Giáo dục tư duy khởi nghiệp cho sinh viên kinh tế tại Trường Đại học An Giang

Giáo dục tư duy khởi nghiệp cho sinh viên kinh tế tại Trường Đại học An Giang do ThS. Lê Thụy Lam (Giảng viên, Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh, Trường Đại học An Giang - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Bài nghiên cứu phân tích thực trạng sinh viên ngành quản trị kinh doanh quan tâm đến khởi nghiệp tại Trường Đại học An Giang, tìm hiểu những khó khăn mà sinh viên gặp phải trong suốt quá trình từ ý tưởng đến thực tế. Từ đó, làm cơ sở để thực hiện nghiên cứu thứ hai về các giải pháp liên quan đến tinh thần khởi nghiệp của sinh viên.

Từ khóa: giáo dục tư duy khởi nghiệp, khởi nghiệp, sinh viên kinh tế, Trường Đại học An Giang.

1. Đặt vấn đề

Xây dựng ý tưởng khởi nghiệp kinh doanh đã được nghiên cứu mạnh mẽ hơn kể từ đầu thế kỷ XXI, đặc biệt đối với các sinh viên theo học ngành kinh tế thì đây lại là một trong những mục tiêu trọng tâm đóng góp vào việc phản ánh chất lượng giảng dạy của trường. Sự hỗ trợ về nhận thức của trường đại học có liên quan gián tiếp đến ý định khởi nghiệp của sinh viên thông qua các suy nghĩ và năng lực bản thân của sinh viên (Maike Liu, 2022).

Quyết định khởi nghiệp của sinh viên xoay quanh các yếu tố như các mối quan hệ cá nhân và môi trường học tập thử thách (Liu và cộng sự, 2022; Mayhew và cộng sự, 2016). Ngoài ra, còn có khả năng định hướng của giảng viên dành cho sinh viên (Sadoughi & Hejazi, 2021), mối quan hệ hỗ trợ giữa giảng viên và sinh viên, sinh viên và sinh viên có thể được coi là nền tảng của các quyết định khởi nghiệp. Sự phát triển các ý tưởng khởi nghiệp khi sinh viên còn học tại trường đại học có ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển của sinh viên sau khi tốt nghiệp, đây có thể là một trong những thời điểm tốt nhất để tác động và quyết định các ý tưởng khởi nghiệp được thực hiện hóa (Slinger, 2015).

Nguồn lực mạnh nhất của các trường đại học kích thích tinh thần khởi nghiệp là sinh viên, tuy nhiên, không có một mô hình chuẩn dành cho việc đánh giá về hiệu quả của các phương pháp khuyến khích sinh viên khởi nghiệp (Slinger, 2015). Vì thế, nghiên cứu này không tiếp cận theo khía cạnh đánh giá hiệu quả của các biện pháp thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp cho sinh viên đang triển khai trong giai đoạn hiện nay, mà tìm hiểu những khó khăn sinh viên gặp phải trong suốt một quá trình từ ý tưởng đến thực tế và đề xuất các giải pháp liên quan đến tinh thần khởi nghiệp của sinh viên.

2. Thực trạng sinh viên ngành quản trị kinh doanh quan tâm đến khởi nghiệp tại Trường Đại học An Giang

2.1. Cơ sở lý thuyết

Tác giả nghiên cứu dựa trên mô hình TPB, là một mô hình phản ánh các lựa chọn cá nhân hoặc các ý tưởng kinh doanh phụ thuộc vào lý trí của con người. Có 3 yếu tố quyết định các ý tưởng kinh doanh được hình thành, gồm:

Thứ nhất, mức độ thiện cảm, hay mức độ quan tâm đến các hoạt động khởi nghiệp.

Thứ hai, hành vi của cá nhân khi bị tác động của áp lực xã hội.

Thứ ba, kiểm soát hành vi khi gặp thử thách, yếu tố này có thể thu thập bằng việc cho đối tượng phỏng vấn trình bày những kinh nghiệm trong quá khứ hoặc xử lý tình huống trở ngại dự kiến (Ajizen, 2005).

2.2. Mẫu nghiên cứu

Tiến hành phỏng vấn 121 sinh viên đang theo học năm thứ nhất, chuyên ngành Quản trị kinh doanh, tại Trường Đại học An Giang.

2.3. Phương pháp nghiên cứu

Phương pháp khảo sát được áp dụng trong nghiên cứu nhằm làm rõ những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên đang theo học ngành Quản trị kinh doanh, tại Trường Đại học An Giang.

