TÓM TẮT:
Bài viết đề cập đến việc thực hiện gói hỗ trợ vay mua nhà ở xã hội của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP và những vướng mắc trong quá trình triển khai. Trong đó gồm những nội dung sau: (1) Sự ra đời và phát triển của Ngân hàng Chính sách xã hội ở Việt Nam; (2) NHCSXH triển khai hỗ trợ cho vay mua nhà ở xã hội năm 2018; (3) Giải quyết vướng mắc của NHCSXH trong triển khai tổ chức thực hiện Nghị định số 100/2015/NĐ - CP về nhà ở xã hội.
Từ khóa: Ngân hàng Chính sách xã hội, nhà ở xã hội, Nghị định số 100/2015/NĐ-CP.
Ngân hàng Chính sách xã hội được thành lập theo Quyết định số 131/2002/QĐ-TTg ngày 4/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở tổ chức lại ngân hàng phục vụ người nghèo.
Ngân hàng phục vụ người nghèo được thành lập năm 1995 và chính thức đi vào hoạt động năm 1996, do hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (NHNo&PTNT) làm đại lý giải ngân, với tổng số vốn cho vay hàng ngàn tỉ đồng tới các hộ nghèo ở nông thôn.
Ngân hàng phục vụ người nghèo hoạt động được 6 năm, đến đầu năm 2003, Ngân hàng chính sách được thành lập, thực hiện nhiệm vụ cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Ngân hàng chính sách được thành lập đã tạo ra một kênh tín dụng riêng, là sự tách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách ra khỏi hoạt động của ngân hàng thương mại; thực hiện đổi mới, cơ cấu lại tổ chức và hoạt động hệ thống ngân hàng trong quá trình đổi mới - hội nhập quốc tế trong lĩnh vực hoạt động ngân hàng hiện nay.
Ngay từ những ngày đầu thành lập, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ, các Bộ, ngành ở TW, cấp ủy, chính quyền các địa phương, sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị nhận dịch vụ ủy thác, cùng với tinh thần nỗ lực vượt khó của thế hệ cán bộ NHCSXH nên nhiều công việc như thiết lập hệ thống quy chế điều hành, quy trình nghiệp vụ tạo hành lang pháp lý khá đầy đủ, đồng bộ, bảo đảm cho việc triển khai các hoạt động tín dụng ưu đãi của Nhà nước được thông suốt, không bị gián đoạn cùng với sự hoàn thành việc nhận bàn giao tài sản, các chương trình cho vay hộ nghèo từ NHNo&PTNT, cho vay GQVL từ Kho bạc Nhà nước, cho vay học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn từ Ngân hàng Công Thương Việt Nam và các nguồn vốn ngân sách địa phương, với tổng số tiền gần 10.000 tỷ đồng.
Không những tiếp nhận và duy trì tốt các chương trình tín dụng bàn giao, NHCSXH còn triển khai khá bài bản thành công các chương trình tín dụng chính sách khác, nhờ đó qua chặng đường hơn 17 năm xây dựng và phát triển, NHCSXH đã được Chính phủ và chính quyền các địa phương tin tưởng giao thêm nhiều chương trình tín dụng và ủy thác nhiều nguồn vốn để cho vay các đối tượng chỉ định từ Chương trình có quy mô nhỏ (cho vay đối với người tàn tật, cho vay lao động sau cai nghiện, cho vay thí điểm làm chòi tránh lũ…) đến những chương trình có quy mô và tầm ảnh hưởng rộng lớn trong xã hội như cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, HSSV, giải quyết việc làm, hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn…
Với quyết tâm tập trung huy động các nguồn lực tài chính cùng với nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động, liên tiếp các năm sau, NHCSXH được tiếp nhận thêm nhiều nguồn vốn từ nhiều nơi trong nước, ngoài nước, để đến cuối năm 2012, kết thúc kế hoạch 10 năm lần thứ nhất, NHCSXH thực hiện đến 14 chương trình sử dụng vốn trong nước, 4 chương trình sử dụng vốn uỷ thác nước ngoài… với tổng dư nợ đạt 113.921 tỷ đồng tăng gấp 16 lần so với thời điểm nhận bàn giao, tốc độ tăng bình quân hàng năm đạt 32,8%/năm. Nợ quá hạn giảm từ 13,75% khi nhận bàn giao xuống còn 1,23%. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, các Bộ, ngành ở TW, cấp ủy, chính quyền các địa phương, NHCSXH đã nỗ lực tập trung được nguồn lực khá lớn để cho vay ưu đãi hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác, triển khai thực hiện có hiệu quả trên 20 chương trình tín dụng chính sách.
