Quản lý chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức tại thành phố Hồ Chí Minh

ThS. HỒ DIỆU MAI (Giảng viên - Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Thành phố Hồ Chí Minh (TP. Hồ Chí Minh) có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay ở nước ta. Trong sự nghiệp đổi mới và thực hiện Chương trình tổng thể Cải cách nền hành chính quốc gia, Thành phố luôn đi đầu, tìm tòi, đề xuất và tổ chức thực hiện có tính đột phá, sáng tạo các hoạt động động cải cách hành chính về tổ chức bộ máy, thủ tục hành chính và quản lý chất lượng đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức. Tuy nhiên, Thành phố cũng còn những hạn chế nhất định cần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức nhằm đáp ứng yêu cầu mới về yêu cầu cải cách hành chính và hội nhập quốc tế của thành phố. Bài viết này phân tích những kết quả đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức tại TP. Hồ Chí Minh thời gian qua, đồng thời gợi ý một số giải pháp cho thời gian tới.

Từ khóa: Quản lý, đào tạo, bồi dưỡng, TP. Hồ Chí Minh.

  1. Đặt vấn đề

Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực chuyên môn đáp ứng yêu cầu chức danh và vị trí việc làm, là mục tiêu được Ủy ban nhân dân (UBND) TP. Hồ Chí Minh đặt ra trong Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016 - 2020. Thực hiện chương trình nêu trên, hơn 194 nghìn lượt cán bộ, công chức, viên chức của thành phố sẽ được đào tạo, bồi dưỡng ở trong nước, nước ngoài.

Dựa trên cơ sở phương pháp luận duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước và pháp luật làm cơ sở nghiên cứu và từ kết quả những nghiên cứu trước, tác giả đã nghiên cứu đào tạo, bồi dưỡng công chức, thực trạng và nguyên nhân hạn chế, để từ đó, khuyến nghị một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức tại TP. Hồ Chí Minh.

  1. Kết quả quản lý đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức tại TP. Hồ Chí Minh

2.1. TP. Hồ Chí Minh luôn coi trọng quản lý chất lượng đào tạo, bồi dưỡng công chức,

viên chức

Thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X giai đoạn 2016 -2020 về nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016 - 2020 đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. UBND TP. Hồ Chí Minh đã ban hành Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2020.

Mục tiêu là tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng để trang bị kiến thức, kỹ năng công tác và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và thực thi công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức ở các cơ quan, đơn vị, các cấp, các ngành của Thành phố; đào tạo, bồi dưỡng nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất đạo đức, có trình độ, năng lực chuyên môn đáp ứng yêu cầu chức danh và vị trí việc làm; nắm vững chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật nhà nước; có năng lực tổ chức thực hiện và giải quyết tốt các vấn đề thực tiễn trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, góp phần hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ, phát triển Thành phố đến năm 2020 và những năm tiếp theo.

Để đạt được mục tiêu trên, TP. Hồ Chí Minh thực hiện đột phá trong công tác đào tạo, bồi dưỡng trên tất cả các mặt về công tác xây dựng kế hoạch, tổ chức, chất lượng và đánh giá hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng, hướng tới mục tiêu đào tạo đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững, hội nhập quốc tế sâu rộng của Thành phố; đào tạo, bồi dưỡng theo hướng chiến lược, đón đầu trong một số chuyên ngành, lĩnh vực nhằm chuẩn bị đội ngũ lãnh đạo, quản lý cho mục tiêu xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, phục vụ. Bảo đảm công tác đào tạo, bồi dưỡng thực sự nâng cao được năng lực, kỹ năng thực thi công vụ được giao; nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức trong thực thi công vụ. Gắn đào tạo, bồi dưỡng với công tác tuyển dụng, sử dụng, quy hoạch và phát triển đội ngũ cán bộ, công chức. Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu cơ quan quản lý, sử dụng và bản thân cán bộ, công chức tham gia tích cực và hiệu quả vào công tác đào tạo, bồi dưỡng…

