Thị trường sốc đột ngột
Ngay khi thị trường mở cửa trở lại ngày 30/1/2020, giới đầu tư đã đột ngột phản ứng rất sốc khi bán đổ bán tháo, tạo nên nhịp giảm tối đa tới gần 100 điểm trước khi quay đầu phục hồi. Đây là biến động mạnh kỷ lục trên thị trường khi nhà đầu tư đối diện với rủi ro chưa từng có.
Thực vậy, dịch bệnh là yếu tố rất mới đối với thị trường chứng khoán, đặc biệt là khi xảy ra tại một nền kinh tế có quan hệ chặt chẽ với Việt Nam, thậm chí là đóng vai trò trung tâm trong chuỗi sản xuất toàn cầu.
Dịch bệnh gần nhất mà thị trường chứng khoán Việt Nam đối diện là dịch SARS năm 2003, nhưng khi đó thị trường có quy mô rất nhỏ, cũng như lượng nhà đầu tư còn ít. Dịch SARS hầu như không ảnh hưởng gì tới thị trường chứng khoán khi đó.
Lần này thì khác, lần đầu tiên giới đầu tư phải xử lý các thông tin chưa từng có: Đóng băng hoạt động thương mại biên giới, thiết lập cách ly con người thậm chí là cách ly cả một khu vực địa lý rộng lớn, đóng cửa tạm thời các cơ sở sản xuất tại Trung Quốc, hoạt động thương mại hàng hóa tại chỗ cũng đóng băng với các trung tâm thương mại vắng lặng, dừng các tuyến giao thông tới vùng dịch, các khu du lịch không bóng khách Trung Quốc...
Tuy nhiên sau khi để mất gần 100 điểm từ những phản ứng ban đầu, thị trường chứng khoán đã nhanh chóng phục hồi xấp xỉ 49 điểm và hiện duy trì trạng thái đi ngang. Điều này tạo cảm giác thị trường chứng khoán đã đạt tới trạng thái cân bằng phản ánh hết rủi ro từ dịch cúm này.
Từ những kịch bản...
Liệu diễn biến của thị trường chứng khoán như vậy có thật sự phản ánh đúng rủi ro vĩ mô, vi mô hay không là một câu hỏi không dễ trả lời.
Thị trường luôn có kỳ vọng riêng mà kỳ vọng phụ thuộc vào tâm lý rất khó đo đếm. Cho đến thời điểm hiện tại, các ước tính định lượng những kịch bản tác động của dịch cúm tới nền kinh tế đều không thật sự tích cực.
Theo ước tính của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với kịch bản khống chế được dịch trong quý I/2020 thì tăng trưởng GDP của Việt Nam 2020 dự báo là 6,25%. Trong đó, quý I tăng 4,52%; quý II tăng 6,08%; quý III tăng 6,92% và quý IV tăng 6,81%.
Kịch bản dịch kéo dài sang quý II/2020 thì tăng trưởng GDP dự báo 5,96%. Trong đó, quý I tăng 4,52%; quý II tăng 5,1%; quý III tăng 6,70% và quý IV tăng 6,81%.
Các ước tính này từ cơ quan quản lý nhà nước đều xấu hơn các ước tính trước đó của một số tổ chức tài chính trung gian. Chẳng hạn Chứng khoán Bảo Việt cho rằng GDP quý I/2020 dự kiến thấp hơn cùng kỳ 0,2-0,4%, đạt mức 6,5%.
... đến những giả định
Ảnh hưởng của dịch bệnh có thể thấy sớm nhất và rõ nhất trong lĩnh vực dịch vụ như du lịch, vận tải. Lấy ví dụ từ hàng không, số liệu của Cục Hàng không Việt Nam cho thấy việc dừng khai thác thị trường Trung Quốc khiến các hãng hàng không Việt Nam đối mặt với việc mất doanh thu của trung bình 400.000 khách/tháng. Đó là chưa kể đến một lượng không nhỏ doanh thu từ nguồn khách này trên các đường bay nội địa.
Thống kê từ ngày 1 - 7/2, tổng thị trường vận chuyển hàng không Việt Nam đạt 1,95 triệu khách, giảm 4,5% so cùng kỳ 2019, trong đó riêng thị trường quốc tế giảm 14,1%.
Sản lượng vận chuyển của các hãng không Việt Nam đạt 1,06 triệu khách, giảm 4%, riêng vận chuyển quốc tế giảm 28% cùng kỳ 2019. Sơ bộ thiệt hại ban đầu của việc dừng các đường bay này của các hãng hàng không Việt Nam lên tới khoảng hơn 10.000 tỷ đồng.
Đối với hoạt động sản xuất, những khó khăn có thể chưa bộc lộ ngay lập tức. Hiện mới chỉ nhìn thấy bằng chứng về thiệt hại trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản. Việc giảm tiêu thụ nội địa tại thị trường Trung Quốc phải chờ tới khi có các số liệu xuất nhập khẩu.
Việc gián đoạn nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc có khả năng ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất trong nước, chưa kể tới hàng ngàn công ty Trung Quốc đang hoạt động tại Việt Nam cũng có nguy cơ bị gián đoạn hoạt động.
Theo đánh giá của Chứng khoán SSI, các ngành sẽ chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh là dệt may, bán lẻ, thủy sản, bia, dầu khí, chứng khoán, cảng biển và vận tải, dịch vụ sân bay, hàng không. Điều đó hàm ý rằng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trong lĩnh vực này có nguy cơ giảm.
Chứng khoán Bảo Việt cũng xác định các lĩnh vực chịu tác động xấu là vận tải, lưu trú, du lịch, bán lẻ, nhà hàng, công nghiệp – xây dựng.
Chứng khoán VNDirect đánh giá lĩnh vực du lịch, lưu trú, hàng không, nông nghiệp sẽ chịu tác động lớn từ dịch bệnh. Lĩnh vực cảng biển, cảng hàng không, dầu khí lại chỉ chịu tác động gián tiếp và nhỏ. Lĩnh vực bất động sản, bán lẻ lại không bị ảnh hưởng nhiều.
Có thể thấy các phân tích có độ vênh nhất định. Khi chưa có các con số định lượng rõ ràng, thị trường chứng khoán chỉ dựa vào các phỏng đoán để định giá cổ phiếu cũng như xu hướng thị trường.
Và chờ số liệu thống kê
Cách định giá này mang tính cảm tính nhiều hơn và có thể không chính xác. Ngoài ra cũng không thể lấy quá khứ để ước đoán tương lai – ví dụ dịch SARS – vì thị trường chứng khoán hiện đã đạt đến quy mô khác xa năm 2003, cũng như quy mô nền kinh tế Việt Nam lẫn độ phụ thuộc chuỗi sản xuất vào thị trường Trung Quốc hiện tại ở mức độ lớn hơn nhiều.
Giới đầu tư thường có câu “Thị trường luôn luôn đúng”, nhưng điều đó cũng không có nghĩa là thị trường đúng trong mọi thời điểm. Đối với các sự kiện có ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất và nền kinh tế như dịch cúm corona, các số liệu thống kê mới là sự chuẩn xác cuối cùng, còn mọi phỏng đoán đều có thể quá bi quan hoặc quá lạc quan.
Do đó, giới đầu tư đang chờ đợi, cho tới khi có những dấu hiệu rõ ràng hơn về khả năng kiềm chế dịch bệnh, tìm được thuốc đặc trị, hay những số liệu ủng hộ một thực trạng mạnh mẽ trong hoạt động sản xuất kinh doanh, sự thận trọng là điều cần thiết.