Phương pháp nghiên cứu về ảnh hưởng của mối quan hệ giữa phong cách lãnh đạo, văn hóa tổ chức và mức độ công bố thông tin trách nhiệm xã hội đến hiệu quả hoạt động kinh doanh

TS. HUỲNH ĐỨC LỘNG (Trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh), HÀ THỊ THỦY (Trường Đại học Kinh tế - Tài chính thành phố Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Trong bài viết này, tác giả sẽ trình bày về tổng quan quy trình nghiên cứu và các phương pháp nghiên cứu (PPNC) được sử dụng để giúp tác giả kiểm chứng độ phù hợp của mô hình nghiên cứu trong thực tiễn. Ngoài ra, tác giả sẽ trình bày cách thức xây dựng thang đo các nhân tố, cách thức chọn mẫu và quy trình thiết kế bảng câu hỏi nghiên cứu. Cuối cùng, bài viết sẽ đề cập đến các kỹ thuật phân tích định lượng và biện luận về các hệ số kiểm định được sử dụng để đánh giá độ phù hợp của mô hình nghiên cứu.

Từ khóa: Phong cách lãnh đạo, văn hóa tổ chức, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, hiệu quả hoạt động kinh doanh.

1. Giới thiệu

Hiện nay, các nhà đầu tư và các bên liên quan không chỉ quan tâm đến khả năng sinh lời của doanh nghiệp (DN) mà bên cạnh đó các hoạt động thể hiện trách nhiệm của DN đối với môi trường, đối với người lao động và đối với cộng đồng cũng đang nổi lên như là tiêu chí để đánh giá về sức khỏe và khả năng phát triển bền vững của DN. Mặc dù vậy, ở Việt Nam hiện nay vấn đề này vẫn còn khá mới mẻ và chưa được các DN quan tâm đúng mực. Để chứng minh những lợi ích mà DN nhận được khi nâng cao nhận thức thực hiện cũng như công bố thông tin trách nhiệm xã hội (TNXH), tác giả đã tiến hành tổng kết các nghiên cứu trước và các cơ sở lý thuyết liên quan, qua đó đề xuất được mô hình nghiên cứu về ảnh hưởng của mối quan hệ giữa phong cách lãnh đạo (PCLĐ), văn hóa tổ chức (VHTC) và mức độ công bố thông tin TNXH đến hiệu quả hoạt động kinh doanh (HQHĐKD) của DN. Trong bài viết này, tác giả tiếp tục trình bày về quy trình và PPNC được sử dụng để kiểm định sự phù hợp của mô hình nghiên cứu trong thực tiễn.

2. Phương pháp nghiên cứu định tính

2.1. Tham khảo ý kiến chuyên gia và đề xuất mô hình nghiên cứu chính thức

PPNC được tác giả sử dụng là phương pháp hỗn hợp. Trong đó, phần nghiên cứu định tính được tác giả thực hiện thông qua 2 giai đoạn chính gồm: (1) giai đoạn nghiên cứu tổng quan cơ sơ lý thuyết và tổng quan các nghiên cứu trước để đề xuất mô hình nghiên cứu ban đầu; (2) giai đoạn tham khảo ý kiến chuyên gia để phục vụ cho việc xây dựng thang đo các nhân tố và hoàn thiện bảng câu hỏi khảo sát.

Do đối tượng của nghiên cứu này là: PCLĐ, VHTC, mức độ công bố thông tin TNXH và HQHĐKD nên các chuyên gia được mời thảo luận sẽ được chia làm 3 nhóm với các tiêu chí khác nhau gồm:

  • Nhóm chuyên gia liên quan đến nhân tố PCLĐ và VHTC (nhóm này được tác giả lựa chọn là các giảng viên đại học có ít nhất 5 năm kinh nghiệm giảng dạy các môn học liên quan đến PCLĐ và VHTC). Việc tham khảo ý kiến của nhóm chuyên gia này sẽ giúp tác giả hiệu chỉnh các thuật ngữ liên quan, điều chỉnh lại mô hình nghiên cứu cho phù hợp và hoàn thiện các thang đo liên quan đến PCLĐ và VHTC.
  • Nhóm chuyên gia liên quan đến nhân tố mức độ công bố thông tin TNXH (nhóm này được tác giả lựa chọn là các nhà quản lý liên quan đến lĩnh vực TNXH của DN với số năm kinh nghiệm tối thiểu là 5 năm). Việc tham khảo ý kiến của nhóm chuyên gia này giúp tác giả xác định được các thông tin TNXH cần công bố, điều chỉnh lại mô hình nghiên cứu và hoàn thiện được các thang đo liên quan đến TNXH của DN.
  • Nhóm chuyên gia liên quan đến nhân tố HQHĐKD (nhóm này được tác giả lựa chọn là các giám đốc điều hành với số năm kinh nghiệm tối thiểu là 5 năm tại các DN Việt Nam). Việc tham khảo ý kiến của nhóm chuyên gia này sẽ giúp tác giả hoàn thiện thang đo các nhân tố về HQHĐKD của DN trong mô hình nghiên cứu được đề xuất.

Sau khi tham khảo ý kiến chuyên gia, tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu chính thức như sau:

Hình 1: Mô hình nghiên cứu chính thức

Hình 1: Mô hình nghiên cứu chính thức

2.2. Xây dựng thang đo

2.2.1. Thang đo mức độ công bố thông tin TNXH

Dựa trên kết quả nghiên cứu cơ sở lý thuyết về TNXH của DN, mức độ công bố thông tin TNXH trong nghiên cứu này được đo lường dựa trên 3 chủ đề chính gồm: Môi trường, nhân viên, các hoạt động cộng đồng của DN, đây đồng thời là 3 chủ đề chính liên quan đến TNXH được Bộ Tài chính quy định trong Thông tư số 155/2015/TT-BTC. Các khoản mục thông tin TNXH cần được đo lường trong nghiên cứu này, cụ thể như sau:

  • Thang đo mức độ công bố thông tin liên quan đến môi trường:
  • CSRMT1: Sử dụng nguyên vật liệu và sản phẩm tái chế
  • CSRMT2: Giảm thiểu mức tiêu thụ năng lượng trong tổ chức
  • CSRMT3: Tăng cường sáng kiến tiết kiệm năng lượng
  • CSRMT4: Tăng cường sử dụng nguồn nước tái chế
  • CSRMT5: Áp dụng các sáng kiến tiết kiệm nước
  • CSRMT6: Hạn chế khói bụi, khí thải, rác thải ra môi trường
  • CSRMT7: Có các biện pháp xử lý rác thải, nước thải
  • CSRMT8: Tăng cường sử dụng nguyên, nhiên, vật liệu thân thiện với môi trường
  • Thang đo mức độ công bố thông tin về nhân viên
  • CSRNV1: Tạo điều kiện việc làm và có cơ hội thăng tiến
  • CSRNV2: Các chính sách phúc lợi đảm bảo gia tăng lợi ích cho NLĐ
  • CSRNV3: Chống phân biệt đối xử trong tuyển dụng, đào tạo, lương thưởng
  • CSRNV4: Mức thu nhập bình quân đầu người trong đơn vị ngày càng tăng
  • CSRNV5: Tạo môi trường làm việc an toàn và chăm sóc sức khỏe cho NLĐ
  • CSRNV6: Tổ chức các lớp đào tạo và phát triển kỹ năng cho nhân viên
  • Thang đo mức độ công bố thông tin về hoạt động cộng đồng
  • CSRCD1: Tổ chức các hoạt động từ thiện, hỗ trợ người khó khăn
  • CSRCD2: Thiết lập mối quan hệ tốt và minh bạch với chính quyền địa phương
  • CSRCD3: Phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng địa phương
  • CSRCD4: Ưu tiên sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ (nhà cung cấp địa phương)
  • CSRCD5: Thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về thuế và pháp luật tại địa phương
  • CSRCD6: Tạo việc làm cho người dân địa phương

