Nghiên cứu chuỗi giá trị ngành hàng gà tại huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi

TS. NGUYỄN ĐỨC NHUẬN (Trường Đại học Thương mại) và PGS. TS. NGUYỄN PHÚ SƠN - (Trường Đại học Cần Thơ)

TÓM TẮT:

Nghiên cứu khảo sát 98 tác nhân tham gia chuỗi giá trị gà tại huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi. Nghiên cứu được thực hiện trên cơ sở phương pháp tiếp cận liên kết chuỗi giá trị và phân tích lợi thế cạnh tranh ngành hàng. Kết quả nghiên cứu cho thấy, chuỗi giá trị hiện tại có 2 kênh phân phối chính, gồm: 97% lượng gà được bán cho những người tiêu dùng cuối cùng và 3% bán cho những người tiêu dùng công nghiệp (quán ăn), rồi mới đến người tiêu cùng cuối cùng. Kết quả nghiên cứu cho thấy lỗ hổng hiện tại của chuỗi là việc người nuôi gà thiếu thông tin thị trường và thiếu sự phân biệt sản phẩm trong định giá bán sản phẩm. Thêm vào đó, việc phân phối lợi nhuận giữa người nuôi và quán ăn chưa hợp lý, theo hướng người nuôi bị thiệt. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để làm gia tăng lợi nhuận của chuỗi giá trị ngành hàng gà. Qua phân tích ma trận SWOT, nghiên cứu đã đề xuất được 4 nhóm giải pháp để gia tăng lợi nhuận của toàn chuỗi nói chung và cho người nuôi gà nói riêng.

Từ khóa: Gà, chuỗi giá trị, giá trị gia tăng, giá trị gia tăng thuần.

1. Đặt vấn đề

Gà Sơn Tây là sản phẩm tiêu dùng truyền thống gắn bó rất nhiều năm với người nông dân huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi. Huyện Sơn Tây có diện tích chăn thả lớn, gà ở đây có đặc tính dễ nuôi, tận dụng được nhiều nguồn thức ăn tự nhiên tại chỗ, cùng với kinh nghiệm nuôi gà lâu năm của người nông dân, sự hỗ trợ của cơ quan tổ chức trong và ngoài nước. Có nhiều điều kiện thuận lợi như thế nhưng vấn đề đặt ra ở đây là tại sao người chăn nuôi vẫn chưa thể vươn lên làm giàu? Tại sao rất khó tìm mua được đặc sản gà Sơn Tây này trên thị trường? Và còn nhiều vấn đề nữa liên quan đến tình hình sản xuất, tiêu thụ đặt ra cho ngành hàng này. Vì vậy, việc phân tích chuỗi giá trị gà ở huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi là rất cần thiết, nhằm đánh giá hoạt động của các tác nhân tham gia chuỗi giá trị gà và đề xuất các giải pháp nâng cấp chuỗi, tăng giá trị gia tăng và cải thiện sinh kế cho người nuôi.

2. Mục tiêu nghiên cứu

2.1. Mục tiêu chung

Phân tích chuỗi giá trị ngành hàng gà ở huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi và các vấn đề liên quan nhằm đề xuất các giải pháp để nâng cấp chuỗi.

2.2. Mục tiêu cụ thể

- Lập bản đồ chuỗi giá trị và phân tích kinh tế chuỗi của ngành hàng gà.

- Phân tích ma trận SWOT ngành hàng gà.

- Xác định những lỗ hổng trong chuỗi giá trị để làm cơ sở đưa ra giải pháp phát triển ngành.

3. Phương pháp nghiên cứu

3.1. Phương pháp tiếp cận

Nghiên cứu vận dụng lý thuyết “Liên kết chuỗi giá trị - ValueLinks” của Eschborn GTZ, “Thị trường cho người nghèo - công cụ phân tích chuỗi giá trị” của M4P, “Phân tích lợi thế cạnh tranh ngành hàng” của Michael Porter.

3.2. Phương pháp thu thập dữ liệu

Nghiên cứu thu thập dữ liệu thứ cấp có liên quan đến ngành hàng, phỏng vấn trực tiếp 98 quan sát là các tác nhân ngành hàng. Những quan sát được chọn theo phương pháp chọn mẫu phi ngẫu nhiên - chọn mẫu thuận tiện theo chuỗi giá trị.

3.3. Phương pháp phân tích

Đề tài sử dụng chủ yếu các phương pháp sau:

- Thống kê mô tả.

- Áp dụng việc phân tích mô hình “5 lực lượng cạnh tranh của Porter”.

- Phân tích ma trận SWOT.

