Thách thức từ sản xuất nhỏ lẻ
Thông báo nêu rõ, trong thời gian qua, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến các địa phương, tạo được những chuyển biến rõ rệt, tích cực, đồng bộ, đạt được những thành tích quan trọng trên toàn diện các lĩnh vực.
Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao, biểu dương Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm đã hoạt động nghiêm túc, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, có hiệu quả;
Nhiều tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương đã tập trung lãnh đạo, có chương trình, kế hoạch cụ thể về bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn;
Lãnh đạo các cấp, các ngành, nhất là chính quyền cơ sở, nhiều điển hình sản xuất, chế biến thực phẩm, bà con nông dân… đã góp phần tạo nên những thành quả quan trọng trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên, nguy cơ không bảo đảm an toàn thực phẩm đặc biệt là ở các bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp vẫn còn ở mức cao; hoạt động sản xuất, chế biến, phân phối thực phẩm không bảo đảm an toàn vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi.
Công tác bảo đảm an toàn thực phẩm vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức do sản xuất nhỏ lẻ (trên 8 triệu hộ nông dân) đưa đến nhiều nguy cơ mất an toàn thực phẩm.
Việc kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm, đặc biệt là các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, trong khu dân cư vẫn khó khăn;
Thói quen lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc vẫn còn nhiều, tỷ lệ tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trên nông sản vẫn cao hơn các nước trong khu vực; việc ngăn ngừa thực phẩm nhập lậu, thực phẩm giả còn hạn chế.
Định hướng
Trong thời gian tới, hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm phải quán triệt đầy đủ các quan điểm, định hướng sau:
Bảo vệ quyền cơ bản của con người là được tiếp cận thực phẩm an toàn. Công tác bảo đảm an toàn thực phẩm cần được tăng cường, là trách nhiệm của toàn xã hội, của cả hệ thống chính trị, mà trực tiếp là Chính phủ và các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương các cấp, nhất là chính quyền cơ sở.
Bảo đảm an toàn thực phẩm còn là xây dựng, củng cố niềm tin, uy tín sản phẩm Việt Nam và hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với quốc tế.
Phải phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng. Trung ương ban hành thể chế, chính sách, quy chuẩn, tiêu chuẩn, còn địa phương trực tiếp quản lý, thanh tra, kiểm tra, chủ động điều phối nguồn lực;
Tăng kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước kết hợp với đẩy mạnh xã hội hóa bằng hình thức phù hợp; cả Trung ương và địa phương phải dành nguồn lực, trang bị phương tiện cần thiết cho công tác quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm.
Năm 2020, cần có một bước chuyển thực chất và rõ nét hơn nữa về công tác an toàn thực phẩm ở tất cả các cấp; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 để thúc đẩy quản lý theo chuỗi, thiết lập hệ thống kiểm soát ngẫu nhiên đối với các doanh nghiệp thực phẩm, tạo điều kiện thuận lợi cho người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc, xác định mức độ an toàn của thực phẩm.
Các bộ, cơ quan, Ủy ban nhân dân các cấp
Theo chức năng, nhiệm vụ được phân công tiếp tục tập trung thực hiện hiệu quả các giải pháp, nhiệm vụ: Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế quản lý an toàn thực phẩm.
Trong đó có đánh giá, tổng kết, đề xuất sửa đổi các nội dung cần thiết sửa đổi trong Luật an toàn thực phẩm; tiếp tục hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp với thông lệ quốc tế và đề xuất mô hình tổ chức quản lý an toàn thực phẩm phù hợp tại các địa phương.
Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh
Cùng các đô thị lớn chỉ đạo làm thí điểm việc áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn thực phẩm tiêu dùng trong nước cũng như thực phẩm xuất khẩu và tiến tới nhân rộng ra cả nước.
Sớm hoàn thành quy hoạch các vùng sản xuất, phát triển nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh theo chuỗi, làng nghề thực phẩm, chợ đầu mối thực phẩm an toàn, thúc đẩy áp dụng các quy trình quản lý chất lượng tiên tiến; khẩn trương hoàn thiện đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tiếp tục truyền thông đầy đủ về quy trình quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất bảo quản nông sản thực phẩm, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi. Đẩy nhanh việc rà soát, loại bỏ khỏi danh mục được phép sử dụng những hoạt chất, thuốc bảo vệ thực vật không bảo đảm an toàn, độc hại với sức khỏe và môi trường.
Đẩy mạnh phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn; quản lý chặt hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm chức năng, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm.
Tăng cường phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc, nhập lậu; kiểm soát chặt chẽ quản lý kinh doanh đa cấp, thương mại điện tử đối với thực phẩm.
Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về an toàn thực phẩm. Các cơ quan báo chí, truyền thông cần tiếp tục dành thời lượng thỏa đáng cho công tác này, lưu ý quảng bá các mô hình, điển hình tiên tiến trong thực hiện an toàn thực phẩm.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra
Bộ Công an chỉ đạo điều tra, xử lý hình sự đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng pháp luật về an toàn thực phẩm;
Tiếp tục đề cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp, nhất là chính quyền cấp cơ sở trong bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn; phải chỉ đạo đồng bộ, toàn diện trên tất cả các mặt từ phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ, tranh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm…
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Và các tổ chức thành viên, đặc biệt là Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tiếp tục phối hợp ở mức cao với các cơ quan nhà nước trong tuyên truyền, vận động, giám sát sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn.