Chuyển giao hợp đồng bảo hiểm theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm - Một số hạn chế và kiến nghị hoàn thiện

ThS. NGUYỄN THỊ THU HIỀN (Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh)

Tóm tắt:

Bên cạnh những ưu điểm, Luật Kinh doanh bảo hiểm vẫn còn những hạn chế nhất định. Một trong những hạn chế đó là quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm về chuyển giao hợp đồng bảo hiểm còn rất chung chung, chưa rõ ràng dẫn đến nhiều khó khăn, lúng túng cho doanh nghiệp bảo hiểm, cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm và người mua bảo hiểm trong việc áp dụng các quy định này vào thực tiễn. Do đó, vai trò của chuyển giao hợp đồng bảo hiểm không được phát huy, quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp bảo hiểm và khách hàng không được bảo đảm. Xuất phát từ thực tiễn này, bài viết tập trung vào các nội dung sau đây: i) phân tích, làm rõ thế nào là chuyển giao hợp đồng bảo hiểm và vai trò của chuyển giao hợp đồng bảo hiểm; ii) chỉ ra những hạn chế của Luật Kinh doanh bảo hiểm về chuyển giao hợp đồng bảo hiểm; iii) đề xuất một số kiến nghị nhằm hoàn thiện quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm về chuyển giao hợp đồng bảo hiểm.

Từ khóa: Chuyển giao hợp đồng bảo hiểm, Luật Kinh doanh bảo hiểm.

Đặt vấn đề

Hoạt động kinh doanh bảo hiểm tại Việt Nam chịu sự điều chỉnh của pháp luật kinh doanh bảo hiểm. Trong đó, văn bản quan trọng nhất là Luật Kinh doanh bảo hiểm số 24/2000/QH10 được Quốc hội thông qua ngày 9/12/2000 có hiệu lực từ ngày 01/4/2001, và các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm vào các năm 2010 và 2019. Luật Kinh doanh bảo hiểm số 24/2000/QH10 cùng các Luật sửa đổi, bổ sung (sau đây gọi là Luật Kinh doanh bảo hiểm) và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành đã tạo nên một khung pháp lý tương đối hoàn chỉnh đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm, tạo điều kiện cho thị trường bảo hiểm từng bước phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu về bảo hiểm của nền kinh tế.

1. Khái quát về chuyển giao hợp đồng bảo hiểm và vai trò của chuyển giao hợp đồng bảo hiểm

Hợp đồng bảo hiểm (HĐBH), trước hết là một hợp đồng dân sự, chịu sự điều chỉnh của pháp luật dân sự. Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự 2015, (BLDS 2015), hiện không quy định về khái niệm HĐBH như BLDS 2005 trước đây.[1] Thay vào đó, khái niệm HĐBH được quy định trong Luật Kinh doanh bảo hiểm như sau: “Hợp đồng bảo hiểm là sự thỏa thuận giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm, theo đó bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm”.[2]

HĐBH được nhận diện và phân biệt với các loại hợp đồng khác ở các đặc trưng sau:

Thứ nhất, chủ thể của HĐBH bao gồm DNBH và người mua bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) là doanh nghiệp được thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm và các quy định khác của pháp luật có liên quan để kinh doanh bảo hiểm, tái bảo hiểm.[3] Xuất phát từ bản chất của quan hệ bảo hiểm chính là sự chuyển giao rủi ro từ chủ thể này sang chủ thể khác nên rủi ro là tiền đề, là cơ sở của kinh doanh bảo hiểm.[4] Nhưng rủi ro là những điều xảy ra trong tương lai, là cái không định lượng được ở thời điểm ký kết HĐBH. Các DNBH khi ký kết và thực hiện HĐBH chính là tiến hành huy động nguồn vốn nhàn rỗi từ công chúng dưới hình thức thu phí bảo hiểm, sau đó DNBH sẽ tiến hành hoạt động đầu tư nhằm mục đích sinh lợi song song với việc đảm bảo thực hiện nghĩa vụ bồi thường cho người mua bảo hiểm khi rủi ro được bảo hiểm xảy ra trên thực tế. Theo đó, hoạt động kinh doanh bảo hiểm có nguy cơ rủi ro cao hơn so với việc kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thông thường khác. Do vậy, Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định DNBH phải thỏa mãn các điều kiện cụ thể về vốn pháp định, có phương án kinh doanh khả thi, có bộ máy quản trị và người điều hành doanh nghiệp có đủ năng lực và trình độ chuyên môn về bảo hiểm,[5]… Những quy định này bảo đảm cho DNBH có thể tiến hành hoạt động kinh doanh một cách thuận lợi, an toàn, hạn chế nguy cơ đổ vỡ. Bên mua bảo hiểm là tổ chức, cá nhân có đủ năng lực chủ thể để tham gia giao kết HĐBH với DNBH và có nghĩa vụ đóng phí bảo hiểm. Phí bảo hiểm là khoản tiền mà bên mua bảo hiểm phải đóng cho DNBH theo thời hạn và phương thức do các bên thỏa thuận trong HĐBH.[6] Phí bảo hiểm được xem là khoản tiền bắt buộc mà người mua bảo hiểm phải nộp, là cơ sở cho DNBH tạo lập quỹ bảo hiểm để thực hiện nghĩa vụ bồi thường hay chi trả bảo hiểm.

