Tăng trưởng tín dụng xanh của các ngân hàng thương mại Việt Nam

Bài báo Tăng trưởng tín dụng xanh của các ngân hàng thương mại Việt Nam do ThS. Đỗ Hoàng Oanh (Giảng viên Khoa Kinh tế quốc tế - Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh) -ThS. Nguyễn Xuân Đạo (Giảng viên Khoa Kinh tế quốc tế - Đại Học Ngân Hàng TP.HCM) thực hiện.

TÓM TẮT:

Việc cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường là yếu tố quan trọng để đảm bảo phát triển bền vững. Các ngân hàng với vai trò là trung gian tài chính có thể tác động tích cực đến môi trường thông qua việc cung cấp tín dụng cho các dự án về năng lượng tái tạo, công nghệ thân thiện môi trường và các sáng kiến tiết kiệm năng lượng. Tuy nhiên, tín dụng xanh tại Việt Nam vẫn còn khá mới và các ngân hàng đang phải đối mặt với nhiều thách thức như thiếu kiến thức và khó khăn trong quản lý rủi ro về môi trường. Bài viết này sẽ xem xét thực trạng phát triển tín dụng xanh tại các ngân hàng thương mại và đề xuất các giải pháp để thúc đẩy phát triển tăng trưởng tín dụng xanh của các ngân hàng thương mại Việt Nam trong thời gian tới.

Từ khóa: tín dụng xanh, tài chính xanh, ngân hàng thương mại.

1. Đặt vấn đề 

Việc cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường là yếu tố thiết yếu nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững. Các ngân hàng với vai trò là trung gian tài chính đã góp phần đóng góp tích cực thông qua việc cung cấp tín dụng cho các dự án thân thiện với môi trường như năng lượng tái tạo, công nghệ xanh và tiết kiệm năng lượng. Tuy nhiên tại Việt Nam, khái niệm tín dụng xanh vẫn còn khá mới mẻ và đang gặp phải nhiều thách thức, đặc biệt trong việc quản lý rủi ro môi trường và nâng cao nhận thức của xã hội. Bài viết này sẽ tập trung vào phân tích tình hình tín dụng xanh tại các ngân hàng thương mại, đồng thời đề xuất các giải pháp để thúc đẩy phát triển hoạt động này trong tương lai.

2. Tổng quan nghiên cứu 

Tín dụng xanh là các khoản vay hoặc tài trợ dành cho những dự án có lợi cho môi trường. Các lĩnh vực chính thường liên quan bao gồm phát triển năng lượng tái tạo, giao thông bền vững, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên. Theo nghiên cứu của Aizawa và Yang (2010), tín dụng xanh đóng vai trò là một công cụ tài chính quan trọng trong việc hỗ trợ các ngân hàng, thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Jin và Mengqi (2011) cũng nhấn mạnh, tín dụng xanh giúp các ngân hàng giảm thiểu rủi ro môi trường liên quan đến các dự án mà các ngân hàng tài trợ, đồng thời giúp thúc đẩy việc tiết kiệm năng lượng và giảm thiểu lượng khí thải carbon. Theo quan điểm của Wang và cộng sự (2021), tín dụng xanh là một chiến lược dài hạn, không chỉ giúp các ngân hàng điều chỉnh danh mục tín dụng theo hướng bền vững mà còn hỗ trợ các doanh nghiệp thân thiện với môi trường tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi.

Tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước đã khuyến khích phát triển tín dụng xanh thông qua Chỉ thị số 03/CT-NHNN ban hành vào năm 2015, nhằm thúc đẩy đầu tư vào các dự án thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, Luật Bảo vệ Môi trường 2020 cũng quy định rõ ràng về tín dụng xanh, yêu cầu các dự án được tài trợ phải góp phần bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên. Tuy nhiên, thực tiễn vẫn đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là trong việc nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp và việc quản lý rủi ro môi trường.

Bài viết này tập trung phân tích tình hình phát triển tín dụng xanh tại các ngân hàng thương mại ở Việt Nam, từ đó xác định những thách thức chủ yếu và đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy phát triển trong lĩnh vực này.

3. Phương pháp nghiên cứu 

Nghiên cứu này sử dụng phương pháp phân tích định lượng dựa trên dữ liệu thứ cấp. Dữ liệu được thu thập từ các tài liệu chính sách, báo cáo tài chính và các nghiên cứu trước đây liên quan đến tín dụng xanh từ IMF, World Bank, ngân hàng thương mại và các cơ quan quản lý. Mục tiêu để đánh giá thực trạng tín dụng xanh tại Việt Nam, từ đó đưa ra những nhận định về tình hình phát triển, cũng như những thách thức các ngân hàng thương mại đang phải đối mặt.

4. Thực trạng tín dụng xanh tại Việt Nam

4.1. Văn bản pháp lý

Những năm gần đây, Chính phủ và các cơ quan quản lý đã chú trọng đến việc xây dựng các khung pháp lý nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, đặc biệt trong lĩnh vực tín dụng xanh. Nhiều văn bản pháp luật quan trọng đã được ban hành nhằm hỗ trợ các cơ quan, bộ, ngành và địa phương trong thực hiện Chiến lược giảm thiểu phát thải khí nhà kính, điển hình là Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết về tín dụng xanh và trái phiếu xanh. Quyết định số 1604/QĐ-NHNN năm 2018 đã phê duyệt Đề án Phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam, cùng với các thông tư như Thông tư số 17/2022/TT-NHNN quy định về quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng. Mặc dù các quy định này đã tạo ra khung pháp lý rõ ràng để triển khai tín dụng xanh, tuy nhiên việc thực hiện vẫn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trong việc nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp và khuyến khích các tổ chức tín dụng đánh giá rủi ro môi trường một cách toàn diện.

4.2. Phát triển tín dụng xanh

Tín dụng xanh tại Việt Nam tuy mới khởi đầu nhưng cũng đã có những bước tiến thể hiện qua sự tăng trưởng đáng kể về tỷ trọng dư nợ tín dụng xanh trong tổng dư nợ của hệ thống ngân hàng. Theo Ngân hàng Nhà nước (2024), tỷ trọng này đã tăng từ 0,73% năm 2015 lên đến 4,5% vào năm 2023. Điều này cho thấy sự nỗ lực của hệ thống ngân hàng trong việc hỗ trợ và phát triển các dự án liên quan đến môi trường. Tổng dư nợ tín dụng xanh đã đạt 568.000 tỷ đồng vào năm 2023 phản ánh sự mở rộng quy mô của các dự án thân thiện với môi trường, từ năng lượng tái tạo đến nông nghiệp sạch và quản lý tài nguyên bền vững.

Các ngân hàng lớn như BIDV, Agribank và Vietcombank là những ngân hàng tiên phong trong việc tham gia vào các chương trình tín dụng xanh, các ngân hàng này chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực như năng lượng tái tạo và nông nghiệp hữu cơ. Đặc biệt, các doanh nghiệp tham gia vào chương trình này được hưởng lợi từ các khoản vay với lãi suất ưu đãi, giúp giảm chi phí tài chính và khuyến khích sự chuyển đổi sang nền kinh tế xanh. Đồng thời, các ngân hàng còn cung cấp cơ chế tái cấp vốn với lãi suất thấp hơn so với thị trường, giúp các dự án xanh tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn.

Không chỉ dừng ở đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) còn tiếp tục triển khai thêm một chương trình tín dụng xanh khác với mục tiêu tích hợp các tiêu chuẩn xanh vào danh mục dự án của NHNN bao gồm cả các dự án hiện tại đang được hỗ trợ bởi Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA tập trung vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chương trình này có tổng quy mô tín dụng ước tính khoảng 16.950 tỷ đồng (tương đương 678 triệu USD) năm 2023 nhằm tăng cường hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững. Ngoài ra, NHNN cũng đang xúc tiến một chương trình tín dụng xanh khác với mục tiêu huy động vốn từ Quỹ Khí hậu xanh GCF và các tổ chức tài chính quốc tế để hỗ trợ các dự án năng lượng tái tạo và cơ sở hạ tầng bền vững tại Việt Nam. Tổng quy mô tín dụng của chương trình này ước tính lên tới 339 triệu USD với thời hạn vay kéo dài đến năm 2047. Bên cạnh đó, chương trình còn dự kiến nhận thêm khoảng 10 triệu USD với lãi suất giảm tối đa 3% dành cho các dự án xanh, qua đó nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này (Báo Chính phủ, 2024).

