Ngày 20/5/2025, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 4446/VPCP-NN truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đối với thông tin phản ánh của báo chí về "Sầu riêng vẫn loay hoay giải quyết chất vàng O".

Trước đó, tổng hợp thông tin, báo chí và dư luận liên quan đến công tác chỉ đạo điều hành của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ có thông tin “Sầu riêng vẫn loay hoay giải quyết chất vàng O”.
Trong đó nêu rõ phản ánh của báo chí: Sự sụt giảm của xuất khẩu sầu riêng không chỉ là chuyện chất lượng mà còn phản ánh rõ nét hệ lụy của một quá trình phát triển thiếu bền vững. Trong khi Thái Lan làm rất bài bản, quản lý từ gốc đến ngọn thì khâu sản xuất sầu riêng tại Việt Nam gần như chỉ do nông dân tự trồng theo kinh nghiệm truyền tai nhau, quy trình kỹ thuật thế nào, loại phân bón nào chứa cadimi đều không được công bố rộng rãi. Điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp thu mua khi phải gom nhiều nơi, chất lượng sầu riêng không đồng đều và khó kiểm soát được dư lượng.
Ngay cả thời điểm đầu năm nay khi Trung Quốc siết chặt kiểm định chất vàng O, cả Việt Nam cũng chỉ có vài trung tâm kiểm định là đủ năng lực xét nghiệm tập trung ở các thành phố lớn, ở các vùng nguyên liệu không có trung tâm nào kiểm định được.
Ông Nguyễn Văn Mười, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nêu vấn đề hiện nay một lượng lớn sầu riêng được tiêu thụ trong nước, bán cho người dân ăn, nhưng lại không có đơn vị nào kiểm định chất lượng, đó là một lỗ hổng rất lớn.
Nhiều ý kiến cho rằng ngành sầu riêng cần làm chắc từ khâu sản xuất, siết chặt kiểm soát chất lượng và xây dựng chuỗi liên kết chặt chẽ giữa nhà nông - doanh nghiệp - cơ quan quản lý. Chỉ khi "sạch từ gốc", quả sầu riêng Việt Nam mới có thể thực sự ngọt lâu, giữ vững được vị thế trong lòng người tiêu dùng quốc tế.
Về việc này, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà giao Bộ Nông nghiệp và Môi trường nghiên cứu thông tin báo chí nêu trên, chủ động chỉ đạo, xử lý theo chức năng nhiệm vụ, thẩm quyền được giao.
Năm 2024, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam lập kỷ lục 3,2 tỷ USD với Trung Quốc là thị trường chủ lực, chiếm tỷ trọng lớn nhất.
Tuy nhiên, 4 tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu của sầu riêng của Việt Nam chỉ đạt khoảng 130 triệu USD, sản lượng xuất khẩu ước tính 35.000 tấn (đạt khoảng 20% kế hoạch cả năm 2025 đã đề ra), trong khi cùng kỳ năm ngoái đạt hơn 500 triệu USD.
Một trong những nguyên nhân của tình hình trên là do từ đầu năm đến nay, Trung Quốc tăng cường kiểm soát chất lượng sầu riêng nhập khẩu. Trung Quốc yêu cầu 100% lô hàng sầu riêng phải có giấy kiểm nghiệm cadimi và vàng O mới được thông quan. Nếu phát hiện tồn dư, các mã số nhà đóng gói và vùng trồng sẽ bị đình chỉ. Các tiêu chuẩn về kiểm dịch, dư lượng chất cadmium, vàng O và truy xuất nguồn gốc được siết chặt đã khiến nhiều lô hàng không đạt chuẩn bị trả về, hoạt động xuất khẩu sầu riêng bị ảnh hưởng nặng nề.
Mặc dù Việt Nam đã có một số phòng thí nghiệm kiểm nghiệm được Trung Quốc chấp nhận, tuy nhiên đây vẫn đang là "nút thắt" của xuất khẩu sầu riêng. Các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp rau quả, sầu riêng kiến nghị các Bộ, ngành chức năng cần nhanh chóng có những giải pháp tháo gỡ khó khăn để khôi phục và thúc đẩy mặt hàng trái cây chủ lực này của Việt Nam trong thời gian tới.