TÓM TẮT:
Bài viết trên cơ sở phân tích những phát triển trong quan điểm của Đảng về quyền con người (QCN), những thành tựu Việt Nam đã đạt được thông qua việc thực hiện các quan điểm đó trong thời gian qua. Đồng thời, nghiên cứu phân tích các chủ trương nhằm tiếp tục giải quyết vấn đề QCN trong thời gian tới, theo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng gắn với tình hình KTXH của Việt Nam để đưa ra một số điểm cần lưu ý, nhằm thực hiện tốt các nội dung liên quan tới quyền dân sự chính trị trong Nghị quyết Đại hội Đảng XIII.
Từ khóa: Văn kiện Đại hội XIII, quyền con người, quyền dân sự, chính trị, Việt Nam.
1. Khái quát về quyền dân sự chính trị và quan điểm của Đảng về quyền dân sự chính trị
QCN là những nhu cầu, lợi ích tự nhiên vốn có và khách quan của con người được ghi nhận và bảo vệ trong pháp luật quốc gia và các thỏa thuận quốc tế. Bảo đảm và thúc đẩy QCN là quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nội dung này tiếp tục được Đại hội XIII của Đảng khẳng định với nhiều điểm mới. Xét về nội dung, QCN bao gồm 2 nhóm, đó là: QCN trong lĩnh vực dân sự - chính trị (viết tắt là QDSCT) và QCN trong lĩnh vực kinh tế, xã hội và văn hóa. Các QDSCT được ghi nhận trong nhiều văn kiện quốc tế quan trọng, như: Tuyên ngôn toàn thế giới về QCN năm 1948 từ Điều 2 đến Điều 21; Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) năm 1966; Công ước chống tra tấn và các hình thức trừng phạt hay đối xử tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm, 1984 (CAT); Công ước về việc ngăn cấm và trừng phạt tội diệt chủng (1948). QDSCT được thể hiện ở mối quan hệ chặt chẽ một cách trực tiếp với con người, như quan hệ giữa các cá nhân với nhau hay quan hệ giữa cá nhân với Nhà nước.
Cho tới nay, Việt Nam đã tham gia hầu hết các Công ước quốc tế về QCN. Việt Nam ngày càng chủ động, tích cực hơn trong việc đảm nhiệm các vai trò thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014 - 2016; tham gia vào quá trình xây dựng Tuyên ngôn Nhân quyền ASEAN, Ủy ban liên Chính phủ ASEAN về QCN, đóng vai trò tích cực trong các Ủy ban ASEAN về phụ nữ và trẻ em, về lao động di cư,… Việc bảo đảm và thúc đẩy QDSCT không chỉ bảo đảm thực hiện nghĩa vụ tận tâm, thiện chí thực hiện cam kết quốc tế, mà hơn cả là bảo đảm thực hiện quan điểm xuyên suốt về QCN của Đảng.
2. Cách tiếp cận mới của Đại hội XIII liên quan tới quyền dân sự chính trị
Trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước Việt Nam tiến hành suốt 35 năm qua, con người (nhân dân) luôn được Đảng, Nhà nước ta đặt ở vị trí trung tâm, coi đó vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển. Dù còn nhiều khó khăn, thách thức, bởi cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng công tác bảo vệ và thúc đẩy QCN ở Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Đại hội XIII được tổ chức vào thời điểm toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã thực hiện thắng lợi nhiều chủ trương, mục tiêu, nhiệm vụ trong Nghị quyết Đại hội XII; đất nước đã qua 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) và Chiến lược phát triển KT - XH 10 năm 2011-2020, đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đại hội XIII xác định: “Tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ QCN, quyền và nghĩa vụ của công dân theo Hiến pháp năm 2013; gắn QCD với nghĩa vụ và trách nhiệm công dân đối với xã hội”1. Đây là cách tiếp cận mới của Đảng ta trong bảo đảm, bảo vệ và thúc QCN ở Việt Nam trong giai đoạn mới. So với Đại hội XII[1], một số nhận thức mới liên quan tới bảo đảm thúc đẩy QDSCT đáng chú ý gồm:
Tại Đại hội XIII, các vấn đề liên quan tới QCN nói chung, QDSCT nói chung, Đảng đã tiếp cận theo cách thức rất mới, hiện đại - phương pháp tiếp cận dựa trên QCN trong hoạch định chính sách phát triển (hay còn được gọi là “tiếp cận dựa trên quyền”- right-based approach/ human rights-based approach - HRBA). HRBA hướng tới sự cân bằng của cả 2 yếu tố nội dung và cách thức thực thi QCN. Đây là cách tiếp cận hợp lý, đúng đắn cả về mặt pháp lý và đạo đức. HRBA thể hiện qua những đặc trưng cốt lõi, đó là:
(i) Coi việc hỗ trợ thực hiện, thụ hưởng các QCN là mục tiêu chính trong các chính sách và chương trình phát triển;
(ii) Lấy các nguyên tắc và tiêu chuẩn quốc tế về QCN làm định hướng trong việc thiết lập và thực hiện các chính sách, chương trình phát triển;
(iii) Làm rõ những chủ thể quyền, chủ thể có trách nhiệm và các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của họ, từ đó hỗ trợ tăng cường năng lực trong việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm[2].
