Thiết chế Ban kiểm soát trong công ty cổ phần theo Luật Doanh nghiệp năm 2020

Bài báo "Thiết chế Ban kiểm soát trong công ty cổ phần theo Luật Doanh nghiệp năm 2020" do Nguyễn Ngọc Khánh (NCS. Khoa Luật, Học viện Khoa học xã hội) thực hiện.

Tóm tắt:

Một trong những vấn đề quan trọng liên quan đến quản trị nội bộ công ty đó là thiết lập bộ máy tổ chức quản lý điều hành công ty, trong đó không thể không nhắc đến vai trò của Ban kiểm soát trong công ty cổ phần. Bài viết làm rõ một số vấn đề về thiết lập, thẩm quyền và hoạt động của Ban kiểm soát (BKS) trong công ty cổ phần, phân tích quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020 và đưa ra những giải pháp nhằm tăng cường vai trò của BKS trong công ty cổ phần.

Từ khóa: ban kiểm soát, quản trị công ty, công ty cổ phần mô hình có Ban kiểm soát.

1. Công ty cổ phần mô hình có Ban kiểm soát

Ngay từ đầu thế kỷ thứ XIX, luật của Anh, Hoa Kỳ thường xuyên đề cập đến công ty như “những thực thể nhân tạo”, thể hiện ý chí và hành động thông qua nhóm người. Bởi vậy, khi nói đến pháp luật về quản trị công ty, người ta thường đề cập đến cơ cấu tổ chức và sự vận hành của các thiết chế quản lý trong công ty. Tuy nhiên, cơ cấu tổ chức và các thiết chế quản lý trong công ty liên quan đến cấu trúc của bộ máy quản lý - điều hành của công ty, chứ không phải của toàn bộ cấu trúc quản trị của công ty. Hay nói cách khác, cơ cấu tổ chức của các thiết chế quản lý trong công ty cổ phần (CTCP) là một nội dung quản trị công ty. Tùy thuộc vào điều kiện thực tế và truyền thống quản trị, cơ chế pháp lý của từng quốc gia, các thiết chế quản lý trong CTCP có vị trí, chức năng, nhiệm vụ khác nhau. Căn cứ vào cơ cấu sở hữu, mô hình quản trị của CTCP có thể chia thành: (1) Cơ cấu sở hữu tập trung, quyền sở hữu và quyền kiểm soát tập trung vào trong tay một số ít cá nhân, gia đình, nhà quản lý, tổ chức khác; (2) Sở hữu phân tán là việc từng người trong số nhiều chủ sở hữu nắm giữ một lượng cổ phần của công ty. Căn cứ vào cấu trúc quản trị nội bộ, có 3 mô hình cơ bản là: (1) CTCP cấu trúc đơn cấp; (2) CTCP cấu trúc song cấp; (3) CTCP cấu trúc hỗn hợp.

Pháp luật doanh nghiệp ở Việt Nam không cụ thể quản trị CTCP theo mô hình đơn cấp hay mô hình song cấp mà tùy thuộc vào sự lựa chọn của nhà đầu tư, thường các thiết chế trong CTCP ở Việt Nam, gồm: (i) Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ); (ii) Hội đồng quản trị (HĐQT); (iii) Giám đốc hoặc Tổng giám đốc; (iv) Ban kiểm soát (BKS) có hoặc không theo quy định pháp luật và điều lệ công ty. Trong CTCP mô hình không có BKS, bắt buộc phải có ủy ban kiểm toán trực thuộc HĐQT. Trong mô hình CTCP mô hình có BKS thì BKS là một thiết chế độc lập. Như vậy, BKS có hoặc không theo quy định pháp luật trong từng trường hợp và theo sự lựa chọn mô hình quản trị của công ty. Ở Việt Nam, việc thiết lập BKS tùy thuộc vào lựa chọn của nhà đầu tư đối với mô hình CTCP. Tuy nhiên, BKS bắt buộc phải được thành lập khi CTCP có từ 11 cổ đông trở lên và các cổ đông là tổ chức sở hữu từ 50% trở lên tổng số cổ phần của công ty[1].

BKS có chức năng để bảo vệ quyền lợi cho các nhà đầu tư. Trong cơ cấu tổ chức công ty, BKS có chức năng độc lập với bộ máy quản trị, nhằm kiểm soát các hoạt động quản trị nội bộ công ty thông qua việc: thu thập, kiểm tra, đánh giá tình hình sản xuất - kinh doanh, quản lý tài chính của công ty, phục vụ yêu cầu cung cấp thông tin kịp thời. Kết quả đánh giá của bộ phận kiểm soát nhằm uốn nắn những sai phạm, thiếu sót trong quản lý, kinh doanh, góp phần thay đổi, thúc đẩy công ty phát triển[2].

