Phân tích các ứng dụng của truyền thông mạng xã hội trong lĩnh vực quản lý trung tâm đào tạo ở Việt Nam

ThS. NGHIÊM BẢO ANH (Công ty TNHH Tư vấn Giáo dục và Đào tạo toàn cầu Xuân Thành)

TÓM TẮT:

Trong thời đại của công nghệ và kĩ thuật số, thiết bị di động nói chung và điện thoại di động nói riêng trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại. Cùng với đó là sự lan tỏa rộng khắp của việc sử dụng mạng xã hội như Facebook, Zalo, Twitter. Bắt kịp xu thế phát triển này, các doanh nghiệp ở tất cả lĩnh vực đã triển khai các chiến lược tiếp thị với nền tảng trên thiết bị di động và mạng xã hội, một trong những nhân tố mới của tiếp thị số, nhằm tiếp cận khách hàng một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn. Bài báo này sẽ phân tích kĩ hơn về khái niệm của Mobile Marketing và Mobile Social Marketing, cũng như gợi ý về các ứng dụng của nó trong lĩnh vực quản lý trung tâm đào tạo ở Việt Nam.

Từ khóa: Từ khóa: Ứng dụng, truyền thông mạng xã hội, quản lý trung tâm đào tạo, Việt Nam.

1. Giới thiệu chung về Mobile Marketing và Mobile Social Marketing

Trong những năm gần đây, xu hướng người dùng thiết bị di động ở cả Việt Nam và trên thế giới đều đã tăng lên đáng kể. Sự phát triển đầy tiềm năng này cũng là một trong những yếu tố đóng góp vào sức lan tỏa của Mobile Marketing (tiếp thị trên thiết bị di động) – một phương thức kết nối người dùng và thương hiệu rất hiệu quả.

Tính trung bình, hiện nay, mỗi người Việt Nam đều sở hữu ít nhất 1 số điện thoại di động, đây sẽ là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp muốn ứng dụng Mobile marketing vào chiến dịch tiếp thị sản phẩm và dịch vụ đến người tiêu dùng. Hơn thế nữa, các nhà mạng đang đua nhau đưa ra các gói cước 3G, 4G với chi phí vô cùng hấp dẫn giúp khách hàng truy cập Internet trên thiết bị di động nhanh chóng và dễ dàng hơn.

1.1. Mobile Marketing là gì?

Ứng dụng của Mobile Marketing rất đa dạng, bao gồm nhiều loại khác nhau và Mobile Social Media (Truyền thông trên mạng xã hội) là một trong số đó. Andreas (2012) đã định nghĩa Mobile Marketing như là những hoạt động tiếp thị thông qua mạng lưới internet rộng mọi nơi mà khách hàng luôn được kết nối bằng cách sử dụng thiết bị di động cá nhân.

Có 3 điều kiện cần và đủ để được coi như là Mobile Marketing. Đầu tiên, cần phải có một mạng lưới internet rộng khắp. Điều này không chỉ ám chỉ một mạng lưới đơn lẻ, nó còn là tổng hợp của nhiều mạng lưới khác nhau. Ví dụ, một người có thể được kết nối từ nhà thông qua hệ thống mạng không dây, và sẽ chuyển sang mạng 3G khi ra ngoài và có thể sẽ có những sự thay đổi khác về hệ thống mạng khi đến nơi làm việc. Vấn đề chủ yếu ở đây không chỉ đơn thuần là việc kết nối mạng, mà còn là khả năng hoán đổi thành các mạng khác nhau một cách dễ dàng.

Thứ hai, người dùng phải thường trực kết nối với mạng di động. Vì hầu hết các cá nhân đều phụ thuộc khá nhiều vào điện thoại di động, nên khả năng họ để điện thoại ở nhà khi ra ngoài là khá hiếm. Mặt khác, với những thiết bị như máy tính bảng, việc truy cập liên tục phụ thuộc nhiều hơn vào người dùng hơn là công nghệ, bởi người dùng cần đưa ra quyết định về việc những thiết bị này cần được bật liên tục.

Cuối cùng, đó chính là việc sở hữu các thiết bị di động cá nhân. Thiết bị di động có thể được định nghĩa như là các công cụ mà cho phép truy cập mạng lưới rộng khắp. Ví dụ điển hình của một thiết bị di động được dùng phổ biến đó là điện thoại di động. Theo khía cạnh của Mobile Marketing, thiết bị di động được sở hữu bởi người dùng nên thuộc về cá nhân và không nên được chia sẻ với ai khác. Điều này có nghĩa rằng mỗi thành viên trong một hộ gia đình nên sở hữu một thiết bị di dộng riêng biệt.

