Thực trạng nghiên cứu và triển khai du lịch có trách nhiệm tại Việt Nam

THS. LÊ THU THỦY (Viện Kinh tế và Quản lý, Đại học Bách khoa Hà Nội)

TÓM TẮT:

Trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn 2030, du lịch được định hướng để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và Việt Nam trở thành quốc gia có ngành Du lịch phát triển. Du lịch có trách nhiệm đang trở thành một xu hướng ngày càng mạnh mẽ hơn trên thế giới và đã được giới thiệu, triển khai tại Việt Nam. Bài viết nhằm tìm hiểu việc triển khai du lịch có trách nhiệm tại Việt Nam, qua đó, đề xuất định hướng nghiên cứu và phát triển du lịch có trách nhiệm trong tương lai.

Từ khóa: du lịch có trách nhiệm, Việt Nam, xu hướng phát triển du lịch có trách nhiệm, du lịch sau đại dịch Covid-19.

1. Tổng quan về du lịch có trách nhiệm

Ngành du lịch, đặc biệt là du lịch quốc tế, đã tăng trưởng liên tục với lượt khách gần như bằng 0 từ những năm 1950 đến xấp xỉ 1,5 tỷ lượt khách vào năm 2019. Sự phát triển mạnh mẽ này đã đem lại cả những tác động tích cực và tiêu cực. Ở khía cạnh tích cực, du lịch trở thành ngành kinh tế lớn nhất thế giới, đóng góp 10,3% GDP toàn cầu vào năm 2019, lượng khách du lịch được dự báo tăng trưởng 3,3% mỗi năm và sẽ đạt 1,8 tỷ lượt khách vào năm 2030. Đây cũng là ngành tạo ra 25% công việc mới mỗi năm trên toàn thế giới. Ở chiều ngược lại, du lịch ồ ạt đặt ra những vấn đề về ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên, phân biệt đối xử,...

Đại dịch Covid-19 đã khiến tỷ lệ đóng góp vào GDP toàn cầu của ngành Du lịch chỉ còn là 5,3% vào năm 2020 và 6,1% vào năm 2021. Cùng với tỷ lệ thất nghiệp cao, mức chi tiêu của khách du lịch nội địa và quốc tế đều sụt giảm nghiêm trọng. Khi đại dịch được kiểm soát, ngành Du lịch được thúc đẩy trở lại ở nhiều quốc gia. Đây là dịp để các chính phủ, các tổ chức cũng như các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch nghiên cứu những thay đổi trong xu hướng du lịch do tác động của đại dịch, đề ra định hướng và chiến lược phát triển trong tương lai.  

Khái niệm du lịch có trách nhiệm được xây dựng trên cơ sở định nghĩa về phát triển bền vững của Ủy ban Thế giới về môi trường và phát triển năm 1987 và đã được đề cập chính thức trong Tuyên bố Cape Town tại Hội thảo toàn cầu của Liên Hợp quốc về Phát triển bền vững tại Johannesburg vào năm 2002. Theo Tuyên bố này, du lịch có trách nhiệm đem lại các lợi ích chính như:

  • Giảm thiểu tác động tiêu cực về kinh tế, môi trường và xã hội;
  • Tạo ra nhiều lợi ích kinh tế hơn cho người dân địa phương và nâng cao đời sống của cộng đồng địa phương, cải thiện điều kiện làm việc và tiếp cận ngành du lịch;
  • Người dân địa phương được quyền tham gia vào những quyết định ảnh hưởng đến cuộc sống và cơ hội;
  • Đóng góp tích cực vào bảo tồn di sản tự nhiên và văn hóa nhằm duy trì sự da dạng của thế giới;
  • Tạo ra những trải nghiệm thú vị hơn cho du khách thông qua những mối quan hệ ý nghĩa hơn với người dân địa phương, am hiểu hơn về những vấn đề văn hóa, xã hội và môi trường của điểm đến;
  • Người khuyết tật được tiếp cận;
  • Nhạy cảm về văn hóa, tạo ra sự tôn trọng giữa du khách và chủ nhà, xây dựng niềm tin và sự tự hào cho người dân địa phương.

