Quản trị rủi ro lãi suất tại Ngân hàng Công Thương Việt Nam

THS. HOÀNG THÁI HƯNG - TS. PHAN THỊ HẰNG NGA (Trường Đại học Tài chính – Marketing)

TÓM TẮT:

Bài nghiên cứu này phân tích thực trạng quản trị rủi ro lãi suất tại Ngân hàng Công Thương Việt Nam. Tác giả sử dụng phương pháp thống kê, so sánh đối chiếu để đánh giá công tác quản trị rủi ro lãi suất tại Ngân hàng Công Thương Việt Nam. Dữ liệu phân tích được trích từ báo cáo tài chính của Ngân hàng giai đoạn 2011-2018. Nội dung phân tích bao gồm: quản trị tài sản nợ, tài sản có, đo lường rủi ro và dự báo rủi ro. Kết quả phân tích rủi ro lãi suất vẫn xảy ra tại Ngân hàng, công tác quản trị rủi ro lãi suất chưa tốt như công tác dự báo rủi ro chưa được thực hiện, đo lường rủi ro chưa chính xác, quản trị tài sản nợ và tài sản có chưa tốt. Từ kết quả phân tích, tác giả đề xuất các khuyến nghị để Ngân hàng quản trị rủi ro lãi suất tốt hơn trong giai đoạn tới.

Từ khóa: Quản trị rủi ro lãi suất, Ngân hàng Công Thương Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

Rủi ro lãi suất luôn tồn tại trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, là một phần rủi ro phát sinh trong quá trình hoạt động ngân hàng. Tuy nhiên, rủi ro lãi suất cũng đồng nghĩa với thu nhập lãi của ngân hàng giảm sút, một lượng vốn tương ứng không được quay vòng, dòng tiền trong nền kinh tế không lưu thông được và hệ thống ngân hàng sẽ gặp khó khăn về thanh khoản. Rủi ro cũng làm ảnh hưởng đến hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất và quản lý thị trường tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước.

Do tính cạnh tranh khắc nghiệt trong giai đoạn công nghiệp 4.0, các ngân hàng không chỉ cạnh tranh nhau mà còn phải cạnh tranh với các doanh nghiệp ngoài ngành như các công ty tài chính, bảo hiểm, Fintech,… Vì vậy, để cạnh tranh được với các đối thủ trong và ngoài ngành, chính sách lãi suất là chiến lược mang tính chất quyết định. Bởi, cả người gửi hay người vay đều quan tâm đến lãi suất, người gửi sẽ chọn ngân hàng huy động lãi suất cao, còn người vay lại chọn ngân hàng có lãi suất cho vay thấp. Chính vì vậy, các ngân hàng phải tăng lãi suất huy động và giảm lãi suất cho vay dẫn đến bất cân xứng trong mối quan hệ lãi suất, do đó rủi ro sẽ gia tăng.

Vì vậy, việc đánh giá công tác quản trị rủi ro lãi suất là quan trọng và cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (Vietinbank) là ngân hàng thương mại hàng đầu, giữ vai trò chủ đạo và chủ lực trong phát triển kinh tế ở Việt Nam. Thời gian qua, hoạt động kinh doanh của Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể. Tuy nhiên, công tác quản trị rủi ro lãi suất chưa thật sự được quan tâm đúng mức như việc nhận diện, phân loại, ngăn ngừa rủi ro chưa thực sự chính xác, kịp thời, xử lý rủi ro chưa dứt điểm, hiệu quả thấp, thiếu sự phối hợp chặt chẽ trong các khâu quản trị rủi ro lãi suất. Chính vì những lý do đó, tác giả đã chọn nội dung: Quản trị rủi ro lãi suất tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam làm chủ đề nghiên cứu, góp phần giúp các ngân hàng quản trị rủi ro tốt hơn trong thời gian tới.

2. Cơ sở lý thuyết và các nghiên cứu trước

Cơ sở lý thuyết

+ Lãi suất

Lãi suất là một phạm trù kinh tế tổng hợp có liên quan chặt chẽ đến một số phạm trù kinh tế khác, đóng vai trò như một đòn bẩy trong nền kinh tế thị trường. Tín dụng ngân hàng phản ánh mối quan hệ giữa các chủ thể sử dụng vốn (người vay vốn) với chủ thể sở hữu vốn (người thừa vốn) theo nguyên tắc hoàn trả có kỳ hạn kèm theo lãi ở thị trường vốn, người mua người bán rất quan tâm đến giá cả tiền tệ. Đó chính là lãi suất hay giá cả quyền sử dụng vốn trong một thời kỳ nhất định.

