TÓM TẮT:
Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển củaa các ngành nghề trong nền kinh tế, ngành Dịch vụ logistics Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc và tiềm năng tăng trưởng to lớn. Chỉ số năng lực hoạt động logistics - LPI (Logistics Performance Index) 2018 của Việt Nam được Ngân hàng Thế Giới công bố trong báo cáo tháng 07 năm 2018, theo đó Việt Nam được xếp hạng 39/160 nước tham gia điều tra, tăng 25 bậc so với xếp hạng năm 2016 (64/160). Đây là kết quả của những chính sách, chiến lược đúng đắn và kịp thời của Nhà nước, cùng với sự nỗ lực không ngừng của các doanh nghiệp ngành Dịch vụ logistics Việt Nam.
Từ khóa: Nguồn nhân lực, ngành dịch vụ logistics.
1. Đặt vấn đề
Nguồn nhân lực ngành Logistics - một yếu tố cốt lõi góp phần vào sự phát triển của ngành, đang phải đối mặt với nhiều vấn đề như thiếu về số lượng nhân sự, yếu về chất lượng chuyên môn, các cơ hội phát triển trong ngành một cách bình đẳng và bền vững. Chính vì vậy, việc đánh giá thực trạng nguồn nhân lực logistics một cách tổng thể, đầy đủ phản ánh chính xác tình hình thực tế thị trường lao động và việc đề ra các chiến lược phát triển bền vững nguồn nhân lực ngành logistics Việt Nam đang là yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.
2. Thực trạng nguồn nhân lực logistics ở Việt Nam hiện nay
2.1. Công tác tuyển dụng nhân viên logistics của doanh nghiệp
Thiếu hụt nhân sự là một trong ba vấn đề gây khó khăn cho các công ty logistics trong hoạt động kinh doanh của mình. Theo công bố của Sách trắng Logistics Việt Nam 2018 (VLA), hiện nay, ngành Dịch vụ logistics Việt Nam có khoảng 4.000 doanh nghiệp hoạt động chuyên nghiệp, trong đó 54% số doanh nghiệp tập trung trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, nhu cầu về nguồn nhân sự logistics là rất lớn. Dự báo đến năm 2030, nhu cầu nhân lực chuyên nghiệp cho toàn ngành là 200.000 nhân sự, trong khi khả năng đáp ứng nhu cầu nhân sự chỉ đạt khoảng 10%, một con số vô cùng khiêm tốn.
Ngoài ra, xu thế hiện nay các doanh nghiệp làm dịch vụ logistics vẫn trập trung nhiều vào mảng dịch vụ giao nhận và khai báo hải quan. Tuy nhiên, cần lưu ý là với việc áp dụng thông quan tự động 100% qua hệ thống VNACCS/VCIS, trong tương lai việc tuyển dụng nhân viên ở vị trí thông quan hàng hóa có thể sẽ giảm và thay vào đó là sự gia tăng nhu cầu tuyển dụng vị trí công việc phù hợp xu thế phát triển một số lĩnh vực dịch vụ logistics mới như nhân viên thương mại điện tử, nhân viên điều phối đơn hàng chặng cuối (last mile dilivery).
