Quản lý thu bảo hiểm thất nghiệp từ các doanh nghiệp của Bảo hiểm xã hội tỉnh Lào Cai

Bùi Thị Hồng Việt (Trường Đại học Kinh tế quốc dân); Đỗ Văn Vũ (Bảo hiểm xã hội tỉnh Lào Cai)

TÓM TẮT:

Bài viết nhằm đánh giá đúng thực trạng quản lý thu bảo hiểm thất nghiệp từ các doanh nghiệp của Bảo hiểm xã hội tỉnh Lào Cai để từ đó đề xuất các giải pháp hoàn thiện quản lý thu bảo hiểm xã hội bắt buộc, nhằm đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời số tiền bảo hiểm thất nghiệp mà các doanh nghiệp và người lao động trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phải nộp.

Từ khóa: Bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm xã hội, tỉnh Lào Cai.

1. Đặt vấn đề

Trong giai đoạn 2016-2018, việc triển khai thực hiện công tác quản lý thu bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) tại Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Lào Cai đã đạt nhiều thành tựu, số người tham gia BHTN đều tăng qua các năm. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thu BHTN từ các doanh nghiệp tại BHXH tỉnh Lào Cai còn một số hạn chế như tình trạng doanh nghiệp nợ đọng BHTN, trốn đóng BHTN có chiều hướng gia tăng, đặc biệt đối với các doanh nghiệp ngoài nhà nước; số lượng doanh nghiệp, lao động tham gia BHTN còn thấp.

Năm 2018 có tổng số khoảng 2.036 doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh nhưng chỉ có 1.105 doanh nghiệp tham gia, chiếm 54,27%; số người tham gia BHTN trên địa bàn tỉnh mới chỉ chiếm khoảng 12% số người trong độ tuổi lao động thấp hơn mức bình quân chung của toàn quốc (tỷ lệ bình quân toàn quốc là 20%). Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do những hạn chế trong quản lý thu BHTN ngay từ khâu lập kế hoạch thu, tổ chức thực hiện kế hoạch thu cho đến khâu kiểm soát thu BHTN từ các doanh nghiệp của BHXH tỉnh Lào Cai.

2. Quản lý thu bảo hiểm thất nghiệp từ các doanh nghiệp của cơ quan BHXH tỉnh

Thu BHTN từ doanh nghiệp là hoạt động tài chính của Nhà nước; nhằm thực hiện thu nguồn đóng BHTN từ các doanh nghiệp và NLĐ tại các doanh nghiệp đó để hình thành quỹ tài chính BHTN thống nhất do Nhà nước quản lý.

Quản lý thu BHTN từ doanh nghiệp của BHXH tỉnh là quá trình BHXH tỉnh lập kế hoạch thu BHTN từ các doanh nghiệp, tổ chức thực hiện kế hoạch thu và kiểm soát việc thực hiện thu BHTN từ các doanh nghiệp, nhằm đạt được mục tiêu thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, không để tình trạng nợ đọng và không để thất thoát tiền đóng BHTN từ các doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về BHTN.

Quản lý thu BHTN từ các doanh nghiệp tại BHXH tỉnh nhằm đạt được các mục tiêu sau: Thu đúng đối tượng, đúng mức đóng, đúng thời gian đảm bảo tất các các doanh nghiệp và NLĐ trong các doanh nghiệp mà cơ quan BHXH tỉnh trực tiếp quản lý thu đều đóng BHTN; giảm tình trạng nợ đọng BHTN tại các doanh nghiệp; và tăng tỉ lệ đối tượng tham gia BHTN.

Các mục tiêu này được cụ thể hóa thông qua các chỉ số sau: (1) Tỷ lệ doanh nghiệp và NLĐ trong doanh nghiệp đã tham gia BHTN; (2) Tỷ lệ mức đóng bảo hiểm thất nghiệp từ các doanh nghiệp trên tổng mức thu nhập của người lao động từ các doanh nghiệp; (3) Số tiền thu bảo hiểm thất nghiệp từ các doanh nghiệp; (4) Tỷ lệ hoàn thành kế hoạch thu bảo hiểm thất nghiệp tại các doanh nghiệp và (5) Số tiền nợ đọng bảo hiểm thất nghiệp tại các doanh nghiệp.

