Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ trong những năm gần đây

ThS. LÊ THỊ BÍCH (Trường Đại học Xây dựng Hà Nội) và TS. LÊ THỊ THU (Viện Nghiên cứu châu Mỹ)

TÓM TẮT:

 Trong thời gian vừa qua, Việt Nam đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế và đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong đó, quan hệ với Hoa Kỳ là một trong những mối quan hệ quốc tế quan trọng nhất, thể hiện rõ thành tựu chính sách hội nhập sâu rộng của Việt Nam. Quan hệ giữa hai nước từ khi bình thường hóa (1995) đến nay đã đạt được nhiều thành quả tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực. Sau khủng hoảng tài chính toàn cầu, việc chính quyền Tổng thống Barack Obama chuyển trọng tâm chiến lược sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Tổng thống Donald Trump và hiện nay là Tổng thống Joe Biden tiếp tục triển khai chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhằm tìm kiếm sự tái cân bằng của Mỹ ở châu Á, trong đó ASEAN là một trong những điểm nhấn quan trọng đã tạo ra bối cảnh mới cho quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ. Bài viết này sẽ tìm hiểu quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ những năm gần đây trên mặt chính trị ngoại giao.

Từ khóa: Việt Nam, Hoa Kỳ, chính trị, ngoại giao, đối tác toàn diện.

1. Nhân tố thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ

Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ trong thời gian qua có nhiều bước tiến quan trọng và phát triển vượt bậc, điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó quan trọng nhất là các yếu tố thúc đẩy quan hệ từ hai phía.

Về phía Việt Nam, Việt Nam đang nổi lên như một đối tác quan trọng của Mỹ, vì:

Thứ nhất, Việt Nam có vị trí địa chiến lược, địa kinh tế quan trọng. Việt Nam có vị trí địa chiến lược trong một khu vực chiến lược trọng yếu hàng đầu trên thế giới: Đông Nam Á nằm trên trục đường giao thông quan trọng các tuyến hàng hải, thương mại vào loại nhộn nhịp nhất châu Á, là vùng đất giàu tiềm năng và là một trong những khu vực phát triển năng động nhất trên toàn cầu. Hơn nữa, vị trí nằm ngay cửa ngõ Đông Nam Á khiến Việt Nam luôn là địa bàn cạnh tranh địa chính trị, xác lập và mở rộng ảnh hưởng giữa các cường quốc[1]. Trong bối cảnh mới với cuộc cạnh tranh quyền lực và ảnh hưởng gay gắt giữa các cường quốc càng làm cho vị trí địa chiến lược của Việt Nam ngày càng quan trọng hơn. Về địa kinh tế, Việt Nam nằm vị trí huyết mạch nơi có kinh tế sôi động bậc nhất thế giới, nằm trên trục chính của Hành lang kinh tế Đông - Tây kết nối Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, tạo ra tiềm năng lớn cho hoạt động vận chuyển hàng hóa nhanh chóng, hiệu quả. Việt Nam có nhiều cảng biển, trong đó có nhiều cảng nước sâu, cho phép Việt Nam đóng một vai trò then chốt về kinh tế và cung ứng dịch vụ logistics cho các quốc gia trong và ngoài khu vực.  Về vị thế chính trị - ngoại giao, được coi là quan trọng nhất, với phương châm đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế, vị thế chính trị - ngoại giao Việt Nam không ngừng nâng cao, ngày càng giành được sự tin cậy và tín nhiệm của các quốc gia trên thế giới.

Thứ hai, sự thành công của Việt Nam trong phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập khu vực và quốc tế, năng lực quốc phòng ngày càng được nâng cao. Việt Nam đang đứng trước nhiều tiềm năng phát triển to lớn trong thời kỳ mới, đây chính là điểm hấp dẫn khiến Hoa Kỳ quan tâm hơn, chú trọng hơn đến mối quan hệ với Việt Nam. Theo đó: một là, Việt Nam đã có nhiều cải cách và thành tựu phát triển kinh tế -  xã hội, trở thành một nước có thu nhập trung bình, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, đạt và vượt nhiều Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ; hai là, Việt Nam đang tiếp tục đổi mới sâu sắc, triển khai mạnh mẽ tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng,...; ba là, hội nhập quốc tế sâu rộng trên mọi tầng nấc đã, đang và sẽ tạo nên sự năng động hoàn toàn mới của Việt Nam.