Theo Nghị quyết Đại hội XIII, việc bảo đảm QDSCT luôn được xác định là mục tiêu chính của mọi quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, định hướng và xác định các nhiệm vụ trọng tâm. Trong các bài học kinh nghiệm và cách tiếp cận hiện đại về QCN của Đảng. Từ thực tiễn công cuộc đổi mới và sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, Liên quan tới QDSCT, Đại hội XIII rút ra bài học kinh nghiệm, đó là: trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc quan điểm “dân là gốc”; “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” và “lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”.
Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”[3]. Nhiệm vụ thứ 7 trong định hướng phát triển đất nước đến năm 2030, Nghị quyết Đại hội XIII nêu rõ: “Kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN. Giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, an ninh con người (ANCN), an ninh kinh tế, an ninh mạng, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương…”.
Trong định hướng và nhiệm vụ trọng tâm nói trên, Nghị quyết Đại hội XIII nhấn mạnh yếu tố ANCN. Khái niệm này lần đầu tiên được đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng, thể hiện quan điểm, tư duy mới trong đảm bảo an ninh quốc gia mà trọng tâm là vấn đề ANCN. ANCN là một phần của an ninh quốc gia, chính trật tự, kỷ cương mang lại môi trường, cuộc sống an toàn cho mọi người dân và từ môi trường đó càng củng cố niềm tin của người dân đối với Đảng, chế độ, củng cố niềm tin vào cuộc sống an lành.
Nghị quyết Đại hội XIII đã lấy các nguyên tắc và tiêu chuẩn quốc tế về quyền con người làm định hướng trong việc xác định tầm nhìn và định hướng phát triển.
Xuất phát từ nhận thức mới của Đại hội XIII về dự báo tình hình thế giới và trong nước ảnh hưởng trực tiếp tới việc bảo đảm, thúc đẩy QDSCT cũng đã chỉ rõ: “Thế giới đang trải qua những biến động to lớn, diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song đang đứng trước nhiều trở ngại, khó khăn; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột cục bộ tiếp tục diễn ra dưới nhiều hình thức, phức tạp và quyết liệt hơn, làm gia tăng rủi ro đối với môi trường kinh tế, chính trị, an ninh quốc tế,…Về dự báo tình hình trong nước, Đại hội XIII có những nhận thức mới: Sau 35 năm đổi mới, sức mạnh tổng hợp quốc gia, uy tín quốc tế, niềm tin của nhân dân ngày càng được nâng cao.
Trong 5 năm tới, Việt Nam hội nhập quốc tế sâu, rộng hơn và sẽ phải thực thi đầy đủ các cam kết khi tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Nền kinh tế phát triển chưa bền vững, còn nhiều hạn chế, đứng trước nhiều khó khăn, thách thức mới do tác động của đại dịch Covid-19 và khủng hoảng kinh tế toàn cầu gây ra. Đại hội XIII nhấn mạnh một số dự báo: Xu hướng già hóa dân số nhanh; tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa tăng mạnh; đặc biệt biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh gay gắt, phức tạp,... ngày càng tác động mạnh đến sự phát triển của đất nước”. Nghị quyết Đại hội XIII khẳng định: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy dân chủ XHCN, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con người Việt Nam, bồi dưỡng sức dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ KHCN, nhất là những thành tựu của cuộc CMCN 4.0, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển nhanh và bền vững. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi.
Nghị quyết Đại hội XIII đã làm rõ những chủ thể quyền, chủ thể có trách nhiệm và các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi chủ thể trong bảo đảm thúc đẩy QDSCT.
