TÓM TẮT:
Việt Nam đã và đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, cùng với cơ hội mà xu thế hội nhập mang lại là tình hình trật tự an toàn xã hội diễn biến ngày càng phức tạp mà cụ thể là sự gia tăng về số lượng cũng như loại hình tội phạm. Bên cạnh việc nhanh chóng và kịp thời phát hiện tội phạm, tránh làm oan người vô tội, trừng trị và giáo dục, cải tạo người phạm tội thì việc nghiên cứu và triển khai các biện pháp phòng ngừa tình hình tội phạm trật tự an toàn xã hội là vô cùng cấp thiết và mang tính lâu dài. Bài viết phân tích những vấn đề lý luận cơ bản về phòng ngừa tình hình tội phạm và trật tự an toàn xã hội, từ đó sẽ làm căn cứ để phân tích thực tế và đề xuất giải pháp đảm bảo trong thời gian tới.
Từ khóa: Phòng ngừa, tội phạm, biện pháp, trật tự an toàn xã hội.
I. Đặt vấn đề
“Tình hình tội phạm” được hiểu là hiện tượng xã hội tiêu cực, trái pháp luật hình sự, được thể hiện bằng tổng thể thống nhất các tội phạm xảy ra trong một không gian, thời gian xác định.
“Trật tự an toàn xã hội” có thể hiểu là trạng thái xã hội bình yên, trong đó mọi người được sống yên ổn trên cơ sở các quy phạm pháp luật, các quy tắc và chuẩn mực đạo đức, pháp lý xác định.
Thực tế nghiên cứu cho thấy, thuật ngữ “phòng ngừa tình hình tội phạm” và “phòng ngừa tội phạm” được sử dụng đồng nhất với phạm vi rộng, bao hàm cả phòng ngừa chung toàn bộ tình hình tội phạm và phòng ngừa tội phạm cụ thể. Xét thấy không thể phủ nhận tác dụng phòng ngừa, răn đe từ việc truy cứu trách nhiệm hình sự với tội phạm cụ thể, do đó chuyên đề này sẽ đề cập đến khái niệm “phòng ngừa tội phạm” với giới hạn và nội dung đồng nhất với khái niệm “phòng ngừa tình hình tội phạm”.
Từ điển Luật học định nghĩa: “Phòng ngừa tội phạm là ngăn ngừa tội phạm và loại trừ các nguyên nhân phát sinh tội phạm bằng toàn bộ những biện pháp liên quan với nhau do cơ quan Nhà nước và tổ chức xã hội tiến hành”. GS.TS. Nguyễn Ngọc Hòa cũng đã đưa ra khái niệm này dưới góc độ tội phạm học cũng tương đối hợp lý như sau: “Phòng ngừa tội phạm là hoạt động của các cơ quan, tổ chức và công dân, thực hiện tổng thể các biện pháp tác động trực tiếp vào các nhóm nguyên nhân của tội phạm để kiểm soát, hạn chế tác dụng và loại trừ dần những nhóm nguyên nhân này...”. Như vậy, khái niệm về phòng ngừa tội phạm (hay phòng ngừa tình hình tội phạm) là phòng ngừa tình hình tội phạm trật tự an toàn xã hội là việc sử dụng hệ thống các biện pháp mang tính xã hội và tính nhà nước nhằm khắc phục các nguyên nhân và điều kiện tình hình tội phạm về trật tự an toàn xã hội, hạn chế và loại trừ tội phạm ảnh hưởng đến trạng thái bình yên của xã hội.
