Theo ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương, điện mặt trời mái nhà là nguồn điện sạch, tái tạo có tính chất phân tán, quy mô nhỏ, được tiêu thụ tại chỗ, giảm tổn thất của quá trình truyền tải, phân phối, tận dụng hạ tầng lưới điện hiện có của ngành điện, có thời gian phát chủ yếu vào ban ngày, trong giờ cao điểm của hệ thống điện giúp giảm đỉnh phụ tải.
Đây cũng là loại hình năng lượng tái tạo tận dụng được diện tích mặt bằng mái nhà tại các khu dân cư, doanh nghiệp vốn đã có sẵn cơ sở hạ tầng lưới điện đầy đủ, thuận tiện trong việc đấu nối,... do đó cần khuyến khích các thành phần kinh tế như hộ gia đình, doanh nghiệp tham gia đầu tư để cấp điện tự dùng và phần dư bán lại cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Ngày 6/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam áp dụng tiếp theo Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11 tháng 4 năm 2017 về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam.
Trong đó, đối với điện mặt trời mái nhà, được phép bán một phần hoặc toàn bộ điện năng sản xuất ra cho EVN hoặc tổ chức, cá nhân khác trong trường hợp không sử dụng lưới điện của EVN.
Giá bán điện mặt trời mái nhà cho EVN tương đương 8,38 UScent/kWh, áp dụng cho hệ thống điện mặt trời mái nhà có thời điểm vào vận hành phát điện và xác nhận chỉ số công tơ trong giai đoạn từ ngày 1/7/2019 đến ngày 31/12/2020 và được áp dụng 20 năm kể từ ngày vào vận hành phát điện.
Để hướng dẫn thực hiện Quyết định 13, ngày 17/7/2020 Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 18/2020/TT-BCT quy định về phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời.
“Trong quá trình xây dựng Quyết định 13, Thông tư 18, đã xem xét, đưa ra các quy định để đảm bảo khuyến khích đúng đối tượng, hạn chế tối đa các trường hợp lách quy định, trục lợi chính sách, gây quá tải, mất ổn định hệ thống điện”, ông Hoàng Tiến Dũng cho hay.
Theo báo cáo từ EVN, tính đến hết ngày 31/12/2020, cả nước đã có 105.996 hệ thống điện mặt trời mái nhà đi vào vận hành, tổng công suất lắp đặt 9.731 MWp (khoảng 7.784 MWac), sản lượng tích lũy ước đạt khoảng 1.337.093 MWh, giảm phát thải khoảng 1.220.766 tấn khí CO2. Không thể phủ nhận, các dự án này đã góp phần bổ sung lượng lớn nguồn điện sạch, tại chỗ, góp phần giải quyết nguy cơ thiếu điện năm 2020, mặt khác giảm phát điện chạy dầu giá cao, huy động tốt nguồn lực của xã hội.
Tuy nhiên, ông Hoàng Tiến Dũng cũng thẳng thắn nhìn nhận, bên cạnh kết quả đã đạt được, Bộ Công Thương còn nhận được phản ánh, góp ý của địa phương, doanh nghiệp... liên quan đến tình trạng "lợi dụng cơ chế", "lách luật"...
Để tiếp tục khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà, đồng thời hạn chế những vấn đề bất cập này, Bộ Công Thương đang nghiên cứu dự thảo cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà cho giai đoạn tới, theo 4 định hướng lớn:
- Tiếp tục áp dụng cơ chế giá cố định (giá FIT) cho điện mặt trời mái nhà;
- Giá mua điện phụ thuộc vào công suất của hệ thống điện mặt trời mái nhà;
- Quy định tỷ lệ tự dùng điện của người sản xuất/bên bán điện;
- Quy định lắp đặt hệ thống mini-SCADA để vận hành, điều độ từ xa.
Rõ ràng, nếu được đưa vào thực tế, thì các quy định trên sẽ mang tính quyết định để cân bằng lại thị trường điện mặt trời mái nhà thông qua việc phát huy đúng tính chất phân tán và tiêu thụ tại chỗ của loại hình năng lượng này, mà vẫn giảm áp lực lên lưới truyền tải và phân phối, đảm bảo vận hành, điều độ hệ thống điện ổn định.