3. Thực trạng quản lý thu bảo hiểm thất nghiệp từ các doanh nghiệp tại Bảo hiểm xã hội tỉnh Lào Cai

3.1. Thực trạng lập kế hoạch thu bảo hiểm thất nghiệp từ các doanh nghiệp

Trong thực tế, BHXH tỉnh Lào Cai không có kế hoạch 5 năm về thu BHTN từ các doanh nghiệp, mà chỉ xây dựng kế hoạch 5 năm về thu BHXH, BHYT, BHTN nói chung. Tuy nhiên, trong kế hoạch 5 năm về thu BHXH, BHYT, BHTN cũng không tách riêng chỉ tiêu thu BHTN từ các doanh nghiệp. BHXH tỉnh Lào Cai chỉ lập kế hoạch thu BHTN từ các doanh nghiệp hằng năm. Quy trình lập kế hoạch thu BHTN từ các doanh nghiệp hàng năm của BHXH tỉnh Lào Cai như sau:

- BHXH tỉnh Lào Cai phân tích môi trường tác động đến lập kế hoạch thu BHTN từ các doanh nghiệp:

+ Hệ thống các quy định của pháp luật, chính sách pháp luật của Nhà nước: Luật Việc làm có hiệu lực từ ngày 01/01/2015 có sự thay đổi quan trọng trong việc xác định đối tượng tham gia BHTN khi không còn quy định doanh nghiệp phải có tối thiểu từ 10 lao động trở lên mới thuộc diện tham gia BHTN. Điều này làm tăng số doanh nghiệp cũng như NLĐ thuộc diện tham gia BHTN. Hàng năm, Chính phủ đều có sự điều chỉnh lương tối thiểu vùng, đây là yếu tố quan trọng trong việc xác định cơ sở tính toán mức thu nhập đóng BHTN của các doanh nghiệp tính ra số thu BHTN. Năm 2014, số thu BHTN bao gồm 3%, trong đó doanh nghiệp đóng 1%, NLĐ đóng 1%, ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng 1%; từ năm 2015 trở đi, số thu BHTN chỉ gồm 2%, không bao gồm 1% ngân sách nhà nước hỗ trợ (ghi thu trực tiếp tại Trung ương, không giao cho tỉnh), từ đó để xác định số thu BHTN trong lập kế hoạch.

+ Tình hình phát triển kinh tế - xã hội địa phương có nhiều chuyển biến tích cực với sự đầu tư nhiều cơ sở hạ tầng đường giao thông, cửa khẩu… (Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai chính thức đi vào hoạt động cuối năm 2014; thông cửa khẩu Kim Thành…). Sự đầu tư phát triển của tỉnh đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển, tạo công ăn việc làm cho NLĐ; và đẩy nhanh tốc độ phát triển của các khu công nghiệp…

+ Căn cứ số doanh nghiệp đang quản lý trong năm và dự báo số lượng doanh nghiệp trong năm thực hiện kế hoạch để tính toán, xác định số doanh nghiệp, số lao động tham gia trong việc lập kế hoạch.

+ Căn cứ chỉ tiêu kế hoạch BHXH Việt Nam giao để xác định, xây dựng và phân bổ số thu cho BHXH tỉnh và BHXH các huyện.

+ Căn cứ tình hình thực hiện kế hoạch năm trước và số thực hiện 6 tháng năm nay về thu BHTN từ các doanh nghiệp, từ đó ước số thực hiện năm nay làm cơ sở cho dự báo số kế hoạch năm sau.

