Những đối xử đặc biệt và khác biệt của tổ chức thương mại thế giới (WTO) dành cho những nước đang phát triển

VÕ ANH PHÚC (Khoa Quản trị - Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Lạc Hồng)

TÓM TẮT:

Hỗ trợ ưu đãi, đối xử đặc biệt và khác biệt đối với các nước đang phát triển là một trong những nhiệm vụ quan trọng của WTO trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang bao trùm nền kinh tế thế giới hiện nay. Việc hỗ trợ ưu đãi không chỉ tạo cán cân cân bằng cho giao thương giữa các nước có nền kinh tế khác nhau, mà còn tạo cơ chế giúp đỡ các nước đang phát triển trước những tác động của các nước phát triển, đặc biệt trên phương diện phòng vệ thương mại và giải quyết tranh chấp. Bài viết nghiên cứu các vấn đề của nước đang phát triển trên phương diện những ưu đãi, đối xử đặc biệt khác biệt, cách thức xác định một quốc gia có phải là quốc gia đang phát triển hay không, từ đó đưa ra các khuyến nghị cho Việt Nam trong quá trình giao thương với các quốc gia thuộc WTO trên phương diện là nước đang phát triển.

Từ khóa: Tổ chức thương mại thế giới, quốc gia đang phát triển, chính sách, hỗ trợ, ưu đãi.

1. Chức năng hỗ trợ các nước đang phát triển của WTO

Tổ chức thương mại thế giới được hình thành sau chiến tranh thế giới lần thứ 2 (sau 8 vòng đàm phán) với mục đích xóa bỏ rào cản thương mại, thuế quan, thiết lập và duy trì một nền thương mại toàn cầu tự do, thuận lợi và minh bạch, đưa các quốc gia đến gần nhau hơn thông qua các hiệp định đa phương, đa biên về hàng hóa (GATT), dịch vụ (GATS), khía cạnh thương mại về sở hữu trí tuệ (TRIPS).

WTO hướng đến tạo môi trường thương mại lành mạnh thúc đẩy tăng tưởng; nâng cao mức sống, tạo công việc; phát triển cơ chế thị trường, đặc biệt quan tâm đến khía cạnh về bảo đảm lợi ích của các nước đang phát triển, bảo đảm quyền và tiêu chuẩn tối thiểu lao động. Nhận thức rõ chủ nghĩa bảo hộ là một trong những nguyên nhân gây rào cản thương mại giữa các quốc gia, các quốc gia với nền kinh tế phát triển thường có xu hướng áp đặt các điều khoản thương mại bất lợi lên các quốc gia kém và đang phát triển thông qua biện pháp phòng vệ thương mại, thuế bổ sung, cách thức đánh giá nền kinh tế thị trường..., do vậy nhiệm vụ quan trọng của WTO là hỗ trợ, tạo ưu đãi cho các quốc gia yếu thế nhằm tạo cân bằng cho cán cân kinh tế thế giới.

WTO chia các thành viên của mình thành 4 nhóm chính:

- Nhóm nước kém phát triển: căn cứ vào những tiêu chuẩn phân loại của Liên hợp quốc.

- Nhóm có nền kinh tế chuyển đổi: những nước trước đây có nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, nay chuyển sang nền kinh tế thị trường.

- Nhóm nước đang phát triển: chưa có tiêu chí, định nghĩa cụ thể

- Nhóm nước phát triển: thành viên còn lại ngoài 3 nhóm trên.

WTO đã sớm đề ra nguyên tắc đối xử đặc biệt và khác biệt (S&D) nhằm hỗ trợ các thành viên đang phát triển. Trong hầu hết các hiệp định của WTO đều đưa vào các điều khoản này với các qui định cụ thể về ưu đãi cho các thành viên đang phát triển. Nội dung các điều khoản đặc biệt này gồm:

- Có một thời kỳ quá độ dài hơn khi thực thi các hiệp định và cam kết của WTO;

- Có các biện pháp để gia tăng cơ hội thương mại cho các thành viên đang phát triển;

- Mức độ cam kết thấp hơn;

- Được hỗ trợ về mặt kỹ thuật hoặc được hưởng một số ưu đãi khác như hỗ trợ trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, trong giải quyết tranh chấp, trong thực hiện các tiêu chuẩn kỹ thuật;

- Yêu cầu các thành viên phải bảo vệ lợi ích của các thành viên đang phát triển;

- Ngoài ra, còn có các điều khoản yêu cầu các nước công nghiệp dành những ưu đãi khác cho các nước kém phát triển như đơn phương miễn thuế hoặc xóa bỏ hạn ngạch đối với hàng nhập khẩu từ các nước kém phát triển.