Thứ hai, nội dung của HĐBH là những điều khoản quy định về quyền và nghĩa vụ của DNBH và các bên tham gia bảo hiểm. Thông thường, nội dung của một HĐBH bao gồm: điều khoản về thông tin của DNBH, bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm hoặc người thụ hưởng; điều khoản về đối tượng bảo hiểm, số tiền bảo hiểm; điều khoản về phạm vi bảo hiểm, điều kiện bảo hiểm; điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm; điều khoản về mức phí bảo hiểm, phương thức đóng phí bảo hiểm; điều khoản về thời hạn, phương thức trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường; các quy định về giải quyết tranh chấp phát sinh nếu có.[7]

Thứ ba, HĐBH phải được lập thành văn bản.[8] Một HĐBH có thể bao gồm nhiều loại tài liệu khác nhau như: giấy/đơn yêu cầu bảo hiểm, quy tắc bảo hiểm, điều khoản bổ sung, phụ lục hợp đồng, giấy/đơn chứng nhận bảo hiểm. Do tính chất phức tạp của nghiệp vụ bảo hiểm, các HĐBH phải được lập thành văn bản để minh thị rõ ràng quyền và nghĩa vụ của các bên, là cơ sở cho việc thực hiện hợp đồng cũng như là căn cứ để giải quyết tranh chấp phát sinh giữa các bên nếu có.

HĐBH được thiết lập giữa DNBH và người mua bảo hiểm là sự cụ thể hóa mong muốn từ phía người mua bảo hiểm, được DNBH chi trả, bồi thường tài chính khi rủi ro phát sinh; ngược lại, từ phía DNBH là một chủ thể kinh doanh, mục tiêu hàng đầu của DNBH là lợi nhuận thông qua hoạt động đầu tư từ nguồn vốn là phí bảo hiểm. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh của DNBH chịu sự tác động của rất nhiều yếu tố khác nhau như diễn biến thị trường trong và ngoài nước, tình hình tài chính, nhân sự của doanh nghiệp,… Theo đó, DNBH có thể gặp phải những khó khăn dẫn đến không thể tiếp tục thực hiện các HĐBH đã ký kết, hoặc việc tiếp tục thực hiện HĐBH đã ký kết sẽ không làm DNBH đạt được mục tiêu lợi nhuận như kỳ vọng. Lúc này, chuyển giao HĐBH là một biện pháp nhằm giúp tháo gỡ khó khăn cho DNBH. Vậy chuyển giao HĐBH là gì?