+ Căn cứ vào năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác thu BHTN từ các doanh nghiệp tại BHXH tỉnh để phân tích, xác định khả năng thực hiện hiện thu, khai thác phát triển đối tượng, thu hồi nợ BHTN từ các doanh nghiệp làm cơ sở xây dựng kế hoạch.

+ Căn cứ danh sách lao động, quỹ lương trích nộp BHTN của các doanh nghiệp do BHXH tỉnh trực tiếp thu, thực hiện kiểm tra đối chiếu, lập kế hoạch thu BHTN, trong đó có thu BHTN từ các doanh nghiệp cho năm sau.

- BHXH tỉnh Lào Cai xác định mục tiêu thu BHTN từ các doanh nghiệp:

Trên cơ sở phân tích các yếu tố, môi trường tác động đến việc lập kế hoạch thu BHTN từ các doanh nghiệp, BHXH tỉnh Lào Cai đưa ra các chỉ tiêu thu BHTN từ các doanh nghiệp trong giai đoạn 2014 - 2018 như sau: (Bảng 1)

bang 1

- BHXH tỉnh Lào Cai xác định các giải pháp để thực hiện mục tiêu thu BHTN từ các doanh nghiệp

BHXH tỉnh Lào Cai tập trung vào các giải pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân và ý thức chấp hành, tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp trong việc tham gia BHTN cho NLĐ theo quy định. Đồng thời với đó là việc ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng các phần mềm quản lý nghiệp vụ nhằm nâng cao hiệu quả công việc. Tăng cường sự phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc thanh tra, kiểm tra về lao động; rà soát doanh nghiệp, NLĐ thuộc đối tượng tham gia BHTN; kiên quyết xử lý các đơn vị nợ đọng, trốn đóng BHTN…

Bên cạnh đó là việc phát động các phong trào thi đua, khen thưởng các tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác thu BHTN từ các doanh nghiệp; khen thưởng, động viên các doanh nghiệp nghiêm chỉnh chấp hành…, nhằm đạt được các chỉ tiêu kế hoạch thu BHTN từ các doanh nghiệp đề ra.

3.2. Thực trạng tổ chức thực hiện kế hoạch thu bảo hiểm thất nghiệp từ các doanh nghiệp

Để tổ chức thực hiện kế hoạch thu BHTN từ các doanh nghiệp, BHXH tỉnh Lào Cai đã tích cực tập huấn cho cán bộ thực hiện kế hoạch thu bảo hiểm thất nghiệp từ các doanh nghiệp tại Bảo hiểm xã hội tỉnh Lào Cai; Truyền thông đến doanh nghiệp và người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp của Bảo hiểm xã hội tỉnh Lào Cai; Tổ chức các hoạt động nghiệp vụ thực hiện thu bảo hiểm thất nghiệp từ các doanh nghiệp; Phối hợp với các cơ quan có liên quan; Tạo động lực cho các cá nhân, tổ chức tích cực tham gia thực hiện kế hoạch thu bảo hiểm thất nghiệp từ doanh nghiệp.

Nhờ thực hiện các hoạt động trên, việc tổ chức thực hiện kế hoạch thu BHTN từ các doanh nghiệp giai đoạn 2014-2018 đã được các kết quả như sau:

- Tỷ lệ doanh nghiệp tham gia BHTN: (Bảng 2)

bang 2

Tỷ lệ doanh nghiệp tham gia BHTN trên tổng số doanh nghiệp năm 2014 thấp, do giai đoạn này quy định doanh nghiệp từ 10 lao động trở lên mới thuộc diện phải tham gia BHTN. Kể từ năm 2015 trở đi, số lượng doanh nghiệp tham gia BHTN đều tăng qua các năm. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp tham gia BHTN còn thấp so với số doanh nghiệp thuộc diện tham gia BHTN.

