Phát triển kinh tế đêm tại Thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa

ThS. NGUYỄN HỮU THÁI THỊNH - ThS. NGUYỄN THỊ HỒNG CẨM (Trường Đại học Khánh Hòa)

TÓM TẮT:

Kinh tế đêm giúp khai thác hiệu quả hơn các nguồn tài nguyên, các nguồn lực tại chỗ, gắn kết cộng đồng để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Trước sức ép cạnh tranh và nhằm nâng cao sức hấp dẫn của điểm đến, du lịch tỉnh Khánh Hòa cần đa dạng hóa và tạo sự khác biệt hơn cho sản phẩm du lịch của địa phương. Việc phát triển thêm nhiều sản phẩm du lịch ban đêm sẽ giúp du lịch tỉnh Khánh Hòa trở nên ấn tượng và tăng sức hấp dẫn. Bài viết phân tích vai trò của kinh tế đêm và một số vấn đề liên quan đến việc phát triển kinh tế đêm tại Thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, nhằm gợi mở những giải pháp quan trọng trong chiến lược phát triển sản phẩm du lịch địa phương.

Từ khóa: kinh tế đêm, Nha Trang, sản phẩm du lịch, du lịch Nha Trang, du lịch thông minh.

1. Đặt vấn đề

Trên thế giới, phát triển kinh tế đêm đã được nhiều quốc gia xem là chiến lược phát triển kinh tế mũi nhọn. Nhiều thành phố lớn như London (Anh), Bắc Kinh (Trung Quốc), New York (Mỹ), Bangkok (Thái Lan),… với nhiều chính sách và quản lý kinh tế đêm hiệu quả đã góp phần phát triển kinh tế, xã hội địa phương. Ở Việt Nam, kinh tế đêm cũng đã được nhiều địa phương phát triển, giúp nâng cao thu nhập và đời sống của người dân; kết nối người dân địa phương với du khách trong và ngoài nước. Kinh tế đêm phát triển cũng sẽ tạo được nhiều ngành nghề kinh doanh mới, tạo nguồn thu ngân sách, giúp nâng cao hiệu quả sử dụng cơ sở vật chất, với nhiều hoạt động kinh tế, văn hóa về đêm, góp phần kéo dài ngày lưu trú của khách du lịch. Ngày 27/7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1129/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển kinh tế đêm ở Việt Nam. Điều này đã tạo tiền đề cho sự phát triển của kinh tế đêm.

Nha Trang là một điểm đến với nhiều tiềm năng phát triển du lịch, như: khí hậu, địa hình, tài nguyên tự nhiên phong phú, đặc sắc mang đậm nét riêng, có sức hấp dẫn khách du lịch. Hệ thống hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất, môi trường du lịch thân thiện, an toàn, cùng các dịch vụ về đêm hiện có là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế đêm. Trong thời gian vừa qua, ngành Du lịch Khánh Hòa chịu rất nhiều tổn thất với lượng khách trong nước và quốc tế sụt giảm nghiêm trọng, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Trước tình hình đó, phát triển kinh tế đêm tại Nha Trang là một yêu cầu tất yếu của ngành Du lịch Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

2. Vai trò kinh tế đêm

2.1. Khái niệm kinh tế đêm

Kinh tế đêm là khái niệm đề cập đến phạm vi hoạt động giải trí và trải nghiệm liên quan đến các mô hình giao lưu và giải trí tập thể vào ban đêm, bao gồm ăn uống và thực hành sáng tạo (Rowe và cộng sự, 2008). Kinh tế đêm đề cập đến các hoạt động kinh tế diễn ra từ 6 giờ chiều hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau, bao gồm các lĩnh vực ẩm thực, nghệ thuật, âm nhạc, giải trí, lễ hội, sự kiện, y tế, giáo dục, giao thông, công nghiệp xây dựng,… (Son và cộng sự, 2020). Rộng hơn, kinh tế đêm được định nghĩa là biểu hiện nổi bật của mối quan hệ phức tạp và năng động giữa kinh tế, xã hội, văn hóa và vật chất của các thành phố tập trung vào các hoạt động giải trí và lối sống (Rowe và cộng sự, 2008).

