Quản trị đại học: Kinh nghiệm của Hoa Kỳ và bài học cho Việt Nam

ThS. Nguyễn Đồng Anh Xuân (Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội)

TÓM TẮT:

Giáo dục đại học có vai trò rất quan trọng, tác động trực tiếp đến sự phát triển và thịnh vượng của mỗi quốc gia. Việt Nam là quốc gia đang phát triển, ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục so với GDP luôn ở mức cao, nhưng chất lượng giáo dục chưa đáp ứng tốt nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là giáo dục đại học. Hoa Kỳ không phải là quốc gia có truyền thống phát triển học thuật lâu đời so với các nước châu Âu như Đức hay Pháp nhưng ngày nay, Hoa Kỳ đã trở thành quốc gia có nền giáo dục đại học chất lượng và danh tiếng hàng đầu thế giới. Theo xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) năm 2019 của Tổ chức Quacquarelli Symonds có sự tham gia của 1.000 cơ sở GDĐH ưu tú nhất toàn cầu, Hoa Kỳ tiếp tục dẫn đầu với 11 trường nằm trong top 20, trong đó các vị trí từ 1 đến 4 đều thuộc các cơ sở GDĐH của Hoa Kỳ; Viện Công nghệ Massachuset đứng vị trí số 1 của bảng xếp hạng. Mô hình giáo dục đại học của Hoa Kỳ là điển hình nhất cho nền giáo dục mở, đa dạng về loại hình và chất lượng, trở thành hình mẫu cho nhiều quốc gia ngưỡng mộ và học tập, trong đó có Việt Nam. Do vậy, bài viết này giới thiệu  về kinh nghiệm quản trị đại học của Hoa Kỳ, từ đó đề xuất một số bài học kinh nghiệm có khả năng vận dụng vào thực tiễn tại Việt Nam.

Từ khóa: Giáo dục đại học, quản trị đại học, mô hình quản trị đại học.

1. Mô hình quản trị đại học trên thế giới

Nghiên cứu về quản trị đại học là chủ đề có tính thời sự, thu hút sự quan tâm của nhiều học giả, nhà quản lý. Các nghiên cứu này không ngừng được bổ sung và hoàn thiện, nhiều công trình nghiên cứu giá trị, như nghiên cứu của các tác giả Dennis, Tewarie & White (2003), “Quản trị đại học hiệu quả trong thế kỷ XXI”; John Fielden (2008), “Những xu hướng toàn cầu trong quản trị đại học”; Pavel Zgaga (2008), “Quản trị đại học, tự chủ và quản lý trong GDĐH”. Đối với Việt Nam, kể từ khi chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, đặc biệt trong thời gian gần đây đã có nhiều công trình nghiên cứu về quản trị đại học gắn với thực tiễn GDĐH ở Việt Nam, như nghiên cứu của tác giả Đào Văn Khanh (2010), “Hướng đi nào cho đổi mới quản trị đại học Việt Nam”; Phạm Thị Ly (2008), “Xây dựng một hệ thống quản trị đại học hiệu quả - Kinh nghiệm của Hoa Kỳ và khả năng vận dụng tại Việt Nam”; Nguyễn Đông Phong & Nguyễn Hữu Huy Nhựt (2013), “Quản trị đại học và mô hình cho cơ sở GDĐH khối kinh tế ở Việt Nam”. Như vậy, nghiên cứu về quản trị đại học có nhiều cách tiếp cận khác nhau, tùy theo đối tượng, phạm vi và mục đích nghiên cứu của các tác giả và kèm theo cách thức tiếp cận khác nhau về thuật ngữ quản trị đại học. Theo quan điểm Gallagher (2002), cho rằng: “Quản trị đại học là cấu trúc của các mối quan hệ nhằm mang đến sự kết dính, ủy nhiệm chính sách, kế hoạch và ra quyết định, chịu trách nhiệm trước nhà trường, cộng đồng xã hội và người học về sự tin cậy, tính thích ứng và hiệu quả chi phí quản lý”. Thuật ngữ này được sử dụng khá phổ biến trong các nghiên cứu về quản trị đại học ở Việt Nam và trên thế giới với cách hiểu quản trị đại học là hoạch định đường lối, chính sách và quyết định các định hướng chiến lược trong cơ sở GDĐH.

Theo báo cáo tổng quan về xu thế quản trị đại học trên thế giới của World Bank 2008 đã khái quát 4 mô hình quản trị đại học, thể hiện địa vị pháp lý của các cơ sở GDĐH trong xã hội. Các mô hình này bao gồm: i) Mô hình nhà nước quản lý - kiểm soát hoàn toàn (state control) như ở các nước Mỹ Latinh, Malaysia trước đây; ii) Mô hình bán tự chủ (semi-autonomous) như ở Pháp và New Zealand; iii) Mô hình bán độc lập (semi-independent) như ở Singapore; iv) Mô hình độc lập (independent) như ở Mỹ, Anh, Úc. Mỗi mô hình quản trị đại học đều thể hiện tính tự chủ ở các mức độ khác nhau, đối với mô hình nhà nước kiểm soát hoàn toàn thì các cơ sở GDĐH vẫn được tự chủ ở mức độ nhất định trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, tài chính. Ngược lại, mô hình độc lập (nhà nước giám sát) thể hiện rõ nhà nước chỉ đóng vai trò giám sát hệ thống đảm bảo chất lượng đại học và duy trì mức độ tự chủ, chịu trách nhiệm cao cho các cơ sở GDĐH.

Thực tiễn cho thấy, tự chủ đại học giúp cho các cơ sở GDĐH vận hành tốt hơn, hoạt động hiệu quả hơn, đồng thời cũng làm tăng tính cạnh tranh giữa các cơ sở GDĐH, tạo điều kiện để đa dạng hóa các hoạt động GDĐH. Xu hướng chung trên toàn cầu hiện nay là chuyển dần từ mô hình nhà nước kiểm soát sang các mô hình có mức độ tự chủ cao hơn, sự thay đổi này thường được mô tả là chuyển từ hệ thống nhà nước kiểm soát sang hệ thống nhà nước giám sát. Nhật Bản là ví dụ điển hình khi đã thông qua Luật tập đoàn Đại học quốc gia vào năm 2003, đã giúp cho các cơ sở GDĐH quốc gia được tự chủ theo luật định, với nhiều quyền lực được giao cho hội đồng quản trị và hiệu trưởng. Hội đồng quản trị được xem như cơ quan quyền lực cao nhất, quyết định các chính sách, chiến lược, định hướng phát triển và giám sát các hoạt động của cơ sở GDĐH, chịu trách nhiệm trước nhà nước và xã hội. Trong khi, hiệu trưởng chịu trách nhiệm điều hành, quản lý các công việc hàng ngày và thực thi các chính sách, định hướng của hội đồng quản trị.

Đối với các cơ sở GDĐH công lập ở Việt Nam đang chuyển dần từ mô hình Nhà nước kiểm soát sang mô hình Nhà nước giám sát với quyền tự chủ đại học ngày càng mở rộng. Đặc biệt, Luật GDĐH sửa đổi năm 2018 có hiệu lực từ ngày 01/07/2019 sẽ tiếp tục mở rộng quyền tự chủ về học thuật, tổ chức và nhân sự, tài chính cho các cơ sở GDĐH. Tuy nhiên, thực trạng quản trị đại học ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, như: i) Cơ chế “cơ quan chủ quản” thể hiện sự can thiệp của cơ quan quản lý vĩ mô vào các vẩn đề tự chủ đặc biệt là bộ máy quản lý và nhân sự và đầu tư của các cơ sở GDĐH và đóng vai trò gần giống Hội đồng trường/Hội đồng quản trị của cơ sở GDĐH nước ngoài; ii) Hội đồng trường nếu có được thành lập ở các trường công lập theo Luật GDĐH, Điều lệ trường đại học vẫn chưa thực hiện đúng chức năng là một tổ chức quản trị đại học giống như các nước. Với cơ cấu thành viên ngoài trường chiếm tỷ lệ thấp, Hội đồng trường khó thực hiện vai trò một cơ quan quyền lực cao nhất và độc lập với Hiệu trưởng mà chỉ thiên về tư vấn cho hiệu trưởng; iii) Cơ chế tài chính còn phụ thuộc vào ngân sách được giao, chưa có phương án khả thi để tăng cường tính tự chủ và nâng cao, ổn định nguồn tài chính trong dài hạn, đặc biệt các nguồn thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học chưa được khai thác hiệu quả như các cơ sở GDĐH lớn trên thế giới; iv) Một số cơ sở GDĐH tỏ ra miễn cưỡng, hình thức trong việc công khai minh bạch, trách nhiệm giải trình đối với người học và xã hội.

