Tác động của đại dịch Covid-19 tới các doanh nghiệp Dệt may tại Việt Nam và giải pháp

TS. ĐỖ HỒNG QUÂN (Viện Kinh tế và Quản lý, Đại học Bách khoa Hà Nội)

TÓM TẮT:

Thời gian qua, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội, các hoạt động sản xuất, thương mại toàn cầu của Việt Nam. Đặc biệt, ngành Dệt may phải đối diện với không ít khó khăn, thách thức khi chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào từ các nước bị gián đoạn, nhu cầu tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm giảm,... Kết quả nghiên cứu cho thấy, Covid-19 ảnh hưởng đến khả năng thương mại của các doanh nghiệp Việt Nam, chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng cao không ngừng gây sức ép đến khả năng sản xuất. Bên cạnh đó, nguồn lao động cũng bị ảnh hưởng từ những chính sách của Chính phủ như cách ly, giãn cách xã hội,... Nghiên cứu này đưa ra một số giải pháp giúp các doanh nghiệp có thể khắc phục khó khăn và chuẩn bị những phương án dự phòng tốt nhất trong một thế giới đầy biến động.

Từ khóa: tác động của đại dịch Covid-19, doanh nghiệp dệt may, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

1. Đặt vấn đề

Trong những năm gần đây, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất và thương mại toàn cầu. Việt Nam đang trong quá trình đẩy mạnh quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, các công ty tích cực tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, vậy nên cũng không nằm ngoài phạm vi ảnh hưởng. Những ngành nghề, lĩnh vực bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch Covid-19 có thể kể đến như: Hàng không, Du lịch và xuất/nhập khẩu.

Đặc biệt, ngành Dệt may phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu từ các nước bị gián đoạn, nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu sản phẩm sụt giảm. Tác giả đã tiến hành phân tích tác động của dịch Covid-19 đến các doanh nghiệp Dệt may Việt Nam, từ đó đưa ra những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty trong thời gian tới.

2. Tổng quan nghiên cứu

Fuchs và các cộng sự (2020) nghiên cứu việc xuất khẩu hàng hóa y tế từ Trung Quốc. Đặc biệt, họ tập trung vào vai trò của các mối quan hệ kinh tế và chính trị của các nước với Trung Quốc. Kết quả cho thấy những nước có quan hệ kinh tế tốt với Trung Quốc sẽ được ưu tiên nhập khẩu nhiều mặt hàng y tế quan trọng.

Hayakawa và Mukunoki (2020) đánh giá tác động của các chính sách phòng chống dịch bệnh đối với thương mại bằng cách sử dụng dữ liệu thương mại thế giới trong 6 tháng đầu năm 2020. Nghiên cứu chỉ ra rằng các chính sách ngăn cách xã hội, chủ trương đóng cửa văn phòng, nơi làm việc có tác động rất tiêu cực đến hoạt động kinh doanh.

Maliszewska và các cộng sự (2020) mô phỏng các tác động tiềm tàng của Covid-19 đối với GDP và thương mại bằng cách sử dụng mô hình cân bằng chung. Mô hình bao gồm các yếu tố: năng suất lao động và vốn tối ưu, chi phí thương mại quốc tế, nhu cầu về dịch vụ du lịch và nhu cầu chuyển sang các hoạt động khác.

Kazunobu và Hiroshi (2020) tập trung vào việc tìm hiểu những dấu hiệu ban đầu về tác động của Covid-19 đối với tình hình thương mại toàn cầu dựa trên dữ liệu của 186 quốc gia trong quý đầu tiên của năm 2020. Kết quả nghiên cứu cho thấy tác động tiêu cực của đại dịch đối với thương mại, nhưng chỉ đối với hàng xuất khẩu từ các nước và các nước đang phát triển.

