Báo cáo mới nhất của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho thấy suy thoái kinh tế toàn cầu trong năm nay do đại dịch Covid-19 gây ra sẽ không nghiêm trọng như các dự báo trước đây nhờ sự nỗ lực của các quốc gia trong việc ngăn chặn các tác động của dịch bệnh. Tuy nhiên, báo cáo của OECD cũng nhấn mạnh sự phục hồi kinh tế sẽ thấp hơn so với các dự báo.
Cụ thể, OECD dự báo GDP toàn cầu sẽ giảm 4,5% trong năm nay trước khi đạt mức tăng 5% trong năm 2021. Hồi tháng 6/2020, OECD đã dự báo GDP toàn cầu giảm 6% trong năm nay và phục hồi tăng trở lại 5,2% trong năm 2021.
Báo cáo của OECD cũng cho biết có một số chỉ số đo lường và các cuộc khảo sát kinh doanh cho thấy tốc độ phục hồi kinh tế toàn cầu đã suy yếu kể từ tháng 6/2020, đặc biệt điều này xuất hiện tại nhiều nền kinh tế phát triển. Các hoạt động kinh tế đã từng bật tăng mạnh sau khi các nước nới lỏng các biện pháp phong toả ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
OECD tiếp tục cảnh báo nền kinh tế toàn cầu vẫn đối mặt với sự không chắc chắn trong bối cảnh đại dịch Covid-19 chưa được kiểm soát hoàn toàn và dịch bệnh tiếp tục gây ra thiệt hại nặng nề cho các nền kinh tế và xã hội trên toàn cầu. Mặc dù mức độ thiệt hại và thời gian chịu tác động do đại dịch Covid-19 gây ra là khác nhau giữa các nền kinh tế lớn nhưng tất cả các nước đều sẽ phải trải qua sự suy giảm mạnh trong hoạt động kinh doanh khi các biện pháp phong toả, ngăn chặn dịch bệnh được áp dụng, OECD nhận định.
Báo cáo của OECD chỉ ra rằng Trung Quốc có thể là nền kinh tế lớn duy nhất trên thế giới ghi nhận mức tăng trưởng dương 1,8% trong năm nay. Trong khi đó, Ấn Độ - nền kinh tế lớn thứ năm thế giới sẽ đối mặt với tình trạng suy giảm GDP mạnh ở mức 10,2%. Hoa Kỳ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, cũng sẽ rơi vào tình trạng suy thoái nhưng mức độ sụt giảm GDP của nước này được dự báo sẽ chỉ ở mức 3,8%, thấp hơn mức suy giảm trung bình toàn cầu.
Đối với Đức, nền kinh tế đầu tàu của khu vực sử dụng chung đồng Euro (Eurozone), được dự báo sẽ ghi nhận mức suy giảm 5,4% GDP trong năm nay. Con số này thấp hơn nhiều so với mức suy giảm trung bình 7,8% của toàn khu vực Eurozone và thấp hơn mức suy giảm 9,5% của Pháp (nền kinh tế lớn thứ 2 khu vực Eurozone), mức giảm 10,5% của Italy và giảm 10,1% của Anh.
Theo OECD, triển vọng kinh tế toàn cầu trong thời gian tới sẽ phụ thuộc vào một loạt yếu tố gồm mức độ nghiêm trọng của đợt bùng phát dịch mới, việc áp dụng các biện pháp phong toả ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, việc triển khai vaccine phòng chống Covid-19 và tác động của các chính sách tài khoá và tiền tệ đối với nhu cầu tiêu dùng.