Tính đến hết năm 2023, tín dụng xanh tại Việt Nam đã đạt tổng dư nợ 568.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 4,5% tổng dư nợ của hệ thống ngân hàng. Các lĩnh vực chủ yếu được tài trợ thông qua tín dụng xanh bao gồm: nông nghiệp bền vững (40%), năng lượng tái tạo và năng lượng sạch (30%), quản lý tài nguyên nước (13%), phát triển lâm nghiệp (11%) và các lĩnh vực khác (6%). Các dự án xanh đặc biệt chú trọng vào những lĩnh vực như năng lượng gió, năng lượng mặt trời và các dự án kinh tế tuần hoàn. Ngân hàng Chính sách Xã hội cũng triển khai chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực, đặc biệt trong việc hỗ trợ các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại vùng nông thôn tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi. Chương trình này không chỉ giúp cải thiện điều kiện sống mà còn góp phần vào việc nâng cao chất lượng môi trường tại các khu vực nông thôn (Bộ Tài chính, 2023). (Hình 2)

Các ngân hàng như BIDV, Vietcombank, Agribank và nhiều tổ chức khác cũng đã gia tăng tài trợ cho các dự án nông nghiệp thông minh và năng lượng sạch góp phần đáng kể vào sự phát triển bền vững. Đến tháng 3/2024, tín dụng xanh sẽ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng tích cực với dư nợ trên 600.000 tỷ đồng, chiếm 5% tổng dư nợ tín dụng với trọng tâm vào các dự án năng lượng tái tạo, nông nghiệp sạch và quản lý nước bền vững (NHNN, 2024).

Mặc dù tín dụng xanh đang phát triển tại Việt Nam, tuy nhiên quá trình triển khai vẫn đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt trong việc đạt được mục tiêu tăng trưởng 10% tổng dư nợ tín dụng xanh vào năm 2025. Các khó khăn chủ yếu liên quan đến việc đánh giá và quản lý rủi ro môi trường, cũng như tích hợp các yếu tố xanh vào chiến lược kinh doanh và quy trình nội bộ của ngân hàng. Sự thiếu hụt nguồn vốn trung và dài hạn đã đặt ra thách thức lớn cho các tổ chức tín dụng khi phải phụ thuộc nhiều vào các nguồn vốn quốc tế. Điều này tạo ra áp lực đối với việc phát triển thị trường trái phiếu xanh trong nước. Do đó, sự phối hợp giữa các ngân hàng, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý là rất cần thiết để xây dựng một hệ thống tín dụng xanh bền vững và hiệu quả trong tương lai.

4. Những trở ngại khi phát triển tín dụng xanh tại Việt Nam

Mặc dù tín dụng xanh đã đạt được những kết quả khả quan nhưng vẫn còn nhiều thách thức phải đối mặt như quản lý rủi ro môi trường và thúc đẩy nhận thức về lợi ích của tín dụng xanh cần được cải thiện để đảm bảo tính bền vững trong tương lai. Các rào cản hiện hữu xuất phát từ 3 cấp độ: chính sách, ngân hàng và doanh nghiệp. Ở cấp chính sách, Việt Nam chưa có một khung pháp lý cụ thể để xác định rõ ràng các lĩnh vực và ngành nghề thuộc tín dụng xanh, cũng như các tiêu chí đánh giá tác động môi trường cho các dự án này. Điều này gây khó khăn cho ngân hàng trong việc thẩm định và giám sát các khoản vay liên quan đến dự án bảo vệ môi trường. Rào cản này không chỉ dừng lại ở cấp độ chính sách, mà còn ảnh hưởng đến ngân hàng và doanh nghiệp do sự thiếu đồng bộ trong việc ban hành quy định và phối hợp giữa các cơ quan quản lý bao gồm cả chính quyền địa phương (Tạp chí Kinh tế và Dự báo, 2024).