- Phân tích kinh tế chuỗi bao gồm phân tích giá trị gia tăng (Value Added - VA), giá trị gia tăng thuần hay còn gọi là lợi nhuận (Net Value Added - NVA).

4. Kết quả và thảo luận

4.1. Thông tin chung

Sơn Tây là một huyện miền núi nằm ở cực Tây của tỉnh Quảng Ngãi, cách thành phố Quảng Ngãi 90 km.

Theo Báo cáo Tổng kết kinh tế - xã hội của huyện năm 2013, giá trị sản xuất bình quân đầu người trong năm 2013 đạt mức 5,974 triệu đồng/người/năm, tăng 0,745 triệu đồng so với năm 2012. Số hộ nghèo năm 2013 là 2.378 hộ (chiếm 47,09% tổng số hộ trong huyện) và 517 hộ cận nghèo (chiếm 10,24%).

4.2. Tình hình sản xuất và tiêu thụ gà

Theo Báo cáo tổng kết năm của ngành Nông nghiệp huyện Sơn Tây, tổng giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp của huyện năm 2013 đạt 78,98 tỷ đồng. Chăn nuôi gia cầm (chủ yếu là gà) là 34.143 con. So với năm 2012, gia cầm tăng 18,43%. Nguyên nhân dẫn đến những dấu hiệu tăng trưởng này trong năm 2013 là do huyện đã thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, nên trong năm không có dịch bệnh nguy hiểm xảy ra trên địa bàn. Mặc dù, qua khảo sát thực tế cho thấy mạng lưới dịch vụ thú y của huyện còn rất hạn chế trong hoạt động. Bên cạnh đó, trong công tác tiêm phòng bệnh gia cầm tại huyện còn nhiều hạn chế do hình thức chăn thả tự nhiên.

4.3. Phân tích chuỗi giá trị gà

4.3.1. Sơ đồ chuỗi giá trị

Qua khảo sát thực tế các tác nhân trong chuỗi giá trị ngành hàng gà của huyện Sơn Tây cho thấy, sản phẩm gà từ các hộ nuôi được phân phối qua 2 kênh:

Kênh 1: Người nuôi --> Người tiêu dùng công nghiệp (quán ăn) --> Người tiêu dùng cuối cùng

Kênh 2: Người nuôi --> Người tiêu dùng cuối cùng.


Trong đó, gà được tiêu thụ qua kênh thứ hai là chủ yếu (97%). Sơ đồ chuỗi giá trị gà được thể hiện qua Hình 1.

Hình 1: Sơ đồ chuỗi giá trị gà huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi năm 2014

Nhìn chung, chuỗi giá trị gà tại Sơn Tây chưa phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, chủ yếu là phục vụ nhu cầu thực phẩm trong gia đình và bán lại cho người tiêu dùng trong xóm. Lượng cung gà ra thị trường còn rất hạn chế, không đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tại địa phương. Người nuôi chưa có định hướng nuôi gà theo quy mô công nghiệp, do vậy việc phát triển chuỗi giá trị gà ở Sơn Tây thực sự rất khó khăn.

4.3.2. Hoạt động và mối quan hệ giữa các tác nhân trong chuỗi

Phương thức chăn nuôi ở đây hầu hết là nuôi theo kiểu thả rong. Người nuôi ở đây không có thói quen tiêm phòng dịch bệnh cho gà. Mỗi khi gà bị bệnh, người nuôi hầu như không sử dụng thuốc thú y để trị, do không biết nơi cung cấp hoặc người để trị bệnh cho gà. Gà bán cho người tiêu dùng công nghiệp (các quán ăn) với tỷ lệ rất khiêm tốn. Gà bán cho các quán ăn theo phương thức thanh toán tiền mặt. Gà bán cho người tiêu dùng trong xóm theo hai phương thức: tiền mặt và đổi công (đổi gà ăn và làm bù công việc lại cho người bán). Điều đáng ghi nhận trong chuỗi này là, người tiêu dùng ở Sơn Tây tiêu thụ lượng gà của các thương lái từ miền xuôi lên bán tương đối nhiều.

4.3.3. Phân tích kinh tế chuỗi

Như đã trình bày ở trên, hoạt động của chuỗi giá trị gà Sơn Tây diễn ra qua 02 kênh. Số lượng tác nhân và giá trị gia tăng (GTGT) tạo ra trong từng kênh là khác nhau. Cụ thể như sau:

Kênh 1: Người nuôi --> Người tiêu dùng công nghiệp (quán ăn) --> Người tiêu dùng cuối cùng

Đối với kênh thứ nhất, tổng GTGT được tạo ra bằng 1,3 lần giá bán của người nuôi. Trong đó, GTGT được phân phối cho người nuôi 59% và lợi nhuận được phân phối cho người nuôi là 61%. Tỷ trọng này trong nông nghiệp không phải là cao và phân phối lợi nhuận trong trường hợp này cũng chưa được hợp lý.

