Pháp luật môi trường Việt Nam với vấn đề trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp

THS. TRẦN ANH TẤN (Bộ Công Thương)  -PGS.TS. Vũ Thị Duyên Thủy  (Trường Đại học Luật Hà Nội)

TÓM TẮT: Trước những đòi hỏi của sự phát triển bền vững, thực hiện trách nhiệm xã hội là yêu cầu có ý nghĩa quan trọng đối với các doanh nghiệp. Bài viết phân tích các vấn đề cơ bản về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp dưới góc độ pháp luật môi trường Việt Nam, đồng thời đề xuất một số giải pháp hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực này, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội về môi trường trong suốt quá trình hoạt động.

Từ khóa: Trách nhiệm xã hội, môi trường, doanh nghiệp.

1. Đặt vấn đề

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là vấn đề được xã hội đặc biệt quan tâm trong những năm gần đây. Hoạt động kinh doanh bền vững của các doanh nghiệp không chỉ bao gồm việc cung cấp sản phẩm và dịch vụ, mà còn phải thỏa mãn nhu cầu của khách hàng, vừa đảm bảo duy trì và cải thiện môi trường, vừa dựa trên trách nhiệm với xã hội. Trong lĩnh vực môi trường, trách nhiệm xã hội doanh nghiệp là nghĩa vụ pháp lý và tự nguyện mà doanh nghiệp thực hiện để phòng ngừa và giảm thiểu những ảnh hưởng xấu đến môi trường trong quá trình hoạt động.

Trách nhiệm này sẽ giúp các doanh nghiệp thực hiện tốt các đòi hỏi của thị trường gắn với yêu cầu bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.. Để làm được điều đó, ngoài việc tuân thủ pháp luật, các doanh nghiệp cần thừa nhận trách nhiệm đối với những tác động môi trường do các hoạt động của mình gây ra, từ đó có hành động nhằm thay đổi hoạt động của mình theo hướng có lợi hơn cho môi trường.

2. Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp theo pháp luật môi trường Việt Nam

Tại Việt Nam, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là một trong những vấn đề đã và đang được quan tâm điều chỉnh bởi hệ thống các quy phạm pháp luật môi trường. Theo cách tiếp cận chung của thế giới[1], trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp được quy định trong hệ thống pháp luật này bao gồm 4 nhóm trách nhiệm. Đó là: (i) Phòng ngừa ô nhiễm môi trường; (ii) Sử dụng tài nguyên bền vững; (iii) Giảm nhẹ và thích nghi với biến đổi khí hậu; (iv) Bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học và khôi phục môi trường sống tự nhiên. Cụ thể:

2.1. Trách nhiệm phòng ngừa ô nhiễm môi trường

Phòng ngừa ô nhiễm môi trường là nguyên tắc được ưu tiên hàng đầu trong bảo vệ môi trường. Vì vậy, hệ thống pháp luật môi trường hiện hành bao gồmmột số văn bản pháp luật chủ yếu là: Luật Bảo vệ môi trường 2014; Nghị định số 18/2015/NĐ-CP của Chính phủ về Quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường; Nghị định số 19/2015/ NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Nghị định số 38/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý chất thải và phế liệu; Nghị định số 40/2019/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường; Nghị định số 154/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải; Nghị định số 164/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản…

Thực hiện quy định tại các văn bản nêu trên, để phòng ngừa các nguy cơ gây ô nhiễm môi trường phát sinh trong quá trình hoạt động của mình, các doanh nghiệp phải thực hiện một số nghĩa vụ cơ bản sau:

- Thực hiện đánh giá tác động môi trường, hay lập kế hoạch bảo vệ môi trường trước khi triển khai dự án/phương án sản xuất kinh doanh, dịch vụ. Hoạt động này sẽ tạo thế chủ động cho doanh nghiệp trong việc phòng ngừa ô nhiễm môi trường hoặc sự cố môi trường. . Hơn nữa, hoạt động này cũng giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí sản xuất thông qua việc tính toán các biện pháp sử dụng hiệu quả nguyên liệu đầu vào và giảm chi phí xử lý chất thải. Thực hiện đánh giá tác động môi trường cũng giúp doanh nghiệp tránh được những khoản tiền bồi thường thiệt hại rất lớn mà doanh nghiệp có thể phải trả do không phòng ngừa được nguy cơ ô nhiễm môi trường.