Du lịch có trách nhiệm là một khái niệm dần được hoàn thiện và củng cố nhưng các học giả vẫn còn nhiều tranh cãi về khái niệm du lịch có trách nhiệm. Bài báo này sử dụng khái niệm du lịch có trách nhiệm là tất cả các hình thức du lịch tôn trọng môi trường tự nhiên, nhân tạo và môi trường văn hóa của điểm đến, cũng như đảm bảo lợi ích của tất cả các bên có liên quan.

2. Các nguyên tắc chính của du lịch có trách nhiệm

Du lịch có trách nhiệm có 3 nhóm nguyên tắc chính, bao gồm: trách nhiệm về kinh tế, xã hội và môi trường.

Các nguyên tắc về trách nhiệm kinh tế bao gồm:

- Đánh giá tác động kinh tế trước khi phát triển du lịch và ưu tiên những hình thức du lịch đem lại lợi ích cho cộng đồng địa phương và tối thiểu hóa tác động tiêu cực đến sinh kế của người dân địa phương, nhận thức được du lịch không phải lúc nào cũng là hình thức phát triển kinh tế địa phương phù hợp nhất;

- Tối đa hóa lợi ích kinh tế địa phương bằng cách tạo ra kết nối, giảm thất thoát, bằng cách đảm bảo cộng đồng được tham gia và hưởng lợi nhờ du lịch. Dùng du lịch để hỗ trợ giảm nghèo bằng những chiến lược hỗ trợ người nghèo;

- Tạo ra những sản phẩm chất lượng cao phản ánh, bổ sung và củng cố cho điểm đến;

- Quảng bá du lịch sao cho phản ánh sự toàn vẹn về tự nhiên, văn hóa và xã hội của điểm đến và khuyến khích các hình thức du lịch phù hợp;

- Áp dụng những tập quán kinh doanh phù hợp, thanh toán và thu phí hợp lý, xây dựng mối quan hệ đối tác nhằm giảm thiểu và chia sẻ rủi ro, tuyển dụng nhân viên theo tiêu chuẩn lao động quốc tế;

- Hỗ trợ phù hợp và đầy đủ các doanh nghiệp nhỏ, vừa và rất nhỏ trong lĩnh vực du lịch để cùng phát triển bền vững.

Các nguyên tắc về trách nhiệm xã hội bao gồm:

- Tích cực tham gia vào cộng đồng địa phương để lập kế hoạch, ra quyết định và xây dựng năng lực để thực hiện du lịch có trách nhiệm;

- Đánh giá tác động xã hội của toàn bộ vòng đời hoạt động du lịch, bao gồm các bước lập kế hoạch và thiết kế, nhằm tối thiểu hóa tác động tiêu cực và tối đa hóa tác động tích cực;

- Nỗ lực khiến du lịch trở thành trải nghiệm xã hội cho tất cả mọi người, đảm bảo có tiếp cận, đặc biệt là những cộng đồng và cá nhân dễ tổn thương và bất lợi;

- Đấu tranh chống khai thác tình dụng, đặc biệt với đối tượng trẻ em;

- Nhạy cảm với văn hóa địa phương, duy trì và khuyến khích đa dạng về văn hóa và xã hội;

- Nỗ lực đảm bảo du lịch đóng góp cho sự phát triển về giáo dục và sức khỏe.

Các nguyên tắc về trách nhiệm môi trường:

- Đánh giá tác động đến môi trường trong toàn bộ vòng đời của cơ sở và hoạt động du lịch, bao gồm các bước lập kế hoạch và thiết kế, đảm bảo tối thiểu hóa tác động tiêu cực và tối đa hóa tác động tích cực;

- Sử dụng nguồn lực bền vững, giảm lãng phí và tiêu dùng quá mức cần thiết;

- Quản trị đa dạng tự nhiên một cách bền vững và bảo tồn nếu thích hợp; cân nhắc loại hình, quy mô du lịch phù hợp, tôn trọng hệ sinh thái và các khu vực bảo tồn dễ bị tác động;

- Thúc đẩy giáo dục và nhận thức về phát triển bền vững đối với tất cả các bên hữu quan. Nâng cao năng lực của các bên và làm theo cách thực hành tốt, hỏi ý kiến chuyên gia về môi trường và bảo tồn.

