TÓM TẮT:
Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế thể hiện qua nhiều khía cạnh: Trách nhiệm với nhà nước, với người lao động, với cộng đồng, người tiêu dùng,... Trong giới hạn của bài viết, tác giả tập trung phân tích một số ưu điểm, hạn chế trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam giai đoạn hiện nay.
Từ khóa: Trách nhiệm xã hội, doanh nghiệp, doanh nghiệp tư nhân, Việt Nam.
1. Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp
Thuật ngữ “trách nhiệm” theo tiếng La tinh là “Respondere”, có nghĩa là “đáp lại”. Theo Từ điển Tiếng Việt (2004) của Viện Ngôn ngữ học, NXB. Đà Nẵng: "Trách nhiệm được hiểu là sự ràng buộc đối với lời nói, hành vi của mình, bảo đảm tính đúng đắn, nếu sai trái phải chịu phần hậu quả”. Trong Từ điển Tiếng Việt (1999), NXB. Văn hóa - Thông tin: “Trách nhiệm là điều phải làm, phải gánh vác hoặc phải nhận lấy về mình". Như vậy, theo các cách định nghĩa trên thì nói đến trách nhiệm là nói đến hành vi của chủ thể gắn với lời nói và sự cam kết thực hiện. Xét trên phương diện xã hội, mỗi thành viên trong cộng đồng xã hội đều được nhà nước bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp trên cơ sở họ thực hiện những hành vi không bị cấm. Ngược lại, mỗi thành viên trong xã hội cần có sự cam kết chỉ được thực hiện những hành vi không bị cấm đó để không chỉ mang lại lợi ích cho mình, mà còn mang lại lợi ích cho xã hội. Như thế, trách nhiệm của mỗi thành viên đối với xã hội được thực hiện (gọi chung là trách nhiệm xã hội).
Trong lĩnh vực kinh tế, doanh nghiệp là một trong những chủ thể quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Theo cách thức quản lý của các nhà nước đương đại, hoạt động của doanh nghiệp được nhà nước bảo đảm (vị trí pháp lý, cơ chế, chính sách, v.v.), ngược lại, doanh nghiệp cũng phải cam kết thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh trong khuôn khổ cho phép và thực hiện các nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước, nghĩa vụ khác đối với cộng đồng và người lao động, v.v. và đó được gọi là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Bàn về thuật ngữ “trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp”, theo Ngân hàng Thế giới: “Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là sự cam kết của doanh nghiệp đóng góp cho việc phát triển kinh tế bền vững, thông qua những việc làm nâng cao chất lượng đời sống của người lao động và các thành viên trong gia đình họ; cho cộng đồng và toàn xã hôi, theo cách có lợi cho cả doanh nghiệp, cũng như sự phát triển chung của xã hội” [6, tr.242-243]. Theo quan điểm của Matten và Moon năm 2012, “trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là một khái niệm chùm, bao gồm nhiều khái niệm khác nhau, như: đạo đức kinh doanh, doanh nghiệp là từ thiện, công dân doanh nghiệp, tính bền vững và trách nhiệm môi trường. Đó là một khái niệm động và luôn được thử thách trong từng bối cảnh kinh tế, chính trị, xã hội đặc thù” [1, tr.7]. Ở Việt Nam, nhiều học giả cũng đưa ra quan điểm khác nhau về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Theo TS. Lê Đăng Doanh, “Trách nhiệm xã hội là sự cam kết của công ty trong ứng xử phù hợp với lợi ích của xã hội trong các hoạt động liên quan đến lợi ích của khách hàng, nhà cung ứng, nhân viên, cổ đông, cộng đồng, môi trường. Theo đó, trách nhiệm được coi là một phạm trù của đạo đức kinh doanh, có liên quan đến mọi hoạt động của doanh nghiệp” [4, tr.202-203].
Như vậy, khi nói đến trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu, các tổ chức quốc tế nhấn mạnh đến một số nội dung cơ bản: Trách nhiệm đối với nhà nước, đối với cộng đồng, đối với khách hàng, đối với người lao động. Theo đó, hoạt động của doanh nghiệp ngoài việc đảm bảo lợi ích của mình, còn phải đảm bảo cả lợi ích của nhà nước, cộng đồng, khách hàng và người lao động. Trong phạm vi nghiên cứu của bài viết, tác giả ủng hộ cách tiếp cận về nội dung trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp như trên để làm cơ sở phân tích thực trạng trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam hiện nay.