Theo pháp luật doanh nghiệp ở Việt Nam, BKS là một cơ quan có chức năng kiểm tra, giám sát các hoạt động của HĐQT và Ban Giám đốc (BGĐ), tập trung vào việc kiểm soát các hoạt động kinh doanh và tài chính của công ty cũng như giám sát việc tuân thủ các quy định pháp luật. BKS là một trong những thiết chế có vai trò vô cùng quan trọng để nâng cao chất lượng quản trị công ty thông qua cơ chế kiểm soát đối trọng nhau trong việc đưa ra quyết sách cho tổ chức và hoạt động của công ty. BKS chỉ được tạo lập và phục vụ cho ĐHĐCĐ, BKS hoạt động độc lập với HĐQT và BGĐ. Thông qua việc thực hiện chức năng giám sát tối cao của mình, BKS sẽ đảm bảo các quyết định của HĐQT và BGĐ là phù hợp với pháp luật, với các nghị quyết của ĐHĐCĐ và bảo vệ lợi ích của các cổ đông. Khi bàn về vai trò và mối quan hệ giữa BKS với các thiết chế khác trong CTCP, có tác giả đã ví von: Nếu tạm coi CTCP là một “nhà nước” thu nhỏ, thì ĐHĐCĐ (ĐHĐCĐ) đóng vai trò là cơ quan lập pháp - nơi quyết định phương hướng phát triển và những vấn đề trọng đại khác của công ty; HĐQT và BGĐ được coi là cơ quan hành pháp - nơi điều hành hoạt động kinh doanh hàng ngày; còn BKS đóng vai trò của cơ quan tư pháp - có nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát hoạt động của HĐQT và BGĐ[3]. Như vậy, BKS trong CTCP ở Việt Nam được thiết kế là một cơ quan (có thể hiểu đơn giản là “cơ quan tư pháp” riêng trong cơ cấu quản trị nội bộ của CTCP), có nhiệm vụ chuyên trách giám sát và đánh giá HĐQT và những người quản lý điều hành nhân danh cổ đông, vì lợi ích của cổ đông và của công ty. Xuất phát từ lý do này, quy định pháp luật về BKS đề cập tới các nội dung, như: (i) Thẩm quyền và trách nhiệm của BKS; (ii) Cơ cấu của BKS; (iii) Điều kiện, tiêu chuẩn của KSV; (iv) Hoạt động của BKS[4].

2. Quy định về Ban kiểm soát trong công ty cổ phần theo Luật Doanh nghiệp năm 2020

Luật Doanh nghiệp năm 2020 cũng quy định khá chi tiết về việc thành lập BKS, thẩm quyền của BKS và hoạt động của BKS. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, về thiết lập BKS: Thành viên BKS do ĐHĐCĐ bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm, đồng thời ĐHĐCĐ ban hành điều lệ và quy chế tổ chức và hoạt động của BKS để xác định thẩm quyền, nghĩa vụ cũng như các hoạt động cụ thể của BKS. Theo quy định tại Điều 168, Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì BKS có từ 3 đến 5 thành viên, nhiệm kỳ của kiểm soát viên không quá 5 năm và kiểm soát viên được bầu lại với số nhiệm kỳ không hạn chế đã tạo ra những quy định thích hợp đối với các đơn vị liên quan đến hoạt động quản trị công ty trong các CTCP. BKS phải có hơn một nửa số kiểm soát viên thường trú tại Việt Nam.

Công việc của BKS chủ yếu mang tính nghề nghiệp, cần có chuyên môn, nghiệp vụ về quản lý tài chính. Vì vậy, Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã quy định về điều kiện tiêu chuẩn của thành viên BKS như sau:

Trưởng BKS phải có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành kinh tế, tài chính, kế toán, kiểm toán, luật, quản trị kinh doanh hoặc chuyên ngành có liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, trừ trường hợp điều lệ công ty có quy định tiêu chuẩn khác cao hơn (Khoản 2, Điều 168, Luật Doanh nghiệp năm 2020).

Kiểm soát viên phải có các tiêu chuẩn và điều kiện sau đây:

a) Không thuộc đối tượng bị cấm thành lập, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp và quản lý doanh nghiệp.

b) Được đào tạo một trong các chuyên ngành về kinh tế, tài chính, kế toán, kiểm toán, luật, quản trị kinh doanh hoặc chuyên ngành phù hợp với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp;

c) Không phải là người có quan hệ gia đình của thành viên HĐQT, giám đốc hoặc tổng giám đốc và người quản lý khác;

d) Không phải là người quản lý công ty; không nhất thiết phải là cổ đông hoặc người lao động của công ty, trừ trường hợp điều lệ công ty có quy định khác;

đ) Tiêu chuẩn và điều kiện khác theo quy định khác của pháp luật có liên quan và điều lệ công ty.

