Pháp luật về kiểm soát hoạt động sản xuất, kinh doanh hóa chất: Thực trạng và giải pháp

ThS. ĐẶNG THỊ HUYỀN TRANG - ThS. NGUYỄN THỊ BÌNH - ThS. NGUYỄN THANH HÙNG (Trường Cao đẳng Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Tình trạng không thể kiểm soát được hoạt động sản xuất kinh doanh, hóa chất hiện nay đã ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và sức khỏe cộng đồng. Nguyên nhân chính là do hệ thống pháp luật tương đối phức tạp và còn nhiều bất cập. Bài viết làm rõ một số hạn chế của pháp luật, từ đó tác giả đưa ra một số giải pháp để sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định pháp luật trong thời gian tới.

Từ khoóa: luật hóa chất, sản xuất hóa chất, kinh doanh hóa chất.

1. Đặt vấn đề

Mặc dù pháp luật hiện hành đã có những quy định về kiểm soát hoạt động sản xuất, kinh doanh hóa chất nhưng những tác động xấu của hoạt động này đối với môi trường và sức khỏe cộng đồng vẫn diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Điều đó đã và đang thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận xã hội, gây ra hoang mang, lo lắng cho nhân dân. Nguyên nhân của tình trạng đó xuất phát từ những thiếu sót trong hệ thống quy định pháp luật.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh hóa chất là một quá trình, do đó, để kiểm soát hoạt động này, chúng ta cần phải có các quy định kiểm soát từ giai đoạn trước khi cơ sở đi vào hoạt động, trong quá trình hoạt động và cả hóa chất bị thải bỏ sau quá trình hoạt động.

2. Thực trạng pháp luật về kiểm soát hoạt động sản xuất, kinh doanh hóa chất

 2.1. Kiểm soát trước khi hoạt động

Cũng như kiểm soát các ngành nghề kinh doanh khác, cơ quan nhà nước kiểm soát hoạt động sản xuất, kinh doanh hóa chất trước hết thông qua thủ tục đăng ký kinh doanh. Ở giai đoạn đăng ký kinh doanh, cơ quan đăng ký kinh doanh xem xét khả năng đáp ứng kiều kiện kinh doanh của chủ thể sản xuất, kinh doanh hóa chất thông qua yêu cầu về chứng chỉ hành nghề của chủ thể khi sản xuất, kinh doanh một số hóa chất thuộc các ngành như hóa chất ngành dược, hóa chất ngành thú y, hóa chất ngành thuốc bảo vệ thực vật,...

Sau khi đã được đăng ký kinh doanh theo luật định, cá nhân, tổ chức phải liên hệ với bộ quản lý ngành, lĩnh vực gồm Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để được thẩm định và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh đối với hóa chất thuộc danh mục hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện và giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất thuộc danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh[1].  

Như vậy, trình tự, thủ tục đăng ký, xin phép hiện nay tương đối thông thoáng, một mặt tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức trong việc thực hiện thủ tục  kinh doanh, mặt khác tăng tính tự chịu trách nhiệm của các chủ thể kinh doanh. Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực trạng pháp luật về kiểm soát hoạt động sản xuất, kinh doanh hóa chất giai đoạn trước khi hoạt động, chúng ta thấy còn nhiều bất cập dẫn đến khó khăn trong quá trình kiểm soát.

 Thứ nhất, thiếu quy định về phối hợp kiểm soát việc đáp ứng các điều kiện kinh doanh hóa chất.

 Nhìn nhận lại trình tự trên chúng ta thấy một lỗ hổng trong kiểm soát ở giai đoạn này, đó là thiếu quy định về phối hợp kiểm soát vấn đề đáp ứng các điều kiện kinh doanh hóa chất đối với các chủ thể sản xuất, kinh doanh ngành hàng hóa chất. Sau khi cá nhân, tổ chức đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, tức là một chủ thể kinh doanh mới đã được “ra đời” hợp pháp mới phải có trách nhiệm xin phép hoạt động. Nhưng vấn đề là hiện nay chưa có văn bản quy định cơ quan nào có trách nhiệm hướng dẫn doanh nghiệp tiếp tục thực hiện thủ tục cấp phép trước khi đi vào hoạt động.

Như vậy, việc thiếu quy định trên của pháp luật đã không thể hiện được nguyên tắc phòng ngừa, đồng nghĩa với việc pháp luật Việt Nam không kiểm soát được hoạt động sản xuất, kinh doanh doanh hóa chất ở giai đoạn trước khi hoạt động. Ở góc độ thực tiễn, việc thiếu sót quy định này đã gây lúng túng cho cơ quan quản lý có thẩm quyền.

Thứ hai, thiếu quy định về phân bổ mã ngành từng lĩnh vực hóa chất.

Vấn đề phân bổ mã ngành hiện nay được quy định tại Quyết định số 10/2007/QĐ-Ttg ngày 23 tháng 01 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành hệ thống ngành kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay Quyết định số 10/2007/QĐ-Ttg chưa có mã ngành cho ngành hàng hóa chất của từng lĩnh vực. Do vậy, trên giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh không thể hiện rõ hóa chất của ngành nào, mà chỉ thể hiện là: ngành nghề kinh doanh hóa chất (trừ những hóa chất độc hại). Pháp luật hiện hành không có danh mục hóa chất nào là hóa chất độc hại và cũng không có văn bản nào giải thích thế nào là hóa chất độc hại. Cách ghi như vậy khiến cho cơ quan chức năng rất khó xác định hóa chất nào là hóa chất độc hại để cho phép hay không cho phép kinh doanh. Từ đó, vừa gây khó khăn cho công tác kiểm soát vừa tạo ra tâm lý chai lì của cá nhân, tổ chức vi phạm.

2.2. Kiểm soát trong quá trình hoạt động

Việc kiểm soát trong giai đoạn này mang tính chất hậu kiểm, kiểm soát trong suốt quá trình hoạt động. Muốn thực hiện hoạt động kiểm soát ở giai đoạn này, pháp luật cần quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước và yêu cầu chủ thể sản xuất, kinh doanh hóa chất phải thực hiện những nghĩa vụ nhất định. Ngoài ra, hiệu quả kiểm soát ở giai đoạn này còn phụ thuộc vào năng lực kiểm soát của chính các cơ quan quản lý nhà nước và ý thức chấp hành pháp luật của các chủ thể sản xuất, kinh doanh. Nhìn chung, quy định pháp luật về kiểm soát hoạt động sản xuất, kinh doanh hóa chất trong quá trình hoạt động bộc lộ rất nhiều bất cập.

Thứ nhất, quy định về phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về sản xuất, kinh doanh hóa chất còn chồng chéo, đan xen nhưng chưa phủ kín.

Hiện nay, quy định về phân công trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực này còn nhiều vướng mắc. Theo các điều từ điều 62 đến điều 64 Luật Hóa chất, có tới 9 bộ, ngành được phân công quản lý hoạt động hóa chất, gồm: Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn... trong đó, Bộ Công Thương chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động hóa chất; các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công Thương thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về hoạt động hóa chất theo sự phân công của Chính phủ. Ngoài ra, Ủy ban nhân dân các cấp, thanh tra các cấp cũng thực hiện việc quản lý nhà nước về hoạt động hóa chất trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Nhìn nhận lại quy định trên, chúng ta thấy, mặc dù pháp luật quy định nhiều cơ quan nhà nước cùng quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh hóa chất nhưng lại không quy định rõ cơ quan nào chịu trách nhiệm chính.

Khoản 2 điều 62 quy định Bộ Công Thương chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động hóa chất nhưng ngay điều 64 Luật Hóa chất lại quy định các bộ, ngành cũng phải chịu trách nhiệm về hoạt động hóa chất thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của mình. Vậy ví dụ liên quan đến vấn đề quản lý sản xuất, kinh doanh hóa chất trong lĩnh vực thuốc bảo vệ thực vật thì Bộ nào chịu trách nhiệm quản lý và khi sai sót xảy ra, Bộ nào chịu trách nhiệm, chịu trách nhiệm ở mức độ nào?

Chính sự quy định quản lý chồng chéo, đan xen, không có cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm dẫn đễn việc đùn đẩy trách nhiệm, không giải quyết được các vấn đề phát sinh.

Bên cạnh quy định quá nhiều cơ quan quản lý, thẩm quyền đan xen thì pháp luật hiện hành lại thiếu quy định cơ quan nhà nước làm đầu mối có trách nhiệm kiểm soát việc thực hiện điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất độc. Hiện nay, pháp luật quy định Cục Hóa chất (thuộc Bộ Công Thương) có trách nhiệm kiểm soát các điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất thuộc danh mục hóa chất hạn chế sản xuất kinh doanh và Sở Công Thương có trách nhiệm kiểm soát các điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất thuộc danh mục hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện mà chưa quy định cơ quan nhà nước có trách nhiệm kiểm soát điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất độc. Hóa chất độc là một trong những loại hóa chất nguy hiểm có những đặc tính rất nguy hại với môi trường lại không được kiểm soát. Cùng với những nguyên nhân khác, việc thiếu quy định là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng không thể kiểm soát được việc mua bán hóa chất độc tràn lan như các phương tiện thông tin đại chúng đã phản ánh trong thời gian qua. Điều này chứng tỏ phân công quản lý nhà nước trong lĩnh vực này chưa bảo đảm phủ kín.

Thứ hai, pháp luật hiện hành chưa bảo đảm vấn đề kiểm soát nguồn gốc, quá trình lưu chuyển, mục đích sử dụng hóa chất trên thị trường.

Hiện nay pháp luật kiểm soát vấn đề này thông qua quy định về khai báo hóa chất. Quy định về khai báo hóa chất ở các nước trên thế giới cũng như ở Việt Nam đều nhằm mục đích nắm thông tin về nguồn gốc, quá trình lưu chuyển, mục đích sử dụng của hóa chất. Qua đó, kiểm soát an toàn hóa chất nguy hiểm đối với môi trường và sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, điều 43 Luật Hóa chất chỉ quy định trách nhiệm khai báo đối với việc nhập khẩu và sản xuất hóa chất[2], tức là chỉ kiểm soát được khâu nhập vào và sản xuất mà không kiểm soát được quá trình mua bán cũng như mục đích sử dụng hóa chất này khi chúng đã được lưu hành. Như vậy, chủ thể mua bán hóa chất không phải khai báo hay báo cáo gì. Đây là một kẽ hở của pháp luật dẫn đến việc sử dụng sai mục đích, chẳng hạn như pháp luật cho sử dụng hóa chất vào một lĩnh vực (ví dụ: xây dựng) nhưng thực tế lại bị lạm dụng dùng trong nhiều lĩnh vực khác (ví dụ như thực phẩm, mỹ phẩm), gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Thực tế, tác hại thực sự của những hóa chất lại phụ thuộc vào mục đích sử dụng và gián tiếp phụ thuộc vào việc mua bán chúng. Đối với nhà sản xuất, trách nhiệm của họ xem như kết thúc khi họ đã thực hiện tất cả các yêu cầu để được sản xuất, về hướng dẫn cách bảo quản, sử dụng (thường được in trên bao bì sản phẩm). Như vậy, ai sử dụng, sử dụng với mục đích gì, gây tác hại gì đối với môi trường, sức khỏe cộng đồng thì rất khó kiểm soát.

