Ninh Bình: Tập trung hoàn thiện hạ tầng, phát huy hiệu quả các cụm công nghiệp

Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Ninh Bình về thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, ngành Công Thương Ninh Bình đã tham mưu cho các cấp lãnh đạo tỉnh thực hiện chính sách thu hút các doanh nghiệp có năng lực, để đầu tư xây dựng đồng bộ các cụm công nghiệp trên địa bàn, tạo thuận lợi thu hút các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đến Ninh Bình đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh.

Thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển cụm công nghiệp

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã thành lập, mở rộng 18 cụm công nghiệp (CCN) với tổng diện tích 680,78 ha, trong đó 14 CCN đi vào hoạt động với tổng diện tích 530,5068 ha, tỷ lệ lấp đầy bình quân 74,55%; diện tích đất công nghiệp còn lại có thể cho thuê là 105,1504 ha.

Trong 14 CCN, có 10 CCN do doanh nghiệp làm chủ đầu tư hạ tầng. Đến tnay các CCN trên địa bàn tỉnh đã thu hút 107 dự án thứ cấp và 256 hộ sản xuất kinh doanh. Doanh thu năm 2022 ước đạt 11.550 tỷ đồng, nộp ngân sách ước đạt 263 tỷ đồng.

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc làm việc với chủ đầu tư CCN Gia Vân và các doanh nghiệp đầu tư trong CNN Gia Vân
Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc làm việc với chủ đầu tư CCN Gia Vân và các doanh nghiệp đầu tư trong CCN Gia Vân

Nhiều CCN đã được đầu tư hạ tầng đồng bộ thu hút các doanh nghiệp đầu tư trong CCN trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã tạo việc làm cho trên 30.800 lao động với mức thu nhập bình quân từ 7-8 triệu đồng/người/tháng. Trong đó phần lớn là doanh nghiệp FDI có năng lực kinh doanh tốt, môi trường làm việc chuyên nghiệp. Các lao động được đóng bảo hiểm theo đúng quy định với chế độ đãi ngộ tốt, thu nhập ổn định ở mức khá đã thu hút được nhiều lao động đang làm việc ở các tỉnh phía Nam quay trở về địa phương vào làm việc ở các doanh nghiệp trong CCNp trên địa bản tỉnh.

Một số doanh nghiệp đầu tư hạ tầng CCN đạt kết quả tích cực như tại huyện huyện Gia Viễn, đã có Công ty TNHH Thiên Phú triển khai đầu tự hạ tầng các CCN gồm: CNN Gia Vân, Gia Lập và Gia Phú với tổng diện tích gần 150 ha, tổng vốn đầu tư trên 1.200 tỷ đồng. Tại huyện Yên Mô có Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển hạ tầng Bảo Minh - Khánh Hồng làm chủ đầu tư CCN Khánh Thượng có diện tích thành lập, mở rộng là 70,61 ha. Trong đó: diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê là 55,763 ha, diện tích đất công nghiệp đã cho thuê 26,866 ha, đạt tỷ lệ lấp đầy 48,5%; tổng vốn đầu tư hạ tầng 411,201 tỷ...

Tập trung phát huy hiệu quả các CCN

Quá trình triển khai thực hiện thực hiện cho thấy các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng công nghiệp có đủ năng lực đã huy động được các nguồn lực để đầu tư hạ tầng CCN có hiệu quả. Nhiều địa phương đã hình thành các CCN phát huy thế mạnh của địa phương, thu hút nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước vào đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm và góp phần tăng thu ngân sách cho địa phương.

Quy hoạch phát triển CNN Ninh Bình
Quy hoạch phát triển CNN Ninh Bình đến năm 2025 định hướng 2030

Để phát huy hiệu quả các CCN, lãnh đạo tỉnh Ninh Bình, các ban ngành liên quan và Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công Xúc tiến thương mại và Phát triển cụm công nghiệp thường xuyên xuống địa phương để nắm bắt tình hình để tạo thuận lợi trong công tác thu hút đầu tư, hướng dẫn cụ thể cho các nhà đầu tư về thủ tục đầu tư, quy mô, ngành hàng, thủ tục về đất đai, chính sách phát luật...liên quan đến môi trường đầu tư tại Ninh Bình. Đồng thời, lắng nghe, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh.

Mục tiêu của tỉnh Ninh Bình trong thời gian tới là tập trung đầu tư hoàn thiện hạ tầng, phát huy hiệu quả các CCN theo tinh thần của Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 11/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ. Hướng dẫn chủ đầu tư các CCN lập, hoàn thiện hồ sơ thành lập, mở rộng CCN, làm cơ sở thu hút nhà đầu tư thứ cấp vào sản xuất, kinh doanh trong CCN theo đúng tính chất ngành nghề đã được quy hoạch.

 

Văn Thắng