Tính đến năm 2018, số lượng doanh nghiệp đã tham gia BHTN mới chỉ đạt 54,27% trên tổng số doanh nghiệp thuộc diện phải tham gia BHTN, như vậy còn một số lượng tương đối lớn doanh nghiệp chưa tham gia BHTN theo quy định, tập trung chủ yếu ở các doanh nghiệp ngoài nhà nước (DNNNN). Tỷ lệ DNNN và DN ĐTNN chiếm 100% thì DNNNN chỉ chiếm 53,34%. Đây chính là khu vực cần tập trung khai thác, phát triển tham gia BHTN, đồng thời cũng phản ánh tình trạng quản lý doanh nghiệp còn lỏng lẻo, dẫn đến việc số lượng tương đối lớn doanh nghiệp chưa tham gia BHTN.

- Tỷ lệ NLĐ tham gia BHTN từ các doanh nghiệp: (Bảng 3)

bang 3

Mặc dù hàng năm số lao động tham gia BHTN đều tăng qua các năm, tuy nhiên, tỷ lệ người lao động tham gia BHTN trên số người thuộc diện tham gia tại các doanh nghiệp còn thấp. Năm 2014, đạt 66,05%, đến năm 2018 mặc dù tăng nhưng cũng chỉ đạt 69,39% số người thuộc diện tham gia. Như vậy, còn một số lượng NLĐ trong khu vực doanh nghiệp chưa được đóng BHTN.

- Tỷ lệ mức đóng BHTN trên mức thu nhập của NLĐ tại các doanh nghiệp: (Bảng 4)

bang 4

Mức thu nhập đóng BHTN của NLĐ tại các doanh nghiệp so với mức thu nhập của họ tại doanh nghiệp còn tương đối thấp. Đây cũng là một trong những nội dung rất đáng lưu tâm do các doanh nghiệp ngày càng có xu hướng chuyển các khoản trợ cấp, hỗ trợ thành các khoản không phải đóng BHTN nhằm giảm bớt chi phí phải đóng BHTN, điều này được lợi cho doanh nghiệp nhưng đối với NLĐ lại chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt là số tiền phải trích đóng hàng tháng thấp hơn, số tiền lương thực lĩnh về hàng tháng cao hơn nhưng không hiểu được sẽ thiệt thòi khi hưởng các chế độ BHTN nói riêng và các chế độ BHXH, BHYT nói chung, về tỷ lệ NLĐ phải đóng và trách nhiệm doanh nghiệp phải đóng cho mình.

- Số tiền thu BHTN từ các doanh nghiệp: (Bảng 5)

bang 5

Số thu BHTN từ các doanh nghiệp ngày càng tăng, đặc biệt có sự tăng nhanh ở DN NNN, tổng số thu BHTN năm 2014 là 15.296 triệu đồng thì đến năm 2018, tổng số thu BHTN là 29.340 triệu đồng, tăng 191,81%.

- Tỷ lệ hoàn thành kế hoạch thu bảo hiểm thất nghiệp từ các doanh nghiệp: (Bảng 6)

bang 6

Hàng năm BHXH tỉnh Lào Cai đều hoàn thành và vượt mức chỉ tiêu thu BHTN từ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

- Tỷ lệ nợ đọng BHTN từ các doanh nghiệp:

Mặc dù số thu BHTN từ các doanh nghiệp ngày càng tăng, nhưng thực tế trong giai đoạn nghiên cứu từ 2014 - 2018, số nợ BHTN từ các doanh nghiệp cũng ngày càng có xu hướng gia tăng, đặc biệt là nợ BHTN của các DN NNN. (Bảng 7)

bang 7

Tổng số tiền nợ BHTN từ các doanh nghiệp năm 2014 là 263,6 triệu đồng thì đến năm 2018, số tiền nợ là 1.195,24 triệu đồng, tăng 931,63 triệu đồng, tương ứng tăng 354,42% so với năm 2014. Về chỉ tiêu nợ so với số phải thu BHTN từ các doanh nghiệp cũng có chiều hướng gia tăng qua các năm, năm 2014 tỷ lệ nợ BHTN từ các doanh nghiệp trên số phải thu là 1,72% thì đến năm 2018 con số này đã lên tới 4,1%.