Thứ ba, vai trò, vị thế, uy tín của Việt Nam ngày càng nâng cao: Việt Nam có đóng góp và vai trò ngày càng quan trọng trong các tổ chức, diễn đàn quốc tế và khu vực. Trong khuôn khổ ASEAN: hiện nay, Việt Nam là một trong những nhân tố góp phần xây dựng một ASEAN vững mạnh. Việt Nam có những đóng góp quan trọng, hiệu quả và thực chất, thúc đẩy quan hệ đối ngoại của ASEAN phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu. Chính việc mở rộng hợp tác này và vị thế ngày càng tăng của ASEAN đã góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế nói chung và trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ nói riêng. Hợp tác và đóng góp trong khuôn khổ APEC: APEC không chỉ là một diễn đàn có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của Việt Nam trong các lĩnh vực kinh tế, đối ngoại, an ninh, mà còn là một kênh hiệu quả để Việt Nam đẩy mạnh hợp tác và làm sâu sắc quan hệ song phương với các thành viên, trong đó có hầu hết những đối tác chiến lược và đối tác toàn diện của Việt Nam. Trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM): Việt Nam là một trong những thành viên sáng lập ASEM, luôn phát huy vai trò chủ động tham gia hợp tác Á-Âu,…

Về phía Hoa Kỳ, Việt Nam có xu hướng chia sẻ nhiều lợi ích chiến lược với Hoa Kỳ, vì vậy, tăng cường quan hệ toàn diện với Việt Nam đang là một trong những ưu tiên đối ngoại của họ[2]. Từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu đến nay, Hoa Kỳ điều chỉnh chính sách hướng về khu vực châu Á - Thái Bình Dương (từ thời chính quyền Trump gọi là Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương), trong đó lựa chọn Đông Nam Á là bước khởi đầu cho sự quay trở lại của mình và Việt Nam là một mắt xích quan trọng. Với chính sách đó, cùng với việc nước này tham gia tích cực vào các thể chế khu vực và nhu cầu hợp tác giữa hai nước sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam có cơ hội tiếp xúc song phương cũng như đa phương nhiều hơn với Hoa Kỳ. Ngoài ra, sự tham gia tích cực của Hoa Kỳ tại các diễn đàn khu vực và trong một số vấn đề cụ thể như hợp tác biển Đông, an ninh nguồn nước,… tạo thêm điều kiện để Việt Nam thúc đẩy quan hệ song phương.

Việt Nam và Hoa Kỳ ngày càng mở rộng hợp tác trên các vấn đề khu vực và quốc tế. Trong giai đoạn hiện nay, Việt Nam - Hoa Kỳ cũng tiếp tục tích cực hợp tác trên các diễn đàn đa phương, khu vực và quốc tế, như: Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+), Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), Sáng kiến hạ nguồn sông Mekong (LMI),… nhằm góp phần xây dựng cấu trúc khu vực vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực và thế giới, qua đó, Việt Nam đã trao đổi và tranh thủ sự ủng hộ của Hoa Kỳ trong nhiều vấn đề.

2. Quan hệ chính trị ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ

Trong những năm gần đây, quan hệ chính trị ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ được đẩy mạnh, hai nước đã tổ chức nhiều chuyến thăm cấp nhà nước của các nhà lãnh đạo hai quốc gia cũng như các chuyến thăm cấp cao của quan chức hai bên. Chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới Hoa Kỳ vào tháng 7/2013 đánh dấu một cột mốc quan trọng, cho thấy quan hệ song phương đã bước sang một kỷ nguyên mới, hợp tác sâu rộng về mọi mặt. Nhân dịp này, Tổng thống Obama khẳng định việc coi trọng quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ và vai trò của Việt Nam tại khu vực; đồng thời mong muốn quan hệ giữa hai nước trong thời gian tới sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Trên cơ sở đó, hai nhà lãnh đạo đã quyết định xác lập quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ dựa trên các nguyên tắc tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau,... Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Barack Obama cũng đã trao đổi các biện pháp nhằm đưa quan hệ hai nước đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả hơn nữa, trong đó có tăng cường trao đổi đoàn cấp cao, thiết lập các cơ chế hợp tác mới hoặc nâng cấp các cơ chế hiện có. Hai nhà lãnh đạo hoan nghênh việc thiết lập cơ chế đối thoại chính trị và ngoại giao mới giữa hai Bộ trưởng Ngoại giao, đây là một điểm mới được tạo ra từ mối quan hệ đối tác toàn diện. Chuyến thăm này là một thành công lớn về quan hệ chính trị ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ, là dịp để lãnh đạo hai nước trao đổi về những định hướng lớn nhằm thúc đẩy quan hệ phát triển và về các vấn đề khu vực, quốc tế mà hai bên cùng quan tâm.