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của thành phố trong 5 năm qua đã đạt và vượt các chỉ tiêu theo quy định của Chính phủ, UBND Thành phố, đạt tiêu chuẩn ngạch, chức danh và các kiến thức, kỹ năng chuyên ngành. Cụ thể, toàn Thành phố hiện có 133.802  công chức, viên chức (11.645 công chức và 122.157  viên chức. Ngoài ra, toàn Thành phố có 6.688 cán bộ, 7.160 công chức cấp xã. So với trước số cán bộ đạt chuẩn theo quy định tăng từ 85 lên 92%; số công chức đạt chuẩn tăng từ 99 lên 100%. Trong đó, số cán bộ, công chức được cử đi đào tạo trình độ Cao cấp lý luận chính trị là 586 người. Thành phố đã tổ chức 52 lớp Trung cấp lý luận chính trị, với 5.105 người. Trong những năm qua, Thành phố có chương trình đào tạo 300 thạc sĩ, tiến sĩ, tạo điều kiện để cán bộ công chức tham gia các chương trình đào tạo trong nước, chủ động tranh thủ mọi nguồn tài trợ đưa hàng trăm viên chức ngành y tế đi đào tạo ở nước ngoài. Kết quả từ năm 2003 đến nay, Thành phố đã đào tạo được 300 thạc sĩ, tiến sĩ, hàng trăm bác sĩ chuyên khoa 1, chuyên khoa 2 và tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng trên 100.800 lượt cán bộ, công chức, viên chức và 18.000 lượt cán bộ phường - xã - thị trấn về lý luận chính trị, quản lý nhà nước, chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ và vi tính, trong số đó có hàng nghìn lượt người tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài.

Đặc biệt, TP. Hồ Chí Minh còn có chương trình đào tạo cán bộ nguồn dài hạn - đó là chương trình tuyển chọn trên 1.000 sinh viên khá, giỏi bồi dưỡng thêm kiến thức cần bổ sung, đưa về cơ sở tiếp tục đào tạo qua thực tiễn. Lực lượng này không nhằm đáp ứng yêu cầu hiện tại mà là sự chuẩn bị đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong tương lai. Kết quả bước đầu đã có một số cán bộ trên dưới 30 tuổi được bố trí giữ chức Bí thư, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND phường - xã - thị trấn, cá biệt có đồng chí được bầu giữ chức Phó Chủ tịch UBND quận.

2.2. TP. Hồ Chí Minh đẩy mạnh đào tạo bồi dưỡng và dự kiến tinh gọn đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức

Đào tạo bồi dưỡng cán bộ công chức có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp phát triển nguồn nhân lực của cơ quan hành chính, cơ quan chuyên môn của TP. Hồ Chí Minh và phát triển kinh tế xã hội trong bối cảnh đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế của Việt Nam nói chung và của TP. Hồ Chí Minh nói riêng.

  1. Hồ Chí Minh có kế hoạch tinh giảm biên chế từ nay đến năm 2021 sẽ giảm từ 1,5-2% biên chế công chức và số lượng người làm việc được giao.

Cụ thể, năm 2018 biên chế công chức dự kiến là 11.210 người, đến năm 2019 giảm còn 10.950 người (giảm 693 người). Từ giai đoạn 2019-2021, mỗi năm giảm 260 người. Đến năm 2021, biên chế công chức tại TP. Hồ Chí Minh dự kiến là 10.430 người. Riêng khối sự nghiệp, TP. Hồ Chí Minh sẽ đẩy mạnh xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp nhằm giảm số lượng người làm việc cho phù hợp với thực tế tại TP. Hồ Chí Minh nhưng vẫn đáp ứng nhu cầu về giáo dục, y tế cho người dân thành phố trong tình hình mức độ gia tăng dân cao như hiện nay.

Theo tờ trình, từ nay đến năm 2021, TP. Hồ Chí Minh sẽ giảm từ 1,5-2% biên chế công chức và số lượng người làm việc được giao. Trên cơ sở lượng người được Trung ương giao, UBND TP. Hồ Chí Minh sẽ trình Hội đồng nhân dân thành phố giảm 1,5% số người làm việc. Cụ thể, năm 2018, lượng người làm việc khoảng 119.976 người, đến năm 2021 giảm còn 114.576 người. Mỗi năm, TP. Hồ Chí Minh sẽ giảm 1.800 người. Ngoài ra, TP. Hồ Chí Minh sẽ sắp xếp, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập của từng ngành, lĩnh vực.

Theo đó, Thành phố sẽ cơ cấu lại hoặc giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động không hiệu quả. Trong trường hợp cần thiết phải thành lập mới đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị đó phải tự đảm bảo toàn bộ về tài chính (trừ trường hợp phải thành lập mới để cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu). Về quản lý biên chế và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, TP. Hồ Chí Minh thực hiện nghiệm đánh giá, phân loại viên chức hàng năm để đưa ra khỏi đội ngũ những người 2 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ. Đồng thời, thành phố chấm dứt việc tự phê duyệt và giao biên chế sự nghiệp vượt quá số lượng được cơ quan có thẩm quyền thẩm định hoặc giao. Các cơ quan, đơn vị chưa sử dụng hết số biên chế được giao phải xem xét, cắt giảm cho phù hợp.