 - Quản lý chất thải: Việc làm phát sinh khí thải, nước thải hay chất thải rắn tại các doanh nghiệp là nguyên nhân chủ yếu gây ô nhiễm môi trường. Để ngăn ngừa tình trạng này, doanh nghiệp phải giảm thiểu chất thải, kiểm soát chặt chẽ chất thải tại nguồn, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải và chuyển giao chất thải một cách an toàn. Bên cạnh đó, việc xây dựng chương trình, kế hoạch phòng chống và ứng phó sự cố môi trường cũng cần được thực hiện tại doanh nghiệp. Theo đó, cần phân loại chất thải theo 2 loại chính là chất thải nguy hại và chất thải thông thường (chất thải rắn, nước thải, bụi, khí thải) để thực hiện quản lý. Chất thải thông thường có lẫn chất thải nguy hại vượt ngưỡng quy định mà không thể phân loại được thì phải quản lý theo quy định của pháp luật về chất thải nguy hại.

- Thực hiện các nghĩa vụ tài chính: Đây là những khoản tiền mà doanh nghiệp phải trả theo nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền. Theo đó, doanh nghiệp sẽ phải nộp phí bảo vệ môi trường (nếu làm phát sinh nước thải hoặc tiến hành khai thác khoáng sản) hay phải ký quỹ (nếu tiến hành khai thác khoáng sản hoặc nhập khẩu phế liệu).

2.2. Trách nhiệm sử dụng tài nguyên bền vững

Tài nguyên giữ một vai trò quan trọng và có ý nghĩa quyết định đối với sự tồn tại và phát triển của một quốc gia nói chung và các hoạt động sản xuất - kinh doanh nói riêng. Vì vậy, sự bền vững trong hoạt động của doanh nghiệp gắn liền với sự bền vững của các nguồn tài nguyên, bao gồm cả tài nguyên có thể tái tạo (tài nguyên nước, tài nguyên rừng, tài nguyên thủy sản…) và tài nguyên không thể tái tạo (nhiên liệu hóa thạch, kim loại và khoáng sản).

Tại Việt Nam, các văn bản pháp luật chủ yếu quy định về vấn đề này bao gồm: Luật thuế Tài nguyên 2009; Luật Khoáng sản 2010; Luật Tài nguyên nước 2012; Luật Dầu khí 2013; Luật Bảo vệ môi trường 2014; Luật Tài nguyên môi trường biển và Hải đảo 2015; Luật Lâm nghiệp 2017; Luật Thủy sản 2017 cùng các văn bản hướng dẫn thi hành những đạo luật đó.

Theo quy định tại các văn bản này, để duy trì sự bền vững của các nguồn tài nguyên, đòi hỏi các doanh nghiệp cần sử dụng tài nguyên có thể tái tạo với tỷ lệ nhỏ hơn hoặc bằng tỷ lệ bổ sung của tự nhiên. Đối với các nguồn tài nguyên không thể tái tạo, đòi hỏi tỷ lệ sử dụng nhỏ hơn tỷ lệ nguồn tài nguyên có khả năng tái tạo có thể thay thế.

Điều đó có nghĩa, bên cạnh việc khai thác và sử dụng hợp lý, tiết kiệm các nguồn tài nguyên hữu hạn, việc sử dụng các nguồn tài nguyên vô hạn (sức gió, ánh sáng, thủy triều, nhiệt năng trong lòng đất…) sẽ được khuyến khích. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần tiến tới thay thế dần nguồn nguyên liệu tự nhiên bằng nguồn nguyên liệu nhân tạo để giảm sức ép đối với khai thác tài nguyên thiên nhiên. Một số nghĩa vụ cơ bản mà các doanh nghiệp cần thực hiện để đảm bảo trách nhiệm sử dụng tài nguyên bền vững là:

- Khai thác và sử dụng hợp pháp các nguồn tài nguyên thiên nhiên: Theo quy định của Hiến pháp, tại Việt Nam, các loại tài nguyên thiên nhiên đều thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước thống nhất quản lý. Do vậy, trước hết, các doanh nghiệp cần phải hoàn thiện các điều kiện, thủ tục để được cấp giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên. Tùy thuộc vào nhu cầu khai thác của doanh nghiệp, đó có thể là giấy phép khai thác khoáng sản hay giấy phép khai thác thủy sản hoặc giấy phép khai thác, sử dụng nước ngầm… Đây là chứng thư pháp lý xác nhận quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên của doanh nghiệp. 