2.2.2. Thang đo phong cách lãnh đạo

Trong nghiên cứu này, biến độc lập PCLĐ được tác giả tập trung đo lường bởi 3 phong cách đặc trưng gồm: (1) PCLĐ dân chủ, (2) PCLĐ độc đoán, (3) PCLĐ tình huống. Thang đo các PCLĐ được sử dụng trong nghiên cứu này là thang đo lãnh đạo đa nhân tố MLQ 5X (MLQ 5X - Multifactor Leadership Questionaire Form 5X) được thiết kế bởi Bass và cộng sự (1999). Cụ thể như sau:

  • Thang đo phong cách lãnh đạo dân chủ
  • LDDC1: Thể hiện sự mẫu mực trong mọi tình huống ứng xử trước nhân viên
  • LDDC2: Đề cao lợi ích của tập thể lên trên lợi ích cá nhân
  • LDDC3: Luôn tham khảo và tôn trọng ý kiến của nhân viên trước khi ra quyết định
  • LDDC4: Luôn tạo điều kiện để nhân viên được thể hiện hết năng lực của bản thân
  • LDDC5: Quan tâm và giải quyết kịp thời các nhu cầu phát triển của cấp dưới
  • LDDC6: Luôn dành thời gian lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân viên
  • LDDC7: Luôn động viên và hỗ trợ kịp thời khi nhân viên gặp khó khăn
  • Thang đo phong cách lãnh đạo độc đoán
  • LDDD1: Luôn đưa ra các quyết định mà không cần tham khảo ý kiến của cấp dưới
  • LDDD2: Luôn thể hiện sự nghiêm khắc đối với nhân viên
  • LDDD3: Nhân viên chỉ cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định mà không cần phải sáng tạo
  • LDDD4: Đưa ra chính sách thưởng, phạt nghiêm ngặt để giám sát hoạt động của nhân viên
  • Thang do phong cách lãnh đạo tình huống
  • LDTH1: Luôn thể hiện sự linh động trong cách xử lý công việc
  • LDTH2: Luôn giao việc theo đúng năng lực và khả năng thích ứng của nhân viên
  • LDTH3: Thể hiện sự thích ứng nhanh khi hoàn cảnh thay đổi
  • LDTH4: Luôn khuyến khích nhân viên phải thay đổi và làm mới bản thân
  • LDDC5: Luôn khuyến khích nhân viên đưa ra những ý tưởng sáng tạo trong công việc
  • LDDC6: Luôn khuyến khích nhân viên mạnh dạn đảm nhận những công việc mới

2.2.3. Thang đo văn hóa tổ chức

Trong nghiên cứu này có 3 đặc trưng phổ biến của VHTC được đề cập để nghiên cứu ảnh hưởng đến mức độ công bố thông tin TNXH và HQHĐKD gồm: (1) Văn hóa tập thể (Team Orientaion Culture); (2) Văn hóa sáng tạo (Innovative Culture) và (3) Văn hóa kiểm soát (Control Culture). Các thang đo cho từng đặc trưng VHTC được sử dụng trong nghiên cứu này như sau:

  • Thang đo đặc điểm văn hóa sáng tạo
  • VHST1: Môi trường làm việc luôn khuyến khích nhân viên đưa ra giải pháp mới cho nhiệm vụ được giao
  • VHST2: Các thành viên trong tổ chức luôn sẵn sàng chấp nhận rủi ro để thử nghiệm các phương án mới
  • VHST3: Các thành viên trong tổ chức luôn thích những công việc có tính thử thách
  • VHST4: Những nhân viên có ý tưởng sáng tạo luôn được đánh giá cao
  • VHST5: Mỗi người có những cách làm khác nhau để đạt được hiệu quả công việc
  • Thang đo đặc điểm văn hóa kiểm soát
  • VHKS1: Mọi thành viên đều phải thực hiện công việc theo đúng quy trình
  • VHKS2: Công việc luôn được chỉ thị theo một chiều từ cấp trên xuống cấp dưới
  • VHKS3: Các nhân viên thường cố gắng hoàn thành nhiệm vụ vì lợi ích cá nhân mà họ nhận được
  • VHKS4: Nhân viên luôn bị kiểm soát trong công việc để đảm bảo hoàn thành mục tiêu của tổ chức
  • VHST5: Nhân viên chỉ tập trung làm việc khi có sự xuất hiện của lãnh đạo
  • Thang đo đặc điểm văn hóa tập thể
  • VHTT1: Các phòng ban trong công ty luôn có sự phối hợp công việc một cách chặt chẽ
  • VHTT2: Phương pháp làm việc theo nhóm luôn được sử dụng để hoàn thành công việc được giao
  • VHTT3: Mọi người đều làm việc giống như mình là một phần không thể thiếu của nhóm
  • VHTT4: Công việc luôn được phân công để các thành viên thấy được tầm quan trọng của họ đối với mục tiêu của tổ chức
  • VHTT5: Các quyết định quan trọng của công ty luôn có đóng góp ý kiến của nhiều người

2.2.4. Thang đo hiệu quả hoạt động kinh doanh

Dựa trên các nghiên cứu trước đây về việc đo lường HQHĐKD (Feng et al, 2017; Waddock and Graves, 1997; Yuen et al, 2016), nghiên cứu này sử dụng các chỉ số đo lường cụ thể như sau:

  • Sự tăng trưởng của tỷ suất lợi nhuận ròng/doanh thu (ROS)
  • Sự tăng trưởng của tỷ suất lợi nhuận ròng/vốn chủ sở hữu (ROE)
  • Sự tăng trưởng của tỷ suất lợi nhuận ròng/tổng giá trị tài sản (ROA)

3. Mẫu sử dụng trong nghiên cứu

3.1. Xác định đặc điểm mẫu và cỡ mẫu

Đối với phân tích nhân tố khám phá EFA, nghiên cứu của Hair, Anderson, Tatham và Black (1998) đã chỉ ra rằng, kích thước mẫu tối thiểu cần gấp 5 lần tổng số biến quan sát (n = 5*m trong đó m là số biến quan sát). Vì mô hình SEM là bước mở rộng của phân tích nhân tố khám phá (EFA), nên cỡ mẫu được xác định tương tự như EFA. Trong nghiên cứu này, dựa trên bảng câu hỏi khảo sát chính thức gồm 55 biến quan sát, do đó kích thước mẫu tối thiểu cho nghiên cứu này là 275 (n =55*5). Nghiên cứu này chọn cỡ mẫu là 300 là vì cỡ mẫu càng lớn thì càng thích hợp cho phân tích theo mô hình SEM.

3.2. Phương pháp chọn mẫu

Nghiên cứu này áp dụng chọn mẫu phi xác suất với lý do việc khảo sát toàn bộ các nhà lãnh đạo tại các DN thuộc miền Đông Nam Bộ để xây dựng khuôn mẫu sẽ gây tốn kém nhiều nguồn lực và thời gian. Trong phương pháp chọn mẫu phi xác xuất, tác giả sử dụng phương pháp chọn mẫu theo định mức vì phương pháp này giúp khắc phục được những nhược điểm tồn tài của phương pháp chọn mẫu thuận tiện khi dữ liệu thu thập khó có tính đại diện cho tổng thể. Dựa trên dữ liệu thống kê về số lượng các DN hoạt động trên địa bàn thuộc 4 tỉnh miền Đông Nam Bộ tính đến thời điểm ngày 27/7/2019. Tác giả tiến hành phân bổ định mức các DN cần lấy dữ liệu khảo sát theo từng tỉnh để đáp ứng cỡ mẫu cần thu thập là 300 phiếu khảo sát. Cụ thể như sau: TP.HCM 246 chiếm tỷ trọng 82% trong tổng dữ liệu cần thu thập; Bình Dương 24 DN chiếm tỷ trọng 8%; Đồng Nai 21 DN chiếm tỷ trọng 7% và Vũng Tàu 9 DN chiếm tỷ trọng 3% trên tổng dữ liệu cần thu thập.

4. Thiết kế bảng câu hỏi khảo sát

Các bảng câu hỏi khảo sát được tác giả thiết kế trong nghiên cứu này theo trình tự như sau:

Bước 1: Xác định nội dung và hình thức câu hỏi

Trong nghiên cứu này, phần câu hỏi dạng đóng theo thang đo likert 5 cấp độ sẽ được tác giả sử dụng để thu thập các dữ liệu liên quan các thang đo. Ngoài ra, để nắm bắt thêm về những khó khăn và vướng mắc của các DN trong quá trình thực hiện và công bố thông tin TNXH, qua đó làm cơ sở để đưa ra những hàm ý chính sách và hàm ý quản trị phù hợp cho nghiên cứu này, một số câu hỏi dạng đóng sẽ được tác giả đưa ra trong phần cuối của bảng câu hỏi khảo sát.

Bước 2: Xác định cấu trúc bảng câu hỏi khảo sát

Bảng câu hỏi khảo sát sẽ được tác giả cấu trúc thành các phần chính như sau: (1) phần giới thiệu về tên đề tài và mục đích thực hiện đề tài nghiên cứu, (2) phần khái quát về TNXH của DN để đổi tượng khảo sát có thể hiểu vấn đề trước khi trả lời câu hỏi, (3) phần các câu hỏi tập trung vào nội dung chính của nghiên cứu (gồm PCLĐ, VHTC, mức độ công bố thông tin TNXH và HQHĐKD), (4) phần câu hỏi đóng để tìm kiếm thêm quan điểm của các nhà lãnh đạo về các vấn đề gây cản trở quá trình thực hiện và công bố thông tin TNXH. (5) cuối cùng là các câu hỏi nhằm thu thập thông tin về đối tượng khảo sát như: giới tính, chức vụ, loại hình DN, lĩnh vực hoạt động…

Bước 3: Phỏng vấn thử và hoàn thiện bảng câu hỏi

Bảng câu hỏi nháp sau khi hoàn thành được tác giả khảo sát thử nghiệm cùng với các chuyên gia liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu để tiếp tục điều chỉnh; khám phá thêm thang đo các nhân tố và loại bỏ một số biến được xem là không cần thiết theo ý kiến của các chuyên gia. Bảng khảo sát sau khi được điều chỉnh lại theo ý kiến của chuyên sẽ được tác giả sử dụng cho việc khảo sát dữ liệu chính thức để phục vụ cho giai đoạn phân tích và kiểm định độ phù hợp của mô hình trong thực tế.

5. Phương pháp thu thập và xử lý dữ liệu

5.1. Phương pháp thu thập dữ liệu

Nghiên cứu này sử dụng phương pháp gửi bảng câu hỏi khảo sát trực tuyến để thu thập dữ liệu. Phương pháp khảo sát này đáp ứng được tiêu chí cân đối giữa chi phí và hiệu quả trong điều kiện giới hạn về mặt thời gian và kinh phí thực hiện. Sau khi dữ liệu đã được thu thập từ các phiếu khảo sát, các dữ liệu sẽ được làm sạch để đảm bảo độ tin vậy và tính chính xác khi đưa vào thực hiện các bước phân tích định lượng liên quan.