2. Những ưu đãi và đối xử đặc biệt của WTO dành cho nước đang phát triển

2.1. Rào cản thương mại

- Thuế quan: Khi gia nhập WTO, các nước đang phát triển phải cam kết ràng buộc thuế quan và tiến hành cắt giảm thuế quan vào Biểu nhân nhượng. Thời gian cắt giảm, số lượng sản phảm, biểu thuế sẽ được ưu đãi hơn so với nước phát triển.

- Biện pháp hạn chế định lượng: đối với nước đang phát triển, WTO cho phép sử dụng các biện pháp hạn chế định lượng như hạn ngạch, giấy phép này trong một thời gian nhất định (thông qua đàm phán).

- Hàng rào kỹ thuật đối với thương mại: các nước thành viên sẽ xem xét đến các điều kiện phát triển kinh tế, thương mại, tài chính của các nước đang phát triển trong quá trình xây dựng các tiêu chuẩn, quy định kỹ thuật, nhằm không tạo ra những trở ngại bất hợp lý đối với hàng xuất khẩu từ các nước đang phát triển.

- Đầu tư thương mại: nước đang phát triển được phép không thực hiện các quy định về Hiệp định Đầu tư liên quan đến thương mại (TRIMs) trong vòng 5 năm kể từ ngày có lực (đối với nước phát triển là 2 năm).

2.2. Giải quyết tranh chấp

Nguyên tắc đối xử đặc biệt và khác biệt dành cho các nước đang phát triển (SDT) là một trong những nguyên tắc giải quyết tranh chấp của WTO. Nguyên tắc này được hình  thành từ thời GATT 1947, được bổ sung qua các vòng đàm phán, đặc biệt từ vòng đàm phán Uruguay và sau đó được ghi nhận tại Thủ tục giải quyết tranh chấp của WTO (DSU).

Về cơ bản, nguyên tắc SDT bao gồm 2 nội dung: thứ nhất, các nước đang phát triển có thể chọn thủ tục nhanh hơn, yêu cầu có khung thời hạn dài hơn hay yêu cầu trợ giúp pháp lý; và thứ hai, các thành viên WTO cũng được khuyến khích dành sự quan tâm đặc biệt đối với tình hình của các nước thành viên đang phát triển. Cụ thể:

+ Giai đoạn tham vấn

- Trong giai đoạn này, WTO khuyến khích các thành viên WTO dành sự chú ý đến những vấn đề và quyền lợi của các nước đang phát triển (mặc dù đây là quy định không bắt buộc).

+ Thủ tục môi giới, trung gian, hòa giải

- Các nước đang phát triển có thể yêu cầu Tổng giám đốc WTO đứng ra làm trung gian, hòa giải trong trường hợp có tranh chấp với nước phát triển.

+ Giai đoạn xét xử

 - Trường hợp một thành viên đang phát triển là bị đơn, khi xem xét đơn kiện ban hội thẩm phải tạo đủ thời gian cho thành viên này để chuẩn bị và trình bày lập luận của mình.

- Thời gian để giải quyết tranh chấp với các nước đang phát triển có thể được kéo dài hơn so với quy định chung (quy định được lặp lại ở nhiều thủ tục, đặc biệt liên quan đến quyền lợi của các nước đang phát triển).

- Trong thành phần của nhóm chuyên gia nhất thiết phải có một thành viên là công dân của một nước đang phát triển, trừ khi nước đang phát triển có liên quan không yêu cầu như vậy.

+ Giai đoạn thực thi

- Trong quá trình thực thi các phán quyết, WTO xem xét các yếu tố làm ảnh hưởng xấu đến kinh tế của các nước đang phát triển.

- Các nước phát triển cần có thái độ kiềm chế khi áp dụng các biện pháp trả đũa với bên thua kiện là nước đang phát triển.

+ Khác

- Các nước đang phát triển có thể yêu cầu Ban Thư ký WTO trợ giúp pháp lý khi có tranh chấp.

2.3. Phòng vệ thương mại

Thông qua các hiệp định phòng vệ thương mai (tự vệ, chống bán phá giá, chống trợ cấp) các nước đang phát triển được miễn trừ các biện pháp điều tra về phòng vệ thương mại khi quốc gia đang phát triển thuộc các trường hợp sau:

- Biện pháp tự vệ: (i) Có lượng nhập khẩu không vượt quá 3% tổng lượng nhập khẩu; và (ii) tổng lượng nhập khẩu từ tất cả các thành viên đang phát triển thỏa mãn điều kiện (i) không vượt quá 9% tổng lượng nhập khẩu mặt hàng đang bị điều tra áp dụng biện pháp tự vệ.