Về chủ thể quyền, cùng với chủ trương khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy tối đa nhân tố con người, Nghị quyết xác định mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đều phải hướng vào việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và hạnh phúc của nhân dân. Đại hội XIII đã nhấn mạnh “bảo đảm cao nhất” để thống nhất trong tư duy nhận thức và hành động của các cấp, ngành trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia. Đại hội XIII xác định: “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng quy trình lập pháp, tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ QCN, QCD”6. Mặc dù các Đại hội trước đây, Đảng cũng đã đều đặt nhân dân là chủ thể và đặc biệt coi trọng nhân dân nhưng đến Đại hội XIII, do yêu cầu phát triển đất nước rất cao và trước một bối cảnh rất nhiều thời cơ thuận lợi và đầy thử thách, vai trò của nhân dân càng lớn. Do đó, chúng ta tiếp tục phát triển tư duy về nhân dân mà trước đây nói là cơ chế dân chủ để dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, nhưng lần này thêm "dân giám sát và dân thụ hưởng".
Đại hội XIII xác định rõ chủ thể có trách nhiệm và các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi chủ thể trong bảo đảm, thúc đẩy QDSCT. Điều này cho thấy, để bảo đảm QDSCT, Đảng nhấn mạnh vai trò của Quốc hội, với tư cách là cơ quan lập pháp, Quốc hội có nhiệm vụ cụ thể hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về QCN thành các quy định của pháp luật. Sau Quốc hội, vai trò của các cơ quan tư pháp trong bảo đảm và thúc đẩy QDSCT cũng được, Đại hội XIII của Đảng xác định rõ: “Tiếp tục xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Hoạt động tư pháp phải có trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ QCN, QCD, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân”7. Yêu cầu rõ ràng được Đảng đưa ra là hoạt động tư pháp phải có “trọng trách” bảo vệ công lý, bảo vệ QCN, QCD. Do đó, nguyên tắc tính công bằng, công khai, khách quan, vô tư trong hoạt động xét xử phải đặc biệt được đề cao để xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội, đồng thời cũng không được bỏ lọt tội phạm.
Đối với các thiết chế xã hội, Đại hội XIII của Đảng đặc biệt nhấn mạnh vai trò của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các tổ chức thành viên trong giám sát và phản biện xã hội. “MTTQ và các tổ chức chính trị, xã hội, hướng mạnh về cơ sở, địa bàn dân cư. Thực hiện tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên”[4]. Thông qua giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam một cách khách quan, khoa học, gắn với ý kiến của nhân dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, MTTQ thực hiện nhiệm vụ quan trọng trong việc bảo đảm QCN, QCD.
3. Một số vấn đề cần quan tâm nhằm bảo đảm thực hiện tốt các nội dung liên quan tới quyền dân sự - chính trị tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng
Dễ nhận thấy thành công của Đại hội XIII thể hiện ở chỗ các NQ của Đại hội đã đề cập tới các vấn đề vô cùng vấn đề thiết thực, phù hợp với thực tiễn, giải quyết những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân. Tuy nhiên, để NQ đi vào cuộc sống không dễ dàng. Điều này đòi hỏi sự vận dụng công phu, tâm huyết, tinh thần quyết liệt của người lãnh đạo và được mọi người dân đón nhận.
Trước hết, cần quán triệt rõ quan điểm nhất quán: “bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm QCN, QCD; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”.
Thứ hai, cần áp dụng phổ biến, phù hợp phương pháp phương pháp tiếp cận dựa trên quyền: để các nội dung liên quan tới việc bảo đảm, thúc đẩy QDSCT phát huy tối đa hiệu quả, phù hợp với cách tiếp cận của NQ về vấn đề QDSCT. Việt Nam cần tiếp tục áp dụng cách tiếp cận dựa trên quyền một cách phổ biến trong xây dựng chính sách pháp luật, kế hoạch, chiến lược phát triển KT-XH với yêu cầu phù hợp với thể chế Nhà nước pháp quyền XHCN.
Thứ ba, Nghị quyết Đại hội XIII nhấn mạnh mục tiêu “lấy con người làm trung tâm”, bảo đảm QCN và phát triển con người toàn diện. Mục tiêu phát triển con người toàn diện đương nhiên phải xuất phát từ con người và “lấy con người làm trung tâm”. Song, nếu không có sự tham gia chủ động, tích cực của người dân với tư cách là người là chủ - làm chủ thì không thể “dựa vào dân” nhằm đạt được mục tiêu đó. Vì lẽ đó, việc bảo đảm QCN, QDSCT là khâu kết nối cần thiết, không thể thiếu giữa việc “lấy con người làm trung tâm” và phát triển con người toàn diện.