2.2. Công tác đào tạo nhân viên logistics của doanh nghiệp
Vấn đề đào tạo thường xuyên, đào tạo ngắn hạn cho nhân viên trong doanh nghiệp ngày càng được chú trọng, bởi lẽ các khóa học chính là cơ hội để nhân sự của doanh nghiệp được cập nhật, trao đổi và chia sẻ kiến thức chuyên ngành cũng như kinh nghiệm làm việc. Do đó, các doanh nghiệp chú trọng đào tạo nội bộ (chiếm 37,1% trên tổng số trả lời), cử đi học ngắn hạn và các khóa đào tạo bên ngoài chiếm trên 27% trong tổng số trả lời. Sau khi tuyển dụng, thời gian đào tạo lại nhân viên logistics của doanh nghiệp thường chiếm từ 6-8 tuần với tỷ lệ trên 37% trong tổng số trả lời, dưới 4 tuần là 27% trên tổng số trả lời, đào tạo lại trong 3 tháng chiếm tỷ trọng 17% trong tổng số trả lời và từ 4 tháng trở lên là khoảng trên 15% trong tổng số trả lời. Các doanh nghiệp cũng cho biết sau khi tuyển dụng, doanh nghiệp có tiến hành đào tạo hội nhập, đào tạo về công việc trong quá trình làm việc vẫn tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng nhân viên, có như vậy mới đảm bảo chất lượng của nhân viên logistics. Điều này cho thấy các trường có cơ hội cung cấp các khóa đào tạo ngắn hạn (dưuới 8 tuần) cho nhân viên mới, hoặc nhân viên hiện đang làm tại các công ty logistics.
2.3. Tình hình lương cho nhân viên logistics trong doanh nghiệp
Vấn đề lương thưởng đối với các vị trí công việc được các ứng viên tuyển dụng quan tâm hàng đầu, bên cạnh vị trí công việc và điều kiện làm việc cũng như yêu cầu của việc của nhà tuyển dụng. Đối với ngành Logistics, các vị trí công việc rất đa dạng và phong phú, từ các vị trí công việc nhân viên vận hành kho, nhân viên giao nhận, thương vụ, nhân viên lái xe tải, xe nâng, đến nhân viên khai báo hải quan, điều phối vận tải,... Đối với nhân viên logistics mới vào nghề, mức lương từ 5 đến dưới 7 triệu đồng/người/tháng. Đối với nhân sự có kinh nghiệm trên 3 năm, mức lương có sự gia tăng đáng kể, lên mức 11 triệu đồng/ người/ tháng và một số vị trí đạt hơn 15 triệu đồng/ người/tháng (nhân viên kho, xếp dỡ hàng, hải quan và lái xe tải), bởi với kinh nghiệm được tích lũy, nhân sự logistics đã có những đóng góp nhất định vào thành công và sự phát triển chung của doanh nghiệp.
2.4. Bức tranh tương lai về nghề nghiệp logistics
Thực tế cho thấy, sự khác biệt về mục tiêu thực tập và nhận thực tập chính là rào cản lớn trong việc tổ chức thực hiện thực tập tại doanh nghiệp. Qua phản ánh từ các doanh nghiệp, phần lớn sinh viên khi đến đề nghị được thực tập đều rất quan tâm việc doanh nghiệp có sẵn sàng cung cấp số liệu thực tế để sinh viên đưa vào báo cáo thực tập hay không, vì đây là một yêu cầu rất quan trọng từ phía cơ sở đào tạo, nhằm đảm bảo việc sinh viên có tiếp cận thực tế doanh nghiệp. Trong khi đó, về phía doanh nghiệp, mặc dù rất sẵn sàng tiếp nhận sinh viên thực tập, nhưng vì bí mật kinh doanh, việc cung cấpsố liệu thực tế sẽ phải hạn chế, nênđây chính là rào cản của doanh nghiệp trong khi hỗ trợ sinh viên. Ngoài ra, với bối cảnh hơn 90% doanh nghiệp logistics Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí là siêu nhỏ, việc cho chính nhân sự trực tiếp hướng dẫn sinh viên theo quy trình bài bản sẽ thực sự gây ra áp lực công việc cho chính nhân sự hướng dẫn. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều doanh nghiệp thậm chí có xây dựng kế hoạch tiếp nhận thực tập và bố trí nhân sự phụ trách công tác thực tập. Kết quả khảo sát cho thấy có khoảng 12% trên tổng số trả lời cho biết không gặp khó khăn gì khi tiếp nhận sinh viên thực tập tại doanh nghiệp mình.