Bước phát triển về chất trong quan hệ song phương Việt Nam - Hoa Kỳ được đánh dấu qua chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ ngày 6 - 10/7/2015, đây chính là chuyến thăm có ý nghĩa lịch sử trong quan hệ giữa hai nước. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hội đàm với Tổng thống Barack Obama tại Nhà Trắng vào ngày 7/7/2015, hai bên ra Tuyên bố chung về Tầm nhìn quan hệ Việt - Mỹ, trong đó khẳng định làm sâu sắc hơn mối quan hệ Đối tác toàn diện trong nhiều lĩnh vực như kinh tế, chính trị, ngoại giao, nhân quyền, an ninh và quốc phòng, phối kết hợp trong vấn đề khu vực và quốc tế. Trong chuyến thăm, hai nước đã đạt được các thỏa thuận và hiệp định, bao gồm: Hiệp định tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa trốn lậu thuế đối với các loại thuế đánh vào thu nhập và Nghị định thư của Hiệp định; Bản Ghi nhớ giữa Bộ Quốc phòng hai nước về hợp tác trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc; Bản Ghi nhớ giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam và Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ về Chương trình các mối đe dọa đại dịch mới nổi và Chương trình An ninh Y tế Toàn cầu; Thỏa thuận Tài trợ giữa Cơ quan Phát triển và Thương mại Mỹ với Cục Hàng không Dân dụng Việt Nam; Việt Nam cấp giấy phép thành lập Trường Đại học Fulbright mới và năm 2016, Đại học Fulbright Việt Nam đã được chính thức thành lập.

Chuyến thăm chính thức của Tổng thống Barack Obama đến Việt Nam từ ngày 22 - 25/5/2016 đánh dấu một cột mốc quan trọng mang tính thực chất hơn nữa trong việc đẩy mạnh quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ. Các thỏa thuận đạt được trong chuyến thăm này cho thấy mối quan hệ song phương đang tiến triển nhanh chóng và toàn diện. Chuyến thăm này đã đặt nền tảng vững chắc có thể đảm bảo hợp tác về lâu dài khi những rào cản cuối cùng giữa hai quốc gia còn nhiều khác biệt đã được dỡ bỏ sau tuyên bố của Tổng thống Obama về việc Xóa bỏ cấm vận vũ khí.

Dưới thời Tổng thống Donald Trump, quan hệ chính trị ngoại giao giữa hai nước tiếp tục được đẩy mạnh. Năm 2017 là một năm có nhiều sự kiện quan trọng đối với quan hệ Việt Mỹ: vào tháng 5/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trở thành nhà lãnh đạo Đông Nam Á đầu tiên tới thăm Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Trump. Trong khuôn khổ chuyến thăm, hai bên cam kết duy trì và phát triển đà quan hệ, đồng thời đạt được nhận thức chung về khuôn khổ hợp tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ trong thời gian tới. Sáu tháng sau, vào ngày 11 - 12/11/2017, Tổng thống Trump đã tiến hành chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam sau khi tham dự Hội nghị Các nhà Lãnh đạo Kinh tế APEC tại Đà Nẵng. Kể từ sau khi Việt Nam và Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ năm 1995, tất cả các Tổng thống Hoa Kỳ đều đã thăm Việt Nam trong nhiệm kỳ của mình, nhưng ông Trump là người đầu tiên thăm Việt Nam trong năm đầu tiên sau khi lên nắm quyền. Chuyến thăm cấp nhà nước của ông Trump tới Việt Nam mang lại một đòn bẩy mới cho quan hệ song phương. Việt Nam cũng là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên mà ông Trump viếng thăm kể từ khi nhậm chức. Ngày 26 - 28/2/2019, Tổng thống Trump tiếp tục có chuyến thăm (không chính thức) tới Việt Nam để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2, củng cố thêm tầm vóc của Việt Nam trên trường thế giới.