Như vậy, xu hướng trên thế giới hiện nay, chuyển dần từ mô hình nhà nước kiểm soát sang mô hình nhà nước giám sát với mục đích tăng cường tự chủ cho các cơ sở GDĐH và Việt Nam không thể nằm ngoài xu thế đó.

2. Mô hình quản trị đại học của Hoa Kỳ

Hệ thống GDĐH của Hoa Kỳ chịu nhiều ảnh hưởng của giáo dục châu Âu, đặc biệt là Anh và Đức. Tuy nhiên, GDĐH của Hoa Kỳ không bị ràng buộc bởi các khuôn phép theo kiểu châu Âu cũ mà lựa chọn mô hình tự chủ đại học tuyệt đối.

Mối quan hệ giữa nhà nước với các cơ sở GDĐH

Khác với hầu hết các nước khác, Hoa Kỳ không có hệ thống quản lý giáo dục quốc gia (trừ các học viện quân sự và các trường học dành cho người Mỹ bản địa), các cơ sở GDĐH không chịu sự chỉ đạo, quản lý của bất kỳ cơ quan trung ương nào, trách nhiệm chủ yếu của các tiểu bang. Các tiểu bang chỉ quản lý một phần, bằng việc đầu tư một khoản kinh phí và cử đại diện tham gia Hội đồng quản trị. Bộ Giáo dục Hoa Kỳ quản lý hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục một cách gián tiếp thông qua việc công nhận cơ quan, hiệp hội kiểm định chất lượng giáo dục và cung cấp chương trình học bổng, tín dụng cho sinh viên của cơ sở GDĐH đã được công nhận kiểm định. Để cạnh tranh và thu hút sinh viên, các cơ sở GDĐH liên tục đổi mới và nâng cao vị trí trong bảng xếp hạng của các tổ chức kiểm định nổi tiếng.

Quyền lực và đặc điểm của hội đồng quản trị

Trong các cơ sở GDĐH của Hoa Kỳ, hội đồng quản trị có quyền lực tối cao, giám sát chính sách đảm bảo chất lượng GDĐH, thông qua chủ trương liên quan đến chương trình đào tạo, tổ chức nhân sự. Về mặt tài chính, vai trò của hội đồng quản trị là thiết lập cơ chế, chính sách giúp hoạt động tài chính diễn ra lành mạnh và kiểm soát chi tiêu để bảo đảm các nguồn tài chính được sử dụng hiệu quả, đúng quy định. Thành phần của hội đồng quản trị khá đa dạng, thường là những người có danh tiếng, uy tín, thành công đặc biệt về một lĩnh vực nào đó ở địa phương hoặc có những đóng góp tài chính nên hội đồng quản trị của Hoa Kỳ có quan điểm toàn diện. Số lượng thành viên của hội đồng quản trị từ 25 đến 35 người do các giảng viên bầu cùng với các thành viên ngoài trường do tiểu bang đề cử, tỉ lệ thành viên ngoài trường chiếm khoảng 60-70%.