3. Các bên hữu quan và vai trò trong du lịch có trách nhiệm

Du lịch có trách nhiệm có mục tiêu là tạo ra nơi sinh sống tốt đẹp hơn cho người dân, và điểm đến tốt đẹp hơn cho khách du lịch. Để làm được điều này, du lịch có trách nhiệm đòi hỏi các bên liên quan thực hiện trách nhiệm của mình theo luật pháp, đạo đức và nguyên tắc của xã hội để đưa ra quyết định đem lại lợi ích tối đa nhiều nhất cho con người và môi trường xung quanh. Các bên liên quan chính trong hoạt động du lịch nói chung bao gồm du khách, cộng đồng địa phương, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, tổ chức quản lý điểm đến và chính phủ. Trong khi đó, vì du lịch có trách nhiệm được coi là tập trung nhiều hơn vào cấp độ vi mô, mang tính hành động hơn so với du lịch bền vững nên 2 đối tượng du khách và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ được nghiên cứu nhiều hơn so với những bên liên quan khác.

Một số nghiên cứu về du khách tìm hiểu khái niệm trách nhiệm, và sự khác biệt trong nhận thức và hành vi của du khách về trách nhiệm khi đi du lịch. Các nghiên cứu cho thấy, nhận thức và hành vi của khách du lịch rất đa dạng và ở các mức độ khác nhau. Một du khách có thể thể hiện trách nhiệm ở một khía cạnh nhiều hơn những khía cạnh khác. Trên thực tế, không dễ tạo ra một danh sách các tiêu chí để xác định hay đưa ra định nghĩa về du khách có trách nhiệm. Tùy thuộc vào đặc điểm, bối cảnh riêng của từng điểm đến mà lại có một loạt các hành vi khác nhau thể hiện hành vi du lịch có trách nhiệm.

Trong khi đó, nhiều nghiên cứu về doanh nghiệp cung cấp dịch vụ (đặc biệt là khách sạn và bán tour) tập trung vào trách nhiệm môi trường của các doanh nghiệp này. Du lịch có trách nhiệm giúp những doanh nghiệp này có uy tín với bên ngoài, đem lại không khí tin tưởng và hợp tác bên trong doanh nghiệp. Một số nghiên cứu cho thấy nhân viên làm việc tốt hơn, có mức độ thỏa mãn trong công việc cao hơn, dẫn đến tỷ lệ nghỉ việc thấp, năng suất lao động tăng lên. Khi thực hiện trách nhiệm về môi trường, các doanh nghiệp cũng hưởng lợi nhờ chi phí giảm như tối thiểu hóa lãng phí, sử dụng năng lượng thay thế,... Các nhà nghiên cứu cũng nhận ra vai trò của các doanh nghiệp marketing trong việc quảng bá điểm đến, phối hợp các hoạt động marketing, đặc biệt là nâng cao giá trị và góp phần tạo ra sự phát triển trong khu vực. Tuy vậy, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cũng có thể sử dụng du lịch có trách nhiệm làm công cụ quảng bá về doanh nghiệp hơn là đem lại lợi ích thực sự cho cộng đồng tại điểm đến.

Các công trình nghiên cứu trong lĩnh vực này cũng cho thấy tầm quan trọng của các chính phủ trong việc quảng bá chính sách và hỗ trợ các bên liên quan trong du lịch có trách nhiệm. Mặc dù số lượng nghiên cứu về đối tượng này trong du lịch có trách nhiệm còn ít, các chính phủ giữ vai trò dẫn dắt để phát triển du lịch có trách nhiệm.

Các nghiên cứu cho thấy, du lịch có trách nhiệm không phải là sự lựa chọn khác ngoài du lịch đại chúng, mà du lịch có trách nhiệm nên là cách thực hiện bất kỳ hình thức du lịch nào.