Hayakawa và Mukunoki (2021) đánh giá tác động của Covid-19 đối với thương mại quốc tế. Nghiên cứu cho thấy những tác động tiêu cực của đại dịch đối với thương mại quốc tế, cả ở các nước xuất khẩu và nhập khẩu, nhưng ảnh hưởng này đã được bù đắp ở một mức độ nào đó sau đợt dịch ban đầu và mức độ ảnh hưởng đến các ngành là khác nhau, không đồng đều.

Hiếu và các cộng sự (2020) đã tiến hành khảo sát 16 công ty để tìm hiểu ảnh hưởng của Covid-19 đến hoạt động kinh doanh của các công ty ở miền Bắc Việt Nam. Kết quả nghiên cứu cho thấy các công ty đang gặp khó khăn lớn về sản xuất, gián đoạn nguồn cung, khó khăn về tài chính và nguồn nhân lực không ổn định.

Minh (2020) đánh giá những thuận lợi và khó khăn mà Việt Nam gặp phải trước sự thay đổi của chuỗi cung ứng toàn cầu dưới tác động của Covid-19. Nghiên cứu cũng đề cập đến những việc Việt Nam cần làm để được hưởng lợi từ việc đưa các hoạt động sản xuất vào thị trường toàn cầu.

Hoàng và các cộng sự (2020) phân tích tác động của đại dịch Covid-19 đối với ngành Du lịch Việt Nam dựa trên kết quả khảo sát 95 công ty trong lĩnh vực khách sạn và du lịch. Nghiên cứu đưa ra các kịch bản khác nhau về tác động của dịch Covid-19 tùy thuộc vào diễn biến của dịch bệnh và phản ứng của Chính phủ và ngành Du lịch. Do đó, tác giả đề xuất các giải pháp nhằm hạn chế và giảm thiểu các tác động tiêu cực, cụ thể là đối với 3 giai đoạn duy trì sự tồn tại của doanh nghiệp và người lao động, tái cơ cấu và chuẩn bị cho sự trở lại của các doanh nghiệp du lịch.

Chương (2020) dự kiến ​​các kịch bản tác động của đại dịch Covid-19 đối với nền kinh tế Việt Nam và từ đó đưa ra một số khuyến nghị chính sách nhằm hạn chế các tác động tiêu cực đến kinh tế.

Nguyễn Hoàng Nam (2021) nghiên cứu tác động của đại dịch Covid-19 đến hoạt động kinh tế ở Việt Nam. Tác giả phân tích tác động của Covid-19 bằng cách sử dụng các biến như tổng số ca, tổng số ca tử vong, tỷ giá hối đoái, giá vàng, giá dầu, giá bạc, giá đồng, chỉ số VN-index. Nghiên cứu cho thấy Covid-19 có tác động tiêu cực đến giá vàng và dầu, trong khi đó lại có tác động tích cực đến tỷ giá hối đoái, giá bạc và đồng. Chỉ số VN-index không có tác động đến tổng số ca bệnh, nhưng thông tin về tổng số ca tử vong có tác động tiêu cực đến chỉ số này.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Ngân hàng Thế giới (WB) báo cáo “Tác động của đại dịch Covid-19 đối với doanh nghiệp ở Việt Nam” (2020) xác định tác động của đại dịch đối với sản xuất và hoạt động của Việt Nam, tìm hiểu về khả năng ứng phó và đánh giá của các doanh nghiệp đối với chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Nghiên cứu này được thực hiện như một cuộc khảo sát mẫu và đã nhận được phản hồi từ 10.197 công ty, bao gồm 8.633 công ty tư nhân và 1.564 công ty có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trên toàn quốc.