Song song với thực hiện mục tiêu tập trung huy động tạo lập nguồn vốn, NHCSXH đã xây dựng được mô hình tổ chức và phương thức, quản lý tín dụng đặc thù hiệu quả và phù hợp với điều kiện thực tiễn nước ta. Đó là mạng lưới hoạt động của NHCSXH đã được xây dựng từ TW đến tỉnh, huyện với 63 chi nhánh, cấp tỉnh, 626 Phòng giao dịch cấp huyện. Nhờ có mạng lưới rộng lớn cho nên trong thời gian chưa dài nhưng NHCSXH đã tập trung được nguồn lực và chuyển tải nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước đến tận tay người nghèo và các đối tượng chính sách một cách an toàn và tiết kiệm.
Mạng lưới có độ che phủ rộng lớn của NHCSXH còn được thể hiện ở gần 11 nghìn điểm giao dịch tại xã. Có thể khẳng định, hiện tại, NHCSXH là tổ chức tín dụng duy nhất xây dựng được mạng lưới Điểm giao dịch trải khắp trên toàn quốc xuống tận các xã, làm điều kiện tiên quyết để xóa tình trạng xã trắng về tín dụng của Nhà nước. Điểm giao dịch tại xã của NHCSXH còn tạo điều kiện thuận tiện nhất cho người nghèo, bà con dân tộc thiểu số tiếp cận dễ dàng với nguồn vốn chính sách của Nhà nước.
Có thể thấy từ khi ra đời và trong quá trình phát triển, NHCSXH đã có những đóng góp to lớn trong nền kinh tế và ngày càng khẳng định vai trò quan trọng. Đặc biệt trong đó phải nói đến sự hỗ trợ tích từ trong hoạt động cho vay mua nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp.
II. Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai hỗ trợ cho vay mua nhà ở xã hội năm 2018
Trong những năm qua nhà ở cho người dân đặc biệt là nhà ở cho người lao động thu nhập thấp tại đô thị và khu công nghiệp được sự quan tâm của Nhà nước và xã hội đã đạt được những kết quả rất quan trọng với hàng chục triệu m2 nhà ở đưa vào sử dụng, giải quyết chỗ ở cho hàng triệu người lao động góp phần ổn định xã hội, vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Theo số liệu của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, của Bộ Xây dựng:
- Nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp tại các đô thị dự báo đến năm 2020 là 1 triệu căn trong khi hiện nay mới chỉ đáp ứng hơn 10 000 căn/năm.
- Nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp hiện mới có 20% người lao động có chỗ ổn định. Yêu cầu dự báo đến năm 2020 cần 33,6 triệu m2 nhà ở cho 4,2 triệu người. (Hiện đang triển khai 59 dự án nhà ở công nhân khu công nghiệp với quy mô 66.950 căn hộ đáp ứng khoảng 30-40 vạn người).
Do khoảng cách giữa cung và cầu còn rất lớn nên tại đô thị đang có 284.000 hộ đang sống trong nhà ở thiếu kiên cố và đơn sơ, số nhà ở dưới 30m2 (dưới 7m2/người) là 1.131.000 căn hộ, công nhân khu công nghiệp đa số đều phải ở thuê nhà trọ của tư nhân trong điều kiện hầu hết chật hẹp, điều kiện vệ sinh môi trường không đảm bảo. Điều đó đã ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, đời sống của người lao động.
Theo nghiên cứu về thị trường nhà ở của Bộ Xây dựng cho thấy, trong số những người có nhu cầu về nhà ở có đến 80% người dân không đủ khả năng tự mình chi trả theo cơ chế thị trường. Đây chính là lý do khiến các dự án nhà ở xã hội được quan tâm hơn bao giờ hết trong hơn 2 tháng qua. “Sức nóng” càng tăng mạnh khi ngân hàng dừng ký hợp đồng tín dụng mới từ ngày 31/3/2016 do sự kết thúc ở gói hỗ trợ 30.000 tỷ khiến nhiều người lâm vào hoàn cảnh không thể thực hiện tiếp hợp đồng, hoặc phải vay thương mại với lãi suất cao kèm theo điều kiện phải có tài sản thế chấp, hoặc phải vay ngoài xã hội với lãi suất rất cao.
Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký quyết định về lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội tại NHCSXH. Theo đó, người vay muanhà ở xã hội được hưởng mức lãi suất ưu đãi 4,8%/năm, tương đương 0,4%/tháng. Mức lãi vay tại NHCSXH thấp hơn 0,2%/năm so với tại các nhà băng thương mại. Chương trình phát triển nhà ở xã hội được coi là chương trình trọng tâm của an sinh xã hội trong thời gian tới. Năm 2017, NHCSXH đã sẵn sàng cho vay mua nhà ở xã hội với kế hoạch xây dựng nguồn vốn đề xuất năm 2017 là 1.000 tỷ đồng. Theo tổng hợp nhanh từ các chi nhánh địa phương, nhu cầu vay vốn nhà ở xã hội tại NHCSXH hiện lên tới 5.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, tổng nguồn vốn cho vay nhà ở xã hội năm 2018 dự kiến khoảng 1.000 tỷ đồng. Từ nay đến năm 2020, Chính phủ sẽ cấp 1.163 tỷ đồng cho chương trình này và NHCSXH sẽ huy động thêm số vốn tương đương. Như vậy, kế hoạch từ nay đến năm 2020, nguồn vốn cho vay nhà ở xã hội của NHCSXH dự trên 2.300 tỷ đồng.
Mặc dù hiện tại NHCSXH chưa có vốn nhưng đây là chương trình lớn, song NHCSXH đã nghiên cứu, lấy ý kiến các Bộ, ngành và ban hành quy trình nghiệp vụ hướng dẫn cho vay.
Hiện nay, Chính phủ đã cơ cấu dành cho ngân hàng 500 tỷ đồng để thực hiện chính sách này. Ngân hàng cũng huy động 500 tỷ đồng nữa. Ngoài ra, nhiều địa phương cũng có kế hoạch ủy thác cho vay chương trình này. Năm 2018, NHCSXH chính thức cho vay mua/thuê mua nhà ở xã hội. Mới đây, NHCSXH đã ban hành văn bản Hướng dẫn nghiệp vụ cho vay ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội; đồng thời cải tạo, sửa chữa hoặc xây dựng mới nhà để ở.
Đối tượng được vay vốn gồm: Người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp; người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị; Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong đơn vị, cơ quan thuộc quân đội nhân dân và công an nhân dân; Công chức, viên chức, cán bộ theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức.
Về điều kiện vay vốn, người vay vốn phải đáp ứng đủ các điều kiện sau: Thực hiện gửi tiền tiết kiệm hàng tháng tại NHCSXH với thời gian gửi tối thiểu 12 tháng kể từ ngày ký Hợp đồng tín dụng với NHCSXH. Mức gửi hàng tháng tối thiểu bằng mức trả nợ hàng tháng của người vay vốn; phải có đủ vốn tự có tối thiểu 20% giá trị Hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở xã hội đối với vay vốn để mua, thuê mua nhà ở xã hội; có tối thiểu 30% giá trị dự toán hoặc phương án tính toán giá thành đối với vay vốn để cải tạo, sửa chữa hoặc xây dựng mới nhà để ở; có đủ nguồn thu nhập và khả năng trả nợ theo cam kết với NHCSXH; có đủ hồ sơ chứng minh về thực trạng nhà ở, đối tượng, điều kiện cư trú và thu nhập để được hưởng chính sách nhà ở xã hội theo quy định; có giấy đề nghị vay vốn để mua, thuê mua nhà ở xã hội, cải tạo, sửa chữa, xây dựng mới nhà để ở, trong đó có cam kết của cá nhân và các thành viên trong hộ gia đình chưa được vay vốn hỗ trợ ưu đãi nhà ở xã hội tại ngân hàng khác hoặc các tổ chức tín dụng khác.
Đối với vay vốn để mua và thuê mua nhà ở xã hội: Phải có hợp đồng mua, thuê mua nhà ở xã hội với chủ đầu tư dự án mà dự án của chủ đầu tư đó có trong danh mục dự án xây dựng nhà ở xã hội thuộc chương trình, kế hoạch đầu tư nhà ở xã hội của cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Đối với vay vốn để cải tạo, sửa chữa hoặc xây mới hoặc nhà để ở: Phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất nơi đăng ký thường trú do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định của pháp luật về đất đai; đồng thời có thiết kế, dự toán hoặc phương án tính toán giá thành theo quy định của pháp luật về xây dựng.
Ngoài ra, thủ tục thực hiện bảo đảm tiền vay yêu cầu sau: Đối với vay vốn để mua, thuê mua nhà ở xã hội, phải bảo đảm tiền vay bằng tài sản hình thành từ vốn vay theo quy định của pháp luật. NHCSXH nơi cho vay, người vay vốn và chủ đầu tư phải thỏa thuận trong hợp đồng 3 bên về phương thức quản lý và xử lý tài sản bảo đảm. Đối với vay vốn để cải tạo, sửa chữa hoặc xây mới nhà để ở: Bảo đảm tiền vay bằng giá trị quyền sử dụng đất ở và tài sản gắn liền với đất ở hoặc tài sản khác theo quy định của pháp luật.