1.2. Mobile Social Media là gì?

Trước khi định nghĩa Mobile Social Media, chúng ta cần phải hiểu rõ thế nào là mạng xã hội (Social Media). Theo như định nghĩa của Kaplan và Haenlein (2010), mạng xã hội là một nhóm các ứng dụng trên internet mà xây dựng nên nền tảng Web 2.0 mang tính tư tưởng và công nghệ và điều này cho phép sự hình thành và trao đổi của các nội dung được viết bởi người dùng. Khi kết hợp cả định nghĩa của Social Media và Mobile Marketing, chúng ta có thể hiểu rằng Mobile Social Media là tất cả các ứng dụng của Mobile Marketing mà cho phép sự hình thành của các nội dung được tạo bởi người dùng. Các công ty ứng dụng Mobile Social Media thường được trang bị một vài thông tin về những khách hàng mà họ đang cần phải ứng phó. Hơn thế nữa, thông thường khách hàng cũng đồng ý tiếp nhận kiến thức và thông tin từ phía công ty.

2. Tiềm năng ứng dụng của Mobile Marketing trong các doanh nghiệp giáo dục

Có một sự thật rõ ràng rằng hình thức Social Media truyền thống mang lại rất nhiều cơ hội lớn cho các doanh nghiệp ở nhiều ngành nghề khác nhau, bao gồm cả lĩnh vực giáo dục. Điều này cũng đúng đối với các mạng xã hội nói chung (Kaplan & Haenlein, 2010), các trang nhật ký (blog) (Kaplan & Haenlein, 2011a) và thế giới ảo rộng lớn (Kaplan & Haenlein, 2009). Kênh truyền thông mạng xã hội được coi như là một công cụ có sức mạnh lớn nhất cho các chiến dịch marketing online (Kaplan & Haenlein, 2011b), cũng như khi triển khai các sản phẩm mới (Kaplan & Haenlein, 2012).Việc ứng dụng các đặc tính của truyền thông mạng xã hội trên thiết bị di độngtrong các lĩnh vực khác nhau như truyền thông tiếp thị, chính sách khách hàng thân thiết, nghiên cứu thị trường sẽ được thảo luận kĩ hơn dưới đây:

2.1. Nghiên cứu thị trường

Các ứng dụng của truyền thông mạng xã hội trên thiết bị di động cung cấp các dữ liệu quan trọng về hành vi khách hàng ngoại tuyến. Các doanh nghiệp có thể dễ dàng có được các chi tiết về việc ghé thăm của khách hàng ở cơ sở của họ và các trải nghiệm của khách hàng sẽ được bộc lộ qua bình luận. Các ứng dụng này đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp lấy thông tin cá nhân của khách hàng, bao gồm tuổi tác, giới tính, số lần ghé thăm cửa hàng. Tương tự như vậy, trong bối cảnh của các trung tâm đào tạo vừa và nhỏ, việc ứng dụng truyền thông mạng xã hội di động mang lại rất nhiều tiềm năng lớn cho chủ doanh nghiệp. Ví dụ, qua lượng tương tác (Yêu thích/ Chia sẻ/ Bình luận) của từng bài đăng, nhà quản lý có thể nhìn nhận và đánh giá được độ ưa thích, cũng như nhu cầu đối với từng khóa học, từ đó sẽ có sự điều chỉnh về chiến lược tổ chức khóa học để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Một ví dụ khác, qua những bình luận hay đánh giá của học viên trên fanpage của Trung tâm, chúng ta có thể ghi nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều để củng cố và nâng cao chất lượng dịch vụ.

