Sau nhiều năm duy trì chính sách bảo hộ đối với ngành mía đường, Việt Nam bắt đầu thực hiện cam kết theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) đối với ngành đường từ ngày 1/1/2020 bằng việc không giới hạn lượng đường nhập khẩu từ các nước ASEAN
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 10 tháng đầu năm 2020, lượng đường nhập khẩu vào Việt Nam gia tăng đột biến.
Sau khi trừ đi lượng đường đã xuất theo loại hình sản xuất xuất khẩu, số lượng đường nhập khẩu thâm nhập vào thị trường trong nước lên đến 884,285 tấn, còn lớn hơn cả lượng đường sản xuất từ mía trong nước.
Trong đó, lượng đường mía nhập khẩu trực tiếp từ Thái Lan vào Việt Nam chiếm tỷ lệ chủ yếu (87,67%). Hàng trăm ngàn tấn đường nhập khẩu vào Việt Nam có giá rẻ, khiến doanh nghiệp trong nước không thể cạnh tranh, phải thu hẹp sản xuất
Tình trạng này biểu hiện khá rõ nét tại các vùng nguyên liệu và sản xuất mía đường. Ông Trần Ngọc Hiếu, Tổng giám đốc Công ty Mía đường Sóc Trăng cho biết: “Riêng tại Sóc Trăng, vùng nguyên liệu sản xuất mía năm 2017 là 8.400 ha, năm 2018 còn 7.000 ha, năm 2019 giảm xuống 4.800 ha, năm 2020 còn 2.400 ha năm 2020 và dự kiến trong những năm tới còn dưới 2.000 ha”.
Theo ông Võ Thành Đảng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi, diện tích vùng nguyên liệu mía niên vụ 2019 - 2020 của Công ty đã giảm còn 72% so vụ 2018 - 2019; sản lượng đường giảm 42% so với vụ 2018 - 2019.
Ông Nguyễn Văn Lộc, quyền Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cho hay, Hiệp hội đã có đầy đủ cơ sở dữ liệu để xác định đường nhập khẩu có nguồn gốc từ Thái Lan được trợ cấp để bán phá giá ra thị trường nước ngoài.
Cụ thể, Chính phủ Thái Lan đã hỗ trợ ngành đường ít nhất 1,3 tỷ USD/năm. Trong đó, trên 775 triệu USD được sử dụng cho khoản trợ cấp xuất khẩu gián tiếp thông qua Hệ thống bình ổn giá đường, tức là trợ giá để bù đắp mỗi khi giá đường trên thế giới sụt giảm.
Các doanh nghiệp sản xuất mía đường trong nước cho rằng, sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Thái Lan đang bị bán phá giá vào Việt Nam và Chính phủ Thái Lan đã và đang duy trì một số chính sách trợ cấp cho hoạt động trồng mía của người nông dân và ngành sản xuất mía đường của nước này.
Ngành sản xuất đường trong nước cũng đã cung cấp các thông tin, bằng chứng để chứng minh cho những cáo buộc này.
Thực hiện Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 14 tháng 7 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai các giải pháp phát triển ngành mía đường việt Nam trong tình hình mới, Bộ Công Thương được giao nhiệm vụ chủ trì đề xuất các biện pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm đường nhập khẩu và thống kê, xây dựng cơ sở dữ liệu đồng bộ, chính xác về tình hình sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu để hỗ trợ ngành sản xuất trong nước trong việc tư vấn, chuẩn bị hồ sơ phòng vệ thương mại đối với mặt hàng đường.
Trên cơ sở hồ sơ yêu cầu của các doanh nghiệp đại diện cho ngành, tháng 9/2020, Bộ Công thương đã ban hành Quyết định số 2466/QĐ-BCT về việc tiến hành điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan.
Hiện tại, cả hai vụ việc đều đang trong quá trình điều tra. Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công thương sẽ tiến hành điều tra theo đúng quy định của Luật Quản lý ngoại thương và các văn bản pháp luật liên quan nhằm thiết lập một môi trường cạnh tranh công bằng trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của ngành sản xuất trong nước trước các hành vi phản cạnh tranh từ bên ngoài.
Đồng thời, Bộ Công Thương cũng đang phối hợp các cơ quan có liên quan để xây dựng cơ sở dữ liệu đồng bộ chính xác đối với mặt hàng đường.
Trao đổi về giải pháp cho ngành mía đường trong tình hình mới, các chuyên gia cho rằng, bên cạnh việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, cơ quan quản lý cũng cần quyết liệt ngăn chặn đường nhập lậu và tái cơ cấu ngành, góp phần làm lành mạnh hóa thị trường này. Đồng thời, đã đến lúc ngành mía đường cần phải cơ cấu lại, nâng cao năng suất, đầu tư hiệu quả giảm giá thành để có thể cạnh tranh sòng phẳng.