Áp dụng 2 cơ chế chứng nhận xuất xứ
Về cơ chế chứng nhận xuất xứ, theo cam kết, Hiệp định cho phép áp dụng cơ chế cấp Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) (C/O mẫu EUR.1) và cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Tại Việt Nam, thời điểm áp dụng tự chứng nhận xuất xứ do nội luật quy định. Trước khi áp dụng cơ chế này, Việt Nam sẽ thông báo tới EU và ban hành hướng dẫn trong nước.
Cụ thể, đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam: Với lô hàng có trị giá dưới 6.000 euro, bất kỳ nhà xuất khẩu nào cũng được phép tự chứng nhận xuất xứ. Với lô hàng có trị giá trên 6.000 euro, áp dụng cơ chế C/O do cơ quan, tổ chức được Bộ Công Thương ủy quyền cấp.
Đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam: Với lô hàng có trị giá dưới 6.000 euro, bất kỳ nhà xuất khẩu nào cũng được phép tự chứng nhận xuất xứ. Với lô hàng có trị giá trên 6.000 euro, chỉ có nhà xuất khẩu đủ điều kiện theo quy định của EU mới được tự chứng nhận xuất xứ.
Đại diện Cục Xuất nhập khẩu nêu rõ, cơ chế xác minh xuất xứ trong Hiệp định EVFTA là cơ chế xác minh giữa cơ quan chính phủ và cơ quan chính phủ (G to G), thời gian hai bên phối hợp thực hiện xác minh xuất xứ hồ sơ giấy là 10 tháng.
Trong trường hợp nước nhập khẩu liên tục phát hiện gian lận xuất xứ hàng hóa hoặc nước xuất khẩu thiếu hợp tác, không cho nước nhập khẩu kiểm tra xác minh xuất xứ tại cơ sở sản xuất, hai bên cùng bàn biện pháp khắc phục.
Sau 30 ngày không đạt được đồng thuận, vụ việc được đưa lên Ủy ban thực thi Hiệp định và sau 60 ngày không đạt được biện pháp giải quyết, bên nhập khẩu áp dụng biện pháp tạm dừng ưu đãi. Thời gian áp dụng tạm dừng ưu đãi là 3 tháng và có thể gia hạn thêm 3 tháng.
Chuyển đổi cơ chế GSP trong 7 năm
Liên quan tới vấn đề, khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực thì cơ chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) trước nay EU dành cho Việt Nam có còn được áp dụng hay không, Cục Xuất nhập khẩu nêu rõ, theo quy định của EU, khi một nước đang được EU cho hưởng cơ chế GSP mà ký kết FTA với EU thì cơ chế GSP sẽ tự động kết thúc.
Tuy nhiên, trong thời gian đầu EVFTA có hiệu lực, do các bước cắt giảm thuế trong biểu cam kết thuế quan của EU nên thuế quan ưu đãi của EU tại thời điểm EVFTA có hiệu lực có thể cao hơn so với mức thuế mà Việt Nam đang được hưởng trong GSP. Chính vì vậy, EU cho phép Việt Nam chuyển đổi từ GSP sang EVFTA với lộ trình 7 năm.
Cụ thể, trong 2 năm đầu tiên kể từ khi có Hiệp định EVFTA có hiệu lực, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang EU được phép lựa chọn áp dụng một trong hai mức thuế ưu đãi từ GSP hoặc Hiệp định EVFTA.
Trường hợp lựa chọn mức thuế ưu đãi của cơ chế nào thì phải đáp ứng quy tắc xuất xứ của cơ chế đó. Ví dụ, doanh nghiệp lựa chọn mức thuế ưu đãi từ GSP thì hàng hóa xuất khẩu phải đáp ứng quy định về quy tắc xuất xứ trong GSP. Tương tự như vậy với Hiệp định EVFTA.
Trong 5 năm tiếp theo, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang EU vẫn được phép lựa chọn áp dụng một trong hai mức thuế ưu đãi từ GSP hoặc Hiệp định EVFTA. Tuy nhiên, dù áp dụng thuế ưu đãi theo cơ chế nào, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam phải đáp ứng quy định về quy tắc xuất xứ trong Hiệp định EVFTA.
Sau 7 năm kể từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được hưởng thuế và áp dụng quy tắc xuất xứ hoàn toàn theo Hiệp định EVFTA.
Với EVFTA, tiêu chí xuất xứ cụ thể đối với một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường EU như sau:
Thủy sản: Tiêu chí xuất xứ đối với thủy sản nguyên liệu và thủy sản chế biến trong EVFTA là xuất xứ thuần túy, theo đó thủy sản phải được sinh ra hoặc lớn lên tại một nước thành viên Hiệp định EVFTA. Bên cạnh đó, Việt Nam được phép sử dụng mực và bạch tuộc nguyên liệu từ các nước ASEAN (quy tắc cộng gộp) để sản xuất mực và bạch tuộc chế biến xuất khẩu sang EU.
Dệt may: Tiêu chí xuất xứ đối với sản phẩm dệt may trong EVFTA là tiêu chí hai công đoạn - “từ vải trở đi”, tức vải nguyên liệu được dùng để may quần áo phải được dệt tại Việt Nam hoặc các nước thành viên EU.
Giày dép: Sản phẩm giày dép được sử dụng nguyên liệu không xuất xứ từ bên ngoài Hiệp định, ngoại trừ các bộ phận lắp ghép từ mũi giày và đế giày.
Gỗ và sản phẩm gỗ: Đối với gỗ nguyên liệu nói chung và đồ nội thất làm từ gỗ, tiêu chí xuất xứ là chuyển đổi mã số hàng hóa ở cấp độ 4 số hoặc hàm lượng giá trị nguyên liệu không xuất xứ tham gia vào quá trình sản xuất không vượt quá 70%.