Ở cấp độ ngân hàng, các tổ chức tài chính gặp nhiều trở ngại trong thẩm định các dự án tín dụng xanh do thiếu kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm liên quan. Thay vì đánh giá dựa trên dòng tiền từ dự án, nhiều ngân hàng vẫn phụ thuộc vào tài sản thế chấp truyền thống, điều này khiến cho các dự án xanh không có tài sản thế chấp gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, Việt Nam chưa thành lập các tổ chức tài chính có bộ phận chuyên trách về quản lý và đánh giá rủi ro môi trường, dẫn đến những khó khăn việc thực hiện các dự án tín dụng xanh hiệu quả và bền vững. Bên cạnh đó, nhân viên tại các tổ chức tài chính chưa đủ chuyên môn về các tiêu chuẩn quốc tế liên quan đến thẩm định rủi ro môi trường, đã làm giảm khả năng thực hiện các dự án một cách hiệu quả (Nguyễn Đặng Hải Yến & Lê Văn Sơn, 2024).

Ở cấp độ doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ về lợi ích của các dự án xanh, đồng thời gặp khó khăn về vốn và công nghệ để triển khai các dự án này. Chi phí đầu tư ban đầu cho các tiêu chuẩn môi trường và phát triển bền vững thường cao, làm doanh nghiệp ngần ngại tiếp cận tín dụng xanh, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường luôn trong tình trạng thiếu nguồn lực để triển khai các dự án bền vững (VCCI, 2023).

Một trong những nguồn hỗ trợ chính cho các dự án tín dụng xanh tại Việt Nam hiện nay chủ yếu đến từ các tổ chức tài trợ quốc tế. Các quỹ như Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Quỹ Ủy thác Tín dụng Xanh (GCTF) đã đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp tài chính cho các dự án này, đặc biệt là ở giai đoạn khởi đầu, khi các dự án cần một lượng vốn lớn để triển khai. Những nguồn vốn này mang tính chất hỗ trợ bước đầu, giúp các dự án tín dụng xanh có thể đi vào hoạt động và phát triển theo hướng bền vững. Tuy nhiên, để đảm bảo sự phát triển dài hạn và hiệu quả của các dự án này không chỉ cần nguồn vốn từ quốc tế, mà còn cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ, các ngân hàng thương mại và các doanh nghiệp trong nước. Việc huy động nguồn vốn nội địa, thông qua các kênh đầu tư địa phương sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tính bền vững cho các dự án tín dụng xanh, giúp chúng phát triển một cách ổn định và không phụ thuộc quá nhiều vào vốn quốc tế (VCCI, 2023).

Thêm vào đó, một trong những thách thức lớn nhất đối với các dự án tín dụng xanh hiện nay chính là nhu cầu về nguồn vốn trung và dài hạn. Trong khi các dự án xanh yêu cầu lãi suất thấp để đảm bảo tính khả thi về mặt tài chính, mức lãi suất hiện tại cho các khoản vay trung và dài hạn ở Việt Nam vẫn đang dao động từ 9,4% đến 11,4% mỗi năm. Điều này tạo ra thách thức lớn cho các ngân hàng, khi họ phải cân nhắc giữa chi phí vốn và rủi ro từ thị trường. Đây là một rào cản đáng kể, đòi hỏi các ngân hàng phải tìm cách giảm thiểu rủi ro trong việc cấp tín dụng xanh, đồng thời cung cấp các giải pháp tài chính hợp lý hơn để hỗ trợ các dự án này đạt được hiệu quả kinh tế và môi trường mong muốn (Tạp chí Ngân hàng, 2024). Việc loại bỏ hoàn toàn những khó khăn này đòi hỏi một hệ thống hỗ trợ toàn diện từ cả Chính phủ và các tổ chức tài chính cùng với việc phát triển thị trường trái phiếu xanh trong nước để cung cấp các kênh tài chính dài hạn cho các dự án bền vững.