Dưới thời Tổng thống Joe Biden, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ tiếp tục được chú trọng, chính quyền Biden cũng bày tỏ mong muốn có quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam. Việt Nam là một trong hai quốc gia Đông Nam Á được đề cập cụ thể trong Hướng dẫn Chiến lược an ninh Quốc gia Tạm thời của chính quyền Biden. Việt Nam là một trong số ít quốc gia mà Washington sẽ tập trung vào “làm sâu sắc và mở rộng các quan hệ đối tác và cam kết đa phương ở Đông Nam Á ,.. Để thúc đẩy các mục tiêu chung”[3], thông điệp này đã được truyền tải rõ nét thông qua chuyến công du Singapore và Việt Nam của Phó Tổng thống Harris. Việc nhân vật số hai của nước Mỹ lựa chọn Singapore và Việt Nam là điểm dừng chân cho chuyến công du trong những tháng đầu nhiệm kỳ đã nói lên vai trò trọng yếu của khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng trong chính sách châu Á của chính quyền Joe Biden.

Qua những diễn biến gần đây, bao gồm các chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin vào tháng 7/2021 và Phó Tổng thống Kamala Harris vào tháng 8, cũng như chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (21-24/9/2021) nhân dịp tham dự Phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc, cho thấy quan hệ Việt - Mỹ vẫn duy trì đà phát triển mạnh mẽ. Phát biểu trước Thượng viện vào ngày 13/7/2021, ông Marc Knapper - người được Tổng thống Joe Biden đề cử làm đại sứ tiếp theo tại Việt Nam hy vọng sẽ nâng tầm quan hệ song phương lên thành đối tác chiến lược và ông sẽ thực hiện các bước để thực hiện điều đó bằng cách tăng cường hơn nữa mối quan hệ an ninh với Việt Nam. Đặc biệt, chuyến thăm của bà Harris tới Việt Nam từ ngày 24 - 26/8/2021 đánh dấu lần đầu tiên một Phó Tổng thống Mỹ công du Việt Nam. Chuyến thăm là một thông điệp mạnh mẽ rằng, chính quyền của Tổng thống Biden coi trọng vị trí của Việt Nam trong khu vực và mong muốn thúc đẩy cũng như làm sâu sắc hơn nữa quan hệ với Việt Nam trên cơ sở những lợi ích chung. Nhân chuyến thăm, Phó Tổng thống Harris thông báo Mỹ tặng thêm 1 triệu liều vaccine Pfizer cho Việt Nam. Ngoài ra, một trong những điểm nhấn của chuyến thăm là việc khai trương Văn phòng khu vực Đông Nam Á của CDC Mỹ tại Hà Nội nhằm nâng cao năng lực khu vực trong việc ngăn ngừa, phát hiện và ứng phó với các bệnh truyền nhiễm và mối đe dọa y tế mới nổi khác. Trong cuộc họp báo ngày 26/8/2021, bà Harris khẳng định Việt Nam có tầm quan trọng đặc biệt với Mỹ và rằng chuyến đi này báo hiệu sự khởi đầu của một chương mới trong quan hệ hai nước. Đến nay, Hoa Kỳ vẫn là nước tài trợ nhiều vaccine Covid-19 nhất cho Việt Nam[4].

Từ sự thuận lợi và tiến triển của quan hệ chính trị ngoại giao như trên đề cập thể hiện một lòng tin mới giữa hai nước, sẽ thúc đẩy tất cả các lĩnh vực hợp tác khác phát triển hơn.