5.2. Phương pháp phân tích định lượng

Do mối quan hệ phức tạp giữa các biến trong mô hình nghiên cứu đề xuất, trong nghiên cứu này, tác giả sử dụng các kỹ thuật phân tích định lượng theo mô hình hồi quy tuyến tính (SEM) với sự hỗ trợ của công cụ phân tích là phần mềm SPSS và AMOS phiên bản 20.0. Theo Hox J.J., Maas C.J.M. (2001), mô hình SEM (Structural equation modeling) là sự mở rộng của mô hình tuyến tính, cho phép nhà nghiên cứu kiểm định một tập hợp phương trình hồi quy cùng một lúc. Quy trình phân tích kiểm định dựa trên mô hình SEM có 4 bước chính gồm: (1) Kiểm định chất lượng thang đo (Scale Test); (2) Phân tích nhân tố khám phá (EFA); (3) Phân tích nhân tố khẳng định (CFA) và (4) Phân tích cấu trúc tuyến tính.

5.2.1. Kiểm định chất lượng thang đo (Cronbach Alpha Test)

Dựa theo các nghiên cứu của Nunnally (1978) và Peterson (1994), thang đo các nhân tố thuộc nghiên cứu này sẽ được coi là có chất lượng khi chúng phải thỏa mãn 2 điều kiện gồm:

  • Hệ số Alpha của tổng thể > 0.6
  • Tương quan biến tổng > 0.3

5.2.2 Phân tích nhân tố khám phá (EFA)

Bước phân tích nhân tố khám phá (EFA) là cần thiết phải thực hiện trong nghiên cứu này để rút gọn một tập hợp gồm nhiều biến nghiên cứu ban đầu, qua đó giúp tác giả tìm ra các nhân tố đại diện cho từng biến. Các nhân tố được chọn làm đại diện cho từng biến tương ứng phải thỏa mãn được các yêu cầu tối thiểu của từng hệ số kiểm định gồm:

  • Hệ số KMO phải nằm trong khoảng [0, 1]
  • Sigificance (Sig.) ≤ 0,05
  • Phương sai trích > 50%
  • Eigenvalues > 1

5.2.3. Phân tích nhân tố khẳng định (CFA)

Để khẳng định về việc có thực sự tồn tại mối quan hệ giữa PCLĐ, VHTC và mức độ công bố thông tin TNXH cũng như mối quan hệ này có thực sự ảnh hưởng đến HQHĐKD của DN hay không thì cần thiết phải tiến hành bước phân tích nhân tố khẳng định. Trong bước phân tích này, tùy theo cỡ mẫu của mỗi nghiên cứu mà các hệ số kiểm định tương ứng cần được đảm bảo để khẳng định độ phù hợp của mô hình trong thực tế. Dựa vào cỡ mẫu của nghiên cứu này là 300 quan sát, theo Hair et al (2010) thì các hệ số kiểm định trong phân tích CFA phải thỏa mãn các tiêu chí sau:

  • Hệ số CMIN/df <0.3
  • CFI hoặc TLI >0.9
  • RMSEA <0.07

5.2.4. Phân tích cấu trúc tuyến tính (SEM)

Sau khi thực hiện bước phân tích nhân tố khẳng định (CFA), tác giả tiến hành sắp xếp lại các biến theo mô hình lý thuyết ban đầu để thực hiện bước ước lượng mối quan hệ nhân quả giữa các biến tiềm ẩn với nhau gồm: Biến PCLĐ, VHTC và biến mức độ công bố thông tin TNXH. Theo các tác giả: Kline (1998); Maccallum và cộng sự (1996); Garver & Mentzer (1999); Hair Junior và cộng sự (2005), để khẳng định việc tồn tại mối quan hệ tuyến tính giữa các biến thì các hệ số sau đây phải đảm bảo đạt ngưỡng nhất định như sau:

  • Hệ số CR > 2,58
  • Hệ số P-value ≤ 0,05

6. Kết luận

Trong chương này, tác giả đã biện luận việc sử dụng PPNC hỗn hợp để đáp ứng cho mục tiêu nghiên cứu và kiểm chứng độ phù hợp của mô hình nghiên cứu trong thực tiễn. Các thang đo nhân tố cũng đã được lập luận và xây dựng để phục vụ cho việc thiết lập bảng câu hỏi khảo sát và gửi cho các đối tượng khảo sát liên quan. Phương pháp xác định cỡ mẫu, đặc điểm mẫu nghiên cứu, phương pháp thiết kế bảng câu hỏi khảo sát và phương pháp thu thập dữ liệu cũng đã được tác giả biện luận để phù hợp với đối tượng và mục tiêu của nghiên cứu này. Các kết quả phân tích dựa trên dữ liệu chính thức cũng như hàm ý chính sách, hàm ý quản trị sẽ được tác giả đề cập trong phần tiếp theo của nghiên cứu này.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Anderson & Gerbing (1988). Structural Equation Modeling in Practice: A Review and Recommended Two-Step Approach. Journal of Psychological Bulletin, 103 (3), 411-423.
  2. Avolio, B. J., Bass, B. M., & Jung, D. I. (1999). Reexamining the components of transformational and transactional leadership using the Multifactor Leadership. Journal of occupational and organizational psychology, 72(4), 441-462.
  3. Denison, D. R. & Mishra, A. K. (1995) `Towards a theory of organizational
    culture and effectiveness', Organizational Science, 6(2), pp. 204-223.
  4. Denison, D. R. & Mishra, A. K. (1995) `Towards a theory of organizational culture and effectiveness', Organizational Science, 6(2), pp. 204-223.
  5. Garver, N. S., & Mentzer, J. T. (1999). Logistics research methods: employing structural equation modeling to test for construct validity. Journal of Business Logistics, 20(1), 33-57
  6. Haniffa, R.M., Cooke, T.E. (2005). The impact of culture and governance on corporate social reporting. Journal of Accounting and Public Policy 24 (5), 391–430.
  7. Hasseldine, J., Salama, A. I., & Toms, J. S. (2005). Quantity versus quality: the impact of environmental disclosures on the reputations of UK Plcs. The British Accounting Review, 37(2), 231-248.
  8. Hooper, D., Coughlan, J., & Mullen, M. R. (2008). Structural equation modelling: guidelines for determining model fit. Electronic Journal of Business Research Methods, 6(1), 53-60.
  9. Hox J.J., Maas C.J.M. (2001). The accuracy of multilevel structural equation modeling with pseudobalanced groups and small samples. Structural equation modeling, 8 (2), 157-174.
  10. Huang, S. K. (2013). The impact of CEO characteristics on corporate sustainable development. Corporate Social Responsibility and Environmental Management, 20(4), 234-244.
  11. Smith D. (2004) Structural Equation Modelling in Management Accounting Research: Critical Analysis and Opportunities Journal of Accounting Research 23, 49-86

RESEARCH METHODS TO VERIFY THE CORRELATION BETWEEN THE LEADERSHIP STYLE, ORGANIZATIONAL CULTURE, THE CORPORATE SOCIAL RESPONSIBILITY’S INFORMATION DISCLOSURE AND THE BUSINESS PERFORMANCE

Assoc.Prof. Ph.D Huynh Duc Long

University of Economics Ho Chi Minh City

Postgraduate student Ha Thi Thuy

University of Economics and Finance Ho Chi Minh City

ABSTRACT:

This article is to present an overview of the research process and the research methods used to verify the correlation between the leadership style, organizational culture, the Corporate Social Responsibility’s information disclosure and the business performance. This article’s content includes how to build the scale of factors, how to choose samples and the process of developing research questionnaires. The article also presents quantitative analysis techniques and arguments on verification factors used to assess the correlation.

Keywords: Leadership styles, organizational culture, Corporate Social Responsibility, business performance.