Những năm gần đây, xu hướng du lịch vào đầu năm mới, đặc biệt là vào dịp Tết Nguyên đán ngày càng tăng.
Thay vì quan niệm ăn Tết, nhiều gia đình Việt Nam đã chuyển sang chơi Tết và coi đây là một kỳ nghỉ để cùng nhau khám phá, tận hưởng những địa điểm mới lạ.
Nắm bắt xu hướng và nhu cầu xã hội, các doanh nghiệp vận tải, lữ hành đã đưa ra nhiều tour, tuyến để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng cũng như giúp du khách có nhiều sự lựa chọn hơn.
Theo đánh giá của các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, nhu cầu của khách du lịch trong dịp Tết thường cao hơn từ 20-30% so với các tháng bình thường.
Không chỉ riêng khách nội địa mà người nước ngoài cũng rất thích đến Việt Nam vào thời gian này để khám phá thiên nhiên và những nét văn hóa, truyền thống, phong tục của người Việt Nam.
Khách quốc tế đến Việt Nam 2 tháng đầu năm từ 2017 đến 2020 đều duy trì mức tăng khá cao, trong đó năm 2017 đạt 2,2 triệu lượt khách, tăng 33%; 2018 đạt 2,9 triệu lượt khách, tăng 29,7%; năm 2019 đạt 3,1 triệu lượt khách, tăng 8% và năm 2020 đạt 3,2 triệu lượt khách, tăng 4,8%.
Nhu cầu du lịch tăng đã giúp doanh thu du lịch lữ hành 2 tháng đầu năm tăng dần qua các năm với tốc độ tăng trên 10%/năm (Năm 2017 tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước; năm 2018 tăng 13,2%; năm 2019 tăng 10,7%).
Từ cuối tháng 2/2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, du lịch Việt Nam phải gánh chịu những tổn thất vô cùng nặng nề.
Trong 2 tháng đầu năm 2021, khách quốc tế đến nước ta chỉ đạt 28,7 nghìn lượt người nhưng chủ yếu là chuyên gia, lao động kỹ thuật nước ngoài làm việc tại các dự án ở Việt Nam và lái xe vận chuyển hàng hóa tại các cửa khẩu đường bộ,giảm đến 99,1% so với cùng kỳ năm trước.
Việc đóng cửa du lịch quốc tế khiến cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch phải chuyển hướng, tập trung vào khai thác thị trường du lịch nội địa.
Tuy nhiên tình hình dịch Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp và ở Việt Nam, mặc dù được kiểm soát tốt nhưng vẫn xảy ra các đợt dịch bùng phát trong cộng đồng, đặc biệt là làn sóng thứ 3 tại Hải Dương vào cuối tháng 1 năm 2021 với mức độ lây nhiễm rất cao.
Dịch bệnh bùng phát trở lại đúng vào dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 khiến ngành du lịch một lần nữa lâm vào cảnh thất thu, du lịch của nhiều địa phương rơi vào trạng thái ảm đạm.
Hàng loạt khách hàng đã liên hệ với các doanh nghiệp du lịch để yêu cầu hủy tour, kể cả những tour không đến vùng dịch do tâm lý e ngại, chỉ một số ít khách hàng đồng ý hoãn tour sang một thời điểm khác, khi dịch Covid-19được kiểm soát.
Số lượng khách du lịch nội địa và quốc tế giảm mạnh đã kéo theo doanh thu du lịch lữ hành2 tháng đầu năm cũng sụt giảm nghiêm trọng, chỉ đạt 2,5 nghìn tỷ đồng, giảm 62,1% so với cùng kỳ năm trước.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, rất nhiều điểm du lịch lớn của cả nước đã phải dừng hoạt động, hoặc mở cửa nhưng dừng tổ chức các hoạt động đón xuân nên lượng khách đến giảm mạnh so với cùng thời điểm này những năm trước.
Theo báo cáo của các địa phương, doanh thu dịch vụ lữ hành 2 tháng đầu năm 2021 của Hải Phòng giảm 18,6% so với cùng kỳ năm trước; Bà Rịa – Vũng Tàu giảm 41,5%; Hà Nội giảm 47,7%;
Đà Nẵng giảm 67,7%; thành phố Hồ Chí Minh giảm 69,2%; Thừa Thiên – Huế giảm 73,3%; Hải Dương giảm 89,4%. Đà Nẵng giảm 67,7%; Cần Thơ giảm 72,1%.
Riêng trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2021,mặc dù có nhiều chương trình ưu đãi, khuyến mãi, giảm giá được tung ra nhưng công suất phòng của các cơ sở lưu trú tại TP. Hồ Chí Minh chỉ đạt dưới 10%;
Số lượt khách du lịch đến Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, Nha Trang… cũng giảm từ 50-80% so với dịp Tết Nguyên đán năm trước.
Dự báo những tháng còn lại năm 2021, du lịch quốc tế chưa thể sớm trở lại trạng thái bình thường như trước do tình hình dịch Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp.
Trong nước, người dân vẫn còn tâm lý e ngại nên chưa có dự định đặt phòng và trải nghiệm dịch vụ tại các địa điểm du lịch.
Việc khôi phục hoạt động du lịch, đặc biệt là du lịch quốc tế khi dịch Covid-19được kiểm soát đòi hỏi cần phải có thời gian.
Trước mắt các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, lữ hành đang triển khai những hoạt động chuẩn bị cho vụ cao điểm của du lịch dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5.
Bên cạnh đó, tập trung khai thác thị trường nội địa, giảm giá các tour du lịch phù hợp với nhu cầu của khách hàng và đề cao yếu tố “dịch vụ du lịch an toàn” là giải pháp được doanh nghiệp du lịch đang áp dụng để có thể vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại.