TÓM TẮT:
Bài viết nghiên cứu về vai trò của giảng viên trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy các môn lý luận chính trị. Giảng viên giảng dạy các môn Lý luận chính trị là những người thấm nhuần Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, là người trực tiếp truyền thụ kiến thức cho sinh viên. Vì vậy, giảng viên phải phát huy tốt vai trò của mình nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.
Từ khóa: giảng viên, lý luận chính trị, đại học, giảng viên lý luận chính trị, chất lượng giảng dạy.
1. Đặt vấn đề
Lý luận chính trị là một trong những môn học cơ bản trong chương trình đào tạo đại học hiện nay. Đối với sinh viên, là chủ nhân tương lai của đất nước, do đó việc học không chỉ là những kiến thức chuyên ngành, mà còn phải được trang bị hệ thống tri thức lý luận chính trị đúng đắn. Học lý luận chính trị sẽ giúp cho sinh viên hình thành thế giới quan duy vật biện chứng, nhân sinh quan cách mạng, phương pháp luận khoa học. Những kiến thức trong lý luận chính trị là kim chỉ nam để rèn luyện phẩm chất, đạo đức; hướng các em đến hành động thực tiễn nhân văn, hun đúc cho các em lòng yêu nước; có tinh thần kiên định, vững vàng, không hoang mang, dao động trước những biến động phức tạp của cuộc sống, của diễn biến tình hình trong nước và thế giới. Với tầm quan trọng đó, để góp phần nâng cao chất lượng học tập các môn lý luận chính trị, việc phát huy vai trò của đội ngũ giảng viên là điều kiện quan trọng hiện nay.
2. Vai trò của giảng viên dạy lý luận chính trị tại các trường đại học hiện nay
Hiện nay, dưới sự phát triển mạnh mẽ của làn sống cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện chuyển đổi số đã tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Quá trình đó đã mang đến nhiều cơ hội và thách thức cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo ở nước ta nói chung. Trong đó, hoạt động dạy và học các môn lý luận chính trị cũng không nằm ngoài sự tác động đó. Thế nên, một yêu cầu quan trọng đặt ra hiện nay là đội ngũ giảng viên lý luận chính trị cần phải hoàn thiện và phát triển không ngừng để thực tốt thực hiện tốt vai trò sau:
Trước hết, với vai trò là người truyền thụ kiến thức, giảng dạy là nhiệm vụ chính và xuyên suốt của giảng viên, là lực lượng trực tiếp đảm nhận vai trò truyền thụ lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; quan điểm, đường lối của Đảng đến với sinh viên, đây chính là những bộ phận quan trọng cấu thành nền tảng tư tưởng của Đảng ta. Đặc thù chung của các môn học lý luận chính trị là khô khan, trừu tượng, nên khó hấp dẫn người học và nhiều vấn đề vượt quá tầm hiểu biết của sinh viên, dẫn đến khó khăn trong việc học tập, tiếp thu bài giảng, đây là một thách thức lớn đối với giảng viên. Tuy nhiên, với kiến thức chuyên môn vững vàng, cùng sự linh hoạt, sáng tạo trong giảng dạy, giảng viên hoàn toàn có thể uyển chuyển từ sự khô khan, trừu tượng thành những nội dung sinh động bằng những liên hệ thực tiễn gần gũi. Từ đó, giúp sinh viên tiếp nhận kiến thức một cách tự nhiên nhưng hiệu quả. Cụ thể, trong giảng dạy triết học Mác - Lênin, thông qua việc phân tích các nguyên lý, các quy luật, các cặp phạm trù, từ đó giúp sinh viên nhận thức được quy luật vận động và phát triển của sự vật, hiện tượng là một quá trình khách quan. Đây là cơ sở để sinh viên nhìn nhận đánh giá cũng như giải quyết các vấn đề một cách khoa học hơn. Với môn kinh tế chính trị Mác - Lênin, nghiên cứu nội dung sẽ giúp sinh viên thấy được tất yếu của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chủ nghĩa tư bản ở nước ta. Hay với môn chủ nghĩa xã hội khoa học bằng việc làm rõ lực lượng, cách thức xây dựng chủ nghĩa xã hội, về mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Việt Nam. Qua đây, sinh viên sẽ nhận thức được vai trò trách nhiệm của mình trong sự nghiệp chung của đất nước. Giúp cho sinh viên thấy rằng, lý luận chính trị không mông lung, mà là sự cô đọng từ đời sống chính trị, từ thực tiễn sinh động của quá trình xây dựng và phát triển đất nước.