Như đã trình bày ở trên, HĐBH chịu sự điều chỉnh của BLDS 2015, Luật Kinh doanh bảo hiểm và các văn bản hướng dẫn thi hành. Tuy nhiên, các văn bản luật này đều không có quy định về khái niệm chuyển giao HĐBH. Do bản chất của HĐBH là hợp đồng dân sự nên để làm rõ thế nào là chuyển giao HĐBH, chúng ta có thể xuất phát từ việc làm rõ thế nào là chuyển giao hợp đồng dân sự. Theo Điều 12:201 Bộ nguyên tắc châu Âu về hợp đồng, “chuyển giao hợp đồng là việc một bên của hợp đồng có thể thỏa thuận với bên thứ ba để bên thứ ba thay thế mình trong hợp đồng và rút khỏi hợp đồng này”. Theo Bộ nguyên tắc Unidroit về hợp đồng thương mại quốc tế năm 2004, chuyển giao hợp đồng là việc một người (“người chuyển giao hợp đồng”) chuyển giao theo thỏa thuận cho một người khác (“người thế hợp đồng”) các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ một hợp đồng của mình với một người khác (“bên kia”)[9]. Theo từ điển Law Insider, chuyển giao HĐBH là một giao dịch theo đó DNBH chuyển giao, chuyển giao một hoặc nhiều HĐBH cùng với tất cả quỹ dự phòng nghiệp vụ và nghĩa vụ liên quan đến hợp đồng cho một DNBH nhận chuyển giao, do đó, quyền lợi của người tham gia bảo hiểm bị ảnh hưởng trực tiếp.[10] Xem xét những khái niệm này về chuyển giao hợp đồng nói chung và chuyển giao HĐBH nói riêng, có thể đưa ra một khái niệm về chuyển giao HĐBH như sau: “Chuyển giao HĐBH là việc một DNBH (bên chuyển giao) chuyển tiếp toàn bộ quyền và nghĩa vụ của mình trong HĐBH đã được ký kết với người mua bảo hiểm cho một DNBH khác (DNBH nhận chuyển giao) và rút ra khỏi HĐBH”.

Một cách cụ thể hơn, chuyển giao HĐBH được nhận diện bởi hai đặc trưng: Một là, về chủ thể, chuyển giao HĐBH là sự thay đổi DNBH trong HĐBH. Thông thường, HĐBH được giao kết khi phù hợp với hoạt động kinh doanh và mục tiêu lợi nhuận của DNBH. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện HĐBH, DNBH có thể rơi vào tình huống DNBH không đáp ứng được điều kiện, phương tiện, năng lực tài chính,… để tiếp tục hoàn thành các nghĩa vụ đã giao kết với người mua bảo hiểm. Khi đó, chuyển giao HĐBH sẽ giúp DNBH rút ra khỏi HĐBH, giải phóng hoàn toàn khỏi các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ HĐBH; một DNBH khác là doanh nghiệp nhận chuyển giao sẽ tiếp tục thực hiện các quyền và nghĩa vụ đã xác lập giữa DNBH chuyển giao và bên còn lại trong hợp đồng, tức người mua bảo hiểm. Như vậy, chuyển giao HĐBH chỉ dẫn đến hệ quả pháp lý là thay đổi DNBH - bên bán bảo hiểm trong HĐBH, còn toàn bộ nội dung của HĐBH là quyền và nghĩa vụ mà các bên đã thống nhất ban đầu vẫn phải đảm bảo được giữ nguyên. Hai là, đối tượng được chuyển giao là các quyền và nghĩa vụ của DNBH đã được các bên thỏa thuận, ghi nhận trong HĐBH, ví dụ như quyền thu phí bảo hiểm đầy đủ theo đúng thời hạn và phương thức đã thỏa thuận trong HĐBH; nghĩa vụ bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm,…

Với các đặc trưng nêu trên, chuyển giao HĐBH có vai trò rất quan trọng đối với cả DNBH và người tham gia bảo hiểm. Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường ngày càng phát triển, yêu cầu cạnh tranh ngày càng gay gắt, DNBH có thể phải đối mặt với việc phải tổ chức lại hoạt động, bị thu mua hoặc thậm chí bị đào thải khỏi thị trường. Những biến động trong nội bộ của DNBH như vậy sẽ ảnh huởng rất lớn đến việc thực hiện các HĐBH mà DNBH đã ký kết. Bởi lẽ, khác với các doanh nghiệp hoạt động trong một số lĩnh vực, chu kỳ kinh doanh của DNBH mang tính chất đảo ngược, doanh thu có trước và nghĩa vụ chi trả bảo hiểm phát sinh sau. Trong nhiều trường hợp, việc tiếp tục thực hiện HĐBH chẳng những không mang lại lợi nhuận mong muốn cho DNBH, còn khiến DNBH tăng thêm những gánh nặng về tài chính. Vì vậy, nhiều DNBH mong muốn được giải phóng mình khỏi quan hệ hợp đồng thông qua hình thức đơn phương chấm dứt HĐBH hoặc chuyển giao HĐBH. Tuy nhiên, việc đơn phương chấm dứt hợp đồng dẫn tới hậu quả là bên đơn phương chấm dứt phải bồi thường thiệt hại[11], nên biện pháp này sẽ tốn kém và ít được sử dụng hơn chuyển giao hợp đồng. Khi đó, chuyển giao hợp đồng đóng vai trò một biện pháp giúp DNBH giải phóng khỏi những gánh nặng về tài chính vì được rút khỏi quan hệ hợp đồng, không phải chi trả thêm chi phí bồi thường thiệt hại và là hình thức giúp đa dạng nghiệp vụ kinh doanh của DNBH.[12] Đối với DNBH nhận chuyển giao, việc tiếp nhận các HĐBH từ DNBH chuyển giao giúp doanh nghiệp này một mặt tăng thêm khách hàng, mặt khác lại tiết kiệm được nhiều thời gian và chi phí cho việc từ tìm kiếm khách hàng đến đàm phán, soạn thảo và ký kết một HĐBH. Đồng thời, DNBH nhận chuyển giao cũng được tiếp nhận toàn bộ các quỹ và dự phòng nghiệp vụ liên quan đến toàn bộ HĐBH được chuyển giao là nguồn vốn quan trọng giúp DNBH nhận chuyển giao thực hiện hoạt động đầu tư, gia tăng lợi nhuận. [13]