3. Thực trạng ngành Dệt may thế giới và Việt Nam trong đại dịch Covid-19

Đại dịch Covid-19 với những diễn biến phức tạp đã gây ra nhiều khó khăn cho ngành Dệt may trên thế giới. Năm 2020, nhiều nhà máy sợi, dệt đã phải đóng cửa khi đại dịch Covid-19 bùng phát, làm cho khả năng cung ứng nguyên phụ liệu cho các doanh nghiệp dệt may toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng dần thắt chặt chi tiêu, chỉ mua những nhu yếu phẩm cần thiết, dự phòng tài chính cho một nền kinh tế bất ổn. Việc cách ly, giãn cách xã hội để phòng dịch cũng đóng góp một phần lớn làm suy giảm nhu cầu tiêu dùng trên toàn thế giới.

Thực trạng của ngành Dệt may thế giới

Theo nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), nhập khẩu từ các khách hàng lớn của các nước xuất khẩu dệt may ở châu Á đã giảm đến 70% trong nửa đầu năm 2020. Nguyên nhân đến từ việc nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh, gián đoạn chuỗi cung ứng các nguyên liệu đầu vào và các biện pháp phong tỏa của các quốc gia trong tình hình dịch diễn biến phức tạp. Theo báo cáo ngành Dệt may 2021 của VCBS (Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương), tổng thị phần của 10 khu vực/quốc gia nhập khẩu may mặc lớn nhất năm 2020 giảm đáng kể so với năm 2019 (71% và 88%). Giá trị xuất khẩu/nhập khẩu giảm chỉ còn khoảng 80% - 87% giá trị trước dịch.

Trung Quốc và EU là 2 nước xuất khẩu hàng may mặc lớn nhất thế giới (141,6 và 125,3 tỷ USD), Việt Nam xếp thứ ba với 28,6 tỷ USD vào năm 2020. EU, Mỹ và Nhật Bản là 3 nước nhập khẩu nhiều nhất, chiếm 62% tổng giá trị nhập khẩu may mặc toàn cầu (giảm mạnh so với 2019, 75%), (Trần Minh Hoàng, Lê Đức Quang, 2021).

Thực trạng của ngành Dệt may Việt Nam

Ngành Dệt may Việt Nam cũng không nằm ngoài tầm ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến cho quy trình sản xuất và kinh doanh của các doanh nghiệp dệt may bị ảnh hưởng nặng nề, như: đứt gẫy chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào, chi phí nguyên vật liệu tăng cao, nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh, các thị trường nhập khẩu đóng cửa để kiểm soát dịch và nhiều lúc buộc phải đóng cửa nhà máy để thực hiện giãn cách xã hội. Tuy nhiên, đến cuối năm 2020, khi tình hình dịch bệnh dần được kiểm soát, các doanh nghiệp đã chủ động chuyển đổi sản phẩm để thích ứng với nhu cầu của thị trường, kết quả sản xuất kinh doanh dần được cải thiện. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của ngành Dệt may 11 tháng năm 2020 giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó IIP tháng 9 giảm 6,3%; tháng 10 giảm 5% và đến tháng 11 đã tăng trở lại 1,3%.

Theo báo cáo của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam trong quý 1/2020 đạt 8,4 tỷ USD, giảm 2,02% so với cùng kỳ 2019. Riêng tháng 3/2020, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam giảm đến 7,42%. Tuy nhiên, đến cuối năm 2021, việc sản xuất hàng dệt may của các doanh nghiệp đã được phục hồi. Kim ngạch xuất khẩu ngành Dệt may đạt 39 tỷ USD, tương đương với năm 2019, trong đó hàng may mặc đạt 28,9 tỷ USD, tăng 4% so với năm 2020; xơ, sợi dự kiến đạt 5,5 tỷ, tăng trên 49%. Thị trường xuất khẩu lớn nhất của Dệt may Việt Nam vẫn là Mỹ với 15,9 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2020; EU đạt 3,7 tỷ USD, tăng 14%; Hàn Quốc đạt 3,6 tỷ USD và Trung Quốc 4,4 tỷ USD chủ yếu là xuất khẩu sợi (Trang, 2021).