II. Nội dung, biện pháp phòng ngừa tình hình tội phạm về trật tự an toàn xã hội
1. Nội dung phòng ngừa tình hình tội phạm về trật tự an toàn xã hội
Nội dung phòng ngừa tình hình tội phạm nói chung và phòng ngừa tình hình tội phạm về vấn đề an toàn trật tự xã hội nói riêng là tất cả các vấn đề, các khía cạnh cần tiến hành các hoạt động phòng ngừa tội phạm. Với quan điểm về phòng ngừa tình hình tội phạm như đã đề cập thì nội dung phòng ngừa tình hình tội phạm sẽ tập trung vào hai hoạt động chính sau:
1.1. Tiến hành các hoạt động phòng ngừa tình hình tội phạm về trật tự an toàn xã hội
Tiến hành các hoạt động ngừa tội phạm (phòng ngừa xã hội) là khắc phục các nguyên nhân và điều kiện phạm tội. Có rất nhiều nguyên nhân và điều kiện phạm tội về trật tự an toàn xã hội như: tác động của nền kinh tế thị trường, tư tưởng lạc hậu, nhận thức hạn chế, pháp luật còn nhiều lỗ hổng hoặc chưa có tính răn đe,… Khi nhìn một cách tổng quan, có thể thấy được việc khắc phục nguyên nhân và điều kiện phạm tội về trật tự an toàn xã hội có thể thực hiện hai phương diện sau:
Thứ nhất, cải thiện quan hệ xã hội gồm các quan hệ giáo dục, việc làm, quản lý… Trong đó, hoạt động nâng cao nhận thức, trình độ văn hóa của con người là vô cùng quan trọng. Trong bài viết “Nhận diện nguyên nhân, điều kiện của tình hình tội phạm cướp giật tài sản do người chưa thành niên thực hiện trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh” đăng trên Tạp chí Nghiên cứu lý luận, nghiệp vụ, khoa học của Học viện Cảnh sát nhân dân ngày 22/12/2014, dựa trên những thống kê tội phạm của Công an TP. Hồ Chí Minh, tác giả đã đưa ra rất nhiều nguyên nhân xuất phát từ bản thân người phạm tội như: Người phạm tội có lối sống không lành mạnh; có nhiều thói quen và quan hệ xã hội xấu; có trình độ học vấn thấp, nhận thức pháp luật hạn chế; lười lao động, không có việc làm hoặc người phạm tội có những nét tâm lý tiêu cực trong nhân cách. Tổng hợp những nguyên nhân trên của tác giả cho thấy, tiêu điểm đều xuất phát từ quan hệ giáo dục. Vì vậy, việc đề cao giáo dục, hình thành nhân cách con người là một trong những yêu cầu thiết yếu góp phần quan trọng vào hoạt động phòng ngừa tội phạm trật tự an toàn xã hội. Trong đó, gia đình được coi là cái nôi, ảnh hưởng đến việc hình thành nhân cách con người. Theo số liệu thống kê tội phạm học: Người chưa thành niên phạm tội có nguồn gốc gia đình làm nghề buôn bán bất hợp pháp chiếm 51,94%; gia đình có người phạm tội chiếm 40%; có tới 30% người chưa thành niên phạm tội có bố hoặc mẹ hoặc cả bố mẹ nghiện hút. Bên cạnh đó là hoạt động giáo dục, nâng cao nhận thức và đạo đức của con người trong nhà trường và xã hội thông qua các chương trình đào tạo, tuyên truyền cũng cần được hoàn thiện. Đồng thời, nhà nước cũng cần chú trọng hoàn thiện bộ máy nhà nước, nâng cao hoạt động quản lý nhà nước trong mọi mặt đời sống xã hội, tạo điều kiện thuận lợi trong mọi mặt đời sống nhân dân.
Thứ hai, cần cải thiện hệ thống pháp luật, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Phòng ngừa tội phạm ở khía cạnh này mang tính tích cực, chủ động và đem lại hiệu quả cao, có khả năng xóa bỏ tận gốc tội phạm, do đó cần được ưu tiên nghiên cứu và áp dụng trong thực tiễn.
1.2. Phát hiện xử lý tội phạm
Trọng tâm của hoạt động này là hoạt động điều tra, xét xử, cải tạo người phạm tội (phòng ngừa bằng sự cưỡng chế). Tác dụng phòng ngừa tội phạm phát huy khi áp dụng các biện pháp ngăn chặn, tiến hành đúng các thủ tục tố tụng và đặc biệt là hiệu quả răn đe phòng ngừa riêng, phòng ngừa chung từ việc áp dụng các biện pháp trách nhiệm hình sự. Sự tổn thất mà người phạm tội phải chịu đựng từ một hình phạt nghiêm khắc hơn so với những gì có được từ việc phạm tội có thể đạt được sự kiểm soát tội phạm. Hình phạt ở mức hợp lý có vai trò quan trọng nhất đối với phòng ngừa tội phạm. Hình phạt không phải là biện pháp xử lý duy nhất đối với tội phạm, hơn nữa hiệu quả của nó còn phụ thuộc vào quá trình cải tạo người phạm tội.