 Rủi ro lãi suất (RRLS) là nguy cơ biến động thu nhập và giá trị ròng của ngân hàng khi lãi suất thị trường biến động. Đây là rủi ro mang tính đặc trưng của bất kỳ một NHTM nào. Quá trình chuyển hóa tài sản được coi như một chức năng đặc biệt cơ bản của hệ thống ngân hàng. Quá trình chuyển hóa tài sản bao gồm việc mua các chứng khoán sơ cấp - sử dụng vốn, và phát hành các chứng khoán sơ cấp - huy động vốn. Kỳ hạn và mức độ thanh khoản của các chứng khoán sơ cấp trong danh mục đầu tư thuộc Tài sản có (TSC) thường không cân xứng với các chứng khoán thứ cấp thuộc tài sản nợ (TSN). Chính sự không cân xứng về kỳ hạn giữa TSC và TSN làm cho ngân hàng phải chịu RRLS khi lãi suất trên thị trường biến động.

+ Quản trị rủi ro lãi suất

QTRRLS là việc ngân hàng tổ chức một bộ phận nhằm nhận biết, định lượng những tổn thất đang và sẽ gây ra từ RRLS, để từ đó có thể giám sát và kiểm soát RRLS thông qua việc lập những chính sách, chiến lược sử dụng các công cụ phòng ngừa và hạn chế RRLS các hoạt động kinh doanh của ngân hàng một cách đầy đủ, toàn diện và liên tục.

3. Các nội dung quản trị rủi ro lãi suất

3.1. Nhận biết rủi ro lãi suất (RRLS)

RRLS có thể xuất phát từ nhiều nguồn khác nhau và có hệ thống đo lường đa dạng trong cách tiếp cận từng loại RRLS. Các NHTM cần xem xét bản chất và độ phức tạp của các sản phẩm và hoạt động của ngân hàng mình, cũng như các tính chất rủi ro của những hoạt động kinh doanh này trước khi nhận dạng các nguồn tài chính gây nên RRLS và đóng góp có liên quan của mỗi nguồn đến hồ sơ RRLS chung của ngân hàng. Các NHTM cần thiết lập hệ thống đo lường RRLS có khả năng nhận biết tất cả các nguồn RRLS cũng như đánh giá được tác động của biến động lãi suất đối với phạm vi hoạt động của ngân hàng, nhận diện và lượng hóa những nguồn chính gây nên rủi ro cho ngân hàng. Dấu hiệu RRLS của ngân hàng có thể chia làm 4 loại: rủi ro đánh giá lại hay rủi ro chênh lệch kỳ hạn, rủi ro cơ bản, rủi ro đường cong lãi suất và rủi ro quyền chọn.

3.2. Phân tích, dự báo biến động của lãi suất

Phân tích và dự báo biến động của lãi suất là quá trình sử dụng các phương pháp thích hợp nhằm xác định các cơ hội, nguy cơ của sự biến động lãi suất, các yếu tố trong môi trường kinh doanh cũng như kết hợp với tình hình thực tại của các ngân hàng để có thể tận dụng được các cơ hội, hạn chế những nguy cơ nhằm đạt được mục tiêu của các ngân hàng trong thời kì cụ thể. Để có cơ sở cần thiết xây dựng chiến lược kinh doanh tốt nhất, nâng cao hiệu quả kinh doanh của các NHTM, giảm xác suất mà ngân hàng phải đối mặt với khả năng gặp rủi ro, kiệt quệ tài chính…

3.3. Tổ chức quản trị rủi ro lãi suất

Sự phát triển của thị trường tài chính và môi trường kinh doanh luôn biến động khiến các ngân hàng phải đối mặt với những rủi ro và thách thức mới, buộc họ phải không ngừng cải tiến cách thức quản lý hoạt động kinh doanh và quản lý các rủi ro liên quan. Cơ chế quản trị rủi ro trong hệ thống ngân hàng nói chung và QTRRLS nói riêng giờ đây được xây dựng dựa trên sự phối hợp giữa các thành viên tham gia, trong đó các thành viên quản lý các khía cạnh khác nhau của rủi ro tài chính và rủi ro hoạt động.