3. Một số giải pháp phát triển nguồn nhân lực cho ngành Logistics ở Việt Nam
3.1. Công tác tuyển dụng
Để nâng cao tính hiệu quả trong công tác tuyển dụng nhân sự, việc cần làm ngay là phải có những dự báo phù hợp về xu hướng phát triển của ngành dịch vụ logistics, xác định nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Điều này không chỉ giúp cho doanh nghiệp logistics đánh giá được tình hình nhân sự trong doanh nghiệp mà còn giúp các cơ sở đào tạo có căn cứ tuyển sinh và đào tạo sinh viên đáp ứng được thị trường lao dộng. Để đạt được kết quả khả quan, doanh nghiệp và cơ sở đào tạo phải có mối quan hệ hợp tác chính thống, được thừa nhận, gắn chặt quyền lợi và trách nhiệm của hai bên trong việc xác định các chương trình hợp tác giữa hai bên, vấn đề hướng nghiệp cho sinh viên, cam kết hỗ trợ thực tập và việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp của doanh nghiệp. Ngược lại, cơ sở giáo dục cũng phải đảm bảo tỷ lệ thời gian doanh nghiệp tham gia vào công tác đào tạo trong nhà trường, góp phần giảm bớt thời gian và chi phí đào tạo lại của doanh nghiệp khi tuyển dụng.
3.2. Công tác đào tạo
Thực tế cho thấy, Chính phủ và Nhà nước rất quan tâm đến công tác đào tạo nguồn nhân lực logistics, thể hiện qua ban hành các chính sách. Trong đó, nổi bật là Quyết định số 200/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đã đề ra 6 nhóm nhiệm vụ, trong đó có nhiệm vụ “đào tạo, nâng cao nhận thức và chất lượng nguồn nhân lực” chú trọng vào đẩy mạnh đào tạo logistics ở bậc Đại học, nâng cao số lượng và chất lượng giảng viên về logistics và kết nối các tổ chức đào tạo, doanh nghiệp logistics Việt Nam với các tổ chức đào tạo nước ngoài. Thông tư số 24/2017/TT-BGDĐT ngày 10/10/2017 đã ban hành danh mục giáo dục, đào tạo cấp IV trình độ đại học, trong đó có mã ngành đào tạo logistics. Thông tư số 06/2019/TT-BLĐTBXH bổ sung ngành, nghề đào tạo vào danh mục ngành, nghề đào tạo cấp IV trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng ban hành kèm theo Thông tư số 04/2017/TT-BLĐTBXH ngày 02 tháng 03 năm 2017.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh nguồn lực đào tạo còn thiếu (đội ngũ giảng viên tại các trường, nhân sự hướng dẫn thực tập tại doanh nghiệp) và chỉ tập trung ở các thành phố lớn, trong khi nhu cầu được học tập và đào tạo phổ biến trên địa bàn cả nước. Do đó, rất cần có sự quan tâm của Nhà nước nhằm đầu tư xây dựng nền tảng trực tuyến đào tạo logistics (E-platform) là nơi chia sẻ tài liệu học tập, giảng dạy, mạng lưới kết nối giảng viên và người học, e-learning, kết nối cơ sở đào tạo và doanh nghiệp tuyển dụng theo đúng xu thế của nền kinh tế chia sẻ (sharing economy).
3.3. Giữ chân nguồn nhân lực logistics
Giải pháp về duy trì nguồn nhân lực logistics gắn liền với vấn đề lương thưởng và chế độ đãi ngộ nhân viên. Theo đó, doanh nghiệp cần tăng mức lương tối thiểu theo giá thị trường và tham khảo theo quy định của Nhà nước theo số năm cống hiến và kinh nghiệm làm việc của nhân viên. Song song đó, doanh nghiệp cần đáp ứng các phúc lợi tốt nhất cho các nhân viên theo Luật Lao động. Việc xét tăng luơng hàng năm nên tiến hành theo kết quả kinh doanh và KPI của nhân viên cũng như duy trì thưởng tháng lương thứ 13. Việc thưởng kịp thời theo tháng, quý, hoặc những kết quả khác qua năng suất làm việc và các sáng kiến - giải pháp làm lợi cho doanh nghiệp góp phần thúc đẩy sự hứng khởi làm việc và sáng tạo của nhân viên.