Phương pháp khảo sát: sử dụng phối hợp các phương pháp sau:

Khảo sát điều tra bằng bảng hỏi: tác giả xây dựng bảng hỏi dựa trên cơ sở lý thuyết với những câu hỏi đo lường mức độ quan tâm đến khởi nghiệp theo thang đo 7-10 điểm đồng nghĩa với việc chủ động tìm kiếm, tham gia các hoạt động liên quan đến khởi nghiệp, từ 5-7 điểm, tương đương mức độ bị động, hay sinh viên tham gia các hoạt động này là do bắt buộc hoặc vì mục đích khác, dưới 5 điểm có nghĩa là sinh viên không quan tâm và cũng chưa có khái niệm về khởi nghiệp.

Phỏng vấn sâu được áp dụng cho 2 tiêu chí đánh giá áp lực xã hội, mức độ tích cực của sinh viên liên quan đến các ý tưởng khởi nghiệp bằng cách đặt câu hỏi liên quan đến động cơ chọn ngành học và tình huống xử lý khi gặp rủi ro kinh doanh.

3. Kết quả nghiên cứu

Bảng 1. Thông tin cơ bản của sinh viên kinh tế

khởi nghiệp

Kết quả Bảng cho 1 cho thấy sự khác biệt về giới tính khá nhiều ở đây, với  tỷ lệ nữ học ngành Quản trị kinh doanh chiếm 75,2%. Sức hấp dẫn của ngành học này đối với nữ nhiều hơn nam. Qua quá trình phỏng vấn sâu, các đối tượng phỏng vấn đều có định hướng công việc văn phòng sau khi tốt nghiệp, công việc này sẽ thu hút các bạn có giới tính nữ hơn giới tính nam, do đặc thù công việc mang tính ổn định, môi trường không quá khắc nghiệt. Bên cạnh đó, kết quả tuyển sinh hằng năm đối với khoa Kinh tế nói chung và ngành Quản trị kinh doanh nói riêng,  tỷ lệ nữ giới luôn cao hơn nam giới.

Bảng 2. Kết quả khảo sát về mức độ quan tâm đến khởi nghiệp

khởi nghiệp

Kết quả Bảng 2 cho thấy, đối với biến áp lực xã hội, tác giả chọn phỏng vấn 2 câu hỏi, một là khả năng tiếp cận với các chương trình truyền hình hoặc các tin tức liên quan đến khởi nghiệp, kết quả chỉ có khoảng 19% sinh viên chủ động và có hứng thú với các câu chuyện khởi nghiệp, có 58,7% tiếp nhận thông tin một cách thụ động và đáng chú ý là có 22,3% sinh viên theo học ngành Quản trị kinh doanh, nhưng vẫn chưa bao giờ nghe qua hoặc nhìn thấy những mô hình khởi nghiệp thông qua các tin tức thường ngày.

Câu hỏi thứ hai là sinh viên có học tập những bài học khởi nghiệp thông qua sách, tài liệu, hoặc những mẩu chuyện trên các tạp chí, chỉ có 34,7% chủ động học tập tìm hiểu, còn lại hầu như không quan tâm và cũng không tự học.

Bảng 3. Kết quả khảo sát tác động từ áp lực xã hội
đến việc hình thành ý tưởng khởi nghiệp

khởi nghiệp

Kết quả Bảng 3 cho thấy, số lượng sinh viên lựa chọn ngành học theo xu hướng xã hội chiếm đa số 55,8%, 18% là do gia đình lựa chọn và chỉ có 29,2% thực sự hiểu rõ và có đầy đủ thông tin về ngành học.

Và cũng khá tương đồng với xu hướng xã hội thì 52,1% sinh viên mong muốn có một công việc văn phòng ổn định sau khi tốt nghiệp, 29,8% họ muốn kinh doanh theo hướng thương mại, số ít còn lại có ý định khởi nghiệp.

Bảng 4. Kết quả khảo sát thái độ chấp nhận rủi ro khi kinh doanh

khởi nghiệp

Kết  quả Bảng 4 cho thấy, nếu được chọn 1 sản phẩm để kinh doanh, đa phần sinh viên sẽ lựa chọn các sản phẩm có sẵn, hoặc kinh doanh các loại dịch vụ ăn uống hơn là đầu tư nghiên cứu sản xuất sản phẩm.

Khoảng 76,9% sinh viên sẽ kiên trì theo đuổi dự án của mình dù bị thua lỗ, phần còn lại chuyển sang các dự án khác phù hợp hơn.

4. Thảo luận kết quả

Kết quả phỏng vấn cho thấy, phần lớn các sinh viên đang theo học năm thứ nhất ngành Quản trị kinh doanh chưa quan tâm đến khởi nghiệp. Một phần là do sinh viên chưa nhận thức được tầm quan trọng và những giá trị mà khởi nghiệp mang đến cho bản thân. Một lý do khác cần đề cập đến là do năng lực tự học và mở rộng nghiên cứu của sinh viên chưa thực sự phát huy, nên sinh viên chỉ tập trung học những kiến thức trong chương trình học.