2.2. Vai trò kinh tế đêm

Kinh tế đêm ngày nay đã trở thành một xu hướng và được nhiều quốc gia, nhiều địa phương xác định là một trong những động lực tăng trưởng kinh tế. Kinh tế đêm phát triển sẽ mang đến những lợi ích cơ bản sau:

- Li ích về mặt kinh tế: Kinh tế đêm phát triển sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho địa phương; thúc đẩy phát triển nhiều ngành nghề kinh doanh, thu hút nhiều nhà đầu tư vào các cơ sở kinh doanh; mang lại nguồn ngoại tệ lớn (Son và cộng sự, 2020). Kinh tế đêm là cơ hội để vực dậy những khu đô thị vốn hoang vắng và yên tĩnh về đêm, mang lại doanh thu lớn hơn cho các doanh nghiệp (Seijas và Gelders, 2020).

- Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế: Sự phát triển của các mô hình kinh tế đêm sẽ mang lại một số lượng lớn khách Du lịch trong và ngoài nước, dẫn đến việc tăng tỷ trọng của ngành Du lịch trong tổng số GDP và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Thông qua việc đáp ứng nhu cầu ẩm thực, các sản phẩm như đồ lưu niệm, đồ thủ công mỹ nghệ,… của khách du lịch, sự phát triển của ngành Du lịch sẽ kích thích phát triển các ngành kinh tế khác, như: nông nghiệp, công nghiệp, thương mại và dịch vụ (Son và cộng sự, 2020).

- Nâng cao sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh của điểm đến: Kinh tế đêm cho phép chính quyền địa phương đa dạng hóa các hoạt động giải trí và thương mại. Phát triển kinh tế đêm đồng nghĩa với phát triển các sản phẩm và dịch vụ ban đêm phục vụ du khách bao gồm ăn uống, vui chơi giải trí, mua sắm cùng các hoạt động văn hóa, thể thao, biểu diễn nghệ thuật,… Song hành với việc phát triển các sản phẩm và dịch vụ đa dạng hơn, cơ sở vật chất và các điều kiện về an ninh, an toàn, các vấn đề về môi trường và xã hội cũng sẽ được cải thiện đáng kể. Điều này sẽ góp phần làm cho điểm đến trở nên hấp dẫn hơn trong mắt du khách và năng lực cạnh tranh cũng từ đó được nâng lên (Son và cộng sự, 2020); thúc đẩy du lịch địa phương, tạo ra một cảm giác thân thuộc hơn (Seijas và Gelders, 2020). Kinh tế đêm cũng đóng một vai trò không thể thiếu trong việc tái tạo đô thị, tăng sức sống cho các thành phố, xây dựng hình ảnh, danh tiếng cho điểm đến, cũng như mang lại niềm tự hào cho người dân địa phương (Randwick City Council, 2019).

- Mang đến những lợi ích về văn hóa và xã hội: Theo Randwick City Council (2019), kinh tế đêm mang lại những lợi ích đáng kể về mặt xã hội cũng như văn hóa cho địa phương. Những hoạt động đa dạng mang tính trải nghiệm sẽ mang lại sự kết nối và cơ hội tương tác xã hội nhiều hơn, giúp nâng cao đời sống văn hóa của cộng đồng. Những hoạt động âm nhạc, văn hóa, biểu diễn mang đến những cơ hội giao lưu nghệ thuật, mang đến sự thụ hưởng đời sống văn hóa cho người dân địa phương. Kinh tế đêm đa dạng và thân thiện sẽ thúc đẩy an ninh công cộng tốt hơn, các địa điểm văn hóa - xã hội, các không gian công cộng sẽ sôi động và an toàn hơn. Ở một khía cạnh khác, kinh tế đêm sẽ mang đến nhiều cơ hội việc làm hơn cho người dân địa phương; cải thiện cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật như hệ thống giao thông, đường xá, điện, nước, nhà hàng, các cửa hiệu, nhà nghỉ, khách sạn,... nâng cao đời sống cho người dân địa phương.