3.4. Lượng hóa rủi ro lãi suất

Lượng hóa rủi ro lãi suất thông qua các chỉ tiêu sau:

Phân tích khe hở thu nhập:

TSC nhạy cảm với lãi suất (ISAs) đó là tài sản mà có thời gian đáo hạn dưới một năm và những khoản cho vay với lãi suất phụ thuộc vào lãi suất trên thị trường. Về phía TSN, TSN nhạy cảm với lãi suất (ISLs) đó là những khoản huy động vốn với thời gian đến hạn dưới 1 năm và những khoản huy động vốn khác gắn liền với lãi suất biến động trên thị trường.

Sự chênh lệch giữa 2 loại tài sản này:

GAP = ISAs – ISLs

Nếu TSN nhạy cảm với lãi suất lớn hơn TSC nhạy cảm với lãi suất, sự chênh lệch mang dấu âm (GAP < 0); nếu lãi suất trên thị trường tăng, chi phí huy động vốn sẽ tăng hơn lãi suất thu được từ việc cho vay, do vậy, thu nhập của ngân hàng giảm. Ngược lại, nếu lãi suất giảm, thu nhập của ngân hàng tăng lên.

Trường hợp TSC nhạy cảm với lãi suất lớn hơn TSN nhạy cảm với lãi suất (GAP > 0), nếu lãi suất trên thị trường tăng, lãi suất thu được từ việc đầu tư vào TSC sẽ tăng nhanh hơn chi phí bỏ ra huy động vốn, điều này có nghĩa là thu nhập của ngân hàng sẽ tăng lên. Ngược lại, nếu lãi suất trên thị trường giảm, thu nhập ngân hàng giảm.

Trường hợp TSC nhạy cảm với lãi suất bằng TSN nhạy cảm với lãi suất (GAP = 0), việc tăng giảm lãi suất trên thị trường sẽ có cùng mức độ tác động TSC nhạy cảm và TSN nhạy cảm, thu nhập của ngân hàng sẽ không thay đổi.

Quy mô của sự tác động đó được tính theo công thức sau:

Bi = GAP.i

Trong đó: “Bi” là mức độ thay đổi về thu nhập của ngân hàng, “i” là sự thay đổi về LS

Phương pháp này có ưu điểm đó là dễ tính, nhưng chưa tính đến đặc thù kỳ hạn của lãi suất. Do vậy, khi sử dụng phương pháp này chỉ áp dụng cho từng loại kỳ hạn của lãi suất.

Phân tích khe hở kỳ hạn:

Lãi suất không chỉ ảnh hưởng đến sự thay đổi lợi nhuận của ngân hàng mà còn làm thay đổi giá trị thị trường của tài sản. Khi lãi suất thị trường tăng làm cho giá trị thị trường của tài sản giảm xuống. Đây là tình huống xấu đối với ngân hàng nếu ngân hàng bán tài sản. Ngược lại, đó sẽ là tình huống thuận lợi nếu ngân hàng mua lại các khoản nợ trên thị trường thứ cấp.

Phương pháp phân tích khe hở kỳ hạn nhằm xem xét ảnh hưởng của lãi suất đến giá trị thị trường của tài sản.

Thời hạn hoàn vốn trung bình của tài sản:

3. Thực trạng quản trị rủi ro lãi suất tại Ngân hàng Công Thương Việt Nam

3.1. Phân tích các chỉ tiêu đo lường rủi ro lãi suất

Tại Vietinbank, việc quản lý và giám sát RRLS được thực hiện thông qua các hạn mức đã được phê duyệt bởi Ủy ban quản lý TSN - TSC. Hạn mức thường được sử dụng là hạn mức về tỷ lệ khe hở nhạy cảm lũy kế/tổng tài sản. Cơ sở xây dựng hạn mức được dựa trên hạn mức của năm trước, kế hoạch kinh doanh và lợi nhuận, điều kiện thị trường, khẩu vị rủi ro, kết quả kiểm tra - tuân thủ. Định kỳ phê duyệt hạn mức GAP thường là hàng tháng hoặc khi có sự biến động lớn trên thị trường theo yêu cầu của Ủy ban quản lý TSN - TSC. 

