TÓM TẮT:
Dịch Covid-19 đã gây ra những tác động tiêu cực không nhỏ đến nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, khiến tốc độ tăng trưởng giảm sút, nhiều ngành nghề kinh doanh bị ảnh hưởng, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng… Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường bất động sản, trong đó có thị trường bất động sản TP. Hồ Chí Minh. Do vậy, bài viết đánh giá tổng thể biến động của thị trường chung cư tại TP. Hồ Chí Minh trong giai đoạn 2019 - 2020. Kết quả nghiên cứu cho thấy thị trường chung cư ở TP. Hồ Chí Minh bị ảnh hưởng đáng kể khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra. Từ đó, bài viết đưa ra một số đề xuất nhằm phát triển thị trường chung cư tại thành phố trong thời gian tới.
Từ khóa: covid-19, thị trường bất động sản, căn hộ chung cư, TP. Hồ Chí Minh.
1. Đặt vấn đề
Những năm gần đây, thị trường bất động sản (BĐS), trong đó có căn hộ chung cư thu hút khá nhiều nhà đầu tư quan tâm và có sự phát triển mạnh mẽ đặc biệt là từ năm 2019, và TP. Hồ Chí Minh được coi như một thị trường lớn, đầy tiềm năng. Với nhiều khu công nghiệp, trung tâm thương mại…, lượng người nhập cư vào TP. Hồ Chí Minh ngày càng gia tăng, nhu cầu nhà ở từ đó cũng không ngừng tăng lên. Trong bối cảnh đó, căn hộ chung cư được xem như là sản phẩm chủ đạo trong định hướng phát triển của các chủ đầu tư để phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.
Trong quá trình khảo lược các nghiên cứu liên quan của dịch bệnh Covid-19 đến nền kinh tế, thị trường bất động sản như nghiên cứu của Phạm Hồng Chương và cộng sự (2020), Nguyễn Hoàng Tiến và Nguyễn Minh Ngọc (2020)... , các nghiên cứu đã có sự đánh giá chung về tác động của dịch bệnh Covid - 19 đến nền kinh tế Việt Nam hoặc đến các doanh nghiệp môi giới BĐS nhưng chưa có nghiên cứu nào đánh giá đầy đủ thực trạng thị trường chung cư tại TP. Hồ Chí Minh bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Do đó, thông qua phương pháp nghiên cứu thống kê mô tả và dữ liệu nghiên cứu theo quý từ năm 2019 đến năm 2020, bài viết đánh giá sự ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đến thị trường chung cư tại TP. Hồ Chí Minh, từ đó, đề xuất giải pháp cho các doanh nghiệp BĐS và các cơ quan quản lý nhằm thúc đẩy sự phát triển của thị trường chung cư trong trạng thái “bình thường mới” thời gian tới.
2. Thực trạng thị trường BĐS căn hộ chung cư tại TP. Hồ Chí Minh trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19
2.1. Nguồn cung căn hộ chung cư
Năm 2019, tăng trưởng kinh tế của TP. Hồ Chí Minh đạt 7,86%, tỷ trọng quy mô kinh tế thành phố (5,55 triệu tỷ đồng) so với quy mô kinh tế cả nước là 23,97%, mức tăng trưởng cao trong nhiều năm trở lại đây (chỉ sau năm 2018). Kết quả này cho thấy năm 2019 là năm phát triển tương đối rực rỡ của thành phố. Đến năm 2020, khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, TP. Hồ Chí Minh đã nghiêm túc chấp hành các chỉ thị từ Chính phủ về phòng chống, sẵn sàng tạm ngưng mọi hoạt động kinh doanh để phục vụ công tác kiểm soát dịch. Ảnh hưởng từ dịch bệnh làm cho TP. Hồ Chí Minh thiệt hại nặng nề, tốc độ tăng trưởng GRDP đã có xu hướng chững lại so với tốc độ trung bình của cả nước. Tăng trưởng kinh tế của TP. Hồ Chí Minh năm 2020 chỉ đạt mức 1,39%, tỷ trọng khu vực dịch vụ chỉ đạt 62,4% (Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh, 2020).
