Phát triển năng lực đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp Việt Nam trong thời đại công nghiệp 4.0

ThS. NGUYỄN THỊ MINH HUYỀN (Khoa Quốc tế, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội)

TÓM TẮT:

Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã nâng cao đáng kể về năng suất lao động, đề cao vai trò của con người là chủ thể tạo ra các giá trị cốt lõi và là trọng tâm của sự phát triển bền vững. Việt Nam đang đứng trước ngã rẽ quan trọng khi tốc độ tăng trưởng GDP đã dần chững lại trong bối cảnh các nguồn tài nguyên bắt đầu cạn dần. Điều này, đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam cần phải đổi mới sáng tạo nhằm đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế. Bài viết nghiên cứu về phát triển năng lực đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp Việt Nam trong thời đại công nghiệp 4.0.

Từ khóa: năng lực, phát triển năng lực, năng lực đổi mới sáng tạo, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

1. Đặt vấn đề

Thế giới đang phát triển rất nhanh chóng do sự dẫn dắt của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và cùng với các yếu tố khác, điều này đang có tác động rất lớn đến nền kinh tế thế giới nói chung và hoạt động của doanh nghiệp nói riêng. Đổi mới sáng tạo luôn là một yếu tố quyết định thành công của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 [1]. Việc thay đổi tư duy và tăng cường nguồn vốn hỗ trợ trong đổi mới sáng tạo là nhiệm vụ cấp thiết đối với các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nói riêng Việt Nam.

2. Khái niệm về năng lực đổi mới sáng tạo

Năng lực sáng tạo và đổi mới có thể được hiểu là khả năng thách thức tư duy truyền thống và nhìn nhận tình huống dưới góc độ mới, đưa ra các cách làm mới, xây dựng các sản phẩm, quy trình mới cũng như dịch vụ tiện ích mới.

Nói cách khác, đổi mới sáng tạo liên quan đến sự thay đổi và tính mới. Tính mới này có thể là mới đối với doanh nghiệp, mới đối với thị trường và mới đối với thế giới khi doanh nghiệp lần đầu tiên giới thiệu sự đổi mới cho tất cả các thị trường. Bên cạnh đó, đổi mới sáng tạo có thể mang ý nghĩa về khía cạnh công nghệ và phi công nghệ (về mô hình kinh doanh, chiến lược marketing).

3. Vai trò của sự đổi mới sáng tạo đối với các doanh nghiệp

Đối với doanh nghiệp, thực hiện đổi mới sáng tạo là tất yếu, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng trở nên sâu rộng. Công nghệ thông tin phát triển ngày càng nhanh, áp lực cạnh tranh ngày càng gia tăng, nhu cầu của khách hàng ngày càng đa dạng và thường xuyên thay đổi [2]. Điều này đặt ra thách thức không nhỏ cho các doanh nghiệp trong nước. Bên cạnh đó, những đổi mới mang tính đột phá từ những đối thủ cạnh tranh trong ngành có thể tạo ra áp lực lớn hơn nhằm tìm ra con đường mới để phát triển của các doanh nghiệp. Do vậy, để tồn tại và phát triển, các doanh nghiệp cần phải liên tục đổi mới ngay cả khi quá trình này diễn ra chậm.

Trên thực tế, sự tiến bộ kỹ thuật là chưa đủ để đảm bảo thành công. Đổi mới còn có nghĩa là dự đoán nhu cầu của thị trường, cung cấp chất lượng hoặc dịch vụ cao cấp hơn, tổ chức hiệu quả, nắm vững chi tiết và kiểm soát chi phí chặt chẽ. Do vậy, các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo mới chính là các doanh nghiệp phát triển bền vững trong tương lai, được đặc trưng bởi mức độ nhận thức cao, tính linh hoạt và khả năng thích ứng với những biến động, khả năng tích hợp thành công các công nghệ mới trong hệ thống hiện có, với thời gian và chi phí tối thiểu.