3. Thực trạng phát triển kinh tế đêm tại Nha Trang, Khánh Hòa

3.1. Thực trạng phát triển du lịch Nha Trang - Khánh Hòa những năm gần đây

Nhìn vào lượng khách du lịch (Biểu đồ 1), cơ cấu thị trường khách đang có những dịch chuyển rõ rệt với những điểm đáng chú ý. Khách du lịch nội địa đến Khánh Hòa có xu hướng tăng chậm. Năm 2018, Khánh Hòa đón 3.457.880 lượt khách nội địa, chỉ tăng hơn 1,16% so với năm 2017. Khách nội địa đến Khánh Hòa vào năm 2017 cũng chỉ tăng 2,53% so với năm 2016. Trong các năm 2012, 2016, đặc biệt là 2017, 2018, tốc độ tăng trưởng của lượng khách chỉ còn tăng từ 3% - 4%/năm. Trong khi đó, tỷ lệ khách quốc tế tăng cao trong các năm từ 2011 - 2019. Trong năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, lượng khách đến Nha Trang, Khánh Hòa sụt giảm mạnh.

Biểu đồ 1. Tăng trưởng khách du lịch giai đoạn 2011 - 2021

tang-truong-khach-du-lich-giai-oan-2011---2021 Nguồn: Sở Du lịch Khánh Hòa, 2021

Riêng về cơ cấu khách du lịch quốc tế, khách du lịch Trung Quốc chiếm gần 74% trong tổng số khách du lịch quốc tế (Sở Du lịch Khánh Hòa, 2021). Đây là một thách thức của ngành Du lịch Khánh Hòa, ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững dài hạn của du lịch tỉnh Khánh Hòa khi phụ thuộc vào một, hoặc một vài thị trường. Trong khi đó, khách du lịch Trung Quốc có mức chi tiêu tại chỗ thấp (khoảng 800 USD/chuyến du lịch, trong khi mức bình quân ở khu vực châu Á là trên 2.000 USD). Mặt khác, khách du lịch thuộc phân khúc khác như: châu Âu, Úc, Mỹ, Canada,... sụt giảm mạnh trong những năm gần đây. Thực trạng này phản ánh sự mất cân đối về thị trường khách quốc tế đến Khánh Hòa, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả kinh doanh du lịch về lâu dài của ngành Du lịch địa phương. Đặc biệt, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, khi không thể khai thác thị trường khách du lịch quốc tế, ngành Du lịch Nha Trang nói riêng, Khánh Hòa nói chung rơi vào tình trạng khủng hoảng.

Với việc tỷ lệ khách nội địa có xu hướng giảm qua các năm, cùng với việc mất cân đối trong cơ cấu thị phần khách du lịch quốc tế, cho đến đầu năm 2021, khi tình hình dịch bệnh cơ bản đã được khống chế, cùng với nhiều chính sách kích cầu du lịch nội địa khi chưa thể khai thác thị trường khách quốc tế, trong khi ngành Du lịch của nhiều địa phương đã bắt đầu hoạt động sôi nổi trở lại, nhưng du lịch Khánh Hòa vẫn trầm lắng. 

Biểu đồ 2. Kịch bản tăng trưởng 3,5 triệu khách du lịch nội địa năm 2021

kich-ban-tang-truong-35-trieu-khach-du-lich-noi-ia-nam-2021

Nguồn: Sở Du lịch Khánh Hòa, 2021

3.2. Thực trạng các hoạt động và sản phẩm dịch vụ du lịch ban đêm tại Nha Trang

Nha Trang - Khánh Hòa có đầy đủ các điều kiện để phát triển kinh tế đêm, từ đó tăng ngày lưu trú của khách du lịch, gia tăng sức hấp dẫn cho địa phương, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế. Cụ thể:

- Môi trường an toàn và an ninh; công tác hỗ trợ du khách ngày càng được quan tâm; người dân thân thiện, mến khách.