Số liệu thống kê của Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh cho thấy số lượng dự án chung cư được cấp phép tăng dần từ quý I đến quý III/2019, từ 3.113 căn hộ vào quý I/2019 lên đến 1.2349 căn hộ vào quý III/2019. Điều này cho thấy nguồn cung trong 3 quý đầu năm 2019 khá dồi dào. Tuy nhiên, sau giai đoạn tăng trưởng tích cực, từ quý IV/2019, thị trường BĐS TP. Hồ Chí Minh bắt đầu lắng xuống. Chính quyền thành phố thực hiện rà soát các dự án sai phạm làm cho số lượng dự án được cấp phép giảm mạnh, quý IV/2019 chỉ còn 3.384 căn hộ được cấp phép, giảm 72,6% so với quý trước. Phân khúc giảm mạnh nhất là phân khúc bình dân với mức giảm lên đến 91%, từ 1.0222 căn ở quý III/2019 chỉ còn 895 căn ở quý IV cùng năm.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh, quý I/2020, TP. Hồ Chí Minh xác nhận đủ điều kiện để huy động vốn sản phẩm hình thành trong tương lai chỉ vỏn vẹn 06 dự án với tổng số 611 căn hộ. Điều này đồng nghĩa với số lượng căn hộ chung cư được cấp phép giảm đến 82% theo quý và 80,3% theo năm, con số thấp kỷ lục trong nhiều năm qua. Thủ tục pháp lý khó khăn, diễn biến dịch bệnh ngày càng phức tạp, trong đó, nổi bật là việc thực hiện dãn cách xã hội khiến tiến độ thi công của nhiều dự án chậm trễ, không đảm bảo điều kiện phê duyệt huy động vốn. Đến quý II và quý III/2020, tình hình dịch bệnh phần nào được kiểm soát nhờ công tác phòng chống dịch tốt, nền kinh tế Việt Nam nhen nhóm tín hiệu tích cực, thị trường BĐS TP. Hồ Chí Minh đã có những chuyển biến khởi sắc hơn. Số lượng dự án cải thiện và gia tăng tương đối với lần lượt 3.958 và 2.153 căn hộ ở hai quý liền sau. Bước sang những tháng cuối năm 2020, thị trường “tái khởi động” mạnh mẽ. Chỉ riêng quý IV/2020, nguồn cung căn hộ tại TP. Hồ Chí Minh trong tương lai đã đạt 8413 căn, gấp gần 1,5 lần tổng số căn hộ ba quý liền trước cộng lại, đây cũng là mức cao nhất kể từ thời điểm nhộn nhịp của thị trường.
Nhìn chung tình hình cấp phép huy động vốn của thị trường BĐS căn hộ chung cư tại TP. Hồ Chí Minh trong năm 2020 chịu tác động không nhỏ bởi đại dịch Covid-19. Tổng số căn hộ đủ điều kiện huy động vốn chỉ là 15135 căn, giảm hơn 1/3 (so với 23046 căn của năm 2019). Trong năm 2019, sau những quý đầu năm tăng liên tục đã chứng kiến sự “lao dốc” nguồn cung căn hộ trong tương lai ở 3 tháng cuối năm do những chính sách pháp lý thắt chặt của chính quyền Thành phố. Theo đà đó, sự sụt giảm trong năm 2020 có thể phần nào dự báo trước, tuy nhiên những chuyển biến tiêu cực từ đại dịch Covid-19 đã làm thị trường xấu hơn rất nhiều so với kỳ vọng. Liên tục trong chín tháng đầu năm 2020, số lượng căn hộ đủ điều kiện huy động vốn luôn ở mức thấp và bức tranh thị trường chỉ phần nào được cải thiện vào những tháng cuối năm - thời điểm dịch bệnh đã được kiểm soát chặt chẽ và nền kinh tế Việt Nam dần “bắt nhịp” trở lại.