Nguồn tài chính và quyền tự chủ của các cơ sở GDĐH

Hệ thống GDĐH của Hoa Kỳ được xem là tốt nhất thế giới. Điều này có được không chỉ là do nguồn lực tài chính dồi dào, mà còn bởi quyền tự chủ rất cao của các cơ sở GDĐH. Chính quyền tự chủ này tạo ra sự linh hoạt trong hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học do không bị chi phối bởi các thủ tục hành chính nặng nề, các cơ quan quản lý cồng kềnh. Đồng thời, cơ chế tự chủ của Hoa Kỳ đã tạo ra môi trường cạnh tranh, khuyến khích nghiên cứu khoa học, đổi mới và sáng tạo.

Tự chủ tài chính là điểm mạnh của các cơ sở GDĐH ở Hoa Kỳ, nguồn tài chính chủ yếu từ nghiên cứu, đầu tư, dịch vụ, học phí và tài trợ. Đối với các cơ sở GDĐH công lập ở Hoa Kỳ thì hiến tặng là nguồn tài chính quan trọng để đầu tư cơ sở vật chất, nghiên cứu khoa học, cấp học bổng, giảm học phí cho sinh viên. Nguồn ngân sách do tiểu bang cấp chiếm khoảng 20-30% trong suốt thế kỷ 20, đến cuối thế kỷ 20 tiểu bang cấp chiếm khoảng 36% cùng với đó khoảng 11% từ liên bang và 4% chính quyền địa phương, sang thế kỷ 21 các cơ sở GDĐH công lập chỉ nhận phần ít khoảng 10% từ tiểu bang. Các cơ sở GDĐH chỉ chịu quản lý, kiểm soát của chính quyền bang đối với phần nhỏ tài chính từ ngân sách nhà nước cấp. Việc được chủ động sử dụng và phân phối nguồn tài chính ngoài ngân sách nhà nước, không phải chịu bất kỳ quản lý, kiểm soát nào từ phía chính quyền bang được thực hiện rất hiệu quả ở Hoa Kỳ.

Hệ thống GDĐH đnh hướng thị trường cao

Mô hình tự chủ đại học tuyệt đối trong nền kinh tế thị trường tất yếu sẽ tạo ra hệ thống GDĐH gắn kết chặt chẽ và bền vững với cộng đồng, quan hệ mật thiết với nền kinh tế, bám sát nhu cầu của thị trường lao động. Mặc dù, quy luật thị trường trong GDĐH Hoa Kỳ được coi trọng và khai thác nhưng không phó mặc cho thị trường mà vận dụng, khai thác các quy luật của thị trường trong quản lý, điều hành. Ngoài ra, chính phủ Hoa Kỳ còn hỗ trợ gián tiếp cho các tác động tích cực của thị trường đối với GDĐH.

3. Bài học kinh nghiệm đối với quản trị đại học ở Việt Nam

Qua nghiên cứu, phân tích quản trị đại học của Hoa Kỳ và thực tiễn ở Việt Nam, bài viết đề xuất một số bài học kinh nghiệm có thể vận dụng vào Việt Nam, như sau:

Thứ nhất, tách bạch quản lý nhà nước với quyền quản trị đại học của các cơ sở GDĐH.

Xu hướng trên thế giới phân cấp quản lý rõ ràng giữa nhà nước với các cơ sở GDĐH, các cơ sở GDĐH được mở rộng quyền tự chủ, không còn trực thuộc Bộ chuyên ngành quản lý, vai trò quản quản lý nhà nước chỉ tập trung vào những vấn đề lớn như chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển GDĐH và phát triển hiệu quả hệ thống kiểm định chất lượng GDĐH. Đối với các cơ sở GDĐH, mở rộng quyền tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình và kiểm định chất lượng độc lập theo chuẩn quốc gia và quốc tế để bảo đảm lợi ích của người học, xã hội và phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Thứ hai, xây dựng hội đồng trường thực chất, đúng nghĩa.