- Khai thác và sử dụng hợp lý, tiết kiệm các nguồn tài nguyên thiên nhiên: Mỗi loại tài nguyên đều có đặc điểm sinh thái và chức năng sử dụng không giống nhau. Vì vậy, tùy thuộc vào từng loại tài nguyên được doanh nghiệp khai thác, sử dụng, cách thức khai thác và sử dụng chúng một cách hợp lý sẽ được quy định riêng. Các doanh nghiệp có nghĩa vụ khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên được phép khai thác trên cơ sở đảm bảo khả năng tái tạo và duy trì tính bền vững của loại tài nguyên đó. Cách đơn giản nhất để các doanh nghiệp thực hiện tốt nghĩa vụ này là tuân thủ đúng nội dung giấy phép (về địa điểm khai thác, sản lượng khai thác, thời gian khai thác, công cụ phương tiện khai thác…) và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của chủ giấy phép. Ngoài ra, doanh nghiệp còn có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ tài chính như nộp thuế tài nguyên, ký quỹ phục hồi môi trường (trong trường hợp có khai thác khoáng sản).

2.3. Trách nhiệm giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu

Thực tế là phát thải khí nhà kính từ các hoạt động của con người, như cácbon đioxit (CO2), mêtan (CH4) và nitơ oxit (N2O), là một trong những nguyên nhân dẫn đến biến đổi khí hậu toàn cầu, có tác động lớn đến môi trường tự nhiên và con người[2]. Biến đổi khí hậu sẽ gây những ảnh hưởng bất lợi nhất định đối với các hoạt động của con người, bao gồm cả các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Vì vậy, thực hiện trách nhiệm giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu trước hết sẽ góp phần đảm bảo các điều kiện an toàn cho hoạt động của chính doanh nghiệp và sau đó là thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp đối với bảo vệ môi trường sống của cộng đồng[3].

Vấn đề này hiện được điều chỉnh trong một số văn bản pháp luật như: Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả 2010; Luật Bảo vệ môi trường 2014; Luật Khí tượng thủy văn 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành các đạo luật này. Theo đó, để thực hiện trách nhiệm giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu, doanh nghiệp cần thực hiện các biện pháp để giảm phát thải khí nhà kính, tích cực áp dụng các biện pháp để thu hồi năng lượng từ chất thải, sử dụng năng lượng tái tạo, sử dụng tiết kiệm năng lượng, tăng cường việc sản xuất và sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường… Cụ thể:

- Thực hiện quản lý khí thải để giảm thiểu phát thải khí nhà kính và không sử dụng các chất làm suy giảm tầng ozon. Những doanh nghiệp có nguồn phát thải khí công nghiệp lưu lượng lớn phải lắp đặt thiết bị quan trắc khí thải tự động, liên tục và phải có giấy phép xả thải do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp. Đồng thời, các doanh nghiệp có phát sinh khí thải trong quá trình hoạt động phải thực hiện các biện pháp giảm thiểu, thu gom, xử lý bụi, khí thải; bảo đảm không để rò rỉ, phát tán khí độc hại ra môi trường; hạn chế tiếng ồn, độ rung, phát sáng, phát nhiệt gây ảnh hưởng xấu đối với môi trường xung quanh và người lao động.

- Đẩy mạnh việc sản xuất và sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường; tiết kiệm năng lượng; thực hiện sản xuất sạch hơn; ưu tiên sử dụng các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; thu hồi năng lượng từ chất thải. Theo đó, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp có trách nhiệm xây dựng, thực hiện kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hằng năm; lồng ghép chương trình quản lý năng lượng với các chương trình quản lý chất lượng, chương trình sản xuất sạch hơn, chương trình bảo vệ môi trường của cơ sở.