Ngoài các tiêu chuẩn, điều kiện quy định như trên, kiểm soát viên trong công ty đại chúng, doanh nghiệp nhà nước hoạt động theo mô hình CTCP có BKS còn phải đáp ứng thêm các điều kiện, như: không được là người có quan hệ gia đình của người quản lý doanh nghiệp của công ty và công ty mẹ; người đại diện phần vốn của doanh nghiệp, người đại diện phần vốn nhà nước tại công ty mẹ và tại công ty.

Thứ hai, thẩm quyền của BKS: Từ quy định thành lập BKS và cơ cấu tổ chức CTCP có thể thấy rõ vai trò của BKS trong mối quan hệ với các bộ phận khác trong CTCP hiện nay như đại hội cổ đông, HĐQT, BGĐ. BKS đóng vai trò kiểm tra, giám sát và kiềm chế, đối trọng với HĐQT và BGĐ để các hoạt động của công ty được hoạt động minh bạch vì lợi ích của các cổ đông công ty.

BKS có nhiệm vụ kiểm tra và báo cáo tình hình cho cơ quan đại diện chủ sở hữu công ty về tính hợp pháp, tính hợp lý trong mọi hoạt động kinh doanh, điều hành của công ty. Trong việc ghi chép sổ kế toán và báo cáo tài chính hoạt động kinh doanh của công ty, kiến nghị các biện pháp bổ sung, biện pháp sửa đổi, biện pháp cải tiến cơ cấu quản lý, tổ chức điều hành hoạt động của công ty, các nhiệm vụ khác theo quy định của điều lệ. Để thực hiện được nhiệm vụ của mình, BKS có quyền yêu cầu các cơ quan quản lý, điều hành công ty phải thực hiện cung cấp đầy đủ và kịp thời các thông tin cũng như tài liệu về hoạt động kinh doanh của công ty.

Theo quy định tại Điều 170 Luật Doanh nghiệp năm 2020, BKS có những quyền và nghĩa vụ sau đây:

- BKS thực hiện giám sát HĐQT, giám đốc hoặc tổng giám đốc trong việc quản lý và điều hành công ty.

- Kiểm tra tính hợp lý, hợp pháp, tính trung thực và mức độ cẩn trọng trong quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh; tính hệ thống, nhất quán và phù hợp của công tác kế toán, thống kê và lập báo cáo tài chính.

- Thẩm định tính đầy đủ, hợp pháp và trung thực của báo cáo tình hình kinh doanh, báo cáo tài chính hằng năm và 6 tháng của công ty, báo cáo đánh giá công tác quản lý của HĐQT và trình báo cáo thẩm định tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên. Rà soát hợp đồng, giao dịch với người có liên quan thuộc thẩm quyền phê duyệt của HĐQT hoặc ĐHĐCĐ và đưa ra khuyến nghị về hợp đồng, giao dịch cần có phê duyệt của HĐQT hoặc ĐHĐCĐ.

- Rà soát, kiểm tra và đánh giá hiệu lực và hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ, quản lý rủi ro và cảnh báo sớm của công ty.

- Xem xét sổ kế toán, ghi chép kế toán và tài liệu khác của công ty, công việc quản lý, điều hành hoạt động của công ty khi xét thấy cần thiết hoặc theo nghị quyết ĐHĐCĐ hoặc theo yêu cầu của cổ đông hoặc nhóm cổ đông quy định tại khoản 2 Điều 115 của Luật Doanh nghiệp năm 2020.

- Khi có yêu cầu của cổ đông hoặc nhóm cổ đông quy định tại khoản 2 Điều 115 của Luật Doanh nghiệp năm 2020, BKS thực hiện kiểm tra trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày kết thúc kiểm tra, BKS phải báo cáo về những vấn đề được yêu cầu kiểm tra đến HĐQT và cổ đông hoặc nhóm cổ đông có yêu cầu. Việc kiểm tra của BKS quy định tại khoản này không được cản trở hoạt động bình thường của HĐQT, không gây gián đoạn điều hành hoạt động kinh doanh của công ty.

- Kiến nghị HĐQT hoặc ĐHĐCĐ biện pháp sửa đổi, bổ sung, cải tiến cơ cấu tổ chức quản lý, giám sát và điều hành hoạt động kinh doanh của công ty.

