Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương, trước những diễn biến phức tạp của hoạt động kinh doanh đa cấp, thời gian vừa qua Bộ Công Thương đã quyết liệt triển khai các biện pháp chấn chỉnh.
Trong đó, ban hành các Chỉ thị, Đề án nhằm triển khai đồng bộ, mạnh mẽ công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp từ Trung ương đến địa phương, trong đó huy động sự tham gia của nhiều lực lượng liên quan như công an, y tế, thông tin truyền thông…
Về công tác xây dựng pháp luật, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp, gồm cả các văn bản về nội dung và văn bản xử lý vi phạm hành chính.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội thông qua Điều 217a Bộ luật Hình sự về tội kinh doanh theo phương thức đa cấp để có cơ sở xử lý sớm các hành vi lợi dụng hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp để thu lợi bất chính.
Hoạt động cảnh báo, tuyên truyền, phổ biến pháp luật cũng được Bộ Công Thương triển khai đồng loạt với nhiều phương thức khác nhau, từ đăng tải thông tin trên website của Bộ, thực hiện tuyên truyền pháp luật trên truyền thanh truyền hình, tổ chức các hội nghị hội thảo trực tiếp phổ biến pháp luật.
Nhờ đó, hoạt động bán hàng đa cấp đến nay đã cơ bản được kiểm soát tốt, không còn xuất hiện các vụ việc phức tạp như giai đoạn trước. Nhận thức và ý thức phòng tránh của người dân trước các hoạt động bán hàng đa cấp bất chính đã được nâng cao đáng kể.
Tính đến hết tháng 3/2020, số lượng doanh nghiệp có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp chỉ còn 22 doanh nghiệp, tổng số lượng người tham gia bán hàng đa cấp năm 2019 là 1.105.003 người.
Tổng doanh thu bán hàng đa cấp năm 2019 của các doanh nghiệp đạt khoảng 12.575 tỷ đồng, tăng hơn 1.793 tỷ đồng (tăng 16%) so với năm 2018 và tăng 4.247 tỷ đồng (tăng 35%) so với năm 2017.
Tuy nhiên, gần đây, họat động kinh doanh đa cấp không phép, biến tướng, lợi dụng mô hình kinh doanh đa cấp để lừa đảo, trục lợi thông qua các hình thức đầu tư như hoạt động đầu tư tiền vào các dự án tài chính, tiền ảo, ví điện tử… đã xuất hiện và có xu hướng gia tăng. Các cơ quan quản lý cũng như các đơn vị truyền thông, báo chí đã liên tục đưa tin cảnh báo để tránh các nguy cơ xấu cho người dân.
Dù vậy, việc quản lý các hoạt động này vẫn là rất khó khăn vì đây là hoạt động ngoài vòng pháp luật, các đối tượng hoạt động truyền miệng hoặc thông qua các hội nhóm kín qua mạng xã hội, việc tiếp cận để thu thập thông tin, chứng cứ để xử lý rất khó khăn, “cần sự vào cuộc của không chỉ Bộ Công Thương mà còn cần có sự vào cuộc của các Bộ ngành liên quan như Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền Thông, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam…”, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng nhấn mạnh.
Về phía mình, trong thời gian tới, Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp đã phát huy hiệu quả thời gian qua, trong đó tập trung tăng cường công tác tuyên truyền, cảnh báo để nâng cao nhận thức của người dân trước các biểu hiện của đa cấp biến tướng.
Mặt khác, tăng cường phối hợp với các Bộ ngành, lực lượng liên quan, đặc biệt là các cơ quan công an, để giám sát, kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nâng cao tính răn đe và ngăn ngừa sớm các hệ lụy xấu cho xã hội.
Danh sách 22 doanh nghiệp đang hoạt động bán hàng đa cấp hợp pháp:
1. Công ty TNHH Amway Việt Nam
2. Công ty TNHH MTV Herbalife Việt Nam
3. Công ty TNHH Mỹ phẩm Thường Xuân
4. Công ty TNHH Unicity Marketing Việt Nam
5. Công ty TNHH Thiên sư Việt Nam
6. Công ty Cổ phần Tập đoàn Liên kết Việt Nam
7. Công ty Cổ phần Liên Kết Tri Thức
8. Công ty TNHH Thương Mại Lô Hội
9. Công ty TNHH Nu Skin Enterprises Việt Nam
10. Công ty TNHH Elken International Việt Nam
11. Công ty TNHH Perfect Global
12. Công ty TNHH Total Swiss Việt Nam
13. Công ty TNHH Siberian Health Quốc Tế
14. Công ty TNHH MTV Naturally Plus Việt Nam
15. Công ty TNHH Một Thành viên New Image Việt Nam
16. Công ty TNHH Best World Việt Nam
17. Công ty TNHH Phong cách sống Kim Cương Việt Nam
18. Công ty TNHH Nhượng Quyền Toàn Thắng
19. Công ty TNHH Homeway Việt Nam
20. Công ty TNHH MTV Thương mại Mỹ Lợi
21. Công ty TNHH Morinda Việt Nam
22. Công ty TMDV Hoằng Đạt.