2. Các biện pháp phòng ngừa tình hình tội phạm
Các biện pháp phòng ngừa tình hình tội phạm là một trong những vấn đề lý luận cơ bản trong phòng ngừa tội phạm. Biện pháp, giải pháp được các chủ thể sử dụng để loại bỏ các nguyên nhân và điều kiện phạm tội. Phân loại các biện pháp phòng ngừa tội phạm có ý nghĩa nhận thức các biện pháp phòng ngừa tội phạm ở các góc độ khác nhau. Hiện nay, trong tội phạm học có nhiều cách phân loại biện pháp phòng ngừa tội phạm, nhưng có một số cách cơ bản sau:
2.1. Căn cứ vào phạm vi, mức độ tác động của biện pháp
Biện pháp phòng ngừa chung đối với tình hình tội phạm là những biện pháp loại trừ nguyên nhân và điều kiện chung của tình hình tội phạm, hạn chế khả năng phát sinh nhiều loại tội phạm. Loại biện pháp này tác động làm giảm bớt các mâu thuẫn xã hội, xóa bỏ các hiện tượng xã hội tiêu cực, vì thế tình hình tội phạm nói chung không có cơ sở để phát sinh, tồn tại. Ví dụ, biện pháp giải quyết tình trạng thất nghiệp, tuyên truyền pháp luật, quản lý dân cư,…
Biện pháp phòng ngừa loại tội phạm là những biện pháp tác động căn bản đến một hoặc một số lĩnh vực, loại trừ nguyên nhân và điều kiện quan trọng cả một loại tội phạm, hạn chế khả năng làm phát sinh loại tội phạm đó. Loại biện pháp này có mức độ tác động sâu sắc đến loại tội phạm cần phòng ngừa. Ví dụ, biện pháp kiểm tra, giám sát cán bộ để phòng ngừa tham nhũng...
Để phòng ngừa tội phạm hiệu quả, cần kết hợp áp dụng các biện pháp phòng ngừa chung đối với tình hình tội phạm và phòng ngừa riêng đối với từng loại tội phạm và tội phạm cụ thể.
2.2. Căn cứ vào nội dung, tính chất của biện pháp
Biện pháp kinh tế xã hội là những biện pháp có tính chất kinh tế, tác động chủ yếu đến lĩnh vực kinh tế, làm hạn chế khả năng làm phát sinh tình hình tội phạm, đặc biệt là các tội phạm xâm phạm sở hữu, các tội phạm kinh tế, tham nhũng…
Biện pháp văn hóa - tâm lý xã hội là những biện pháp tác động đến đời sống tinh thần của xã hội, nhằm nâng cao trình độ nhận thức, hình thành nhân cách, lối sống, thói quen phù hợp, giải trí lành mạnh. Loại biện pháp này làm hạn chế khả năng làm phát sinh tình hình tội phạm, đặc biệt là các tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của con người, các tội phạm xâm phạm an toàn công cộng, các tội phạm chế độ hôn nhân gia đình, các tội phạm về ma túy…
Biện pháp tổ chức, quản lý xã hội là những biện pháp thiết lập cơ chế kiểm tra giám sát con người trong xã hội để kịp thời phát hiện, xử lý những sai sót và vi phạm. Loại biện pháp này làm hạn chế khả năng làm phát sinh tình hình tội phạm, đặc biệt là các tội phạm tham nhũng, các tội phạm chức vụ, các tội phạm trật tự quản lý hành chính.
Biện pháp pháp luật là sử dụng pháp luật như một phương tiện để phòng ngừa tội phạm. Sự hiện diện của pháp luật và hiệu quả điều chỉnh các quan hệ xã hội của nó có thể loại trừ các khả năng phạm tội. Để nâng cao vai trò phòng ngừa tội phạm của pháp luật, nhà làm luật cần xây dựng và hoàn thiện pháp luật kịp thời.
Biện pháp phát hiện, xử lý tội phạm, hay còn gọi là các biện pháp chống tội phạm, thể hiện ở khả năng điều tra, xét xử tội phạm khi có tội phạm xảy ra. Nếu tất cả các tội phạm đều bị phát hiện, xử lý kịp thời, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật thì hiệu quả phòng ngừa tội phạm được nâng cao.