Cuối cùng, một trong những lý do chủ yếu khiến các ngân hàng vẫn còn dè dặt trong thúc đẩy tín dụng xanh do họ chưa dành sự quan tâm chú trọng về những rủi ro tiềm ẩn liên quan đến các dự án không thân thiện với môi trường. Trong bối cảnh toàn cầu đang hướng tới phát triển bền vững, các dự án gây tác động tiêu cực đến môi trường có thể đối mặt với nguy cơ bị các tổ chức và người tiêu dùng tẩy chay, dẫn đến các biện pháp như đình chỉ hoặc phá sản. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tài chính mà còn làm giảm uy tín của các ngân hàng khi cho vay những dự án gây ra sự tiêu cực cho môi trường và xã hội (Wang và cộng sự, 2021). Hơn nữa, các doanh nghiệp cũng sẽ gặp nhiều thách thức về chất lượng sản phẩm xuất khẩu ra thị trường quốc tế nếu không tuân thủ các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về môi trường. Điều này ảnh hưởng đáng kể đến khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững của doanh nghiệp trong dài hạn.

5. Kiến nghị một số giải pháp liên quan đến phát triển tín dụng xanh tại Việt Nam

Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh tại Việt Nam, cần có sự triển khai các giải pháp đồng bộ từ Chính phủ, ngân hàng và các tổ chức tín dụng nhằm hỗ trợ hiệu quả cho các dự án tốt liên quan đến tiêu chuẩn môi trường và đảm bảo phát triển kinh tế xanh. Cụ thể, cần nhanh chóng hoàn thiện các quy định pháp lý liên quan đến tín dụng xanh, theo đó Chính phủ cần thiết lập các tiêu chí và danh mục rõ ràng khi đánh giá các dự án xanh cho từng lĩnh vực kinh tế cụ thể, từ đó các tổ chức tín dụng có cơ sở thẩm định và xác định dự án phù hợp. Bên cạnh đó, cần áp dụng các công cụ đo lường tác động môi trường như quan trắc môi trường, GIS, mô hình hóa, kiểm toán môi trường… để hỗ trợ và thúc đẩy tín dụng xanh một cách hiệu quả hơn.

Các tổ chức tín dụng cần tập trung nâng cao kỹ năng chuyên môn cho cán bộ phụ trách về quản lý rủi ro và đánh giá tác động môi trường, nhằm đảm bảo việc thẩm định các dự án xanh diễn ra chặt chẽ và hiệu quả. Đồng thời, việc thành lập cơ quan chuyên trách riêng biệt hay phòng chuyên biệt trong ngân hàng thương mại sẽ giúp theo dõi quá trình triển khai tín dụng xanh, đảm bảo tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn về môi trường.

Chính sách khuyến khích và hỗ trợ tài chính: NHNN và các bộ, ngành liên quan cần đưa ra các chính sách hỗ trợ như giảm thuế hoặc trợ cấp cho các doanh nghiệp và cá nhân tham gia vào các dự án xanh. Đồng thời, cần có các gói tín dụng ưu đãi với lãi suất hấp dẫn từ các ngân hàng thương mại nhằm thu hút sự tham gia vào các dự án bảo vệ môi trường.

Áp dụng các công nghệ hiện đại trong quản lý tín dụng xanh: các ngân hàng thương mại cần sử dụng công nghệ tiên tiến để tăng cường tính minh bạch và hiệu quả trong việc quản lý tín dụng xanh. Các công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo (AI), Dữ liệu lớn (Big Data), và Internet vạn vật (IoT) sẽ hỗ trợ trong việc xử lý thông tin, giám sát các dự án xanh, và đánh giá hiệu quả môi trường. Qua đó giúp tối ưu hóa quá trình thẩm định và quản lý rủi ro.