Đối với người mua bảo hiểm, việc chuyển giao HĐBH là biện pháp bảo đảm quyền lợi cho họ khi DNBH rơi vào tình huống khó khăn có thể phải dừng việc thực hiện HĐBH đã ký kết. Bởi nội dung quan trọng nhất khi chuyển giao HĐBH là DNBH nhận chuyển giao phải kế thừa toàn bộ các quyền và nghĩa vụ của DNBH chuyển giao như đã thỏa thuận từ đầu với bên mua bảo hiểm khi giao kết HĐBH. Điều này đảm bảo rằng, người mua bảo hiểm vẫn đạt được mục đích của mình khi tham gia bảo hiểm là được chi trả, bồi thường khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.

Tóm lại, chuyển giao HĐBH là một phương thức hiệu quả để giải quyết vấn đề về tài chính của DNBH và là cơ chế đảm bảo việc bồi thường bảo hiểm, bảo vệ người mua bảo hiểm khi rủi ro xảy ra. Đồng thời, chuyển giao HĐBH góp phần làm giảm số lượng tranh chấp phát sinh khi chấm dứt hợp đồng, bởi lẽ “các quyền và nghĩa vụ không bị chấm dứt, mà được chuyển từ bên chuyển giao sang bên nhận chuyển giao”[14].

2. Những hạn chế của luật kinh doanh bảo hiểm về chuyển giao hợp đồng bảo hiểm và một số kiến nghị

2.1. Về các trường hợp chuyển giao hợp đồng bảo hiểm

Điều 74 Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định:

“1. Việc chuyển giao toàn bộ hợp đồng bảo hiểm của một hoặc một số nghiệp vụ bảo hiểm giữa các doanh nghiệp bảo hiểm được thực hiện trong những trường hợp sau đây: a) Doanh nghiệp bảo hiểm có nguy cơ mất khả năng thanh toán; b) Doanh nghiệp bảo hiểm chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, giải thể; c) Theo thỏa thuận giữa các doanh nghiệp bảo hiểm.

  1. Trong trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm có nguy cơ mất khả năng thanh toán, giải thể mà không thỏa thuận được việc chuyển giao hợp đồng bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm khác thì Bộ Tài chính chỉ định doanh nghiệp bảo hiểm nhận chuyển giao”.

Qua nghiên cứu thực tiễn áp dụng quy định này, tác giả nhận thấy quy định này có những hạn chế sau đây:

Thứ nhất, về trường hợp DNBH chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, giải thể phải chuyển giao HĐBH. Theo quy định của pháp luật doanh nghiệp[15], hệ quả của quá trình sáp nhập, hợp nhất DNBH là DNBH hợp nhất, DNBH nhận sáp nhập được hưởng các quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp bị sáp nhập/bị hợp nhất, trong đó bao gồm nghĩa vụ về các “khoản nợ” tiền phí bảo hiểm mà người mua bảo hiểm đã đóng. Nghĩa là, khi DNBH tiến hành sáp nhập/hợp nhất thì đương nhiên doanh nghiệp đó phải chuyển giao cả HĐBH cho DNBH nhận sáp nhập/hợp nhất kế thừa và thực hiện. Như vậy, chuyển giao HĐBH là một hệ quả đương nhiên của quá trình sáp nhập, hợp nhất. Thêm vào đó, biện pháp chuyển giao HĐBH hướng đến việc đảm bảo khả năng chi trả bảo hiểm của DNBH khi xảy ra sự kiện bảo hiểm. Pháp luật quy định trường hợp DNBH phải chuyển giao HĐBH khi tiến hành sáp nhập/hợp nhất là nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của khách hàng khi nội bộ của DNBH đang có sự thay đổi. Tuy nhiên, bản chất kinh tế của sáp nhập và hợp nhất DNBH là tích tụ tư bản nhằm tăng sức mạnh thị trường, tăng quy mô vốn cho DNBH. Theo đó, doanh nghiệp mới sau khi được sáp nhập, hợp nhất hoàn toàn có khả năng thực hiện cam kết chi trả cho người mua bảo hiểm mà không cần phải chuyển giao HĐBH cho DNBH khác.

Từ phân tích trên, tác giả cho rằng, quy định về trường hợp DNBH phải chuyển giao HĐBH cho DNBH khác khi sáp nhập hay hợp nhất là không cần thiết. Vì vậy, tác giả kiến nghị bỏ quy định về việc phải chuyển giao HĐBH khi DNBH tiến hành hợp nhất, sáp nhập tại Khoản 1 Điều 74 Luật Kinh doanh bảo hiểm.

Thứ hai, về trường hợp DNBH có nguy cơ mất khả năng thanh toán, giải thể mà không thỏa thuận được việc chuyển giao HĐBH cho DNBH khác thì Bộ Tài chính chỉ định DNBH nhận chuyển giao.

Việc thay đổi DNBH trong HĐBH là một sự kiện pháp lý rất quan trọng có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của bên mua bảo hiểm, ảnh hưởng đến việc thực hiện HĐBH, vì DNBH là chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường cho người được bảo hiểm khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra. Vì vậy, pháp luật bảo hiểm của các nước đều quy định việc chuyển giao HĐBH chỉ được tiến hành khi có sự chấp thuận của cơ quan quản lý về bảo hiểm. Cụ thể, pháp luật về bảo hiểm của Pháp quy định Cơ quan giám sát và giải quyết thận trọng (ACPR) là cơ quan chấp thuận việc chuyển giao HĐBH.[16] Tương tự, Thụy Sĩ quy định cơ quan giám sát tài chính (FINMA) sẽ giám sát và quyết định việc chuyển giao HĐBH của các DNBH. [17] Ở Việt Nam, Bộ Tài chính là cơ quan quản lý mọi hoạt động kinh doanh của DNBH, bao gồm hoạt động chuyển giao HĐBH.[18]

Theo khoản 2 Điều 74 Luật Kinh doanh bảo hiểm, khi DNBH thuộc trường hợp có nguy cơ mất khả năng thanh toán và giải thể mà không thỏa thuận được việc chuyển giao HĐBH cho DNBH khác thì Bộ Tài chính sẽ chỉ định DNBH nhận chuyển giao. Việc chỉ định một DNBH khác nhận chuyển giao ngay khi DNBH chuyển giao không thỏa thuận được bộc lộ nhiều bất cập. Một là, về phía DNBH được Bộ Tài chính chỉ định là DNBH nhận chuyển giao, câu hỏi đặt ra là DNBH này có mong muốn tiếp nhận chuyển giao các HĐBH hay không? Nếu DNBH này không có thiện chí muốn nhận các HĐBH chuyển giao thì việc thực hiện các nghĩa vụ đối với bên mua bảo hiểm trong đó có nghĩa vụ chi trả bảo hiểm theo đúng cam kết trong HĐBH đã ký kết sẽ rất khó được đảm bảo. Hai là, trên thị trường hiện có 31 công ty bảo hiểm phi nhân thọ và 18 công ty bảo hiểm nhân thọ[19]. Do nhận chuyển giao HĐBH là một kênh gia tăng khách hàng mà tiết kiệm được nhiều thời gian và chi phí nên có thể xảy ra trường hợp nhiều DNBH cùng yêu cầu được nhận chuyển giao HĐBH. Lúc này, Bộ Tài chính sẽ căn cứ vào tiêu chí nào để chọn ra DNBH nhận chuyển giao phù hợp?