2.3. Căn cứ vào địa bàn, lĩnh vực cần phòng ngừa tội phạm
Biện pháp phòng ngừa tội phạm áp dụng chung trong toàn bộ lãnh thổ quốc gia. Loại biện pháp này thích hợp với điều kiện và yêu cầu phòng ngừa tội phạm chung cho tất cả các vùng, miền trong toàn quốc.
Biện pháp phòng ngừa tội phạm áp dụng riêng cho địa phương, vùng miền. Loại biện pháp này đáp ứng yêu cầu phòng ngừa tội phạm riêng cho địa phương, vùng đó. Nó có tác dụng khắc phục các nguyên nhân và điều kiện phạm tội đặc thù nơi có tội phạm xảy ra.
Biện pháp phòng ngừa tội phạm áp dụng riêng cho ngành, lĩnh vực hoạt động. Loại biện pháp này khắc phục các nguyên nhân và điều kiện tội phạm đặc thù ở ngành, lĩnh vực hoạt động đó.
III. Các chủ thể phòng ngừa tình hình tội phạm
Chủ thể phòng ngừa tội phạm là các cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ tham gia vào hoạt động phòng ngừa tội phạm bao gồm: Quốc hội; Hội đồng nhân dân các cấp, Chính quyền các cấp; Các cơ quan bảo vệ pháp luật (Viện kiểm sát nhân dân các cấp; Tòa án nhân dân các cấp; Cơ quan Tư pháp); Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể quần chúng; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Công an nhân dân. Đặc biệt là Công an nhân dân là chủ thể trực tiếp, nòng cốt trong phòng ngừa tội phạm trật tự an toàn xã hội. Lực lượng công an được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ làm nòng cốt trong đấu tranh chống tội phạm để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Điều 67 Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 2013 có ghi: “Nhà nước xây dựng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại làm nòng cốt thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm”.
Bên cạnh đó cũng cần lưu ý rằng trong phòng ngừa tình hình tội phạm, sự tham gia của cá nhân công dân được coi là hết sức quan trọng. Bằng sự hoạt động của mình, công dân hoàn toàn có thể: Kịp thời phát hiện tố giác tội phạm cho nhà chức trách, ngăn chặn tội phạm, tác động cảm hóa các phần tử phạm tội, phối hợp với Nhà nước và các tổ chức xã hội thực hiện các chương trình kế hoạch phòng ngừa tình hình tội phạm từ Trung ương đến địa phương. Hiến pháp 2013, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Hình sự đã có những chế định pháp lý quan trọng là cơ sở cho sự tham gia của công dân vào hoạt động phòng ngừa tình hình tội phạm hiện nay.
IV. Nhiệm vụ hoạt động phòng ngừa tình hình tội phạm trật tự an toàn xã hội của Công an nhân dân
Một trong những chức năng quan trọng của cơ quan Công an nhân dân là tổ chức và trực tiếp tiến hành cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Căn cứ vào hoạt động thực tế phòng chống tội phạm có thể xác định nhiệm vụ phòng ngừa tình hình tội phạm trật tự an toàn xã hội của ngành Công an như sau:
- Trực tiếp tiến hành nghiên cứu nắm tình hình diễn biến của tình hình tội phạm trật tự an toàn xã hội phạm tội, phát hiện nguyên nhân, điều kiện của loại tội phạm này, trên cơ sở đó tham mưu cho các cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp đề ra chủ trương, chính sách đấu tranh phòng ngừa ngăn chặn tình hình tội phạm trật tự an toàn xã hội.
- Phối hợp với các cơ quan chức năng, các ngành có liên quan tiến hành hoạt động tuyên truyền giáo dục, tổ chức vận động quần chúng tham gia trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm trật tự an toàn xã hội.
- Trực tiếp tổ chức và tiến hành các hoạt động phòng ngừa tình hình tội phạm trật tự an toàn xã hội tại các khu tập thể, khu dân cư và các địa bàn công cộng.