Bảng 1. Tỷ lệ chênh lệch TSN - TSC nhạy cảm lũy kế/tổng tài sản của

Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam

Thời hạn

Thực hiện các năm

Hạn mức

Kết quả

2011

2012

2013

2014

2015

2016

2017

2018

 

 

Đến 3 tháng

-3,29%

5,07%

5,37%

5,37%

7,41%

5,37%

5,37%

5,37%

±25%

Tuân thủ

Đến 6 tháng

NA

7,29%

7,99%

7,92%

7,86%

7,89%

7,99%

8,09%

±20%

Tuân thủ

Đến 12 tháng

-8,16%

2,30%

4,31%

5,01%

5,37%

5,39%

5,61%

5,62%

±10%

Tuân thủ

Nguồn: Tác giả tính toán trên báo cáo thường niên Vietinbank 2011-2018

Như vậy, nhìn vào Bảng 1 ta thấy, thực tế các năm 2011 - 2018 tỷ lệ khe hở nhạy cảm lũy kế/tổng tài sản của ngân hàng đều tuân thủ hạn mức mà ngân hàng đề ra (Năm 2011, ở dải kỳ hạn đến 6 tháng, tác giả không có điều kiện lấy số liệu vì báo cáo của ngân hàng chia dải kỳ hạn từ 3-12 tháng, không có số liệu cho dải kỳ hạn từ 6-12 tháng).

Ngoài ra, kết quả của quản trị rủi ro lãi suất còn được thể hiện thông qua mức độ biến động thu nhập lãi ròng (NII) của ngân hàng.

Thực tế, do lãi suất TS và Nợ không biến động cùng một mức như nhau nên việc tính toán sự biến động của thu nhập lãi ròng được tính trên cơ sở sự biến động lãi suất của từng TS và lãi suất của các khoản Nợ.

Ta có công thức sau:

∆NIIt = RSAt-1 * ∆RAt - RSLt-1* ∆RLt

Trong đó: RSA, RSL thể hiện ở Bảng 2.

Để tính được mức thay đổi của thu nhập lãi ròng khi lãi suất thị trường thay đổi, cần phải tính được sự thay đổi lãi suất trung bình của Tài sản (∆ RA) và thay đổi lãi suất trung bình của các khoản Nợ (∆ RL). Số liệu tại các bảng sau đây thể hiện sự thay đổi của lãi suất trung bình TSN và TSC. (Bảng 3)

Thay các số liệu về cho vay vào công thức sau để tính được ∆ RA:

∆ RA = RACK - RAĐK = ∑ni=1 (WAi * RAi)CK - ∑ni=1 (WAi * RAi)ĐK

Trên thực tế, TS và Nợ nhạy cảm với lãi suất của ngân hàng bao gồm cả đồng nội tệ và ngoại tệ. Mà lãi suất của các đồng tiền này là khác nhau. Vì vậy, để đưa ra được mức thay đổi lãi suất đồng nhất, tác giả đã khắc phục vấn đề này bằng cách: tại các thời điểm đầu kỳ và cuối kỳ, tiến hành thu thập dữ liệu về tổng TS, Nợ nhạy cảm với lãi suất của đồng nội tệ và ngoại tệ theo các dải kỳ hạn như đã quy định của ngân hàng. Sau đó tiến hành quy đổi các TS và Nợ nhạy cảm với lãi suất của đồng ngoại tệ (bao gồm cả gốc và lãi theo lãi suất tương ứng của đồng ngoại tệ) ở từng dải kỳ hạn theo tỷ giá thống nhất tại thời điểm quy đổi (với giả định tỷ giá ổn định). Tiếp đến, tính thu nhập từ lãi, chi phí trả lãi quy đổi về đồng nội tệ, từ đó tính lãi suất cho vay, huy động bình quân của TS, Nợ của đồng ngoại tệ tương ứng với đồng nội tệ. Sau khi tính được lãi suất cho vay, lãi suất huy động bình quân của đồng nội tệ và đồng ngoại tệ quy đổi tương ứng, theo phương pháp bình quân gia quyền để tính được lãi suất trung bình của TS, Nợ nhạy cảm với lãi suất, từ đó tính được mức biến động lãi suất của TS và Nợ nhạy cảm lãi suất. (Bảng 4)

Công thức tính ∆ RL:

∆ RL = RLCK - RLĐK = ∑mj=1 (WLj * RLj)CK - ∑mj=1 (WLj * RLj)Đ

Từ đây, ta tính được mức độ thay đổi thu nhập lãi ròng của ngân hàng (Ví dụ: tại thời điểm cuối năm so với đầu năm) mà ngân hàng phải gánh chịu khi lãi suất thay đổi như Bảng 5.