2.2. Phân khúc sản phẩm BĐS
Theo lũy kế năm 2020, bất chấp tổng cung giảm đến 33,4% (từ 23046 xuống 15135 căn) so với cùng kỳ 2019, số lượng căn hộ phân khúc cao cấp vẫn gần như tương đồng, đạt 5354 căn, đồng thời chiếm 35,3% thị phần. Ở phân khúc trung cấp, tổng số lượng căn hộ đủ điều kiện huy động vốn trong năm 2020 tăng đột biến, đặc biệt trong những tháng cuối năm, đạt con số kỷ lục trên 9600 căn, chiếm tỷ trọng lên đến 63,5%, tăng 84,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, nguồn cung căn hộ giá rẻ trong tương lai có chiều hướng sụt giảm nghiêm trọng, chỉ vỏn vẹn 163 căn hộ được cấp phép huy động vốn trong cả năm 2020, giảm đến 98,6% so với năm trước và chiếm tỷ trọng khiêm tốn 1,08% trên toàn thị trường. Đặc biệt, trong nửa sau năm 2020, không có căn hộ nào tại phân khúc này đủ điều kiện huy động vốn, giảm 100% so với cùng kỳ năm 2019. Sự phân hóa này chủ yếu là do sự lựa chọn khách hàng của các doanh nghiệp BĐS. Phân khúc khách hàng cao cấp, những người giàu có ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh vẫn tìm đến BĐS để đầu tư, đầu cơ, chấp nhận chi trả khoản tiền lớn để mua BĐS chất lượng, đẳng cấp với đầy đủ dịch vụ tiện ích cao cấp. Ngược lại, những người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp trong xã hội dễ chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh, nguồn thu nhập không đảm bảo nên khó đảm bảo tài chính để tính toán đến việc sở hữu chung cư. Bên cạnh đó, một nguyên nhân làm cho thị trường chung cư ở phân khúc nhà bình dân ít được các nhà đầu tư quan tâm là bởi khó sinh lời do chi phí đầu vào cao, và những vướng mắc pháp lý, quy hoạch. Đây là lý do tạo ra sự phân hóa rõ ràng trong cơ cấu nguồn cung BĐS chung cư ở TP. Hồ Chí Minh.
2.3. Lượng giao dịch và tỷ lệ hấp thụ
Lượng giao dịch và tỷ lệ hấp thu trên thị trường vẫn rất lớn trong bối cảnh dịch bệnh Covid - 19. Kết quả thống kê báo cáo quý Savills, CBRE Việt Nam cho thấy trong năm 2019, khối lượng tiêu thụ sản phẩm căn hộ chung cư luôn đạt mức cao (tỷ lệ tiêu thụ trên 60%). Trong suốt chín tháng đầu năm, tỷ lệ này tăng trưởng tích cực, từ 64% (quý I/2019) lên đỉnh điểm tại quý III, đạt mức 85%. Đến những tháng cuối năm, dù nguồn cung giảm hơn 3000 căn so với quý trước, tỷ lệ tiêu thụ vẫn tiếp tục duy trì ở mức rất cao. Tuy nhiên, bước sang năm 2020, tình hình thị trường nhanh chóng đổi chiều. Nửa đầu quý I/2020, khối lượng giao dịch vẫn duy trì ở mức cao, sau dịp Tết cổ truyền, khi dịch bệnh trong nước bắt đầu bùng phát mạnh mẽ, tác động tâm lý ảnh hưởng đến cả người mua cũng như người bán, tỷ lệ hấp thụ mới bắt đầu “tụt dốc không phanh”. Theo đà sụt giảm, kết quả quý I/2020, tỷ lệ tiêu thụ sản phẩm căn hộ chỉ còn 48%. Quý II/2020 tiếp tục đánh dấu tác động mạnh mẽ của dịch bệnh khi toàn dân thực hiện những chính sách cách ly xã hội, dẫn đến không còn lượng giao dịch. Chỉ đến khi các lệnh giãn cách xã hội được gỡ bỏ, thị trường mới bắt đầu hoạt động trở lại. Cuối quý II/2020 ghi nhận nguồn cung căn hộ thấp kỷ lục, giảm hơn 55% so với quý trước, còn 1.600 căn. Tuy vậy, tỷ lệ hấp thụ vẫn đạt ngưỡng 73% là điểm sáng cho thị trường trong giai đoạn này. Trong hai quý cuối năm 2020 tình hình dịch bệnh trong nước đã được khống chế, thêm vào đó, các chính sách hợp lý của Nhà nước đã tạo nên một làn gió mới thổi vào thị trường BĐS, từ đây đánh dấu sự khởi sắc của thị trường trong suốt nửa sau của năm 2020. Tỷ lệ hấp thụ trong giai đoạn này luôn đạt trên mức 70%, trong khi nguồn cung ngày một tăng cao.