Bên cạnh đó, giảng viên dạy lý luận chính trị còn có vai trò là người dẫn dắt, định hướng giáo dục tư tưởng chính trị, xây dựng và củng cố niềm tin cho sinh viên. Đây là lực lượng đông đảo, từng thế hệ sinh viên sẽ hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước. Vì vậy, bên cạnh việc quan tâm đào tạo về trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, giáo dục lý tưởng chính trị cho sinh viên là một yêu cầu quan trọng và cần phải thực hiện xuyên suốt. Thông qua các nội dung giảng dạy của giảng viên, sau khi lĩnh hội được kiến thức sẽ giúp sinh viên hình thành và nâng cao phẩm chất chính trị và đạo đức cách mạng. Do đó, giảng viên không chỉ là người dạy mà còn là người định hướng cho sinh viên biết vận dụng những hiểu biết ấy vào hoạt động thực tiễn. Từng bước dẫn dắt xây dựng lý tưởng, lối sống cao đẹp cho sinh viên. Góp phần hình thành và hoàn thiện nhân cách con người mới xã hội chủ nghĩa, con người phát triển toàn diện. Đối với mỗi sinh viên, bên cạnh trình độ chuyên môn tốt để thích ứng sự phát triển của thời đại, cần phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, tự lập, tự chủ, có hoài bão và ước mơ, năng động và sáng tạo bước vào cuộc sống. Đó cũng chính là sức mạnh giúp cho sinh viên nói riêng và thế hệ trẻ nói chung khả năng miễn dịch trước những mặt trái của kinh tế thị trường và toàn cầu hóa hiện nay.
3. Một số yêu cầu cần thiết đối với đội ngũ giảng viên dạy lý luận chính trị tại các trường đại học hiện nay
Để thực hiện tốt vai trò nhằm đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, giảng viên dạy lý luận chính trị cần rèn luyện tốt các phẩm chất sau:
Thứ nhất, giảng viên dạy lý luận chính trị phải phát huy tính chủ động, tích cực trong quá trình tự học tập, rèn luyện nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ giảng dạy. Một yêu cầu quan trọng trong nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị trước hết là, giảng viên cần phải được bồi dưỡng và nâng cao trình độ. Do đó, học tập là con đường tất yếu, bên cạnh sự tạo điều kiện của các cấp lãnh đạo và Ban giám hiệu nhà trường, bản thân mỗi giảng viên phải tự nỗ lực và khắc phục những khó khăn, tích cực tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn. Đây là cách tốt nhất giúp giảng viên cập nhật kiến thức kịp thời, chuyên sâu hơn về chuyên ngành và môn học mà mình giảng dạy. Bên cạnh đó, mỗi giảng viên phải nêu cao ý thức việc tự học thông qua các kênh thông tin thời sự, báo, đài, hội thảo, tỏa đàm để trau dồi, nâng cao sự hiểu biết. Đặc điểm của sinh viên đại học là năng động, nhạy bén, các em có thể đặt ra nhiều câu hỏi, tình huống cần được làm rõ. Do đó, chỉ trên cơ sở nắm vững kiến thức chuyên ngành và liên ngành, giảng viên mới có thể xử lý các vấn đề nảy sinh một cách tinh tế và có tính thuyết phục.