Nhìn vào Bảng 5 ta thấy, năm 2015, thu nhập lãi ròng (NII) của ngân hàng bị suy giảm, do ngân hàng có TS nhạy cảm lãi suất lớn hơn Nợ nhạy cảm lãi suất, trong khi đó mức giảm lãi suất của Tài sản lại giảm nhiều hơn mức giảm lãi suất của Nợ. Kết quả là thu nhập lãi ròng giảm xuống như Bảng 5. Đây chính là biểu hiện cụ thể nhất về rủi ro lãi suất, xuất phát từ sự bất cân xứng kỳ hạn giữa TS và Nợ, cùng với sự biến động của lãi suất thị trường. Tuy nhiên, mức suy giảm thu nhập lãi ròng của ngân hàng nằm trong hạn mức rủi ro lãi suất, nên ngân hàng vẫn kiểm soát tốt vấn đề này.

3.2. Phân tích công tác quản trị rủi ro lãi suất

Nhận biết rủi ro lãi suất (RRLS): Tại Ngân hàng đã có bộ phận quản lý rủi ro theo dõi và nhận biết RRLS, tuy nhiên do công tác kiêm nhiệm công việc nên công tác nhận diện còn ở mức nhận xét chung.

Phân tích, dự báo biến động của lãi suất: Hiện tại ở ngân hàng có phân tích và dự báo về sự biến động rủi ro lãi suất nhưng không cụ thể cho từng sản phẩm mà dự báo cho cả giai đoạn kinh doanh theo kế hoạch được duyệt.

Tổ chức quản trị RRLS: Tại ngân hàng chưa có bộ phận tổ chức quản trị RRLS suất riêng mà công tác này do ban kiểm tra giám sát thực hiện.

Lượng hóa RRLS: Lượng hóa RRLS chưa được triển khai tại ngân hàng.

4. Kết luận và khuyến nghị chính sách

Qua phân tích cho thấy quản trị RRLS tại Ngân hàng Công Thương Việt Nam chưa thật sự tốt, RRLS vẫn xảy ra, công tác quản trị TSN và TSC chưa tốt, công tác nhận diện còn sơ sài, phân tích dự báo chưa chính xác, đo lường rủi ro còn hạn chế, do vậy tác giả đề xuất một số khuyến nghị như sau:

Thứ nhất: Ngân hàng Vietinbank cần phải thiết lập hệ thống các văn bản về QTRRLS, ban hành các quy định về QTRRLS và lưu đồ trình tự QTRRLS.

Thứ hai: Ngân hàng phải hoàn thiện quy trình QTRRLS.

Một quy trình QTRRLS, cũng như bất kỳ một quy trình QTRR nào bao giờ cũng gồm các bước sau: (1) Nhận dạng RRLS, (2) Đo lường RRLS, trong đó có việc thu thập các dữ liệu RRLS, xây dựng các kịch bản và giả định, cuối cùng là tính toán các mức độ rủi ro, (3) Giám sát rủi ro thông qua các báo cáo RRLS và các chiến lược đánh giá RRLS, (4) Kiểm soát rủi ro thông qua các hạn mức rủi ro và quá trình kiểm toán QTRRLS.

Thứ ba, hoàn thiện mô hình định giá lại mà ngân hàng đang áp dụng.

(i) Trong việc phân loại nhóm tài sản nhạy cảm hay không nhạy cảm với lãi suất: Đối với các tài sản không có kỳ hạn, không nên đưa hết vào nhóm tài sản không nhạy cảm với lãi suất, mà ngân hàng cần tính một tỷ lệ phù hợp có nhạy cảm với lãi suất, còn lại là không nhạy cảm với lãi suất (Ví dụ: đối với tiền gửi không kỳ hạn: 40% của tiền gửi không kỳ hạn là TSN nhạy cảm với lãi suất và 60% còn lại là không nhạy cảm với lãi suất).

(ii) Ngân hàng cần phải theo dõi độ dài của khoảng thời gian mà mỗi sự thay đổi lãi suất có ảnh hưởng, vì thực tế mỗi kỳ hạn đến hạn khác nhau thì sự thay đổi của lãi suất là khác nhau. Khi đo lường và đánh giá RRLS, Ngân hàng cần nhìn vào từng khung kỳ hạn hơn là nhìn vào kỳ hạn tích lũy, vì từng khung kỳ hạn thì tác động lớn hơn. Thậm chí, khi GAP tích lũy năm bằng 0, nhưng thu nhập lãi ròng 1 năm của ngân hàng có thể biến động, bởi mọi sự thay đổi lãi suất đều có sự ảnh hưởng vào những khoảng thời gian khác nhau với một chênh lệch Tài sản - Nợ biên khác nhau.