- Tiến hành điều tra, xử lý, giải quyết các trường hợp vi phạm pháp luật của lứa tuổi chưa thành niên nhằm xóa bỏ những nguyên nhân, điều kiện tiếp tục phạm pháp dẫn đến con đường phạm tội của tội phạm trật tự an toàn xã hội. Nhiệm vụ này thuộc về trách nhiệm hàng ngày của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân ở cơ sở với mục đích phòng ngừa, ngăn chặn hành vi phạm tội của tội phạm trật tự an toàn xã hội.
- Trực tiếp tiến hành công tác giáo dục, cải tạo những đối tượng tội phạm trật tự an toàn xã hội ở các trại giam hoặc ở các cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng do Bộ Công an quản lý.
- Bằng việc quản lý công tác thi hành án, các cơ quan thi hành án hình sự của Bộ Công an cũng đóng góp tích cực vào hoạt động phòng ngừa tình hình tội phạm. Việc kịp thời thực hiện các bản án có hiệu lực pháp luật sẽ loại trừ những xung đột mà từ đó có thể phát sinh ra tội phạm hoặc nảy sinh những hiện tượng tiêu cực là tiền đề của tội phạm.
Trong từng nhiệm vụ, lực lượng công an phải có những biện pháp cụ thể phù hợp để tiến hành phòng ngừa có hiệu quả.
V. Đánh giá hiệu quả phòng ngừa tình hình tội phạm trật tự an toàn xã hội
Để đánh giá hiệu quả phòng ngừa tội phạm trước hết cần xác định những tiêu chí đánh giá và các phương pháp đánh giá.
Các tiêu chí đánh giá hiệu quả phòng ngừa tội phạm
Hiệu quả phòng ngừa tội phạm chỉ có thể khẳng định được khi so sánh tình hình tội phạm ở hai thời điểm trước và sau khi tiến hành hoạt động phòng ngừa tội phạm, đồng thời so sánh với mục tiêu ban đầu đặt ra.
1. Các tiêu chí về lượng
Số vụ phạm tội giảm: Có nghĩa là sau khi tiến hành hoạt động phòng ngừa tội phạm thì tổng số vụ phạm tội của các loại tội phạm xảy ra trên thực tế giảm. Nếu tổng số vụ phạm tội xảy ra trên thực tế giảm thì rõ ràng là phòng ngừa tội phạm đã đạt được hiệu quả nhất định.
Số người phạm tội giảm: Số người phạm tội bao giờ cũng lớn hơn số vụ phạm tội. Một vụ phạm tội có thể có nhiều người tham gia (đồng phạm). Nếu số người phạm tội giảm (tiệm tiến đến số vụ phạm tội), chứng tỏ tình hình tội phạm không quá phức tạp, thì có thể khẳng định phòng ngừa tội phạm có hiệu quả. Nếu số vụ phạm tội giảm nhưng số người phạm tội tăng gấp nhiều lần thì chưa thể khẳng định hiệu quả của hoạt động phòng ngừa tội phạm. Do đó, trong chính sách hình sự và thực tiễn phòng chống tội phạm thường quan tâm đấu tranh với những tội phạm có nhiều đồng phạm phức tạp, tội phạm có tổ chức.
2. Các tiêu chí về chất
Có sự giảm bớt tính chất nguy hiểm của tình hình tội phạm. Tính chất của tình hình tội phạm được đánh giá ở nhiều khía cạnh, cụ thể cần xem xét các tiêu chí sau:
Giảm dần tỷ trọng các loại tội phạm (hoặc tội phạm) nguy hiểm và phổ biến. Những tội phạm nguy hiểm cho xã hội được hiểu là những tội phạm có khả năng gây ra những thiệt hại lớn cho xã hội, như các tội phạm tham nhũng, các tội phạm về ma túy, các tội phạm xâm phạm phụ nữ, trẻ em,... mà pháp luật hình sự thường quy định áp dụng các loại hình phạt nghiêm khắc. Nếu sau khi tiến hành hoạt động phòng ngừa tội phạm, tỷ trọng những loại tội phạm nguy hiểm và phổ biến giảm dần trong cơ cấu tình hình tội phạm, điều đócho phéphiểu tính chất của tình hình tội phạm giảm bớt tính chất nguy hiểm và khẳng định phòng ngừa tội phạm đạt được hiệu quả.
