Pháp luật về chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm nhân thọ

ThS. ĐỖ THỊ QUỲNH TRANG (Khoa Luật Kinh tế - Đại học Luật Huế)

TÓM TẮT:

Cuộc sống của con người nhiều khó khăn và rủi ro không tránh được, như ốm đau, bệnh tật, tai nạn, thất nghiệp… Khi đó, một trong những điều cần thiết là có tài chính để giúp họ chủ động vượt qua và dễ dàng đứng lên để đi tiếp. Bảo hiểm nhân thọ là giải pháp chuyển giao rủi ro khi người được bảo hiểm sống lâu hoặc qua đời sớm. Là một giải pháp tài chính tích lũy cho tương lai, nên thời gian đóng phí bảo hiểm thường dài, chính vì thế trong một số trường hợp, bên mua bảo hiểm sẽ không đảm bảo được khả năng đóng phí tại những thời điểm nhất định. Vì thế, quy định về việc chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm là rất cần thiết và quan trọng để giải quyết vấn đề. Bài viết phân tích nội dung pháp luật về chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.

Từ khóa: bảo hiểm nhân thọ, chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.

1. Đặt vấn đề

Bảo hiểm nhân thọ (BHNT) đóng vai trò như tấm lá chắn trước mọi rủi ro bất ngờ trong cuộc sống, vừa là một hình thức chuyển giao rủi ro, vừa là một hình thức đầu tư tài chính hiệu quả trong nền kinh tế thị trường. Đây là một loại hợp đồng bảo hiểm trong đó doanh nghiệp bảo hiểm cam kết chi trả một khoản tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng nếu chẳng may người được bảo hiểm gặp phải các rủi ro liên quan đến sức khỏe, thân thể, tính mạng với điều kiện bên mua bảo hiểm đóng phí định kỳ đầy đủ theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm. Nền kinh tế phát triển, thu nhập của người dân tăng lên là điều kiện cho BHNT phát triển.

Số liệu thống kê ước tính của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, đến hết tháng 6/2020, tổng số hợp đồng khai thác mới của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ là 1.367.489 hợp đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước; số lượng hợp đồng có hiệu lực đến cuối kỳ là 12.032.944 tăng 19,7%. Tổng doanh thu phí bảo hiểm của khối nhân thọ đạt 55.953 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với việc tăng về số hợp đồng khai thác mới và doanh thu phí bảo hiểm, phí bảo hiểm khai thác mới của khối nhân thọ tính đến tháng 6 tăng 12,5%, đạt 17.304 tỷ đồng.[1]

Thị trường bảo hiểm Việt Nam được dự báo tiếp tục giữ vững “phong độ” tăng trưởng trên 20% trong năm 2020. Xét trong ngắn hạn, khảo sát các doanh nghiệp bảo hiểm do Vietnam Report thực hiện tháng 6/2020 chỉ ra có đến 90,5% số doanh nghiệp lạc quan về triển vọng toàn ngành Bảo hiểm trong 6 tháng cuối năm 2020[2].

Để thị trường BHNT ngày càng phát triển, hành lang pháp lý điều chỉnh về BHNT nói chung và hợp đồng BHNT phải khắc phục nhanh chóng những điểm còn hạn chế. Hiện nay, quy định pháp luật về hợp đồng BHNT tồn tại rất nhiều quy định không còn phù hợp với thực tiễn tại Việt Nam và xu thế phát triển chung của thế giới trong đó có các quy định về chuyển nhượng hợp đồng BHNT. Điều này vừa là rào cản cho sự phát triển của thị trường BHNT, vừa không bảo đảm được quyền lợi chính đáng của bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm và người thụ hưởng.

2. Quy định pháp luật về chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm nhân thọ

Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000, sửa đổi bổ sung 2010, 2019 (Luật KDBH)  quy định: Hợp đồng bảo hiểm là sự thỏa thuận giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm, theo đó bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm[3].