(iii) Ngân hàng cần xác định kỳ định giá lại với khoảng thời gian ngắn, vì kỳ định giá lại càng ngắn thì hạn chế của mô hình càng nhỏ. Với công nghệ hiện đại, hoạt động của Ngân hàng được nối mạng nội bộ online thì có thể có được dữ liệu để định giá lại tài sản và nợ tại bất kỳ thời điểm nào. Điều này sẽ giúp đánh giá chính xác hơn RRLS cho ngân hàng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Tiếng Việt

  1. Lê Thị Huyền Diệu. (2010). Luận cứ khoa học về xác định mô hình quản lý rủi ro tín dụng tại hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam, Luận án tiến sỹ kinh tế, Học viện Ngân hàng.
  2. Nguyễn Cảnh Hiệp. (2013). Quản trị rủi ro tín dụng đầu tư phát triển của Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Luận án tiến sĩ kinh tế. Học viện Tài chính.
  3. Phan Thị Thu Hà. (2009). Quản trị ngân hàng thương mại, NXB Giao thông vận tải, Hà Nội.
  4. Đặng Vũ Hùng. (2013). Quản trị rủi ro trong cho vay lại vốn ODA của Ngân hàng phát triển Việt Nam. Luận án tiến sĩ kinh tế. Học viện Tài chính.
  5. Đinh Xuân Hạng & Nguyễn Văn Lộc. (2012). Giáo trình quản trị tín dụng NHTM. Nhà xuất bản Tài chính.
  6. Nguyễn Đức Tú. (2012). Quản trị rủi ro tín dụng tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam. Luận án Tiến sĩ kinh tế, Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội.
  7. Nguyễn Văn Tiến. (2010). Quản trị rủi ro trong kinh doanh ngân hàng, Nhà xuất bản Thống kê.
  8. Rose. (1998). Quản trị Ngân hàng thương mại, NXB Tài chính, Hà Nội.
  9. Tạ Ngọc Sơn. (2007). Đo lường và quản lý rủi ro lãi suất bằng phương pháp giá trị có thể tổn thất (VaR). Tạp chí Ngân hàng, số 24 tháng 12/2007.
  10. Tạ Ngọc Sơn. (2007). Phương pháp đo lường và quản lý rủi ro lãi suất bằng biểu đồ lệch tại các ngân hàng thương mại. Tạp chí Ngân hàng, số 21 tháng 11/2007.
  11. Tạ Ngọc Sơn. (2011). Quản lý rủi ro lãi suất trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại Việt Nam. Luận án Tiến sĩ Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội.

Tiếng Anh

  1. Capgemini and Efma (2012). The 2012 World Retail Banking Report.
  2. Peter S.Rose (1999): Commercial bank management, Irwin.
  3. Svetlana Saksonova (2013): Approaches to Improving Asset Structure Management in Commercial Banks,
  4. Choudhry, Moorad (2011): An introduction to banking: liquidity risk and asset-liability management, John Wiley & Sons Inc.
  5. Svetlana Saksonova, Latvian Academy of Science, (2013), Approaches to Improving Asset Structure Management in Commercial Banks.
  6. Hennie Van Greuing and Sonia Brajovic Bratanovic, 2003, Analyzing and managing banking risk.
  7. Bernd E. & Robert R. (2010). The Basel II Risk Parameters - Estimation, Validation, Stress Tesing with Applications to Loan Risk Management, Springer.
  8. PwC’ Report (2012). Lessons from the U.S. Retail Banking industry.
  9. World Bank (2006-2010). Taking Stock, An Update on VietNam’s economic developments and reforms, Report for Consultative Group meeting for VietNam.

 Interest rate risk management of Vietnam Joint Stock Commercial

Bank for Industry and Trade

Master. Hoang Thai Hung

Ph.D Phan Thi Hang Nga

University of Finance - Marketing

 ABSTRACT:

This study analyzes the interest rate risk management of Vietnam Joint Stock Commercial Bank for Industry and Trade. Statistical and comparative methods were used to evaluate the management of interest rate risk at the bank. The study’s analytical data was extracted from the bank's financial statements over the period of 2011to 2018. This study covers analysis of debt assets management, assets management, risk measurement and risk forecasting. The study’s results show that the bank is still facing with the risk of interest rate, the bank’s interest rate risk management is not good and the risk forecasting has not performed by the bank. In addition, the bank’s risk measurement is not done accurately and the management of debt assests as well as assets is not good. Based on these results, this study proposes recommendations to improve the bank’s interest rate risk management in the coming time.

Keywords: Interest rate risk management, Vietnam Joint Stock Commercial Bank for Industry and Trade.