Tóm tắt:
Trong thời gian qua, trên cả nước và ở từng địa phương chỉ số tiếp cận thông tin đất đai cũng như minh bạch thông tin đất đai đối với người dân và doanh nghiệp trong hầu hết các báo cáo khảo sát đánh giá về vấn đề minh bạch thông tin đất đai vẫn còn nhiều hạn chế cần được hoàn thiện. Bài viết phân tích một số hạn chế, vướng trong việc bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin đất đai hiện nay, đồng thời đề xuất một số kiến nghị nâng cao hiệu quả bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin đất đai ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Từ khóa: thông tin đất đai, kiến nghị, bảo đảm.
1. Đặt vấn đề
Luật Đất đai năm 2024 được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 18/1/2024 có nhiều điểm mới quan trọng và là một bước tiến hoàn thiện thể chế, chính sách, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, có ý nghĩa quan trọng đặc biệt trong đời sống, có tác động sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Thông tin về đất đai có giá trị vô cùng quan trọng, việc thiếu minh bạch thông tin đất đai sẽ khiến gia tăng cơ hội tham nhũng và nhiều hệ lụy khác. Quyền tiếp cận thông tin (TCTT) được xem là tiền đề để bảo đảm thực hiện các quyền cơ bản khác của con người, bao gồm các quyền về dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa. Mặc dù Luật Đất đai năm 2024 đã có những quy định giúp mở rộng hơn về quyền TCTT đất đai so với Luật Đất đai năm 2013. Do đó, chỉ số tiếp cận thông tin đất đai, cũng như minh bạch thông tin đất đai đối với người dân và doanh nghiệp là rất cần cần thiết.
2. Khái quát quy định về quyền tiếp cận thông tin đất đai và một số hạn chế trong vấn đề thực hiện
Quy định về quyền tiếp cận thông tin đất đai trong Luật Đất đai
Quyền tiếp cận thông tin đất đai được qui định trong tại Điều 28 Luật Đất đai năm 2013 nhưng chủ yếu là qui định về trách nhiệm của Nhà nước trong việc xây dựng, cung cấp thông tin đất đai, cụ thể: “Xây dựng, quản lý hệ thống thông tin đất đai và bảo đảm quyền tiếp cận của tổ chức, cá nhân đối với hệ thống thông tin đất đai; Công bố kịp thời, công khai thông tin thuộc hệ thống thông tin đất đai cho tổ chức, cá nhân, trừ những thông tin thuộc bí mật theo quy định của pháp luật; Thông báo quyết định hành chính, hành vi hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai cho tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng quyền và lợi ích hợp pháp; Cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong quản lý, sử dụng đất đai có trách nhiệm tạo điều kiện, cung cấp thông tin về đất đai cho tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật”.
Luật Đất đai năm 2024 (sửa đổi) qui định về trách nhiệm của Nhà nước trong việc cung cấp thông tin đất đai tại Điều 18 như sau: “1). Bảo đảm quyền tiếp cận của người sử dụng đất và tổ chức, cá nhân khác đối với Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai theo quy định của pháp luật; ưu tiên lựa chọn hình thức phù hợp với phong tục, tập quán và văn hóa truyền thống của từng dân tộc, từng vùng. 2). Công bố kịp thời, công khai thông tin thuộc Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai cho người sử dụng đất và tổ chức, cá nhân khác, trừ những thông tin thuộc bí mật Nhà nước theo quy định của pháp luật. 3). Thông báo quyết định hành chính, hành vi hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai đến người sử dụng đất và tổ chức, cá nhân khác bị ảnh hưởng quyền và lợi ích hợp pháp”.
Và đặc biệt quyền được tiếp cận thông tin đất đai được qui định cụ thể hơn tại Điều 24 Luật Đất đai năm 2024, như sau:
1. Công dân được tiếp cận các thông tin đất đai sau đây:
a) Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các quy hoạch có liên quan đến sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt;
b) Kết quả thống kê, kiểm kê đất đai; c) Giao đất, cho thuê đất; d) Bảng giá đất đã được công bố;
đ) Phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;
e) Kết quả thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp đất đai; kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai, kết quả xử lý vi phạm pháp luật về đất đai;
g) Thủ tục hành chính về đất đai; h) Văn bản quy phạm pháp luật về đất đai; i) Các thông tin đất đai khác theo quy định của pháp luật.