Tác giả cho rằng, những bất cập trên sẽ được giải quyết nếu Bộ Tài chính cho các DNBH đấu thầu để nhận chuyển giao HĐBH, vì: i) việc lựa chọn DNBH nhận chuyển giao thông qua hình thức đấu thầu sẽ bảo đảm sự cạnh tranh lành mạnh, công bằng giữa các DNBH, đồng thời giảm thiểu sự can thiệp của Bộ Tài chính vào hoạt động của các DNBH bằng các mệnh lệnh hành chính; ii) thông qua đấu thầu, BTC sẽ chọn được DNBH phù hợp nhất, đủ năng lực tài chính để tiếp tục thực hiện các HĐBH đã được ký kết một cách rõ ràng và minh bạch nhất, từ đó củng cố niềm tin cho người mua bảo hiểm, tạo điều kiện cho thị trường bảo hiểm phát triển một cách ổn định.

Xuất phát từ những phân tích nêu trên, tác giả kiến nghị quy định tại khoản 2 Điều 74 Luật Kinh doanh bảo hiểm cần phải bổ sung thêm nội dung là Bộ Tài chính sẽ tiến hành đấu thầu để chọn DNBH nhận chuyển giao HĐBH trước khi tiến hành chỉ định DNBH nhận chuyển giao. Cụ thể, khoản 2 Điều 74 Luật Kinh doanh bảo hiểm sau khi được sửa đổi sẽ có nội dung như sau: “Trong trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm có nguy cơ mất khả năng thanh toán, giải thể mà không thỏa thuận được việc chuyển giao hợp đồng bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm khác thì Bộ Tài chính tiến hành đấu thầu để chọn doanh nghiệp bảo hiểm nhận chuyển giao. Bộ Tài chính chỉ tiến hành chỉ định doanh nghiệp bảo hiểm nhận chuyển giao khi việc đấu thầu không thể thực hiện được.”.

2.2. Về điều kiện chuyển giao hợp đồng bảo hiểm

Điều 75 Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định: “Việc chuyển giao hợp đồng bảo hiểm được thực hiện theo các điều kiện sau đây: 1. Doanh nghiệp bảo hiểm nhận chuyển giao đang kinh doanh nghiệp vụ bảo hiểm được chuyển giao; 2. Các quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng bảo hiểm được chuyển giao không thay đổi cho đến khi hết thời hạn hợp đồng bảo hiểm; 3. Việc chuyển giao hợp đồng bảo hiểm phải kèm theo việc chuyển giao các quỹ và dự phòng nghiệp vụ liên quan đến toàn bộ hợp đồng bảo hiểm được chuyển giao.”

Như đã phân tích, việc chuyển giao HĐBH là thay đổi DNBH trong HĐBH sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của bên mua bảo hiểm. Tuy nhiên, quy định tại Điều 74 Luật Kinh doanh bảo hiểm cho thấy việc chuyển giao HĐBH hoàn toàn là quyền của DNBH mà không cần có sự đồng ý của người mua bảo hiểm. Sau khi được Bộ Tài chính phê chuẩn và hoàn tất thủ tục chuyển giao HĐBH, DNBH chỉ cần thông báo cho bên mua bảo hiểm biết về việc chuyển giao này. Tác giả cho rằng quy định này là chưa hợp lý vì những lý do sau:

Thứ nhất, HĐBH là một hợp đồng song vụ, bên mua bảo hiểm và DNBH là các bên có quyền lợi và nghĩa vụ tương xứng nhau trong quan hệ hợp đồng. Trong thời hạn có hiệu lực của HĐBH, mọi sự thay đổi từ phía DNBH hoặc bên mua đều phải được hai bên thỏa thuận và thống. Do vậy, nếu việc chuyển giao HĐBH, một sự kiện pháp lý quan trọng làm thay đổi bên bán trong hợp đồng, cụ thể là sự rút khỏi hợp đồng của bên chịu trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ chi trả tài chính, một trong những nghĩa vụ đặc trưng, cốt lõi của bảo hiểm mà bên mua bảo hiểm chỉ được thông báo khi đã có sự chấp thuận từ phía Bộ Tài chính là không hợp lý. Quy định này rõ ràng đã làm mất đi quyền tự do ý chí của bên mua bảo hiểm trong quá trình thực hiện HĐBH.