3.3. Thực trạng kiểm soát thu bảo hiểm thất nghiệp từ các doanh nghiệp

Các hình thức kiểm soát thu BHTN từ các doanh nghiệp tại BHXH tỉnh Lào Cai bao gồm giám sát, kiểm tra, thanh tra. (Bảng 8)

bang 8

Số cuộc kiểm tra doanh nghiệp và số cuộc kiểm tra liên ngành có xu hướng giảm trong những năm gần đây do thực hiện theo Quyết định số 1518/QĐ-BHXH ngày 18/10/2016, BHXH tỉnh Lào Cai thực hiện các cuộc thanh tra chuyên ngành và các cuộc thanh tra liên ngành. (Bảng 9)

bang 9

Từ tháng 10/2016, BHXH được thực hiện thanh tra chuyên ngành đóng BHTN theo quy định tại Quyết định số 1518/QĐ-BHXH ngày 18/10/2016 của BHXH Việt Nam.

Qua số liệu Bảng 9 có thể thấy kể từ khi có chức năng thanh tra chuyên ngành, BHXH tỉnh chủ yếu thực hiện các cuộc thanh tra chuyên ngành đóng tại các doanh nghiệp. Năm 2016, do quy định ban hành muộn nên số cuộc thanh tra tại doanh nghiệp chỉ là 2 cuộc, nhưng đến năm 2018 đã thực hiện được 141 cuộc thanh tra tại doanh nghiệp, trong đó có 10 cuộc thanh tra liên ngành.

Như vậy, trong giai đoạn 2014 - 2018, BHXH tỉnh đã chủ động thực hiện được 393 cuộc kiểm tra và 205 cuộc thanh tra chuyên ngành đóng BHTN tại các doanh nghiệp. Trong đó, có 93 cuộc kiểm tra liên ngành và 19 cuộc thanh tra liên ngành. Qua các cuộc kiểm tra và thanh tra đã phát hiện 124 trường hợp đóng BHTN chưa đúng mức thu nhập phải đóng, 309 trường hợp doanh nghiệp chưa báo tăng cho NLĐ; thu hồi số tiền nợ, số tiền truy thu BHXH, BHYT và BHTN là 12,981 tỷ đồng.

Có thể thấy đây làm một hoạt động rất thiết thực và hiệu quả trong việc thực hiện kiểm soát thu BHTN từ các doanh nghiệp. Tuy nhiên, do các Đoàn kiểm tra, thanh tra quy định rất chặt chẽ về thành phần đoàn, trưởng đoàn nên trong điều kiện Phòng thanh tra, kiểm tra BHXH tỉnh chỉ có 9 người, việc đáp ứng yêu cầu thực hiện các cuộc kiểm tra, thanh tra còn hạn chế; đặc biệt đối với các trường hợp truy thu BHTN từ 6 tháng trở lên phải thực hiện thanh tra đột xuất nên sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi không đủ nhân lực để bố trí thực hiện kịp thời theo quy định.

4. Điểm yếu trong quản lý thu bảo hiểm thất nghiệp từ các doanh nghiệp tại Bảo hiểm xã hội tỉnh Lào Cai

Về lập kế hoạch thu BHTN từ các doanh nghiệp:

BHXH tỉnh Lào Cai mới xây dựng kế hoạch năm và kế hoạch quý chưa có kế hoạch 5 năm về thu BHTN từ các doanh nghiệp. Quy trình lập kế hoạch chưa tuân thủ đầy đủ quy định của BHXH Việt Nam, chưa xây dựng phương pháp lập kế hoạch riêng phù hợp đặc thù của tỉnh Lào Cai. Phương pháp lập kế hoạch thu BHTN từ các doanh nghiệp chưa khoa học, chưa phân tích đầy đủ các yếu tố tác động cũng như việc sử dụng các nguồn số liệu phục vụ cho công tác lập kế hoạch chưa thực sự đảm bảo chất lượng.