Đồng thời, các doanh nghiệp này cũng phải lựa chọn áp dụng quy trình và mô hình quản lý sản xuất tiên tiến, biện pháp công nghệ phù hợp và thiết bị công nghệ có hiệu suất năng lượng cao; sử dụng các dạng năng lượng thay thế có hiệu quả cao hơn trong dây chuyền sản xuất; thực hiện quy trình vận hành, chế độ duy tu, bảo dưỡng phương tiện, thiết bị trong dây chuyền sản xuất để chống tổn thất năng lượng và loại bỏ dần phương tiện, thiết bị có công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng.

2.4. Trách nhiệm bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học và khôi phục môi trường sống tự nhiên

Môi trường sống đã bị biến đổi theo chiều hướng xấu do những tác động từ các hoạt động của con người, bao gồm cả hoạt động của các doanh nghiệp. Vì vậy, các doanh nghiệp cần thực hiện nhiều hành động để bảo vệ môi trường và khôi phục môi trường sống tự nhiên cũng như nhiều chức năng và dịch vụ khác mà hệ sinh thái cung cấp (như thức ăn và nước uống, điều hòa khí hậu, hình thành đất trồng và các cơ hội tái tạo)[4].

Để tạo cơ sở pháp lý cho các doanh nghiệp thực hiện những hành vi thiết thực nhằm bảo tồn đa dạng sinh học, sử dụng các tài nguyên thiên nhiên một cách bền vững, khắc phục ô nhiễm và suy thoái môi trường, tham gia các hoạt động phục hồi môi trường…, pháp luật môi trường đã điều chỉnh vấn đề này trong một số đạo luật cơ bản như: Luật Đa dạng sinh học 2008; Luật Bảo vệ môi trường 2014; Luật Lâm nghiệp 2017; Luật Thủy sản 2017 cùng nhiều văn bản hướng dẫn thi hành. Những nghĩa vụ chính mà các doanh nghiệp cần thực hiện bao gồm:

- Giữ gìn vệ sinh môi trường trong và sau quá trình hoạt động.

- Áp dụng các biện pháp kỹ thuật để phục hồi môi trường môi sinh sau quá trình hoạt động.

- Thực hiện các yêu cầu về bảo vệ các nguồn gen, các giống loài động thực vật và các hệ sinh thái khi tiến hành các hoạt động khai thác, vận chuyển, buôn bán và sử dụng các yếu tố của đa dạng sinh học.

- Thực hiện các nghĩa vụ tài chính như: Chi trả dịch vụ môi trường; chia sẻ lợi ích khi tiếp cận nguồn gen; ký quỹ phục hồi môi trường; chi trả chi phí phục hồi môi trường (trong trường hợp gây ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường)…

Với những phân tích nêu trên, có thể thấy, ở nước ta, trách nhiệm xã hội về môi trường của doanh nghiệp là vấn đề đã được điều chỉnh khá cụ thể tại nhiều văn bản pháp luật khác nhau trong hệ thống pháp luật môi trường. Đây là công cụ pháp lý hết sức quan trọng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm cũng như thể hiện vai trò của mình trong bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, các quy định pháp luật trong lĩnh vực này cũng cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp hơn với yêu cầu bảo vệ môi trường và khả năng, ý thức của các doanh nghiệp trên thực tiễn.

3. Một số giải pháp hoàn thiện pháp luật môi trường về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp

Để hoàn thiện các quy định pháp luật môi trường hiện hành về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, chúng tôi cho rằng cần thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:

3.1. Sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý chất thải trong hoạt động của doanh nghiệp

Quản lý chất thải là vấn đề quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường, không chỉ liên quan đến việc thực hiện trách nhiệm xã hội mà còn gắn liền với các lợi ích kinh tế của doanh nghiệp. Đây cũng là lĩnh vực mà các doanh nghiệp vi phạm nhiều nhất trên thực tế. Vì vậy, để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ quản lý chất thải một cách hiệu quả hơn, cần bổ sung một số quy định sau:

Thứ nhất, bổ sung quy định về trao đổi chất thải

Thực tiễn quản lý chất thải tại nhiều nước trên thế giới cũng đã cho thấy giá trị kinh tế và môi trường của việc trao đổi chất thải giữa các doanh nghiệp. Theo đó, chất thải của doanh nghiệp này có thể trở thành nguồn nguyên liệu cho một hoặc nhiều doanh nghiệp khác. Vì vậy, việc trao đổi chất thải giữa các nhóm doanh nghiệp này không chỉ giúp tiết kiệm chi phí sản xuất mà còn có giá trị không nhỏ trong việc ngăn ngừa ô nhiễm môi trường hay khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên. Với ý nghĩa đó, cần bổ sung quy định về việc trao đổi chất thải vào Luật Bảo vệ môi trường hiện hành nhằm tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động trao đổi chất thải giữa các doanh nghiệp, qua đó tận dụng tốt hơn những giá trị về kinh tế và môi trường của hoạt động này, đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp.