Thứ hai, bên cạnh việc quy định về chuyển giao HĐBH, Luật Kinh doanh bảo hiểm còn quy định về trường hợp chuyển nhượng HĐBH.[20] Về bản chất, chuyển nhượng và chuyển giao HĐBH đều là việc thay đổi một bên chủ thể trong HĐBH đã ký kết. Trong đó, chuyển giao HĐBH là thay đổi DNBH, chuyển nhượng HĐBH là thay đổi bên mua bảo hiểm trong HĐBH. Tuy nhiên, Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định rất rõ bên mua bảo hiểm chỉ được chuyển nhượng HĐBH khi đã thông báo bằng văn bản cho DNBH về việc chuyển nhượng và DNBH có văn bản chấp thuận việc chuyển nhượng đó.[21] Như vậy, việc DNBH được quyền chuyển giao HĐBH mà không cần có sự đồng ý của bên mua bảo hiểm là một quy định chưa tương xứng, chưa bảo đảm quyền lợi cho bên mua bảo hiểm.

Vì vậy, tác giả cho rằng Điều 75 Luật Kinh doanh bảo hiểm cần được sửa đổi theo hướng bổ sung thêm điều kiện để chuyển giao HĐBH. Cụ thể, bổ sung điều kiện thứ tư tương ứng với khoản 4 Điều 75 như sau: “Việc chuyển giao hợp đồng bảo hiểm phải có sự đồng ý của bên mua bảo hiểm. Bên mua bảo hiểm có thể từ chối sự chuyển giao nhưng phải chứng minh được việc thay đổi doanh nghiệp bảo hiểm sẽ gây bất lợi đến việc tiếp tục thực hiện hợp đồng bảo hiểm.”

3. Kết luận

Năm 2020 đánh dấu cột mốc 20 năm Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 chính thức có hiệu lực. Trong suốt thời gian qua, Luật Kinh doanh bảo hiểm và các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm đã tạo được nền tảng pháp lý giúp thị trường bảo hiểm hình thành và phát triển. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng Luật Kinh doanh bảo hiểm cho thấy nhiều quy định của Luật còn hạn chế, chưa theo kịp sự thay đổi của kinh tế-xã hội. Thông qua bài viết, tác giả đề xuất một số kiến nghị nhằm khắc phục các hạn chế của Luật Kinh doanh bảo hiểm về chuyển giao HĐBH. Những kiến nghị này sẽ góp phần hoàn thiện quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm về chuyển giao HĐBH, từ đó phát huy vai trò của chuyển giao HĐBH là biện pháp hiệu quả giúp các DNBH giải quyết khó khăn về tài chính, đa dạng hóa nghiệp vụ kinh doanh, đồng thời góp phần bảo vệ quyền và lợi chính đáng cho người mua bảo hiểm, giúp củng cố lòng tin của người dân về hoạt động bảo hiểm tại Việt Nam.

Tài liệu trích dẫn:

1BLDS 2015 chỉ quy định về khái niệm hợp đồng. Cụ thể, Điều 385, BLDS 2015 quy định: “Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.

2Điều 12 Luật Kinh doanh bảo hiểm.

3Khoản 5 Điều 3 Luật Kinh doanh bảo hiểm.

4Bùi Thị Hằng Nga (2015), Pháp luật Kinh doanh bảo hiểm, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, tr.29.

5Điều 64 Luật Kinh doanh bảo hiểm.

6Khoản 11 Điều 3 Luật Kinh doanh bảo hiểm.

7Điều 13 Luật Kinh doanh bảo hiểm.

8Điều 14 Luật Kinh doanh bảo hiểm.

9Đào Thị Thu Hiền, Nguyễn Minh Hằng, Đỗ Văn Đại (2010), Bộ nguyên tắc của UNIDROIT về hợp đồng thương mại quốc tế 2004, Nhà xuất bản Tư pháp, tr. 579.

10A transfer of insurance contracts means a transaction in which a transferring company transfers one or more insurance contracts, together with all or substantially all of the liabilities and obligations under any such insurance contracts, to an assuming company, so that the rights of policyowners under the contracts are directly affected. Xem thêm tại https://www.lawinsider.com/dictionary/a-transfer-of-insurance-contracts, truy cập ngày 5/6/2020.

11Xem Điều 428 BLDS 2015.