2.3. Kiểm soát hóa chất bị thải bỏ

Hoạt động sản xuất, kinh doanh hóa chất tất yếu sẽ phác thải ra môi trường những chất độc hại như hóa chất tồn dư, hóa chất trên vỏ bao bì, dụng cụ chứa hóa chất... Do đó, pháp luật cần có những quy định nhằm kiểm soát cả những hóa chất bị thải bỏ.

Ở Việt Nam, Luật Hóa chất chỉ điều chỉnh từ khâu sản xuất đến phân phối, còn khâu cuối cùng là sau khi hóa chất đó được sử dụng và thải bỏ thì chúng ta lại chuyển qua Luật Bảo vệ môi trường để giải quyết theo phương thức quản lý chất thải, đặc biệt là quản lý chất thải nguy hại. Như vậy, ở Việt Nam cũng là hóa chất nguy hại nhưng nếu nó đang trong quá trình sản xuất, kinh doanh thì do Bộ Công Thương chịu trách nhiệm kiểm soát chính, các bộ quản lý ngành, lĩnh vực có liên quan phối hợp quản lý; nhưng sau khi được thải ra thì lại được gọi là chất thải nguy hại và do vậy được quản lý bởi Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Bản chất của hóa chất nguy hại là vật chất nguy hại. Dù là trong quá trình sản xuất hay sau khi thải bỏ thì những hóa chất đó vẫn chứa chất gây ô nhiễm. Do vậy, chúng đều cần phải được làm sạch, loại trừ tác nhân gây hại cho môi trường. Hơn nữa, quá trình từ sản xuất đến thải bỏ là một quá trình liền mạch nên rất khó tách bạch để quản lý theo cách phân chia từ khâu đầu vào đến khâu thải ra là thuộc Bộ này, còn xử lý sau khâu thải ra lại do Bộ khác quản lý. Cách quản lý như vậy không phù hợp, do đó nên quản lý toàn bộ vật chất nguy hại một cách liền mạch từ lúc nó được sản xuất ra có đặc tính nguy hại cho đến khi nó được xử lý hết đặc tính nguy ngại, thì đó là cách tiếp cận hợp lý hơn[3].

3. Hoàn thiện các quy định về kiểm soát hoạt động sản xuất, kinh doanh hóa chất

Pháp luật về kiểm soát hoạt động sản xuất, kinh doanh hóa chất hoàn thiện sẽ có ý nghĩa trong việc ngăn ngừa, giảm thiểu, loại trừ rủi ro, xử lý, khắc phục sự cố hóa chất đối với môi trường và sức khỏe cộng đồng. Để đạt được điều đó đòi hỏi các quy định pháp luật trong nước không mâu thuẫn, chồng chéo với nhau. Tuy nhiên, thực trạng đáng báo động về an toàn hóa chất trong thời gian qua cho thấy công tác này chưa thật sự hiệu quả xuất phát từ những hạn chế bất cập của pháp luật như  “lỗ hổng” trong quy định về trình tự đăng ký, xin phép giai đoạn “tiền kiểm”; chồng chéo, đan xen nhưng không phủ kín trong quy định về phân công trách nhiệm quản lý nhà nước; bất cập trong quy định về kiểm soát hóa chất bị thải bỏ... Để khắc phục những tồn tại này, chúng ta cần:

Thứ nhất, cần bổ sung quy định nhằm đảm bảo cơ chế liên thông một cửa, kế thừa lẫn nhau về thủ tục hành chính giữa cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan cấp phép hoạt động đối với các chủ thể sản xuất, kinh doanh hóa chất.