Về tổ chức thực hiện kế hoạch thu BHTN từ các doanh nghiệp:

Việc quản lý nắm bắt số lượng doanh nghiệp, NLĐ trong các doanh nghiệp phải tham gia BHTN còn chưa đầy đủ, số liệu chưa chính xác. BHXH tỉnh Lào Cai tập trung khá nhiều vào tuyên truyền trực quan mà chưa quan tâm đúng mức cho các cuộc đối thoại trực tiếp với NLĐ, tổ chức các hội nghị thông tin trực tiếp tại các doanh nghiệp lớn, khu công nghiệp... Phối hợp các bên có liên quan chưa thật sự thường xuyên, còn mang tính hình thức, chưa phát huy hiệu quả.

Về kiểm soát thu BHTN từ các doanh nghiệp:

Số lượng cuộc kiểm tra, thanh tra chuyên ngành đóng cũng như thanh tra liên ngành còn ít, chưa phát huy hết vai trò và hiệu quả của công tác này.

5. Giải pháp hoàn thiện quản lý thu bảo hiểm thất nghiệp từ các doanh nghiệp tại Bảo hiểm xã hội tỉnh Lào Cai

Hoàn thiện lập kế hoạch thu bảo hiểm thất nghiệp từ các doanh nghiệp

Đổi mới về quy trình xây dựng kế hoạch thu BHTN. Quy trình xây dựng và tổng hợp kế hoạch thu BHTN từ doanh nghiệp không chỉ bó hẹp trong phòng Quản lý thu của BHXH tỉnh, bộ phận thu của BHXH các huyện, thành phố mà được xây dựng theo nhiều vòng, tổ chức lấy ý kiến của các phòng nghiệp vụ có liên quan, đồng thời tham vấn các sở, ban, ngành nhất là Sở Kế hoạch đầu tư, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn lao động để có được những ý kiến của những nhà phân tích, những nhà chuyên môn, để giúp cho bản kế hoạch thu BHTN từ các doanh nghiệp có căn cứ khoa học, cũng như tính logic và tính chính xác cao hơn. Quy trình phải có sự gắn kết chặt chẽ kế hoạch thu BHTN từ doanh nghiệp, kế hoạch tuyên truyền thu BHTN từ doanh nghiệp, kế hoạch kiểm soát thu BHTN từ doanh nghiệp, kế hoạch kinh phí hỗ trợ thu BHTN từ doanh nghiệp.

Hoàn thiện tổ chức thực hiện kế hoạch thu bảo hiểm thất nghiệp từ các doanh nghiệp

Nắm bắt sát sao các yếu tố liên quan đến nộp BHTN từ doanh nghiệp như:

- Quản lý tiền lương làm căn cứ thu BHTN từ các doanh nghiệp: Theo dõi thường xuyên diễn biến tiền lương - tiền công của doanh nghiệp và NLĐ. Tích cực vận động, khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện chi trả tiền lương - tiền công cho NLĐ thông qua thẻ ATM nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan BHXH dễ dàng nắm bắt được diễn biến tiền lương, tiền công tại từng doanh nghiệp tham gia BHTN.

- Quản lý chặt chẽ NLĐ và doanh nghiệp: Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan ban ngành liên quan, như: Thanh tra lao động, Ban quản lý các khu công nghiệp, Cục thuế, Sở Kế hoạch đầu tư… để nắm đầy đủ số lượng doanh nghiệp và số lao động trên địa bàn, phát hiện những doanh nghiệp khai báo thiếu số lao động thực tế tại đơn vị hoặc chưa khai báo đăng kí tham gia để yêu cầu tham gia BHTN theo quy định, đồng thời có chương trình xúc tiến thông tin tuyên truyền phổ biến chính sách đến từng cơ sở chưa tham gia BHTN đầy đủ cho NLĐ.

Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền và phối hợp với các cơ quan có liên quan để thực hiện kế hoạch thu BHTN từ các doanh nghiệp:

 - BHXH tỉnh nên phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Công đoàn cơ sở. Khi đã thấu hiểu chính sách, tầm quan trọng của BHTN đối với đời sống NLĐ, tổ chức Công đoàn sẽ tác động đến NLĐ, thay đổi nhận thức và hành vi của họ, đấu tranh đòi hưởng những quyền lợi chính đáng của mình.

- Phối hợp thường xuyên với các cơ quan thông tin, tuyên truyền ở địa phương và Ban tuyên giáo tỉnh ủy, Liên đoàn lao động tỉnh, Sở Văn hóa thông tin, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để phổ biến các chế độ chính sách về BHTN nhằm triển khai sâu rộng đến NLĐ và doanh nghiệp.

- Xây dựng chuyên mục trên đài phát thanh và truyền hình tỉnh và xây dựng các chuyên trang trên các báo của địa phương về chính sách pháp luật BHXH, BHYT, BHTN nói chung và BHTN từ các doanh nghiệp nói riêng; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về BHTN. Thực hiện tuyên truyền trực tiếp thông qua phát hành tờ rơi, áp phích, pa nô..., chú trọng đến các hình thức tuyên truyền trực tiếp thông qua các buổi đối thoại với NLĐ và doanh nghiệp.

Hoàn thiện kiểm soát thu bảo hiểm thất nghiệp từ các doanh nghiệp

Tăng cường hơn nữa việc kiểm tra, thanh tra các doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện nghiêm túc việc đăng ký thỏa ước lao động tập thể, hợp đồng lao động theo đúng các nội dung quy định trong Bộ luật Lao động, làm cơ sở cho việc đăng ký tham gia BHTN theo quy định của pháp luật về BHTN.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bảo hiểm xã hội tỉnh Lào Cai các năm 2014 - 2018, Báo cáo tổng kết hàng năm.
  2. Bảo hiểm xã hội Việt Nam (2010), Công văn số 116/ BHXH-CSXH, về việc sửa đổi Công văn số 1615/BHXH-CSXH ngày 02/6/2009 hướng dẫn thực hiện thu - chi bảo hiểm thất nghiệp.
  3. Bảo hiểm xã hội Việt Nam (2016), Công văn số 3588/BHXH-KHĐT, ngày 31/12/2016 về việc lập kế hoạch thu BHTN.
  4. Bảo hiểm xã hội Việt Nam (2016), Quyết định số 1518/QĐ-BHXH ngày 18/10/2016 về việc ban hành Quy định hoạt động thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHTN, BHYT và hoạt động kiểm tra của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
  5. Bảo hiểm xã hội Việt Nam (2017), Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 về việc ban hành quy trình thu BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp; quản lý sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế.
  6. Luật BHXH số 58/2014/QH13 ngày 20/11/2014.
  7. Luật Việc làm số 38/2013/QH13 ngày 16/11/2013.
  8. Cục Thống kê tỉnh Lào Cai (2018), Niên giám thống kê, Nxb, Thống Kê, Lào Cai.
  9. Trang web của Bảo hiểm xã hội tỉnh Lào Cai: http://bhxhlaocai.gov.vn.

Unemployment insurance premiums collection from enterprises of Department of Social Insurance - Lao Cai Province

Ph.D Bui Thi Hong Viet

National Economics University

Do Van Vu

Department of Social Insurance - Lao Cai Province

Abstract:

This article aims to assess the current situation of unemployment insurance premiums collection from enterprises of Department of Social Insurance - Lao Cai Province. This article is to propose solutions to improve the effectiveness of unemployment insurance collection from enterprises in order to correctly and promptly collect unemployment insurance premiums from enterprises and laborers of enterprises in Lao Cai Province.

Keywords: Unemployment insurance, social insurance, Lao Cai Province.