Nguyên nhân lượng giao dịch, tỷ lệ hấp thụ tích cực là do nhu cầu về căn hộ của người dân tương đối cao. Nhu cầu căn hộ của người dân đến từ 3 nhu cầu chính: Một là mua để ở, hai là đầu tư và ba là nhu cầu khác. Đô thị hóa và gia tăng dân số do nhập cư vào TP. Hồ Chí Minh ngày một tăng cao, dân số cơ học hiện đã ở mức 13 triệu người, nhu cầu ở thực, nhất là với giới trẻ lập nghiệp không ngừng gia tăng đã kéo theo nhu cầu nhà ở ngày càng tăng cao. Bên cạnh đó, ngoài sự biến động trong lượng giao dịch cũng như tỷ lệ hấp thụ trong năm 2020 thì lãi suất vay mua nhà giảm xuống đã tạo nên đòn bẩy gián tiếp cho thị trường BĐS khi so cùng kỳ năm 2019 thì mức lãi suất đã giảm từ 1,5 - 2%/năm. Lãi suất vay giảm mạnh tạo cơ hội mua nhà cho những người có nhu cầu ở thực, đồng thời biến thị trường căn hộ trở nên béo bở trong mắt các nhà đầu tư.
2.4. Giá bán chung cư
Số liệu thống kê từ Bộ Xây dựng cho thấy, giá bán căn hộ từ năm 2019 đến hết năm 2020 chưa bao giờ có dấu hiệu giảm dù ở bất kỳ phân khúc nào. Cụ thể, giá căn hộ cao cấp từ đầu năm 2019 đến hết quý IV năm 2020 đã tăng 4,03% với mức giá hiện nay trên 50 triệu/m2; cũng trong thời gian này, tốc độ tăng giá của phân khúc trung cấp là 5,59% với mức giá dao động hiện tại từ 35 triệu đến trên 45 triệu/m2 và đáng kể nhất là căn hộ bình dân với tốc độ tăng giá lên đến 6,91% (Bộ Xây dựng, 2020). Tính đến hết quý IV/2020, thị trường chung cư TP. Hồ Chí Minh hầu như không có dự án căn hộ nào với mức giá dưới 25 triệu/m2. Việc giá căn hộ chung cư không giảm còn tăng trong bối cảnh Covid - 19 được lý giải bởi: (1) sự khan hiếm quỹ đất, (2) chi phí xây dựng gia tăng, (3) khó khăn trong các thủ tục pháp lý, (4) nhu cầu về căn hộ tăng lên. Trong đó, sự khan hiếm quỹ đất sạch tại thành phố có thể thấy rõ, thể hiện qua tốc độ đô thị hóa nhanh chóng của thành phố. Nguyên nhân tiếp theo là do sự gia tăng trong chí phí xây dựng dự án với chi phí nguyên vật liệu, chi phí nhân công ngày càng tăng lên. Thủ tục pháp lý khó khăn, kéo dài làm cho nguồn cung bị hạn chế. Trong khi đó, nhu cầu sở hữu chung cư của người dân không giảm mà còn tăng lên, dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn cung, đẩy giá trên thị trường lên cao.