4. Những tác động của đại dịch tới ngành Dệt may Việt Nam

Theo Reeves, M. et al. (2020) và Carlsson- Szlezak et al. (2020), Covid-19 tác động đến nền kinh tế theo 3 cơ chế như sau:

- Covid-19 tác động trực tiếp dẫn đến việc giảm tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ. Nếu dịch bệnh kéo dài và các biện pháp giãn cách xã hội ngày càng được tăng cường, người tiêu dùng sẽ dè dặt hơn với các khoản chi, tăng tiết kiệm và bi quan về triển vọng nền kinh tế trong dài hạn.

- Tác động gián tiếp về mặt tài chính làm cho tài sản của hộ gia đình nắm giữ bị giảm xuống, lạm phát tăng cao càng khiến cho tiêu dùng giảm hơn.

- Các đợt bùng phát dịch và các giải pháp phòng ngừa Covid-19 dẫn đến ngừng (hoặc tạm ngừng) sản xuất sẽ tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng, nhu cầu lao động, việc làm, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng.

Trong giai đoạn đầu năm 2020, dịch bệnh bùng phát tại Trung Quốc, khả năng xuất khẩu của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam chưa bị ảnh hưởng nhiều, vì các đơn hàng đã được chuẩn bị sẵn từ trước đó. Tuy nhiên, đến thời gian sau đó, dịch bệnh bắt đầu lây lan sang nhiều quốc gia khác trên thế giới, trong đó có thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là Mỹ và EU. Chính phủ các nước bắt đầu áp dụng nhiều biện pháp phòng dịch, thực hiện giãn cách xã hội, kiểm soát hàng hóa nhập khẩu. Điều này tác động mạnh đến nguồn cầu, các đơn hàng dần khan hiếm, tồn kho tăng cao, áp lực chi trả tiền lượng nhân công khiến các doanh nghiệp dệt may gặp nhiều khó khăn. Kim ngạch xuất khẩu ngành Dệt may năm 2020 chỉ đạt 35,06 tỷ USD, giảm 9,8% so với năm 2019. (Bảng 1)

Đối mặt với khó khăn, các doanh nghiệp dệt may đã thích ứng, chuyển dịch sang sản xuất các mặt hàng y tế như khẩu trang, quần áo bảo hộ,... để phần nào kiếm được thêm các đơn hàng, hạn chế một phần tổn thất mà đại dịch mang lại. Bên cạnh đó, cùng với những chính sách hỗ trợ của Chính phủ, sự ra đời của vaccine Covid-19 đã giúp các quốc gia dần ổn định tình hình, mở cửa trở lại và cho phép nhập khẩu hàng hóa. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 01/08/2020 cũng là một tác động tích cực giúp các doanh nghiệp dệt may Việt Nam mở rộng thị trường.

Đến năm 2021, các nước trên thế giới dần dần đã trở lại cuộc sống bình thường mới nhờ tỷ lệ tiêm vắc-xin cao, nhu cầu tiêu dùng dần trở lại. Các doanh nghiệp tận dụng tốt những cơ hội mà các Hiệp định thương mại tự do mang lại, hưởng lợi từ yếu tố chuyển cung (các nước như Ấn Độ, Bangladesh, Campuchia,... bị dịch bệnh hoành hành), nên kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2021 tăng trưởng trở lại, đạt 40,3 tỷ USD, tăng 14,9% so với năm 2021.

