TÓM TẮT:
Bài viết sử dụng phương pháp hồi quy GLS với dữ liệu của 30 ngân hàng thương mại Việt Nam trong giai đoạn 2009-2023 để nghiên cứu tác động của tạo thanh khoản ngân hàng đến khả năng sinh lời của các ngân hàng thương mại Việt Nam. Kết quả nghiên cứu cho thấy tạo thanh khoản ngân hàng có tác động cùng chiều đến khả năng sinh lời của các ngân hàng thương mại. Từ đó, nhóm tác giả đưa ra các hàm ý nghiên cứu cho việc quản trị tạo thanh khoản ngân hàng và khả năng sinh lời của các ngân hàng thương mại Việt Nam.
Từ khóa: tạo thanh khoản, khả năng sinh lời, ngân hàng thương mại.
1. Đặt vấn đề
Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến các chủ thể trong nền kinh tế Việt Nam, trong đó có các ngân hàng thương mại. Khả năng sinh lời của các ngân hàng thương mại sụt giảm cũng sẽ ảnh hưởng đến việc duy trì ổn định tài chính và thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế. Vì vậy, việc thúc đẩy cải thiện khả năng sinh lời của các ngân hàng thương mại luôn nhận được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu, những người làm chính sách và quản trị ngân hàng thương mại.
Tạo thanh khoản ngân hàng (hay còn được gọi là hoạt động chuyển đổi thanh khoản) là việc ngân hàng sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để tài trợ cho những tài sản dài hạn (Berger & Bouwman, 2009). Hoạt động này có thể giúp các ngân hàng thương mại gia tăng lợi nhuận nhiều hơn so với các phương thức kinh doanh truyền thống khác nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Các nghiên cứu về tạo thanh khoản ngân hàng hiện nay còn khá là hạn chế tại Việt Nam, trong đó có nghiên cứu về tác động của tạo thanh khoản ngân hàng đến khả năng sinh lời của các ngân hàng thương mại.
2. Tổng quan các nghiên cứu trước
Tại Việt Nam, có khá nhiều nghiên cứu về khả năng sinh lời của các ngân hàng thương mại, chẳng hạn như nghiên cứu của Nguyễn Duy Sữu & Nguyễn Minh Đức (2023) đã chỉ ra các yếu tố nội tại và các yếu tố vĩ mô tác động đến khả năng sinh lời của các ngân hàng thương mại, bao gồm quy mô ngân hàng, tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, tỷ lệ vốn huy động/vốn vay, tỷ lệ chi phí hoạt động, tỷ lệ thu nhập ngoài lãi, tỷ lệ tài sản thanh khoản, lãi suất tiết kiệm, lãi suất trái phiếu chính phủ, tỷ lệ lạm phát, tốc độ tăng trưởng GDP.
Tại Việt Nam, các nghiên cứu về tạo thanh khoản ngân hàng còn khá hạn chế, trong đó có nghiên cứu của Nguyễn Thị Mỹ Linh (2023) về tạo thanh khoản và tăng trưởng vốn chủ sở hữu có ảnh hưởng tích cực đến sự ổn định tài chính của các ngân hàng. Các nghiên cứu khác tại Việt Nam về tác động của tạo thanh khoản ngân hàng đến khả năng sinh lợi của các ngân hàng thương mại gần như chưa có.
Tran và cộng sự (2016) cho rằng, các ngân hàng có thể giảm việc tạo thanh khoản bằng cách nắm giữ nhiều tài sản thanh khoản hơn để phòng ngừa rủi ro thanh khoản. Tài sản thanh khoản có xu hướng tạo ra lợi nhuận thấp hơn so với tài sản kém thanh khoản, nên việc nắm giữ nhiều tài sản thanh khoản hơn sẽ làm giảm đi khả năng sinh lời của ngân hàng. Vì vậy, nhóm tác giả đưa ra giả thuyết: Tạo thanh khoản ngân hàng tác động cùng chiều đến khả năng sinh lợi của các ngân hàng thương mại.
3. Phương pháp nghiên cứu
Nhóm tác giả xây dựng nên mô hình nghiên cứu từ khung lý thuyết và tổng quan các nghiên cứu trước, trong đó chủ yếu là nghiên cứu Duan và Niu (2020):
ROA= β0 + β1*LC + β2*SIZE + β3*CAPITAL + β4*LOAN + β5*DEPOSIT + β6*COST + β7*RISK + ε
Trong đó:
ROA: Lợi nhuận sau thuế trên tổng tài sản;
LC: Tạo thanh khoản ngân hàng;
SIZE: Quy mô ngân hàng, được tính toán bằng ln của tổng tài sản;
CAPITAL: Vốn chủ sở hữu trên tổng tài sản;
LOAN: Cho vay khách hàng trên tổng tài sản;
DEPOSIT: Tiền gửi khách hàng trên tổng tài sản;
COST: Chi phí hoạt động trên tổng thu nhập;
RISK: Chi phí trích lập dự phòng rủi ro trên cho vay khách hàng.
Nhóm tác giả sử dụng dữ liệu của 30 ngân hàng thương mại Việt Nam trong giai đoạn quan sát từ năm 2009 đến năm 2023 và sử dụng phương pháp hồi quy GLS để khắc phục vấn đề tự tương quan và phương sai thay đổi tiềm tàng.
4. Kết quả nghiên cứu (Bảng 1, Bảng 2, Bảng 3)
Bảng 1. Thống kê mô tả
Biến nghiên cứu |
Trung bình |
Trung vị |
Độ lệch chuẩn |
ROA |
0.00880 |
0.00739 |
0.07541 |
-0.02983 |
-0.01291 |
0.20451 |
|
SIZE |
32.43535 |
32.40306 |
1.29757 |
CAPITAL |
0.09263 |
0.08116 |
0.04319 |
LOAN |
0.56598 |
0.58823 |
0.14663 |
DEPOSIT |
0.64416 |
0.65016 |
0.12696 |
COST |
0.50152 |
0.48664 |
0.14024 |
RISK |
0.01099 |
0.00884 |
0.00885 |
Nguồn: Tính toán của nhóm tác giả
Bảng 2. Ma trận hệ số tương quan
|
ROA |
LC |
SIZE |
CAPITAL |
LOAN |
DEPOSIT |
COST |
RISK |
ROA |
1.0000 |
|
|
|
|
|
|
|
LC |
0.0347 |
1.0000 |
|
|
|
|
|
|
SIZE |
0.1762 |
0.2345 |
1.0000 |
|
|
|
|
|
CAPITAL |
0.3417 |
-0.2021 |
-0.5978 |
1.0000 |
|
|
|
|
LOAN |
0.2020 |
0.3365 |
0.3027 |
-0.0505 |
1.0000 |
|
|
|
DEPOSIT |
-0.2254 |
0.3723 |
0.3645 |
-0.3443 |
0.5071 |
1.0000 |
|
|
COST |
-0.6856 |
-0.0371 |
-0.3398 |
-0.1177 |
-0.1817 |
0.1995 |
1.0000 |
|
RISK |
0.0239 |
0.0619 |
0.2631 |
-0.0005 |
-0.0438 |
0.0535 |
-0.3065 |
1.0000 |
Nguồn: Tính toán của nhóm tác giả
Bảng 3. Hồi quy GLS tác động của tạo thanh khoản ngân hàng đến khả năng sinh lời của các ngân hàng thương mại
Biến nghiên cứu |
Phương pháp hồi quy GLS |
|
Hệ số hồi quy |
Giá trị thống kê |
|
LC |
0.00254 (**) |
2.43 |
SIZE |
0.00199 (***) |
8.30 |
CAPITAL |
0.07541 (***) |
11.71 |
LOAN |
0.00315 (*) |
1.79 |
DEPOSIT |
-0.01266 (***) |
-5.83 |
COST |
-0.02451 (***) |
-13.55 |
RISK |
-0.14846 (***) |
-6.01 |
Nguồn: Tính toán của nhóm tác giả
Ghi chú: *, **, *** tương ứng mức ý nghĩa 10%, 5% và 1%.
LC có hệ số hồi quy dương và có ý nghĩa thống kê ở mức 5%, thể hiện các ngân hàng tạo thanh khoản càng nhiều giúp cải thiện khả năng sinh lợi của các ngân hàng thương mại. Điều này phù hợp với giả thuyết nghiên cứu của nhóm tác giả và kết quả nghiên cứu của Duan và Niu (2020), Berger và Bouwman (2009) khi cho rằng các ngân hàng tạo ra nhiều thanh khoản hơn sẽ được các nhà đầu tư đánh giá cao hơn vì tạo ra được nhiều lợi nhuận hơn.