Nhằm khắc phục tình trạng cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất nguy hiểm vẫn đi vào hoạt động khi chưa đảm bảo điều kiện kinh doanh, cần bổ sung quy định về trách nhiệm, cơ chế liên thông một cửa, kế thừa lẫn nhau về thủ tục hành chính giữa cơ quan đăng ký kinh doanh (các Sở Kế hoạch và Đầu tư) và cơ quan cấp phép hoạt động quản lý ngành, lĩnh vực (các Sở Công Thương, Sở Y tế...) đối với các dự án sản xuất, kinh doanh hóa chất thuộc các danh mục theo hướng: cơ quan đăng ký kinh doanh chỉ thông báo và hướng dẫn bằng văn bản cho cá nhân, tổ chức, rằng họ đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề “kinh doanh hóa chất”; đồng thời kết xuất dữ liệu cho cơ quan cấp phép. Trên cơ sở đó, cá nhân, tổ chức thực hiện các thủ tục cần thiết để xin cấp phép hoạt động với cơ quan có thẩm quyền. Sau khi đã được cơ quan cấp phép cấp giấy chứng nhận, giấy phép hoạt động, cá nhân, tổ chức xuất trình cho cơ quan đăng ký kinh doanh để được nhận bản gốc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Qua đó, sẽ làm cho công tác quản lý nhà nước đạt hiệu quả hơn, tiết kiệm được thời gian và giảm chi phí cho doanh nghiệp, đồng thời giải quyết được việc cơ sở đi vào hoạt động khi chưa được cấp phép hoạt động, đảm bảo phòng ngừa ngay từ đầu những ảnh hưởng tiêu cực của các dự án sản xuất, kinh doanh hóa chất nguy hiểm với môi trường và sức khỏe cộng đồng. Việc này cũng không gây khó khăn, cản trở hoạt động của doanh nghiệp bởi đối với những ngành nghề kinh doanh có điều kiện, chủ thể cũng chỉ được hoạt động khi đã được cấp phép.

Thứ hai, pháp luật cần có quy định riêng về phân bổ mã ngành cho mỗi lĩnh vực hóa chất nhằm khắc phục tình trạng thiếu cơ sở để kiểm soát việc kinh doanh hóa chất lẫn lộn giữa các lĩnh vực, gây ra những hậu quả xấu cho môi trường và sức khỏe cộng đồng, cụ thể: cơ quan chức năng cần rà soát, bổ sung mã ngành cho ngành hàng hóa chất của từng lĩnh vực; đồng thời ghi rõ lĩnh vực hóa chất cụ thể trên các giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh và giấy phép hoạt động. Ngoài ra, cơ quan đăng ký kinh doanh cũng phải thể hiện rõ phạm vi hóa chất được phép sản xuất, kinh doanh, cụ thể như được sản xuất, kinh doanh hóa chất lĩnh vực nào, trừ những hóa chất nào.

Thứ ba, cần sửa đổi quy định về phân công trách nhiệm quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh hóa chất.

Từ thực tế bất cập, chồng chéo nhưng không phủ kín trong phân công trách nhiệm quản lý nhà nước dẫn đến việc kém hiệu quả trong công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh hóa chất, việc điều chỉnh thẩm quyền quản lý là rất cần thiết. So với pháp luật các nước có nền công nghiệp hóa chất phát triển lâu đời và công tác kiểm soát hóa chất tốt như Nhật Bản, Ấn Độ, quy định về thẩm quyền của Việt Nam còn nhiều bất cập, do đó chúng ta nên tham khảo pháp luật của các nước này.

Pháp luật các nước giao thẩm quyền kiểm soát hoạt động sản xuất, kinh doanh hóa chất cho rất ít Bộ, ngành quản lý lĩnh vực. Ở Ấn Độ, trách nhiệm quản lý hóa chất nguy hiểm được quy định cho Bộ Môi trường và Rừng. Còn ở Nhật Bản, trách nhiệm kiểm soát hóa chất nói chung theo Luật Kiểm soát hóa chất Nhật Bản được giao cho Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp và Bộ trưởng Bộ môi trường. Điều đặc biệt là ở Nhật Bản, điều luật quy định rất rõ bộ trưởng nào có thẩm quyền đối với việc thực hiện quy định nào trong từng điều khoản cụ thể của văn bản đó, do vậy rất khó đùn đẩy trách nhiệm.