Tuy nhiên, ngành Dệt may Việt Nam hiện nay vẫn phụ thuộc nguồn nguyên vật liệu đầu vào nhập khẩu từ nước ngoài, chưa chủ động được nguồn cung, trong đó, Trung Quốc là thị trường cung cấp lớn nhất. Khi đại dịch Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc, ngành Dệt may Việt Nam đã phải chịu nhiều ảnh hưởng về nguyên liệu, do không đủ nguồn cung và giá nhập khẩu nguyên liệu tăng cao. Đến thời điểm cuối năm 2020, dịch lan rộng ra các quốc gia khác càng làm tăng giá nguyên liệu nhập khẩu. Đến năm 2021, tình hình dịch bệnh đã từng bước được kiểm soát, nhưng giá nguyên liệu cho ngành Dệt may vẫn không ngừng tăng cao. Nhìn Biểu đồ 1 có thể thấy, giá bông trên thế giới tăng liên tục từ giai đoạn tháng 01/2020 đến tháng 12/2021 và không có dấu hiệu hạ nhiệt. Nguyên nhân có thể đến từ việc mùa vụ bông trên thế giới bị ảnh hưởng, lượng tồn kho thấp, nên thúc đẩy giá liên tục tăng cao (Báo cáo của Hiệp hội Bông Sợi Việt Nam, 2020).   

Ngoài ra, đại dịch còn đến ngành Dệt may về nguồn lao động. Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, ngành Dệt may và Da giày là 2 ngành sử dụng nhiều lao động nhất trong ngành kinh tế hiện nay, với hơn 3,5 triệu lao động công nghiệp. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và đợt bùng phát biến chủng mới Delta, cả nước thực hiện giãn cách, phong tỏa theo Chỉ thị 15, 16, nhiều doanh nghiệp dệt may đã phải đóng cửa, thu hẹp sản xuất và nhiều người lao động mất việc làm. Tâm lý lo sợ lây nhiễm bệnh, cùng với đời sống khó khăn đã khiến hàng triệu người lao động rời bỏ các thành phố lớn, các khu công nghiệp để về quê. Khi tình hình dịch được kiểm soát, các doanh nghiệp phải đối mặt với tình trạng khan hiếm lao động, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng và khó khăn trong việc tìm kiếm lực lượng thay thế.

5. Đề xuất giải pháp

Việc phục hồi sản xuất - kinh doanh vào năm 2022 phụ thuộc nhiều vào khả năng kiểm soát được dịch bệnh và tỷ lệ tiêm vắc xin phòng bệnh Covid-19. Chính phủ nên thành lập một Ủy ban đặc biệt để giúp đỡ các doanh nghiệp như doanh nghiệp dệt may trong thời điểm khó khăn, tạo điều kiện tiếp cận vốn, tín dụng,...; rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính và chi phí của doanh nghiệp. Xem xét cắt giảm thuế cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.

Chính phủ cần chỉ đạo các Bộ, ngành tìm kiếm nhà phân phối, sản xuất, xuất khẩu nguyên phụ liệu của nước ngoài để thông tin cho các ngành sản xuất trong nước, phát triển công nghiệp hỗ trợ, thực hiện các giải pháp hỗ trợ để phát triển sản xuất hàng hóa làm nguyên liệu đầu vào, đảm bảo sự ổn định của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp nên hạn chế cắt giảm lao động vì về lâu dài, điều này sẽ gây khó khăn trong công tác tuyển dụng và đào tạo khi hoạt động sản xuất quay trở lại nhịp độ bình thường. Thay vào đó, doanh nghiệp cần phải có giải pháp ngăn ngừa lây nhiễm, bố trí vị trí làm việc để giảm thiểu rủi ro, nếu không may có nhân viên bị nhiễm bệnh thì hoạt động ở các bộ phận khác vẫn được tiếp tục, xây dựng quy trình phòng chống dịch bệnh đầy đủ, khoa học.

Doanh nghiệp cần đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, tránh rủi ro, đồng thời đảm bảo yêu cầu về quy tắc xuất xứ của các Hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là Hiệp định Thương mại tự do EVFTA, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP.