- Các hoạt động, dịch vụ về đêm đang dần hình thành và từng bước phát triển về số lượng và chất lượng.

- Có nhiều tiềm năng phát triển mạnh trong thời gian qua, với lượng khách du lịch đến ngày càng tăng, đặc biệt là khách quốc tế.

- Thu nhập từ tầng lớp trung lưu tại Việt Nam tăng trong những năm qua, dẫn đến nhu cầu và mức chi tiêu của người dân và khách du lịch nội địa cho các hoạt động về đêm cũng tăng theo.

- Nguồn cung lưu trú dồi dào.

Các hoạt động kinh tế đêm đã được triển khai tại Nha Trang, Khánh Hòa từ khá lâu, tuy nhiên còn manh mún và nhỏ lẻ, chưa được quy hoạch và đầu tư bài bản để hình thành nên nền kinh tế đêm. Hiện tại, các hoạt động và sản phẩm dịch vụ du lịch ban đêm tại Nha Trang có 4 nhóm, gồm: hoạt động vui chơi giải trí, dịch vụ ăn uống, dịch vụ mua sắm và dịch vụ tham quan du lịch đêm. Thực trạng các hoạt động và sản phẩm đó cụ thể như sau:

- Hoạt động vui chơi giải trí: Các hoạt động vui chơi giải trí chưa phong phú và đa dạng ở hình thức; quy mô nhỏ. Các dịch vụ nằm rải rác nhiều nơi trong thành phố, mang tính nhỏ lẻ và tự phát. Các địa điểm ca nhạc, vũ trường chỉ được phép mở cửa đến 24h; khu vui chơi giải trí chủ yếu ở các khu nghỉ mát trên đảo. Các hoạt động vui chơi có thưởng dành cho người nước ngoài (casino), sẽ đem lại nguồn thu khá tốt cho ngân sách nếu khai thác tốt, nhưng hiện tại cũng chưa thật sự thu hút, bởi quy mô chưa tương xứng. Các chương trình biểu diễn nghệ thuật như Ducashow được đầu tư khá bài bản, nội dung và hình thức thể hiện tốt, mang đậm bản sắc Việt Nam, nhưng vẫn chưa thu hút được du khách, đặc biệt khách du lịch nước ngoài. Ngoài ra, Nha Trang hiện có 2 khu chợ đêm đã đáp ứng nhu cầu du khách, nhưng các sản phẩm bày bán chưa mang đậm văn hóa địa phương và chưa tạo được sự khác biệt cho chợ đêm Nha Trang.

- Dịch vụ ăn uống: Các cơ sở dịch vụ ăn uống khá phong phú và đa dạng, với nhiều loại hình khác nhau, như: nhà hàng, quán cà phê, bar, pub, club và các quán ăn,… nằm dọc ở các tuyến đường trung tâm của thành phố. Bên cạnh những đặc sản địa phương, ẩm thực của nhiều quốc gia nổi tiếng về văn hóa ẩm thực như: Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Mexico, Pháp, Ý, Hàn Quốc,… cũng được khá nhiều cơ sở kinh doanh khai thác với nhiều quy mô và cấp hạng khác nhau. Tất cả các cơ sở đều hoạt động tối đa đến 24h đêm. Những con phố chuyên kinh doanh ẩm thực như Chợ đêm trên đường Trần Phú, chợ đêm cạnh Khách sạn Yasaka và các phố Hải sản ở đường Nguyễn Thị Minh Khai, Tháp Bà cũng hoạt động chỉ đến 23h.

- Dịch vụ mua sắm: có khá nhiều trung tâm thương mại, hệ thống đại siêu thị khá lớn và sang trọng, cùng các shophouse kinh doanh các mặt hàng thời trang, mỹ phẩm, đồ lưu niệm hoạt động khoảng 22h - 23h và hệ thống các cửa hàng tiện lợi minimart hoạt động 24/24h, chủ yếu tại các khu vực tập trung nhiều khách nước ngoài.