- Biện pháp chống trợ cấp: (i) mức trợ cấp không vượt quá 1% giá xuất khẩu hàng hóa; hoặc (ii) lượng nhập khẩu không vượt quá 4% tổng lượng nhập khẩu và tổng lượng hàng hóa có xuất xứ từ các nước đang phát triển đáp ứng điều kiện trên không vượt quá 9% tổng lượng nhập khẩu.

- Biện pháp chống bán phá giá: (i) mức trợ cấp không vượt quá 2% giá xuất khẩu hàng hóa; hoặc (ii) lượng nhập khẩu không vượt quá 3% tổng lượng nhập khẩu và tổng lượng hàng hóa có xuất xứ từ các nước đang phát triển đáp ứng điều kiện trên không vượt quá 7% tổng lượng nhập khẩu. 

3. Cách thức xác định một nước đang phát triển

Hiện nay, WTO chưa đưa ra bất kỳ tiêu chí, danh sách hay cách thức xác định cụ thể một quốc gia có được xem là quốc gia đang phát triển hay không. Thuật ngữ “nước đang phát triển” được định nghĩa bởi Liên hợp quốc và được WTO công nhận trên cơ sở 3 tiêu chí: thu nhập thấp (low-income), sự yếu kém về tài sản nhân lực (human assets weakness), tính dễ tổn thương về mặt kinh tế (economic vulnerability).

Thông thường, việc xác định thông qua phương thức "tự ứng cử" hoặc thông qua cơ chế phán quyết tranh chấp của tòa phúc thẩm (SAB):

Phương thức tự ứng cử

Phương thức này thường sử dụng khi các quốc gia đăng ký trở thành viên của WTO thông qua Nghị định thư gia nhập WTO hoặc tuyên bố tại các hội nghị của Đại hội đồng WTO. Hiện nay, có khoảng 2/3 trong tổng số 164 thành viên WTO tự nhận là thành viên đang phát triển (bao gồm cả thành viên kém phát triển). Tuy nhiên, Ban Thư ký WTO không công khai danh sách cụ thể các thành viên nào tự nhận mình là đang phát triển, đồng thời WTO không bắt buộc các thành viên khác chấp nhận việc tự nhận này.

Phương thức thông qua cơ chế phán quyết tranh chấp của tòa phúc thẩm (SAB)

Phương thức này dựa vào kết quả phán quyết của các cơ quan giải quyết tranh chấp thuộc WTO khi giải quyết các tranh chấp có liên quan đến cơ chế được hưởng ưu đãi của các nước đang phát triển. Nội dung của phương thức cũng dựa vào yếu tố "tự công nhận" và thông qua việc chứng minh của mỗi quốc gia.

Lấy ví dụ trong vụ United States  -  Measures Affecting The Production And Sale Of Clove Cigarettes (DS406), Ban Hội thẩm đã kết luận rằng: "Indonesia tuyên bố nước này là nước đang phát triển và lập luận rằng, bên cạnh các yếu tố khác, Ngân hàng Thế giới phân loại nước này là nước đang phát triển và cũng đã được công nhận trong vụ việc Indonesia - Ô tô. Ban Hội thẩm cho rằng, điều này đủ để kết luận rằng Indonesia là một “nước đang phát triển".

Việc xác định dựa trên 2 phương thức trên chỉ mang tính tạm thời mà chưa mang tính chính thống, xuyên suốt, từ đó nảy sinh nhiều ý kiến trái chiều và vấp phải nhiều sự phản đối từ nhiều quốc gia. Đây chính là chủ đề gây nhiều tranh cãi và chỉ trích trong nội bộ của WTO.

Tham khảo tiêu chí, cách thức đánh giá một nước đang phát triển của các tổ chức trên thế giới:

Liên Hiệpp Quốc (UN)

Liên Hiệp Quốc thường sử dụng tiêu chí tổng thu nhập quốc dân (Gross National Income - GNI) để phân loại các quốc gia theo mức độ phát triển, danh sách phân loại được công bố hằng năm. Theo "Hiện trạng và viễn cảnh kinh tế thế giới" (World Economic Situation and Prospects) 2018, các quốc gia được chia thành 3 loại:

- Các nền kinh tế phát triển (Bảng A ): 38 nước

- Các nền kinh tế đang chuyển đổi (Bảng B ): 12 nước

- Các nền kinh tế đang phát triển (Bảng C ): 125 nước

Ngân hàng Thế giới (WB)

Ngân hàng Thế giới phân loại thành 4 nhóm dựa vào chỉ số GNI cụ thể cho từng nhóm:

- Nhóm nền kinh tế có thu nhập thấp (GNI trên đầu người ít hơn 995 USD): hiện nay gồm 34 nước.