3.4. Cải thiện năng lực của nhân lực logistics trong xu thế cách mạng công nghiệp 4.0
Để cải thiện năng lực của nhân lực logistics trong xu thế cách mạng công nghiệp 4.0, cần tập trung vào 5 nhóm giải pháp lớn:
Một là, nhà trường ký kết hợp đồng chiến lược với các doanh nghiệp logistics để phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh hiện nay đã có thêm những tiêu chí, điều kiện ràng buộc bởi đòi hỏi sự đổi mới trong công tác đào tạo, nhằm nâng cao chất lượng đầu ra đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp.
Hai là, cần đẩy mạnh công tác dự báo nhu cầu thị trường nhân lực trong tương lai gần và xa hơn. Đây là nội dung cần được đặc biệt quan tâm, bởi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ có tác động rất lớn tới cơ cấu của nền kinh tế, khả năng suy giảm, thậm chí biến mất của nhiều ngành nghề cũng như sự xuất hiện mới của những ngành nghề trong tương lai là hoàn toàn có thể xảy ra, điều này sẽ dẫn tới những thay đổi rất lớn trong cơ cấu việc làm.
Ba là, sự kết hợp của 3 “Nhà”: Nhà trường - Nhà khoa học - Nhà doanh nghiệp trong đào tạo nhân lực phục vụ cách mạng công nghiệp 4.0 cần dựa trên nguyên tắc trách nhiệm - chia sẻ cùng phát triển bình đẳng và bền vững.
Bốn là, nâng cao nhận thức của xã hội về đào tạo nghề, một trong những giải pháp then chốt là công tác truyền thông, quảng bá hình ảnh về giáo dục nghề nghiệp nhằm thay đổi nhận thức xã hội tạo sức hút, sức hấp dẫn của hệ thống giáo dục nghề nghiệp đối với người dân, doanh nghiệp và xã hội.
Năm là, người học phải chủ động trong việc lựa chọn nghề nghiệp và tích cực học tập, rèn luyện kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp và ngoại ngữ.
4. Kết luận
Với xu thế phát triển của ngành Logistics và thời đại của cách mạng công nghiệp 4.0, các dịch vụ logistics mới gia tăng, đòi hỏi cao hơn yêu cầu về nhân lực chất lượng và sáng tạo. Vì vậy, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, Ban Tư vấn đào tạo ngành Logistics và Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cần ban hành các yêu cầu về tiêu chuẩn nghề, tiêu chuẩn kỹ năng nghề. Với sự kết hợp doanh nghiệp và nhà trường, các tiêu chuẩn nghề, tiêu chuẩn kỹ năng nghề cần được xây dựng phù hợp, cập nhật định kỳ và đáp ứng nhu cầu nhân lực của ngành Logistics Việt Nam.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Đặng Đình Bảo (2018). Giáo trình quản trị Logistics. Nhà xuất bản tài chính.
- Walter L. Wallace, Yusen L. Xia (2014), Delivering Customer Value through Procurement and Strategic Sourcing: A Professional Guide to Creating A Sustainable Supply Network. Pearson FT Press.
- Suman Sarkar (2017). The Supply Chain Revolution. Amacom.
The status quo of the human resources for Vietnam’s logistics industry
Master. Le Thi Khanh Nhu
Master. Do Thi Thanh Lan
Mien Trung Industry and Trade College
ABSTRACT:
Along the growth of Vietnam’s industry sectors, the country’s logistics industry has made dramatic progresses in recent years with great growth potential. According to the Word Bank’s Logistics Performance Index (LPI) published in July 2018, Vietnam jumped 25 spots in the index, ranking 39th among 160 countries. This achievement is thanks to the timely and effective policies and strategies of the Government of Vietnam as well as persistent efforts of Vietnam’s logistics enterprises.
Keywords: Human resources, logistics industry.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 16, tháng 7 năm 2020]