Tóm lại, để phát triển tín dụng xanh tại Việt Nam, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa Chính phủ, NHNN và các tổ chức tài chính. Chính phủ cần đóng vai trò chính trong việc xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý, đồng thời kết hợp với các tổ chức quốc tế và thúc đẩy nguồn nhân lực nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển đổi nền kinh tế theo hướng xanh và bền vững.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Báo Chính phủ. (2024). Nhật Bản ký kết mức vốn ODA kỷ lục cho Việt Nam. Truy cập từ https://baochinhphu.vn/nhat-ban-ky-ket-muc-von-oda-ky-luc-cho-viet-nam-102241017114301955.htm

2. Bộ Tài chính. (2023). Dư nợ cấp cho tín dụng xanh tại Việt Nam tăng trưởng nhanh. Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính. Truy cập từ https://mof.gov.vn/webcenter/portal/vclvcstc/pages_r/l/chi-tiet-tin?dDocName=MOFUCM299022

3. Hiệp hội Thị trường Tín dụng. (2023). EBA report in response to the call for advice from the European Commission on green loans and mortgages. Truy cập từ https://www.eba.europa.eu/sites/default/files/2023-12/e7bcc22e-7fc2-4ca9-b50d-b6e922f99513/EBA%20report%20on%20green%20loans%20and%20mortgages_0.pdf

4. Ngân hàng Nhà nước. (2024). Nắn dòng tín dụng xanh. Truy cập từ https://sbv.gov.vn/webcenter/portal/vi/menu/rm/apph/tbnh/tbnh_chitiet?leftWidth=20%25&showFooter=false&showHeader=false&dDocName=SBV595834&rightWidth=0%25&centerWidth=80%25&_afrLoop=4690261138012774

5. Ngân hàng Nhà nước. (2024). Rào cản khiến tài chính xanh chưa phát triển mạnh mẽ. Truy cập từ https://sbv.gov.vn/webcenter/portal/vi/menu/trangchu/ttsk/ttsk_chitiet?leftWidth=20%25&showFooter=false&showHeader=false&dDocName=SBV609240&rightWidth=0%25&centerWidth=80%25&_afrLoop=4691547735048774

6. Nguyễn Đặng Hải Yến & Lê Văn Sơn. (2023). Phát triển tín dụng xanh tại Việt Nam. Thị trường tài chính tiền tệ. Truy cập từ https://thitruongtaichinhtiente.vn/phat-trien-tin-dung-xanh-tai-viet-nam-52119.html

7. Tạp chí Kinh tế và Dự báo. (2024). Thúc đẩy phát triển tín dụng xanh tại Việt Nam hiện nay. Truy cập từ https://kinhtevadubao.vn/thuc-day-phat-trien-tin-dung-xanh-tai-viet-nam-hien-nay-29895.html

8. Tạp chí Ngân hàng. (2024). Tín dụng xanh tại Việt Nam: Thực trạng và một số khuyến nghị. Truy cập từ https://tapchinganhang.gov.vn/tin-dung-xanh-tai-viet-nam-thuc-trang-va-mot-so-khuyen-nghi.htm

9. VCCI. (2023). Tín dụng xanh: Kênh huy động vốn hiệu quả cho doanh nghiệp xanh. Truy cập từ https://vccinews.vn/news/48228/tin-dung-xanh-kenh-huy-dong-von-hieu-qua-cho-doanh-nghiep-xanh.html

10. Wang, Y., Lei, X., Zhao, D., Long, R., & Wu, M. (2021). The dual impacts of green credit on economy and environment: Evidence from China. Sustainability, 13(8), 4574.

11. Jin, D., & Mengqi, N. (2010). The paradox of green credit in China. Energy Procedia, 5, 1979-1986.

121 Motoko, A., & Chaofei, Y. (2010). Green credit, green stimulus, green revolution? China’s mobilization of banks for environmental cleanup. The Journal of Environment & Development, 19(1).

Green credit growth of commercial banks in Vietnam

Master. Do Hoang Oanh1

Master. Nguyen Xuan Dao1

1Lecturere, Faculty of International Economics, Ho Chi Minh City University of Banking

Abstract:

Balancing economic development with environmental protection is crucial for ensuring sustainable development. As financial intermediaries, banks have the potential to positively influence environmental outcomes by providing credit for renewable energy projects, eco-friendly technologies, and energy-saving initiatives. However, the concept of green credit is still relatively new in Vietnam, and banks face several challenges, including limited knowledge and difficulties in managing environmental risks. This study analyzed the current status of green credit development within Vietnamese commercial banks and proposed actionable solutions to promote the growth of green credit in the sector moving forward.

Keywords: green credit, green finance, commercial banks.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 21 tháng 10 năm 2024]

Tạp chí Công Thương