12 Ngô Quốc Chiến (2013), “Bộ luật Dân sự cần bổ sung quy định về chuyển giao hợp đồng”, Nghiên cứu lập pháp, Văn phòng Quốc hội, số 2-3 (234-235), tr. 69-77.

13 Khoản 3 Điều 75 Luật Kinh doanh bảo hiểm.

14T.Galvao (1951), La cession du contrat, Tạp chí Pháp luật quốc tế so sánh (RIDC), số 2, trang 217.

15Xem Điều 200 Luật Doanh nghiệp 2020 về hợp nhất doanh nghiệp, Điều 201 Luật Doanh nghiệp 2020 về sáp nhập doanh nghiệp.

16Tại Pháp, hoạt động giám sát ngân hàng và bảo hiểm được thực hiện bởi cơ quan giám sát và giải quyết thận trọng (l’Autorité de contrôle prudentiel et de résolution). Xem thêm tại: https://acpr.banque-france.fr/lacpr/presentation/quest-ce-que-lacpr, truy cập ngày 7/8/2020.

17 Tại Thụy Sĩ, Cơ quan giám sát thị trường tài chính (Autorité indépendante de surveillance des marchés financiers suisses) là cơ quan giám sát độc lập các công ty bảo hiểm tại Thụy Sĩ.

18 Xem Điều 120, Điều 121 Luật Kinh doanh bảo hiểm; Điều 1 Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26/7/2017 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính.

19“Website của các doanh nghiệp Bảo hiểm”, https://www.mof.gov.vn/webcenter/portal/cqlgsbh/r/m/ngttbh6?_afrLoop=67210203539606636#!%40%40%3F_afrLoop%3D67210203539606636%26centerWidth%3D100%2525%26leftWidth%3D0%2525%26rightWidth%3D0%2525%26showFooter%3Dfalse%26showHeader%3Dfalse%26_adf.ctrl-state%3D163ngyn5xy_149

20Xem Điều 26 Luật Kinh doanh bảo hiểm về chuyển nhượng HĐBH, Điều 74 Luật Kinh doanh bảo hiểm về chuyển giao HĐBH.

21 Khoản 2 Điều 26 Luật Kinh doanh bảo hiểm.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội (2015), Bộ Luật Dân sự 2015.
  2. Quốc hội (2000), Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000 (Luật số 24/2000/QH10).
  3. Quốc hội (2010), Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm
  4. Quốc hội (2019), Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ 2019.
  5. Quốc hội (2020), Luật Doanh nghiệp 2020.
  6. Chính phủ (2017), Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26/7/2017 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính.
  7. Ngô Quốc Chiến (2013), “Bộ luật Dân sự cần bổ sung quy định về chuyển giao hợp đồng”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, Văn phòng Quốc hội, số 2-3 (234-235).
  8. Đào Thị Thu Hiền, Nguyễn Minh Hằng, Đỗ Văn Đại (2010), Bộ nguyên tắc của UNIDROIT về hợp đồng thương mại quốc tế 2004, Nhà xuất bản Tư pháp.
  9. Bùi Thị Hằng Nga (2015), Pháp luật Kinh doanh bảo hiểm, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
  10. Galvao (1951), La cession du contrat, Tạp chí Pháp luật quốc tế so sánh (RIDC), số 2.

THE TRANSFER OF INSURANCE CONTRACT UNDER THE CURRENT LAW ON INSURANCE BUSINESS OF VIETNAM: SOME SHORTCOMINGS AND RECOMMENDATIONS

Master. Nguyen Thi Thu Hien

Ho Chi Minh City University of Law

Abstract: 

Besides advantages, Vietnam’s Law on Insurance Business still has some limitations. The Law on Insurance Business’s provisions on the transfer of insurance contracts are unclear, causing many difficulties and confusion for insurance enterprises, state management agencies related to issurance and insurance buyers in implementing provisions into practice. Therefore, the transfer of insurance contracts cannot perform its role and the legitimate rights and interests of both insurance companies and their clients are not guaranteed. This paper is to (i) analyze and clarify what is the transfer of insurance contracts and its role; (ii) outline the limitations of the current Law on Insurance Business regarding the transfer of insurance contracts; and iii) proposes a number of recommendations to perfect the Law on Insurance Business’s provisions on the transfer of insurance contracts.

Keywords: Transfer of insurance contracts, Law on Insurance Business.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng côngnghệ, Số 20, tháng 8 năm 2020]