3. Đánh giá triển vọng quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ

Nhìn chung, trong thời gian tới, triển vọng quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ tiếp tục phát triển thực chất cả về bề rộng và chiều sâu, bởi hiện quan hệ song phương có nhiều thuận lợi và thời cơ, một phần xuất phát từ nguyên nhân: về cơ bản, không có mâu thuẫn trong lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ và Việt Nam. Hơn nữa, Việt Nam tiếp tục là một điểm nhấn trong chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Hoa Kỳ và chính thành tựu của quan hệ giữa hai nước ở nhiều lĩnh vực trong thời gian qua đã trở thành nền tảng cho việc thực hiện mục tiêu nâng cấp quan hệ lên tầm đối tác chiến lược.

Lợi ích của Việt Nam trong quan hệ với Hoa Kỳ: Do Hoa Kỳ đóng vai trò chi phối trong nhiều tổ chức quốc tế và trong quan hệ với các nước nên việc thúc đẩy quan hệ với Hoa Kỳ tạo cơ hội cho Việt Nam tiếp cận được một cường quốc có thị trường lớn, tiềm lực kinh tế, khoa học công nghệ mạnh, đồng thời góp phần tạo dựng một môi trường quốc tế hòa bình, ổn định, tạo thuận lợi cho Việt Nam có thể tập trung vào thực hiện các mục tiêu chiến lược của mình cả về kinh tế và quan hệ quốc tế. Có được quan hệ tốt đẹp với Hoa Kỳ cũng là cầu nối để Việt Nam hội nhập sâu rộng vào các quan hệ quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi hơn để nâng cao hơn vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Lợi ích của Hoa Kỳ trong quan hệ với Việt Nam: Việt Nam có vị trí địa chiến lược quan trọng và có nhiều tiềm năng phát triển, Việt Nam có chung biên giới với Trung Quốc, có cảng nước sâu như Cam Ranh, Hải Phòng. Việt Nam là một nhân tố then chốt tại Đông Nam Á với dân số đứng thứ hai và có vai trò ngày càng tích cực trong các tổ chức khu vực và quốc tế,… Tất cả những điều này đáp ứng lợi ích nhiều mặt của Mỹ trong quan hệ song phương với Việt Nam, đồng thời đáp ứng cả lợi ích của Mỹ trong các mối quan hệ song phương và đa phương của họ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Về chính trị, quan hệ giữa hai nước đang bước vào giai đoạn mới với nhiều thuận lợi. Trong giới chính trị Mỹ, ngày càng nhiều người trong cả đảng Dân chủ và Cộng hòa chia sẻ tư duy chiến lược muốn Việt Nam mạnh, nâng cấp quan hệ đối tác lên tầm cao hơn, các cơ chế chiến lược, chính trị, kinh tế và quân sự đang hình thành nhằm tạo sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau. Về kinh tế, trên cơ sở các hiệp định thương mại và đầu tư giữa hai nước cũng như lợi ích kinh tế đã, đang và sẽ trở thành động lực chủ yếu thúc đẩy sự phát triển quan hệ song phương lên tầm cao mới. Có nhiều quan điểm nhận định quan hệ kinh tế giữa Việt Nam - Hoa Kỳ là “quan hệ win-win - cùng thắng”, vì thế các cơ hội kinh tế sẽ là nền tảng quan trọng, tạo thời cơ để hai bên nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược.

Mục tiêu và nhu cầu, quyết tâm của hai nước trong việc thúc đẩy quan hệ cũng tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để quan hệ giữa hai nước ngày càng phát triển: Đối với Việt Nam, quan hệ tốt đẹp với Hoa Kỳ sẽ thuận lợi hóa một cách cơ bản các quan hệ kinh tế, chính trị và an ninh quốc tế của mình. Đẩy mạnh quan hệ với Mỹ sẽ giúp Việt Nam thâm nhập một cách tự do vào thị trường phong phú về chủng loại và chất lượng, công nghệ cao và kỹ thuật quản lý Mỹ sẽ là nền tảng cho Việt Nam trong cuộc cạnh tranh khốc liệt với các nền kinh tế khác. Trong khi đó, Mỹ tiếp tục coi trọng tăng cường quan hệ sâu rộng với Việt Nam vì những lợi ích chiến lược lâu dài; coi Việt Nam có vai trò ngày càng quan trọng tại khu vực, muốn Việt Nam đóng vai trò quốc tế lớn hơn và hợp tác với Hoa Kỳ nhiều hơn trong các vấn đề quốc tế và khu vực,... Trong bối cảnh bàn cờ chính trị khu vực có những thay đổi căn bản, Việt Nam tiếp tục coi Hoa Kỳ là đối tác quan trọng hàng đầu và Hoa Kỳ cũng coi trọng Việt Nam trong chính sách khu vực. Đây là điều kiện thuận lợi để hai nước tiếp tục thúc đẩy quan hệ phát triển hơn nữa.