6. Kết luận

Đại dịch Covid-19 vẫn đang gây nên những ảnh hưởng tiêu cực cho nền kinh tế - xã hội của tất cả các quốc gia trên thế giới. Ngành Dệt may với thế mạnh xuất khẩu, vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và thách thức. Nguồn cung nguyên vật liệu đứt gãy, các hợp đồng xuất khẩu bị hủy, hoãn, khó khăn trong việc đảm bảo tiến độ hợp đồng và rủi ro phải ngưng hoặc đóng cửa sản xuất để phòng chống dịch. Tuy nhiên, với những kinh nghiệm đã thu được trong thời gian qua, các doanh nghiệp dệt may cần chuẩn bị những phương án, giải pháp thích ứng và biến hóa linh hoạt với sự thay đổi của nền kinh tế toàn cầu, cũng như mối hiểm họa đại dịch vẫn chưa qua.

Lời cảm ơn: Nghiên cứu này nằm trong nội dung đề tài nghiên cứu cấp cơ sở của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội về "Tác động của đại dịch Covid-19 tới xuất khẩu của các doanh nghiệp dệt may tại Việt Nam", mã số: T2021-TT-012.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Chương, P.H., (2020). Tác động của đại dịch Covid-19 đến nền kinh tế Việt Nam. Kinh tế & Phát triển, số 274, tháng 4/2020.
  2. Fuchs, A., Kaplan, L., Kis-Katos, K., Schmidt, S.S., Turbanisch, F., Wang, F. (2020). Mask Wars: China’s exports of medical goods in times of COVID-19. Covid Econ., 42, 26-
  3. Hiếu, N.T., Anh, T.T., Đông, Đ.T. and Tùng, H.S., (2020). Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đối với hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Nghiên cứu thực tiễn ở miền Bắc Việt Nam. Kinh tế & Phát triển, số 274, tháng 4/2020.
  4. Hoàng, P.T., Đức, T.H. and Anh, N.Đ., (2020). Tác động của đại dịch Covid-19 đến ngành du lịch Việt Nam và những giải pháp ứng phó. Kinh tế và Phát triển, số 273, tháng 4/2020.
  5. Hayakawa, K. and Mukunoki, H. (2021). The impact of COVID-19 on international trade: Evidence from the first shock. Journal of the Japanese and International Economies, 60, 101135.
  6. Hayakawa, K., Mukunoki, H. (2020b). Impacts of Lockdown Policies on International Trade. Asian Economic Papers forthcoming.
  7. Khuất, T.T.Q. and Nguyễn, L.A., (2020). Tác động của Đại dịch Covid–19 đến hoạt động Logistics tại Việt Nam.
  8. Kazunobu, H. and Hiroshi, M. (2020). Impacts of covid-19 on international trade: evidence from the first quarter of 2020 (No. 791). Institute of Developing Economies, Japan External Trade Organization (JETRO).
  9. Minh, N.D., (2020). Sự chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu dưới tác động của Covid-19 - Thuận lợi và khó khăn đối với Việt Nam. Tạp chí Khoa học và Đào tạo Ngân hàng, số 221, tháng 10/2020.
  10. Maliszewska, M., Mattoo, A. and Van Der Mensbrugghe, D. (2020). The potential impact of COVID-19 on GDP and trade: A preliminary assessment. World Bank Policy Research Working Paper, (9211).
  11. Nam, T.N.H., (2021). Tác động của đại dịch Covid-19 đến hoạt động kinh tế tại Việt Nam.

COVID-19 impacts on Vietnamese textile - garment enterprises and solutions

Do Hong Quan1

1 School of Economics and Management, Hanoi University of Science and Technology

ABSTRACT:

The COVID-19 pandemic has seriously affected Vietnam's socio-economic, manufacturing and trade activities. Especially, the textile and garment industry has to face many difficulties and challenges when its access to input materials from other countries is interrupted, and the decreased consumption as well as the export demand for textile and garment products. This study finds out that the COVID-19 pandemic has affected the trading activities of Vietnamese enterprises, and the constantly increasing cost of input materials has put pressure on their production. In addition, the labour force had been affected by social distancing measures. This study proposes some solutions to help businesses overcome difficulties and have the best plans to solve uncertainties. 

Keywords: the impact of Covid-19, textile and garment enterprises, business activities.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 20 tháng 8  năm 2022]