Đoạn (ii) khoản 1 điều 22 Luật Kiểm soát hóa chất Nhật Bản quy định như sau: về vấn đề liên quan đến việc thiết lập nguyên tắc quản lý hóa chất trong điều 3 đoạn 1, việc thảo luận trong đoạn 3 của cùng điều luật  và việc công bố trong đoạn 4 của cùng điều luật (giới hạn cho những người liên quan đến vấn đề quy định tại khoản 2, khoản 4 của cùng điều luật), Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp[4].

Việc giao thẩm quyền cho ít bộ ngành, đặc biệt là chế độ trách nhiệm cá nhân của bộ trưởng như ở Nhật Bản không những làm cho thẩm quyền không bị đan xen, chồng chéo mà còn làm tăng tính trách nhiệm và do vậy hiệu quả quản lý, kiểm soát cao hơn. Qua đó, sẽ không có tình trạng đùn đẩy trách nhiệm kiểu “cha chung không ai khóc”.

Ở Việt Nam, chúng ta nên quy định cho Bộ Công Thương và Bộ Tài nguyên và Môi trường, đồng thời quy định rõ trách nhiệm cá nhân đối với người đứng đầu. Do hóa chất có tính chất độc hại với môi trường, nên cần xem đó là vật chất nguy hại, vì vậy, nên giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm quản lý, kiểm soát những nội dung liên quan đến an toàn hóa chất với môi trường như thẩm quyền xây dựng, ban hành quy chuẩn kỹ thuật môi trường về hóa chất, thẩm quyền quản lý đối với hóa chất độc hại bị thải bỏ... Ngoài ra, vì đây là hoạt động sản xuất, kinh doanh, do đó nên giao thẩm quyền cho Bộ Công Thương quản lý, kiểm soát những nội dung thuộc thẩm quyền như thẩm quyền đăng ký hóa chất mới, thẩm quyền tiếp nhận khai báo hóa chất sản xuất, kinh doanh.

Thứ tư, cần bổ sung quy định trách nhiệm khai báo hóa chất, thời hạn khai báo hóa chất đối với chủ thể mua bán hóa chất.

Khai báo hóa chất là một phương thức để cơ quan chức năng kiểm soát vấn đề an toàn hóa chất. Thông qua quy định khai báo hóa chất, sẽ giúp cho cơ quan chức năng nắm bắt thông tin về tình hình sản xuất, kinh doanh hóa chất, từ đó đưa ra những biện pháp quản lý phù hợp, hạn chế tác hại tới môi trường. Tuy nhiên, thực tế áp dụng cho thấy mục đích phòng ngừa, ngăn chặn chưa đạt được xuất phát từ những bất cập của các quy định pháp luật về khai báo hóa chất.

Từ thực tế không thể kiểm soát hoạt động mua bán hóa chất thuộc danh mục hóa chất phải khai báo, bên cạnh quy định chủ thể sản xuất hóa chất phải có nghĩa vụ khai báo hóa chất như hiện nay, pháp luật cần có quy định trách nhiệm khai báo hóa chất đối với chủ thể mua bán hóa chất. Qua đó, sẽ không bỏ sót đối tượng kiểm soát.

Thứ năm, cần xem xét ban hành Luật Vật chất nguy hại.

Thực tế tại Việt Nam trong thời gian qua, việc phát hiện các vụ việc vi phạm liên quan đến việc thải bỏ, xử lý hóa chất sau quá trình sản xuất, kinh doanh hóa chất hầu hết là do cảnh sát môi trường hoặc người dân tố giác như vụ việc chôn hàng trăm thùng phuy thuốc bảo vệ thực vật vào đất của Công ty Nicotex Thanh Thái hoặc vụ việc xả nước thải hóa chất trực tiếp ra sông Văn Úc của xưởng cải màu Minh Hải. Thực tế này cho thấy cơ quan chức năng chưa kiểm soát nổi vấn đề hóa chất bị thải bỏ sau quá trình hoạt động do chính bất cập của pháp luật.

