Chiều 23/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã về đến sân bay Nội Bài, Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 34 theo lời mời của Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha.
Từ ngày 22 - 23/6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có chương trình làm việc bận rộn với nhiều hoạt động đa dạng, cả song phương và đa phương.
Đây là Hội nghị Cấp cao đầu tiên trong năm Chủ tịch ASEAN 2019 của Thái Lan. Với chủ đề “Đẩy mạnh quan hệ đối tác vì sự bền vững”, các nhà lãnh đạo ASEAN đã tập trung thảo luận định hướng và biện pháp hướng tới xây dựng một Cộng đồng ASEAN bền vững vì người dân.
Các nước khẳng định nhu cầu duy trì một nền an ninh bền vững trên cơ sở những nguyên tắc cơ bản của Hiệp ước Thân thiện và hợp tác ASEAN (TAC), bảo đảm vai trò trung tâm của ASEAN và định hướng ứng xử với đối tác bên ngoài trên cơ sở tài liệu Quan điểm ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Các nhà lãnh đạo cho rằng cần thúc đẩy hơn nữa thương mại nội khối; một ASEAN không rào cản (seamless ASEAN), triển khai Cơ chế một cửa ASEAN, Sáng kiến Mạng lưới các thành phố thông minh ASEAN; thúc đẩy kinh tế số và một ASEAN số hóa trong cách mạng công nghiệp 4.0; kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) trong năm 2019... Các nhà lãnh đạo quyết định chọn 2019 là năm Văn hóa ASEAN nhằm tăng cường giao lưu văn hóa và thúc đẩy bản sắc văn hóa ASEAN.
Củng cố đoàn kết, tránh làm phương hại đến lợi ích, tình cảm của nhau
Chia sẻ quan điểm với các lãnh đạo ASEAN tại phiên toàn thể, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ ủng hộ chủ đề Hội nghị do Thái Lan đề xuất, cho rằng duy trì môi trường khu vực hòa bình lâu dài, ổn định bền vững là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển của Hiệp hội. Nhưng hòa bình, ổn định không tự đến, mà chúng ta phải nỗ lực và cùng nhau gìn giữ sự đoàn kết, gắn bó để trở thành một đối tác tin cậy, một cộng đồng mạnh mẽ, giữ vai trò trung tâm.
Từ thực tiễn lịch sử và những diễn biến gần đây, Thủ tướng đề nghị trong mọi trao đổi và hành động, dù tôn trọng sự đa dạng, khác biệt, nhưng ASEAN là một cộng đồng, cần đề cao đoàn kết nội khối và vun đắp lòng tin giữa ASEAN với các đối tác. Trước những diễn biến phức tạp trong khu vực, căng thẳng thương mại.., các nền kinh tế mở như các nước ASEAN cần phát huy năng lực tự cường, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, duy trì tăng trưởng bền vững.
Thủ tướng nhấn mạnh ASEAN cần đặt ưu tiên hàng đầu tiếp tục củng cố đoàn kết, gắn kết nội khối, phát huy vai trò trung tâm và hiệu quả của các cơ chế hợp tác và an ninh khu vực do ASEAN chủ trì và dẫn dắt. ASEAN cần đẩy mạnh liên kết kinh tế nội khối, tận dụng hiệu quả các cam kết và thoả thuận đã ký, sớm hoàn tất đàm phán Hiệp định RCEP, chú trọng kết nối và phát triển mạng lưới các Trung tâm công nghệ 4.0.
Phát biểu tại phiên họp hẹp, Thủ tướng cho rằng, để duy trì sự gắn kết bền vững, “chúng ta cần thẳng thắn, chân thành”. Chân thành giúp đem lại niềm tin, tình cảm gắn bó, hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển và cùng xây dựng cộng đồng vững mạnh. ASEAN vốn là một mẫu hình về sự “thống nhất trong đa dạng” và khi tôn trọng sự đa dạng, khác biệt cũng cần tránh làm phương hại đến lợi ích và tình cảm của nhau mà tất cả hãy đoàn kết, nỗ lực vì lợi ích chung của Cộng đồng ASEAN.
Đề cập đến vấn đề Biển Đông, huyết mạch giao thông hàng đầu của thế giới, liên quan lợi ích rất nhiều quốc gia, Thủ tướng cho rằng, thời gian qua, đã có những nỗ lực, tiến triển trong đàm phán COC giữa ASEAN và Trung Quốc và hướng tới sớm hoàn tất COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp luật pháp quốc tế, bền vững và được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, tình hình trên thực địa vẫn rất phức tạp (bồi đắp các thực thể, quân sự hóa, va chạm, đâm chìm tàu của ngư dân…), các bên cần vừa khuyến khích đối thoại và hợp tác, vừa thẳng thắn, trách nhiệm đối với những diễn biến có thể tác động tiêu cực đến môi trường hòa bình, an ninh và ổn định.