SIZE có hệ số hồi quy dương và có ý nghĩa thống kê ở mức 1%, thể hiện các ngân hàng mở rộng quy mô hoạt động càng lớn sẽ càng có nhiều lợi thế cạnh tranh trên thị trường, có độ tín nhiệm cao hơn các ngân hàng nhỏ nên các nguồn vốn sẽ dễ dàng tiếp cận hơn, khả năng đa dạng hóa các danh mục sản phẩm của ngân hàng nhiều hơn, tập trung vào các khoản thu được lợi nhuận cao hơn, từ đó sẽ giúp cải thiện lợi nhuận cũng như tăng hiệu quả kinh doanh.
CAPITAL có hệ số hồi quy dương và có ý nghĩa thống kê ở mức 1%, thể hiện các ngân hàng có tỷ lệ vốn chủ sở hữu nhiều thì khả năng sinh lợi của ngân hàng càng lớn.
LOAN có hệ số hồi quy dương và có ý nghĩa thống kê ở mức 10%, thể hiện các ngân hàng có hoạt động tín dụng chiếm phần lớn trong các hoạt động kinh doanh của ngân hàng sẽ thúc đẩy gia tăng lợi nhuận và hiệu quả hoạt động kinh doanh của ngân hàng.
DEPOSIT có hệ số hồi quy âm và có ý nghĩa thống kê ở mức 1%, thể hiện các ngân hàng có tỷ lệ tiền gửi khách hàng càng lớn sẽ làm giảm đi khả năng sinh lợi của các ngân hàng.
COST có hệ số hồi quy âm và có ý nghĩa thống kê ở mức 1%, thể hiện các ngân hàng có mức độ chi phí hoạt động lớn sẽ làm giảm đi lợi nhuận và khả năng sinh lợi của các ngân hàng.
RISK có hệ số hồi quy âm và có ý nghĩa thống kê ở mức 1%, thể hiện các ngân hàng có mức độ trích lập dự phòng rủi ro tín dụng càng lớn càng làm giảm đi lợi nhuận của ngân hàng, dẫn đến khả năng sinh lợi của ngân hàng giảm.
5. Kết luận và hàm ý nghiên cứu
Kết quả nghiên cứu cho thấy tạo thanh khoản ngân hàng có tác động cùng chiều đến khả năng sinh lời của các ngân hàng thương mại. Vì vậy, để nâng cao khả năng sinh lợi, các ngân hàng có thể thực hiện hoạt động tạo thanh khoản, nhưng cần kiểm soát các rủi ro liên quan đến hoạt động này. Bên cạnh đó, các ngân hàng có thể gia tăng quy mô, tăng mức độ vốn chủ sở hữu, cũng như gia tăng các hoạt động cho vay truyền thống của ngân hàng. Ngoài ra, các ngân hàng cần phải kiểm soát mức độ chi phí hoạt động, kiểm soát và quản trị rủi ro tín dụng, cũng như sử dụng có hiệu quả nguồn vốn từ tiền gửi của khách hàng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Nguyễn Duy Sữu, Nguyễn Minh Đức (2023). Ảnh hưởng của nhân tố nội tại và nhân tố vĩ mô đến khả năng sinh lời của ngân hàng thương mại. Tạp chí Tài chính, 805, 78-81.
- Nguyễn Thị Mỹ Linh (2023). Tác động của tạo thanh khoản đến ổn định tài chính của các ngân hàng thương mại tại Việt Nam. Tạp chí Kinh tế và Phát triển, 308(2), 38-48.
- Tran, V. T., Lin, C. T., & Nguyen, H. (2016). Liquidity creation, regulatory capital, and bank profitability. International Review of Financial Analysis,48, 98-109.
- Berger, A. N., & Bouwman, C. H. (2009). Bank liquidity creation. Review of Financial Studies, 22(9), 3779-3837.
- Duan, Y., & Niu, J. (2020). Liquidity creation and bank profitability. The North American Journal of Economics and Finance, 54, 101250.
Impact of liquidity creation on the profitability of Vietnamese commercial banks
Vu Trong Hien1
Tran Ngoc Han1
Nguyen Dai Hung1
Truong Minh Man1
Nguyen Thi Thu Trang1
Mai Tu Van1
1Industrial University of Ho Chi Minh City
Abstract:
This study examines the impact of liquidity creation on the profitability of Vietnamese commercial banks using the Generalized Least Squares (GLS) regression method. The analysis is conducted with data from 30 Vietnamese commercial banks spanning the period 2009 - 2023. The findings indicate that liquidity creation positively influences bank profitability. These results offer valuable implications for developing policies and strategies to effectively manage liquidity creation and enhance the profitability of Vietnamese commercial banks.
Keywords: liquidity creation, profitability, commercial banks.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 25 tháng 12 năm 2024]