Samsung đã đào tạo 207 chuyên gia cải tiến chất lượng, đang đào tạo tiếp 200 chuyên gia khuôn mẫu

Nội dung trên được Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thông tin tại Lễ ký kết 3 bên giữa Bộ Công Thương, tỉnh Bắc Ninh và Samsung Việt Nam về chương trình hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
Khóa đào tạo mới năm 2020 sẽ bao gồm 3 tuần lý thuyết và 9 tuần thực hành tư vấn tại các doanh nghiệp
Khóa đào tạo tư vấn cải tiến chất lượng bao gồm 3 tuần lý thuyết và 9 tuần thực hành tư vấn tại các doanh nghiệp

 

Mục tiêu của hợp tác này là đến năm 2025, tỉ lệ đóng góp của các doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh vào giá trị sản xuất công nghiệp do Samsung tạo ra sẽ tăng lên hằng năm thông qua việc thực hiện các chương trình hợp tác.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc ngày càng tốt đẹp, 2 nước đã trở thành quan hệ đối tác hợp tác chiến lược từ năm 2009.

Hàn Quốc hiện là đối tác đầu tư FDI lớn nhất, là đối tác thương mại lớn thứ hai và cung cấp vốn ODA lớn thứ hai của Việt Nam.

Samsung là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, với 6 nhà máy và 1 trung tâm nghiên cứu phát triển, tổng mức đầu tư hơn 17 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu năm 2019 đạt 59 tỷ USD, thu hút gần 130.000 lao động.

“Cùng với thúc đẩy sản xuất, tạo ra các sản phẩm thương hiệu toàn thế giới, Samsung có nhiều đóng góp, tham gia việc hỗ trợ các doanh Việt Nam với vai trò doanh nghiệp đầu tàu, rất nhiệt tình, trách nhiệm và hiệu quả", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Samsung đã hoàn thành chương trình đào tạo 207 chuyên gia tư vấn người Việt Nam để giúp cho các doanh nghiệp hỗ trợ phát triển; đồng thời đang phối hợp với Bộ Công Thương đào tạo 200 chuyên gia tư vấn trong lĩnh vực sản xuất khuôn mẫu.

Cũng theo Phó Thủ tướng, trong thời gian qua, tỉnh Bắc Ninh rất quan tâm đến đổi mới môi trường đầu tư, là một trong những tỉnh thu hút đầu tư lớn nhất của Việt Nam.

Các doanh nghiệp sau khi được đánh giá, tư vấn đã giảm thiểu được nhiều lỗi trong sản xuất, giúp tăng năng lực cạnh tranh
Các doanh nghiệp sau khi được đào tạo đã giảm thiểu được nhiều lỗi trong sản xuất, tăng năng lực cạnh tranh

 

Theo Phó Thủ tướng, nhận thức được tầm quan trọng của ngành công nghiệp hỗ trợ, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, doanh nghiệp.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, chỉ đạo điều hành nhằm thúc đẩy và phát triển ngành này, mà gần đây nhất là Nghị quyết 115/NQ-CP ngày 6/8/2020 về các giải pháp thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ.

Những quan điểm, cơ chế, chính sách này đã khuyến khích một số doanh nghiệp lớn tích cực, chủ động tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hỗ trợ tham gia vào chuỗi giá trị của mình, một mặt vừa chủ động nguồn cung, giảm chi phí, đồng thời mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp khác cùng phát triển.

Trên thực tế, thời gian qua, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đã có những bước phát triển đáng kể, cả về quy mô, chất lượng, từ đó nâng cao tỉ lệ nội địa hóa ở một số lĩnh vực công nghiệp quan trọng.

Tuy nhiên, công nghiệp hỗ trợ Việt Nam vẫn bộc lộ những tồn tại, hạn chế và phát sinh những vấn đề mới, mà thách thức lớn nhất là năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới.

"Do đó, chương trình hợp tác về công nghiệp hỗ trợ lần này là giải pháp khắc phục những khó khăn, tồn tại. Đây là hình mẫu để các doanh nghiệp khác học tập", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Từ đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, nhất là về nguồn vốn, nhân lực...; tạo cơ hội hình thành và phát triển chuỗi giá trị trong nước thông qua thu hút đầu tư hiệu quả và thúc đẩy kết nối kinh doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp đa quốc gia, các công ty sản xuất, lắp ráp trong nước và nước ngoài.

Tam Hiệp