Bên mua bảo hiểm là tổ chức, cá nhân giao kết hợp đồng bảo hiểm với doanh nghiệp bảo hiểm và đóng phí bảo hiểm. Bên mua bảo hiểm có thể đồng thời là người thụ hưởng.[4] Như vậy, trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ: “Bên mua bảo hiểm là người chủ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và cũng là người đóng phí bảo hiểm hợp pháp. Người này có thể là cá nhân hoặc tổ chức bất kỳ, nhưng các chủ thể này phải có đầy đủ năng lực chủ thể (năng lực hành vi dân sự và năng lực pháp luật dân sự và có mối quan hệ nhất định đối với đối tượng được bảo hiểm). Ngoài ra, họ còn phải có quyền lợi có thể bảo hiểm từ người được bảo hiểm”. Quyền lợi có thể được bảo hiểm là quyền sở hữu, quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền tài sản; quyền, nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng đối với đối tượng được bảo hiểm.[5] Theo quy định tại Khoản 2 Điều 31 Luật KDBH quy định những người mà bên mua bảo hiểm có quyền lợi có thể được bảo hiểm, theo đó, bên mua bảo hiểm chỉ có thể mua cho những người sau: Bản thân bên mua bảo hiểm; Vợ, chồng, con, cha, mẹ của bên mua bảo hiểm; Anh, chị, em ruột; Người có quan hệ nuôi dưỡng và cấp dưỡng; Người khác, nếu bên mua bảo hiểm có quyền lợi có thể được bảo hiểm.[6]

Bản chất của việc chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm là việc một chủ thể khác sẽ thay thế vị trí pháp lý (kế thừa quyền và nghĩa vụ) của bên mua bảo hiểm trong hợp đồng, theo đó, người nhận chuyển nhượng sẽ trở thành bên mua bảo hiểm mới để tiếp tục duy trì hợp đồng và hưởng các quyền lợi khác (nếu có) theo hợp đồng.

Luật KDBH quy định tại điểm đ khoản 1 điều 18 chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm là quyền của bên mua bảo hiểm. Đồng thời, điều 26 Luật này cũng quy định về điều kiện chuyển nhượng và hiệu lực pháp lý của việc chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm như sau: “1. Bên mua bảo hiểm có thể chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm. 2. Việc chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm chỉ có hiệu lực trong trường hợp bên mua bảo hiểm thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp bảo hiểm về việc chuyển nhượng và doanh nghiệp bảo hiểm có văn bản chấp thuận việc chuyển nhượng đó, trừ trường hợp việc chuyển nhượng được thực hiện theo tập quán quốc tế.”

Như vậy, quy định về việc chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm gồm các nội dung quan trọng sau đây:

Thứ nhất, chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm là quyền của bên mua bảo hiểm.

Thứ hai, nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm khi muốn chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm là thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp bảo hiểm.

Thứ ba, hợp đồng bảo hiểm có được chuyển nhượng hay không phụ thuộc vào quyết định của công ty bảo hiểm.

Tuy nhiên, các quy định này áp dụng chung cho tất cả các loại hợp đồng bảo hiểm mà lại chưa có quy định riêng cho hợp đồng BHNT - là loại nghiệp vụ bảo hiểm cho trường hợp người được bảo hiểm sống hoặc chết[7]. Vì vậy, pháp luật cần có những quy định riêng để điều chỉnh các vấn đề liên quan đến hợp đồng BHNT.

Một là, về mặt lý luận, việc thay đổi bên mua bảo hiểm luôn phải đảm bảo nguyên tắc không làm ảnh hưởng đến hiệu lực pháp lý của hợp đồng bảo hiểm. Nói cách khác, bên nhận chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm cũng phải thỏa mãn đầy đủ điều kiện của bên mua bảo hiểm. Tuy nhiên, pháp luật lại chưa đề cập đến điều kiện của bên nhận chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm. Trong trường hợp bên nhận chuyển nhượng có thể không có quyền lợi có thể được bảo hiểm[8], nhưng họ là người thân của người được bảo hiểm (cô, dì, chú bác, ông, bà...), có điều kiện kinh tế để tiếp tục thực hiện hợp đồng BHNT và người thụ hưởng là do người được bảo hiểm lựa chọn thì vẫn đảm bảo được ý nghĩa của BHNT.