4. Thực trạng du lịch có trách nhiệm tại Việt Nam và xu hướng phát triển du lịch có trách nhiệm sau đại dịch covid-19

Về triển khai thực hiện, 2 chương trình du lịch có trách nhiệm lớn đã được triển khai tại Việt Nam. Khái niệm du lịch có trách nhiệm đã được giới thiệu vào Việt Nam qua Chương trình Phát triển năng lực Du lịch có trách nhiệm với Môi trường và Xã hội do Liên minh châu Âu tài trợ. Chương trình thứ hai được thực hiện từ năm 2014 đến năm 2016 do Tổ chức Lao động Thế giới ILO tài trợ có tên gọi Chương trình Xây dựng Du lịch bền vững và có trách nhiệm ở miền Trung Việt Nam, tập trung vào khu vực nông thôn và vùng sâu xa của tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên Huế. Kết quả là các chương trình này đã thực hiện một loạt các hoạt động hỗ trợ xây dựng chiến lược, chính sách, kế hoạch hành động, các ấn phẩm để quảng bá, đào tạo, hướng dẫn thực hiện Du lịch có trách nhiệm ở nhiều tỉnh thành của Việt Nam. Trong các bên liên quan kể trên, những chương trình này tác động nhiều nhất đến chính phủ, hiệp hội và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cũng như cộng đồng địa phương.

Về nghiên cứu, một loạt các nghiên cứu ở các cấp độ khác nhau đã được thực hiện. Nghiên cứu của Mai Nguyễn và cộng sự tìm hiểu chung về ngành Du lịch Việt Nam và nhấn mạnh một số hoạt động quảng bá du lịch có trách nhiệm tại Việt Nam. Nghiên cứu này chỉ ra du khách là bên liên quan then chốt nhất để thúc đẩy du lịch có trách nhiệm. Trong khi đó, chưa có nhiều nghiên cứu về đối tượng này tại Việt Nam. Hầu hết các nghiên cứu xem xét tổng quan về du lịch có trách nhiệm tại Việt Nam hoặc vai trò của chính phủ và các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ.

Mặc dù Việt Nam đã đạt được những thành tựu như được xếp hạng 6 trong 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới, năng lực cạnh tranh tăng 12 bậc từ hạng 75/141 năm 2015 lên hạng 63/140 nền kinh tế năm 2019, du lịch Việt Nam vẫn xếp hạng 96/99 về du lịch bền vững toàn cầu trong năm 2021 theo báo cáo của Euromonitor. Với kết quả này, về khía cạnh bền vững, du lịch Việt Nam được đánh giá thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á như Lào, Campuchia, Thái Lan,…

Trong khi đó, xu hướng du lịch hậu Covid-19 có một số thay đổi, càng cho thấy tầm quan trọng của du lịch có trách nhiệm và nhu cầu thúc đẩy cách thức làm du lịch này.

Thứ nhất là, trong trung hạn, du khách vẫn hạn chế đi du lịch theo đoàn lớn, ở những nơi đông đúc. Điều này có nghĩa là những điểm đến quá phổ biến và mang tính đại chúng có thể gặp khó khăn trong việc thu hút khách du lịch. Thay vào đó, du khách có xu hướng lựa chọn những điểm đến gần gũi với thiên nhiên và cộng đồng như các khu bảo tồn thiên nhiên, các vùng biển, vùng sâu vùng xa mang tính riêng tư, và vì thế, họ có nhận thức tốt hơn về trách nhiệm của du khách với điểm đến, cũng như mong muốn điểm đến được bảo tồn cả về thiên nhiên và văn hóa.

Thứ hai là, những yếu tố mang tính quyết định đến lựa chọn điểm đến bao gồm điều kiện vệ sinh và y tế tại điểm đến, đòi hỏi cải thiện cơ sở vật chất tại điểm đến. Ngoài ra, du khách cũng quan tâm đến những hoạt động giúp cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần. Những hoạt động thể thao và tình nguyện tại điểm đến có thể thỏa mãn nhu cầu này của du khách trong khi tạo ra việc làm cũng như tương tác giữa du khách và cộng đồng địa phương.