- Nhóm nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp (GNI trên đầu người trong khoảng từ 996 USD đến 3.895 USD): gồm 47 nước.

- Nhóm nền kinh tế có thu nhập trung bình cao (GNI trên đầu người trong khoảng từ 3.896 USD đến 12.055 USD): gồm 56 nước.

- Nhóm nền kinh tế có thu nhập cao (GNI trên đầu người cao hơn 12.056 USD): gồm 81 nước.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF)

Quỹ Tiền tệ quốc tế cung cấp bảng phân loại các quốc gia theo tiêu chí trình độ phát triển kinh tế, thành 2 nhóm:

- Nền kinh tế phát triển (Advanced economies): gồm 39 nước.

- Nền kinh tế đang phát triển và mới nổi (Emerging market and developing economies): gồm 154 nước.

Danh sách phân loại của các tổ chức trên cũng chỉ mang  yếu tố tham khảo, làm cơ sở cho các quyết định của WTO. Hệ quả của việc quy định thiếu thực tiễn trên khiến các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia phát triển có những chính sách ưu đãi khác nhau dành cho các nước đang phát triển mà không phụ thuộc vào quyết định của WTO. Thực tế,  WTO cho phép quốc gia phát triển có thể áp dụng các ưu đãi đặc biệt chỉ riêng đối với các quốc gia đang phát triển trong khuôn khổ Hệ thống ưu đãi chung (GSP), việc áp dụng ưu đãi sẽ không bị xem là vi phạm nguyên tắc phân biệt đối xử của WTO.

 "Hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập GSP là một sự sắp xếp thương mại tự quyền mà qua đó các nước phát triển cung cấp khả năng tiếp cận ưu đãi đơn phương vào thị trường của các quốc gia này cho các nước và vùng lãnh thổ đang phát triển".

GSP - Liên minh châu Âu (EU)

Quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập của EU áp dụng từ ngày 1/1/2014, nội dung quy chế bao gồm những ưu đãi chung, ưu đãi phát triển và khuyến khích đặc biệt, danh sách các nước đang phát triển được hưởng GSP, mã danh mục hàng hóa xuất khẩu và thuế suất ưu đãi phổ cập. Danh sách các nước thụ hưởng GSP, trong đó:

- EBA (dành thuế ưu đãi 0% cho tất cả sản phẩm trừ vũ khí): 49 nước

- GSP (thuế suất dành cho từng sản phẩm): 40 nước

- GSP + (thuế suất đặc biệt dành cho các nước được xem là dễ tổn thương và nộp đơn xin hưởng): 10 nước.

4. Kết luận

Đối với Việt Nam, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đặc biệt dành cho nước đang phát triển mang lại nhiều lợi ích không chỉ khi chúng ta bắt đầu tham gia vào WTO, mà còn xuyên suốt trong quá trình giao thương với các quốc gia trên thế giới, đặc biệt trên phương diện thuế quan, phòng vệ thương mại, giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, chúng ta cần phải xem xét những yếu tố tác động đến chính sách này.

Về mặt pháp lý: Việt Nam luôn được đánh giá là quốc gia đang phát triển, được hưởng các ưu đãi từ WTO và các quốc gia phát triển, kết luận đánh giá mang độ tin cậy khá cao thông qua các tổ chức uy tín như:

- Liên Hiệp Quốc: Việt Nam là nước thuộc nền kinh tế đang phát triển.

- Ngân hàng Thế giới: Đánh giá Việt Nam là quốc gia có thu nhập trung thấp.

- Quỹ Tiền tệ thế giới: Việt Nam thuộc nền kinh tế đang phát triển và mới nổi.

Về mặt thực tiễn: Do chưa có danh sách cụ thể các nước đang phát triển, Việt Nam thường được đánh giá và hưởng ưu đãi thông qua các hệ thống GSP của các nước phát triển. Tuy nhiên, sự khác nhau trong việc đánh giá và thiết lập các GSP của mỗi quốc gia đòi hỏi Việt Nam luôn chủ động trước những thay đổi của các hệ thống này.

- Liên minh châu Âu: xếp Việt Nam là nước đang phát triển, được hưởng GSP thông thường.

- Hoa Kỳ: loại bỏ những chính sách ưu đãi của nước đang phát triển dành cho Việt Nam (năm 2020).