2.5. Đánh giá chung về thị trường BĐS căn hộ chung cư tại Thành phố Hồ Chí Minh
Thị trường BĐS căn hộ chung cư ở TP. HCM chịu ảnh hưởng đáng kể từ dịch bệnh Covid cũng như các yếu tố pháp lý theo quy định của chính quyền địa phương, đặc biệt là trong 2 quý đầu năm 2020. Tuy nhiên, thị trường đã bắt đầu khôi phục trở lại đà tăng trưởng trong hai quý cuối năm 2020, thể hiện rõ qua các chỉ tiêu đánh giá về số lượng căn chung cư được cấp phép, nguồn cung, khối lượng giao dịch và tỷ lệ hấp thu. Giá trên thị trường không những không giảm còn gia tăng cho thấy nhu cầu về căn hộ chung cư của người dân vẫn còn cao. Chung cư thuộc BĐS được xem như tài sản tích trữ, phù hợp với nhu cầu ở, đầu tư và các nhu cầu khác nên nhu cầu mua của người dân vẫn ở mức cao so với khả năng đáp ứng của các doanh nghiệp trên thị trường. Điều này cũng là một dấu hiệu tốt cho thấy thị trường căn hộ chung cư đã khôi phục đáng kể sau 2 quý đầu tiên chịu ảnh hưởng lớn từ dịch bệnh Covid - 19.
Mặc dù đạt được những kết quả khả quan về khôi phục thị trường trong hai quý cuối năm 2020 nhưng thị trường căn hộ chung cư của thành phố vẫn tồn tại một số hạn chế như sau:
Thứ nhất, nguồn cung căn hộ chung cư bị hạn chế. Dự án mới ngày càng khan hiếm do gặp quá nhiều khó khăn trong công tác phê duyệt ở tất cả các khâu, như quy hoạch, cấp phép xây dựng, đủ điều kiện tham gia thị trường… Nếu dịch bệnh không được kiểm soát, phải thực hiện giãn cách xã hội sẽ làm cho các doanh nghiệp “ém hàng” làm cho nguồn cung ngày càng khan hiếm hơn.
Thứ hai, sự phân hóa, mất cân đối trong các phân khúc căn hộ. Số lượng căn hộ được cấp mới chủ yếu là từ trung cấp đến cao cấp. Điều này cho thấy người dân có thu nhập trung bình khó có khả năng đạt được nhu cầu an cư lạc nghiệp của bản thân khi nguồn cung không có.
Thứ ba, biên độ lệch pha cung - cầu ngày càng lớn, kéo theo những hệ lụy nghiêm trọng mà đặc biệt phải kể đến là giá căn hộ ngày càng gia tăng khiến người dân có nhu cầu mua nhà ở gặp khó khăn.
3. Kiến nghị
Bài nghiên cứu đề xuất những giải pháp giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, khắc phục tồn tại, bất cập đối với thị trường căn hộ, cụ thể:
Thứ nhất, tiếp tục duy trì có hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 nhằm khuyến khích doanh nghiệp BĐS triển khai các dự án mới. Nguy cơ dịch Covid-19 xâm nhập vẫn luôn thường trực, không chỉ đe dọa tính mạng người dân mà còn ảnh hưởng “sức khỏe” nền kinh tế. Vì vậy, trong thời điểm nhạy cảm hiện nay, chính phủ cũng như người dân luôn phải nêu cao ý thức phòng chống dịch bệnh, không được lơ là, mất cảnh giác. Nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt, nền kinh tế ổn định, doanh nghiệp BĐS sẽ xem xét triển khai các dự án mới để thỏa mãn nhu cầu của khách hàng.