- Khi phát hiện có thành viên HĐQT, giám đốc hoặc tổng giám đốc vi phạm quy định tại Điều 165 của Luật Doanh nghiệp năm 2020 phải thông báo ngay bằng văn bản cho HĐQT, yêu cầu người có hành vi vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm và có giải pháp khắc phục hậu quả.

- Tham dự và tham gia thảo luận tại các cuộc họp ĐHĐCĐ, HĐQT và các cuộc họp khác của công ty.

- Sử dụng tư vấn độc lập, bộ phận kiểm toán nội bộ của công ty để thực hiện nhiệm vụ được giao.

- BKS có thể tham khảo ý kiến của HĐQT trước khi trình báo cáo, kết luận và kiến nghị lên ĐHĐCĐ.

- Quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của Luật Doanh nghiệp, điều lệ công ty và nghị quyết của ĐHĐCĐ.

Thứ ba, hoạt động của BKS: Về mặt chuyên môn hoạt động của BKS thể hiện trên các công việc nghiệp vụ chính như: thẩm định báo cáo kinh doanh và báo cáo tài chính; giám sát hoạt động của công ty; phát hiện và yêu cầu chấm dứt vi phạm. Về mặt cơ cấu tổ chức, hoạt động của BKS thể hiện thông qua mối quan hệ giữa BKS và các thiết chế khác trong công ty như: (1) Mối quan hệ giữa BKS với ĐHĐCĐ, theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 138 Luật Doanh nghiệp năm 2020, ĐHĐCĐ là cơ quan có thẩm quyền bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên BKS, có quyền trả lương thưởng cho thành viên BKS. Nói cách khác, trong CTCP, ĐHĐCĐ là cơ quan “khai sinh” ra BKS. (2) Mối quan hệ giữa BKS với HĐQT, Ban giám đốc thể hiện rất rõ vai trò giám sát đối với hoạt động của HĐQT và BGĐ.

Nhìn tổng thể quy định pháp luật, quyền hạn và trách nhiệm và hoạt động của BKS trong CTCP được quy định tương đối rõ ràng và hợp lý. Tuy nhiên, các quy định pháp luật hiện nay mới chỉ dừng lại ở việc quy định các quyền và nghĩa vụ mà chưa quan tâm tới cơ chế pháp lý để thực hiện các quyền và nghĩa vụ đó cũng như chế tài để xử lý những vi phạm có thể xảy ra.

Ngoài ra, thiết chế BKS trong quản trị CTCP ở Việt Nam cũng có những đặc thù riêng bộc lộ một số hạn chế như: (i) BKS trong CTCP ở Việt Nam do ĐHĐCĐ bầu và chỉ có chức năng cơ bản nhất là giám sát công tác quản lý, điều hành của bộ máy quản trị; (ii) BKS không có thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức các thành viên của bộ máy quản lý, điều hành; (iii) BKS cũng không có chức năng tham gia quyết định các vấn đề quan trọng về quản trị công ty. Đôi khi hoạt động của BKS đã đi lệnh hướng so với mục tiêu và nhiệm vụ của BKS, thực tế không thiếu các CTCP mà BKS lại trở thành nhân viên phục vụ cho HĐQT và BGĐ thay vì phải phục vụ cho người chủ thực sự của công ty là ĐHĐCĐ.

3. Một số giải pháp nhằm nâng cao vai trò của Ban kiểm soát trong công ty cổ phần

Từ những phân tích trên, để nâng cao hơn nữa vai trò của BKS trong CTCP cần hoàn thiện một số quy định sau của Luật Doanh nghiệp năm 2020:

Một là, về cơ chế tạo lập BKS, để BKS hoạt động hiệu quả cần bảo đảm vị trí độc lập của BKS. Theo đó, quy định về tạo lập BKS cần đặt ra tiêu chuẩn cụ thể và giám sát chặt chẽ việc áp dụng tiêu chuẩn, điều kiện của thành viên BKS từ khi ứng cử đến hết nhiệm kỳ nhằm đảm bảo vị trí độc lập của thành viên BKS trong thực hiện thẩm quyền và nhiệm vụ được giao[5]. Đồng thời, cần quy định bắt buộc thành viên BKS phải là người ngoài công ty, không là người lao động của công ty. Khi đó, sẽ loại bỏ được cơ chế kiêm nhiệm trong công ty, đồng thời hoạt động của BKS sẽ có tính khách quan hơn.