Thêm vào đó, việc đổi mới sáng tạo là yếu tố chính quyết định năng lực cạnh tranh, tăng trưởng, lợi nhuận và tạo ra các giá trị bền vững cho các doanh nghiệp, cho phép doanh nghiệp tạo ra lợi thế cạnh tranh dài hạn thông qua việc tập hợp tri thức, kỹ năng về công nghệ, kinh nghiệm trong sáng tạo và phát triển và giới thiệu ý tưởng mới trong hình thức của đổi mới sản phẩm, đổi mới quy trình sản xuất hoặc việc đổi mới mô hình kinh doanh. Nói chung, việc đổi mới sáng tạo đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu suất và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Một cách cụ thể, việc đổi mới sáng tạo dưới hình thức là sản phẩm mới góp phần gia tăng doanh số vì các sản phẩm mới này đóng góp đáng kể vào sự hài lòng của khách hàng hiện tại cũng như tìm kiếm được các khách hàng mới, đổi mới sản phẩm mang lại lợi ích cho năng suất của doanh nghiệp bằng cách tạo ra một nguồn nhu cầu tiềm năng có khả năng làm tăng hiệu ứng quy mô hoặc yêu cầu ít đầu vào hơn so với các sản phẩm cũ.

Mức độ ảnh hưởng của đổi mới sản phẩm tới năng suất của doanh nghiệp là khác nhau tùy thuộc vào tính mới, một sản phẩm là mới với thị trường sẽ có tiềm năng lớn hơn trong việc gia tăng năng suất. Ngoài ra, việc đổi mới sáng tạo cho phép các doanh nghiệp trình bày sản phẩm mới hoặc sản phẩm được cải thiện tới thị trường trước các đối thủ cạnh tranh và do đó có thể gia tăng thị phần của doanh nghiệp. Việc đổi mới quy trình sản xuất sẽ làm giảm chi phí sản xuất hoặc chi phí vận chuyển, gia tăng chất lượng sản phẩm.

Đổi mới phương pháp tổ chức có thể là tiền đề và tạo điều kiện cho đổi mới sản phẩm và đổi mới quy trình, vì thành công của đổi mới sản phẩm và quy trình phụ thuộc vào sự thích hợp của những thay đổi đó đối với cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp. Đổi mới phương pháp tổ chức làm giảm chi phí hành chính hoặc chi phí giao dịch, cải thiện tính linh hoạt và sự hài lòng nơi làm việc và do đó gia tăng năng suất lao động.

Thêm nữa, việc đổi mới về quy trình sản xuất và phương pháp tổ chức đóng góp lớn cho việc giảm chi phí và gia tăng tính linh hoạt của các doanh nghiệp. Ngoài ra, đổi mới marketing làm gia tăng sự hài lòng của khách hàng cũng như trực tiếp hướng sự quan tâm của khách hàng tới doanh nghiệp, đồng thời giúp doanh nghiệp thích ứng hơn với sự thay đổi của các điều kiện của thị trường. Thông qua đổi mới marketing, việc thực hiện các phương pháp bán hàng và phân phối mới có thể nâng cao hiệu quả và hiệu suất của các doanh nghiệp.

4. Các cấp độ của năng lực đổi mới sáng tạo

Cấp độ 5 - Mức độ xuất sắc: Ở mức độ này, chủ thể chủ động vận dụng được kĩ năng trong cả những tình huống đặc biệt khó khăn. Chủ thể có thể tự tin truyền đạt kĩ năng này cho người khác. Cấp độ 5 thể hiện thông qua việc xây dựng được phương pháp, quy trình mới có khả năng ứng dụng ở quy mô doanh nghiệp với tầm ảnh hưởng sâu rộng; đưa ra cách giải quyết triệt để cho những vấn đề nghiêm trọng của doanh nghiệp; tổ chức được bộ máy làm việc kiểu mới giúp cải thiện hiệu suất chung của cả doanh nghiệp; có khả năng tư duy được cách làm mới trong hoàn cảnh rất thiếu hoặc không có dữ kiện.