- Dịch vụ tham quan du lịch đêm: Một số hoạt động tham quan nổi bật vào ban đêm tại Khánh Hòa như: tour du lịch đường thủy ngắm cảnh, thưởng thức âm nhạc, ăn uống,… trên du thuyền. Tour tham quan thành phố, ngắm cảnh dọc đường biển bằng xích lô. Các dịch vụ này hiện đều được khai thác đến 22h.

Các hoạt động, dịch vụ về đêm tại Nha Trang đang dần hình thành và từng bước phát triển về số lượng và chất lượng. Các dịch vụ cơ sở phục vụ các hoạt động ban đêm như ăn uống, mua sắm hiện tại về cơ bản đã được đầu tư, tuy nhiên chưa được quy hoạch bài bản trong một chiến lược tổng thể cùng với các điều kiện bảo đảm về an toàn, an ninh. Một số các hoạt động vui chơi giải trí, các hoạt động văn hóa văn nghệ chưa đa dạng, phòng phú và hấp dẫn. Hơn nữa, các hoạt động kinh tế đêm chưa được quy hoạch, tạo thành các khu vực riêng nhằm tạo sức hút, thuận tiện cho du khách, đồng thời việc các hoạt động kinh tế đêm xen lẫn với khu dân cư gây ra những ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. Nha Trang chưa có cơ chế chính sách thu hút đầu tư phát triển kinh tế ban đêm; các dịch vụ như bar, pub, karaoke... theo quy định chỉ được hoạt động đến 24h dẫn đến hạn chế trải nghiệm của người dân và du khách. Hơn nữa, nhận thức và tư duy về phát triển kinh tế ban đêm chưa thật sự đồng bộ. Đặc biệt, thói quen sinh hoạt của người dân Khánh Hòa về đêm cũng là một rào cản, khó vận động được cộng đồng dân cư cùng chung tay phát triển kinh tế ban đêm. Bên cạnh đó, ý thức tự giác, văn minh đô thị của một bộ phận người dân chưa cao. Công tác tuyên truyền, truyền thông về các hoạt động, dịch vụ ban đêm của Khánh Hòa đến người dân và du khách còn chưa được chú trọng.

4. Đề xuất một số giải pháp phát triển kinh tế đêm tại Thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa

Du lịch Nha Trang, Khánh Hòa rất phát triển và có đầy đủ các điều kiện để phát triển kinh tế đêm, từ đó tăng ngày lưu trú của khách du lịch, gia tăng sức hấp dẫn cho địa phương, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế. Do vậy, Nha Trang cần có sự nghiên cứu và đầu tư phát triển kinh tế đêm, khuyến khích thêm nhiều đơn vị cung cấp thuộc nhiều thành phần kinh tế khác nhau.

          Thứ nhất, tăng cường sự liên kết giữa các cá nhân, doanh nghiệp cung ứng sản phẩm, dịch vụ du lịch ban đêm, nhằm khai thác tốt hơn các sản phẩm một cách đồng bộ theo một chuỗi cung ứng để tạo thuận tiện cho khách du lịch, những người sử dụng dịch vụ, cùng trải nghiệm nhiều sản phẩm dịch vụ trong một khoảng thời gian nhất định.

Thứ hai, tổ chức các phố đi bộ theo hướng quy hoạch các tuyến kết nối với nhau trên các trục đường vốn là trung tâm du lịch của Nha Trang, như: tuyến đường Lê Thánh Tôn, Trần Phú, Yersin, Nguyễn Thị Minh Khai.

Thứ ba, phát triển các sản phẩm dịch vụ ban đêm, như: vui chơi giải trí, mua sắm, ẩm thực, các hoạt động giải trí văn hóa nghệ thuật đặc sắc, đặc biệt là các hình thức biểu diễn nghệ thuật truyền thống, các dịch vụ ẩm thực (nhà hàng, cà phê, bar) và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe dọc trên các tuyến đường phố đi bộ.