Hai là, đảm bảo BKS thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ. Thực tiễn hoạt động của BKS cho thấy, báo cáo giám sát do đại diện BKS thuyết trình tại ĐHĐCĐ được đánh giá thường giống với báo cáo của HĐQT và BGĐ. Nội dung chủ yếu là khen HĐQT và BĐH và rất ít thông tin có ích cho cổ đông. Trong một số trường hợp, các vấn đề đưa vào báo cáo của BKS đã được thống nhất trước với HĐQT trong phiên họp trù bị trước đó. Do đó, vai trò của BKS chỉ là hình thức. Báo cáo của BKS trình ĐHĐCĐ tại mỗi kỳ họp nhưng kỳ họp quá xa, thiếu tính thời sự[6]. Vì vậy, cần cụ thể hóa yêu cầu đối với nội dung của bán cáo. Báo cáo của BKS phải có sự đánh giá khách quan về định hướng, ưu điểm và rủi ro của sự việc, có như vậy, báo cáo thẩm định của BKS mới có ý nghĩa trong việc chấn chỉnh hoạt động của các thành viên HĐQT và BGĐ.

Ba là, xây dựng cơ chế buộc thực thi các kiến nghị hợp lý của BKS, đồng thời bổ sung quyền của BKS nhân danh công ty kiện HĐQT, người quản lý hoặc các cổ đông khác nếu thấy cần thiết để bảo vệ quyền với lợi ích hợp pháp của cổ đông và công ty.

Bốn là, nâng cao khả năng tiếp cận thông tin của BKS. Để có thể thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, một trong những công cụ mà BKS được pháp luật trang bị cho đó là hoạt động tiếp cận thông tin. Tuy nhiên, trên thực tế, quyền này dễ dàng bị vô hiệu hóa hoặc bị cản trở bởi những chủ thể cung cấp thông tin mà không phát sinh bất cứ hậu quả pháp lý nào. Vì vậy, trong văn bản hướng dẫn thi hành luật, cần bổ sung hậu quả pháp lý trong trường hợp các chủ thể không cung cấp thông tin cho BKS[7].

 

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1] Quốc hội (2020). Điều 168, Luật Doanh nghiệp năm 2020.

[2] Đỗ Thị Kim Tiên (2017). Quản trị doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường. NXB Chính chị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.71.

[3,6] Trần Thanh Tùng (2009). Vai trò của Ban kiểm soát trong CTCP. Truy cập tại: https://thesaigontimes.vn/vai-tro-cua-ban-kiem-soat-trong-cong-ty-co-phan/.

[4] Phan Đăng Hải (2020). Quản trị công ty niêm yết theo pháp luật Việt Nam. Luận án Tiến sĩ, Học viện Khoa học xã hội.

[5] Nguyễn Thị Lan Hương (2011). Về hoạt động giám sát của Ban kiểm soát trong CTCP. Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội, Luật học, 27 (2011), tr.246-251.

[7] Trần Lương Đức (2020). Quản trị công ty đại chúng theo pháp luật Việt Nam hiện nay. Luận án Tiến sĩ, Học viện Khoa học xã hội, tr.36.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội (2020). Điều 168, Luật Doanh nghiệp năm 2020.
  2. Đỗ Thị Kim Tiên (2017). Quản trị doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường. NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội.
  3. Phan Đăng Hải (2020). Quản trị công ty niêm yết theo pháp luật Việt Nam. Luận án Tiến sĩ, Học viện Khoa học xã hội.
  4. Nguyễn Thị Lan Hương (2011). Về hoạt dộng giám sát của Ban kiểm soát trong CTCP. Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội, Luật học, 27 (2011).
  5. Trần Thanh Tùng (2009). Vai trò của Ban kiểm soát trong CTCP. Truy cập tại: https://thesaigontimes.vn/vai-tro-cua-ban-kiem-soat-trong-cong-ty-co-phan/.
  6. Trần Lương Đức (2020). Quản trị công ty đại chúng theo pháp luật Việt Nam hiện nay. Luận án Tiến sĩ, Học viện Khoa học xã hội, tr.36.

 

The joint stock company’s Board of Controllers

under the 2020 Law on Enterprises

Ph.D student Nguyen Ngoc Khanh

Faculty of Law, Graduate Academy of Social Sciences

Abstract:

One of the important internal corporate management issues is the establishment of the company’s organizational and management apparatus, including the Board of Controllers. This paper clarifies some issues about the establishment, authority and operation of the Board of Controllers in joint-stock companies. The paper also analyzes the 2020 Law on Enterprises’ regulations and proposes solutions to strengthen the role of the Board of Controllers in joint stock companies.

Keywords: Board of Controllers, corporate management, joint stock company, the model of Board of Controllers.