Cấp độ 4 - Mức độ cao: Ở mức độ này, chủ thể có thể vận dụng được năng lực trong những tình huống khá khó khăn mà hầu như không cần hướng dẫn. Cấp độ này thể hiện thông qua việc thiết kế được các cách làm mới và hiệu quả nhất để thực hiện các mục tiêu của doanh nghiệp; thu thập từ nhiều nguồn thông tin và tư duy được nhiều phương án để tiếp cận một vấn đề; xây dựng được môi trường làm việc thúc đẩy sáng tạo ở các nhóm làm việc.

Cấp độ 3 - Mức độ khá: Ở mức độ này, chủ thể có thể vận dụng được năng lực trong những tình huống khó khăn, dù đôi khi vẫn cần được chỉ dẫn từ người khác; đánh giá hiệu quả các cách làm cũ và đề xuất xây dựng phương án cải tiến; chủ động tìm kiếm cách thức hiệu quả nhất để thực hiện công việc chung.

Cấp độ 2 - Mức độ cơ bản: Ở mức độ này, chủ thể có thể vận dụng được năng lực trong những tình huống với độ khó trung bình và vẫn thường cần được hỗ trợ, hướng dẫn từ người khác; tiếp thu ý tưởng sáng tạo từ các cá nhân khác và có đề xuất hoàn thiện các ý tưởng sáng tạo đó; làm việc với các cá nhân để cùng đưa ra cách thức tiếp cận hiệu quả đối với vấn đề.

Cấp độ 1 - Mức độ thấp: Ở mức độ này, chủ thể chỉ vận dụng được năng lực trong những tình huống cơ bản nhất và sẽ cần rất nhiều chỉ dẫn từ người khác; nhận diện được các yếu tố sáng tạo; xem xét các ý tưởng sáng tạo từ các thành viên khác trong nhóm.

5. Doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra nhiều thách thức lớn tới sự phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ nhất, sự phân cực lực lượng lao động ngày càng lớn với sự dịch chuyển lực lượng lao động theo hướng nâng cao chất lượng và trình độ nhân lực. Điều này dẫn đến hệ quả là thu hẹp dần các công việc có kỹ năng thấp hoặc trung bình, thay thế bởi quá trình tự động hóa, làm dư thừa lao động.

Thứ hai, sự chênh lệch thu nhập ngày càng lớn giữa thiểu số ở tốp trên so với phần lớn lực lượng lao động còn lại. Phần lớn các lợi ích sẽ thuộc về nhóm thiểu số ở tốp trên. Xu thế này đặt những quốc gia đang phát triển trước những rủi ro lớn.

Thứ ba, tính kết nối vạn vật, mọi lúc, mọi nơi do cuộc cách mạng 4.0 đem lại, một mặt tạo lợi thế trong thông tin, lưu thông nhưng cũng làm tăng mức độ rủi ro bởi hoạt động khó kiểm soát trên không gian mạng. Để tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 yêu cầu đặt ra cho tất cả các doanh nghiệp bao gồm:

(1) Chất lượng, trình độ nguồn nhân lực ở cả cấp lãnh đạo và người lao động, khả năng hấp thụ công nghệ, trình độ chuyên môn và các kỹ năng mềm.

(2) Cơ sở vật chất, trình độ công nghệ, công cụ sản xuất và sản phẩm thông minh.