Kênh 2: Người nuôi --> Người tiêu dùng cuối cùng


Đối với kênh thứ hai thì GTGT và lợi nhuận mà người nuôi nhận được đều cao hơn so với kênh thứ nhất, chủ yếu là do giá bán cao hơn. Điều đáng quan tâm ở đây là, so với gà từ miền xuôi bán tại Sơn Tây (là giống gà lai) thì giá cả mà người nuôi nhận được rõ ràng là không cao, do chất lượng gà tại địa phương cao hơn hẳn so với gà từ miền xuôi. Thậm chí, các quán ăn mua gà từ các thương lái miền xuôi mang lên bán cũng mua với giá từ 80-85 ngàn đồng/kg, sắp xỉ với giá gà địa phương. Còn các chủ buôn lẻ bán tại chợ huyện cũng bán cho người tiêu dùng với giá từ 100-120 ngàn đồng/kg (giá mua gà do các thương lái từ miền xuôi mang lên bán khoảng 80 ngàn đồng/kg). Điều này cho thấy các hộ nuôi còn rất hạn chế trong việc định giá bán dựa vào sự khác biệt về chất lượng sản phẩm, một phần có thể do họ thiếu thông tin thị trường về giá cả trong quá trình sản xuất - kinh doanh.

Tóm lại, qua phân tích kinh tế chuỗi cho thấy lỗ hổng hiện tại của chuỗi là việc người nuôi thiếu thông tin thị trường và thiếu sự phân biệt sản phẩm trong định giá bán. Thêm vào đó, việc phân phối lợi nhuận giữa người nuôi và quán ăn chưa hợp lý, theo hướng người nuôi bị thiệt.

4.3.4. Những thuận lợi, khó khăn của các tác nhân trong chuỗi

Qua kết quả khảo sát các tác nhân trong chuỗi và qua các cuộc thảo luận nhóm với người nuôi tại 3 xã trong vùng dự án, những thuận lợi và khó khăn sau đây được nhận ra:

* Thuận lợi

- Đối với người nuôi

+ Giống gà địa phương dễ nuôi.

+ Có thể tận dụng được nguồn thức ăn tự nhiên và từ các sản phẩm trồng trọt tại chỗ (lúa, bắp, mỳ).

+ Các hộ nuôi có kinh nghiệm chăn nuôi lâu năm.

+ Nhà nước hỗ trợ tiêm phòng dịch bệnh cho gà.

+ Được địa phương và các chương trình dự án hỗ trợ tập huấn kỹ thuật và hỗ trợ con giống.

+ Có diện tích rộng để chăn thả.

+ Nhu cầu thị trường cao hơn lượng cung sẵn có tại huyện.

+ Được ngân hàng chính sách cho vay để đầu tư cho chăn nuôi.

- Đối với quán ăn

+ Giá mua gà từ các hộ nuôi không cao hơn so với giá mua gà lai do các thương lái từ miền xuôi mang lên bán tại huyện Sơn Tây.

+ Người tiêu dùng thích ăn gà địa phương, do có chất lượng cao hơn so với gà từ miền xuôi.

* Khó khăn

- Đối với người nuôi

+ Thiếu kiến thức về kỹ thuật chăn nuôi và phòng trị dịch bệnh.

+ Do nuôi theo kiểu thả rong nên rất khó quản lý dịch bệnh.

+ Dịch vụ thú y trên địa bàn huyện phục vụ thiếu tính kịp thời.

+ Ý thức nuôi gà hàng hóa để cải thiện thu nhập gia đình của các hộ nuôi thấp.

+ Thiếu thông tin thị trường.

+ Có khả năng bị cạnh tranh bởi các loại gà thay thế như gà Kiến Thuần và gà lai nuôi thả rong.

- Đối với quán ăn

+ Gà bị dịch bệnh ngày càng nhiều.

+ Địa bàn các hộ nuôi phân tán nên tốn nhiều thời gian thu gom, cũng như chi phí vận chuyển gia tăng.