Lãi suất cho vay do Thủ tướng Chính phủ quyết định cho từng thời kỳ và thời điểm hiện nay là 4,8%/năm theo Quyết định số 1013/QĐ-TTg ngày 06/06/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Thời hạn cho vay tối thiểu là 15 năm và tối đa không quá 25 năm kể từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên. Còn về hạn mức cho vay thì tối đa bằng 80% giá trị hợp đồng mua, thuê mua nhà ở xã hội. Đối với trường hợp cải tạo, sửa chữa hoặc xây dựng mới nhà để ở, mức vốn cho vay tối đa bằng 70% giá trị dự toán hoặc phương án tính toán giá thành và không vượt quá 70% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay.
Tóm lại, năm 2018 là thời điểm NHCSXH thực hiện Nghị định số 100/2015/NĐ - CP về nhà ở xã hội, đưa những đối tượng theo văn bản hướng dẫn tiếp cận với giấc mơ “an cư lạc nghiệp”. Để có thể đẩy mạnh phát triển nhà ở đáp ứng yêu cầu của hàng triệu người lao động thu nhập thấp tại cần có các cơ chế chính sách ổn định lâu dài và từng bước triển khai giải pháp tổ chức thực hiện từ phía NHCSXH và Nhà nước.
III. Giải quyết vướng mắc của NHCSXH trong triển khai tổ chức thực hiện Nghị định số 100/2015/NĐ - CP về nhà ở xã hội
Hiện nay, vướng mắc đầu tiên là giữa NHCSXH và những đối tượng được tiếp cận vốn theo yêu cầu tại khoản 5 Điều 13 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP: “Khách hàng là hộ gia đình, cá nhân khi vay vốn ưu đãi từ NHCSXH phải thực hiện việc gửi tiết kiệm tại NHCSXH hàng tháng, với thời gian tối thiểu 12 tháng và mức gửi theo quy định của bên cho vay”. Để xử lý vấn đề này, NHCSXH có hai phương pháp: Thứ nhất, cho vay rồi mới thực hiện gửi tiết kiệm; Thứ hai, gửi tiết kiệm rồi mới cho vay. Trước mắt là NHCSXH sẽ áp dụng cho vay rồi mới gửi tiết kiệm. Sau này, khi chủ động về vốn mỗi năm, NHCSXH sẽ thực hiện sản phẩm tiết kiệm rồi mới cho vay. Hai phương pháp này đều đúng luật. Khách hàng gửi tiết kiệm cần xác định rõ, hoạt động tiết kiệm này không phải tiết kiệm lấy lãi, mà thực chất là hoạt động thực hành tiết kiệm của người vay vốn, nhằm tạo vốn tự có tham gia vào trong dự án vay.
Vướng mắc thứ hai chính là vấn đề vốn của NHCSXH. Chính phủ cũng đã giao cho NHCSXH thực hiện triển khai gói hỗ trợ mới, sử dụng nguồn vốn 50% từ ngân sách và 50% từ nguồn huy động để cho vay mua nhà ở xã hội. Để làm được điều này, Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại duy trì và tăng tiền gửi vốn vào NHCSXH. Đồng thời, các tỉnh cũng tăng mức cấp vốn ủy thác từ ngân sách địa phương cho NHCSXH. Bên cạnh đó, NHCSXH nghiên cứu cơ chế huy động vốn trong dân thông qua các quỹ tiết kiệm tín dụng nhân dân; tiếp tục hoàn thiện thể chế cho tín dụng chính sách từ đối tượng vay vốn, định mức cho vay, điều kiện cho vay đơn giản, tập trung đúng đối tượng có khả năng dẫn dắt, tạo ra việc làm cho nhiều người. Đồng thời, Chính phủ cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương giao vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Giáo trình Kinh tế vi mô - Đại học Kinh tế quốc dân
2. Trang web Cafef.vn
3. Trang web Bộ Kế hoạch và Đầu tư
4. Nghị định số 100/2015/NĐ-CP
VIETNAM BANK FOR SOCIAL POLICIES WITH SUPPORTING SOCIAL HOUSING LOAN PACKAGE ACCORDING TO DECREE NO. 100/2015 / ND-CP AND OBSTACLES IN IMPLEMENTATION
NGUYEN THI HE
Faculty of Accounting - University of Economic and Technical Industries
ABSTRACT:
The article mentions the implementation of the social housing loan package by Vietnam Bank for Social Policies under Decree No. 100/2015 / ND-CP and obstacles in the implementation process. This includes the following contents: (1) The birth and development of the Vietnam Bank for Social Policies; (2) VBSP will support social housing loans in 2018; (3) Problem solving by VBSP in implementation of Decree No. 100/2015 / ND-CP on social housing.
Keywords: Bank for Social Policies, Social Housing, Decree No. 100/2015 / ND-CP.
Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 5 + 6 tháng 4/2018 tại đây