Thứ tư, đối với các khu chợ đêm hiện tại, cần nâng cấp về quy mô và chất lượng các hoạt động và sản phẩm được bày bán tại đó. Mặt khác, cần kéo dài thời gian hoạt động theo giờ chung của tất cả các hoạt động khác.

Thứ năm, nghiên cứu xây dựng thêm các sản phẩm mới lạ, độc đáo, khác biệt so với các địa phương khác trong và ngoài nước, tạo nét khác biệt và dấu ấn cho du lịch Nha Trang. Quy hoạch và xây dựng thêm các khu vui chơi giải trí về đêm, các khu ẩm thực, các khu mua sắm cao cấp miễn thuế,…

5. Kết luận

Kinh tế đêm với những đóng góp lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung, ngành Du lịch nói riêng đang dần trở thành một xu hướng phát triển trên thế giới và tại Việt Nam. Các hoạt động kinh tế đêm đã được triển khai tại Nha Trang, Khánh Hòa và một số địa phương khác khá lâu, tuy nhiên còn manh mún và nhỏ lẻ, chưa được quy hoạch bài bản để hình thành nên nền kinh tế đêm. Với việc phát triển kinh tế đêm, sức hút và năng lực cạnh tranh của điểm đến du lịch Nha Trang sẽ dần được cải thiện, tạo tiền đề phục hồi kinh tế sau giai đoạn hậu Covid-19 bằng việc phát triển nhiều sản phẩm, dịch vụ du lịch phong phú, đa dạng, hấp dẫn, mang đậm dấu ấn địa phương. Phát triển kinh tế đêm tại Nha Trang sẽ góp phần mang đến nhiều cơ hội trải nghiệm cho du khách, tăng sức hút và thương hiệu của điểm đến, từ đó nâng cao mức chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú của du khách.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Nguyen Ngoc Son et al. (2020). Developing night-time economy in Vietnam-the case of Hanoi. Retrieved from: https://khoamoitruongdothi.neu.edu.vn/Resources/Docs/SubDomain/khoamoitruong dothi/ISDEED2020/12.%20Developing%20NightTime%20Economy%20In%20Vietnam%20-%20The%20Case%20Of%20Hanoi.pdf.
  2. Rowe, D., Stevenson, D., Tomsen, S., and Bavinton, N. (2008). Cultural planning and governance of the night-time economy in Parramatta. Centre for Cultural Research University of Western Sydney Building EM, Parramatta Campus Locked Bag 1797 Penrith South DC NSW 1797 Australia.
  3. Randwick city council. Night time economy study. Retrieved from: https://www.randwick.nsw.gov.au/_data/assets/pdf_file/0003/292503/Draft-Night-Time-Economy-Study.pdf.
  4. Seijas, and Gelders, M.M. (2020). Governing the night-time city: The rise of night mayors as a new form of urban governance after dark. SAGE journal, 23(January). https://doi.org/10.1177/0042098019895224.

 

THE NIGHT-TIME ECONOMY DEVELOPMENT IN NHA TRANG CITY, KHANH HOA PROVINCE

Master. NGUYEN HUU THAI THINH1

 Master. NGUYEN THI HONG CAM1

1 Khanh Hoa University

ABSTRACT:

Night-time economy contributes to effectively exploit local resources and improve local community cohesion to attract domestic and foreign tourists. To cope with the increasingly competitive pressure in the tourism industry and to improve the attractiveness of local destinations, Khanh Hoa province needs to diversify its tourism products and create its uniqueness. The development of more night-time tourism products will help Khanh Hoa province become more impressive and attractive. This paper analyzes the role of the night-time economy and some issues related to the development of the night-time economy in Nha Trang City, Khanh Hoa province in order to find out appropriate solutions for the city’s tourism products development strategy.

Keywords: night-time economy, Nha Trang, tourism products, Nha Trang’s tourism sector, smart tourism.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 17, tháng 7 năm 2022]