Cơ chế hội đồng quản trị trong các cơ sở GDĐH của Hoa Kỳ đã chứng minh được tính chất hiệu quả, là do đã tách bạch quản trị (trách nhiệm của hội đồng trường) ra khỏi quản lý (trách nhiệm của ban giám hiệu), tách việc quản trị ra khỏi những mối quan hệ về quyền lợi vật chất. Do vậy để các các cơ sở GDĐH tự chủ bền vững, phát triển theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm, việc thành lập và trao đầy đủ quyền lực cho hội đồng trường là điều cần thiết. Kinh nghiệm từ Hoa Kỳ cho thấy, sự cần thiết phải đa dạng thành phần hội đồng trường, thành viên ngoài trường nhiều hơn thành phần bên trong trường và đại diện cho những tiếng nói khác nhau để tạo ra cơ chế giám sát hợp lý, hạn chế việc lạm quyền và nâng cao trách nhiệm cá nhân của người quản lý, làm cho nhà trường gắn bó với lợi ích và nhu cầu của xã hội.

Thứ ba, trao quyền tự chủ đại học toàn diện cho các cơ sở GDĐH.

Thực tế cho thấy, tự chủ đại học là điều kiện cần thiết để thực hiện các phương thức quản trị đại học tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, bao gồm ba thành tố cơ bản, có quan hệ mật thiết với nhau trong quá trình mở rộng quyền tự chủ đại học toàn diện: tự chủ về tổ chức và quản lý, tự chủ về tài chính, tự chủ về học thuật. Trong đó, tự chủ về tài chính đóng vai trò nòng cốt vì nó đảm bảo cho các cơ sở GDĐH trang trải các chi phí về nhân sự, học thuật và từ đó mới có thể nâng cao chất lượng học thuật và cạnh tranh thu hút giảng viên có trình độ cao. Do vậy, cần trao quyền tự chủ tài chính toàn diện cho các cơ sở GDĐH từ khâu thu cho đến khâu chi, từ việc quản trị các nguồn tài chính theo mô hình doanh nghiệp cho đến việc kinh doanh các nguồn lực tài chính để huy động và phát triển hiệu quả các nguồn thu và tài sản phục vụ cho các hoạt động giảng dạy và nghiên cứu theo hướng đổi mới và hội nhập quốc tế.

Thứ , xây dựng cơ chế, chính sách hiệu quả để thu hút đầu tư của xã hội cho GDĐH.

 Từ thực trạng nguồn tài chính cho GDĐH, chủ yếu từ NSNN cấp và thu từ học phí, lệ phí của người học. Các nguồn tài chính từ hoạt động dịch vụ, nghiên cứu khoa học còn rất thấp, các nguồn tài trợ đầu tư của xã hội cho GDĐH chưa đáng kể. Vì vậy, để tạo nguồn tài chính bền vững cho các cơ sở GDĐH thì cần có các giải pháp, chính sách hiệu quả thu hút đầu tư của xã hội cho GDĐH. Nhà nước cần đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách nhà nước cho các cơ sở GDĐH theo cơ chế cạnh tranh dựa trên các tiêu chí về giảng dạy và nghiên cứu. Các cơ sở GDĐH cần đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, tăng cường hợp tác chuyển giao, thương mại hóa kết quả nghiên cứu để nghiên cứu khoa học trở thành nguồn thu chủ yếu trong các cơ sở GDĐH; thực hiện hiệu quả các giải pháp, chính sách huy động quỹ hiến tặng từ cựu sinh viên và doanh nghiệp.