2.2. Truyền thông tiếp thị

Việc truyền thông tiếp thị thông qua mạng xã hội bao gồm hai loại, một là từ phía công ty đến với khách hàng (B2C), và loại thứ hai là nội dung được tạo ra bởi khách hàng. Đã có rất nhiều ngành dịch vụ ứng dụng chức năng này. Một ví dụ điển hình của hình thức truyền thông qua mạng xã hội B2C là việc các trung tâm ngoại ngữ khuyến khích học sinh check-in tại các cơ sở của trung tâm mỗi khi đến học, hoặc khi có sự kiện đặc biệt, để đăng nhập vào hệ thống wifi cũng như vào cơ sở dữ liệu hoặc thư viện trực tuyến. Những thông tin check-in này sẽ được hiện lên trên trang chủ của mạng xã hội họ dùng, facebook là một ví dụ điển hình và bạn bè của người dùng sẽ dễ dàng nhìn thấy những dòng trạng thái, hình ảnh hay địa điểm được nhắc đến. Kĩ thuật này chính là một trường hợp điển hình của chiến lược xúc tiến tiếp thị trên internet. Một phương thức khác mà gần đây rất nhiều trung tâm ngoại ngữ ứng dụng, đó là việc khuyến khích người dùng tương tác với bài đăng bằng cách chia sẻ các nguồn tài liệu giá trị và yêu cầu người dùng chia sẻ bài đăng trên trang cá nhân, ở chế độ công khai để bạn bè của họ trên mạng xã hội có thể nhìn thấy. Phương pháp này thực sự hiệu quả khi mà có những bài đăng đã đạt được con số chia sẻ lên đến hàng nghìn lượt.

2.3. Giảm giá và các chương trình xúc tiến bán hàng

Trong thời đại của công nghệ thông tin, có rất nhiều ứng dụng cho phép tạo ra các chương trình giảm giá cho những khách hàng cụ thể và cho những khoảng thời gian xác định. Thương hiệu Starbuck đã tận dụng rất tốt sức mạnh của mạng xã hội khi triển khai chương trình khuyến mãi: tặng ngay khách hàng một thức uống đặc biệt khi năm địa điểm của Starbuck được check-in bởi họ trên mạng xã hội (Kaplan & Haenlein 2009). Các chiến dịch giảm giá thường được coi là một màu và đơn điệu, nhưng trong thời đại của kỹthuật số, nó trở nên thực sự thú vị, nhanh và rất hiệu quả về mặt chi phí.

Các chương trình giảm giá thông qua mạng xã hội cũng được các trung tâm ngoại ngữ tận dụng triệt để. Thông thường thì họ sẽ chọn một thời điểm vàng, khi mà có lượng người trực tuyến (online) đông nhất, thường là vào khoảng tám đến mười giờ tối, khi đó sẽ có những bài đăng liên quan đến các chủ đề được học, ví dụ như câu đố tiếng Anh, người dùng nào trả lời nhanh và sớm nhất thông qua hình thức bình luận trực tuyến sẽ được quà tặng. Phương pháp này rất hiệu quả vì người dùng sẽ rất hào hứng tương tác với bài đăng để dành được cơ hội nhận quà tặng. Càng nhiều người cố gắng giải câu hỏi đố đồng nghĩa với lượng tương tác sẽ tăng cao, đây là điều mà bất kì trung tâm nào cũng nhắm đến.

2.4. Củng cố mối quan hệ với khách hàng và chương trình Khách hàng thân thiết

Ổn định sự phát triển kinh doanh là ước mơ của mọi chủ doanh nghiệp. Nhưng điều này không đến từ một lần mua thông qua các chương trình giảm giá, mà xuất phát từ việc thực hiện các giao dịch lặp đi lặp lại giữa khách hàng và doanh nghiệp thông qua chương trình Khách hàng thường xuyên. Ví dụ, hạng mức Vàng, Bạc hay Đồng có thể đạt được bởi khách hàng của Google Latitude nếu họ check-in ở một địa điểm một cách thường xuyên. Hoặc, Tasti D-Lite một công ty có trụ sở ở thành phố New York nổi tiếng vì những sản phẩm kẹo đã khuyến khích khách hàng liên kết tài khoản Foursquare và Twitter với thẻ thành viên của Tasti (Clifford, 2010). Khách hàng thực hiện những thao tác như trên sẽ được thưởng điểm sau mỗi lần mua hàng và một cách tự nhiên nó sẽ được cập nhật lên tài khoản mạng xã hội của họ, vì vậy, sẽ tăng mức độ nhận diện thương hiệu của nhãn hàng. Điều này có ích cho cả hai bên, khách hàng và doanh nghiệp.

Đối với lĩnh vực giáo dục nói chung và trung tâm đào tạo nói riêng, việc củng cố mối quan hệ với khách hàng thông qua những hình thức tương tự như trên, chưa thực sự phù hợp. Do tính chất đặc thù của ngành, mỗi học viên/ học sinh khi tham gia một khóa học thường kéo dài ít nhất là ba đến sáu tháng, nên việc duy trì mối quan hệ với khách hàng cần phải có những chiến lược khác. Ví dụ như đối với những học viên thân thiết lâu năm, Trung tâm có thể khuyến khích họ chia sẻ những trải nghiệm đã có với nơi mình từng học trên mạng xã hội. Trung tâm có thể gửi tặng những học viên này những phần thưởng khuyến khích như một lời cám ơn đến sự tin tưởng trong một quá trình dài. Bằng cách này, đơn vị cung cấp khóa học sẽ cải thiện được đáng kể về độ nhận diện thương hiệu trên mạng xã hội, một cách rất tự nhiên.