2. Thực trạng thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam
2.1. Một số kết quả thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam
Doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường ở nước ta phát triển nhanh về số lượng, đã thể hiện được vai trò quan trọng của mình trong nền kinh tế thông qua việc thực hiện các nghĩa vụ đối với nhà nước và xã hội, cụ thể là:
- Thứ nhất, doanh nghiệp tư nhân (DNTN) thực hiện tốt nghĩa vụ tài chính với nhà nước. Chỉ tính trong giai đoạn 2013 - 2016, theo số liệu thống kê, tỷ lệ đóng góp GDP của DNTN hơn hẳn so với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tính trên cơ sở tỷ trọng đầu tư, cụ thể: Tỷ trọng đầu tư của DNNN là 60%, của DNTN là 40%; trong khi đó, tỷ lệ đóng góp GDP của DNNN và DNTN lại ngược lại [8].
Có thể nhận thấy, trong thời gian qua, mặc dù không phải thuộc thành phần kinh tế giữ vai trò chủ đạo, nhưng với sự năng động, nhạy bén của mình, các DNTN hoạt động có hiệu quả, đã thực hiện tốt nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước (duy trì ở mức khoảng 60% đóng góp cho GDP).
- Thứ hai, DNTN tạo ra việc làm chủ yếu trong toàn bộ nền kinh tế. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong giai đoạn 2013-2016, đầu tư của các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế tư nhân chiếm gần 35% trong tổng đầu tư xã hội, tạo ra gần 70% việc làm phi nông nghiệp ở nông thôn, chiếm tỷ trọng lớn nhất so với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác, góp phần tích cực trong công tác xóa đói giảm nghèo của các địa phương.
Bên cạnh đó, những năm gần đây, DNTN có sự tăng nhanh về số lượng, cho nên việc sản xuất hàng hóa trở nên rất đa dạng và phong phú, kéo theo là việc tiêu dùng của người dân cũng tăng lên rõ rệt, góp phần làm cho đời sống người tiêu dùng ngày càng nâng cao với nhiều mặt hàng tiện ích, làm cho mức tiêu dùng của toàn xã hội tăng đột biến. Thực tế đó đã cho thấy, xét trên phương diện trách nhiệm xã hội, DNTN đã đóng vai trò quan trọng khi góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người tiêu dùng thông qua các chủng loại và chất lượng sản phẩm hàng hóa mà họ tạo ra.
2.2. Những hạn chế trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam
Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, việc thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế tư nhân ở nước ta vẫn tồn tại một số những hạn chế, cụ thể:
Một là, DNTN chưa quan tâm nhiều đến bảo vệ môi trường, chưa thực hiện tốt trách nhiệm xã hội về bảo vệ môi trường. Nhiều DNTN có quy mô vừa và nhỏ, công nghệ thủ công hoạt động chủ yếu ở khu vực nông thôn, sản xuất, kinh doanh chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp (sản xuất nông nghiệp, dịch vụ nông nghiệp, chăn nuôi, chế biến thức ăn chăn nuôi, chế biến nông sản, v.v.) nên được xác định là đối tượng chính gây ra ô nhiễm môi trường ở khu vực nông thôn: ô nhiễm nguồn nước, đất đai, phá vỡ hệ sinh thái, ảnh hưởng xấu đến sinh hoạt của người dân.
Rất nhiều DNTN hoạt động ngay trong khu dân cư, nhất là tại các làng nghề, sản xuất nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu, thiếu các biện pháp xử lý nước thải, rác thải, khí thải, dẫn đến môi trường dân sinh tại đó ô nhiễm trầm trọng. Thực tế cho thấy, nhờ phát triển loại hình DNTN mà các làng nghề thủ công truyền thống ở nhiều địa phương được phục hồi và dần phát triển mạnh, rất nhiều sản phẩm của họ được bán ra thị trường thế giới mang lại nguồn lợi lớn, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống cho người dân nông thôn. Nhưng, do quy mô vừa và nhỏ, công nghệ lạc hậu, phần lớn các doanh nghiệp tư nhân tại các làng nghề còn chưa kiểm soát và xử lý được nước thải, chất thải, khí thải, cho nên, tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đang ngày diễn ra, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của người dân. Theo thống kê của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, nước ta có khoảng 2.800 làng nghề trong đó có 240 làng nghề truyền thống, giải quyết việc làm cho hơn 11 triệu lao động. Có đến 90% trong tổng số các làng nghề vi phạm pháp luật về môi trường và dường như, giữa phát triển và vấn đề môi trường vẫn đang là một nghịch lý [2].
Hai là, nhiều DNTN vẫn còn thiếu trách nhiệm với nhà nước và với người lao động. Thực tế, việc nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội là vi phạm pháp luật (thiếu trách nhiệm với nhà nước) và chưa thực hiện tốt việc đảm bảo quyền và lợi ích của người lao động (thiếu trách nhiệm với người lao động). Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến ngày 31/12/2016, nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp là 9.633 tỷ đồng, chiếm 3,66% so với số phải thu và số nợ tập trung chủ yếu tại các doanh nghiệp ngoài nhà nước [4].
Ngoài ra, những năm gần đây, vẫn còn nhiều DNTN vì lợi nhuận trước mắt, đã sản xuất hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng, gây tổn hại đến người tiêu dùng, nhất là tổn hại đến sức khỏe và nhiều trường hợp rất nghiêm trọng. Điều đó còn cho thấy, các DNTN này chưa thể hiện được trách nhiệm xã hội đối với người tiêu dùng.
3. Nâng cao hiệu quả thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam
Qua phân tích tình hình thực hiện trách nhiệm xã hội của DNTN, có thể thấy, việc thực hiện trách nhiệm xã hội của loại doanh nghiệp này vẫn còn chưa ổn định và bền vững. Nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện trách nhiệm xã hội của DNTN, tác giả bài viết kiến nghị một số vấn đề sau:
- Đối với Nhà nước:
(1) Trong thời gian tới, cần chú trọng, đẩy mạnh thực hiện các chính sách khuyến khích, hỗ trợ DNTN trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội, chẳng hạn như: Chính sách hỗ trợ các DNTN sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm thực hiện các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường, sản xuất theo công nghệ sạch, ...
(2) Xử lý nghiêm các trường hợp doanh nghiệp vi phạm các quy định trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội. Bên cạnh đó, việc xử lý nghiêm các vi phạm, cần tăng cường các hình thức khuyến khích, khen thưởng, tôn vinh đối với các doanh nghiệp thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, như: Trao giải thưởng trách nhiệm xã hội, doanh nghiệp vì cộng đồng,...
(3) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nghĩa vụ thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và những lợi ích mà doanh nghiệp được hưởng khi thực hiện trách nhiệm xã hội. Việc tuyên truyền này cần được thực hiện qua nhiều hình thức như: Phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức tập huấn thậm chí là bắt buộc đối với lãnh đạo doanh nghiệp,...
(4) Giám sát chặt chẽ, đồng bộ việc thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp; theo đó, cần có sự kết hợp giữa chính quyền và các lực lượng liên quan, kể cả các lực lượng dân sự tự quản để đảm bảo doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện những nội dung đã cam kết.
Thực hiện tốt các giải pháp trên sẽ hạn chế được tình trạng vi phạm pháp luật của doanh nghiệp, tạo ra sức ép để doanh nghiệp quan tâm và thực hiện tốt trách nhiệm của mình đối với Nhà nước, người lao động, người tiêu dùng và môi trường.
- Đối với các doanh nghiệp:
(1) Trong chiến lược kinh doanh của mình, doanh nghiệp cần xây dựng nội dung thực hiện trách nhiệm xã hội và coi đó như là nhân tố để bảo đảm sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp.
Việc đưa nội dung thực hiện trách nhiệm xã hội vào chiến lược kinh doanh để doanh nhiệp nhận thấy rằng họ muốn phát triển bền vững thì luôn phải tuân thủ những chuẩn mực về bảo vệ môi trường, an toàn lao động, quyền lợi lao động, phát triển cộng đồng; rằng đây không chỉ đơn thuần là vấn đề đạo đức kinh doanh hay là các hoạt động chi phí không đem lại lợi nhuận, mà ngược lại, việc thực hiện trách nhiệm xã hội sẽ giúp doanh nghiệp có được nhiều lợi thế trong quá trình sản xuất, kinh doanh, giúp họ tăng sức cạnh tranh trên thị trường, vượt qua các rào cản kỹ thuật và rào cản thương mại. Từ đó, các doanh nghiệp mới xây dựng và thực hiện được tốt các chương trình hành động để thực hiện trách nhiệm xã hội của mình theo giai đoạn và nội dung cụ thể.
