TÓM TẮT:
Bài báo đề cập đến thực trạng phát triển nghề tiểu thủ công nghiệp (TTCN) trên địa bàn huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, như: giá trị sản xuất và cơ cấu ngành nghề TTCN, tình hình lao động, số hộ và cơ sở sản xuất TTCN, nghiên cứu đã điều tra 90 hộ dân làm nghề TTCN tại 3 xã đại diện (Kim Chính, Đồng Hướng và Thượng Kiệm) để đánh giá hiệu quả sản xuất TTCN tại các hộ. Đây là các xã có nghề truyền thống lâu đời trong sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ và chiếu cói, là 2 nghề có giá trị sản xuất chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu ngành nghề TTCN của Huyện, tương ứng đạt 14,71% và 15,89% năm 2018.
Từ khóa: phát triển tiểu thủ công nghiệp, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.
1. Đặt vấn đề
Ngành TTCN không chỉ quan trọng đối với các nước kém phát triển mà cũng được đánh giá cao ở các nước có nền kinh tế phát triển [6]. Các vấn đề chính như thất nghiệp, thiếu việc làm, tăng trưởng cân bằng và phát triển khu vực có thể được giải quyết thông qua ngành này [2]. TTCN đóng vai trò như một chất xúc tác cho quá trình chuyển đổi từ cấp thấp hơn lên cấp cao của sản xuất. Ở nhiều nước đang phát triển, TTCN có tầm quan trọng thông qua liên kết với nông nghiệp, từ đó mang lại tiềm năng cho sự chuyển đổi tiến bộ của các doanh nghiệp [5] hay thông qua việc sử dụng một lượng lớn nhân lực [1, 3].
Kim Sơn là một huyện nằm phía Đông Nam của tỉnh Ninh Bình. TTCN là một trong những thế mạnh truyền thống của Huyện. Tính đến năm 2019, toàn Huyện đã có 25 làng nghề được UBND Tỉnh công nhận. Mặc dù khu vực TTCN đã có những đóng góp tích cực trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, tuy nhiên, so với những điều kiện và tiềm năng sẵn có của địa phương, tình hình phát triển TTCN còn nhiều hạn chế, như: cơ sở sản xuất có quy mô nhỏ, trình độ công nghệ còn lạc hậu, thiếu vốn, gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận thị trường,... Đặc biệt, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, các làng nghề khó duy trì sản xuất, giá trị sản xuất của ngành giảm mạnh. Do vậy, cần thiết phải đánh giá thực trạng phát triển TTCN trên địa bàn huyện Kim Sơn, từ đó đề xuất các giải pháp để thúc đẩy phát triển sản xuất TTCN của Huyện trong thời gian tới.
2. Phương pháp nghiên cứu
Nguồn số liệu: Thông tin thứ cấp được thu thập dựa trên các tài liệu, báo cáo có liên quan tại địa phương. Thông tin sơ cấp dựa trên điều tra khảo sát 90 hộ dân làm nghề TTCN tại 3 xã Kim Chính (có nghề truyền thống lâu đời sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, điển hình là nghề mây tre đan) và 2 xã Đồng Hướng, Thượng Kiệm - đại diện cho nghề sản xuất chiếu cói.
Phương pháp phân tích và xử lý số liệu: Phương pháp so sánh và thống kê mô tả.
3. Kết quả nghiên cứu và thảo luận
3.1. Quy mô, cơ cấu phát triển ngành nghề TTCN
Sản xuất TTCN của huyện Kim Sơn có mức tăng trưởng khá cao trong 2 năm 2018 - 2019 và chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị sản xuất công nghiệp. Năm 2008, giá trị sản xuất TTCN đạt 104,9 tỷ đồng, chiếm 42,6% tổng giá trị sản xuất CN-TTCN và chiếm tỷ trọng 8,3% trong tổng giá trị sản xuất của toàn Huyện. Năm 2019, giá trị sản xuất TTCN đạt 111,9 tỷ đồng, tăng 6,67% so với năm 2018. Tuy nhiên, sang năm 2020, tốc độ tăng trưởng giảm 20,71%, tính bình quân qua 3 năm giảm 8,03%. Nguyên nhân của sự sụt giảm này do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nên sức mua giảm, thị trường tiêu thụ bị chững lại, riêng thị trường xuất khẩu gần như đóng băng, buộc các hộ sản xuất kinh doanh phải thu hẹp sản xuất. Ngoài ra, giá mua nguyên vật liệu đầu vào cũng tăng gấp 2 lần so với trước đại dịch; nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh nhỏ lẻ phá sản.
Bảng 1. Tình hình chung về hoạt động sản xuất công nghiệp - TTCN
của huyện Kim Sơn qua 3 năm 2018 - 2020
Nguồn: Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Kim Sơn (2020) [7]
Lao động tham gia sản xuất TTCN chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số lao động ngành công nghiệp của Huyện, năm 2018 là 5.486 người chiếm 77,39%. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng lao động bình quân 3 năm 2018 - 2020 chỉ đạt 90,22%. Do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh nhỏ lẻ phá sản, tỷ lệ lao động mất việc làm và bỏ nghề đều tăng cao, lao động có xu hướng đổi nghề, chuyển nghề khác có thu nhập cao hơn. Ngoài ra, mặc dù lượng lượng lao động nghề dồi dào, nhưng phần lớn chưa qua đào tạo nghề, chất lượng chưa cao.
Bên cạnh đó, loại hình tổ chức sản xuất - kinh doanh tại các làng nghề khá đa dạng, trong đó phần lớn có quy mô nhỏ, sản xuất hộ gia đình đình chiếm tới 98%, các cơ sở là công ty TNHH, doanh nghiệp tư nhân và tổ hợp tác sản xuất chỉ chiếm 3%. Sản xuất theo hộ gia đình là hình thức tổ chức chính và rất có hiệu quả tại các làng nghề. Cách tổ chức sản xuất này đã tận dụng được mọi nguồn lực gia đình, thích hợp với quy mô sản xuất nhỏ. Tuy nhiên, hình thức này hạn chế trong đầu tư trang thiết bị và đổi mới công nghệ. Kiểu dáng, mẫu mã sản phẩm (nhất là các hộ) chưa được đầu tư cải tiến, năng lực cạnh tranh của các sản phẩm hạn chế.
3.2. Kết quả sản xuất ngành nghề TTCN của huyện Kim Sơn
Cơ cấu giá trị của các ngành nghề TTCN của Huyện không có sự chênh lệch lớn, chứng tỏ sự phát triển đồng bộ giữa các nghề. Trong cơ cấu các ngành nghề TTCN, nghề chế biến từ tre, gỗ, cói được đánh giá chiếm tỷ trọng lớn nhất, đạt 12.876 triệu đồng, tương đương 14,51% năm 2020. Tiếp đến là nghề sản xuất trang phục (may mặc) chiếm 10,63%, nghề sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ (bèo bồng) chiếm 10,42% và sản xuất sản phẩm từ chất khoáng phi kim loại (chiếm 9,16%). Nghề chế biến nông sản và sản xuất sản phẩm kim loại chiếm tỷ lệ thấp, tương ứng chỉ đạt 6,99% và 7,42% vào năm 2020.
Bảng 2. Giá trị sản xuất và cơ cấu ngành nghề TTCN
Nguồn: Chi cục Thống kê huyện Kim Sơn (2020) [4]
* Số lượng sản phẩm chính bình quân 1 hộ điều tra: Trong các làng nghề của Kim Sơn, các hộ làm nghề bèo bồng gồm túi đơn sợi lục bình, giỏ lục bình, sọt đựng đồ, tủ thủ công là những sản phẩm có chi phí công lao động làm ra sản phẩm cao. Đối với sản phẩm từ chiếu cói, số lượng sản phẩm được các hộ sản xuất nhiều nhất là dép cói với 3.621 sản phẩm bình quân/hộ. Đây là sản phẩm được dùng phổ thông ở trong nước và cả xuất khẩu. Bên cạnh đó, các hộ cũng tập trung sản xuất những sản phẩm thường xuyên sử dụng trong gia đình, dễ tiếp cận người tiêu dùng như thảm cói, chiếu cói,...
* Hiệu quả sản xuất tiểu thủ công nghiệp tại các hộ: Bảng 3 cho thấy đối với hộ làm nghề gốm thủ công mỹ nghệ, bình quân 1 đồng chi phí bỏ ra, thu được 95,78 triệu đồng doanh thu; hộ làm nghề chiếu cói bình quân 1 đồng chi phí bỏ ra, thu được 177,9 triệu đồng doanh thu.
Bảng 3. Hiệu quả sản xuất TTCN bình quân trên 1 hộ điều tra
Nguồn: Tổng hợp từ các hộ điều tra (2021)
Nhìn chung, đối với ngành TTCN, 1 đồng chi phí bỏ ra thì hiệu quả sản xuất đạt được là 1,33 lần và hiệu quả về thu nhập đạt 0,33 lần. Còn đối với ngành chiếu cói, hiệu quả mang lại cao hơn so với ngành thủ công mỹ nghệ. Tính chung, phát triển ngành nghề TTCN đã tạo ra việc làm cho thu nhập bình quân 1 triệu đồng/lao động/tháng, các hộ tham gia sản xuất ngành nghề TTCN có thu nhập cao gấp 3-5 lần so với các hộ thuần nông.
3.3. Tác động về môi trường
Hiện nay, trong toàn Huyện, vấn đề ô nhiễm môi trường do các nghề sản xuất truyền thống chưa đến mức báo động. Tuy nhiên, đối với nghề sản xuất thủ công mỹ nghệ, chiếu cói, hàng ngày, các hộ sử dụng các hóa chất tẩy trắng sản phẩm, bảo quản sản phẩm để không bị ẩm mốc mà chưa có biện pháp xử lý thích hợp, người thợ thủ công vẫn thường xuyên phải tiếp xúc trực tiếp với những hóa chất độc hại mà không có bất cứ một phương tiện bảo hộ lao động như mũ và khẩu trang y tế.
Ước tính, mỗi ngày ở huyện Kim Sơn thải ra môi trường khoảng 50 tấn chất thải rắn các loại, tương ứng với mức phát thải bình quân toàn Huyện là 0,46kg/người/ngày. Đây là mức phát sinh chất thải rắn khá cao so với mức bình quân trên cả nước. Đối với nước thải, hiện nay, các làng nghề sản xuất chiếu cói chưa có hệ thống xử lý nước thải trong quá trình sản xuất, các hộ sản xuất vẫn thải trực tiếp ra các hệ thống cống, rãnh thoát nước của thôn, gây ô nhiễm môi trường.
4. Giải pháp thúc đẩy phát triển ngành nghề TTCN ở huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình
Thứ nhất, hỗ trợ và chuyển giao công nghệ cho các cơ sở sản xuất TTCN như hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, hỗ trợ các cơ sở trong làng nghề tổ chức mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, hỗ trợ đăng ký, xác lập quyền sở hữu công nghiệp (nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp, chỉ dẫn địa lý) đối với các sản phẩm và dịch vụ.
Thứ hai, hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Đa dạng hóa các loại hình dạy nghề. Khuyến khích dạy nghề theo lối truyền nghề; phối kết hợp với các cơ sở đào tạo dạy nghề về kỹ thuật, mỹ thuật, tạo mẫu mã sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Tổ chức các cuộc thi mời các nghệ nhân, thợ thủ công giỏi trình diễn tay nghề; có cơ chế công nhận phát minh, sáng kiến xứng đáng để thúc đẩy nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong phát triển làng nghề. Khuyến khích thành lập các câu lạc bộ ngành nghề để thu hút đội ngũ các chủ cơ sở tới sinh hoạt, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm,...
Thứ ba, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường cho các sản phẩm TTCN và đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với các làng nghề truyền thống.
Thứ tư, đa dạng hóa các mô hình và loại hình tổ chức sản xuất TTCN, phát triển các cụm công nghiệp làng nghề, khu sản xuất tập trung.
Thứ năm, tăng cường công tác quản lý môi trường làng nghề; thực hiện kiểm kê nguồn thải; áp dụng công cụ kinh tế như phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, khí thải, chất thải rắn; Có chính sách khuyến khích đổi mới áp dụng công nghệ tiên tiến, đẩy mạnh thực hiện chương trình sản xuất sạch trong các làng nghề; xây dựng tiêu chí “Làng nghề xanh” nhằm xếp loại cho các làng nghề bảo vệ môi trường theo hướng phát triển bền vững; Khuyến khích các cơ sở sản xuất xử lý nước thải, khí thải, quản lý môi trường bằng cho vay ưu đãi hoặc giảm thuế.
5. Kết luận
Phát triển ngành nghề TTCN ở huyện Kim Sơn không những mang lại lợi ích cho địa phương về tận dụng được nguyên liệu tại chỗ, mà còn giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Sản xuất TTCN chiếm 42,6% tổng giá trị sản xuất CN-TTCN và 8,3% trong tổng giá trị sản xuất của toàn Huyện. Giai đoạn 2018-2019 đạt tốc độ tăng trưởng khá cao 106,67%, tuy nhiên giai đoạn 2019-2020 do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, nên tốc độ tăng trưởng của ngành giảm, chỉ đạt 91,97%. Trong cơ cấu giá trị của các ngành nghề TTCN, có 3 nghề giữ tỷ trọng lớn nhất, đó là nghề chế biến từ tre, gỗ, cói chiếm (chiếm 14,51% năm 2020), nghề sản xuất trang phục (may mặc) chiếm 10,63% và nghề sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ (bèo bồng) chiếm 10,42%. Các nghề có tỷ trọng thấp đó là chế biến nông sản và sản xuất sản phẩm kim loại. Phát triển ngành nghề TTCN đã tạo ra việc làm cho trên 5.000 lao động tại địa phương và cho thu nhập bình quân đạt 1 triệu đồng/lao động/tháng. Tuy nhiên, vẫn có hạn chế về quy mô sản xuất nhỏ lẻ, chủ yếu vẫn là loại hình kinh tế hộ cá thể; lao động ngành nghề phần lớn chưa được đào tạo; hình thức, kiểu dáng, mẫu mã sản phẩm chưa được đầu tư cải tiến; thị trường tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn và vấn đề ô nhiễm môi trường làng nghề,... Từ phân tích thực trạng trên, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển ngành nghề TTCN trên địa bàn huyện Kim Sơn trong thời gian tới, bao gồm các giải pháp về: hỗ trợ và chuyển giao công nghệ; hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường cho các sản phẩm TTCN; đa dạng hóa các mô hình, loại hình tổ chức sản xuất TTCN và tăng cường công tác quản lý môi trường làng nghề.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Ali, A. M. (2007). The Competitiveness and Viability of Cluster Based Cottage Industries The Case of Handloom Sector in Ethiopia. Paper presented in Ronald H. In Brown Institute for Sub-Saharan Africa 1st International Business Conference, Pretoria.
- Bahar, H., & Bank, B. (2001, November). Financing for micro-enterprises, small, medium-sized and cottage industries: Bangladesh perspective. In ESCAP-ADB Joint Workshop on Mobilizing Domestic Finance for Development: Reassessment of Bank Finance and DebtMarkets in Asia and the Pacific held in Bangkok, 22-23.
- Brata, A. G. (2007). Spatial Concentration of the Informal Small and Cottage Industry in Indonesia. MPRA Paper No. 12622.
- Chi cục Thống kê huyện Kim Sơn (2020). Tình hình sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp huyện các năm 2018, 2019, 2020.
- Jesmin, R. (2009). Financing the small scale industries in Bangladesh: the much-talked about, but less implemented issue. Proceedings of American Society of Business and Behavioral Sciences, 16(1), 1-13.
- Khan, R. E. A., Khan, T., & Maqsood, M. (2010). Export potential of cottage industry: a case study of Sialkot (Pakistan). European Journal of Economics, Finance and Administrative Sciences, 27, 158-167.
- Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Kim Sơn (2020). Báo cáo tình hình phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề các năm 2018, 2019, 2020.
THE DEVELOPMENT OF HANDICRAFT INDUSTRY
IN KIM SON DISTRICT, NINH BINH PROVINCE
• Prof. PhD. NGUYEN VAN SONG1
• TRAN ANH TUYEN2
• NGUYEN CONG TIEP1
• THAI VAN HA3
1Vietnam National University of Agriculture
2Department of Infrastructure and Economics
Kim Son District, Ninh Binh Province
3National Academy of Education Management, Vietnam
ABSTRACT:
This study examines the current development of handicraft industry in Kim Son District, Ninh Binh Province in terms of output value, industrial structure, labour, and number of households and businesses producing products. In order to assess the performance of households taking part in the handicraft industry, this study surveyed 90 households in three communes of Kim Son District, namely Kim Chinh, Dong Huong and Thuong Kiem. These three communes have long-standing traditional handicraft industries producing high-value handicraft products and sedge mats. These handicraft industries also account for the highest proportion in the structure of the district's cottage industry in 2018 with 14 ,71% and 15.89%, respectively.
Keywords: handicraft industry development, Kim Son District, Ninh Binh Province.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 26, tháng 11 năm 2021]