Bên cạnh thời cơ, thuận lợi trên, vẫn còn nhiều thách thức để tiến tới xây dựng khuôn khổ đối tác chiến lược, vấn đề đặt ra là làm thế nào để khai thác tối đa những điểm song trùng về lợi ích giữa hai nước, đặc biệt về kinh tế - đầu tư - thương mại, vượt qua những khó khăn do lịch sử để lại và hướng tới tương lai, thách thức quan trọng nhất là hai bên cần nỗ lực vượt qua những khác biệt, bất đồng. Chìa khóa để tiếp tục cải thiện quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ phải bắt nguồn từ khả năng của cả hai bên trong việc thúc đẩy cơ hội, đối phó thách thức và quản lý sự khác biệt.

4. Kết luận

Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đã trải qua những giai đoạn đầy thăng trầm, khó khăn, nhưng hai bên đã vượt qua được và có những bước tiến mạnh mẽ, quan hệ chính trị, ngoại giao ngày càng mở rộng và sâu sắc hơn. Đến nay, sau 26 năm bình thường hóa, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đã đạt được những bước tiến vượt bậc, nhờ nền tảng các lợi ích chung, quan hệ chính trị, ngoại giao vững chắc và quyết tâm cao của cả hai phía. Đặc biệt, Việt Nam luôn coi Mỹ là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu và mong muốn cùng nhau tiếp tục thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển thực chất, hiệu quả, đi vào chiều sâu, ổn định lâu dài. Trên thực tế trong những năm gần đây, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ có thể xem như bước ngoặt chuyển giai đoạn rất căn bản, với bước phát triển mới, trên cả ba phương diện bề rộng, chiều sâu, hiệu quả hợp tác, đặc biệt là sau khi hai nước nâng cấp quan hệ lên đối tác toàn diện năm 2013. Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ ngày càng hợp tác toàn diện, phát triển thành quan hệ đối tác phát triển mạnh mẽ, xuyên suốt về chính trị, kinh tế, an ninh và giao lưu nhân dân. Và đặc điểm mới của quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ những năm gần đây chính là sự mở rộng nội dung hợp tác sang các lĩnh vực đa phương, hai bên đã chia sẻ nhiều lợi ích hợp tác trên cả bình diện quan hệ song phương và các vấn đề khu vực, quốc tế mà cả hai đều quan tâm. Dù vẫn còn nhiều khác biệt, trở ngại trong sự phát triển quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, song hoàn toàn có thể dự đoán mối quan hệ song phương sẽ gặt hái những kết quả tích cực do những sáng kiến mà hai nước thực hiện trong những năm gần đây ​​cho thấy ý định đang nỗ lực đưa quan hệ song phương lên một tầm cao mới. Với vị thế và thành công của Việt Nam, cùng với chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ còn nhiều dư địa để phát triển, dưới thời chính quyền mới Joe Biden hiện nay, quan hệ với Việt Nam tiếp tục được coi trọng.

 

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1] Hoa Nguyễn (2020). Vị thế Việt Nam trong cục diện mới của khu vực. Truy cập tại: https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/tin-binh-luan/-/asset_publisher/DLIYi5AJyFzY/content/vi-the-viet-nam-trong-cuc-dien-moi-cua-khu-vuc

[2] Lê Hồng Hiệp (2021). Châu Á và Việt Nam trong chiến lược của Mỹ và Anh. Truy cập tại: http://nghiencuuquocte.org/2021/08/02/chau-a-va-viet-nam-trong-chien-luoc-cua-my-va-anh/

[3] The White House (2021). Interim National Security Strategic Guidance. Retrieved from: https://www.whitehouse.gov/wp-content/uploads/2021/03/NSC-1v2.pdf