Như vậy, muốn cắt giảm được số lượng cán bộ công chức theo mục tiêu nêu trên, công tác đào tạo bồi dưỡng công chức, viên chức rất quan trọng góp phần nâng cao chất lượng cải cách hành chính và giảm biên chế theo yêu cầu hiện nay cho TP. Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của thành phố còn nhiều hạn chế và bất cập. Đó là:

Thứ nhất, số lượng cán bộ, công chức, viên chức tham gia các khóa học theo ngạch bậc, kiến thức quản lý và kỹ năng chưa đáp ứng kế hoạch đề ra, mới đạt khoảng 92% qua đào tạo, bồi dưỡng, nhất là đối với số lượng cán bộ, công chức, viên chức ở xã, phường.

Thứ hai, nội dung chương trình các khóa học mang tính khuôn mẫu, rập khuôn theo chương trình chuẩn của Bộ Nội vụ, thiếu tính cập nhật và tính đặc thù của thành phố, thiếu tính năng động sáng tạo và thiếu tính xử lý các tinh huống, kỹ năng thành thạo và chuyên nghiệp trong các nội dung của chương trình. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nhìn chung vẫn còn nặng về lý thuyết, tính ứng dụng không cao, chưa chú trọng tính đặc thù riêng biệt của từng vị trí việc làm của cán bộ, công chức, viên chức. Nội dung và thời lượng khung cho các chương trình đào tạo, bồi dưỡng liên tục thay đổi và cải cách nhưng hiệu quả vẫn chưa cao, chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn của từng ngành, từng địa phương điều kiện đặc thù, tính chất, trình độ phát triển rất khác nhau hiện nay ở TP. Hồ Chí Minh.

Thứ ba, chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức chưa được cải thiện rõ rệt so với yêu cầu cải cách hành chính và trong bối cảnh đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Vẫn còn một số cán bộ, công chức nhất là cán bộ ở xã, phường tại các huyện của thành phố chưa đạt trình độ chuyên môn theo tiêu chuẩn quy định, tình trạng công chức làm việc không theo chuyên môn đào tạo vẫn còn.

Thứ tư, một số cấp ủy, chính quyền địa phương ở xã, phường chưa coi trọng đúng mức công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức vì vậy một số chỉ tiêu theo kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức theo quy định đạt thấp. Cán bộ, công chức chủ yếu vừa học vừa làm nên còn để công việc chi phối quá trình học tập, thời gian dành trọn vẹn cho việc học tập không nhiều.

Nhìn chung, chất lượng đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức ở TP. Hồ Chí Minh trong nhiều năm qua đã được nâng lên một bước đáp ứng từng bước yêu cầu cải cách nền hành chính. Song vẫn còn những hạn chế nêu trên, chính vì vậy, cần có những giải pháp khắc phục nhằm nâng cao chất lượng đào tạo bồi dưỡng cán bộ công chức ở TP. Hồ Chí Minh trong thời gian tới, đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ của thành phố.

  1. Gợi ý một số giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức ở thành phố Hồ Chí Minh

Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức là nhằm đạt được mục tiêu chủ yếu, như: Nâng cao kiến thức, tri thức, trình độ hiểu biết của cán bộ công chức, thông qua các phương pháp đào tạo mới tăng hàm lượng thực hành, phân tích và xử lý tình huống, trao dồi các kỹ năng, kinh nghiệm thực tiễn để cán bộ công chức hoàn thành nhiệm vụ với chất lượng cao, có tinh trách nhiệm và chuyên nghiệp; Rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức và tư chất của cán bộ công chức;… Để đạt được mục tiêu trên, chúng tôi đề xuất một số giải pháp sau:

Thứ nhất, TP. Hồ Chí Minh cần tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị định số 101/NĐ-CP ngày 01/09/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, phấn đấu đến năm 2020 đảm bảo 100% cán bộ, công chức, nhất là ở xã, phường tham gia đào tạo, bồi dưỡng các ngạch bậc, các lớp bồi dưỡng kỹ năng theo qui định hiện hành của Bộ Nội vụ. Với mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng theo vị trí việc làm nhằm trang bị, cập nhật kiến thức, kỹ năng, phương pháp cần thiết để làm tốt công việc được giao, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính và hội nhập quốc tế. Đồng thời, thành phố có những biện pháp thích hợp và sớm cho phép Học viện cán bộ thành phố nghiên cứu sớm hoàn thiện, bổ sung những chuyên đề, tình huống mới phù hợp với thực tiễn của thành phố để đào tạo, bồi dưỡng chương trình Cao cấp lý luận khi được các cấp có thẩm quyền phê duyệt đề xuất của thành ủy và UBND thành phố với Thủ tướng chính phủ.