Tóm lại, đặc điểm nổi trội nhất của ngành hàng gà ở huyện Sơn Tây là cung không đủ cầu, người chăn nuôi vẫn chưa thể vươn lên làm giàu do nhiều nguyên nhân: khả năng nắm bắt thông tin thị trường, ý tưởng kinh doanh và ý thức phòng trị bệnh cho gà của người nuôi còn rất hạn chế,…

4.4. Giải pháp phát triển chuỗi

Dựa vào những thông tin về thuận lợi và khó khăn của các tác nhân trong chuỗi, phân tích ma trận SWOT được tiến hành nhằm đưa ra các giải pháp để phát triển ngành hàng gà. Kết quả của phân tích này được thể hiện trong Bảng 3.

Qua phân tích kinh tế chuỗi giá trị hiện tại, phân tích SWOT có 4 nhóm giải pháp nâng cấp chuỗi được đề xuất:

Giải pháp công kích “Đầu tư xây dựng mô hình nuôi theo kiểu trang trại/tổ hợp tác”. Giải pháp này được đề xuất dựa vào 2 điểm mạnh để theo đuổi 3 cơ hội phát triển của ngành. Giải pháp này giúp người nuôi tập trung được nguồn lực (vốn, đất đai, lao động) cho việc sản xuất hàng hóa và có điều kiện áp dụng kỹ thuật nuôi tốt hơn, giúp nâng cao thu nhập cho các hộ nuôi, tăng tính cộng đồng giữa các hộ nuôi trong sản xuất và kinh doanh, tạo điều kiện cho việc chia sẻ thông tin kỹ thuật và thị trường với nhau.

Giải pháp điều chỉnh “Nâng cao năng lực sản xuất và kinh doanh cho người nuôi”. Giải pháp này được đề xuất dựa trên cơ sở tận dụng cơ hội nhu cầu thị trường về giống gà của địa phương cao và sự hỗ trợ vốn, kỹ thuật, kiến thức kinh tế của các chương trình, dự án và Ngân hàng Chính sách để khắc phục tình trạng kỹ thuật nuôi còn hạn chế của các hộ nuôi, cũng như hạn chế về qui mô nuôi nhỏ, lẻ và ý tưởng kinh doanh nuôi gà hàng hóa của các hộ nuôi.

Giải pháp thích ứng “Tăng cường hoạt động quảng bá sản phẩm đi đôi với chiến lược định giá sản phẩm dựa vào chất lượng”. Giải pháp này được đề xuất dựa vào điểm mạnh nổi trội nhất của ngành hàng này là chất lượng cao so với các giống gà khác đang được tiêu thụ tại địa phương. Giải pháp này giúp người nuôi tạo ra sự khác biệt của sản phẩm về chất lượng so với những sản phẩm khác cùng loại, từ đó giảm được cạnh tranh với những sản phẩm thay thế khác. Về mặt lâu dài là địa phương có thể giữ lại được tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho mình do không phải nhập gà từ những nơi khác.

Giải pháp phòng thủ: Có 2 giải pháp trong nhóm giải pháp phòng thủ, bao gồm: 1) Tăng cường công tác cung cấp thông tin thị trường cho người nuôi. Do các hộ nuôi không quan tâm đến thông tin thị trường và do địa phương chưa tổ chức được bất kỳ hình thức chuyển tải thông tin thị trường nào cho người nuôi. Hai điểm này hội tụ lại khiến cho các hộ nuôi không nắm bắt và định hướng được việc sản xuất theo nhu cầu thị trường và do vậy làm cho quyền lực thị trường của người nuôi so với người bán rất thấp. Chính vì vậy, việc thực hiện giải pháp này rất cần thiết để góp phần gia tăng thu nhập cho các hộ nuôi. 2) Nâng cao chất lượng dịch vụ thú y công, đồng thời nâng cao nhận thức của người nuôi về phòng trị bệnh cho gà. Do ở huyện chưa có cửa hàng/cơ sở nào cung cấp thuốc thú y và dịch vụ thú y mang tính chuyên nghiệp, cộng với ý thức phòng trị bệnh cho gà của người nuôi còn yếu, thì việc thực hiện giải pháp này vô cùng có ý nghĩa kể cả trước mắt và lâu dài, nhằm hạn chế tối đa những rủi ro, góp phần nâng cao thu nhập cho người nuôi.

4.5. Kế hoạch hành động nâng cấp chuỗi giá trị gà

Để thực thi các giải pháp nêu trên, cần thực hiện 3 nhóm hoạt động sau:

- Đầu tư xây dựng mô hình nuôi theo kiểu trang trại/tổ hợp tác. Các hộ nuôi tham gia trang trại/tổ hợp tác có nuôi bò, có thể áp dụng mô hình nuôi kết hợp: Nuôi bò + trùn quế + nuôi gà. Mô hình nên được chọn tại các cộng đồng nằm gần trung tâm huyện, sau đó mới nhân rộng ra các thôn, xã ở xa. Song song với thời gian làm mô hình nên cố gắng kết nối với một vài người mua lớn tại trung tâm huyện. Sau khi mô hình được nhân rộng, sẽ tiến đến việc nối kết với người mua ở ngoài huyện.