Thứ ba là, du khách có nhu cầu lưu trú dài hơn tại một điểm đến, thay vì di chuyển đến nhiều điểm đến khác nhau trong hành trình. Nhiều nghiên cứu cho thấy, xu hướng này có thể tạo điều kiện cho du khách thực hiện trách nhiệm kinh tế vì họ có xu hướng sử dụng sản vật địa phương nhiều hơn khi lưu trú dài hơn.

Thứ tư là, du lịch nội địa có thể chiếm tỷ trọng lớn trong ngắn hạn. Một khảo sát về nhận thức và hành vi của du khách Việt Nam trên website Booking.vn trong năm 2021 cho thấy nhiều thay đổi tích cực, như: du khách có xu hướng lựa chọn khách sạn thân thiện với môi trường, sẵn lòng hỗ trợ cộng đồng địa phương,… Đây là tiền đề tốt để đẩy mạnh phổ biến trách nhiệm của du khách nội địa, từ đó tạo ra nhu cầu về du lịch có trách nhiệm để trở thành sức ép ngược lại, buộc các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ du lịch phải nâng cao tiêu chuẩn hoạt động.

Thứ năm là, du khách trẻ tuổi sẽ chiếm tỷ trọng lớn do du khách lớn tuổi trở nên thận trọng hơn sau đại dịch. Xu hướng này đòi hỏi nghiên cứu và phát triển các sản phẩm du lịch phù hợp, cũng như cần đẩy mạnh phổ biến du lịch có trách nhiệm cho đối tượng du khách này.

Bài học kinh nghiệm từ những quốc gia Đông Nam Á lân cận cho thấy, thay vì chú trọng phát triển du lịch về quy mô, chính phủ một số quốc gia như Lào, Indonesia đã phát triển các sản phẩm du lịch ngách, cao cấp, đắt tiền hơn, ưu tiên chất lượng hơn số lượng, bởi họ nhận thức được khó có khả năng cạnh tranh về giá với một số quốc gia như Thái Lan, Trung Quốc. Một số sản phẩm du lịch của những quốc gia này đã đạt được giải thưởng Du lịch có trách nhiệm toàn cầu. Những giải thưởng này vừa là một công cụ quảng bá du lịch đem lại cho du khách mong ước được có những trải nghiệm khác biệt, vừa là động lực cho các doanh nghiệp du lịch tại những quốc gia này phát triển thêm những sản phẩm ngách tương tự. Đây là một hướng đi phù hợp để phát triển ngành du lịch bền vững và có trách nhiệm.