2. Việc tiếp cận thông tin đất đai thực hiện theo quy định của Luật này, pháp luật về tiếp cận thông tin và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Trên cơ sở quy định của Luật Đất đai năm 2013, Luật TCTT năm 2016 và các văn bản triển khai của các cơ quan nhà nước ở từng địa phương trong cả nước, (việc bảo đảm thực hiện quyền TCTT nói chung, trong đó có các thông tin về đất đai đã được bảo đảm ở một mức độ nhất định), nhiều địa phương đã ban hành và triển khai các văn bản liên quan đến khai thác dữ liệu thông tin đất đai, phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tuyên truyền, tập huấn cán bộ chủ chốt cấp huyện, cấp xã, bảo đảm thực hiện quyền TCTT nói chung, quyền TCTT đất đai nói riêng. Sở Tài nguyên và Môi trường một số địa phương đã ban hành các kế hoạch nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai với mục đích góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường đất đai thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn và thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư kinh doanh. Mặt khác, trong thời gian qua trên cả nước các cơ quan có thẩm quyền đã xây dựng, quản lý hệ thống thông tin đất đai và bảo đảm quyền tiếp cận của tổ chức, cá nhân đối với hệ thống thông tin đất đai. Tuy nhiên thực tiễn thực hiện các quy định để bảo vệ quyền TCTT đất đai ngoài các kết quả đạt được như đã khái lược ở trên, thực tế việc bảo đảm quyền này vẫn còn tồn tại một số hạn chế.
Thứ nhất là, thiếu các quy định cụ thể về việc lấy ý kiến của cộng đồng dân cư nơi có đất bị thu hồi. Trong Luật Đất đai năm 2013 và cả Luật Đất đai năm 2024 (sửa đổi)[i] mới chỉ qui định việc tổ chức lấy ý kiến đối với phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo hình thức tổ chức họp trực tiếp với người dân trong khu vực có đất thu hồi. Theo tác giả, việc tìm hiểu văn hóa, tín ngưỡng, phong tục tập quán tại cộng đồng nơi có đất bị thu hồi có ý nghĩa quan trọng giúp cơ quan nhà nước có phương án phù hợp hơn khi thực hiện kế hoạch hỗ trợ tái định cư. Cộng đồng nơi có đất bị thu hồi sẽ có kế hoạch chủ động hơn cho công việc và cuộc sống sau khi thu hồi, đặc biệt là khi thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế - xã hội thì việc bảo đảm quyền lợi cho người có đất bị thu hồi được tiếp cận các thông tin thu hồi nhanh chóng, kịp thời và công khai, minh bạch có ý nghĩa rất to lớn.
Thứ hai là, tại khoản 1 Điều 15 Luật TCTT năm 2016 quy định về xử lý vi phạm: “1. Người nào có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự”. Theo đó, vấn đề xử lý hành chính trong lĩnh vực đất đai được quy định cụ thể trong Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 04/2022/NĐ-CP ngày 06/1/2022). Tuy nhiên, cả hai nghị định này chưa có quy định rõ chế tài xử lý hành chính đối với các hành vi liên quan đến bảo đảm quyền TCTT, trong đó có thông tin đất đai, đặc biệt là các hành vi về từ chối cung cấp thông tin, không công khai thông tin theo quy định của pháp luật.
Thứ ba là, các thông tin công khai về đất đai còn hạn chế, một số cổng thông tin chưa cập nhật kịp thời để người dân tiếp cận khi cần thiết.
Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB)[ii], các chuyên gia đã kiểm tra tình hình công khai thông tin liên quan đến đất đai trên các trang web của 63 tỉnh, thành phố. Thông tin thu thập được cho thấy, nhiều cơ quan vẫn chỉ coi việc niêm yết thủ tục hành chính mang tính hình thức chứ không phải thực sự để phục vụ nhu cầu của người dân. Ở nước ta hiện nay hiện có 27 trong số 63 UBND tỉnh, thành phố đã đăng tải bảng giá đất cấp tỉnh giai đoạn 2020 - 2024 (chiếm 42,9%) và có 337 trong số 704 UBND cấp huyện trên toàn quốc đã đăng tải kế hoạch sử dụng đất cấp huyện năm 2021 (chiếm 47,9%). Tuy nhiên, việc đăng tải thông tin của các cơ quan nhà nước thiếu đồng bộ, các tài liệu đính kèm thông báo công khai kế hoạch sử dụng đất cấp huyện thường được đăng rải rác ở một số chuyên mục khác nhau trên các cổng/trang thông tin điện tử, làm cho người dân gặp khó khăn trong tìm kiếm thông tin một cách đầy đủ.
Thứ tư là, hạn chế về trách nhiệm của người cung cấp thông tin. Qua thực tế trong một số báo báo nghiên cứu về thông tin đất đai, trong đó có báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố cho thấy, thái độ, năng lực và công tác chỉ đạo việc bảo đảm cung cấp thông tin còn hạn chế. Một số cán bộ từ chối yêu cầu cung cấp thông tin hoặc yêu cầu có giấy giới thiệu[iii]. Từ thực tiễn có những trường hợp người dân không biết chính xác các thông tin biến động đất đai, nhất là thông tin quy hoạch, ảnh hưởng rất lớn đến quyền và lợi ích của họ, nhiều người dân đã tìm đến các các văn phòng luật để được tư vấn.
Ví dụ: Dự án E.LK của Công ty Cổ phần ĐX cho quảng cáo trên nhiều kênh thông tin như: Dự án nằm ở vị trí vô cùng đắc địa. Các căn hộ được thiết kế hiện đại và không gian thoáng đãng với mật độ xây dựng chỉ chiếm 60%. Diện tích còn lại chủ đầu tư xây dựng trung tâm thương mại, hệ thống trường học quốc tế, công viên… Tuy nhiên, khi khách hàng “mua đất” chờ đợi gần 1 năm vẫn không thấy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, lúc này mới phát hiện khu đất trên chủ đầu tư lập dự án “chui” không có giấy phép xây dựng và thủ tục tách thửa, khiến nhiều người bức xúc.
Hoặc có trường hợp một người nước ngoài muốn mua nhà ở đường LNC, nhà đất này được đánh số nhà, có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, và tài sản gắn liền với đất (nghĩa là chủ quyền đầy đủ) nhưng khi trước khi đặt cọc mua, khách mua cẩn thận nên đã xin cấp chứng chỉ quy hoạch mới phát hiện trong quy hoạch dự kiến sẽ mở đường, có một con đường mới dọc ngang căn nhà và đất đó chia mảnh đất và ngôi nhà thành 3 phần. Nhưng quy hoạch này chưa biết khi nào thực hiện và thực tế người dân không dễ dàng tiếp cận để biết, nhất là với người nước ngoài hoặc người không cư trú tại địa phương, thậm chí công dân tại địa phương đó cũng không biết về dự án mở đường này.[iv]
Thứ năm là, các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đất đai còn hạn chế.
Hình thức tuyên truyền, phổ biến chưa đa dạng, những thông tin liên quan đất đai rất ít khi được phát trên đài truyền hình và kênh thông tin để làm cho người dân hạn chế tầm hiểu biết về các thông tin đất đai, những trang thông tin điện tử không phát huy hết vai trò tuyên truyền thông tin, phương thức công khai thông tin còn rất ít.
