Theo ông Nguyễn Hùng Em - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Sóc Trăng, trong những năm gần đây, tình trạng buôn bán hàng hóa là mỹ phẩm nhập lậu, giả mạo, kém chất lượng… trên địa bàn tỉnh diễn biến ngày càng phức tạp, với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi. Các đối tượng không chỉ hoạt động, kinh doanh theo hình thức truyền thống mà còn hoạt động trên không gian mạng. Đặc biệt, nhiều đối tượng lợi dụng các trang mạng xã hội để chào mời nhiều mặt hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.
Vì vậy, thời gian qua, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chỉ đạo các đội quản lý thị trường tăng cường công tác quản lý địa bàn, kiểm tra, kiểm soát có hiệu quả, lên phương án kiểm tra đột xuất khi phát hiện các trường hợp sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc trên địa bàn tỉnh và cả trên các trang mạng như facebook, zalo… Đồng thời, Cục Quản lý thị trường tỉnh thành lập 1 tổ thương mại điện tử để theo dõi các hoạt động kinh doanh trên không gian mạng đối với các cá nhân, tổ chức hoạt động kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, với nhiệm vụ được giao là Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, đoàn không chỉ thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát thị trường để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp theo đúng quy định của pháp luật mà còn thông qua công tác kiểm tra để tuyên truyền đến các cá nhân, tổ chức tuân thủ đúng các quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm. Qua công tác tuyên truyền và xử lý nghiêm minh khi vi phạm, từ đó ý thức kinh doanh của các tổ chức, cá nhân trong tỉnh ngày càng nâng cao.
Bên cạnh những tổ chức, cá nhân kinh doanh chân chính thì vẫn còn nhiều nơi xem nhẹ quy định của pháp luật, bất chấp sức khỏe của người tiêu dùng. Thông tin từ Cục Quản lý thị trường tỉnh, trong năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, đơn vị đã kiểm tra 57 vụ, phát hiện 56 vụ vi phạm, tiến hành xử lý 54 vụ, tổng số tiền thu phạt gần 472 triệu đồng. Vi phạm chủ yếu là kinh doanh mỹ phẩm nhập lậu, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Hiện nay, khi đời sống vật chất ngày càng nâng cao thì nhu cầu làm đẹp, chăm sóc bản thân của phái nữ cũng tăng theo, trong đó các mặt hàng được ưa chuộng là các loại kem dưỡng da mặt, body, kem, phấn trang điểm, son môi, nước hoa và các loại thực phẩm chức năng... rất được ưa chuộng. Đây chính là cơ hội để các đối tượng lợi dụng trục lợi bất chính thông qua việc sản xuất, kinh doanh các mặt hàng giả, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng.
"Để đấu tranh có hiệu quả trong công tác chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại, nhất là đối với mặt hàng mỹ phẩm, Cục Quản lý thị trường tỉnh sẽ tăng cường công tác quản lý địa bàn, thống kê và nắm bắt chính xác thông tin về các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm trong tỉnh, để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật nếu các đối tượng vi phạm.
Ngoài kiểm tra, kiểm soát các cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm, Cục Quản lý thị trường phối hợp với các sở, ngành có liên quan tập trung kiểm tra các sản phẩm tại spa, thẩm mỹ viện, trong đó tập trung kiểm tra về nguồn gốc xuất xứ các loại mỹ phẩm, các “nguyên liệu” làm đẹp… Nếu phát hiện tổ chức, cá nhân nào vi phạm sẽ xử lý thật nghiêm minh, nhằm đảm bảo chất lượng mỹ phẩm lưu thông trên thị trường và quyền lợi, an toàn cho người tiêu dùng" - ông Nguyễn Hùng Em nhấn mạnh.
Cục Quản lý thị trường tỉnh khuyến cáo người dân hãy là người tiêu dùng thông thái, chỉ nên mua và sử dụng mỹ phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng về nơi sản xuất, nhập khẩu, thành phần có trong mỹ phẩm, công bố mỹ phẩm đạt chuẩn quy định pháp luật, tránh “tiền mất tật mang”.