Pháp luật của nhiều nước đưa quy định về kiểm soát hóa chất nguy hại vào Luật Vật chất nguy hại để kiểm soát một cách liền mạch hoặc cũng quản lý theo hai giai đoạn từ khâu đầu vào đến lúc thải bỏ và ở khâu sau thải bỏ nhưng cùng một cơ quan quản lý.

Ở Thái Lan, ngoài Luật Bảo vệ môi trường, còn có thêm một luật riêng là Luật Vật chất nguy hại, quản lý từ  khâu sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, phân phối, sử  dụng các loại vật chất nguy hại bao gồm hóa chất độc hại, vật liệu phóng xạ, chế  phẩm sinh học[5].

 

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1] Xem điều 14 và điều 15 Luật Hóa chất (Văn bản hợp nhất số 10/VBHN-VPQH ngày 29 tháng 6 năm 2018).

[2] Khoản 1 Điều 43 Luật Hóa chất quy định: “Tổ chức, cá nhân nhập khẩu hóa chất phải khai báo hóa chất với Bộ Công thương; tổ chức, cá nhân sản xuất hóa chất phải khai báo hóa chất với cơ quan chuyên môn quản lý hoạt động hóa chất của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh”.

[3] Nguyễn Minh Đức (2013), Cấu trúc của ngành Luật bảo vệ môi trường: Kinh nghiệm một số quốc gia và bài học cho Việt Nam, Biên bản Hội thảo góp ý sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường 2005, Ninh Bình, tr. 51,52.

[4] The Japan Chemical Substan Control Law - Article 22 (Competent Minister(s), etc.): (ii) With regard to matters concerning establishment of Chemical Substance Management Guidelines under Articcle 3, paragraph 1, conference under paragraph 3 of the same Article and publication, under paragraph 4 of the same Article (limited to those pertaining tomatters set forth in paragraph 2, item 4 of the same Article), the Minister of Economy, Trade and Industry.

[5] Nguyễn Minh Đức (2013), Cấu trúc của ngành Luật bảo vệ môi trường: Kinh nghiệm một số quốc gia và bài học cho Việt Nam, Biên bản Hội thảo góp ý sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường 2005, Ninh Bình, tr. 51.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội (2007). Luật Hóa chất số 06/2007/QH12, ngày 21/11/2007.
  2. Quốc hội (2018). Luật số 28/2018/QH14 ngày 15/6/2018, sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch.
  3. Quốc hội (2018). Văn bản hợp nhất số 10/VBHN-VPQH ngày 29/6/2018.
  4. Bộ Công Thương Việt Nam (MOIT) và Bộ Kinh tế Công nghiệp và Thương mại Nhật Bản (METI) (2015). Luật Kiểm soát hóa chất Nhật Bả
  5. Luật Vật chất nguy hại Thái Lan.
  6. Nguyễn Minh Đức (2013), Cấu trúc của ngành Luật Bảo vệ môi trường: Kinh nghiệm một số quốc gia và bài học cho Việt Nam, Biên bản Hội thảo góp ý sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường 2005, Ninh Bình.

 

LAW ON CHEMICAL PRODUCTION AND BUSINESS:

CURRENT SITUATION AND RECOMMENDATION

Master. DANG THI HUYEN TRANG 1

Master. NGUYEN THI BINH 1

Master. NGUYEN THANH HUNG 1

1 Ho Chi Minh City College of Economics

ABSTRACT:

The overuse of chemicals and the wrongdoings of chemical businesses have adversely affected the environment and public health. One of the main reasons of these issues is that the current legal system in Vietnam still has shortcomings. This paper analyzes the legal regulations, thereby proposing some recommendations for amending, supplementing and perfecting the legal provisions.

Keywords: chemical law, chemical production, chemical business.