Mặt khác trên thực tế từ phía chủ thể có quyền tiếp cận thông tin đất đai còn có một số chưa hiểu rõ được vai trò quan trọng của quyền tiếp cận thông tin đất đai, thiếu chủ động trong việc tiếp cận thông tin đất đai. Một số bộ phận người dân chưa thực sự hiểu rõ cách thức tiếp cận thông tin trên trang thông tin điện tử của cơ quan có thẩm quyền. Một số bộ phận khác thì không quan tâm hoặc không biết đến quyền được tiếp cận thông tin đất đai. Nhìn chung, vấn đề tiếp cận nguồn thông tin về chính sách, pháp luật của nhà nước, tìm và hỏi cán bộ “quen” vẫn là kênh thông tin chính sách chủ yếu (chiếm 38,43%), tiếp sau là hỏi thông tin từ người thân, bạn bè; nêu câu hỏi trên trang mạng xã hội để nhờ chia sẻ thông tin; tìm thông tin trên cổng thông tin điện tử của chính quyền địa phương… Chỉ có 1,91% người dân được hỏi cho biết gửi thư điện tử yêu cầu chính quyền địa phương cung cấp thông tin và 0,79% người viết thư tay yêu cầu chính quyền địa phương cung cấp thông tin[v].
3. Một số kiến nghị bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin đất đai
Qua phân tích một số hạn chế về bảo đảm thực hiện quyền TCTT đất đai, tác giả nhận thấy cần thực hiện một số giải pháp sau đây:
Một là, bổ sung quy định cụ thể về việc lấy ý kiến của cộng đồng, điều này giúp để cơ quan nhà nước có phương án phù hợp hơn khi thực hiện kế hoạch hỗ trợ tái định cư và cộng đồng dân cư nơi có đất bị thu hồi có kế hoạch chủ động giúp ổn định cuộc sống sau khi thu hồi. Đặc biệt là các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng thì việc bảo đảm quyền lợi cho cộng đồng dân cư nơi có đất thu hồi được tiếp cận các thông tin thu hồi kịp thời và công khai, minh bạch là cần thiết. Cần bổ sung thêm qui định lấy ý kiến người dân ở vùng đất lân cận có đất bị thu hồi để đảm bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp cho các chủ thể.
Hai là, xác định rõ cơ chế trách nhiệm đối với cán bộ, cơ quan có thẩm quyền trong việc cung cấp thông tin về đất đai chưa xác thực, thông tin sai lệch hoặc bưng bít thông tin. Cần có các quy định giải quyết trường hợp khi người yêu cầu cung cấp thông tin có quyền khiếu nại trong các trường hợp: bị từ chối cung cấp thông tin không phù hợp với các căn cứ theo quy định về cơ sở từ chối cung cấp thông tin; thông tin được cung cấp không phải là thông tin mà người yêu cầu đề nghị. Chỉ rõ trách nhiệm của những người đứng đầu trong việc phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm quyền tiếp cận thông tin về đất đai. Bổ sung quy định về tăng cường cung cấp thông tin đất đai qua hoạt động của người phát ngôn của cơ quan nhà nước và trên các phương tiện thông tin đại chúng khi cần thiết.
Ba là, nghiên cứu thiết lập một Ủy ban thông tin với tư cách là cơ độc lập trực thuộc Quốc hội. Ủy ban này sẽ có trách nhiệm xem xét, giám sát thi hành việc cung cấp thông tin, đặc biệt là thiết lập một mảng riêng giám sát liên quan đến các quyết định định hành chính về đất đai, các hành vi hành chính như từ chối cung cấp thông tin đất đai, cung cấp không đầy đủ thông tin, cung cấp sai thông tin sai sự thật… Việc thành lập cơ quan chuyên trách về giám sát thông tin đất đai còn có ý nghĩa tác động đến các cán bộ, công chức nhà nước, làm tăng khả năng nhận thức, giảm hành vi tiêu cực, giảm tình trạng áp dụng tùy tiện quyền hành pháp trong quá trình thực hiện quản lý nhà nước nói chung, quản lý về đất đai nói riêng.