(3) Quy trình và phương thức sản xuất. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 xây dựng quy trình sản xuất một cách thông minh, độ linh hoạt cao dựa trên các quy trình tự vận hành, khả năng chia sẻ dữ liệu và độ tin cậy cao thông qua cơ chế bảo mật an ninh mạng.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với nền tảng công nghệ số và công nghệ thông minh sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam tối ưu quy trình, phương thức sản xuất, kinh doanh [3]. Theo đó, cơ hội tiếp cận thị trường hàng hóa, dịch vụ, chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ mở ra. Doanh nghiệp có nguồn lực mạnh sẽ đạt được các bước phát triển mang tính đột phá, nâng cao năng lực cạnh tranh, vị thế trên toàn cầu. Tuy nhiên, sẽ là thách thức lớn với các doanh nghiệp chủ yếu sản xuất dựa vào tài nguyên, gia công lắp ráp.

6. Giải pháp thúc đẩy việc phát triển năng lực đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp trong thời đại công nghiệp 4.0

Đứng trước những cơ hội và thách thức của nền công nghiệp 4.0, đối với ngành khoa học công nghệ, để có thể đi đầu trong đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực tiếp cận nhằm thích ứng nhanh với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam nên tập trung vào các giải pháp sau:

- Tập trung nâng cao trình độ nguồn nhân lực ở cấp độ chiến lược quản lý và cấp độ vận hành các hoạt động hằng ngày của doanh nghiệp.

- Đẩy mạnh việc sản xuất, cung cấp ra thị trường những sản phẩm sáng tạo dựa trên cơ sở vật chất hiện đại. Trong điều kiện cụ thể của Việt Nam, cần có lộ trình, lựa chọn ưu tiên cho vài lĩnh vực đầu tư để chuyển đổi căn bản từ dây chuyền lạc hậu lên phiên bản hiện đại. Các doanh nghiệp phải ưu tiên tính hiệu quả trong đầu tư vào những dây chuyền công nghệ mũi nhọn, tránh đầu tư dàn trải. Sản phẩm thông minh về cơ bản có được nhờ vào chất lượng nguồn nhân lực.
- Đổi mới mô hình kinh doanh và phương thức sản xuất, yếu tố đầu tư hạ tầng, trang thiết bị cho mô hình kinh doanh mới. Yếu tố quyết định ở đây vẫn là năng lực đổi mới sáng tạo cua con người.

- Đặc biệt chú trọng vấn đề an ninh mạng và bảo hộ sở hữu trí tuệ. Trong thời đại công nghiệp 4.0, vấn đề bảo mật trở nên quan trọng hơn gấp nhiều lần, tránh các yếu tố gây rủi ro từ công nghệ thông tin gây hại trong quá trình sản xuất, và bảo vệ bí quyết công nghệ. Chu trình sáng tạo và bảo vệ không ngừng được tạo ra một cách linh hoạt theo xu hướng của thị trường và phản ứng của đối thủ cạnh tranh.
- Thúc đẩy mạnh mẽ ứng dụng khoa học công nghệ. Khi cơ cấu của các ngành công nghiệp thay đổi với hàng loạt công nghệ, quy trình và phương pháp quản lý mới, giá trị thặng dư mang đến cho doanh nghiệp sẽ tạo ra bởi nguồn lực tri thức cao. Nguồn lực tri thức sẽ trở thành giá trị cốt lõi của nền sản xuất chứ không phải là nguồn vốn. Các doanh nghiệp tự xây dựng các trung tâm nghiên cứu và phát triển, hoặc tìm đến các nhà nghiên cứu để đặt hàng các sản phẩm có chất lượng và hàm lượng khoa học cao, đáp ứng nhu cầu bức thiết của các doanh nghiệp, nhà khoa học cởi mở hơn và thử sức với thị trường.

- Tích cực thúc đẩy việc triển khai hiệu quả các đề án về hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia, Nhà nước tiếp tục thực hiện việc hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp trong nước, tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đối với tất cả các bộ, ban, ngành trung ương và địa phương, trong đó xác định xây dựng kế hoạch và các nhiệm vụ trọng tâm để triển khai phù hợp với xu thế phát triển chung của nền công nghiệp 4.0.