Thứ hai, quy định rõ về trách nhiệm phân loại chất thải của chủ nguồn thải

Hiện nay, trong nhóm quy định chung về quản lý chất thải của Luật Bảo vệ môi trường 2014, trách nhiệm phân loại chất thải chưa được quy định cụ thể cho chủ thể nào. Điều này gây không ít lúng túng cho các doanh nghiệp khi tiến hành các hoạt động liên quan đến quản lý chất thải. Đó là trách nhiệm của chủ nguồn thải, của chủ vận chuyển, xử lý chất thải hay là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước?

Về mặt khoa học cũng như thực tiễn quản lý chất thải, phân loại chất thải tại nguồn là giải pháp hiệu quả nhất cả về phương diện kinh tế lẫn môi trường. Song, nếu chỉ dừng lại ở yêu cầu chung là phải phân loại chất thải như quy định hiện hành thì không thể ràng buộc trách nhiệm của bất kỳ một chủ thể nào trong quy trình quản lý chất thải. Sẽ khả thi hơn khi quy định rõ trách nhiệm phân loại chất thải này trước hết cho chủ nguồn thải, sau đó là cho các chủ thể có liên quan (chủ vận chuyển chất thải hay chủ xử lý chất thải) trong trường hợp chủ nguồn thải vì lý do nào đó chưa thực hiện nghĩa vụ này.

3.2. Ban hành các quy định cụ thể về phát triển công nghiệp môi trường.

Các quy định này sẽ tạo cơ sở pháp lý thống nhất cho các doanh nghiệp thực hiện sản xuất công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường, thực hiện tốt nhất trách nhiệm xã hội về môi trường của doanh nghiệp. Nhóm quy định này cần đề cập đến các vấn đề cơ bản như:

- Cơ chế khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để mọi loại hình doanh nghiệp tham gia phát triển công nghiệp môi trường.

- Các quy định về cơ chế đảm bảo phát triển công nghiệp môi trường hài hòa các lĩnh vực: Sản xuất, chế tạo thiết bị bảo vệ môi trường; xử lý, tái chế chất thải và nghiên cứu phát triển công nghệ phục vụ yêu cầu bảo vệ môi trường.

- Quy định về thiết bị, sản phẩm công nghiệp môi trường, đặc biệt là các thiết bị, sản phẩm công nghiệp môi trường được ưu tiên phát triển như: danh mục thiết bị sản phẩm công nghiệp môi trường; các yêu cầu đặt ra đối với thiết bị, sản phẩm công nghiệp môi trường...

- Quy định về phát triển dịch vụ môi trường, bao gồm các dịch vụ, như: Thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải; Quan trắc, phân tích môi trường, đánh giá tác động môi trường; Phát triển, chuyển giao công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường, công nghệ môi trường; Tư vấn, đào tạo, cung cấp thông tin về môi trường; Giám định về môi trường đối với hàng hóa, máy móc, thiết bị, công nghệ; Giám định thiệt hại về môi trường; giám định sức khỏe môi trường.

3.3. Cụ thể hóa các quy định về ưu đãi, hỗ trợ cho doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường.

Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định 19/2015/NĐ-CP và Nghị định số 40/2019/NĐ-CP đã có quy định về các ưu đãi hỗ trợ cho bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, đó mới chỉ là các quy định chung. Để đảm bảo khuyến khích các doanh nghiệp tích cực và chủ động tham gia đầu tư, phát triển trong các lĩnh vực bảo vệ môi trường, những ưu đãi hỗ trợ cho bảo vệ môi trường cần quy định cụ thể các vấn đề: Nguyên tắc ưu đãi, hỗ trợ; Các hình thức, mức độ ưu đãi (ưu đãi về thuế; ưu đãi về huy động vốn; ưu đãi tiền thuê đất); Các mức hỗ trợ nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ bảo vệ môi trường...