(2) Lãnh đạo doanh nghiệp cần quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với cán bộ quản lý của mình.
Việc cử cán bộ quản lý đi đào tạo, bồi dưỡng về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là rất cần thiết trong bối cảnh xã hội hiện đại, bởi vì, đào tạo, bồi dưỡng là kênh thông tin quan trọng giúp cho cán bộ quản lý của doanh nghiệp cập nhật kịp thời kiến thức nền tảng, cơ bản về trách nhiệm xã hội; giúp hiểu rõ những lợi ích đạt được khi doanh nghiệp tham gia thực hiện trách nhiệm xã hội để từ đó họ tham vấn chính sách cho lãnh đạo, đồng thời là những người trực tiếp quyết tâm thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Như vậy, bằng phương pháp nghiên cứu chủ yếu là phân tích, tổng hợp, tác giả bài viết đã góp phần làm sáng tỏ tình hình thực hiện trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế tư nhân ở Việt Nam trong những năm gần đây. Các giải pháp đưa ra đều dựa trên phân tích những mặt hạn chế trong thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế này. Những kết quả nghiên cứu trên góp phần bổ sung những thông tin hữu ích đối với các nhà quản lý và các doanh nghiệp, nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Bondy, K.; Moon, J.; Matten, D.(2012), An Institution of Corporate Social Responsibility (CSR) in Multi-National Corporations (MNCs): Form and Implications, Journal of Business Ethics, forthcoming 2012, DOI 10.1007/s10551-012-1208-7.
2. Đinh Mạnh Cường, “Báo động ô nhiễm môi trường các làng nghề”, Trang Tin tức Online, Địa chỉ: http://www.tinmoi.vn/bao-dong-o-nhiem-moi-truong-cac-lang-nghe-01861562.html
3. Hồ Văn Vĩnh (2007), Doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế tư nhân, Tạp chí Lý luận Chính trị, số 5/2007.
4. Lê Đăng Doanh (2010), “Một số vấn đề về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ở Việt Nam”, Trách nhiệm xã hội trong điều kiện kinh tế thị trường, xuất bản năm 2010.
5. Thiên Lam, “Năm 2016: Tăng 5,9 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội”, Báo Nhân dân điện tử, Địa chỉ: http://www.nhandan.com.vn/suckhoe/tin-tuc/item/31736202-nam-2016-tang-5-9-trieu-nguoi-tham-gia-bao-hiem-xa-hoi.html.
6. Trần Phương Anh (2010), “Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và thực tiễn vận dụng ở Việt Nam hiện nay”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế, chủ đề "Trách nhiệm xã hội trong điều kiện kinh tế thị trường" của Viện Triết học năm 2010, Nxb Khoa học Xã hội, trang 242-243.
7. Tuấn Anh (2013), Ô nhiễm môi trường làng nghề - Thực trạng và giải pháp, Báo Vĩnh Phúc, Số 15/11/2013.
8. Vũ Ngọc Hoàng, “Doanh nghiệp nhà nước đang chiếm 60% nguồn lực nhưng chỉ đóng góp 40% GDP”, Báo Điện tử Gia đình Việt Nam, địa chỉ: http://www.giadinhvietnam.com/chinh-sach/doanh-nghiep-nha-nuoc-dang-chiem-60-nguon-luc-d87687.html.
Analyzing the advantages and disadvantages of private enterprises implementation of corporate social responsibility
PhD. NGO SY TRUNG
Hanoi University of Home Affair
ABSTRACT:
Corporate social responsibility is expressed in many economic aspects: Responsibility to the state, laborers, the community, the consumers, etc. Within the scope of the article, the author analyzes some advantages and limitations in the implementation of social responsibility of private sector enterprises in the current market economy in Vietnam.
Keywords: Social Responsibility, Enterprises, Private Enterprises, Vietnam.
Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 08 tháng 07/2017 tại đây