Thứ hai, phải đảm bảo tính thực tiễn trong giảng dạy. Để bài giảng sinh động, giàu sức thuyết phục, giảng viên cần phải liên hệ với thực tiễn, tức là có sự cập nhật những vấn đề trong nước và thế giới. Muốn vậy, giảng viên phải thật am hiểu thực tiễn và lồng ghép vào phù hợp từng nội dung bài giảng. Điều này sẽ tác động rất lớn đến chất lượng dạy và học các môn lý luận chính trị. Do vậy, ngoài việc làm sáng tỏ lý luận, bài giảng của giảng viên phải liên hệ với thực tế sinh động của xã hội. Điều này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không có liên hệ với thực tiễn là lý luận suông1. Gắn lý luận với thực tiễn còn đặt ra yêu cầu phải đảm bảo sự phù hợp với từng nhóm đối tượng sinh viên, của từng chuyên ngành khác nhau, mục tiêu, mục đích của môn học phải phù hợp với người học để có thể đưa ra những dẫn chứng, ví dụ mang tính thuyết phục. Điều này rất quan trọng, không chỉ giúp sinh viên hiểu nội dung lý luận mà còn hình thành năng lực tư duy của mình.
Thứ ba, giảng viên cần áp dụng linh hoạt, đa dạng phương pháp giảng dạy. Đặc thù các môn học lý luận chính trị thường rất trừu tượng, để sinh viên tiếp thu tốt kiến thức, người dạy cần vận dụng đa dạng các phương pháp dạy học, liên hệ lồng ghép các kiến thức quan quan để bài giảng thật sinh động, giàu sức thuyết phục. Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta tiếp tục nhấn mạnh giáo dục lý luận chính trị là nhiệm vụ cơ bản trong tình hình mới: “Đổi mới căn bản nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục lý luận chính trị theo hướng khoa học, sáng tạo, hiện đại và gắn lý luận với thực tiễn”2. Như vậy, đổi mới phương pháp giảng dạy là từng bước hướng người học làm trung tâm, qua đó sẽ phát huy tính tích cực, năng động, sáng tạo của sinh viên; khắc phục tình trạng ngại học, thụ động, rập khuôn theo bài giảng của giảng viên. Hình thành tư duy độc lập trong học tập cũng như trong nghiên cứu khoa học. Trong tình hình hiện nay, ngoài việc trau dồi kiến thức chuyên môn, giảng viên cần nâng cao trình độ sử dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy lý luận chính trị. Đây là một phương tiện quan trọng, giúp giảng viên có thể biến buổi học theo phương pháp truyền thống thành một sân chơi trí tuệ phong phú, đa dạng, có định hướng để biến những bài giảng khô khan thành không gian sống động của sinh hoạt học thuật, tạo sự đối thoại mang tính mở giữa giảng viên và sinh viên.
Thứ tư, tính nêu gương của giảng viên dạy lý luận chính trị. Bên cạnh một bài dạy hay, một phương pháp giảng tốt, giảng viên còn phải là những người có lý tưởng cao đẹp, mẫu mực về phẩm chất đạo đức, lối sống. Trong giảng dạy phải thực sự trách nhiệm và tâm huyết; trong cuộc sống hàng ngày phải gần gũi, giản dị. Trong quan hệ với đồng nghiệp phải đoàn kết, trong sáng, hết lòng giúp đỡ. Đồng thời, giảng viên dạy lý luận chính trị phải là những người tiên phong gương mẫu trong thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Vận dụng sáng tạo, linh hoạt chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Chấp hành nghiêm kỷ luật phát ngôn, viết và làm đúng đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Trên mặt trận lý luận, mỗi giảng viên phải thể hiện vai trò là những chiến sĩ tiên phong trong cuộc đấu tranh chống lại những quan điểm sai trái thù địch, góp phần bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo vệ mục tiêu lý tưởng về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Đảng và Nhân dân ta.