Hai là, trong hợp đồng bảo hiểm con người, đối với trường hợp bên mua giao kết hợp đồng BHNT cho người khác thì việc chuyển nhượng chỉ đề cập đến quyền của bên mua bảo hiểm là chưa đầy đủ, vì đối tượng được bảo hiểm là sức khỏe và tính mạng của một người khác. Vậy, khi chuyển nhượng hợp đồng nói trên, có cần sự đồng ý của người được bảo hiểm để hạn chế hành vi trục lợi bảo hiểm hay không?

Ba là, quy định này nhằm bảo vệ người mua bảo hiểm trước khả năng không thể tiếp tục đóng phí bảo hiểm, tránh mất phần phí đã đóng, hoặc dẫn tới mất hiệu lực hợp đồng, do vậy việc trao quyền cho công ty bảo hiểm cũng chưa hợp lý. Quy định này có thể dẫn tới trường hợp, DNBH không đồng ý việc chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm dù người nhận chuyển nhượng đáp ứng đủ những điều kiện. Lúc này, người mua một mặt không đủ khả năng tiếp tục đóng phí, mặt khác không thể chuyển nhượng cho một người khác, gây ảnh hưởng đến lợi ích của các bên. Nếu sau cùng, bên mua bảo hiểm lựa chọn hủy bỏ hợp đồng, họ chỉ được nhận giá trị hoàn lại sau khi đã trừ đi các chi phí (thường thấp hơn phí đã đóng, trong 02 năm đầu giá trị này bằng 0). Như vậy, kết quả này sẽ làm mất đi ý nghĩa của BHNT là tích lũy, tiết kiệm đầu tư cho tương lai.

Như vậy, quy định chung về việc chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm là chưa phù hợp với loại hợp đồng BHNT khi chỉ dừng lại ở việc ghi nhận quyền chuyển nhượng cho bên thứ ba của bên mua bảo hiểm với điều kiện được sự chấp thuận bằng văn bản của DNBH. Trong khi đó, một loạt các vấn đề quan trọng khác chưa được đề cập đến, chẳng hạn: điều kiện chuyển nhượng, thủ tục chuyển nhượng, quyền hạn và trách nhiệm của các bên trong quan hệ chuyển nhượng, hậu quả pháp lý của việc chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm.

3. Một số đề xuất hoàn thiện quy định pháp luật về chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm nhân thọ

Nhằm hoàn thiện các quy định về chuyển nhượng hợp đồng BHNT, hướng tới hoàn thiện pháp luật về hợp đồng BHNT nói chung, cần có những sự thay đổi các quy định hiện hành. Vì hợp đồng BHNT có đối tượng bảo hiểm đặc biệt, nên pháp luật cần có những quy định riêng về việc chuyển nhượng hợp đồng, nhằm đảm bảo tốt nhất quyền lợi của các bên. Các hướng sửa đổi chính cần được thực hiện bao gồm:

Thứ nhất, quy định cụ thể về điều kiện nhận chuyển nhượng hợp đồng BHNT. Bên nhận chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm phải đảm bảo các điều kiện như bên mua bảo hiểm. Trong trường hợp bên nhận chuyển nhượng không có quyền lợi được bảo hiểm, nhưng là người thân của người được bảo hiểm thì việc chuyển nhượng phải được sự đồng ý của người được bảo hiểm, và người thụ hưởng phải do người được bảo hiểm chỉ định. Bên cạnh đó, những người thân nào có thể nhận chuyển nhượng trong trường hợp trên cũng cần được quy định cụ thể.