5. Kết luận

Đại dịch Covid-19 đặt ra thách thức mới trong phát triển du lịch ở Việt Nam và trên thế giới. Đẩy mạnh thực hiện du lịch có trách nhiệm chính là một hướng giúp giải quyết những thách thức đó. Bài viết cho thấy, mặc dù chiến lược phát triển du lịch của Việt Nam đã đề cao phát triển du lịch bền vững và có trách nhiệm, việc triển khai còn có hạn chế, dẫn đến phát triển du lịch đã có những tác động tiêu cực về môi trường, văn hóa và kinh tế. Nghiên cứu về sự thay đổi nhận thức và hành vi của du khách sau đại dịch cũng như những kinh nghiệm từ những quốc gia lân cận sẽ giúp Việt Nam phát triển du lịch cả về số lượng và chất lượng. Bài báo cho thấy, cần bổ sung nghiên cứu về đối tượng du khách để những chiến lược và chính sách được thực hiện hiệu quả hơn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Jamal, T., Camargo, B., & Wilson, E. (2013). Critical Omissions and New Directions for Sustainable Tourism: A Situated Macro-Micro Approach. Sustainability, 5(11), 4594-4613. DOI:10.3390/su5114594. 
  2. Camilleri, M. A. (2015). Responsible tourism that creates shared value among stakeholders. Tourism Planning & Development, 13(2), 219-235. DOI:10.1080/21568316.2015.1074100.
  3. Sanjana Mondal & Kaushik Samaddar. (2021). Responsible tourism towards sustainable development: literature review and research agenda, Asia Pacific Business Review, 27(2), 229-266. DOI: 10.1080/13602381.2021.1857963.
  4. Ming-Lang Tseng, Kuo-Jui Wu, Chia-Hao Lee, Ming K. Lim, Tat-Dat Bui, Chih-Cheng Chen. (2018). Assessing sustainable tourism in Vietnam: a hierarchical structure approach, Journal of Cleaner Production. DOI: 10.1016/j.jclepro.2018.05.198.
  5. Lenny Yusrini, Nhem Sochea, Ann Suwaree Ashton, Ngo Tuyet Diem Khanh, Rasmee Islam, Santi Rahmawati, Veasna Ky, Andrea Le Ta Hoang Nhi, Sharifah Nurafizah Syed Annuar, Hiram Ting. (2022). An Outlook on Responsible Tourism in Southeast Asia, Journal of Responsible Tourism Management, 2(1). DOI: 10.47263/JRTM.02-01-06.
  6. Orîndaru, A.; Popescu, M.-F.; Alexoaei, A.P.; C ˘aescu, S, .-C.; Florescu, M.S.; Orzan, A.-O. (2021). Tourism in a Post-COVID-19 Era: Sustainable Strategies for Industry’s Recovery. Sustainability 2021, 13, 6781. https:// doi.org/10.3390/su13126781.
  7. Hoang V. Nguyen, Tuyen D. Quang, Tho Alang, Long D. H. Ngo & Thanh D. Nguyen. (2022). Toward sustainable tourism practice in the post-COVID-19: Perspectives from Nha Trang, Vietnam, Cogent Social Sciences, 8(1), DOI: 1080/23311886.2022.2064590.
  8. Phuong Mai Nguyen, Nam D. Vo, Quang Long To, Van Toan Dinh (2022). Towards Responsible Tourism in Vietnam: Critical Review and Implications for Future Research, Global changes and sustainable development in Asian Emerging Market Economies, Vol 1 pp 605-621, DOI: 10.1007/978-3-030-81435-9_41.
  9. Vietnamese Government (2011). Strategy on Vietnam’s tourism development until 2020, vision to 2030. Decision 2473/QĐ-TTg, dated December 30, 2011.
  10. Cape Town Declaration on Responsible Tourism, (2014), Cape Town Declaration on Responsible Tourism - Responsible Tourism Partnership truy cập 15/6/2022.
  11. VNA (2021). Vietnamese opt for sustainable tourism after COVID-19, <https://en.vietnamplus.vn/vietnamese-opt-for-sustainable-tourism-after-covid19/204766.vnp
  12. Nguyễn Châu Á. (2021). Xu hướng du lịch Việt Nam sau đại dịch COVID-19 (2022-2023). Truy cập tại oxalisadventure.com.
  13. Nguyễn Quý. (2021). Vietnam among world’s least sustainable travel destinations, <https://e.vnexpress.net/news/travel/places/vietnam-among-world-s-least-sustainable-travel-destinations-euromonitor-4249165.html#:~:text=Vietnam%20finished%20in%20the%20bottom,British%20market%20research%20firm%20Euromonitor.

Current development of responsible tourism in Vietnam

MSc. Le Thu Thuy

School of Economics and Management, Hanoi University of Science and Technology

Abstract:

In the Strategy for Tourism Development to 2020, vision 2030, tourism is determined to be the spearhead of Vietnam’s economy and Vietnam aims to become a country with developed tourism. Responsible tourism has been a growing tourism development trend in the world. This tourism type has been introduced and implemented in Vietnam for more than 10 years. This paper is to explore the development of responsible tourism in Vietnam, thereby proposing orientations for further researches and the development of responsible tourism in Vietnam in the coming time.

Keywords: responsible tourism, Vietnam, the development trend of responsible tourism, tourism in the post-Covid period.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 15, tháng 6 năm 2022]