Ngoài ra, riêng đối với sản xuất sạch hơn, cần sớm ban hành quy định cụ thể về chính sách và cơ chế của Nhà nước về khuyến khích sản xuất sạch hơn. Vấn đề này cần được thực hiện theo hướng khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn; khuyến khích các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và hợp tác quốc tế để phát triển sản xuất sạch hơn; tổ chức thông tin tuyên truyền để nâng cao nhận thức về sản xuất sạch hơn cho doanh nghiệp. Cùng với các chính sách đó, cơ chế khuyến khích tài chính, cơ chế khuyến khích về khoa học công nghệ… cũng cần được xác lập cụ thể.

3.4. Ban hành các quy định về khuyến khích sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường

Sản phẩm thân thiện với môi trường là sản phẩm đáp ứng các tiêu chí nhãn sinh thái và được chứng nhận nhãn sinh thái. Như vậy, khi người tiêu dùng lựa chọn những sản phẩm thân thiện với môi trường sẽ làm giảm những tác động tiêu cực tới môi trường gây ra từ quá trình sản xuất và tiêu dùng. Nói cách khác, việc sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường (tiêu dùng xanh) sẽ gián tiếp thúc đẩy sản xuất thân thiện với môi trường (sản xuất xanh). Đây cũng là giải pháp hữu hiệu cho việc giảm thiểu nguy cơ biến đổi khí hậu.

Vì vậy, để thúc đẩy sản xuất xanh, cần sớm ban hành các quy định cụ thể điều chỉnh lĩnh vực này như: các quy định về trách nhiệm của Nhà nước, của các doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thân thiện với môi trường; những ưu đãi hỗ trợ về tài chính, về đất đai hay hỗ trợ tiêu thụ, quảng bá sản phẩm… Các quy định này được ban hành sẽ tạo cơ sở pháp lý và khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường, qua đó thực hiện tốt hơn trách nhiệm xã hội về môi trường.

4. Kết luận

Đảm bảo thực hiện tốt trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là yêu cầu cơ bản và quyết định không nhỏ hiệu quả của công tác quản lý môi trường. Song, để làm được điều đó, rất cần xây dựng một hệ thống pháp luật môi trường đồng bộ và phù hợp với thực tiễn. Mặc dù đã có những thay đổi tích cực, song trong thời gian tới, pháp luật môi trường Việt Nam vẫn cần tiếp tục hoàn thiện nhằm thực hiện tốt hơn vai trò của mình trong việc hướng dẫn, ràng buộc và khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội trong quá trình khai thác, sử dụng và tác động đến môi trường.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1] Theo bộ tiêu chuẩn quốc tế ISO 26 000

[2] Intergovernmental Panel on Climate Change, Fourth Assessment Report; Climate Change 2007:
Synthesis Report (Summary for Policymakers). 2007

[3] Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, Một số điều cần biết về biến đổi khí hậu, Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội 2009

[4] Millennium Ecosystem Assessment 2005; and United Nations Environment Programme,Global Environment Outlook. 2007

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Khoa học và Công nghệ (2013), Tiêu chuẩn quốc gia: TCVN ISO 26000:2013 Hướng dẫn về trách nhiệm xã hội, Hà Nội.
  2. Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (2009), Một số điều cần biết về biến đổi khí hậu, Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội.
  3. International Standard ISO 26000, Guiden on Social Responsibility.
  4. Intergovernmental Panel on Climate Change (2007), Fourth Assessment Report. Climate Change 2007: Synthesis Report (Summary for Policymakers).
  5. Millennium Ecosystem Assessment 2005 and United Nations Environment Programme (2007), Global Environment Outlook.

Vietnamese law for governing the corporate social responsibilities of enterprises for environment protection

Master. Tran Anh Tan

Ministry of Industry and Trade

Assoc.Prof. Ph.D Vu Thi Duyen Thuy

Hanoi Law University

 ABSTRACT:

It is important for enterprises to fulfill their corporate social responsibilities to meet the demands of sustainable development. This article analyzes the basic content of corporate social responsibility from the perspective of Vietnam's environmental laws and proposes some solutions to improve regulations on this issue to create more favorable conditions for enterprises to carry out their corporate social responsibility for environment protection.

Keywords: Social responsibility, environment, enterprises.