3. Các đề xuất cho việc ứng dụng Mobile Social Media

Tuy rằng có vô số triển vọng được tạo ra bởi kênh truyền thông đầy sáng tạo này, các doanh nghiệp sử dụng Mobile Social Media cần phải ý thức rất rõ ràng những rủi ro và thử thách đi kèm, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực giáo dục.

Đầu tiên là, doanh nghiệp cần phải làm cho ứng dụng truyền thông trên mạng xã hội của mình thực sự hấp dẫn, khiến cho nó trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống của mỗi khách hàng, không nên tạo ấn tượng nhàm chán hoặc một màu. Vậy nên, việc cập nhật nội dung cũng như hình thức cần phải được chú trọng và đầu tư một cách nghiêm túc. Ví dụ như, có rất nhiều trung tâm đã phát triển thành công các ứng dụng trên mạng xã hội và trên điện thoại di động, cho phép người học có thể sử dụng hằng ngày để củng cố kiến thức của mình. Những ứng dụng này rất đa dạng cả về nội dung và hình thức, bao gồm cả phần hình ảnh, âm thanh và các đoạn băng hướng dẫn học trực tuyến hằng ngày.

Thứ hai là, những ứng dụng này sẽ trở thành một phần quan trọng với khách hàng chỉ khi chúng được thiết kế phù hợp với nhu cầu và sở thích của từng đối tượng khách hàng. Tức là, với mỗi đối tượng người học khác nhau, họ đều có thể tìm thấy những phần cảm thấy hứng thú và thực sự có ích với riêng mình.

Thứ ba là, khuyến khích sự gắn kết của khách hàng thông qua chương trình khách hàng thân thiết và sự tương tác với nhãn hàng. Điều này thật sự quan trọng, nó sẽ tạo ra nét riêng biệt cho thương hiệu của bạn và giúp bạn duy trì mối quan hệ bền vững lâu dài.

Thứ tư là, khuyến khích khách hàng tự tạo ra các nội dung tích cực, ví dụ như truyền miệng điện tử trên mạng xã hội. Cách này thực sự hiệu quả trong bối cảnh bão hòa về các phương thức tiếp thị, người dùng thường có xu hướng lắng nghe và tin theo những nhận xét, gợi ý của khách hàng khác. Nếu tận dụng được phương pháp này, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí marketing.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Kaplan, A. M. (2012). If you love something, let it go mobile: Mobile marketing and mobile social media 4x4. Business Horizons, 55(2), 129 139.

2. Kaplan, A. M., & Haenlein, M. (2010). Users of the world, unite! The challenges and opportunities of Social media. Business Horizons, 53(1), 59-68.

3. Kaplan, A. M., & Haenlein, M. (2011a). The early bird catches the news: Nine things you should know about micro-blogging. Business Horizons, 54(2), 105-113.

4. Kaplan, A. M., & Haenlein, M. (2011b). Two hearts in three quarter time: How to waltz the social media/ viral marketing dance. Business Horizons, 54(3), 253-263.

5. Kaplan, A. M., & Haenlein, M. (2009). The fairyland of Second Life: About virtual social worlds and how to use them. Business Horizons, 52 (6), 563-572.

6. Clifford, S. (2010, April 29). That store loyalty card sure looks like a smartphone. The New York Times, p. B3.

ANALYZE THE APPLICATIONS OF SOCIAL NETWORKING IN THE FIELD OF TRAINING CENTER MANAGEMENT IN VIETNAM

MA. NGHIEM BAO ANH

ABSTRACT:

In the age of technology and digital technology, mobile devices in general and mobile phones in particular have become an indispensable part of modern life. Along with that is the widespread of social networking applications such as Facebook, Zalo, Twitter. Keeping up with this trend, businesses in all areas have deployed mobile and social media marketing strategies. As it is one of the new elements of digital marketing, aiming to reach customers faster and more effectively. This article will give an in-depth analysis of the concept of Mobile Marketing and Mobile Social Marketing, as well as suggestions for its applications in the management of training centers in Vietnam.

Keywords: Application, Social Networking, Training Center Management, Vietnam.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 08 tháng 07/2017 tại đây