Thứ năm, giảng viên cần tích cực tham gia nghiên cứu khoa học và tổng kết thực tiễn. Cùng với hoạt động giảng dạy, hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn là một trong những nhiệm vụ chính của giảng viên dạy lý luận chính trị. Qua đó, giúp giảng viên nghiên cứu sâu hơn những kiến thức chuyên môn và cập nhật kịp thời tình hình thực tiễn, giúp bài giảng phong phú, có chất lượng. Trong nghiên cứu khoa học, phải thể hiện tinh thần tìm tòi, học hỏi, để từ đó phát triển thêm nội dung và phạm vi nghiên cứu. Có thể từ những báo cáo chuyên đề Bộ môn, phát triển thành những bài viết chuyên sâu, chất lượng hơn đăng trên các tạp chí uy tín, hoặc hướng đến các công trình lớn hơn như đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường, cấp thành phố,… Hiện nay, các trường đại học đặt ra nhiều tiêu chí trong thực hiện nhiệm vụ của giảng viên, trong đó có tiêu chí về thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học. Đây chính là cơ hội thuận lợi cho giảng viên khắc phục tình trạng ngại nghiên cứu khoa học, được trực tiếp tham gia không chỉ với tư cách là chủ nhiệm, thành viên chính mà còn được rèn luyện các kỹ năng về xây dựng thuyết minh, đấu thầu đề tài... Do đó, giảng viên cần phải có ý thức tự giác, trách nhiệm cao và tâm huyết trong nghiên cứu. Làm khoa học bằng sự say mê, nhiệt tình, sáng tạo, sẽ giúp giảng viên khắc phục mọi khó khăn trong thực tiễn, giúp phát triển năng lực tư duy và khả năng sáng tạo của mình. Hoạt động này diễn ra thường xuyên, giảng viên sẽ có sự trưởng thành về chất, giúp tự tin hơn trong hoạt động giảng dạy.
Có thể khẳng định vai trò của người thầy dù ở thời đại nào, môi trường nào cũng quan trọng, đặc biệt với đội ngũ giảng viên giảng dạy lý luận chính trị càng phải nhận thức rõ được trọng trách cao cả của mình. Do vậy, với các yêu cầu trên, đòi hỏi giảng viên phải thực hiện thường xuyên, đồng bộ để phát triển toàn diện bản thân, có như thế mới đáp ứng được yêu cầu về nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị tại các trường đại học trong giai đoạn hiện nay.
Lời cảm ơn:
Nghiên cứu này được tài trợ bởi Trường Đại học Giao thông vận tải (ĐH GTVT) trong đề tài mã số T2023-PH_KHCB_001.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:
1 Hồ Chí Minh: Toàn tập (2011), t.11, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội tr.95.
2 Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I. Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội , tr.107.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Ban Chấp hành Trung ương Đảng (2021). Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng (tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng), Hà Nội.
- Bộ Giáo dục và Đào tạo (2019). Công văn số 3056/BGDĐT-GDĐH của Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 19/7/2019 về việc hướng dẫn thực hiện chương trình, giáo trình các môn Lý luận chính trị.
- Phạm Quốc Hưởng (2020). Một số vấn đề giáo dục ý thức chính trị cho sinh viên khu vực Tây Nguyên hiện nay. Luận án Tiến sĩ, Viện Khoa học xã hội.
- Hoàng Minh Loan (2017). Phương pháp tạo hứng thú cho sinh viên khi học các học phần Lý luận chính trị. Tạp chí Lý luận Truyền thông, Số 2, tr. 37-42.
- Hồ Chí Minh (2011). Toàn tập, tập 11. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
- Nguyễn Văn Tráng (2018). Một số giải pháp nâng cao chất lượng dạy học các môn lý luận chính trị cho sinh viên năm thứ nhất Trường Cao đẳng Sư phạm Bà Rịa - Vũng Tàu. Tạp chí Giáo dục, số đặc biệt tháng 6.
Promoting the role of lecturers in improving the political theory teaching quality
in universities
Master. Trinh Thi Thanh
Master. Pham Van Luong
University of Transport and Communications
Abstract:
This paper studies the role of lecturers in improving the quality of teaching political theory. Lecturers, who teach political theory, are people who are imbued with Marxism-Leninism, Ho Chi Minh Thought, and the Communist Party of Vietnam’s guidelines and have a direct impact on students’ thinking and knowledge. Therefore, lecturers should promote their roles well to meet the practical requirements set forth.
Keywords: lecturer, political theory, university, lecturer in political theory, teaching quality.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 22 tháng 10 năm 2023]