Trong bối cảnh đất nước đổi mới và ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm lớn cho phát triển nông nghiệp, nông thôn nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển giữa khu vực thành thị với khu vực nông thôn, đồng thời thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Năm 2016, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 với trọng tâm hướng đến mục tiêu xây dựng nông thôn mới để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phù hợp; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị; xã hội nông thôn dân chủ, bình đẳng, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; bảo vệ môi trường sinh thái và giữ vững quốc phòng - an ninh, trật tự.
Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, thời gian qua Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều chương trình, nội dung nhằm khuyến khích, hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm làng nghề, ngành nghề truyền thống theo hướng hiện đại, công nghiệp, gắn với thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Theo báo cáo của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, hiện nay, hoạt động sản xuất của các làng nghề đã thu hút 30% lao động, tạo việc làm cho khoảng 11 triệu lao động nông thôn.
Cả nước có 5.411 làng nghề và làng có nghề, trong đó có 1.864 làng nghề, làng nghề truyền thống và 115 nghề truyền thống đã được công nhận. Số hộ và cơ sở ngành nghề ở nông thôn tăng lên với tốc độ bình quân 8,8% - 9,8%/năm. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân của làng nghề khoảng 15%/năm.
Hội nghị “Quảng bá kết nối sản phẩm làng nghề - Góp phần đẩy mạnh thương hiệu Việt Nam năm 2020” được tổ chức nhằm chia sẻ các kinh nghiệm, khó khăn, trở ngại trong thực tiễn quá trình triển khai công tác quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm làng nghề.
Đây là cơ hội để các Bộ, ban, ngành, địa phương và các cơ sở sản xuất làng nghề, các nghệ nhân, hợp tác xã, các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp trao đổi, đề xuất một số biện pháp khuyến khích phát triển những sản phẩm, mặt hàng là lợi thế của các vùng miền, tỉnh thành phố trong cả nước; xây dựng và phát triển mạng lưới phân phối sản phẩm làng nghề giữa các doanh nghiệp, hộ sản xuất, hợp tác xã,… với các đối tác, chuỗi phân phối.
Đồng thời chia sẻ, kiến nghị định hướng tuyên truyền, quảng bá kết nối thị trường cho sản phẩm làng nghề trong thời gian tới; đề xuất các chính sách khuyến khích, ưu đãi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển và tiêu thụ sản phẩm làng nghề, xây dựng thương hiệu làng nghề, giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển các làng nghề của Việt Nam. Mặt khác, góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn tiếp theo.
Trong khuôn khổ Hội nghị, các chuyên gia cũng chia sẻ hỗ trợ các hộ sản xuất, các làng nghề về các quy luật để tiếp cận thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh các làng nghề, duy trì và bảo tồn nghề truyền thống của địa phương. Kết nối, xúc tiến ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa các làng nghề truyền thống và doanh nghiệp trên cả nước, tăng cường đưa các sản phẩm làng nghề vào giới thiệu, tiêu thụ tại các điểm du lịch, các chuỗi siêu thị, khu tham quan… và xuất khẩu đi các thị trường trên thế giới.