Sinh viên bị ảnh hưởng nhiều với những áp lực từ xã hội và nhạy cảm với các xu hướng nghề nghiệp, chủ yếu suy nghĩ đến những công việc văn phòng truyền thống, hoặc nếu có kinh doanh thì vẫn theo kinh doanh thương mại hơn là kinh doanh sản xuất. Những suy nghĩ này là hệ quả của việc sinh viên không được tiếp cận với tư duy khởi nghiệp, hoài nghi về tính khả thi của mô hình khởi nghiệp và do bị giới hạn về kiến thức, nên rất khó để sáng tạo.

Đối với khả năng chấp nhận rủi ro, tác giả đã sử dụng 2 chỉ tiêu, đó là sản phẩm mà sinh viên lựa chọn để kinh doanh và kinh doanh dịch vụ ăn uống. Tuy nhiên, đa phần các bạn chọn sản phẩm có sẵn hoặc dễ dàng nhất hiện nay là kinh doanh dịch vụ ăn uống. Đây vẫn chưa được gọi là mô hình khởi nghiệp hiệu quả và phương án xử lý khi gặp rủi ro thua lỗ, đa phần sẽ quyết định theo cảm tính là duy trì đến khi ổn định. Các đối tượng phỏng vấn không đưa thêm được những phương án tốt hơn và cũng không có xu hướng chọn cả hai, cho thấy sinh viên ngại thay đổi để thích ứng, không nhạy cảm với rủi ro.

5. Kết luận

Trong bối cảnh xã hội hiện đại, Việt Nam đang ở giai đoạn phát triển tài chính mạnh mẽ, vấn đề lập nghiệp, khởi nghiệp càng được chú trọng, độ tuổi doanh nhân ngày càng trẻ hóa, đặc biệt đối với sinh viên ngành Quản trị, vấn đề tạo nền tảng tư duy khởi nghiệp ngay khi còn trên ghế nhà trường lại càng cấp bách hơn. Phần lớn sinh viên đang theo học có sự lựa chọn ngành học theo xu hướng, nên khả năng tự tìm tòi, học hỏi còn bị hạn chế khá nhiều. Nhà trường đóng vai trò cung cấp thông tin, tạo hứng thú và hỗ trợ định hướng lại cho sinh viên về kiến thức, cũng như mô hình thực tế liên quan đến khởi nghiệp.

Theo đó, Nhà trường cần tăng cường thành lập các câu lạc bộ khởi nghiệp để sinh viên có môi trường trao đổi, học hỏi lẫn nhau, cùng nhau lập thân, lập nghiệp, cùng nhau sáng tạo để khởi nghiệp; Tổ chức chương trình giao lưu với các diễn giả ở các trung tâm khởi nghiệp, tham quan những mô hình khởi nghiệp thành công tại địa phương cũng như các tỉnh lân cận; Đồng thời đem khởi nghiệp đến gần hơn, thực tế hơn và khai mở cho sinh viên thấy được tầm quan trọng của việc nghiên cứu, chế tạo sản phẩm, bán ra thị trường là một trong những yếu tố then chốt quyết định sự phát triển của nền kinh tế.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Maike Liu (2022). Perceived university support and entrepreneurial intentions: Do different students benefit differently? Studies In Educational Evaluation, 73(2), 101-150.
  2. Sadoughi & Hejazi (2021). How entrepreneurship program characteristics foster students' study engagement and entrepreneurial career intentions: A longitudinal study. Learning and Individual Differences, 101, 102249.
  3. Slinger (2015). How education, stimulation, and incubation encourage student entrepreneurship: Observations from MIT, IIIT, and Utrecht University. The international journal of management education, 13(2), 170-181.

EDUCATING ENTREPRENEURSHIP

THINKING FOR AN GIANG UNIVERSITY’S ECONOMICS STUDENTS

• Master. LE THUY LAM

Lecturer, Faculty of Economics - Business Management,

An Giang University, Vietnam National University - Ho Chi Minh City   

ABSTRACT:

This study investigates the current entrepreneurship of An Giang University ‘s business administration students. The study explores the difficulties facing students from producing ideas to putting these ideas into practice. This study’s results serve as the basis for the second study on solutions for increasing the entrepreneurship of An Giang University’s business administration students.

Keywords: entrepreneurship education, entrepreneurship, economics students, An Giang University.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 13 tháng 5 năm 2023]

Tạp chí Công Thương