Phòng ngừa tội phạm phải hướng đến hạn chế sự phát triển tội phạm mới, hạn chế tỷ lệ tái phạm tội nhằm thu hẹp dần đối tượng phòng ngừa tội phạm. Kết quả phòng ngừa tội phạm cũng không chấp nhận sự gia tăng tình trạng phạm tội của người chưa thành niên. Nếu tỷ trọng người chưa thành niên phạm tội chiếm tỷ trọng cao, rõ ràng phòng ngừa tội phạm chưa đạt được hiệu quả.
Giảm dần chỉ số về sự thiệt hại của tình hình tội phạm. Nếu sau khi tiến hành các hoạt động phòng ngừa tội phạm, số vụ phạm tội giảm nhưng chỉ số thiệt hại tăng thì vẫn chưa thể kết luận phòng ngừa tội phạm có hiệu quả. Do đó hiệu quả phòng ngừa tội phạm phải được thể hiện ở sự giảm bớt những thiệt hại do tình hình tội phạm gây ra.
VI. Kết luận
Nhận thức về phòng ngừa tội phạm nói chung và tội phạm trật tự an toàn xã hội nói riêng có vai trò qua trọng trong khoa học pháp lý và trong công tác phòng chống tội phạm trên thực tế. Nhận thức này là nhận thức của toàn xã hội, của cả hệ thống chính trị. Chỉ khi nhận thức được tính nguy hiểm của tội phạm và vai trò to lớn của phòng ngừa tội phạm thì lúc đó mới có thể hạn chế được tội phạm phát sinh, không bỏ lọt tội phạm, làm oan người vô tội và đảm bảo trật tự xã hội, tạo điều kiện để con người và xã hội cùng phát triển.
Tình hình tội phạm về trật tự an toàn xã hội vẫn diễn biến phức tạp nhưng do chủ động dự báo đúng và tăng cường công tác nắm tình hình, kịp thời nắm bắt phương thức thủ đoạn hoạt động của tội phạm nên đã triệt phá. Những điều này đều xuất phát từ nhận thức về tội phạm và ý thức phòng chống tội phạm của toàn dân và toàn xã hội. Do đó cần phải có nhiều biện pháp tích cực để nâng cao hơn nữa nhận thức của người dân về tội phạm và phòng ngừa tội phạm, siết chặt hơn nữa công tác quản lý của Nhà nước, hoàn thiện hệ thống pháp luật để đảm bảo sự công bằng, nghiêm minh và trật tự xã hội ■
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Bộ luật Hình sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Bộ luật Tố tụng Hình sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
3. Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020.
4. “Nhận diện nguyên nhân, điều kiện của tình hình tội phạm cướp giật tài sản do người chưa thành niên thực hiện trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh”, Tạp chí Nghiên cứu lý luận, nghiệp vụ, khoa học, Học viện Cảnh sát nhân dân ngày 22/12/2014.
5. Từ điển Luật học, NXB Từ điển Bách khoa Hà Nội, Hà Nội, 1999.
6. Lê Thế Tiệm, Phạm Tự Phả và tập thể tác giả, “Tội phạm ở Việt Nam - Thực trạng, nguyên nhân và giải pháp”, Đề tài KX 04-14, NXB Công an Nhân dân, Hà Nội, 1994.
7. Trịnh Tiến Việt, (2008), “Khái niệm phòng ngừa tội phạm dưới góc độ tội phạm học”, Tạp chí Khoa học Đại học quốc gia Hà Nội, Kinh tế - Luật 24, tr.185-199.
BASIC THEORETICAL ISSUES ON THE PREVENTION OF CRIME
AND THE MAINTENANCE OF SOCIAL ORDER AND SAFETY
● MA. DAO XUAN THANH
Lawyer Association of Binh Phuoc Province
ABSTRACT:
Vietnam has been deeply integrating into the international economy. However, along with the opportunities that the trend of integration brings about, the situation of social order and security is evolving increasingly complex, especially the increase in the number as well as the type of crime. In addition to, promptly detecting crimes, avoiding injustice, punishing, educating and rehabilitating offenders, the study and implementation of measures to prevent the situation of crime and order to the whole society is extremely urgent. The paper analyzes the basic theoretical issues on crime prevention and social order and safety, which will be used as a basis for practical analysis and suggest solutions in the future.
Keywords: Prevention, crime, measures, social order and safety.
Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 3 tháng 3/2018 tại đây