Thứ tư, cần xác định rõ những thuận lợi và thách thức đối với việc bảo đảm QDSCT, tích cực, chủ động giải quyết những vấn đề QDSCT mới nảy sinh trong thực tiễn. Chẳng hạn, vấn đề giới hạn QDSCT trước bối cảnh đại dịch Covid-19, QDSCT của lao động di cư, QDSCT trong các vụ khiếu kiện đông người, điểm nóng (thay vì chỉ được giới hạn trong quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân như hiện nay; vấn đề bảo vệ, bảo đảm QCN trong hoạt động tư pháp, hay QCN của những nghi can, nghị phạm trong tạm giữ, tạm giam (vì quyền của những người đã bị kết án cơ bản đã được thể chế hóa khá rõ và ổn định).
Thứ năm, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp quyền trong hoạt động tư pháp nhằm thực hiện công khai, minh bạch nghĩa vụ bảo đảm công lý, bảo đảm thực hiện đúng nội dung Đại hội XIII đã xác định: “Hoạt động tư pháp phải bảo vệ công lý, bảo vệ QCN, QCD, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, đấu tranh có hiệu quả với mọi loại tội phạm và vi phạm”.
4. Kết luận
Các QDSCT là một bộ phận cơ bản, thiết yếu, có vị trí đặc biệt quan trọng trong tổng thể QCN. Bảo đảm và thúc đẩy QCN là quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nội dung này tiếp tục được Đại hội XIII của Đảng khẳng định, với nhiều điểm mới. Trong đó, đáng lưu ý là cách tiếp cận mới và hiện đại liên quan tới vấn đề QCN đó là tiếp cận dựa trên quyền và sự quan tâm thích đáng của NQ Đại hội tới các nhóm trong xã hội đặc biệt, nhóm dễ bị tổn thương, gồm: phụ nữ, trẻ em, người thiểu số,… NQ của Đại hội đã đề cập tới các vấn đề vô cùng thiết thực, phù hợp với thực tiễn, giải quyết những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân. QDSCT với những đặc trưng vốn có cần phải được quan tâm thích đáng. Để các nội dung liên quan tới QDSCT của NQ đi vào cuộc sống không dễ dàng. Điều này đòi hỏi sự vận dụng linh hoạt, đồng bộ trên nhiều phương diện từ quán triệt quan điểm, tinh thần, hoàn thiện pháp luật, thể chế pháp quyền,…đến thực thi trong cuộc sống.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:
[1] Đại hội XII của Đảng, (năm 2016) đã đưa nội dung QCN vào tất cả các văn kiện Đại hội, nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục “thực hiện QCN, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013…”; đồng thời, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế trên lĩnh vực QCN.
[2] Vũ Công Giao, (2019), Phương pháp tiếp cận dựa trên QCN và khả năng áp dụng vào hoạt động xây dựng chính sách, pháp luật ở Việt Nam hiện nay, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 18 (394), tháng 9/2019.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, 2021, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 1, Nxb Chính trị quốc gia, H. tr. 27.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 1, Nxb Chí trị Quốc gia, H. tr.172.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Đảng Cộng sản Việt Nam, (1987). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI. Hà Nội. NXB Sự thật.
- Đảng Cộng sản Việt Nam, (2016). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. Hà Nội NXB Chính trị Quốc gia.
- Vũ Công Giao (2019), Phương pháp tiếp cận dựa trên QCN và khả năng áp dụng vào hoạt động xây dựng chính sách, pháp luật ở Việt Nam hiện nay, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 18 (394), tháng 9/2019.
- Đảng Cộng sản Việt Nam –(2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 1, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 27.
- Quốc hội (2013), Điều 26 Hiến pháp năm 2013.
The Documents of 13th National Congress of Vietnam Communist Party and issues about ensuring civil and political rights in Vietnam
Ph.D Mac Thi Hoai Thuong 1
Master. Le Ha Phuong 2
1 Faculty of International Law, Hanoi Law University
2 Faculty of State and Law, Nguyen Van Cu Political School
ABSTRACT:
This paper analyzes the developments in the Vietnam Communist Party's viewpoint on human rights and the achieved results of Vietnam in implementing those views in the past time. This paper also analyzes current policies under the Documents of 13th National Congress of Vietnam Communist Party to keep solving issues relating to human rights in the context of Vietnam’s socio-economic development, thereby highlighting some points to better ensuring civil and political rights under the Documents of 13th National Congress of Vietnam Communist Party.
Keywords: Documents of 13th National Congress of Vietnam Communist Party, human rights, civil rights, politics, Vietnam.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 25, tháng 11 năm 2021]