Thứ hai, đối với hợp đồng bảo hiểm được bên mua bảo hiểm giao kết cho người khác, việc chuyển nhượng cần có sự đồng ý của người được bảo hiểm.

Thứ ba, cần có quy định cụ thể - nếu trường hợp người nhận chuyển nhượng đáp ứng đầy đủ các quy định của pháp luật thì hợp đồng BHNT sẽ được chuyển nhượng theo trình tự, thủ tục quy định mà không cần sự đồng ý của DNBT. Bên mua bảo hiểm có trách nhiệm thông báo cho DNBH để có những điều chỉnh hợp đồng. Nếu DNBH có căn cứ cho rằng bên nhận chuyển nhượng không đủ điều kiện, tư cách để nhận chuyển nhượng thì mới có thể từ chối việc chuyển nhượng. Ngoài ra, pháp luật cần quy định cụ thể về trình tự, thủ tục để chuyển nhượng hợp đồng BHNT, tránh trường hợp không thống nhất giữa các doanh nghiệp bảo hiểm.

Tóm lại, việc thay đổi các quy định về chuyển nhượng hợp đồng BHNT phân tích ở trên sẽ đảm bảo được ý nghĩa của việc tham gia BHNT với người mua bảo hiểm, người được bảo hiểm và người thụ hưởng, khi mà người mua bảo hiểm không còn đủ khả năng tiếp tục duy trì hợp đồng. Từ đó, quyền và lợi ích của các bên khi tham gia BHNT sẽ được bảo đảm tối đa, tránh tình trạng hợp đồng mất hiệu lực, hoặc các bên hủy hợp đồng trước hạn.

 

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN VÀ THAM KHẢO:

[1]https://www.mof.gov.vn/webcenter/portal/ttncdtbh/r/m/dtttbh/dtttbh_chitiet?dDocName=MOFUCM180750&_afrLoop=2012389774730179#%40%3F_afrLoop%3D20123897

74730179%26dDocName%3DMOFUCM180750%26_adf.ctrlstate%3D124fcytvuc_9.

[2] Q. Hưng (2020). Năm 2020, thị trường bảo hiểm dự báo tăng trưởng trên 20%. https://baodautu.vn/nam-2020-thi-truong-bao-hiem-du-bao-tang-truong-tren-20-d125826.html

[3] Quốc hội (2020). Điều 12 Luật Kinh doanh Bảo hiểm năm 2000

[4] Quốc hội (2020). Khoản 6 Điều 3 Luật Kinh doanh Bảo hiểm năm 2000

[5] Quốc hội (2020). Khoản 9 Điều Luật Kinh doanh Bảo hiểm năm 2000

[6] Quốc hội (2020). Xem thêm: Khoản 2 Điều 31 Luật Kinh doanh Bảo hiểm năm 2000

[7] Quốc hội (2020). Điều 3 Luật Kinh doanh bảo hiểm

[8] Quốc hội (2020). Khoản 9 Điều 2 Luật Kinh doanh Bảo hiểm năm 2000: “Quyền lợi có thể được bảo hiểm là quyền sở hữu, quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền tài sản; quyền, nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng đối với đối tượng được bảo hiểm”

 

REGULATIONS ON THE ASSIGNMENT OF LIFE INSURANCE CONTRACT

Master. DO THI QUYNH TRANG

Faculty of Economic Law - Hue University

ABSTRACT:

People may have to face with unavoidable challenges and risks as illness, accident and unemployment during their life. Under those circumstances, it is essential to have a financial pillar to overcome and life insurance is considered a solution for transferring risks. Life insurance is also viewed as a sustainable financial solution for the future of insured person. However, the payment period of insurance premium is usually long and in some cases, the insured maybe unable to pay the insurance premium on time. Therefore, it is important to complete regulations on the assignment of life insurance contract to solve this problem.

Keywords: life insurance, assignment of life insurance contract.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, 

Số 9, tháng 4 năm 2021]