Thủ tướng nhấn mạnh, “hòa bình và ổn định, đoàn kết, thống nhất và hợp tác phát triển là những giá trị mà chúng ta đã phải hy sinh không ít để có được”. Thực tế, phải mất 3 thập kỷ, mới có được gia đình ASEAN với 10 quốc gia Đông Nam Á anh em hôm nay và đã phải trải qua nửa thế kỷ để có Cộng đồng ASEAN lớn mạnh ngày nay, đó chính là nhờ nỗ lực, thiện chí và tình cảm của nhân dân các nước, và cũng là công sức được rất nhiều thế hệ xây dựng, vun đắp và phát triển.
Cộng đồng ASEAN có phát triển bền vững hay không phụ thuộc phần lớn vào đoàn kết, bản lĩnh và ý chí của các nước thành viên. Chúng ta cần cân bằng trong tiếp cận, hài hòa trong quan hệ, chủ động trong hành động, bởi đó chính là “chìa khóa” giúp ASEAN kiến tạo chỗ đứng vững vàng, tiếp tục phát triển giữa những nhiễu động của dòng chảy thời đại.
Phát biểu của Thủ tướng được các đại biểu đánh giá cao.
Hội nghị đã thông qua Tuyên bố Tầm nhìn Lãnh đạo ASEAN về Quan hệ đối tác vì sự bền vững; Tuyên bố của Lãnh đạo ASEAN về Năm Văn hóa ASEAN 2019; Tuyên bố Bangkok về Chống rác thải biển ở khu vực ASEAN. Trong phát biểu tại hội nghị, Tổng thống Philippines đã chân thành cảm ơn Chính phủ Việt Nam, ngư dân Việt Nam đã cứu giúp ngư dân Philippines trong vụ việc 9/6/2019, thể hiện tinh thần ASEAN hỗ trợ lẫn nhau và thực hiện đúng các quy định quốc tế ứng xử trên biển.
Thúc đẩy quan hệ song phương
Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có một số cuộc gặp, làm việc, tiếp xúc song phương các trưởng đoàn, nhà lãnh đạo các quốc gia ASEAN tham dự Hội nghị (Thủ tướng Thái Lan, Singapore, Lào, Campuchia, Tổng thống Indonesia). Tại các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc, hai bên đã trao đổi nhiều biện pháp, định hướng thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương, cũng như giải quyết các vấn đề cụ thể như vấn đề giải quyết lao động, thúc đẩy phân định các vùng biển, các vướng mắc về thuế…
Theo đề nghị của phía Singapore, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Thủ tướng Lý Hiển Long. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phê phán phát biểu ngày 30/5/2019 của Thủ tướng Lý Hiển Long phần liên quan đến Việt Nam và Campuchia giai đoạn 1979 – 1980. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định lịch sử đã chứng minh những nhận định của phía Singapore về vai trò của Việt Nam vào thời điểm đó là không đúng và việc nêu lại những định kiến này làm tổn thương sâu sắc tới Việt Nam và Campuchia, đặc biệt là thân nhân của hàng trăm nghìn quân tình nguyện Việt Nam đã hy sinh xương máu để mang lại hòa bình, giúp giải phóng nhân dân Campuchia khỏi chế độ Khmer Đỏ tàn bạo và cả quá trình xây dựng đất nước đầy khó khăn, gian khổ sau này.
Thủ tướng Lý Hiển Long giải thích Singapore không có ý làm tổn thương Việt Nam, chỉ nhắc lại một chương đau buồn trong lịch sử Đông Dương để nhấn mạnh hoà bình, ổn định và thịnh vượng hôm nay không mặc nhiên mà có, và bối cảnh hiện nay đòi hỏi ASEAN tiếp tục duy trì đoàn kết, gắn bó và tăng cường hợp tác. Thủ tướng Lý Hiển Long cũng nhấn mạnh, Singapore hết sức coi trọng quan hệ hữu nghị và tin cậy với Việt Nam, đánh giá cao vai trò và những đóng góp quan trọng của Việt Nam từ trước tới nay trong việc duy trì hoà bình, an ninh, ổn định và phát triển của khu vực cũng như trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh, đoàn kết và tự cường. Hai Thủ tướng đánh giá cao cuộc gặp đã giúp hai bên hiểu nhau hơn, nhất trí tinh thần hướng tới tương lai, tập trung thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Singapore trên tất cả các lĩnh vực.
Bên lề Hội nghị, Thủ tướng đã gặp mặt một số tập đoàn lớn của Thái Lan để trao đổi về một số dự án đầu tư lớn áp dụng công nghệ, thân thiện môi trường, thúc đẩy xuất khẩu hàng Việt Nam…
Trong thời gian tham dự Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã đến thăm Đại sứ quán, gặp gỡ và nói chuyện với đại diện cộng đồng người Việt Nam đang công tác, học tập và sinh sống tại đây.
Chuyến tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 34 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã góp phần thắt chặt và củng cố tinh thần đoàn kết ASEAN, phát huy vai trò trung tâm của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, mở rộng, làm sâu sắc quan hệ với các đối tác của ASEAN; nâng cao hình ảnh Việt Nam đổi mới, tham gia chủ động, tích cực và có trách nhiệm trong việc giải quyết các thách thức của khu vực.