Thứ hai, đặt ra khuôn pháp lý chặt chẽ về dự án (thời gian, chất lượng,…). Để thị trường có thể phát triển bền vững, Chính phủ và chính quyền địa phương cần có cơ chế pháp lý chặt chẽ về việc triển khai dự án chung cư. Việc làm này góp phần tạo ra sự nghiêm trị đối với các doanh nghiệp sai phạm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp BĐS tốt gia tăng khả năng cạnh tranh, đồng thời, giảm khiếu nại từ người mua liên quan đến những vấn đề như: dự án chậm tiến độ, chất lượng căn hộ không đảm bảo,… Ngoài ra, cần xây dựng hệ thống công cụ quản lý, kiểm soát thị trường, đồng thời kết hợp liên thông với các thị trường khác của nền kinh tế.
Thứ ba, khuyến khích phát triển căn hộ bình dân. Nguồn cung căn hộ bình dân ngày càng giảm trong khi đây lại là phân khúc có nhu cầu cao đến từ tầng lớp người dân có thu nhập trung bình, thu nhập thấp. Do đó, chính quyền TP. Hồ Chí Minh cần nghiên cứu cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện để cho doanh nghiệp phát triển dự án nhà ở giá rẻ, đồng thời vẫn kiểm soát chặt chẽ khi quyết định hoặc chấp thuận đầu tư các dự án căn hộ trung và cao cấp, từ đó cơ cấu lại nguồn cung, điều hòa thị trường.
Thứ tư, đối với các doanh nghiệp BĐS cần xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp trong bối cảnh dịch bệnh Covid - 19. Sự linh động trong việc hoạch định chiến lược kinh doanh của những doanh nghiệp BĐS là tiêu chí hàng đầu thời điểm này.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh (2020). Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội TP. Hồ Chí Minh năm 2019.
- Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh (2020). Báo cáo định kỳ, TP. Hồ Chí Minh.
- Phạm Minh (2020). Chung cư vẫn là điểm sáng trên thị trường bất động sản. Truy cập tại http://tapchitaichinh.vn/thi-truong-tai-chinh/chung-cu-van-la-diem-sang-tren-thi-truong-bat-dong-san-330643.html
- Lê Thanh Ngọc. (2014). Bong bóng bất động sản nhà để ở. Luận văn Tiến sỹ Kinh tế, Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh.
- Phạm Hồng Chương và cộng sự. (2020). Tác động của đại dịch Covid - 19 đến nền kinh tế Việt Nam. Báo cáo của Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội.
- Trường Cao đẳng Xây dựng TP. Hồ Chí Minh. (2013). Giáo trình Nguyên lý BĐS. Hà Nội: Nhà xuất bản Bộ Xây dựng.
- Nguyễn Hoàng Tiến, Nguyễn Minh Ngọc. (2020). Cơ hội và thách thức đối với các doanh nghiệp môi giới BĐS Việt Nam thời kỳ hậu Covid - 19. [Online] Avalabile at DOI:10.13140/RG.2.2.24430.23369
HO CHI MINH CITYS CONDOMINIUM MARKET DURING
THE COVID-19 PANDEMIC
• Master. NGUYEN THI MINH CHAU1
• NGUYEN HOANG VIET1
• NGUYEN TRAN NGUYEN NHUT1
• LUU THANH HUONG1
• DAO THANH KIEN1
1Banking University of Ho Chi Minh City
ABSTRACT:
The COVID-19 pandemic has negatively exerted its significant impacts on the global economy in general and Vietnam’s in particular. The pandemic has sparked the current global recession, dealt severe blows to many industries, and caused severe impacts on the labour market. The Covid-19 pandemic has seriously affected the real estate market including Ho Chi Minh City’s real estate market. This study is to generally assess the volatility in Ho Chi Minh City’s condominium market over the period of 2019 to 2020. The study’s results indicate that Ho Chi Minh Citys condominium market has been hit hard by the Covid-19 pandemic. Based on the study’s findings, some solutions are proposed to boost the growth of the city’s condominium market in the coming time.
Keywords: the Covid-19 pandemic, real estate market, condominium, Ho Chi Minh City.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 13, tháng 6 năm 2021]