[4] Thuy Dung (2021). U.S. hands over nearly 1.5 million Pfizer vaccine doses to Viet Nam via COVAX. Retrieved from: http://news.chinhphu.vn/Home/US-hands-over-nearly-15-million-Pfizer-vaccine-doses-to-Viet-Nam-via-COVAX/202110/45674.vgp.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Alexander L. Vuving. (2015). A Breakthrough in US - Vietnam RelationsRetrieved from: https://thediplomat.com/2015/04/a-breakthrough-in-us-vietnam-relations/
  2. Brown. (2010). Rapprochement between Vietnam and the United States. Contemporary Southeast Asia, 32(3), 317-342.
  3. Martin Michael F. (2011). U.S. - Vietnam Economic and Trade Relations: Issues for the 112th Congress. Congressional Research Service, April 5. Retrieved from: https://www.everycrsreport.com/files/20120611_R41550_93882a4edf20ffea136bb57a176c9d03d3e0d12c.pdf
  4. Le Hong Hiep. (2021). US - Vietnam relations: From reconciliation to a raltionship of substance. Retrieved from: https://thediplomat.com/2021/09/us-vietnam-relations-from-reconciliation-to-a-relationship-of-substance/.
  5. Lê Hồng Hiệp. (2021). Châu Á và Việt Nam trong chiến lược của Mỹ và Anh. Truy cập tại: http://nghiencuuquocte.org/2021/08/02/chau-a-va-viet-nam-trong-chien-luoc-cua-my-va-anh/.
  6. Joshua Kurlantzick. (2015). Next Steps in the U.S. - Vietnam Relationship. Retrieved from: https://www.cfr.org/blog/next-steps-us-vietnam-relationship
  1. Mark E. Manyin. (2013). U.S. - Vietnam relations in 2013: Current Issues and Implications for U.S. Policy. Congressional Research Service, July 2013. Retrieved from: https://www.everycrsreport.com/files/20130619_R40208_1626b9b38d74a28b5a11e07b5abfa956a5702112.pdf
  2. Prashanth Parameswaran. (2020). Advancing U.S. - Vietnam Relations: Past, Present, and Future. Retrieved from: https://thediplomat.com/2020/07/advancing-us-vietnam-relations-past-present-and-future/
  3. Quan hệ Việt - Mỹ mang cả tính toàn diện và chiến lược. Truy cập tại: http://kttvqg.gov.vn/tin-tuc-hop-tac-115/quan-he-viet-my-mang-ca-tinh-toan-dien-va-chien-luoc-10194.html
  4. The White House. (2021). Interim National Security Strategic Guidance. Retrieved from: https://www.whitehouse.gov/wp-content/uploads/2021/03/NSC-1v2.pdf
  5. S. - Vietnam relation. Retrieved from: https://vn.usembassy.gov/our-relationship/policy-history/us-vietnam-relations/.

 

VIETNAM - U.S RELATIONSHIP IN RECENT YEARS

MSc. LE THI BICH 1

Dr. LE THI THU 2

1 Hanoi University of Civil Engineering

2 Vietnam Institute of Americas Studies

ABSTRACT:

In recent years, Vietnam has accelerated the process of international integration and has achieved many positive results. In particular, the relationship with the United States is one of the most important international relations for Vietnam, clearly demonstrating the achievements of Vietnam's extensive integration policy. The relationship between the two countries since normalization (1995) has achieved many good results in all fields. After the global financial crisis, the administration of President Barack Obama shifted its strategic focus to the Asia-Pacific region, President Donald Trump and now President Joe Biden continued to implement the Indo - Pacific Strategy to seek the US's rebalancing in Asia, in which ASEAN is one of the important highlights that has created a new context for Vietnam - US relations. With that foundation of relations and new context, in recent years, the relationship between Vietnam and the United States has developed extensively on both bilateral and multilateral levels, especially in the fields of economy, diplomacy, defense, etc. This article will explore Vietnam - US relations in recent years in terms of politics and diplomacy.

Keywords: Vietnam, the United States, politics, diplomacy, comprehensive partnership.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, 

Số 28, tháng 12 năm 2021]