Mục đích của những ưu đãi, đối xử đặc biệt là hướng đến một môi trường cạnh tranh lành mạnh, hỗ trợ cùng nhau phát triển. Theo đó yêu cầu mỗi quốc gia thông qua những chính sách ưu đãi phải tự nội lực hóa, nâng cao phát triển toàn diện. Việc giảm dần và từng bước xóa bỏ các chính ách ưu đãi là hệ quả tất yếu, không chỉ phù hợp với mục tiêu phát triển của các nước phát triển, mà còn là định hướng của nước đang phát triển, vì vậy Việt Nam không nằm ngoài ngoại lệ này. Việc chuẩn bị tốt các kế hoạch cho các biến động, sẽ giúp Việt Nam tránh và hạn chế những rủi ro, thiệt hại liên quan.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Phạm Châu Giang (2019). Để hiểu đúng về các nước đang phát triển theo quy định quốc tế, Tạp chí Công Thương, http://www.tapchicongthuong.vn/bai-viet/de-hieu-dung-ve-cac-nuoc-dang-phat-trien-theo-quy-dinh-quoc-te-63447.htm, xuất bản ngày 25/06/2019.
  2. WTO (2010), Hiệp định về các hàng rào kỹ thuật đối với thương mại, <http://www.trungtamwto.vn/chuyen-de/192-van-kien-co-ban-cua-wto>
  3. WTO (2010), Hiệp định về các biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại (TRIMs) <http://www.trungtamwto.vn/chuyen-de/192-van-kien-co-ban-cua-wto>
  4. WTO (2010), Phụ lục 2, Hiệp định về quy tắc và thủ tục giải quyết tranh chấp trong khuôn khổ WTO (DSU) <http://www.trungtamwto.vn/chuyen-de/192-van-kien-co-ban-cua-wto>
  5. WTO (2010), Hiệp định về các biện pháp tự vệ, <http://www.trungtamwto.vn/chuyen-de/192-van-kien-co-ban-cua-wto>
  6. WTO (2010), Hiệp định về trợ cấp và các biện pháp đối kháng. <http://www.trungtamwto.vn/chuyen-de/192-van-kien-co-ban-cua-wto>
  7. WTO (1994), Hiệp định về chống bán phá giá (Điều VI của GATT 1994) <http://www.trungtamwto.vn/chuyen-de/192-van-kien-co-ban-cua-wto>
  8. WTO (2012), Báo cáo Ban Phúc thẩm - Vụ việc DS406, <https://www.wto.org/english/tratop_e/dispu_e/406abr_e.pdf>
  9. Liên Hiệp quốc (2018), Báo cáo Hiện trạng và viễn cảnh kinh tế thế giới 2018 của Liên Hiệp Quốc (World Economic Situation and Prospects 2018), <https://www.un.org/development/desa/dpad/wp-content/uploads/sites/45/publication/ WESP2018_Full_Web-1.pdf
  10. Ngân hàng thế giới (2020). Dữ liệu nhóm nước cho vay năm 2020 (World Bank Country and Lending Groups). < https://datahelpdesk.worldbank.org/knowledgebase/articles/906519-world-bank-country-and-lending-group>
  11. Quỹ Tiền tệ thế giới (2018). Dữ liệu phân loại quốc gia năm 2018 (International Monetary Fund -Country Groups Infomation). <https://www.imf.org/external/pubs/ft/weo/2018/01/weodata/weoselagr.aspx>
  12. Bộ Công Thương (2014). Quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập của EU áp dụng từ ngày 1/1/2014.<http://trungtamwto.vn/download/16578/quy_che_uu_dai_thue_quan_pho_cap_-_gsp.pdf>.

 

SPECIAL AND DIFFERENTIAL TREATMENTS OF THE WORLD TRADE ORGANIZATION FOR DEVELOPING COUNTRIES

VO ANH PHUC

Faculty of Business Management – International Economics,

Lac Hong University

ABSTRACT:

Providing supports, incentives, special and differential treatments for developing countries is one of the most important tasks of the World Trade Organization (WTO) in the context of increasing trade protectionism.  Providing supports and incentives does not only create a trade balance among countries with different economic situations but also create a mechanism to protect developing countries against effects of trade protection in developed countries. This paper examines developing countries’ issues in terms of special and differential treatments and how to determine whether a country is a developing country or not, thereby providing recommendations for Vietnam to do trade with the WTO’s members as a developing country.

Keywords: World Trade Organization (WTO), developing countries, policies,   incentives.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ,

Số 21, tháng 5 năm 2020]