Bốn là, quy định rõ ràng hơn về chế tài xử lý hành chính đối với các hành vi liên quan đến bảo đảm quyền TCTT, trong đó có thông tin đất đai đặc biệt là các hành vi về từ chối cung cấp thông tin, không công khai thông tin đất đai bằng việc bổ sung nội dung liên quan đến chế tài này vào Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Năm là, nghiên cứu phát triển, đa dạng hóa hơn các hình thức cung cấp thông tin, đặc biệt là các dịch vụ trực tuyến cung cấp thông tin, nâng cao nhận thức của người dân để họ chủ động tìm hiểu và kiếm thông tin để tự bảo vệ quyền lợi của mình tránh các thiệt hại không đáng có do không chủ động tìm kiếm thông tin đất đai. Lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao ý thức pháp luật về quyền TCTT đất đai.
4. Kết luận
Có thể nhận thấy quyền TCTT về đất đai có ý nghĩa rất quan trọng, việc bảo đảm thực hiện quyền này trên thực tế góp phần bảo đảm quyền con người, bảo đảm công bằng xã hội, tính minh bạch của pháp luật. Mặt khác góp phần hạn chế tình trạng tham nhũng và là sự thể hiện của việc nhân dân giám sát hoạt động quản lý của nhà nước, thúc đẩy mối quan hệ giữa nhà nước và công dân, đồng thời tạo niềm tin của công dân đối với nhà nước.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:
[i] Khoản 3, Điều 87, Luật Đất đất đai năm 2024 . Truy cập tại: https://duthaoonline.quochoi.vn/Pages/dsduthao/chitietduthao.aspx?id=7415
[ii] World Bank Group (2014). Công khai thông tin đất đai tại Việt Nam đã có tiến bộ, nhưng vẫn cần nỗ lực nhiều hơn nữa. Truy cập tại: https://www.worldbank.org/vi/news/press-release/2014/12/12/land-information-disclosure-in-vietnam-improved-but-more-progress-needed
[iii] Báo cáo của Ngân hàng Thế giới về công khai thông tin đất đai (tr.13, tr.87-88). Truy cập tại: https://documents1.worldbank.org/curated/zh/908071468117852932/pdf/931010VIETNAME0ransparency00PUBLIC0.pdf
[iv] Đặng Ngọc Hạnh (2023). Quyền tiếp cận thông tin về đất đai - một số vướng mắc khi giao đất trong đấu thầu có sử dụng đất. Truy cập tại: https://lsvn.vn/quyen-tiep-can-thong-tin-ve-dat-dai-mot-so-vuong-mac-khi-giao-dat-trong-dau-thau-co-su-dung-dat-1677773924.html
[v] D. Ngọc (2019). Chưa tới 25% người dân biết về quy hoạch đất đai. Truy cập tại: https://nld.com.vn/thoi-su/cong-khai-minh-bach-cai-thien-cham-chua-toi-25-nguoi-dan-biet-ve-quy-hoach-dat-dai-20190402114822833.htm
Tài liệu tham khảo:
1. Quốc hội (2013). Luật Đất đai năm 2013, Luật Đất đai sửa đổi năm 2024
2. Quốc hội (2016). Luật Tiếp cận thông tin năm 2016.
3. Chính phủ (2018). Nghị định số 13/2018/NĐ-CP ngày 23 tháng 1 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Tiếp cận thông tin năm 2016.
4. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2014). Thông tư số 34/2014/TT-BTNMT ngày 20/6/2014 quy định về xây dựng, quản lý, khai thác hệ thống thông tin đất đai.
5. Bộ Tư pháp (2015). Báo cáo kinh nghiệm quốc tế về bảo đảm quyền tiếp cận thông tin.
The right to access land information and some recommendations
Master. Bui Thi Thuan Anh
University of Law, Hue Univrsity
Abstract:
In recent times, across the country and in each locality, the index of access to land information and the transparency of land information for people and businesses in most surveys have been quite low, with many limitations. This paper analyzed some limitations and obstacles in the implementation of the right to access land information. Based on the paper’s findings, some recommendations were made to better implement the right to access land information in Vietnam.
Keywords: land information, recommendations, guarantees.