4. Kết luận

Trong những năm qua, hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước. Tuy nhiên, chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học chưa đáp ứng tốt nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, cơ chế tự chủ đại học và trách nhiệm giải trình còn nhiều hạn chế, thiếu chính sách hiệu quả để thu hút đầu tư của xã hội cho GDĐH. Bài học từ Hoa Kỳ, cho thấy quản lý nhà nước nên chuyển từ kiểm soát trực tiếp sang kiến tạo, giám sát; đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ, trách nhiệm giải trình và đổi mới quản trị đại học theo hướng hội nhập quốc tế.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Altbach, P.G., Berdahl, R.O., & Gumport, P.J. (1999). American Higher Education in the Twenty-First Century: Social, Political, and Economic Challenges (2nd ed.) (p. 16). Baltimore, Maryland: The Johns Hopkins University Press.
  2. Đào Văn Khanh (2010), “Hướng đi nào cho đổi mới quản trị đại học Việt Nam”, Báo Giáo dục và Thời đại, ngày 27/5/2010.
  3. Fielden, J. (2008), Global Trends in University Governance. Education Working Paper Series, number 9. Washington, D. c., World Bank.
  4. Harol Koontz, Cyril Odonnell & Heinz Weihrich (1994), Những vấn đề cốt yếu của quản lý, NXB Khoa học và Kỹ thuật.
  5. Lâm Quang Thiệp, D.Bruce Johnstone, Phillip G.Albach (2006), GDĐH Hoa Kỳ, NXB Giáo dục, Đỗ Thị Diệu Ngọc dịch.
  6. Luật GDĐH (2012), Luật GDĐH sửa đổi năm 2018.
  7. Nguyễn Đông Phong & Nguyễn Hữu Huy Nhựt (2013), “Quản trị đại học và mô hình cho cơ sở GDĐH khối kinh tế ở Việt Nam”, Tạp chí Giáo Dục & Đào Tạo, Số 8 (18) - Tháng 01- 02/2013.
  8. Nguyễn Ngọc Thanh (2005), Đổi mới GDĐH: Sự lựa chọn mô hình, Viện Nghiên cứu giáo dục, Cơ sở GDĐH Sư phạm TP.HCM.
  9. Peter D.Eckel và Jacqueline E.King, An overview of Higher Education in the United State: Diversity, Access and the role of the marketplace, American Council on Education.
  10. Phạm Thị Ly (2008), Xây dựng một hệ thống quản trị đại học hiệu quả: Kinh nghiệm của Hoa Kỳ và khả năng vận dụng tại Việt Nam (Đăng trong sách “Đổi mới GDĐH Việt Nam - Hai thời khắc đầu thế kỷ”, trang 211-241, NXB Văn hóa Saigon, 2009).
  11. Philip G. Altbach (2008), Cơ sở GDĐH và toàn cầu hóa: Thực tế trong một thế giới bất bình đẳng, Phạm Thị Ly dịch, Viện Đào tạo quốc tế, Đại học Quốc gia TP.HCM
  12. Tom Christensen (2011), University governance reforms: potential problems of more autonomy?, Springerlink.com.
  13. Viện Nghiên cứu lập pháp (Ủy ban Thường vụ Quốc hội), Thông tin chuyên đề “Tự chủ đại học: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam”, Tài liệu phục vụ Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIV, tháng 05/2018.

 

UNIVERSITY MANAGEMENT: EXPERIENCE FROM THE U.S’S HIGHER EDUCATION SYSTEM AND LESSONS FOR VIETNAM

 Master. NGUYEN DONG ANH XUAN

Hanoi University of Industry

ABSTRACT:

Higher education plays a very important role, directly impacting the development and prosperity of each nation. The state budget investment in education compared to GDP of Vietnam, a developing country, is always high, but the country’s quality of education, especially the quality of higher education, has not met the demand of socio-economic development. Although the United States does not have a long academic tradition compared to European countries such as Germany or France, the education system of the United States has renowned as the leading education system in the world.  According to the ranking of 2019 higher education institutions of Quacquarelli Symonds, with the participation of 1,000 of the world's most elite higher education institutions, the United States continues to lead with 11 schools in the top 20. The Massachusetts Institute of Technology ranks number 1 in the list. The higher education model of the United States is the most typical model for open education which has a variety of types and quality, becoming a model for many countries including Vietnam to learn. This article introduces the experience of university management in the United States to draw some lessons for Vietnam.

Keywords: Higher education, university management, university management model.