao hiệu quả quản lý công tác nghiên cứu khoa học tại Viện Y dược học dân tộc giai đoạn 2024-2025” dựa vào mô hình Preceed - Proceed, đề tài của tác giả Nguyễn Thị Tiến và tác giả Trương Đỗ Anh Huy [6][8][9]. Sau khi phân tính định tính và định lượng phù hợp, kết quả nghiên cứu cho thấy thực trạng công tác NCKH được thể hiện qua 3 nội dung gồm: số lượng đề tài nghiên cứu khoa học, số lượng sáng chế và xuất bản phẩm khoa học và nhu cầu đào tạo liên tục; có 4 nhóm yếu tố có ảnh hưởng đến hoạt động nâng cao công tác quản lý NCKH gồm: môi trường (quy định, chính sách thi đua khen thưởng, quy trình quản lý), yếu tố tiền đề (tuổi, giới tính, trình độ học vấn, thâm niên, chức vụ, chức danh nghề nghiệp, bộ phận công tác, năng lực nghiên cứu, năng lực tiếng Anh), yếu tố tăng cường (đào tạo/tập huấn NCKH, hệ thống sách/thư viện/tư liệu), tạo điều kiện thuận lợi (môi trường làm việc, thời gian và số lượng công việc, sự hỗ trợ/tư vấn từ cấp trên, nguồn tài chính).

Từ các kết quả và nhận định trên, tác giả đưa ra một số khuyến nghị đối với Ban Giám đốc Viện nhằm thúc đẩy, khuyến khích NVYT tham gia NCKH, như sau:

Cần có biện pháp tăng cường số lượng và chất lượng các đề tài về cận lâm sàng và Dược, vì hai lĩnh vực này góp phần quan trọng trong quá trình cải tiến chất lượng tại Viện.

Cần xây dựng phương án giảm tải khối lượng công việc, đặc biệt công việc hành chính cho những cá nhân được giao nhiệm vụ NCKH. Điều đó sẽ giúp nâng cao tinh thần NCKH, NVYT sẽ thoải mái tham gia nhiều hơn.

Tổ chức các lớp bồi dưỡng, đào tạo kiến thức và kỹ năng NCKH cho NVYT. Bố trí và tận dụng các nguồn kinh phí sẵn có hoặc từ các tổ chức, đơn vị khác để hỗ trợ kinh phí cho những người tham gia NCKH và đào tạo kỹ năng NCKH cho NVYT.

Ứng dụng công nghệ thông tin và cải tạo hệ thống thư viện từ cơ sở vật chất và xây dựng, thay đổi phương thức quản lý và vận hành thư viện điện tử theo hướng nhanh gọn, thuận tiện cho những người tham gia NCKH tra cứu, tham khảo.

Lời cảm ơn: Nhóm tác giả xin cảm ơn chân thành đến Ban Giám hiệu Nhà trường, các khoa, phòng và thầy cô đã nhiệt tình giảng dạy và tạo mọi điều kiện thuận lợi giúp đỡ trong suốt quá trình học tập, nghiên cứu và hoàn thiện đề tài nghiên cứu khoa học này.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Trương Đỗ Anh Huy (2020). Thực trạng nghiên cứu khoa học của nhân viên y tế tại Viện Y dược học dân tộc TP. Hồ Chí Minh và một số yếu tố ảnh hưởng năm 2020, Luận văn thạc sĩ ngành Quản lý bệnh viện, Trường Đại học Y tế công cộng Hà Nội.

2. Đoàn Ánh Ngần, Hà Văn Như (2018). Thực trạng nghiên cứu khoa học và nhu cầu đào tạo của điều dưỡng Bệnh viện Thống Nhất. Luận văn Thạc sĩ Quản lý bệnh viện, Trường Đại học Y tế công cộng, Hà Nội.

3. Nguyễn Thị Tiến, Hứa Thanh Thủy, Võ Thành Toàn (2023). Thực trạng tham gia đào tạo liên tục của cán bộ y tế tại Bệnh viện Thống Nhất giai đoạn 2021-2022. Tạp chí Y học Việt Nam, 532(1B).

4. Viện Y dược học dân tộc Thành phố Hồ Chí Minh (2023). Giới thiệu về Viện Y dược học dân tộc, <https://www.vienydhdt.gov.vn/gioi-thieu-ve-vien-y-duoc-hoc-dan-toc.

5.           Plane MB, Beasley JW, Wiesen P, McBride P, Underbakke G (1998). Physician attitudes toward research study participation: A focus group. Wis Med J, 97, 49-51.

6.           Moule P. and Goodman M. (2009). Nursing Research: An Introduction. SAGE Publ

7. Rural Health Information Hub. Precede - Proceed (2023). [online] Available at:https://www.ruralhealthinfo.org/toolkits/health-promotion/2/program-models/precede-proceed.

8.    Smith W, Rogers J., Hansen T., Smith C. (2006). Early career development in academic pediatrics of participants in the APS-SPR medical student research program. Health Care (Don Mills), 65, 474-477.

9.           World Health Organization (2024). Monitoring The Building Blocks Of Health Systems: A Handbook Of Indicators And Their Measurement Strategies.

Enhancing the scientific research management at the Traditional Medicine Institute in the period of 2024-2025

Tran Nguyen Tan Phuong1

Specialist level 2 doctor Huynh Nguyen Loc1

Assoc.Prof.Ph.D Doctor Nguyen Duy Phong2

Master. Le Thi Quynh Nga3

1Traditional Medicine Institute of Ho Chi Minh City

2University of Medicine and Pharmacy

3Ho Chi Minh City Instiute for Development Studies

Abstract:

This study described the current situation and analyzed some factors affecting the improvement of scientific research management. In this study, an analytical cross-sectional design and quantitative and qualitative methods were used. The current scientific research management is reflected through three contents: number of topics, number of inventions and scientific publications, and need for continuous training. Four main factors affecting scientific research management are environment, prerequisite factors, enhancing factors, and creating favorable conditions.

Keywords: management, scientific research, the Traditional Medicine Institute, the period of 2024 – 2025.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 19 tháng 9 năm 2024]

Tạp chí Công Thương