Thứ hai, tiếp tục giai đoạn hai xây dựng cơ sở vật chất và trang bị các thiết bị hiện đại, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị cho việc dạy và học phục vụ đào tạo bồi dưỡng của Học viện cán bộ thành phố nhằm hoàn thiện khu giảng đường, thư viện, ký túc xá, nâng cấp khu thể thao, bể bơi và các hệ thống cơ sở hạ tầng theo thiết kế đã được cấp thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời, xây dựng cơ chế, chính sách để tuyển chọn đội ngũ giảng dạy, báo cáo viên chất lượng; xây dựng đội ngũ giảng viên có kiến thức sâu, rộng, có nhiều kinh nghiệm trong thực tế; cung cấp cho người học những thông tin, kiến thức thiết thực; chú trọng mời giảng viên thỉnh giảng là lãnh đạo các cơ quan, đơn vị công tác trong ngành, trong địa phương có kinh nghiệm thực tiễn để truyền đạt kiến thức, hướng dẫn kỹ năng theo từng vị trí việc làm. Tiếp tục lựa chọn giảng viên trẻ có năng lực và khả năng về ngoại ngữ đưa đi đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài để tiếp cận kiến thức mới, kinh nghiệm về đào tạo bồi dưỡng công chức. Mở rộng hợp tác, trao đổi với các Học viện, trường, cơ sở đào tạo nước ngoài về đào tạo bồi dưỡng cán bộ công chức của Thành phố.

Thứ ba, đảm bảo thực hiện nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng khung của Bộ Nội Vụ, nhưng phối hợp các cơ sở đào tạo Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Hành chính Quốc gia và Học viện Cán bộ thành phố sớm bổ sung về kỹ năng quản lý điều hành, tổ chức thực hiện, nhất là xử lý những tình huống trong thực tiễn, cập nhật tính đa dạng và phong phú và sáng tạo trong quản lý hành chính ở Thành phố.

Thứ tư, xây dựng và hoàn thiện công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của thành phố giai đoạn 2021-2030, đây là căn cứ để có kế hoạch, đầu tư ngân sách nhà nước cho công tác đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ lãnh đạo, quản lý. Rà soát, đánh giá đội ngũ cán bộ, công chức và công tác đào tạo, bồi dưỡng trong thời gian qua, qua đó, xác định nhu cầu đào tạo, xây dựng kế hoạch đào tạo cụ thể theo từng năm và cả nhiệm kỳ đối với mỗi sở, ngành, chính quyền địa phương tại Thành phố.

Thứ năm, nâng cao trách nhiệm của lãnh đạo cấp ủy và chính quyền địa phương, nhất là người đứng đầu phải nâng cao trách nhiệm quan tâm với ý thức trách nhiệm cao về cải cách hành chính và coi trọng đúng mức, có trách nhiệm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức trên địa bàn Thông qua đào tạo, bồi dưỡng giúp cán bộ công chức có khả năng phân tích, xử lý các tình huống, hình thành phương pháp nhận thức khoa học và giải quyết các vấn đề từ thực tiễn nhanh, nhạy và đạt hiệu quả cao nhất.

  1. Kết luận

Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức là nhiệm vụ tất yếu khách quan ở TP. Hồ Chí Minh, nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới của thành phố với nhiều cơ chế, chính sách đặc thù của Đảng, Nhà nước đối với sự phát triển của Thành phố, Thành phố cần có đội ngũ cán bộ công chức năng động, sáng tạo có tính chuyên nghiệp cao, vững về bản lĩnh chính trị và kinh nghiệm thực hiện thắng lợi nghị quyết của Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2016 - 2020 và những nhiệm vụ phát triển kinh tế  - xã hội của Thành phố trong giai đoạn tới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Cổng thông tin điện tử TP. Hồ Chí Minh.
  2. Công thông tin của Sở Nội vụ TP. Hồ Chí Minh.
  3. Nghị định số 101/NĐ-CP ngày 01/09/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

MANAGEMENT THE QUALITY OF TRAINING AND RETRAINING CIVIL SERVANTS AND PUBLIC EMPLOYEES OF HO CHI MINH CITY

Master. HO DIEU MAI

Lecturer - National Academy of Public Administration - Ho Chi Minh City Campus

ABSTRACT:

Ho Chi Minh City has an important position and role in the process promoting the current industrialization and modernization and international integration of Vietnam. In the innovation and implementation of the National Public Administration Reform Program, Ho Chi Minh City has always been at the forefront and has explored, proposed and implemented breakthrough and innovative administrate reforms which focus on organizational structure, administrative procedures, management quality of training and retraining civil servants and public employees issues. However, Ho Chi Minh City still has limitations related to the management quality of training and retraining civil servants and public employees issues that need to be solved in order to meet the new requirements of the city's administrative reform and international integration requirements. This article analyzes the results of training and retraining civil servants and public employees activities of Ho Chi Minh City and proposes some solutions related to this matter in the coming time.

Keywords: Management, training, retraining, Ho Chi Minh City.