- Xây dựng hệ thống quản trị thông minh, ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ số, nông nghiệp thông minh, du lịch thông minh, đô thị thông minh; rà soát, lựa chọn phát triển sản phẩm chủ lực, sản phẩm cạnh tranh chiến lược của tỉnh, của quốc gia bám sát các công nghệ sản xuất mới, tích hợp những công nghệ mới để tập trung đầu tư phát triển.

7. Kết luận

Trước những cơ hội và thách thức trên, định hướng chiến lược mũi nhọn mà các doanh nghiệp Việt Nam nên tận dụng trong kỷ nguyên 4.0 chính là đổi mới công nghệ, sử dụng các mô hình kinh doanh mới, khai thác triệt để về Big Data (dữ liệu lớn), iCloud (điện toán đám mây) và IoT (Internet vạn vật) nhằm tạo nên những sản phẩm có giá trị sử dụng hoàn toàn mới với các tính năng thiết thực và ưu việt nhất. Với các doanh nghiệp đã kinh doanh theo mô hình truyền thống, đây là cơ hội để thay đổi công nghệ, vượt trước đối thủ và lựa chọn lại sân chơi toàn cầu thay vì chỉ tập trung vào việc củng cố thị trường trong nước.

Cùng với đầu tư ứng dụng công nghệ mới, rút ngắn thời gian và chi phí sản xuất, các doanh nghiệp cũng cần đầu tư cho nguồn nhân lực chất lượng cao. Đặc biệt là thay đổi triết lý đào tạo nguồn nhân lực trong thời kỳ mới, hướng đến lực lượng lao động trẻ, có khả năng thích ứng nhanh, có hiểu biết và dễ dàng tiếp cận với công nghệ 4.0.

 Mặt khác, việc mở rộng quy mô, tìm kiếm các ứng viên ngoài Việt Nam để giúp các doanh nghiệp dễ dàng hơn trong cơ hội vượt biển ra thế giới. Bởi vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần nhận thức đầy đủ thách thức, cơ hội mà bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần học hỏi, tiếp nhận quy trình quản lý tiên tiến để giảm giá thành sản xuất, tăng sản lượng, năng suất, hiệu quả cho sản phẩm. Các cơ quan quản lý nhà nước cần tham mưu tới các cơ quan quản lý của các địa phương để có cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn khá lớn, mạnh dạn đầu tư trang thiết bị, công nghệ hiện đại, phát huy tiềm năng, lợi thế. Các DN cần tạo cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (doanh nghiệp FDI), các hiệp hội, cơ sở nghiên cứu khoa học để thực hiện việc đổi mới sáng tạo thực sự thành công.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quang Lộc (2018). Hoạt động đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp - Kỳ vọng vào hiệu quả. <https://congthuong.vn/hoat-dong-doi-moi-sang-tao-trong-doanh-nghiep-ky-vong-vao-hieu-qua-cao-108860.html>
  2. Phạm Ngọc Minh (2014). Đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp. Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam, số 4.
  3. Phùng Xuân Nhạ, Lê Quân (2013). Nghiên cứu đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp Việt Na Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội, số 4/2013, tập 29.

 

 DEVELOPING THE INNOVATION AND INITIATIVE COMPETENCY OF ENTERPRISES IN VIETNAM IN THE CONTEXT OF INDUSTRY 4.0

Master. NGUYEN THI MINH HUYEN

International School, Vietnam National University - Hanoi Campus

ABSTRACT:

The benefits and the importance role of innovation are undeniable. Industry 4.0 has significantly improved the labor productivity and emphasized the role of human resources as the subject creating core values ​​and the core of sustainable development. Vietnam faces economic challenges as the country’s GDP growth has slowed down when the national natural resources have been depleted. This paper analyzes the innovation and initiative competency of Vietnamese enterprises in the context of Industry 4.0.

Keywords: competency, competency development, innovation and initiative competency, Industry 4.0.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, 

Số 11, tháng 5 năm 2021]