- Nâng cao năng lực sản xuất và kinh doanh cho người nuôi: Giải pháp này có thể được thực hiện thông qua hình thức tổ chức tập huấn, hội thảo, tham quan học tập những vấn đề có liên quan đến kỹ thuật nuôi và kiến thức thị trường, kiến thức kinh doanh cho các hộ nuôi, đặc biệt là các trang trại, tổ hợp tác nuôi gà.

- Tăng cường hoạt động quảng bá sản phẩm đi đôi với chiến lược định giá sản phẩm dựa vào chất lượng. Giải pháp này trước tiên nên được tiến hành trên qui mô nội huyện, sau đó mở rộng ra phạm vi ngoài huyện, đặc biệt các huyện ở vùng đồng bằng.

5. Kết luận

Ngành hàng gà ở huyện Sơn Tây thực sự chưa phát triển, do các hộ nuôi ở đây nuôi gà với mục đích tiêu dùng trong gia đình, chưa có ý tưởng sản xuất hàng hóa sản phẩm này để cung cấp cho thị trường. Các hộ nuôi chủ yếu bán gà cho các hộ gia đình trong thôn xóm để tiêu dùng trực tiếp, chỉ có 3% lượng gà nuôi từ các hộ nuôi được bán cho các quán ăn. Phân phối VA, lợi nhuận giữa quán ăn và các hộ nuôi chưa hợp lý. Những lỗ hổng trong chuỗi giá trị gà được nhận ra bao gồm: 1) lượng cung sản phẩm gà còn quá ít, 2) ý tưởng nuôi gà hàng hóa để cải thiện thu nhập của người nuôi hầu như chưa có, 3) phương thức nuôi thả rong nên rất dễ xảy ra dịch bệnh, 4) qui mô chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún, 5) dịch vụ thú y kém phát triển. Để phát triển và nâng cấp chuỗi giá trị gà ở Sơn Tây, cần thực hiện các giải pháp sau: 1) Đầu tư xây dựng mô hình nuôi theo kiểu trang trại, 2) Tăng cường hoạt động quảng bá sản phẩm đi đôi với chiến lược định giá sản phẩm dựa vào chất lượng, 3) Nâng cao năng lực sản xuất và kinh doanh cho người nuôi, 4) Tăng cường công tác cung cấp thông tin thị trường cho người nuôi và 5) Nâng cao chất lượng dịch vụ thú y công, đồng thời nâng cao nhận thức của người nuôi về phòng trị bệnh cho gà.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Cục Thống kê tỉnh Quảng Ngãi 2013. Niên giám thống kê, 2013

2. Eschborn, 2007. Liên kết chuỗi giá trị - ValueLinks. GTZ

3. M4P, 2007. Thị trường cho người nghèo - công cụ phân tích chuỗi giá trị.

4. Michael Porter, 1998. Competitive Strategy: Techniques for Analyzing Industries and Competitors, Free Press.

5. Phòng Nông nghiệp huyện Sơn Tây, 2013. “Báo cáo tổng kết ngành Nông nghiệp năm 2013”.

STUDY OF VALUE CHAIN OF THE CHICKEN PRODUCTS

IN SON TAY DISTRICT, QUANG NGAI PROVINCE

PhD. NGUYEN DUC NHUAN – Thuongmai University

Assoc. Prof. PhD. NGUYEN PHU SON - Can Tho University

ABSTRACT:

The survey asked 98 actors about in the chicken value chain in Son Tay district, Quang Ngai province. The study was conducted on the basis of a value chain linkage approach and analysis of competitive advantage. The results show that the current value chain has two main distribution channels: 97% of chicken are sold to the regular consumers and 3% are sold to industrial consumers then to the regular consumers. The results of the study show that the current loopholes in the chain are the chicken farmers lacking of market information by and the lack of product differentiation in product pricing. In addition, the distribution of profits between farmers and cafeterias is not reasonable which the farmers are not in favor. However, this is also an opportunity to increase the profitability of the chicken value chain. Through SWOT matrix analysis, the study proposes four groups of solutions to increase the profitability of the whole chain in general and for chicken farmers in particular.

Keywords: Chicken, value chain, value added, net value added.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 07 tháng 06/2017 tại đây